Home » » P01: Nối Một Vòng Tay

P01: Nối Một Vòng Tay

Giới thiệu sách
 
Nối một vòng tay
Tác giả: Vũ Toàn
Nhà xuất bản: Tủ sách Tuổi Trẻ - NXB Trẻ
Năm xuất bản: 2008
Giá: 32.000 đồng
Giới thiệu:
Vào đầu thế kỷ 19, Alexander de Tocqueville (1805-1859), nhà chính trị và là nhà sử học Pháp, đã thử tìm hiểu xem vì sao nước Mỹ trở nên vĩ đại? Trong cuốn sách Nối một vòng tay của mình, Vũ Toàn đã chạm đến điều mà Alexander de Tocqueville đã tìm thấy năm ông 35 tuổi, cách nay gần 200 năm trước. Có điều khác với Alexander de Tocqueville, anh không vào nhà thờ, không du hành đến một đất nước xa xôi mà đi vào cuộc sống đời thường, dân dã ở vùng đất anh đang sống, ở đất nước mình.

Vào đầu thế kỷ 19, Alexander de Tocqueville (1805-1859), nhà chính trị và là nhà sử học Pháp, đã thử tìm hiểu xem vì sao nước Mỹ trở nên vĩ đại? Sau chuyến thăm đất nước này, ông viết: "Tôi đã tìm sự vĩ đại của nước Mỹ ở những bến cảng mênh mông cùng những bến bờ bao la của đất nước này nhưng không tìm thấy.
Tôi đã tìm sự vĩ đại của nước Mỹ nơi hệ thống trường công và các cơ sở giảng dạy của đất nước này, nhưng không tìm thấy.
Tôi đã tìm sự vĩ đại của nước Mỹ nơi quốc hội dân chủ cùng bản hiến pháp không đâu sánh bằng của đất nước này, nhưng cũng không tìm thấy.
Mãi cho đến khi tôi bước vào những nhà thờ ở nước Mỹ, nghe các vị giáo sĩ hăng say thuyết giảng về sự công chính thì tôi hiểu vì sao đất nước này trở nên vĩ đại.
Nước Mỹ vĩ đại bởi vì nước Mỹ tốt, nhưng một khi nước Mỹ không còn tốt thì nước Mỹ cũng không còn vĩ đại".
Bạn đọc thân mến, có thể diễn giải lại Alexander de Tocqueville như sau: Nước Mỹ có những con người tốt nên nước Mỹ tốt và vì thế nước Mỹ trở nên vĩ đại. Bất cứ đất nước nào có những con người tốt thì đất nước ấy tốt và vì thế cũng trở nên vĩ đại.
Điều này lại đưa tôi đến một câu hỏi: Thế nào là người tốt? Người tốt là người như thế nào trong xã hội mà chúng ta đang sống?
Trong cuốn sách Nối một vòng tay của mình, Vũ Toàn đã chạm đến điều mà Alexander de Tocqueville đã tìm thấy năm ông 35 tuổi, cách nay gần 200 năm trước. Có điều khác với Alexander de Tocqueville, anh không vào nhà thờ, không du hành đến một đất nước xa xôi mà đi vào cuộc sống đời thường, dân dã ở vùng đất anh đang sống, ở đất nước mình.
Vũ Toàn đã khắc họa 30 chân dung nhân vật thuộc nhiều mẫu người tốt khác nhau mà anh gặp: từ ông giáo sư tiến sĩ, nhà nghiên cứu dân gian, cán bộ nhà nước, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo đến nhà doanh nghiệp, người lao động bình thường, người khuyết tật... Đọc Nối một vòng tay, bạn đọc có thể thấy người tốt là người...
...như ông phó tiến sĩ Nguyễn Thái Tự bạc tóc vì cá. Hàng năm trời, ông cùng ngư dân lặn lội khắp các dòng sông, khe suối để tìm và nghiên cứu những loài cá "có lợi nhưng dân chưa biết". Như ông phó tiến sĩ Hồ Bá Quỳnh, người được gọi "phó nhân viên" bởi sự ương bướng, cứ một mực thách thức: "Ai bảo người nông dân suốt một đời chân lấm tay bùn lại không được hưu?". Và ông đã lặng lẽ tính toán đưa ra công thức "hưu nông dân". Như "ông già dám chống lại mệnh trời", GSTS Nguyễn Văn Trương. Về hưu, ông còn đứng ra lập "viện hành động" tư nhân "để xây làng sinh thái làm việc thiện giúp dân nghèo"...
...như ông Lê Duy Nguyên bỏ cuộc sống an nhàn ở phố ra bãi hoang ven biển trồng rừng và phủ xanh hàng ngàn hecta đồi trọc. Ông còn muốn trồng lim, loài cây 70 năm sau mới cho thu hoạch, bởi ông bảo "đâu phải cái gì hưởng được mới làm". Như anh cán bộ thương nghiệp huyện miền núi Ngân Đình Châu hàng ngàn lần vượt thác dữ, hàng chục lần suýt chết, hăng hái chuyển hàng chính sách và thiết yếu đến cho dân bản rẻo xa bởi "mình đem niềm vui đến cho họ và họ cũng lại đưa niềm vui lại cho mình. Nguồn động viên ấy có khi còn quí hơn cả tiền bạc"...
...như "cô Tấm ở rừng xa" Lương Thị Mùi, 17 tuổi dũng cảm vuợt qua những "cái thang đá" của thiên nhiên, của bia miệng người đời và của chính mình để đem con chữ tới cho những đứa trẻ nghèo lam lũ của một làng phong xưa. ...như "thủ lĩnh" người Mông Vừ Chông Pao luôn tự nhận mình là người "ít học, không có bằng cấp" nhưng 20 năm làm chủ tịch huyện không để xảy ra một sai sót nào. Ở tuổi 75, ông còn tình nguyện đi bản xa vận động dân cai nghiện để làm người "sạch" ma túy.
Như ông giám đốc lâm trường "không có xe oai, đi làm bằng xe đạp, ở nhà hạ" nhưng có cái tâm suốt một đời đeo đuổi: "Giám đốc là người phải chống được thất nghiệp, tìm ra được cách xóa đói giảm nghèo thật sự cho người lao động". Như Hồ Lay, người thanh niên Vân Kiều, 20 năm sau khi rời chức Bí thư Đảng ủy xã, lại "vừa đi vừa nghĩ, vừa làm vừa nghĩ, có nhiều đêm thức chong mắt để nghĩ "để dời bản xuống núi tạo lập cho dân một cuộc sống ổn định". ...như bà cụ Phạm Thị Sang "sinh ra với nghề làm ruộng nhưng cái nghiệp của đời tôi là đi gom nhặt vỏ chai người ta vứt bừa bãi trên đồng. Vì một lẽ thật đơn giản: nếu không thì chính tôi và cả dân làng sẽ bị những miểng chai sắc lẻm ấy làm hại". Bà đã 70 mà "tôi còn hai tay bưng được bát cơm để ăn thì tôi vẫn làm. Ở đời trồng được "cây đức" khó lắm chú ạ!"...
...như chàng trai Lê Hồng Sơn có đôi chân tật nguyền vẫn làm nghề mộc kiếm sống bởi " lợi dụng người khác để tồn tại là điều rất khổ tâm". Như Nguyễn Công Hùng bị liệt toàn thân vẫn học tập, rèn luyện trở thành giám đốc trung tâm đào tạo tin học và ngoại ngữ cho các trẻ em tật nguyền. Bởi vì "con người chỉ khác nhau ở chỗ làm được việc gì và giúp ích được gì cho mọi người".
Người tốt là nguời như... Người tốt là người như... Người tốt là người như...
Tôi đã đọc phần lớn trong số các chân dung nhân vật trong Nối một vòng tay được đăng rải rác trong nhiều năm trên báo Tuổi Trẻ và Tuổi Trẻ Chủ Nhật (nay là Tuổi Trẻ Cuối Tuần) . Nhưng lần này, đọc suốt một lèo, cuốn sách lại gợi lên trong tôi nhiều ngẫm nghĩ. Người tốt là...
...người "tàn" mà không "phế", người không đánh mất lòng tự trọng của mình, không "kinh doanh" lòng thương hại của người khác để độ nhật qua ngày mà vươn lên, giành lấy quyền lao động, quyền được tôn trọng như bao người bình thường khác vốn sống bằng lao động chân chính của mình.
...nhà giáo không đem chữ đánh đổi lấy học phí cao mà thầm lặng chấp cánh cho bao mái đầu xanh tin vào tương lai và mơ ước một cuộc sống tốt hơn so với hôm nay. Khi thôi không còn là "người kỹ sư tâm hồn", nhà giáo sẽ chỉ là "giáo gian".
...người trí thức không sống cầu an mà dấn thân mưu cầu sự tiến bộ cho xã hội. Khi không còn dấn thân, người trí thức chỉ là trí... ngủ.
...nhà doanh nghiệp không mua bán lòng vòng ăn chênh lệch giá để làm giàu cho mình và gia đình mình mà tạo nên những "giá trị thêm vào" mới cho xã hội. Chỉ mua đi bán lại "cái đang có" mà không tạo ra "cái chưa có", doanh nhân chỉ là "cò", là "con buôn", là "phe phẩy"...
...người cán bộ không bán chức bán quyền để vinh thân phì gia mà làm "đầy tớ" và "người lãnh đạo" của dân để đem lại sự đổi đời cho dân. Khi không còn là "đầy tớ của dân", họ là "quan" của dân. Khi không còn là "người lãnh đạo", họ sẽ là "kẻ đầu cơ" quyền lực dẫn đến "mọt dân hại nước".
Như Alexander Lacson, một luật sư Philippines trong bài viết Những người lãnh đạo mà đất nước cần, mô tả: lúc này họ là người có thể bị "mua"; lời nói của họ không còn là bảo chứng chắc chắn cho phẩm chất và nhân cách của họ luôn được đặt lên trên tiền bạc; họ không trung thực từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn; tham vọng của họ chỉ luẩn quẩn trong những thèm khát ích kỷ của bản thân; họ không còn phân biệt được phải trái rõ ràng như trắng với đen thậm chí thỏa hiệp với sai trái để kiếm lợi; trái tim của họ bị kìm hãm trong những thèm khát ích kỷ của bản thân và gia đình mình. Họ không thể xuống hỏa ngục để mọi người có được thiên đường trên trái đất này... Bạn đọc thân mến, chắc cũng như tôi, bạn có thể tìm thấy rất, rất nhiều định nghĩa cụ thể và sinh động về người tốt, cả những suy nghĩ sâu xa trong và ngoài những trang sách của Nối một vòng tay.
Đọc Nối một vòng tay để nghĩ về những con người tốt làm nên sự vĩ đại của một đất nước. 
ĐỖ ĐÌNH TẤN (thư ký tòa soạn Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét