Home » » P03: Nối một vòng tay

P03: Nối một vòng tay

Trận sốt quái ác khiến cậu bé Nguyễn Công Hùng chưa đầy tháng tuổi bị bại liệt toàn thân. Nhưng cũng như bao đứa trẻ có tư chất khác, lên sáu tuổi Hùng đòi cha mẹ cho đi học.
Rồi một ngày Hùng viết báo, trở thành hiệp sĩ công nghệ thông tin; giám đốc trung tâm đào tạo tin học và ngoại ngữ cho hơn 100 bạn nhỏ tật nguyền... 
Cái “bàn” Công Hùng ngồi làm việc là một góc nền nhà lát gạch. Tấm lưng èo uột trên cơ thể chỉ nặng chưa đầy 12kg của Hùng phải dựa vào hai cái gối mềm. Chân trái co lên như một khúc cây sậy gập lại, làm điểm tựa cho cái đầu to quá cỡ luôn muốn quẹo xuống đất.
Nghị lực
Vừa trò chuyện, tay Hùng vừa click “chuột”. Ngó theo con “chuột” xỉn màu, tôi ngạc nhiên thấy bàn tay trái bé tẹo, gầy guộc phải đỡ bên dưới bàn tay phải yếu ớt. Mỗi lần ngón trỏ tay trái “bấm” vào đoạn xương trắng nhợt nổi lên trên ngón trỏ tay phải, tức thì ngón trỏ này bấm xuống con chuột theo kiểu mổ cò. Lúc đó con chuột mới điều khiển được bàn phím máy vi tính xách tay, để cách chỗ Hùng ngồi gần 1m.
Nhìn lên màn hình, tôi thấy Hùng đang dẫn ra từng vùng châu lục. Vùng nào cũng chi chít những chấm đỏ. Hùng giải thích: “Tất cả các châu lục trên thế giới em đều có bạn tâm giao, gồm 13.000 “thành viên tinh thần” thường trao đổi kinh nghiệm học tập công nghệ thông tin với em qua trang web “conghung.com”. Những chấm đỏ là địa danh cư trú của 13.000 thành viên ấy”.
Tôi hỏi Hùng ngồi như vậy được bao lâu thì nghỉ giải lao, Hùng nghiêng đầu, mắt vẫn nhìn vào màn hình vi tính, nói: “Thường thì một giờ phải nằm xuống mười phút, nhờ bạn trở người hai lần. Hôm nào bận việc thì làm luôn tù tì đến trưa. Đêm làm tới 12g mới đi ngủ. Sáng dậy vào máy luôn mặc dù khi bấm ngón tay vào con “chuột” là cả hai cánh tay nhức buốt”.
Hùng ngồi như thế đã 23 năm. Kể từ khi sinh ra hơn một năm, chị Hứa - mẹ Hùng, “không dám nhìn con lâu vì chỉ có cái đầu và hai cánh tay của con cử động”. Chị kiên nhẫn tập mãi mà không thấy đứa con trai đầu lòng của mình đứng được. Sau đó thì tất cả sự sống của Hùng đều nhờ vào “bàn tay thương yêu của mẹ”.
Hùng bảo: “Em không có gì phải buồn vì mình sinh ra run rủi gặp cảnh tật nguyền chứ có ai xui mình trở thành người dị dạng đâu. Con người chỉ khác nhau ở chỗ làm được việc gì và giúp ích được gì cho mọi người. To khỏe mà lêu lổng, nghiện hút thì có nghĩa gì. Vì thế em đã không hề nản chí”.
Hùng kể: “Em mê sách truyện thiếu nhi từ năm học lớp 1 nên phải thuê sách về đọc. Nhà nghèo, mỗi lần ngửa tay xin tiền bố mẹ em thấy xót lắm”. Thấy đứa con tội nghiệp muốn tiếp cận Internet, chị Hứa bàn với chồng vay tiền mua máy vi tính cho con.
Vợ chồng chị Hứa không ngờ chiếc máy vi tính mà Hùng “dính chặt” suốt ngày đêm đã giúp cậu bé không những sử dụng thành thạo mà còn sửa chữa được những lỗi phần mềm. Hè năm 2002, một số gia đình trong xóm nghe tiếng, đưa những đứa con tật nguyền đến “nhờ anh Hùng chỉ dẫn cách đánh máy vi tính”. Hùng bèn lập nhóm “Nối vòng tay tật nguyền”, rồi cùng em gái Thảo Vân (cũng bại liệt như Hùng) mở trang web mang tên “Nghị lực sống”.
Giữa năm 2003, những bài báo đầu tiên về kinh nghiệm, thủ thuật sử dụng máy vi tính của Hùng được tạp chí e-Chip đăng đều đặn. Từ đó Hùng trở thành cộng tác viên “ruột” của e-Chip. Hùng tâm sự: “Các em tật nguyền cũng có khát vọng giống như mình trước đây nên cần phải chia sẻ kiến thức cho các em. Thêm một người biết thì có nhiều người biết. Mình dạy cho một em thì em đó sẽ dạy lại cho nhiều người”. Tâm sự này của Hùng được lãnh đạo Liên hiệp Sản xuất - phát triển miền Trung nể phục, nên họ quyết định bổ nhiệm Hùng làm giám đốc cơ sở đào tạo tin học Nhân Đạo (do Hùng mở năm 2004).
Giám đốc của trẻ tật nguyền
Tôi như không tin vào mắt mình khi nhìn thấy 20 bạn nhỏ đủ dạng tật nguyền đang ngồi trước 20 dàn máy vi tính trong cơ sở đào tạo của Hùng ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Thảo Vân - em gái thứ ba của Hùng, giới thiệu: “Đây là 20 máy vi tính do Công ty điện tử Thái Bình bán theo phương thức trả góp.
Mỗi tháng anh Hùng có khoảng 5 triệu đồng tiền lương nhờ cộng tác quản lý mạng cho bốn công ty, tập đoàn kinh tế ở Hà Nội và TP.HCM (riêng chức giám đốc không có lương). Số tiền đó vừa đủ nuôi các bạn ăn học ở đây. Còn em phụ giúp anh Hùng dạy phần tin học văn phòng, đồ họa vi tính”.
Thảo Vân sinh năm 1987, là cô gái “không biết chán đời” mặc cho hai chân, hai tay co quắp, lại thêm khối u làm còng cái lưng gầy nhỏ. Vân sụt sùi nước mắt: “Em học, dạy, cập nhật thông tin cho tám trang web để khẳng định mình. Người ta ai rồi cũng chết, nhưng cứ thử sống thêm một ngày xem sức chịu đựng của mình ra sao? Vậy là em sống”.
Nói đoạn, Vân đưa bàn tay ngắn củn, mềm nhũn quay bánh xe lăn, dẫn tôi đi khắp 20 dàn máy, trò chuyện với những người bạn thân thiết của Vân. Võ Minh Thương, 15 tuổi, khi sinh ra đã mất nửa cánh tay trái, bàn tay phải chỉ có mỗi ngón út bé tẹo, nhớ lại: “Cách đây bốn năm, bố mẹ mang em đến đây xin anh Hùng cho học để kiếm cái nghề”.
Bây giờ Thương đã sửa được lỗi phần mềm vi tính và trở thành giáo viên của các bạn học mới. Còn Nguyễn Thị Xuân, 16 tuổi, phải đi bằng hai chiếc ghế con do hai bàn chân quắp hẳn về phía sau, bốn ngón trên hai bàn tay bị dính, đến cơ sở của Hùng từ năm 2005 nay trở thành giáo viên chính. Nguyễn Minh Phú cụt cả hai tay, nhưng chỉ sau ba tháng hè học nghề đã đánh vi tính thành thạo bằng mười ngón chân.
Hào bị xơ hóa cơ Delta rút ngắn hai cánh tay; Nhung bị chất độc da cam, từ ngang ngực trở xuống không cử động được cũng đã trở thành những thành viên tích cực của nhóm “Nối vòng tay tật nguyền”. Hùng nói: “Cơ sở này đã đào tạo hơn 100 bạn có hoàn cảnh như bọn em giúp họ sử dụng thành thạo vi tính, tạo được việc làm ổn định”.
Còn ước mơ của hai anh em Hùng? - “Mong Nhà nước mở ra nhiều trung tâm cho các em tật nguyền khắp nơi, giúp họ có cơ hội hòa nhập cộng đồng bằng việc làm hữu ích mà họ hoàn toàn có thể làm được bằng nghị lực và ước mơ của họ”.
 - 5-2005, Hùng được Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật VN tặng bằng khen, huy hiệu “Vì sự nghiệp khoa học và CNTT”.
- 8-2005, tạp chí e-Chip cùng một số chuyên gia CNTT VN bình chọn Hùng vào top 15 hiệp sĩ CNTT với biệt danh “Một ngón tay mở ra thế giới”.
- 8-2005, Trung tâm Sách kỷ lục VN trao cúp, bằng xác  lập “Kỷ lục VN” về người tàn tật đầu tiên làm giám đốc về lĩnh vực tin học.
- 10-2005, “biểu diễn” bài giảng đào tạo trực tuyến trên chương trình Người đương thời của VTV1 mang tên “Kết nối - sự lựa chọn cho tương lai”.
- 5-2006, được mời làm phó giám đốc phụ trách kỹ thuật của Công ty Phát triển mạng doanh nghiệp truyền thông và xúc tiến đầu tư VN tại Hà Nội
============================
Năm 68 tuổi ông mới thực hiện được ước mơ lập Viện Kinh tế sinh thái - viện khoa học tư nhân đầu tiên ở VN. Ông gọi đó là “Viện hành động”.
Viện chỉ có tám biên chế nhưng đã gầy dựng được 13 mô hình làng sinh thái; và trong 15 năm qua ông viện trưởng không nhận một đồng lương. Dân nghèo làng sinh thái gọi ông là “Ông Bụt”.
Đó là GS.TS Nguyễn Văn Trương, người vừa được phong Anh hùng lao động ở tuổi 83.
Nỗi trăn trở lớn nhất trong ông là “kinh tế phát triển” mà môi trường bị hủy hoại, làm gia tăng sự cuồng nộ của thiên nhiên. Ông nói: “Chiến tranh đã tàn phá, nay đến lượt con người hủy hoại thiên nhiên. Phát triển kinh tế nhưng phải bảo vệ được sự cân bằng sinh thái thì mới bền vững”.
Viện dân lập
Ý nghĩ “sốt gan, sốt ruột” trở thành mục đích phấn đấu của ông. Ông muốn xây dựng lý luận kinh tế sinh thái để biến mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo tồn sinh thái thành một thể thống nhất và xây dựng một “viện hành động” góp phần đắc lực bảo vệ sự sống của môi trường.
Nhưng ông không phải là đảng viên, lại quá tuổi về hưu đến tám năm. Vả lại công việc của một tổng biên tập Từ điển bách khoa VN đòi hỏi ông mất nhiều sức lực. Nhưng ông quyết làm bằng được. Bao nhiêu tâm huyết ông dồn vào lá đơn gửi Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước: “Nước ta chưa có Viện Kinh tế sinh thái. Tư nhân càng không có viện nào. Hiện các trí thức cao tuổi, các nhà khoa học giàu kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực đang hoạt động trong Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN. Họ là những cán bộ có đức, có tài. Chính đây là “kho chất xám” rất quí để giải quyết bài toán lớn, đầy phức tạp về kinh tế và sinh thái. Với ý tưởng đó, tôi xin đứng ra thành lập Viện Kinh tế sinh thái”. Gửi đơn rồi vẫn chưa yên lòng, ông tranh thủ gặp một số vị trong Bộ Chính trị, đặc biệt là nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt để trình bày thêm mới ra được cái "viện dân lập" vào năm 1990.
Xong phần thủ tục nhưng văn phòng làm việc và tiền thì bí. GS Tôn Thất Kiểu - viện trưởng Viện Qui hoạch thiết kế rừng - cho ông mượn căn buồng 12m2 làm văn phòng. Còn tiền thì ông tự dốc hầu bao từ khoản lương của tổng biên tập Từ điển bách khoa VN. Cầm cự hơn ba năm ông mới nhận được dự án trị giá 68 triệu đồng từ Viện Khoa học công nghệ để đầu tư xây dựng làng sinh thái Triệu Vân (huyện Triệu Phong, Quảng Trị). Tiếp đó, một thầy giáo người Pháp (từng dạy ông ở Trường Quốc học Vinh) giới thiệu “Tổ chức Công giáo chống nghèo đói cho sự phát triển” (CCFD) tài trợ viện 30.000 USD.
Mỗi lần có dự án, ông cùng các nhà khoa học miệt mài nghiên cứu, viết, vẽ... như những con ong cần mẫn rồi lên xe đò đi làm làng sinh thái. Đồng nghiệp “tâm phục khẩu phục” vì ông có tới hai bằng tiến sĩ, nên khi thấy viện trưởng không nhận lương, các nhà khoa học cũng noi theo, vì “đi xây làng sinh thái là đi làm việc thiện giúp dân nghèo”.
Làng sinh thái
Ông quan niệm: “Người ít nghĩ ngợi, óc chóng hỏng. Người không làm việc thiện thì cái tâm khó yên”, và cho treo trong văn phòng viện hai câu răn: “Không vì tiền mà làm điều phi nghĩa”. “Làm khoa học phải trung thực, nghiêm túc; kiên trì, nhẫn nại; khiêm tốn học hỏi; tổng hợp đức, tài”.
Không ít người dân xã Phú Điền, huyện Nam Sách (Hải Dương) bảo “ông già dám chống lại mệnh trời” khi thấy ông lọ mọ bước trên cánh đồng “chiêm khê, mùa thối đã hàng trăm năm”. Nhưng họ biết ông đang tìm những miền quê nghèo có hệ sinh thái bị suy kiệt kiểu này để nghiên cứu nhằm đổi đời cho đất, cho người.
Ông khiêm tốn: “Thật ra không phải mình sáng tạo mà nông dân đã sáng tạo lâu lắm rồi. Từ kinh nghiệm “nhất canh trì, nhì canh viên, tam canh điền”, chúng tôi hướng dẫn từng hộ gia đình nông dân chia đôi thửa ruộng của mình. Một nửa trồng lúa, một nửa đào sâu xuống làm ao vừa chống úng, vừa thả cá. Đất đào ao đắp lên làm vườn cây ăn quả. Như vậy người nông dân luôn tay luân canh từ vườn - ao - ruộng. Có người hỏi ông bí quyết “chống mệnh trời”, ông cười: “Tôi ghét nhất là diễn thuyết suông. Phải chia tiền về tận tay người dân, hướng dẫn kỹ thuật cho họ. Phương cách của tôi là: dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng. Cái quan trọng là người dân thật sự được thụ hưởng. Tất nhiên mỗi làng phải có một tổ chuyên gia chỉ đạo, gắn chặt với cán bộ chính quyền, đoàn thể (những người này được hưởng phụ cấp trách nhiệm để gắn kết với cộng đồng)”. Bốn năm sau, về lại các làng sinh thái, đi đến đâu ông cũng “bị” bà con níu tay, bá cổ khoe: “Trước đây đến mùa lễ, tết chúng tôi phải ra chợ mua đủ thứ. Nay phải gánh hàng hóa ra chợ bán, “ông Bụt” ạ. Khi đồng ruộng được chuyển đổi, cho thu hoạch 75 triệu đồng/ha (trước chỉ đạt 15 triệu/ha) nên thanh niên không ai bỏ làng đi kiếm ăn xa nữa”.
Ông tâm sự với đồng nghiệp: “Nước ta sắp tới sẽ có 100 triệu dân. Lúc ấy 1,2 triệu ha đất phải nhường chỗ cho những tuyến đường, khu nhà, vùng công nghiệp. Cho nên cần phải tính chuyện mở mang vùng sinh thái kém bền vững trên nửa triệu ha bãi cát hoang ven biển để bù vào. Nếu được như vậy sẽ có tác dụng cân bằng sinh thái trong cả nước". Khi ông và sáu nhà khoa học vác balô đến Triệu Vân, ai cũng ngợp trước cảnh đồi không mông quạnh cát là cát. Một đồng nghiệp lộ vẻ ái ngại: “Ông Trương ơi, chỗ này khó xơi đấy vì là vùng cát trọc bị úng về mùa mưa đã mấy thế kỷ rồi. Cây tự nhiên bị thối rễ rồi chết chỉ trơ lại sim, mua, cỏ lông chông”. Ông trấn an: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Giáo sư phải nghĩ cách đào mương, rút nước. Trên mương đắp luống trồng những cây lâu năm thích hợp với đồi cát như phi lao, các loại keo để tạo bóng. Đất cát bỏ hoang lâu đời nên tạo nền vi khuẩn cố định. Đây là nguồn đạm rất dồi dào. Dưới bóng cây, lá rụng xuống sẽ làm giàu mùn cho đất”.
Sau một năm cây đã có bóng, bà con trồng khoai lang, sắn. Sau ba năm cây phi lao lên cao cỡ 3,5m, môi trường được cải thiện hơn, bà con có thể đào ao nuôi cá, trồng ngô, đậu, cà chua, kê, lạc, vừng. 41 hộ gia đình đã làm theo mô hình này, biến 60ha cát hoang trở thành làng kinh tế. Tiếp đến thêm 30 gia đình nữa lấn làng sinh thái ra biển. Bây giờ đi trên quốc lộ 1A đoạn xã Triệu Vân, người ta không còn thấy những triền cát hoang nữa mà chỉ thấy làng cây xanh liền biển xanh. Ông nhắc lại lời khen của Chủ tịch nước Trần Đức Lương (năm 2004): “Ông Trương ơi, mình đến làng sinh thái, bà con cho ăn xoài ngon lắm”.
Trong mô hình 13 làng sinh thái dần trở thành “làng thịnh vượng” (theo cách gọi của các nhà khoa học) có một làng ông Trương tâm đắc nhất: làng sinh thái Hợp Nhất của người Dao thuộc vùng đệm vườn quốc gia Ba Vì. Nghiên cứu nhiều tài liệu thực - động vật của các nhà khoa học, nhà du lịch trong và ngoài nước, ông nhận biết Ba Vì đang được xem là “vườn sau của ngôi nhà lớn”, là “lá phổi xanh sinh quyển” của thủ đô Hà Nội. Năm 1993 có 90 hộ gia đình người Dao (465 nhân khẩu) thuộc thôn Sổ, xã Ba Vì, huyện Hà Tây được Nhà nước giúp đỡ gạo, tiền rời vùng đệm, xuống núi lập làng định cư. Nhưng do người Dao chưa biết chăn nuôi, làm vườn, đào ao thả cá, không biết trồng rau và cây ăn quả. Mỗi nhân khẩu chỉ có 4m2 ruộng lúa nước, còn lại là đồi trọc trơ đá lộ thiên. Không tạo lập được đời sống, bà con lại tiếp tục quay lên rừng săn bắt, hái lượm, phát nương làm rẫy, chặt gỗ rừng để bán trong lúc vườn nhà bỏ hoang, trẻ em bỏ học theo cha mẹ đi rừng.
Ông Trương chọn chuyên gia giỏi về mở lớp hướng dẫn bà con cách sử dụng đất đồi núi dốc để sản xuất nông - lâm nghiệp, trồng cây lương thực, thực phẩm lấy thức ăn cho người và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Một kỹ sư giàu kinh nghiệm trực tiếp hướng dẫn 25 hộ gia đình làm đột phá khẩu, tạo dốc núi thành sáu mặt ruộng bậc thang. Bậc trên cùng trồng keo tai tượng, sấu, trám. Tiếp đến trồng quế, hồng, na, dứa, chè - mơ, chuối, cam - đỗ, lạc, vừng. Cuối cùng là ruộng lúa và ao cá. Bờ đá nối sáu mặt ruộng bậc thang được trồng dứa trở thành bờ cây phòng hộ, giữ độ ẩm, chống xói lở. Năm 2000 tất cả 90 hộ đều có vườn sinh thái. Một số gia đình có thu nhập 12 triệu đồng/năm.
Một đời phó thác cho ngành lâm nghiệp, ông lặn lội hết rừng Đông Bắc, qua Tây Bắc, sáu tỉnh Bắc Trung bộ và dọc dài Tây nguyên cũng chỉ vì tâm niệm: “Cấu trúc tự nhiên của môi trường là một cơ thể sống, giống như quan hệ giữa quả tim, buồng gan, lá phổi trong cơ thể con người. Không hiểu cấu trúc đó sẽ dẫn đến làm sai, khiến môi trường bị suy kiệt”. Tâm niệm này đã được ông lý giải trong 19 cuốn sách ông viết về rừng và môi trường sinh thái. Với ông, sứ mạng của những làng sinh thái là hàn gắn lại những hao hụt, đổ bể do sự mất cân đối môi trường tự nhiên đã và đang diễn ra. 

VŨ TOÀN ( Tuoi Tre )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét