Trở về cội nguồn
Trong mỗi con người cũng có một nền móng không nhìn thấy được. Phần thể xác, lời nói và hành động là phần cấu trúc bên ngoài được nhìn thấy, còn cội nguồn là bản chất bên trong, là nền móng cho sự phát triển về thể chất và tâm hồn. Tiến trình của "cái chết" xảy ra khi nguồn năng lượng không nhìn thấy được này rời bỏ cơ thể chúng ta. Vẫn là miệng nhưng không nói, vẫn là mắt nhưng không thấy, vẫn là một cơ thể nhưng không cử động. "Rường cột" vẫn còn đó nhưng phần "nền móng" đã ra đi.
Chỉ đến khi nào tìm hiểu thấu đáo cội nguồn sự tồn tại con người, chúng ta mới có thể bắt đầu hiểu và thay đổi chính mình. Khoa tâm lý học đã nỗ lực đạt đến những điều sâu xa này và đã giúp chúng ta hiểu được thế giới nội tâm, gồm cả các dạng hoạt động của tiềm thức lẫn ý thức. Nhưng để thật sự hiểu được chính bản thân, chúng ta phải quay trở về điểm khởi đầu, tức quay về tìm hiểu cội nguồn của mình.
Như đã nói ở trên, mỗi suy nghĩ của chúng ta là một hạt giống được sản sinh từ tâm hồn. Tâm hồn không là đối tượng của sự thay đổi như đối với thể xác. Tâm hồn vốn không thuộc về thế giới vật chất nhưng lại là nền móng của ý thức. Tâm hồn là sự sống, là cội rễ của nhân cách, suy nghĩ, khát vọng và cảm xúc con người.
Sâu thẳm trong hạt giống đã chứa đựng hình hài của cây. Trong điều kiện thích hợp, thuận lợi, cây sẽ nảy mầm, vươn mình ra cuộc sống bao la, rộng lớn. Cũng giống như thế, tâm hồn nắm giữ nền tảng nhân cách riêng của từng người và nhân cách này được biểu lộ qua hành động.
Trên con đường tìm kiếm cuộc sống tinh thần, chúng ta cố tìm đến phần bất tử trong nhân cách con người. Không màng đến những tiêu cực ta đã tích lũy trong lòng, bản chất cơ bản của chúng ta là thanh cao.
Tâm hồn - cái tôi thật sự của mỗi người - từ thuở ban sơ rất trong sáng và không mang tội lỗi. Bước trên con đường đời sống tinh thần nghĩa là chúng ta sẽ phải trải qua những chiêm nghiệm về cái tốt đẹp nguyên thủy này. Từ sự trải nghiệm thực tế, chúng ta sẽ có một bước nhảy vọt về ý thức - như một sự khai sáng. Sự khai sáng là một chuyển biến mới mang lại sự tự tin và niềm hy vọng. Với những điều này, chúng ta sẽ làm thêm được nhiều việc có ích trong cuộc sống, và kết quả là chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn. Chúng ta được hồi sinh.
Nguồn: Tư duy tích cực - First News và NXB Văn Hóa Sài Gòn
Chương 6: Xây dựng một cuộc sống tích cực
Học hỏi
Nó còn mang lại cho ta khả năng nhận biết sự việc với một cách nhìn hoàn toàn mới, loại bỏ các cách thức cũ, không có hiệu quả, mang lại một luồng sinh khí mới mẻ trước cuộc sống.
Sự hiểu biết, dù gọi nó là tri thức hay trình độ nhận thức, hay sự thông suốt, hoặc bằng một cụm từ có ý nghĩa to lớn nào khác, cũng sẽ chỉ mang lại kinh nghiệm thực tế khi nào ta hành động dựa trên sự hiểu biết ấy. Và kinh nghiệm thực tế có được, qua quá trình thực hành, sẽ biến lý thuyết thành hiện thực. Hiện thực làm tăng sức mạnh nội tâm. Quy trình này chính là một sự tiến bộ.
Sự hiểu biết đôi khi đến ngay với chúng ta nhưng thường thì cần phải có thời gian. Sự hiểu biết là nền tảng của sự học hỏi.
Trong học tập có sự tiến bộ và trong tiến bộ có niềm vui. Chúng ta hãy luôn học tập và thử nghiệm để tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Ví dụ, Leonard de Vinci muốn khám phá ra cách giúp con người bay. Nhưng những người cùng thời với ông khăng khăng rằng nếu Thượng đế muốn con người bay thì Người hẳn phải tặng cho chúng ta đôi cánh như Người đã tạo ra cho chim chóc. Họ cho rằng chỗ của con người là ở trên mặt đất. Bất chấp những lời này, Leonard vẫn cứ cố gắng. Dù cho thất bại, Leonard de Vinci vẫn được người đời nhớ đến qua những nỗ lực và ý chí của ông trước sự chống đối của những người cùng thời. Bốn trăm năm sau, phi trường ở Roma được đặt tên là phi trường Leonard de Vinci.
Sự thật thì điều chúng ta biết không bao giờ là đủ. Cuộc sống luôn tiếp diễn, luôn có những điều cần khám phá và luôn có những điều mới để học hỏi.
Nguồn: Tư duy tích cực - First News và NXB Văn Hóa Sài Gòn
Sự kiên nhẫn
Có những lúc chúng ta phải hành động, nhưng cũng có những thời điểm chúng ta cần phải biết chờ đợi. Sự thành công chỉ đến khi chúng ta có những quyết định hợp lý, đúng lúc. Con người thường cứ cố buộc sự việc phải xảy ra. Đôi khi sự ép buộc này có hiệu quả, nhưng sau đó, trong chúng ta không còn cảm giác đã hoàn thành một cách đúng nghĩa. Nếu sự thành công được gặt hái qua một cuộc chiến hay một vụ xung đột thì chiến thắng ấy cũng chỉ là một sự trống rỗng.
Những thành quả tốt đẹp nhất không chỉ phụ thuộc vào bản thân chúng ta hay công sức của riêng ta mà còn đến từ việc học cách chấp nhận thực tại - hoàn cảnh và những người trong mối quan hệ của chúng ta. Hãy để họ là chính họ và những tình huống diễn ra một cách tự nhiên. Chắc chắn rằng mỗi việc chúng ta làm đều có một mục đích rõ ràng, tuy nhiên, chúng ta cũng không nên bám quá chặt vào mục đích, tìm cách đạt được nó bằng mọi giá. Chính sự đeo bám đó sẽ khiến kết quả công việc của chúng ta bị hạn chế. Khao khát đạt được thành quả sẽ tước đoạt sự trong sáng khỏi những hành động của chúng ta. Lúc đó, những gì chúng ta làm đều phụ thuộc vào sự toan tính.
Bạn có biết công việc của người làm vườn diễn ra như thế nào không? Đầu tiên là chọn đất, chọn giống theo mùa vụ thích hợp. Sau đó sẽ là việc cày xới đất, gieo hạt, rồi tưới nước. Tiếp theo, anh ta phải đảm bảo luôn có đủ nước cho khu vườn, ngăn ngừa côn trùng tấn công. Nhưng vẫn chưa đủ, khu vườn của anh ta tươi tốt hay lụi tàn còn phụ thuộc rất nhiều vào việc thiên nhiên có ban tặng điều kiện sống thích hợp cho nó hay không. Anh ta hợp tác và giúp đỡ khu vườn, nhưng không thể can thiệp được vào các quy luật của tự nhiên: bão tuyết, giông tố, ngập úng, nắng hạn... Khu vườn đẹp là sản phẩm của sự hợp tác giữa anh ta và thiên nhiên. Anh ta cần biết đặt mình vào những quy luật của thiên nhiên, hiểu được rằng khi nào thì nên xen vào và khi nào thì phải chờ đợi.
Thành công thật sự luôn dựa trên sự cộng tác tích cực. Người cộng tác không chỉ nhìn thấy vai trò của mình mà còn nhìn thấy vai trò của người khác. Và bản thân chúng ta cũng không quên trách nhiệm của riêng mình trước sự đóng góp của người khác. Chúng ta không được quên quy luật quân bình.
Người làm vườn phải hiểu quy luật quân bình, nếu không, anh ta sẽ hoặc làm việc quá nhiều hoặc lại làm quá ít, và vụ mùa sẽ không thu hoạch được như mong đợi. Người làm vườn phải tôn trọng thời gian, phải có lòng kiên nhẫn chờ đến đúng mùa mới gieo trồng, bởi nếu gieo hạt giống không đúng thời điểm, hay không đúng mảnh đất phù hợp, thì có chăm chút bao nhiêu đi nữa cũng bằng không. Tuy thế, chỉ riêng sự kiên nhẫn thôi chưa đủ. Kiên nhẫn mà thiếu hiểu biết, chúng ta sẽ đánh mất đi những cơ hội tốt đẹp. Mọi hành động chỉ cho kết quả tốt đẹp khi chúng ta biết thực hiện đúng lúc và đúng cách.
Không hành động không có nghĩa là kiên nhẫn. Không hành động có thể đồng nghĩa với sự thờ ơ, hờ hững. Một khi châm chước trước thái độ thờ ơ, hờ hững thì trong nội lực chúng ta không còn chỗ cho khát vọng nỗ lực, phấn đấu hay tự cam kết với chính mình.
Chúng ta nên gieo những hạt giống hành động đúng đắn và tưới chúng bằng tinh thần trách nhiệm và sự chăm chút. Đừng bao giờ gò ép hành vi hay tìm cách đi ngược lại quy luật tự nhiên, vì như thế, những tham vọng, những thèm muốn ích kỷ sẽ phá hủy vụ mùa. Không thể có được thành công - đúng nghĩa hạnh phúc và mãn nguyện - nếu như luôn có một sự can thiệp và thao túng của tham vọng và những suy nghĩ không trong sáng. Chúng ta phải làm việc bằng sự tôn trọng đối với những quy luật tự nhiên và điều tốt đẹp vốn có sẽ hiện ra từ bản chất sự việc.
Nguồn: Tư duy tích cực - First News và NXB Văn Hóa Sài Gòn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét