HÈN VÌ MIẾNG ĂN ! HẠI NHAU VÌ MIẾNG ĂN!
Phan Bội Châu trong thời gian mười lăm năm cuối đời, sống ở Huế (1925-1940), có để lại một cuốn Tạp ký. Lúc này ông không còn tâm thế của người đứng ra vận động cứu nước mà thiên về cái nhìn của một trí thức từng trái, đau lòng trước tình trạng lạc hậu của đất nước. Dưới đây là một đoạn ông nhận xét về không khí xô bồ nhếch nhác thường thấy phổ biến ở lễ hội của người Việt – miếng ăn quá to, người ta chỉ nghĩ đến ăn, tranh giành ngôi thứ cũng chỉ vì ăn :
Tế có nghĩa là giao tế (1) vì nó ở trong phạm vi nghi lễ. Quá lắm thì xa xỉ, không đúng mức thì bủn xỉn, đều chưa hợp lễ.
Dân gian tế tự, nghi thức không đủ, mà còn đùa bỡn vật mọn, cả nước như cuồng. Trước lúc chưa tế thì mồm nói cấm kỵ mà đòi uống tìm ăn. Nghe xướng hai tiếng “ lễ tất “, ai nấy đều nhao nhao. Bưng mâm thì ăn ngay trước cửa thần, rót rượu thì uống ngay trước mặt thánh. Đến khi dọn cỗ, trên các quan viên, dưới đến bình dân, ngồi đứng lung tung. Sau khi uống một hai chén rồi, Giáp thì đánh Ất, Ất thì đánh Bính, chửi mắng rầm rầm. Thậm chí chia thịt chưa đều thì đua sức đua hơi ngay ở đấy, để chia tôn ti, phân biệt thứ bậc.
(1) đi lại thù tạc mời đãi nhau
Theo Trương Hữu Quýnh Tìm hiểu những mặt hạn chế và tiêu cực trong di sản truyền thống của dân tộc ta đầu thời Nguyễn, Gia Long từng có một đạo dụ liên quan đến tình trạng tế lễ ở các làng :
Vào đám hát xướng nhiều thì vài mươi ngày đêm, ít thì tám chín ngày. Chèo thuyền hát hỏng ăn uống xa hoa, tiêu không tiếc của, rồi lại đua thuyền múa rối, đủ mọi thứ trò. Lại kén lấy trai tơ gái trẻ đánh cờ đánh bài. Tưởng là thờ thần, thực là để thỏa lòng dục. Ngân quỹ hết thì sinh ra đóng góp, cầm bán ruộng công.
Trong các tiểu thuyết của các nhà văn tiền chiến,lễ hội cũng thường hiện ra như một khung cảnh ồn ào luộm thuộm và mang nhiều tính cách tầm thường. Trong tiểu thuyết Lan và Hữu, Nhượng Tống sau khi miêu tả cảnh đi hội chen chúc hỗn độn, lại đặc biệt than phiền về tình trạng bẩn thỉu mất vệ sinh ở các chùa
Nếu tôi có tội phải người ta bắt đi đầy thì đầy tôi ra Côn Đảo ba năm tôi không sợ bằng đầy tôi nơi cửa chùa Thiên Trù suốt ba tháng hội
Thật không khó gì nếu cần chứng minh cho tính đúng đắn của các nhận xét trên. Báo chí thời nay cũng đã hé ra cho thấy tình trạng tương tự. Vấn đề không phải chỉ là việc tổ chức luộm thuộm, người xe chen lấn ùn tắc, mà còn ở cảm giác dung tục mà con người thời nay mang tới lễ hội. Thiếu lòng thành kính tối thiểu, người ta đi chỉ cốt để cầu lợi.
Hội đền Hùng mùa xuân năm 2002 thường được ghi nhận với việc làm ra một chiếc bánh giày 1,8 tấn, việc này về sau đã được đưa vào sách kỷ lục Guinnes. Nhưng đây là số phận của vật lễ thiêng liêng đó. Ngày 9-3 âm lịch trên đường chuyển đến nơi hành lễ, chiếc bánh bị cả trăm người xúm quanh xô đẩy dằng xé. Bà con đi hội đã tự tiện thụ lộc. Trong khoảng hơn một giờ đồng hồ, từ 10 đến 11.30 h, chiếc bánh bốc hơi hoàn toàn.
Báo Tiền Phong ra ngày 22-4-2002 cho biết như vậy. Theo chỗ tôi đọc được chỉ riêng báo Tiền phong, ngoài ra không có báo nào đưa sự kiện “ hi hữu “ này. Về sau cũng không ai nhắc tới, coi như không có.
SUY NGHĨ NÔNG NỔI
TÍNH KHÍ THẤT THƯỜNG
Cuộc sống đô thị con người đô thị ở nước Việt Nam khi mới bước sang thời hiện đại là phần nội dung chính được miêu tả trong truyện dài Thiếu quê hương (1940) của Nguyễn Tuân. Nhưng chương cuối sách lại có đoạn tác giả cho nhân vật chính về một làng quê là làng Xuân Phả, Thanh Hóa,bàn chuyện đưa một đoàn người làng này qua San Francisco bên Mỹ múa tuồng. Chúng ta bắt gặp ở đây hình ảnh người Việt trong cái làng quê cố hữu của họ, cả người lẫn cảnh không khỏi có phần lèm nhèm nhếch nhác, và khi bước vào sinh hoạt chốn công cộng thì cách cư xử của cá nhân thay đổi thất thường rất khó xác định.
Bảo rằng con người có ý thức về mình ư, đúng lắm ? Trước mặt nhân vật từ trên tỉnh về, một người làng có tài làm nghề và đang được gọi để cùng đi theo đoàn múa tuồng ra vẻ hùng hổ, muốn nhân chuyện người ta cần đến mình mà lên mặt với đời: “ Đi một chuyến cho biết đó biết đây, và chuyến này chúng ông đi Hoa Kỳ về mà đứa nào ở làng này còn giở lối hà hiếp tranh chỗ ngồi ngoài đình với chúng ông, ông đánh tan xương cho mà xem ”.
Anh ta vừa nói xong, mấy người chung quanh hoa chân múa tay dấm dẳn phụ họa.
Thế nhưng chỉ cần các cố lão lên tiếng đe “ Đừng có mượn chén mà nói láo “ là anh ta xun vòi ngay. Lại còn không biết xấu hổ, bưng mặt khóc hu hu,” lạy các cụ con khổ lắm !‘
Cái chất nông nổi thất thường này của người Việt từng được nhiều người nước ngoài nêu lên, như một đặc tính cản trở họ trong bước đầu đến gặp gỡ giao thiệp, cũng như quan hệ lâu dài.
Theo trích dẫn của Hữu Ngọc trong một bài viết in trong sách Về giá trị văn hóa tinh thần Việt Nam ( Hà Nội 1963 ), một sĩ quan Pháp từng nhận xét “ Họ hiền lành vô tư lự, nhút nhát thích khoe khoang dễ bốc mà xỉu cũng nhanh, thường có tâm lý ăn may của người chơi bạc, nhiều khi biến thành lập lờ hai mặt “.
Một nhà văn là Jean Hougron cho rằng người Việt “ nhu nhược không có cá tính, biển lận, thích tố giác “.
Một người khác là Palazzoli thì chỉ ra hàng loạt những đặc tính mâu thuẫn : một đằng là lịch thiệp tế nhị, lãng mạn và đa cảm ; mặt khác là nửa kín nửa hở, dè dặt, dò xét. Mở rộng hơn là “một thiên hướng đa nghi, mưu mẹo, một thói quen lúc nào cũng thích chống đối, rồi lại nhanh chóng buông trôi chấp nhận “.
Tạp chí Bách Khoa số 73 ra ở Sài gòn 1960, từng trích dẫn nhiều ý kiến sâu sắc của linh mục F Parrel về Thanh niên Việt Nam hiện nay.Theo ông,ở họ trực giác lấn suy tưởng trừu tượng, chủ quan lấn khách quan … Tâm hồn ít xúc động về vật và người. Chiến tranh làm cho người ta không biết tới người khác. Họ phải tự động tạo ra mọi phương tiện tự vệ. Tâm hồn họ khô rắn lại vì đời sống bất trắc.
Trong Văn minh Việt Nam, Nguyễn Văn Huyên cũng đã ghi nhận đặc tính đó của người Việt, và ông lý giải thêm ở đây có vai trò của một đời sống quá gian khổ mà luôn luôn bấp bênh ; hơn thế nữa, ở đây có cả vai trò của yếu tố thời tiết (Xem một số trích dẫn ở mục Người xưa cảnh tỉnh TT&VH hàng tuần )
Gần đây hơn, trên báo Tiền phong số ra 1-2006, bạn Nguyễn Tất Thịnh nêu lên hàng loạt nhược điểm có tính cách nửa vời của người đương thời
- Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng – vừa đe hàng tổng đã sợ thằng mõ
- Chưa biêt nghề đã dạy thợ, vừa dạy thợ đã chán nghề
- Chưa làm đã mệt vừa mệt đã kêu
- Chưa vui đã cười vừa cười đã khóc
– Chưa đói đã ăn, vừa ăn đã bỏ dở
– Chưa tỉnh đã say, vừa say đã làm càn
– Chưa có tài đã đánh mất tâm, vừa có chút tâm đã bài xích tài
v.v..
Theo bạn Nguyễn Tất Thịnh lối cư xử này có nguy cơ trở thành tập tính của cộng đồng.Tức là một nếp sống nếp nghĩ ổn định, khó thay đổi.
MỘT QUAN NIỆM ĐƠN SƠ VỀ THẾ GIỚI
Sự đơn điệu nghèo nàn là cảm giác chính còn lại trong Nhất Linh sau khi dự Hội chợ hàng VN 1934 mở ở Nhà Đấu xảo Hà Nội
Trong bài tường thuật trên Phong Hóa số ra 30-11-1934,người đứng đầu văn đoàn Tự Lực viết :”Mấy gian hàng Hải Dương Nam Định vẫn như mọi năm không có gì tiến bộ.Thăm gian hàng Trung Kỳ, người ta cảm thấy như sống lùi lại mười năm trước bởi chỉ có ít đồ gỗ nét chạm non nớt.Đồ đồng của ta có lẽ nghìn vạn năm nữa không thay đổi. Từ cái thau cái mâm cho đến cái đỉnh thứ nào cũng nguyên như cũ, hình như đổi mới nó đi là một cái tội vậy. Đồ sứ Bát Tràng men trông cũng khéo, chỉ tiếc rằng kiểu không đẹp. Phần nhiều là bắt chước Tàu.“.
Những nhận xét này có thể áp dụng cho toàn bộ thế giới đồ vật mà Việt sáng tạo ra để phục vụ đời sống của chính mình. Một đôi dép để đi ư ? Ở Bắc bộ, nó chỉ là một chiếc mo cau hoặc miếng da, có thắt một nút trồi lên vừa để xỏ một ngón chân. Trong khi người dân nông thôn xưa chỉ đi chân đất thì một đôi dép như thế còn là xa xỉ, và chỉ những dịp hội hè người ta mới dám sử dụng. Một cái diều ư? Chỉ là mấy tờ giấy phết vội trên mấy nan tre. Một cây sáo ư, chỉ là một ống tre có khoét mấy lỗ sơ sài. Nếu chúng ta biết rằng trên thế giới này, không chỉ Trung Quốc Nhật Bản mà cả các nước phương Tây những cái diều bộ sáo có cấu tạo phức tạp tinh vi như thế nào thì người ta phải tự trách rằng sao dân mình dễ bằng lòng với những gì làm ra,tức dễ dừng lại trên đường sáng tạo đến thế.
Thời nay, khi làm hàng xuất khẩu, người mua các nước cũng thường chê hàng Việt mẫu mã đơn giản, có học lỏm được cái gì của người khác thì cũng chỉ loay hoay ở vài cái lặt vặt mà không biết khai thác hết những khả năng đa dạng có thể có.
Chẳng những chúng ta rất ít phát minh mà nhìn vào cái đã phát minh ra, thấy không vượt khỏi tình trạng bột phát ban đầu. Các ý tưởng không được hoàn thiện và đẩy tới cùng. Nguyễn Văn Vĩnh sớm nói thẳng là trước khi học của nước ngoái, những cái nhà của chúng ta quá trống trải và chẳng có gì mà bày, ghế giường bàn tủ dáng dấp nặng nề, nếu cố trau chuốt thì lại phô ra một mỹ cảm cầu kỳ vụn vặt.
Ở đồng bằng bắc bộ, ngoài nghề trồng lúa nước, gần như không có nghề làm vườn. Các giống vật nuôi trong nhà không đặc biệt, như con chó Vịệt, đặc tính chính của nó là sự tầm thường. Không có con đường làng nào là thẳng, con đường nào cũng cong queo vẹo vọ.
Tự bằng lòng với cuộc sống tự nhiên của mình ở các làng quê, người Việt gần như từ bỏ khả năng tổ chức lại cuộc sống một cách có suy nghĩ ở các đô thị.
Cho đến cả trong cách tổ chức xã hội, trí tưởng tượng nghèo nàn cũng níu kéo chúng ta lại.
Thần thánh trong các truyện thần thoại cổ tích của ta quá gần người và cũng nghèo như người, cả về vật chất lẫn tinh thần.
Còn những ước mơ của chúng ta thì sao ? Ngày xưa, bao chàng trai bỏ làng ra đi chống ngoại xâm, rút cuộc “ súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa “ ( thơ Nguyễn Đình Thi ) mơ ước lớn nhất là quay về làng tiếp tục đi cày và cưới được cô thôn nữ.
Còn hôm nay,có một câu chuyện dân gian đang được lưu truyền rộng rãi. Một thanh niên Nhật hỏi người Việt cùng tuổi với mình là mơ ước gì thì được trả lời là mơ ước có cái Honda để đi, nhà có cái tủ lạnh Hitachi, cái máy giặt Sanyo để dùng. Nói chung là ao ước dân Nhật xài đồ gì thì mình có đồ đó để xài.
Còn người thanh niên Nhật khi được hỏi lại chỉ nói gọn một câu là ước sao giỏi giang hiểu biết để thực hiện được tất cả những ước mơ của các bạn Việt cùng tuổi.
Câu thơ của Chế lan Viên “ Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp – Giấc mơ con đè nát cuộc đời con “ không chỉ đúng với con người thời tiền chiến mà đúng với người Việt gần như suốt thời quá khứ,không chỉ con người bình dân mà cả những tầng lớp tinh hoa.
BỘT PHÁT HỒN NHIÊN
“ Người Việt chúng ta sống ở trong nhịp điệu trong thanh âm nhiều hơn trong tư tưởng. Tâm lý ấy có giống với tâm lý trẻ con. Trẻ con thường vẫn ca hát luôn miệng mà chẳng mấy khi quan tâm đến ý nghĩa lời ca “.
“ Văn hóa Việt Nam quý ở phần tình cảm hơn phần tư tưởng, ở phần tiềm thức hơn ở phần hữu thức “.
Hoài Thanh đã viết như vậy trong bài Có một nền văn hóa Việt Nam (1946)
Năm 1951, trong tập sách nhỏ Mấy vấn đề nghệ thuật gồm mấy chục trang mỏng, in bằng trên dó, - và sau này không thấy in lại nữa – Nguyễn Đình Thi cũng nhấn mạnh tính hồn nhiên tự phát của văn hóa Việt Nam. Chẳng hạn theo ông, âm nhạc ta thiếu hẳn phần hòa âm là phần đòi hỏi trí tuệ. Với ông, lục bát như con sông miên man chảy, nó dễ tràn bờ, và thường phung phí sức lực.
Lùi về trước nữa, những Trần Trọng Kim,Phan Khôi, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên … đều đã viết về phương diện này của tính cách Việt với tinh thần phê phán. Rằng chúng ta nông nổi nhẹ dạ. Ta dễ dãi chấp nhận của người mà không lo tìm lấy tư tưởng của mình. Ta có ngay cách tháo gỡ mỗi khi gặp nước bí, nhưng lại rơi vào bế tắc trong những sứ mạng lớn. Riêng hai câu thơ Tản Đà “ Dân hai nhăm triệu ai người lớn – Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con “thì khi đã vào sâu trong trí nhớ ai, nó ở hẳn đấy không ra nữa, bởi ai cũng giật mình thấy đúng.
Mặc dù trong lý lịch trích ngang, Kiều là nhân vật lấy từ một truyện Trung Hoa song khi cần nhắc đến một nhân vật văn học “ đặc chất Việt Nam “ người ta gọi tên Kiều. Tại sao ? Tôi nghĩ ở đây các thế hệ bạn đọc không sai. Nhà có hoạn nạn, chẳng tìm hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao, Kiều chỉ khóc lóc rồi đòi đi bán mình. Lời khuyên Từ Hải ra hàng là cả một trọng tội … Tất cả chỉ vì Kiều đặt tình cảm lên trên mà thiếu hẳn sự suy tính cần thiết trước mọi diễn biến cuộc sống.
Trong một bản dich cuốn Trung Hoa đất nước con người ra tiếng Việt, tôi đọc thấy Lâm Ngữ Đường viết rằng nếu cần tổng quát về đức tính của người Trung Hoa, thì đó là công thức “sự ưu việt của tâm linh chiến thắng hoàn cảnh vật chất“. Nhưng ở một bản dịch khác,câu trên lại chuyển thành “phần nhiều những tính cách của người Trung quốc được xây dựng trên nền tảng tri thức khá vững vàng “. Tiếp đó người ta giải thích thêm “ người Trung Hoa là một trong những dân tộc thông minh nhất thế giới”. Họ “ biết chiến thắng hoàn cảnh vật chất bằng sự ưu việt của trí tuệ “, hay nói cách khác,“trong văn hóa Trung Hoa, sự tôn trọng trí tuệ và tầng lớp trí thức trở thành một hằng số văn hóa “.
Tôi không có bản gốc để kiểm chứng song giữa hai bản dịch, thấy tin ở bản thứ hai hơn. Người Trung quốc đặt trí óc vào công việc trong khi chúng ta đặt vào đó tình cảm. Cách cư xử như Tố Hữu viết“ Trái tim lầm chỗ để trên đầu “ không chỉ đúng với nhân vật nàng Mỵ Châu trong truyền thuyết xưa mà đúng với người Việt nói chung, ngay trong sinh hoạt hàng ngày lẫn cả khi cần giải quyết việc “quốc gia đại sự “. Đặc biệt là mãi đên hôm nay học thuật của ta vẫn ngoi ngóp tẻ nhạt không sao trở thành một thứ tự ý thức sáng suốt đồng hành với mọi tiến bộ xã hội.Đành nghĩ đó đã là cái bản sắc cái trình độ riêng của mỗi giống người, không phải bỗng chốc thay đổi được.
Sự vô tâm – đúng hơn sự hạn hẹp của tầm nhìn, sự dễ dãi trong thích ứng, sự ngại ngùng biếng nhác trong suy nghĩ,- tất cả những biểu hiện đó làm hại tới sự phát triển. Dù rất thiện chí thì cũng phải nhận như vậy. Thế nhưng đáng lẽ phải xót xa lo lắng thì đằng này vẫn xảy ra một tình trạng ngược lại. Nhiều người thích lý tưởng hóa cái thói quen trẻ con đó. Họ không tìm cách nâng mình lên để phù hợp với nhu cầu mà sẵn sàng để sự nông nổi níu chân. Và “ – ma đưa lối quỷ đưa đường - lại tìm những chốn đoạn trường mà đi “, câu Kiều xưa vẫn có sức ám ảnh như một tiếng sáo tiền kiếp.
Home »
Người Việt - Phẩm Chất Và Thói Hư Tật Xấu.
» Người Việt - Phẩm Chất Và Thói Hư Tật Xấu 02
Người Việt - Phẩm Chất Và Thói Hư Tật Xấu 02
Posted by +84987002345
Posted on 07:21
with No comments
0 nhận xét:
Đăng nhận xét