Hiển thị các bài đăng có nhãn Nối Một Vòng Tay. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nối Một Vòng Tay. Hiển thị tất cả bài đăng

P04: Triệu phú Việt ở Vientiane

Ba người bạn cùng quê, lớn lên mỗi người mỗi phương lập nghiệp. Người từ Công ty Lâm đặc sản Hà Tĩnh nghỉ hưu non, người từ phòng bản đồ Sở Lâm nghiệp Nghệ Tĩnh đi du học ở Liên Xô (cũ) trở về...
Rồi một ngày, cả ba chụm đầu bàn tính hướng làm ăn lớn ngay trên quê nghèo của mình. Và trang trại ba ba công nghiệp Lý - Thanh - Sắc ra đời...
Khởi nghiệp từ trận bóng đá
Thật ra chuyến xuất ngoại đầu tiên của Hồ Quang Sắc sang Thái Lan là làm cổ động viên cho đội tuyển VN trong trận chung kết tại SEA Games 19. Không ngờ khi vào sân anh gặp lại Đặng Ngọc Lý và Trịnh Đình Thanh, hai người bạn cùng quê xã Thạch Bằng (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cũng bay sang Thái ủng hộ đội nhà. Trong cuộc hàn huyên hội ngộ, cả ba bàn nhau cùng ở lại thêm ít ngày nữa để tìm hiểu cung cách làm kinh tế của người Việt ở Thái Lan rồi về nước tính chuyện làm ăn mới. Đi xem hầu hết đại lý, siêu thị, chợ..., Lý - Thanh - Sắc mang ý định về nước sẽ mở hai đại lý hàng phụ tùng xe máy, ôtô ở TP.HCM và Hà Tĩnh. Nhưng trong chuyến bay về, tình cờ bộ ba này gặp một Việt kiều chăn nuôi nổi tiếng ở Thái. Và câu chuyện của ông Niên về những công trình tầm cỡ nuôi cá sấu, rắn, ếch, tôm, cá, lợn siêu nạc, ba ba như thức dậy khát vọng của ba chàng trai.
Khi hướng đã mở, ba người bạn thành ba tư thế chân kiềng. Người về quê thăm dò địa bàn, tìm đất cho thuê trong thời gian 15 năm để mở hàng ngàn mét vuông ao hồ; người lo thủ tục giấy tờ; người tiếp tục sang Thái tìm hiểu con giống, kỹ thuật nuôi, cách chữa trị bệnh rồi đầu ra, đầu vào và bao nhiêu chuyện khác. Anh Lý nhớ lại: “Hết tôi đến chú Sắc thay nhau đi Thái học cách làm. Mỗi chuyến đi 7-10 ngày. Trong sáu tháng đi 12 chuyến ngốn hết hàng trăm triệu đồng”.
Những ngày đi tìm đất để thuê cũng trải lắm nhọc nhằn. Để thuê được 5ha đất thuần chủng, có nguồn nước tự nhiên của 32 hộ nông nghiệp ở xóm Văn Phú, xã Thạch Phú, thị xã Hà Tĩnh thì mỗi năm ngoài việc trả cho các chủ hộ 3,6 tạ thóc/sào (thực tế khi họ cày cấy chỉ thu được 2 tạ/sào) các anh phải cùng lúc giải quyết một loạt “chính sách”: trả trước số thóc qui ra tiền năm năm cho những hộ nghèo; tài trợ cho đội bóng, các hội, các xóm trong xã. Tuy vậy chủ tịch xã Thạch Phú vẫn chân tình cảnh báo: “Dân vùng này nuôi cá cũng khó thành huống chi các ông nuôi ba ba. Không thiếu chuyện phức tạp đâu”. Nghe vậy cả ba đều hoảng. Người anh cả là Đặng Ngọc Lý lại hồi hộp mang mẫu đất, mẫu nước sang nhờ chuyên gia Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn Thái Lan kiểm nghiệm. Sau khi nghe kết luận ngắn gọn chỉ có hai từ “rất tốt”, anh Lý chợt hiểu “chuyện phức tạp” không phải từ đất và nước. Về lại Hà Tĩnh, bộ ba tính toán cẩn thận, chú trọng cả việc “đối nội, đối ngoại” rồi thành lập Công ty cổ phần thương mại tổng hợp Lý Thanh Sắc vào tháng 2-2001.
Vóc dáng trang trại
Lúc đầu để có 27 cái ao, hồ bờ ghép bằng những tấm fibrô ximăng, các anh cùng 15 nhân công đào đắp cật lực suốt ba tháng dưới sự hướng dẫn của hai chuyên gia Thái Lan. Dần dần 50.000m2 diện tích được mở rộng thành 130 ao, hồ xây dựng kiên cố, nền láng ximăng để tăng nhanh sản lượng 20-30% mỗi năm. Nhưng lo lắng nhất vẫn là chuyến vận chuyển 1 tấn ba ba giống đầu tiên (năm 2001) bằng ôtô từ Thái Lan qua Lào về trang trại ở xóm Văn Phú sao cho không vượt quá qui định thời gian vận chuyển là 32 giờ (nếu quá ba ba con sẽ yếu, rất khó nuôi). May mắn chuyến khởi sự vượt qua 1.500km đã về tận trang trại chỉ đi trong 24 giờ. Khi những con giống cuối cùng được thả xuống hồ an toàn thì giám đốc Đặng Ngọc Lý mới nói vui cùng hai phó giám đốc: “Các chú chuẩn bị cho làm ô ba ba đẻ và buồng ấp trứng là vừa”.
Một tấn ba ba giống có hơn 1.000 con, sau hai năm vừa bán vừa tạo nguồn để hiện có 70 vạn ba ba giống và ba ba thịt là cả những tháng ngày không thiếu những tính toán, âu lo. Lo bởi 1.000 con ba ba giống đầu tiên có thể sẽ không qua nổi mùa đông lạnh cóng ở vùng Bắc Trung bộ sau khi rời vùng khí hậu bốn mùa nắng ấm ở Thái Lan. Lo nước thay đổi không chuẩn như qui định (nước có màu vừa xanh là đạt, nước trong quá cũng không tốt vì ba ba dễ nhìn thấy người sẽ bị giật thột, ảnh hưởng tới sức lớn). Đầu năm 2002 công ty lại nhập tiếp từ Thái Lan gần 1 tỉ đồng tiền giống ba ba bố mẹ về vỗ béo để xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo anh Lý, “nghề này phải vừa nhập khẩu vừa xuất khẩu mới nhanh có lãi nhằm hỗ trợ vốn ban đầu”. Anh Lý phân tích: “Cái khác biệt của con ba ba là vừa ăn vừa uống nên rất cần có một lượng nước kháng khuẩn trong ao, hồ để thay thế một lượng kháng sinh giúp ba ba không mắc chứng đau bụng. Để có công thức này anh em chúng tôi phải lặn lội từ Thái Lan sang Malaysia tìm hiểu tốn gần 100 triệu đồng”. Công việc xem như đã thuận buồm xuôi gió. Kết thúc năm 2002, Công ty Lý  Thanh Sắc đã bán 5 vạn con giống và 15 tấn ba ba thương phẩm, thu về gần 1 tỉ đồng. Dự tính năm 2003, mỗi ngày có 3.000 con ba ba được nở. Một tháng có hơn 9 vạn con ba ba giống trưởng thành. Công ty sẽ bán 60 vạn con cả ba ba giống lẫn ba ba thịt và sẽ thu về 3 tỉ đồng. Như vậy trong năm tới Công ty Lý Thanh Sắc không còn lo bàn tính chuyện vốn vay nữa.
“Vệ tinh” ba ba
“Vì say nghề và muốn tạo được nghề mới có sức thu hút thị trường nên có bao nhiêu vốn liếng ba anh em đều dốc vào cho con ba ba hoa (giống ba ba Đài Loan thuần chủng tại Thái Lan)” - anh Lý nói. Ngoài vốn tự có, công ty vay ngân hàng được 2,5 tỉ, đồng thời ba anh lại tiếp tục thuê đất, mở ra mô hình nuôi 2.000 con cá rô phi đơn tính kết hợp nuôi ếch, cá chình, lươn, mở nhà hàng đặc sản bằng chính sản phẩm của mình trên diện tích 6.000m2 để tiếp tục củng cố, mở rộng vốn. Công ty vận động nhiều người nuôi ba ba thành mạng lưới vệ tinh ba ba với hình thức khuyến mãi về chuyển giao công nghệ và bao tiêu sản phẩm cho họ. Nếu hộ gia đình nào khó khăn, công ty sẽ cho nợ 20% tiền giống. Theo cách này, hiện đã có một trang trại tương đối lớn ở Quảng Bình nuôi 2,5 vạn con; ở Nghệ An, Hà Tĩnh cũng đã có một số trang trại qui mô 5.000-10.000 con ba ba. Anh Lý cho biết: “Thị trường của công ty thuộc phạm vi trong nước, chủ yếu là Hà Nội, Hải Phòng và sáu tỉnh bắc miền Trung. Năm ngoái một tư nhân Trung Quốc đến đây ký mua với số lượng 5 tấn/ngày loại tư 2,5-3kg nhưng chúng tôi chưa đủ sức chào đón”.
Thật ít có ngày nào hồ ba ba của Lý - Thanh - Sắc vắng khách các tỉnh xa đến tham quan. Ngày nhiều có trên mười đoàn, ngày ít vài ba đoàn. Đoàn nào đến cũng được các anh hướng dẫn tỉ mỉ kèm theo bản tóm tắt phương pháp, kinh nghiệm nuôi ba ba của công ty. Đó là những ngày các anh vui nhất và cũng bận bịu nhất.
 ================================
Anh tên Đặng Tiến Thành nhưng người Lào cứ gọi anh là ông Zíp Lai, triệu phú số một của thủ đô Vientiane. Thành quê Thanh Hóa, năm 1968 đang là sinh viên Đại học Mỏ - địa chất thì tình nguyện tham gia mặt trận Xiêng Khoảng.
Năm 1991 nhà máy sản xuất quạt mang tên Zíp Lai của mấy ông chủ Đài Loan mới dựng lên ở Vientiane chuẩn bị phá sản vì không có thị trường lớn, hàng bán không ai mua ngoài công ty xuất nhập khẩu của Đặng Tiến Thành. Dạo xem toàn bộ dàn máy, đo kỹ tiết diện từng sợi dây đồng quấn môtơ quạt, Thành nói với Sun Cun Suo - giám đốc nhà máy:
- Máy và khuôn của các ông quá cũ nên không thể làm ăn lớn được. Riêng môtơ thì tốt, tốt hơn cả môtơ của một số loại quạt đang thịnh hành. Với môtơ này quạt chạy 24/24 giờ vẫn không nóng. Thậm chí nếu để quên một tháng cũng không việc gì (cười). Vấn đề của các ông bây giờ là thị trường bị tắc nghẽn, đúng không? Ông Sun hết sức ngạc nhiên, hỏi lại:
- Sao anh biết?
- Ở Vientiane này chỉ duy nhất có tôi mê hàng của ông nên tôi rành.
Trước khi gặp Sun, Thành ăn cơm vắt, đi hàng trăm cây số để tìm mối hàng. Nhưng bạn hàng không dễ đến khi tính ưu việt của quạt Zíp Lai chưa được “phủ sóng”. Anh vừa bán chịu vừa bán giá hữu nghị để chinh phục thị trường. Nghe chuyện này Sun càng sửng sốt khiến anh phải dẫn Sun tới những kho hàng chất đầy quạt Zíp Lai của anh thì ông ta mới tin. Anh nói với Sun: “Không “bóc ngắn cắn dài” tự “hi sinh” trước thì đâu có bở (dễ) ăn”. Nhưng khi thấy nhiều khách hàng đến nhà máy đặt mua quạt Zíp Lai, anh lại tính bài “chiếm ưu thế cạnh tranh nếu không công lao của mình sẽ đổ xuống biển”. Anh mạnh dạn đặt bút ký bản hợp đồng quan trọng đầu tiên với Sun: “Đặng Tiến Thành đầu tư cho nhà máy 80.000 USD. Ông Sun cam kết bán hết sản phẩm quạt cho Công ty Đặng Tiến Thành, không để hàng lọt ra tay người khác”. Có thị trường lại độc quyền sản phẩm anh bán mỗi năm trên 300.000 quạt Zíp Lai. Cứ mỗi cái lãi 2 USD, anh thu 600.000 USD/năm.
Khi quạt Zíp Lai đã rộ khách, Thành nghĩ nhà máy này cũng có thể sản xuất được nồi cơm điện, chăn đời mới như hàng đang thịnh của Thái Lan. Mỗi lần đi bán quạt anh bỏ công thăm dò thông tin về nhu cầu nồi cơm điện và chăn rồi quyết định ký hợp đồng thứ hai, đầu tư tiếp vào nhà máy 50.000 USD để sản xuất nồi cơm điện, chăn mang nhãn hiệu Zíp Lai. Vẫn với cách tự mình “hi sinh” trước như hồi đi tìm thị trường cho quạt Zíp Lai, lần bỏ vốn đầu tư này Thành không cần ăn cổ phần. Số cổ phần đó anh bàn với ông Sun nhập vào nguồn phúc lợi chăm sóc đời sống 100 công nhân nhà máy là người VN và người Lào. Cảm phục, ông Sun mời anh “đứng trụ một chân” với chức phó giám đốc nhà máy phụ trách mảng thị trường.
“Làm kinh doanh nhiều khi căng đầu lắm. Ví như nồi của mình đang bán chạy mà thị trường lại lòi ra một kiểu nồi khác mới hơn, ưu việt hơn là rất nguy hại. Họ “đánh” thì mình phải “đỡ”, phải bỏ công sức tìm tòi, suy nghĩ cho ra loại sản phẩm tốt hơn” - anh nói. Hiện nay tại Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và một số tỉnh phía Bắc người dân đang dùng quạt, nồi cơm điện, chăn Zíp Lai của Đặng Tiến Thành. Nhưng “thị trường mới nhất, hứa hẹn nhất của Zíp Lai bây giờ không phải VN mà là Myanmar và Malaysia” - anh nói.
Cuối năm 2004, thấy nhu cầu xây dựng đang rộ lên ở Vientiane trong khi thép nhập vào Lào phải chịu thuế và công vận chuyển khá cao, anh quyết định xây dựng nhà máy cán thép công suất 50 tấn/ngày. 70 công nhân Việt và Lào đang lắp bộ phận cuối cùng của dây chuyền cán thép để cho ra mẻ đầu tiên vào cuối tháng 2-2005.
Mới ngoài 50 tuổi nhưng mái đầu ông triệu phú đã bạc trắng. Thành bảo năm 1975 chia tay đời lính, anh chỉ có hai bàn tay trắng. Về Vientiane, Thành sắm chiếc xe đạp phượng hoàng cũ để làm phương tiện tiến vô thương trường. Vậy mà năm 2003 trong cơn đau xuất huyết dạ dày và tắc mạch máu cổ, vợ anh đã thuê trọn một chuyến bay Boeing đi Bangkok để cứu sống ông chồng đang kiệt sức. Từ trận đau này anh quyết định xây dựng một bệnh viện 70 giường hiện đại nhất nước Lào (theo qui định của Lào, tư nhân nào muốn xây dựng bệnh viện riêng thì bệnh viện đó phải hiện đại nhất nước).

VŨ TOÀN ( Tuoi Tre )

P03: Nối một vòng tay

Trận sốt quái ác khiến cậu bé Nguyễn Công Hùng chưa đầy tháng tuổi bị bại liệt toàn thân. Nhưng cũng như bao đứa trẻ có tư chất khác, lên sáu tuổi Hùng đòi cha mẹ cho đi học.
Rồi một ngày Hùng viết báo, trở thành hiệp sĩ công nghệ thông tin; giám đốc trung tâm đào tạo tin học và ngoại ngữ cho hơn 100 bạn nhỏ tật nguyền... 
Cái “bàn” Công Hùng ngồi làm việc là một góc nền nhà lát gạch. Tấm lưng èo uột trên cơ thể chỉ nặng chưa đầy 12kg của Hùng phải dựa vào hai cái gối mềm. Chân trái co lên như một khúc cây sậy gập lại, làm điểm tựa cho cái đầu to quá cỡ luôn muốn quẹo xuống đất.
Nghị lực
Vừa trò chuyện, tay Hùng vừa click “chuột”. Ngó theo con “chuột” xỉn màu, tôi ngạc nhiên thấy bàn tay trái bé tẹo, gầy guộc phải đỡ bên dưới bàn tay phải yếu ớt. Mỗi lần ngón trỏ tay trái “bấm” vào đoạn xương trắng nhợt nổi lên trên ngón trỏ tay phải, tức thì ngón trỏ này bấm xuống con chuột theo kiểu mổ cò. Lúc đó con chuột mới điều khiển được bàn phím máy vi tính xách tay, để cách chỗ Hùng ngồi gần 1m.
Nhìn lên màn hình, tôi thấy Hùng đang dẫn ra từng vùng châu lục. Vùng nào cũng chi chít những chấm đỏ. Hùng giải thích: “Tất cả các châu lục trên thế giới em đều có bạn tâm giao, gồm 13.000 “thành viên tinh thần” thường trao đổi kinh nghiệm học tập công nghệ thông tin với em qua trang web “conghung.com”. Những chấm đỏ là địa danh cư trú của 13.000 thành viên ấy”.
Tôi hỏi Hùng ngồi như vậy được bao lâu thì nghỉ giải lao, Hùng nghiêng đầu, mắt vẫn nhìn vào màn hình vi tính, nói: “Thường thì một giờ phải nằm xuống mười phút, nhờ bạn trở người hai lần. Hôm nào bận việc thì làm luôn tù tì đến trưa. Đêm làm tới 12g mới đi ngủ. Sáng dậy vào máy luôn mặc dù khi bấm ngón tay vào con “chuột” là cả hai cánh tay nhức buốt”.
Hùng ngồi như thế đã 23 năm. Kể từ khi sinh ra hơn một năm, chị Hứa - mẹ Hùng, “không dám nhìn con lâu vì chỉ có cái đầu và hai cánh tay của con cử động”. Chị kiên nhẫn tập mãi mà không thấy đứa con trai đầu lòng của mình đứng được. Sau đó thì tất cả sự sống của Hùng đều nhờ vào “bàn tay thương yêu của mẹ”.
Hùng bảo: “Em không có gì phải buồn vì mình sinh ra run rủi gặp cảnh tật nguyền chứ có ai xui mình trở thành người dị dạng đâu. Con người chỉ khác nhau ở chỗ làm được việc gì và giúp ích được gì cho mọi người. To khỏe mà lêu lổng, nghiện hút thì có nghĩa gì. Vì thế em đã không hề nản chí”.
Hùng kể: “Em mê sách truyện thiếu nhi từ năm học lớp 1 nên phải thuê sách về đọc. Nhà nghèo, mỗi lần ngửa tay xin tiền bố mẹ em thấy xót lắm”. Thấy đứa con tội nghiệp muốn tiếp cận Internet, chị Hứa bàn với chồng vay tiền mua máy vi tính cho con.
Vợ chồng chị Hứa không ngờ chiếc máy vi tính mà Hùng “dính chặt” suốt ngày đêm đã giúp cậu bé không những sử dụng thành thạo mà còn sửa chữa được những lỗi phần mềm. Hè năm 2002, một số gia đình trong xóm nghe tiếng, đưa những đứa con tật nguyền đến “nhờ anh Hùng chỉ dẫn cách đánh máy vi tính”. Hùng bèn lập nhóm “Nối vòng tay tật nguyền”, rồi cùng em gái Thảo Vân (cũng bại liệt như Hùng) mở trang web mang tên “Nghị lực sống”.
Giữa năm 2003, những bài báo đầu tiên về kinh nghiệm, thủ thuật sử dụng máy vi tính của Hùng được tạp chí e-Chip đăng đều đặn. Từ đó Hùng trở thành cộng tác viên “ruột” của e-Chip. Hùng tâm sự: “Các em tật nguyền cũng có khát vọng giống như mình trước đây nên cần phải chia sẻ kiến thức cho các em. Thêm một người biết thì có nhiều người biết. Mình dạy cho một em thì em đó sẽ dạy lại cho nhiều người”. Tâm sự này của Hùng được lãnh đạo Liên hiệp Sản xuất - phát triển miền Trung nể phục, nên họ quyết định bổ nhiệm Hùng làm giám đốc cơ sở đào tạo tin học Nhân Đạo (do Hùng mở năm 2004).
Giám đốc của trẻ tật nguyền
Tôi như không tin vào mắt mình khi nhìn thấy 20 bạn nhỏ đủ dạng tật nguyền đang ngồi trước 20 dàn máy vi tính trong cơ sở đào tạo của Hùng ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Thảo Vân - em gái thứ ba của Hùng, giới thiệu: “Đây là 20 máy vi tính do Công ty điện tử Thái Bình bán theo phương thức trả góp.
Mỗi tháng anh Hùng có khoảng 5 triệu đồng tiền lương nhờ cộng tác quản lý mạng cho bốn công ty, tập đoàn kinh tế ở Hà Nội và TP.HCM (riêng chức giám đốc không có lương). Số tiền đó vừa đủ nuôi các bạn ăn học ở đây. Còn em phụ giúp anh Hùng dạy phần tin học văn phòng, đồ họa vi tính”.
Thảo Vân sinh năm 1987, là cô gái “không biết chán đời” mặc cho hai chân, hai tay co quắp, lại thêm khối u làm còng cái lưng gầy nhỏ. Vân sụt sùi nước mắt: “Em học, dạy, cập nhật thông tin cho tám trang web để khẳng định mình. Người ta ai rồi cũng chết, nhưng cứ thử sống thêm một ngày xem sức chịu đựng của mình ra sao? Vậy là em sống”.
Nói đoạn, Vân đưa bàn tay ngắn củn, mềm nhũn quay bánh xe lăn, dẫn tôi đi khắp 20 dàn máy, trò chuyện với những người bạn thân thiết của Vân. Võ Minh Thương, 15 tuổi, khi sinh ra đã mất nửa cánh tay trái, bàn tay phải chỉ có mỗi ngón út bé tẹo, nhớ lại: “Cách đây bốn năm, bố mẹ mang em đến đây xin anh Hùng cho học để kiếm cái nghề”.
Bây giờ Thương đã sửa được lỗi phần mềm vi tính và trở thành giáo viên của các bạn học mới. Còn Nguyễn Thị Xuân, 16 tuổi, phải đi bằng hai chiếc ghế con do hai bàn chân quắp hẳn về phía sau, bốn ngón trên hai bàn tay bị dính, đến cơ sở của Hùng từ năm 2005 nay trở thành giáo viên chính. Nguyễn Minh Phú cụt cả hai tay, nhưng chỉ sau ba tháng hè học nghề đã đánh vi tính thành thạo bằng mười ngón chân.
Hào bị xơ hóa cơ Delta rút ngắn hai cánh tay; Nhung bị chất độc da cam, từ ngang ngực trở xuống không cử động được cũng đã trở thành những thành viên tích cực của nhóm “Nối vòng tay tật nguyền”. Hùng nói: “Cơ sở này đã đào tạo hơn 100 bạn có hoàn cảnh như bọn em giúp họ sử dụng thành thạo vi tính, tạo được việc làm ổn định”.
Còn ước mơ của hai anh em Hùng? - “Mong Nhà nước mở ra nhiều trung tâm cho các em tật nguyền khắp nơi, giúp họ có cơ hội hòa nhập cộng đồng bằng việc làm hữu ích mà họ hoàn toàn có thể làm được bằng nghị lực và ước mơ của họ”.
 - 5-2005, Hùng được Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật VN tặng bằng khen, huy hiệu “Vì sự nghiệp khoa học và CNTT”.
- 8-2005, tạp chí e-Chip cùng một số chuyên gia CNTT VN bình chọn Hùng vào top 15 hiệp sĩ CNTT với biệt danh “Một ngón tay mở ra thế giới”.
- 8-2005, Trung tâm Sách kỷ lục VN trao cúp, bằng xác  lập “Kỷ lục VN” về người tàn tật đầu tiên làm giám đốc về lĩnh vực tin học.
- 10-2005, “biểu diễn” bài giảng đào tạo trực tuyến trên chương trình Người đương thời của VTV1 mang tên “Kết nối - sự lựa chọn cho tương lai”.
- 5-2006, được mời làm phó giám đốc phụ trách kỹ thuật của Công ty Phát triển mạng doanh nghiệp truyền thông và xúc tiến đầu tư VN tại Hà Nội
============================
Năm 68 tuổi ông mới thực hiện được ước mơ lập Viện Kinh tế sinh thái - viện khoa học tư nhân đầu tiên ở VN. Ông gọi đó là “Viện hành động”.
Viện chỉ có tám biên chế nhưng đã gầy dựng được 13 mô hình làng sinh thái; và trong 15 năm qua ông viện trưởng không nhận một đồng lương. Dân nghèo làng sinh thái gọi ông là “Ông Bụt”.
Đó là GS.TS Nguyễn Văn Trương, người vừa được phong Anh hùng lao động ở tuổi 83.
Nỗi trăn trở lớn nhất trong ông là “kinh tế phát triển” mà môi trường bị hủy hoại, làm gia tăng sự cuồng nộ của thiên nhiên. Ông nói: “Chiến tranh đã tàn phá, nay đến lượt con người hủy hoại thiên nhiên. Phát triển kinh tế nhưng phải bảo vệ được sự cân bằng sinh thái thì mới bền vững”.
Viện dân lập
Ý nghĩ “sốt gan, sốt ruột” trở thành mục đích phấn đấu của ông. Ông muốn xây dựng lý luận kinh tế sinh thái để biến mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo tồn sinh thái thành một thể thống nhất và xây dựng một “viện hành động” góp phần đắc lực bảo vệ sự sống của môi trường.
Nhưng ông không phải là đảng viên, lại quá tuổi về hưu đến tám năm. Vả lại công việc của một tổng biên tập Từ điển bách khoa VN đòi hỏi ông mất nhiều sức lực. Nhưng ông quyết làm bằng được. Bao nhiêu tâm huyết ông dồn vào lá đơn gửi Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước: “Nước ta chưa có Viện Kinh tế sinh thái. Tư nhân càng không có viện nào. Hiện các trí thức cao tuổi, các nhà khoa học giàu kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực đang hoạt động trong Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN. Họ là những cán bộ có đức, có tài. Chính đây là “kho chất xám” rất quí để giải quyết bài toán lớn, đầy phức tạp về kinh tế và sinh thái. Với ý tưởng đó, tôi xin đứng ra thành lập Viện Kinh tế sinh thái”. Gửi đơn rồi vẫn chưa yên lòng, ông tranh thủ gặp một số vị trong Bộ Chính trị, đặc biệt là nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt để trình bày thêm mới ra được cái "viện dân lập" vào năm 1990.
Xong phần thủ tục nhưng văn phòng làm việc và tiền thì bí. GS Tôn Thất Kiểu - viện trưởng Viện Qui hoạch thiết kế rừng - cho ông mượn căn buồng 12m2 làm văn phòng. Còn tiền thì ông tự dốc hầu bao từ khoản lương của tổng biên tập Từ điển bách khoa VN. Cầm cự hơn ba năm ông mới nhận được dự án trị giá 68 triệu đồng từ Viện Khoa học công nghệ để đầu tư xây dựng làng sinh thái Triệu Vân (huyện Triệu Phong, Quảng Trị). Tiếp đó, một thầy giáo người Pháp (từng dạy ông ở Trường Quốc học Vinh) giới thiệu “Tổ chức Công giáo chống nghèo đói cho sự phát triển” (CCFD) tài trợ viện 30.000 USD.
Mỗi lần có dự án, ông cùng các nhà khoa học miệt mài nghiên cứu, viết, vẽ... như những con ong cần mẫn rồi lên xe đò đi làm làng sinh thái. Đồng nghiệp “tâm phục khẩu phục” vì ông có tới hai bằng tiến sĩ, nên khi thấy viện trưởng không nhận lương, các nhà khoa học cũng noi theo, vì “đi xây làng sinh thái là đi làm việc thiện giúp dân nghèo”.
Làng sinh thái
Ông quan niệm: “Người ít nghĩ ngợi, óc chóng hỏng. Người không làm việc thiện thì cái tâm khó yên”, và cho treo trong văn phòng viện hai câu răn: “Không vì tiền mà làm điều phi nghĩa”. “Làm khoa học phải trung thực, nghiêm túc; kiên trì, nhẫn nại; khiêm tốn học hỏi; tổng hợp đức, tài”.
Không ít người dân xã Phú Điền, huyện Nam Sách (Hải Dương) bảo “ông già dám chống lại mệnh trời” khi thấy ông lọ mọ bước trên cánh đồng “chiêm khê, mùa thối đã hàng trăm năm”. Nhưng họ biết ông đang tìm những miền quê nghèo có hệ sinh thái bị suy kiệt kiểu này để nghiên cứu nhằm đổi đời cho đất, cho người.
Ông khiêm tốn: “Thật ra không phải mình sáng tạo mà nông dân đã sáng tạo lâu lắm rồi. Từ kinh nghiệm “nhất canh trì, nhì canh viên, tam canh điền”, chúng tôi hướng dẫn từng hộ gia đình nông dân chia đôi thửa ruộng của mình. Một nửa trồng lúa, một nửa đào sâu xuống làm ao vừa chống úng, vừa thả cá. Đất đào ao đắp lên làm vườn cây ăn quả. Như vậy người nông dân luôn tay luân canh từ vườn - ao - ruộng. Có người hỏi ông bí quyết “chống mệnh trời”, ông cười: “Tôi ghét nhất là diễn thuyết suông. Phải chia tiền về tận tay người dân, hướng dẫn kỹ thuật cho họ. Phương cách của tôi là: dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng. Cái quan trọng là người dân thật sự được thụ hưởng. Tất nhiên mỗi làng phải có một tổ chuyên gia chỉ đạo, gắn chặt với cán bộ chính quyền, đoàn thể (những người này được hưởng phụ cấp trách nhiệm để gắn kết với cộng đồng)”. Bốn năm sau, về lại các làng sinh thái, đi đến đâu ông cũng “bị” bà con níu tay, bá cổ khoe: “Trước đây đến mùa lễ, tết chúng tôi phải ra chợ mua đủ thứ. Nay phải gánh hàng hóa ra chợ bán, “ông Bụt” ạ. Khi đồng ruộng được chuyển đổi, cho thu hoạch 75 triệu đồng/ha (trước chỉ đạt 15 triệu/ha) nên thanh niên không ai bỏ làng đi kiếm ăn xa nữa”.
Ông tâm sự với đồng nghiệp: “Nước ta sắp tới sẽ có 100 triệu dân. Lúc ấy 1,2 triệu ha đất phải nhường chỗ cho những tuyến đường, khu nhà, vùng công nghiệp. Cho nên cần phải tính chuyện mở mang vùng sinh thái kém bền vững trên nửa triệu ha bãi cát hoang ven biển để bù vào. Nếu được như vậy sẽ có tác dụng cân bằng sinh thái trong cả nước". Khi ông và sáu nhà khoa học vác balô đến Triệu Vân, ai cũng ngợp trước cảnh đồi không mông quạnh cát là cát. Một đồng nghiệp lộ vẻ ái ngại: “Ông Trương ơi, chỗ này khó xơi đấy vì là vùng cát trọc bị úng về mùa mưa đã mấy thế kỷ rồi. Cây tự nhiên bị thối rễ rồi chết chỉ trơ lại sim, mua, cỏ lông chông”. Ông trấn an: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Giáo sư phải nghĩ cách đào mương, rút nước. Trên mương đắp luống trồng những cây lâu năm thích hợp với đồi cát như phi lao, các loại keo để tạo bóng. Đất cát bỏ hoang lâu đời nên tạo nền vi khuẩn cố định. Đây là nguồn đạm rất dồi dào. Dưới bóng cây, lá rụng xuống sẽ làm giàu mùn cho đất”.
Sau một năm cây đã có bóng, bà con trồng khoai lang, sắn. Sau ba năm cây phi lao lên cao cỡ 3,5m, môi trường được cải thiện hơn, bà con có thể đào ao nuôi cá, trồng ngô, đậu, cà chua, kê, lạc, vừng. 41 hộ gia đình đã làm theo mô hình này, biến 60ha cát hoang trở thành làng kinh tế. Tiếp đến thêm 30 gia đình nữa lấn làng sinh thái ra biển. Bây giờ đi trên quốc lộ 1A đoạn xã Triệu Vân, người ta không còn thấy những triền cát hoang nữa mà chỉ thấy làng cây xanh liền biển xanh. Ông nhắc lại lời khen của Chủ tịch nước Trần Đức Lương (năm 2004): “Ông Trương ơi, mình đến làng sinh thái, bà con cho ăn xoài ngon lắm”.
Trong mô hình 13 làng sinh thái dần trở thành “làng thịnh vượng” (theo cách gọi của các nhà khoa học) có một làng ông Trương tâm đắc nhất: làng sinh thái Hợp Nhất của người Dao thuộc vùng đệm vườn quốc gia Ba Vì. Nghiên cứu nhiều tài liệu thực - động vật của các nhà khoa học, nhà du lịch trong và ngoài nước, ông nhận biết Ba Vì đang được xem là “vườn sau của ngôi nhà lớn”, là “lá phổi xanh sinh quyển” của thủ đô Hà Nội. Năm 1993 có 90 hộ gia đình người Dao (465 nhân khẩu) thuộc thôn Sổ, xã Ba Vì, huyện Hà Tây được Nhà nước giúp đỡ gạo, tiền rời vùng đệm, xuống núi lập làng định cư. Nhưng do người Dao chưa biết chăn nuôi, làm vườn, đào ao thả cá, không biết trồng rau và cây ăn quả. Mỗi nhân khẩu chỉ có 4m2 ruộng lúa nước, còn lại là đồi trọc trơ đá lộ thiên. Không tạo lập được đời sống, bà con lại tiếp tục quay lên rừng săn bắt, hái lượm, phát nương làm rẫy, chặt gỗ rừng để bán trong lúc vườn nhà bỏ hoang, trẻ em bỏ học theo cha mẹ đi rừng.
Ông Trương chọn chuyên gia giỏi về mở lớp hướng dẫn bà con cách sử dụng đất đồi núi dốc để sản xuất nông - lâm nghiệp, trồng cây lương thực, thực phẩm lấy thức ăn cho người và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Một kỹ sư giàu kinh nghiệm trực tiếp hướng dẫn 25 hộ gia đình làm đột phá khẩu, tạo dốc núi thành sáu mặt ruộng bậc thang. Bậc trên cùng trồng keo tai tượng, sấu, trám. Tiếp đến trồng quế, hồng, na, dứa, chè - mơ, chuối, cam - đỗ, lạc, vừng. Cuối cùng là ruộng lúa và ao cá. Bờ đá nối sáu mặt ruộng bậc thang được trồng dứa trở thành bờ cây phòng hộ, giữ độ ẩm, chống xói lở. Năm 2000 tất cả 90 hộ đều có vườn sinh thái. Một số gia đình có thu nhập 12 triệu đồng/năm.
Một đời phó thác cho ngành lâm nghiệp, ông lặn lội hết rừng Đông Bắc, qua Tây Bắc, sáu tỉnh Bắc Trung bộ và dọc dài Tây nguyên cũng chỉ vì tâm niệm: “Cấu trúc tự nhiên của môi trường là một cơ thể sống, giống như quan hệ giữa quả tim, buồng gan, lá phổi trong cơ thể con người. Không hiểu cấu trúc đó sẽ dẫn đến làm sai, khiến môi trường bị suy kiệt”. Tâm niệm này đã được ông lý giải trong 19 cuốn sách ông viết về rừng và môi trường sinh thái. Với ông, sứ mạng của những làng sinh thái là hàn gắn lại những hao hụt, đổ bể do sự mất cân đối môi trường tự nhiên đã và đang diễn ra. 

VŨ TOÀN ( Tuoi Tre )

P02: Nghị lực sống - Vừ Chông Pao

Lê Hồng Sơn sinh năm 1979 giữa quê nghèo xã Phú Gia, huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh). Bất hạnh đến với Sơn ngay từ khi mới lọt lòng mẹ: hai cánh tay không có cơ bắp, hai bàn tay rủ xuống như dính liền nhau trước ngực.
Còn hai chân cũng khòng khoeo dị tật. Nhưng như có một phép lạ, từ nhỏ Sơn đã biết làm nghề mộc để tạo cho mình một cuộc sống tự lập trên đôi chân tật nguyền bé bỏng. Năm 1991 Sơn đoạt giải nhất “Cuộc thi khéo tay” huyện Hương Khê; năm 1992 Sơn lại đoạt giải nhất toàn quốc “Hội thi nghề mộc trại hè trẻ em nghèo vượt khó” tại Hà Nội. Ngày 1-10-1998 Chủ tịch nước Trần Đức Lương gửi thư khen: “Ý chí của cháu là tấm gương đáng để các bạn trẻ VN noi theo”.
Dưới những cành cọ lấp lóa nắng chói, mái nhà tranh của gia đình Sơn hiện lên trên đồi đất trắng như cát trắng. Mẹ Sơn đang đội khăn tang cho chồng. Bà nội Sơn đã 94 tuổi. Còn Sơn thì thấp nhỏ như chú bé lên mười.
Những ngày thơ ấu
Mẹ Sơn không giấu nổi những giọt nước mắt mặn xót khi kể lại cho tôi nghe những ngày ấu thơ của Sơn. Chị nói: “Tôi bị cảm biến chứng lúc mang thai cháu được bốn tháng, rồi bị ngã trong lúc làm cỏ lúa giữa đồng nắng khô... Sinh con ra là đã khóc. Những ngày bồng con đi hết viện gần, viện xa khác nào như bồng cục lửa trên tay. Hết tiền vay mượn, đến khi bán cả gian rưỡi cái nhà cọc của ông bà để lại tiếp tục bồng con đi viện vẫn không chữa nổi. Vợ chồng lại quay về chụm cái lều cọ để ở. Mãi sáu năm sau cháu mới biết đi”. Để cho con đi được, người mẹ ngày nào cũng trải chăn bông ra giường rồi mẹ một đầu, bố một đầu tập từng bước đi đầy cực nhọc cho con.
Lên 8 tuổi, Sơn đòi mẹ cho đi học. Hồi đó nghe bạn gọi “Sơn ơi đi học” là Sơn mừng lắm. Nhưng việc đi học của Sơn là cả một kỳ công, vì trên bàn chân dị tật của Sơn những ngón chân bé tẹo cũng không được bình thường. Nhiều đêm trằn trọc Sơn không khóc mà nước mắt ướt đầm cả gối. Việc dùng hai chân cặp bút để viết đã không thành, Sơn dùng thanh tre buộc vào chân rồi kẹp bút ở giữa cũng rất khó khăn vì cái chân tật hay bị tê. Làm đủ kiểu, cuối cùng Sơn reo lên khi cải tiến được cách cầm bút. Đó là một cọng sắt úp vào mặt trên bàn chân. Trên cọng sắt có lỗ tròn bỏ bút qua thẳng với hướng kẹp của ngón chân, và một vòng dây cao su buộc lại. Từ đó Sơn liên miên ngồi viết. Lúc học lớp 1 Sơn đã có ý thức tạo lập cuộc sống cho mình.
Hồi đó, năm nào gia đình cũng thiếu đói sáu tháng nên có cảnh chia cơm đọi (bát) cho từng người. Riêng Sơn bao giờ cũng dành nửa bát cơm cho đàn gà của mình. Mùa gặt nào Sơn cũng đi nhặt từng hạt lúa rơi vãi ngoài đường về cho mẹ. Ngày học, còn đêm Sơn thắp đèn dầu đục đẽo, học nghề. Sơn còn nhớ do nhà quá nghèo nên sau buổi học ở trường về Sơn phải giữ em. Vì không bế được em, Sơn nghĩ cách đóng một cái xe con, cho em ngồi trong rồi dùng dây buộc vào tay kéo đi khắp xóm đồi. Cũng từ đó Sơn bắt đầu thích làm nghề mộc. Năm học lớp 3 Sơn đã làm được mâm thờ ngũ quả, tran chè, mâm ăn cơm đem bán khắp chợ Hương Khê, mỗi năm cũng được vài trăm chiếc. Sau đó, Sơn đi xem mẫu mã giường, tủ của thợ Nam Hà đóng rồi về làm thử. Thật khó tin khi nghe kể chuyện Sơn làm cả đồ mộc cao cấp bằng chính hai bàn chân tật nguyền bé xíu. Mẹ Sơn kể: “Mùa hè trời nắng nóng, nhìn con đưa hai cái chân còng queo lên điều khiển cái cưa xẻ gỗ mà thương đứt ruột. Khi đi cháu phải nghiêng cả hai bàn chân, còn khi sinh hoạt, làm lụng thì tất cả công việc lại bắt đầu từ hai bàn chân đi nghiêng ấy: viết, xâu kim, đơm khuy, ăn uống, nấu nướng, giặt giũ đến đục đẽo, cưa xẻ, chạm trổ... Mãi tới khi ông Đoàn Văn Đạt - cơ sở bánh kẹo Nguyên Hương ở Hải Hưng - nghe chuyện vào thăm và tặng cháu một máy bào, máy cưa thì cháu mới khỏe ra đôi chút”. Chiếc giường hộp đầu tiên Sơn làm bán được 230.000 đồng, gần bằng chiếc giường của thợ Nam Hà - 300.000 đồng, lúc Sơn 16 tuổi.
Vào đời
Có tận mắt nhìn thấy Sơn dùng cái chân tật nguyền nâng cả cái dùi đục nặng khoảng 3kg lên để dội vào cán đục cho lưỡi đục ăn sâu vào thớ gỗ thì mới tin lời Sơn nói: “Cháu đã đục là chắc ăn, không thua kém thợ khỏe mạnh, lành nghề. Kể cả đóng đinh, chưa bao giờ cháu đóng hỏng hoặc làm bay một chiếc đinh dù chiếc đinh đó đóng vào gỗ trai, gỗ gụ. Trong nghề cũng có cái phải làm đi làm lại mới được. Làm xong mới biết việc ấy quả là khó khăn. Nhưng khó mấy cũng phải làm. Làm để nuôi sống nghị lực”.
Năm 1993, Sơn bắt đầu rời nhà đi kiếm sống. Sơn luôn nung nấu một ý nghĩ: “Phải tự lập để sống, không phụ thuộc vào người khác. Lợi dụng người khác để tồn tại là điều rất khổ tâm”. Xa quê, Sơn đi làm lưu động theo đơn đặt hàng của một số trường học. Sau đó Sơn làm đơn xin vào Trung tâm Xúc tiến việc làm tỉnh Hà Tĩnh. Ở đây Sơn gặp nhiều bạn trẻ có hoàn cảnh còn éo le hơn mình: bạn Phạm Văn Sĩ phải đi bằng cả hai chân hai tay; Hoàng Việt Dũng tàn tật hết cả mọi tứ chi. Sơn nghĩ: “Thì ra xã hội còn có nhiều người tủi khổ hơn mình. Mình sẽ làm một cái gì đó để chia sẻ nỗi buồn của họ”. Và Sơn đã thực hiện được phần nào mong muốn ấy khi tự mình vừa làm nghề kiếm sống, vừa đào tạo được mười bạn tật nguyền khác trở thành thợ lành nghề. Nhưng công việc ở Trung tâm Xúc tiến việc làm cũng không được ổn định. Sơn lần đến thị trấn Cày, tình hình vẫn thế. Để có việc thường xuyên, Sơn cùng các bạn tật nguyền mạnh dạn xây dựng “dự án tổ hợp mộc thanh niên tật nguyền tỉnh Hà Tĩnh”. Dự án làm xong năm 1999. Tỉnh Hà Tĩnh đã cho đất ở thị xã. Cái khó hiện nay là phải có thêm một số vốn để làm nhà, dựng xưởng thì “tổ hợp mộc thanh niên tật nguyền” này mới có thể bắt đầu hoạt động. Sơn nói: “Hồi đi học cháu đã nhận làm hàng trăm bộ bàn ghế và tủ cho các trường học. Có thời gian cháu nuôi mười thợ trong nhà. Có tuần phải thuê cả đôi thợ cưa. Bây giờ nếu xưởng được mở chắc không đến nỗi”. Nói đoạn Sơn mở rương lấy cho tôi xem hàng ngàn bức thư của các bạn trẻ khắp các tỉnh trong cả nước gửi về hỏi thăm, động viên và xin kết bạn cùng Sơn.            
============================================
Trên những bản người Mông cheo leo của huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) người ta thường gọi ông là "thủ lĩnh". Năm nay ông đã 75 tuổi nhưng vẫn làm phó chủ tịch danh dự của MTTQ tỉnh Nghệ An, vẫn tình nguyện đi bản xa cai nghiện, giúp dân.                                                         
Ông Vừ Chông Pao có vóc dáng như một đô vật, cao 1m80, nặng hơn 85kg. Trên khuôn mặt vạm vỡ, đôi mắt của ông bé xíu, trông có vẻ dữ. Nhưng khi ông nói câu đầu tiên, tôi cảm giác ánh mắt của ông ẩn chứa nhiều tình cảm chân thật của người miền núi.
Mang thuốc phiện tặng Thủ tướng.
Trong buổi chiều giữa bản Sơn Hà, xã Tà Cạ, tôi nghe ông kể những chuyện đời giống những giai thoại. Hồi đang làm chủ tịch huyện Kỳ Sơn (1969-1989 và là đại biểu Quốc hội khóa VIII) ông mang 4kg thuốc phiện ra Hà Nội làm "quà"... Ông kể: “Hồi ấy, Nhà nước chủ trương thu mua thuốc phiện làm dược liệu. Trong ba năm ta vận động dân bản bán cho nhà nước 43 tấn thuốc phiện nhựa. Thấy kết quả tốt ta cũng mừng nên bảo mấy anh tài chính phải làm một cái quà cho Thủ tướng chứ. Tính toán mãi, thấy ở miền sơn cước này không có đặc sản gì ngoài thuốc phiện nên ta mua 4kg mang ra Hà Nội tặng Thủ tướng. Hôm xe rời thị trấn Mướng Xén 200km thì công an thổi còi, ách xe lại kiểm tra. Thấy bịch thuốc phiện họ đòi giữ cả ta, cả thuốc. Ta bảo, không phải hàng của tôi đâu. Quà tặng Thủ tướng đấy. Các anh giữ cũng được nhưng phải giữ cho khéo. Nếu để hao hụt là ta bắt bồi thường đấy. Công an thấy lạ, gọi điện thoại đi nhiều nơi. Sáng hôm sau ta thấy công an trả cả người cả thuốc nguyên vẹn". Lần ấy, ông Pao được nguyên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp tại phòng riêng.
- Làm sao ông tặng được món "quà" ấy cho Thủ tướng? - tôi tò mò.
- Nghe ta nói lý do tặng quà, Thủ tướng mỉm cười rồi cho cán bộ văn phòng khẩn trương cất quà đi. Giờ nghĩ lại thấy cứ buồn cười. Ai lại cả gan mang hàng quốc cấm ra tặng Thủ tướng, may mà Thủ tướng tha tội chết. Lần đó, Thủ tướng nhận ta làm anh em kết nghĩa đấy.
Năm 1963 ông Pao được Chính phủ mời ra dự lễ kỷ niệm Quốc khánh 2-9 tại Thủ đô Hà Nội. Ông vinh dự được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Hôm ấy, sau khi nghe Bác Hồ hỏi: "Kỳ Sơn, Nghệ An có chuyện gì mới?". Cả đoàn chưa ai thưa chuyện thì ông Pao đứng dậy, xin nói:
- Thưa Bác, ở Kỳ Sơn bọn phỉ xưng vua "châu phà" (vua trời) nhiều lắm.
- Nếu họ xưng vua thì các chú thế nào? - bác hỏi.
- Thưa Bác, người Mông nổi loạn làm phỉ. Cán bộ truyên truyền mãi mà họ không nghe. Họ cứ cầm súng bắn dân, bắn bộ đội rất dã man. Nếu bắt được ta phải bỏ tù rồi tử hình thôi.
Bác liền đưa tay về phía đoàn khách Nghệ An, nói:
- Các chú làm như vậy là không được. Các chú nên xác định rõ kẻ thù là ai, bạn mình là ai. Bọn đế quốc muốn biến nước ta làm nô lệ nên lừa dân làm phỉ, làm bia đỡ đạn cho chúng. Kẻ thù chính là đế quốc. Bạn của ta là đồng bào các dân tộc Việt Nam. Các chú đừng biến bạn thành thù. Nếu biến bạn thành thù thì các chú đánh suốt đời cũng không hết giặc.
Về lại Kỳ Sơn, ông Pao mở hội nghị mời già làng trưởng bản họp liên tục ba ngày. Ông truyền lại từng lời của Bác cho mọi người hiểu rồi soạn bản tiếng Mông kêu gọi phỉ ra hàng. Dân thì nghe nhưng phỉ chống lại. Ông Pao tính chuyện, trước hết phải vận động những gia đình cán bộ có người nhà đi làm phỉ sau đó lấy đà vận động tiếp. Vùng ông Pao "thí điểm" là rừng phỉ ở Mường Lống. Người ông Pao nhắm tới đầu tiên là Y Lầu - chủ tịch Hội phụ nữ xã Mường Lống. Găp Y Lầu, ông nói:
- Y Lầu ạ, chồng chị là Lì Vả Chình khét tiếng làm phỉ. Nó đánh bộ đội ta “tích cực” lắm. Là cán bộ xã, chị làm sao gọi chồng ra hàng cho bằng được mới xứng đáng là chủ tịch Hội phụ nữ chứ. Ra hàng mà mang theo cả súng thì càng tốt nhé.
- Trước đây ta thường gói cơm trong khăn quấn trên đầu, bỏ thịt gà trong bao tượng cột ngang bụng đem cho chồng ăn, bây giờ phải đi vận động thấy khó lắm - Y Lầu nói.
- Chị lựa chọn lời nói cho Lì Vả Chinh biết bộ đội có 600 quân, nếu không ra hàng thì sẽ bị bắn chết hết. Vì thế Y Lầu sẽ mất chồng.
Lần thứ nhất lặn lội vào vùng rừng Hồi Đun, Y Lầu nghe chồng bảo: “Ta theo châu phà.Châu phà là vua trời của người Mông. Ta không về đâu”. Lần thứ hai Y Lầu đấu tranh: “Vua trời mà đốt cháy cả bản, bắn cả bộ đội. Ta nghe Bác Hồ nói, nếu ai ra hàng thì được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đấy". Lần ba Y Lầu vừa vào thì thấy Lì Vả Chinh gọi thêm hàng chục tên phỉ khác ra hàng. Số ngoan cố còn lại cũng lần lượt ra đầu thú khi bộ đội đánh mạnh vào hang Phả Phìa và động Phồng Phên - những căn cứ phỉ nổi tiếng ở Kỳ Sơn.
Ông Pao luôn nhận mình là người "ít học, không có bằng cấp" nhưng suốt 20 năm làm chủ tịch huyện, ông không để xẩy một sai sót gì. Ông còn nhớ "nhiều lúc ngồi trong ôtô chuẩn bị đi họp rồi mà còn có nhiều người đến đưa văn bản xin chữ ký, ta nói - ký thì ta ký, còn làm sai là anh em chịu nhé". Nói đoạn ông mở tủ lấy cho tôi xem chiếc áo đại cán đính rất nhiều danh hiệu được tặng bên cạnh huy chương kháng chiến chống Pháp, Huân chương kháng chiến chống Mỹ...
Gặp Tổng bí thư... xin xe con
Tháng 4-2004, Ông Pao viết thư gửi Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Bức thư có đoạn: "Trước đây làm đại biểu Quốc hội, ra Hà Nội họp là được gặp anh. Hơn mười năm nay không được ra Hà Nội đi tham quan nên tôi chỉ thấy anh qua tivi thôi...". Ông kể, nhận được thư, anh Mạnh trả lời ngay, anh nói: "Xin mời đồng chí ra thăm Hà Nội". Cuộc gặp này, Tổng bí thư cho ta hai giờ ngồi nói chuyện tại phòng làm việc. Ta không giấu giếm những khó khăn của huyện biên giới Kỳ Sơn. Anh Mạnh khuyên: "Tuy đồng chí đã có tuổi nhưng còn sức thì gắng làm việc giúp địa phương". Nói xong, anh Mạnh cho 3 triệu đồng về mua quần áo, chăn màn và mua ba cái xe đạp cho con đi học. Biết ta còn thiếu cái mũ, anh Mạnh bảo chú văn phòng lấy cho cái mũ của Phi Đen tặng hồi anh đi thăm Cu Ba. Thấy Tổng bí thư chân tình quá, ta mới dám đề xuất một chuyện:
- Những lúc về xuôi đi họp, tôi phải ngồi xe khách chen chúc, mệt lắm. Vả lại con em Kỳ Sơn bây giớ tái nghiện từ 70-80% nên tôi muốn giúp dân bản cai nghiện như từng cai nghiện ở bản Khe Tang, xã Chiêu Lưu. Ngặt nỗi không có xe nên tôi muốn xin anh một cái xe con có được không?
Tổng bí thư vui vẻ nhận lời. Cuối năm 2004 nghe tin lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã mua cho chủ tịch huyện và ông Pao một chiếc xe mới để hai người đi chung nhưng chờ mãi không thấy nên ông Pao lại viết thư gửi Tổng bí thư. Ông viết: "Tháng 4-2004 hai anh em ngồi nói chuyện, anh có hứa cho tôi một cái phương tiện nhưng có hay không thì cho tôi biết". Sau lá thư ấy ông Pao nhận được chiếc xe của dự án xóa bỏ cây thuốc phiện. Hiện ông đã chuyển chiếc xe về MTTQ huyện, khi cần ông nhờ lái xe chở đi.
Ông Pao là người đầu tiên và là người duy nhất ở Kỳ Sơn xung phong đi cai nghiện cho dân bản Khe Tang - bản có 57 hộ nhưng có tới 47 người nghiện (lúc đó cả huyện có trên 3.000 con nghiện). Kế hoạch cai nghiện của ông bắt đầu từ năm 2002 bằng cách vận động tất cả đối tượng nghiện tự giác cai. Buổi lễ cai cũng là buổi tập trung bàn đèn, kim tiêm để hủy trước sự chứng kiến của người nghiện, người thân và những tổ chức từ thiện trực tiếp chăm sóc và cai. Sau cai, ông Pao đích thân đi mua giống heo và đi dào từng cây chuối mang về cho các đối tượng cai nghiện trồng. Hồi ấy ông Pao còn đạp xe đi gần 20km về khe Tang rồi ở lại đó cai xong một đợt 2-3 tháng mới về nhà.
Trưa ngày 10-6-2005, tại bản Khe Tang, tôi chứng kiến cảnh gặp nhau tay bắt mặt mừng giữa ông Pao và những người đã đoạn tuyệt với ma túy. Ông Moong Văn Nam khoe: “Chính nhờ ông Pao chữa cho tôi mà thoát khỏi nạn nghiện”. Ông Hoa Phò Thải thấy chúng tôi đến liền ngừng tay thái cây chuối trước cửa nhà sàn, hồ hởi: “Lúc đầu tôi không chịu cai nhưng nhờ ông Pao vận động nay tôi đã trở thành người “sạch” ma túy. Khỏe cái người lắm”. Những người này đã trở thành cộng tác viên cho ông Pao đi tuyên truyền cho nhiều người khác trong Khe Tang cùng quyết tâm cai nghiện. Kết quả đã có 30/47 con nghiện cai thành công.
Gửi vợ
Cô Lầu Ìn Xì 35 tuổi, vợ ba mới cưới của ông Pao, thấy khách lạ đến liền ngừng tay thêu áo Mông, vào buồng bê ra một đại xoài Kỳ Sơn tiếp khách. Ông Pao giới thiệu: “Vợ đấy. Nó là hội phó Hội phụ nữ xã Huồi Tụ, là đảng viên xịn đấy. Ta ưng nó từ những lần đi cai nghiện nhưng phải chờ anh em ngoài huyện hỏi thăm thử nó có ưng ta không thì mới được cưới làm vợ”. Vợ đầu của ông (mất năm 1989) đã sinh cho ông sáu người con. Ông lấy vợ hai được ba năm thì người vợ này cũng qua đời ở tuổi 45. Ông kể: “Lúc ấy có một cô giáo người Lào ở thủ đô Viên Chăn, 50 tuổi về thăm huyện Kỳ Sơn để lộ chuyện chồng mất nên anh em trong huyện ủng hộ ta lắm. Nhưng sau đó con cháu ta không đồng ý vì sợ ta đi theo vợ về Viên Chăn thì làng bản không có ai làm cách mạng”.
Nhìn sang Lầu Ìn Xì, ông Pao nói: “Bà này mới toanh chưa có con cái chi. Tuy trẻ hơn ta gần 40 tuổi nhưng không cầu kỳ lắm. Mặc dù vậy nếu đi tỉnh họp thì ta phải gửi vợ về quê ngoại cho chắc ăn (cười) chứ gần huyện các chú ấy hay chọc lắm”. Còn Lầu Ìn Xì khoe: “Mới đây em gái ông Pao từ bên Mỹ gửi thư mời ông Pao sang bên ấy chơi nhưng chồng em trả lời: “Ta là già làng không thể bỏ bản làng mà đi được. Nếu có ta đi phải trình Chính phủ đã chứ”. 

VŨ TOÀN ( Tuoi Tre )

P01: Nối Một Vòng Tay

Giới thiệu sách
 
Nối một vòng tay
Tác giả: Vũ Toàn
Nhà xuất bản: Tủ sách Tuổi Trẻ - NXB Trẻ
Năm xuất bản: 2008
Giá: 32.000 đồng
Giới thiệu:
Vào đầu thế kỷ 19, Alexander de Tocqueville (1805-1859), nhà chính trị và là nhà sử học Pháp, đã thử tìm hiểu xem vì sao nước Mỹ trở nên vĩ đại? Trong cuốn sách Nối một vòng tay của mình, Vũ Toàn đã chạm đến điều mà Alexander de Tocqueville đã tìm thấy năm ông 35 tuổi, cách nay gần 200 năm trước. Có điều khác với Alexander de Tocqueville, anh không vào nhà thờ, không du hành đến một đất nước xa xôi mà đi vào cuộc sống đời thường, dân dã ở vùng đất anh đang sống, ở đất nước mình.

Vào đầu thế kỷ 19, Alexander de Tocqueville (1805-1859), nhà chính trị và là nhà sử học Pháp, đã thử tìm hiểu xem vì sao nước Mỹ trở nên vĩ đại? Sau chuyến thăm đất nước này, ông viết: "Tôi đã tìm sự vĩ đại của nước Mỹ ở những bến cảng mênh mông cùng những bến bờ bao la của đất nước này nhưng không tìm thấy.
Tôi đã tìm sự vĩ đại của nước Mỹ nơi hệ thống trường công và các cơ sở giảng dạy của đất nước này, nhưng không tìm thấy.
Tôi đã tìm sự vĩ đại của nước Mỹ nơi quốc hội dân chủ cùng bản hiến pháp không đâu sánh bằng của đất nước này, nhưng cũng không tìm thấy.
Mãi cho đến khi tôi bước vào những nhà thờ ở nước Mỹ, nghe các vị giáo sĩ hăng say thuyết giảng về sự công chính thì tôi hiểu vì sao đất nước này trở nên vĩ đại.
Nước Mỹ vĩ đại bởi vì nước Mỹ tốt, nhưng một khi nước Mỹ không còn tốt thì nước Mỹ cũng không còn vĩ đại".
Bạn đọc thân mến, có thể diễn giải lại Alexander de Tocqueville như sau: Nước Mỹ có những con người tốt nên nước Mỹ tốt và vì thế nước Mỹ trở nên vĩ đại. Bất cứ đất nước nào có những con người tốt thì đất nước ấy tốt và vì thế cũng trở nên vĩ đại.
Điều này lại đưa tôi đến một câu hỏi: Thế nào là người tốt? Người tốt là người như thế nào trong xã hội mà chúng ta đang sống?
Trong cuốn sách Nối một vòng tay của mình, Vũ Toàn đã chạm đến điều mà Alexander de Tocqueville đã tìm thấy năm ông 35 tuổi, cách nay gần 200 năm trước. Có điều khác với Alexander de Tocqueville, anh không vào nhà thờ, không du hành đến một đất nước xa xôi mà đi vào cuộc sống đời thường, dân dã ở vùng đất anh đang sống, ở đất nước mình.
Vũ Toàn đã khắc họa 30 chân dung nhân vật thuộc nhiều mẫu người tốt khác nhau mà anh gặp: từ ông giáo sư tiến sĩ, nhà nghiên cứu dân gian, cán bộ nhà nước, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo đến nhà doanh nghiệp, người lao động bình thường, người khuyết tật... Đọc Nối một vòng tay, bạn đọc có thể thấy người tốt là người...
...như ông phó tiến sĩ Nguyễn Thái Tự bạc tóc vì cá. Hàng năm trời, ông cùng ngư dân lặn lội khắp các dòng sông, khe suối để tìm và nghiên cứu những loài cá "có lợi nhưng dân chưa biết". Như ông phó tiến sĩ Hồ Bá Quỳnh, người được gọi "phó nhân viên" bởi sự ương bướng, cứ một mực thách thức: "Ai bảo người nông dân suốt một đời chân lấm tay bùn lại không được hưu?". Và ông đã lặng lẽ tính toán đưa ra công thức "hưu nông dân". Như "ông già dám chống lại mệnh trời", GSTS Nguyễn Văn Trương. Về hưu, ông còn đứng ra lập "viện hành động" tư nhân "để xây làng sinh thái làm việc thiện giúp dân nghèo"...
...như ông Lê Duy Nguyên bỏ cuộc sống an nhàn ở phố ra bãi hoang ven biển trồng rừng và phủ xanh hàng ngàn hecta đồi trọc. Ông còn muốn trồng lim, loài cây 70 năm sau mới cho thu hoạch, bởi ông bảo "đâu phải cái gì hưởng được mới làm". Như anh cán bộ thương nghiệp huyện miền núi Ngân Đình Châu hàng ngàn lần vượt thác dữ, hàng chục lần suýt chết, hăng hái chuyển hàng chính sách và thiết yếu đến cho dân bản rẻo xa bởi "mình đem niềm vui đến cho họ và họ cũng lại đưa niềm vui lại cho mình. Nguồn động viên ấy có khi còn quí hơn cả tiền bạc"...
...như "cô Tấm ở rừng xa" Lương Thị Mùi, 17 tuổi dũng cảm vuợt qua những "cái thang đá" của thiên nhiên, của bia miệng người đời và của chính mình để đem con chữ tới cho những đứa trẻ nghèo lam lũ của một làng phong xưa. ...như "thủ lĩnh" người Mông Vừ Chông Pao luôn tự nhận mình là người "ít học, không có bằng cấp" nhưng 20 năm làm chủ tịch huyện không để xảy ra một sai sót nào. Ở tuổi 75, ông còn tình nguyện đi bản xa vận động dân cai nghiện để làm người "sạch" ma túy.
Như ông giám đốc lâm trường "không có xe oai, đi làm bằng xe đạp, ở nhà hạ" nhưng có cái tâm suốt một đời đeo đuổi: "Giám đốc là người phải chống được thất nghiệp, tìm ra được cách xóa đói giảm nghèo thật sự cho người lao động". Như Hồ Lay, người thanh niên Vân Kiều, 20 năm sau khi rời chức Bí thư Đảng ủy xã, lại "vừa đi vừa nghĩ, vừa làm vừa nghĩ, có nhiều đêm thức chong mắt để nghĩ "để dời bản xuống núi tạo lập cho dân một cuộc sống ổn định". ...như bà cụ Phạm Thị Sang "sinh ra với nghề làm ruộng nhưng cái nghiệp của đời tôi là đi gom nhặt vỏ chai người ta vứt bừa bãi trên đồng. Vì một lẽ thật đơn giản: nếu không thì chính tôi và cả dân làng sẽ bị những miểng chai sắc lẻm ấy làm hại". Bà đã 70 mà "tôi còn hai tay bưng được bát cơm để ăn thì tôi vẫn làm. Ở đời trồng được "cây đức" khó lắm chú ạ!"...
...như chàng trai Lê Hồng Sơn có đôi chân tật nguyền vẫn làm nghề mộc kiếm sống bởi " lợi dụng người khác để tồn tại là điều rất khổ tâm". Như Nguyễn Công Hùng bị liệt toàn thân vẫn học tập, rèn luyện trở thành giám đốc trung tâm đào tạo tin học và ngoại ngữ cho các trẻ em tật nguyền. Bởi vì "con người chỉ khác nhau ở chỗ làm được việc gì và giúp ích được gì cho mọi người".
Người tốt là nguời như... Người tốt là người như... Người tốt là người như...
Tôi đã đọc phần lớn trong số các chân dung nhân vật trong Nối một vòng tay được đăng rải rác trong nhiều năm trên báo Tuổi Trẻ và Tuổi Trẻ Chủ Nhật (nay là Tuổi Trẻ Cuối Tuần) . Nhưng lần này, đọc suốt một lèo, cuốn sách lại gợi lên trong tôi nhiều ngẫm nghĩ. Người tốt là...
...người "tàn" mà không "phế", người không đánh mất lòng tự trọng của mình, không "kinh doanh" lòng thương hại của người khác để độ nhật qua ngày mà vươn lên, giành lấy quyền lao động, quyền được tôn trọng như bao người bình thường khác vốn sống bằng lao động chân chính của mình.
...nhà giáo không đem chữ đánh đổi lấy học phí cao mà thầm lặng chấp cánh cho bao mái đầu xanh tin vào tương lai và mơ ước một cuộc sống tốt hơn so với hôm nay. Khi thôi không còn là "người kỹ sư tâm hồn", nhà giáo sẽ chỉ là "giáo gian".
...người trí thức không sống cầu an mà dấn thân mưu cầu sự tiến bộ cho xã hội. Khi không còn dấn thân, người trí thức chỉ là trí... ngủ.
...nhà doanh nghiệp không mua bán lòng vòng ăn chênh lệch giá để làm giàu cho mình và gia đình mình mà tạo nên những "giá trị thêm vào" mới cho xã hội. Chỉ mua đi bán lại "cái đang có" mà không tạo ra "cái chưa có", doanh nhân chỉ là "cò", là "con buôn", là "phe phẩy"...
...người cán bộ không bán chức bán quyền để vinh thân phì gia mà làm "đầy tớ" và "người lãnh đạo" của dân để đem lại sự đổi đời cho dân. Khi không còn là "đầy tớ của dân", họ là "quan" của dân. Khi không còn là "người lãnh đạo", họ sẽ là "kẻ đầu cơ" quyền lực dẫn đến "mọt dân hại nước".
Như Alexander Lacson, một luật sư Philippines trong bài viết Những người lãnh đạo mà đất nước cần, mô tả: lúc này họ là người có thể bị "mua"; lời nói của họ không còn là bảo chứng chắc chắn cho phẩm chất và nhân cách của họ luôn được đặt lên trên tiền bạc; họ không trung thực từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn; tham vọng của họ chỉ luẩn quẩn trong những thèm khát ích kỷ của bản thân; họ không còn phân biệt được phải trái rõ ràng như trắng với đen thậm chí thỏa hiệp với sai trái để kiếm lợi; trái tim của họ bị kìm hãm trong những thèm khát ích kỷ của bản thân và gia đình mình. Họ không thể xuống hỏa ngục để mọi người có được thiên đường trên trái đất này... Bạn đọc thân mến, chắc cũng như tôi, bạn có thể tìm thấy rất, rất nhiều định nghĩa cụ thể và sinh động về người tốt, cả những suy nghĩ sâu xa trong và ngoài những trang sách của Nối một vòng tay.
Đọc Nối một vòng tay để nghĩ về những con người tốt làm nên sự vĩ đại của một đất nước. 
ĐỖ ĐÌNH TẤN (thư ký tòa soạn Tuổi Trẻ Cuối Tuần)