Chung sống với stress và thoát khỏi áp lực công việc
Stress không phải là thuật ngữ xa lạ với bất kì cá nhân nào khi họ đã là thành viên của một xã hội hiện đại. Cuộc sống càng phát triển thì stress càng dễ xảy ra với bất kì ai nếu chúng ta luôn đứng trước nguy cơ quá tải trong công việc, học tập cũng như các mối quan hệ xã hội.
Stress xuất hiện một cách tự nhiên trong cuộc sống và chúng ta không thể trốn tránh được. Vấn đề là mỗi cá nhân phải làm gì để giải tỏa stress và không để stress biến thành trở ngại trong cuộc sống của mình.
Nguyên nhân của stress nằm ở đâu?
Cuộc sống của mỗi bạn sinh viên không thể thành công nếu không tự vạch ra cho mình những mục tiêu quan trọng cần đạt được trong từng giai đoạn của cuộc sống. Tuy nhiên cần chú ý rằng, phải làm sao để mục tiêu là những cột mốc định hướng cuộc đời của các bạn chứ không phải là cái gì để áp đảo, làm bạn chao đảo giữa đại dương mênh mông cuộc đời. Những mục tiêu vừa sức, khả thi sẽ giúp bạn định hướng cuộc đời và tăng thêm ý chí, nghị lực cho bạn; còn những mục tiêu quá cao hoặc quá nặng nhọc rất có thể sẽ làm bạn sớm gục ngã trên con đường đi đến thành công.
Nguyễn Văn H. là một sinh viên xuất sắc của Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, nhưng H. đã phải tìm đến các nhà tư vấn khi một ngày, kỹ sư tương lai H. không biết tắt màn hình vi tính. Thì ra, H. không làm chủ được bản thân vì bạn đã tự tạo áp lực quá lớn cho mình, muốn khẳng định sự giỏi giang của mình bằng cách chọn đề tài hóc búa, cũng như không cần đến sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè trong suốt quá trình làm đồ án... H. luôn trong trạng thái lo sợ, thất vọng, căng thẳng, dễ cáu gắt và không thể hoàn thành được đồ án khi hạn nộp bài đến gần.
Khi cuộc sống càng trở nên phức tạp và thách thức, rất nhiều tình huống trong cuộc sống đẩy bạn rơi vào “áp lực”, như công việc nhiều, thời gian giải quyết gấp gáp, sức khỏe, tâm lý không tốt lại bị ngoại cảnh (gia đình, bạn bè hoặc các mối quan hệ xã hội) chi phối... Bên cạnh đó, có những người không hiểu rõ khả năng của mình, không biết tiên lượng và từ chối, họ tham công tiếc việc, dồn hết sức để mong hoàn thành công việc nhưng lại không đạt được kết quả mỹ mãn, để rồi đến một thời điểm, họ giống như quả bóng bơm quá căng sẽ bị nổ tung. Lúc bấy giờ, áp lực đã quá tải và vượt quá sức chịu đựng, bạn sẽ trở thành tín đồ của stress hoặc sự căng thẳng tột độ...
Trường hợp của M. Duyên cũng là một ví dụ điển hình. Là nhân viên kinh doanh, nhưng thường ngày cô dành thời gian uống cà phê, tụ tập với bạn bè hoặc mua sắm, làm đẹp nhiều hơn là tập trung vào công việc. Để rồi đến cuối tháng, cô lại bù đầu vào việc gửi báo giá cho khách hàng, thanh toán hóa đơn cho công ty, thu nợ, lên kế hoạch bán hàng cho tháng sau... Bao nhiêu công việc cùng lúc khiến M. Duyên rối tung, chạy tới chạy lui, không có thời gian ăn uống, nghỉ ngơi.
Chỉ mấy ngày, trông M. Duyên phờ phạc hẳn đi mà tình hình công việc vẫn chưa ổn thỏa. “Rất nhiều người có năng lực đặc biệt, họ có thể giải quyết nhiều việc cùng một lúc, nhưng đa phần chúng ta chỉ có khả năng tập trung giải quyết một việc trong một thời điểm. Bởi vậy, sắp xếp công việc khoa học, hợp lý để đạt năng suất cao nhất là điều rất quan trọng để vừa tránh được áp lực công việc vừa đạt được ý nghĩa cuộc sống”. Đó cũng chính là biện pháp quan trọng để vượt qua những áp lực mà chúng ta đang đối mặt.
Thực tế cho thấy những dấu hiệu nhiều bạn trẻ khác đang mắc phải là điển hình cho các biểu hiện của stress. “Khi có các biểu hiện đó, bạn cần được san sẻ, giải tỏa, không để bản thân mình phải lo lắng nhiều thêm. Nếu không giải tỏa được, cần phải trị liệu tâm lý để tránh xảy ra những hành vi tiêu cực khó kiểm soát và dự đoán”.
Nếu không kịp thời tìm ra lối thoát, stress có thể dẫn tới hành động tiêu cực là tự tử và sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Điều ấy để lại những nỗi đau khôn nguôi cũng như sự hối tiếc đến tột cùng.
HUỲNH VĂN SƠN
Có nên trốn tránh stress?
Theo những nghiên cứu tâm lý thì trạng thái căng thẳng đôi khi lại có hiệu ứng tích cực trong hành động, nó giúp con người có động lực để hoàn thành công việc trong thời gian ngắn một cách hiệu quả hơn.
Đơn cử như khi một học sinh đi thi, có thể suốt cả tiếng đồng hồ không làm bài được, nhưng 20 phút cuối lại hoàn thành được bài thi. Có vậy mới thấy, stress không phải là điều đáng sợ và thay vì trốn tránh stress, chúng ta nên học cách đối phó và sống chung với nó. Nếu đó là một kiểu stress không gây áp lực quá mức mà lại có giá trị động viên thì tại sao bạn không mạnh mẽ để đối diện với nó?
Khi bị stress, bạn nên bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân để từ đó có hướng giải quyết hợp lý. Nếu bạn cảm thấy cách phân bố thời gian cho công việc của mình chưa hợp lý thì cần phải điều chỉnh lại ngay để tránh rơi vào trường hợp stress cấp. Nếu bạn cảm thấy bị áp lực quá nhiều từ công việc và không còn thời gian thư giãn thì có thể xin nghỉ phép vài ngày để hòa mình vào thiên nhiên, điều này sẽ giúp bạn “tái làm sạch” bộ não và tiếp tục công việc với một sinh lực mới.
Đôi khi, cũng có bạn trẻ rơi vào tình huống không may, thay vì có những suy nghĩ tích cực thì lại cứ “đắm chìm” trong vòng luẩn quẩn để rồi tiêu hao dần tinh lực lúc nào không biết. Có thể đề cập đến những biểu hiện khác thường của V. - một sinh viên có chứng stress. Bình thường, V. rất hiền lành, chăm ngoan và học giỏi. Nhưng gần đây, V. đập vỡ hai cửa kính ở trường rồi đánh một người bị thương khi người đó không may va xe vào V. Tìm hiểu mới biết, bố mẹ V. vừa ly dị. Về nhà, V. thường đóng cửa không chịu giao tiếp với ai. Có lần V. than phiền: “Sao chẳng ai quan tâm đến mình?”...
Trong trường hợp này, V. có thể vượt qua stress bằng cách thay đổi nhận thức bản thân khi tự đặt câu hỏi: Mình có đòi hỏi nhiều quá không? Mình đã quan tâm đến người khác chưa? Liệu mình có ích kỷ quá không?... V. cũng có thể so sánh với những trường hợp tồi tệ hơn để nhận ra: “Chẳng có gì đáng phải thế cả!” Chính sự thức tỉnh với những ý nghĩ lạc quan, tích cực và thực tế hơn sẽ giúp bạn vượt qua được sự căng thẳng nhất thời.
Trong cuộc sống ngày nay, hầu hết các bạn trẻ đều phải quay cuồng với biết bao bài vở hoặc áp lực công việc. Bạn N. M. H. - sinh viên trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Trời ơi, thật là kinh khủng, suốt từ lúc thức dậy là mình phải bắt đầu chạy theo công việc cho đến lúc lên giường, chẳng có lúc nào rảnh để nghỉ ngơi nữa… nhiều lúc thèm và mong đến ngày Chủ nhật để có thể nghỉ ngơi thoải mái”.
Thật ra không thể phủ nhận sự tất bật và bận rộn của các bạn, nhưng chúng ta có thể tận dụng những khoảnh khắc trong ngày để xả stress với những hành động rất đơn giản. Bạn có thể tạm dừng công việc, học tập nếu có thể; uống ngụm nước, rửa mặt; soi gương nhìn lại chính mình; giải tỏa cảm xúc trên giấy; im lặng để tìm sự cân bằng…
Bên cạnh đó, các bạn cũng cần trang bị cho chính mình một số kỹ thuật để vượt qua áp lực công việc và hạn chế stress hết mức có thể.
Tự vấn
Bạn hãy tự hỏi xem mình đang thật sự cần gì? Đối với bạn điều gì là quan trọng nhất? Những việc làm hiện nay của bạn có ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu của bạn? Bạn hãy liệt kê câu trả lời của mình lên giấy, càng chi tiết càng tốt.
Xác định quyền ưu tiên cho công việc
Cùng một lúc, bạn không thể giải quyết được tất cả các công việc, vì thế, bạn nên xác định quyền ưu tiên cho các công việc. Có những công việc chính, công việc tập thể, có việc cấp thiết bạn phải giải quyết trước để rồi tiếp tục các công việc khác.
Lập kế hoạch và cân bằng cuộc sống
Dựa vào mô hình công việc, bạn hãy lập kế hoạch thực hiện các công việc hàng ngày, hàng tuần, hàng năm. Ở mỗi bản kế hoạch hãy nhớ đánh dấu mức độ ưu tiên của bạn. Khi gặp phải trở ngại nào khiến bạn không thể thực hiện hết những việc đã đề ra, hãy chọn lựa giải quyết chúng theo thứ tự bạn đã xác định.
Bạn có thể chọn cho mình một hình thức giải trí thích hợp để giải tỏa áp lực công việc.
Luôn lạc quan và nỗ lực ý chí
Người lạc quan là người luôn suy nghĩ tích cực, phấn khích, nhiệt huyết với cuộc sống, luôn biết ơn và không hay phàn nàn, than vãn. Lạc quan để đam mê và phấn đấu trong công việc, lạc quan để vượt qua áp lực, lạc quan để đứng dậy sau thất bại, lạc quan để sáng tạo và mạnh dạn hơn trong công việc.
Khẳng định bản thân theo phương châm:
“Những gì bạn nói có thể, bạn sẽ thực hiện được.
Những gì bạn nói không thể, bạn sẽ không thể thực hiện.”
Thật ra ngày nay, stress dường như đã trở thành người bạn đồng hành của nhiều bạn trẻ, do đó, thay vì tìm cách trốn tránh, các bạn nên học cách sống chung với stress. Bên cạnh đó, các bạn cũng cần tổ chức thói quen sinh hoạt hàng ngày một cách logic, khoa học để có thể thư giãn trong những khoảng lặng của cuộc sống.
HUỲNH VĂN SƠN
Home »
Bạn Trẻ Và Kỹ Năng Sống.
» 06: Bạn Trẻ Và Kỹ Năng Sống
06: Bạn Trẻ Và Kỹ Năng Sống
Posted by +84987002345
Posted on 07:19
with No comments
Nhãn:
Bạn Trẻ Và Kỹ Năng Sống.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét