Tính trung thực
Chúng ta phải phấn đấu. Cố gắng là điều cần thiết nếu chúng ta muốn tiến bộ. Hoàn cảnh, các mối quan hệ và số phận của chúng ta chỉ là tiếng vọng đáp lại của cách tư duy và hành động của chúng ta, vì vậy chúng ta phải chịu trách nhiệm với bản thân mình. Điều thiết yếu duy nhất là chúng ta có thể thay đổi bản thân, thay đổi được cách suy nghĩ và hành động của chúng ta.
Cam kết tiến bộ là điều rất cần thiết. Sức mạnh của sự cam kết là ở chỗ nó chuyển tải đến chúng ta nguồn lực luôn sẵn có cho mục đích nhận ra được mục tiêu phấn đấu của chúng ta. Nếu trung thực với chính mình, chúng ta sẽ đạt được cam kết chịu trách nhiệm về sự tiến bộ đó.
Chúng ta không buộc phải hoàn hảo, nhưng phải trung thực. Tính trung thực khiến chúng ta có cái nhìn thực tế trước những gì mình có thể làm được và những gì không làm được. Chúng ta phải ý thức làm việc hết mình, tùy theo sự hiểu biết và năng lực của bản thân. Nhưng chúng ta cũng phải biết cách bước lên những nấc kế tiếp của chiếc thang tiến bộ. Đừng bao giờ gây áp lực cho mình khi bước lên chiếc thang đó nếu chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng, nhưng hãy luôn nhớ rằng còn có những nấc thang cao hơn so với nấc thang mà chúng ta đang đứng. Chuẩn bị sẵn sàng vào lúc leo thang. Đó chính là sự trung thực.
Cố gắng phấn đấu trung thực với bản thân nghĩa là giữ cho chúng ta luôn trong tư thế sẵn sàng đón nhận những bài học từ cuộc sống. Dù có làm được nhiều đến đâu, biết hoặc hiểu nhiều đến đâu chăng nữa, chúng ta vẫn luôn luôn có nhiều điều cần học hỏi.
Tính trung thực cần đến sự khiêm tốn.
Nguồn: Tư duy tích cực - First News và NXB Văn Hóa Sài Gòn
Biết tha thứ
Khi chúng ta nhìn thẳng vào những thiếu sót của bản thân thì sự giận dữ của ta đối với người khác biến mất. Trong quá khứ, tất cả chúng ta đều đã từng hành động sai trái, có thể do chưa phân biệt được đúng, sai hoặc do sợ hãi hay hiểu lầm.
Nhìn lại quá khứ, phần lớn chúng ta thấy hối tiếc về những điều đã nói hay đã làm. Thời gian qua đi, tri thức của ta ngày càng nhận ra một cách rõ ràng điều gì đúng và bắt đầu sửa chữa sai lầm. Với ước muốn mạnh mẽ về việc sửa sai, ta bắt đầu quá trình tha thứ cho chính mình. Nếu tha thứ được cho mình, ta phải tha thứ cho người khác. Ta không thể lên án người khác và biện hộ cho mình, như thế là lừa dối và sẽ không được mọi người chấp nhận. Sức mạnh tha thứ bắt nguồn từ sự đồng cảm. Sự tha thứ làm tan đi nhu cầu chứng tỏ rằng ta đúng, gột bỏ sự phẫn nộ mà ta cảm nhận, đôi khi chỉ là trong tưởng tượng.
Nếu ta không học cách tha thứ thì sự oán giận sẽ đầu độc ta. Những ai không tha thứ, những ai cứ khăng khăng nắm vai trò của vị quan tòa, phải nghĩ đến việc nhận lại điều hệt như họ đã từng làm với người khác. Làm sao khác được?
Khi không tha thứ, ta mang một gánh nặng gấp đôi: cả những ý nghĩ oán trách về sự không công bằng của người khác lẫn sự che giấu về sự không công bằng của chính ta. Sự tha thứ giải thoát chúng ta khỏi những cảm xúc cay đắng này.
Tha thứ nghĩa là đồng cảm và bình yên tiến về phía trước với điều tốt, và hướng tới điều tốt đẹp hơn. Tha thứ làm tan chảy sự chai sạn trong lòng người khác. Sự tha thứ của ta thoạt đầu có thể làm người khác khó xử. Thậm chí, người ta còn đề cao cảnh giác với chúng ta nữa, nhưng cuối cùng, họ sẽ cảm kích và tôn quý hành động cao cả này.
Tha thứ và quên đi là sự yêu thương trong hành động. Nhưng ta phải học tha thứ cho mình lẫn tha thứ cho người khác, nếu không quá trình giải thoát khỏi gánh nặng này sẽ không thể bắt đầu hay có tiến triển. Ước muốn vượt thoát của ta hoàn toàn bị chặn đứng.
Tha thứ là biết bỏ qua quá khứ, nhưng đồng thời còn có nghĩa là không lặp đi lặp lại cùng một lỗi lầm, không cố tìm cách biện minh cho mình.
Một người mà trong thâm tâm luôn cay nghiệt chống đối người khác thì dẫu mọi người có yêu thương và nhân từ với họ, họ vẫn không thể cảm nhận được. Nếu muốn được tha thứ thì trước hết ta phải sẵn lòng tha thứ. Sự dũng cảm tiên phong trong hành động là dấu hiệu thực thụ của một con người chính trực. Mở lòng tha thứ trước không chỉ chứng minh được rằng ta là người quân tử mà còn cho thấy lòng yêu thương của ta nữa.
Chúng ta thường hồi tưởng quá khứ và nhận lấy từ đó nỗi buồn phiền. Vì vậy, nỗi bất hạnh cứ mãi đeo đẳng chúng ta, thậm chí còn tăng lên. Càng tiếp tục sửa sai, chúng ta càng cảm thấy người khác cư xử với mình cứ như là các luật sư đang gắng sức chứng minh cho quan điểm của họ. Cuối cùng, chúng ta trở thành những người thất bại, chúng ta cho đi hết mọi tài sản quý giá, và rồi hạnh phúc cũng ra đi. Sự tha thứ dựa trên nền tảng của sự thông cảm sẽ cho phép chúng ta tự do. Điều này cũng giống như việc mở cánh cửa tâm trí để quá khứ thoát ra, và chúng ta thành những con người tự do thật sự. Dành thời gian tìm hiểu sự yếu đuối ẩn sau hành vi của người khác, và sự phức tạp của từng tình huống sẽ cho phép chúng ta bắt đầu một sự tha thứ. Quan điểm học tập từ những tình huống cụ thể và phát triển nó giúp chúng ta tiến về phía trước cùng với sự tha thứ. Tha thứ cũng cho phép chúng ta sống ở hiện tại. Khi cứ bám giữ vào quá khứ hay lo lắng quá nhiều về tương lai, chúng ta sẽ không thể nào thưởng thức được vẻ đẹp của hiện tại.
Nguồn: Tư duy tích cực - First News và NXB Văn Hóa Sài Gòn
Khiêm nhường không phải là quỵ lụy
Khiêm nhường chỉ cho ta thấy rằng, cá nhân mỗi người không phải là tất cả, cũng không phải là vô nghĩa, và nhờ đó, chúng ta giữ được sự cân bằng. Nếu nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của bản thân và không bị trói chặt bởi chúng, chúng ta sẽ khắc phục được điểm yếu và phát huy được điểm mạnh. Chẳng hạn, những phẩm chất tích cực sẽ phát triển và giúp ích cho người khác nếu chúng ta biết nuôi dưỡng và trân trọng chúng. Đồng thời, chúng ta cũng sẽ khắc phục được những yếu kém của mình nếu có sự quan tâm và lòng chân thành.
Khiêm nhường là hàng rào bảo vệ tốt nhất cho chúng ta tránh khỏi bờ vực của thói kiêu căng và tự mãn. Nó cảnh báo trước cho ta biết mọi khả năng có thể xảy ra, giúp ta có thể chuyển từ khả năng thất bại sang cơ hội chiến thắng.
Khiêm nhường là thành quả của lòng tự trọng. Một người khiêm nhường không bao giờ sợ bị tổn thương hay mất mát. Nếu chúng ta muốn một điều gì đó luôn tồn tại trong bản thân mình thì không ai và không điều gì có thể tước đoạt được sức mạnh nội tâm đó. Nhờ nảy sinh từ sự yên ổn nội tâm, khiêm nhường khiến chúng ta trở nên cởi mở, hợp tác và sẵn sàng tiếp nhận, học hỏi những suy nghĩ cũng như ý tưởng mới.
Khiêm nhường là bằng chứng của sự tự chủ, của khả năng chiến thắng "cái tôi" và sự sở hữu - những thứ có thể đẩy một cá nhân vào vòng quay của trò chơi quyền lực, từ đó đánh mất lòng tự trọng và tình cảm trong các mối quan hệ.
Đừng bao giờ hành động như thể chúng ta là chủ nhân của bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai. Quyền sở hữu tạo nên nỗi lo sợ bị mất mát. Những người cho rằng họ đang sở hữu điều gì đó sẽ luôn mang tâm trạng nghi ngờ, cảnh giác. Có một nghịch lý là khi ta không cố chiếm giữ, ta lại nhận được mọi thứ.
Hãy dành thời gian để lưu giữ một nguồn năng lượng dồi dào về tinh thần và tình cảm, đừng nhọc công theo đuổi những toan tính ích kỷ hay những trò giật dây xảo trá. Nhờ đó, chúng ta sẽ làm chủ được bản thân. Một người làm chủ được bản thân sẽ hiểu được những nguyên lý vĩnh cửu của vũ trụ. Người làm chủ bản thân là người khiêm nhường và tự lực, biết duy trì sự cân bằng và hòa hợp. Sự khiêm nhường tuyệt đối được thể hiện ở chỗ chúng ta nhận ra và chấp nhận rằng có những quy luật nằm ngoài luật lệ thông thường của con người, chúng ta không thể thiết lập những tiêu chuẩn cho vũ trụ. Chúng ta hãy gắn kết bản thân với những nguyên lý này để tìm kiếm con đường cho chính mình, và tìm kiếm tự do.
Chấp nhận những quy luật siêu phàm không có nghĩa là suy nghĩ của chúng ta bị giới hạn hay bị phủ nhận. Ngược lại, chúng cho phép chúng ta bộc lộ bản thân mình đầy đủ và rõ ràng hơn. Biết tôn trọng người khác, tôn trọng quy luật tự nhiên, chúng ta sẽ duy trì được sự hòa hợp.
Nhờ khiêm nhường, ta nhận ra mọi sự vật, mọi cá nhân đều có quyền tồn tại trong hòa bình, tự do và hạnh phúc. Đó là một nguyên lý bất diệt.
Luồn cúi trong các mối quan hệ hay hạ mình trước vật chất là kết quả của nỗi sợ hãi - nỗi sợ hãi chính mình - và sự thiếu can đảm để đối diện với bản thân, thiếu dũng khí để thay đổi. Khi không có cái nhìn sâu sắc về bản thân, chúng ta trở nên e sợ trước thái độ của xã hội và những người liên quan đến chúng ta.
Khiêm nhường cho chúng ta khả năng tự suy xét nội tâm. Chúng ta bắt đầu xem xét đến những cảm xúc tiêu cực đã ngăn cản những hành động của mình. Để đạt được sự khiêm nhường, chúng ta phải học cách nhìn nhận bản thân một cách đúng đắn và chân thành. Nếu không biết khiêm nhường, chúng ta sẽ bị "cái tôi" làm lu mờ và bị cuốn theo những tham vọng cá nhân.
Khiêm nhường mở ra cánh cửa của sự tự nhận thức. Khi chúng ta phát triển khả năng tự nhận thức, khả năng tự đánh giá cũng sẽ phát triển, từ đó hình thành năng lực nhận biết. Với nội tâm vững vàng, chúng ta không sợ hãi trước những điều khác lạ xảy ra. Không có ước muốn được sở hữu và tích góp, chúng ta sẽ trở nên tự do và trưởng thành trong sự tự do nội tại đó.
Chúng ta biết rằng chân lý sẽ được thực hiện vào đúng thời điểm. Khiêm nhường là một biểu hiện khác của lòng tự trọng. Càng khiêm nhường bao nhiêu, càng tự trọng bấy nhiêu. Không ai, hay không điều gì có thể đe dọa chúng ta. Khi đó, chúng ta thực sự sống trong tự do hoàn toàn.
Nguồn: Tư duy tích cực - First News và NXB Văn Hóa Sài Gòn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét