Một trường hợp khác được báo Tuổi Trẻ nêu: vợ chồng ông Muller, quốc tịch Đức, trong lúc săn ảnh tại hồ Gươm ngay trung tâm Hà Nội chẳng may bị kẻ xấu trộm máy móc, dụng cụ chụp ảnh và thẻ nhớ lưu toàn bộ hình ảnh mà hai ông bà đã chụp được suốt hành trình du lịch Việt Nam. Tuy không hy vọng sẽ lấy lại được số tài sản đã mất nhưng ông Muller và hướng dẫn viên du lịch cũng tìm đến công an phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm khai báo vụ việc xảy ra. Tiếc thay, cơ quan này né tránh trách nhiệm, đùn đẩy sang công an phường Hàng Trống, kế tiếp là phường Hàng Bạc; chỉ đến khi có sự can thiệp, chỉ đạo của công an quận Hoàn Kiếm, cán bộ phường Tràng Tiền mới tiếp nhận xử lý. Vừa mất của, vừa mất quá nhiều thời giờ để tìm nơi khai báo, khổ chủ vô cùng ngao ngán, thất vọng. Giá như trong lúc dầu sôi lửa bỏng ấy có mặt người cảnh sát du lịch…
Từ lâu rồi, hình ảnh người cảnh sát du lịch đã trở thành quen thuộc với du khách Việt Nam có dịp tham quan các nước Malaysia, Campuchia, Thái Lan… Họ là lực lượng an ninh du lịch, nắm vững luật quốc tế, luật quốc gia về “ngành công nghiệp không khói”, am hiểu tổng quát về văn hóa, tôn giáo, phong tục tập quán các nước, có trình độ ngoại ngữ đủ để giao tiếp và luôn biểu lộ đức tính hòa nhã, hiếu khách.
Cảnh sát du lịch cơ động hoặc đóng chốt tùy thuộc vào quy mô tuyến điểm, mật độ du khách đi lại. Họ được quyền giám sát và kiểm tra những biểu hiện sai phạm nơi các hãng lữ hành, nhà hàng, khách sạn, di tích, thắng cảnh, điểm vui chơi giải trí... Với du khách, họ được xem là cứu tinh, đặc biệt là với du khách nước ngoài gặp tình huống bất trắc ở đất lạ quê người lại bất đồng ngôn ngữ. Lúc khách có yêu cầu giúp đỡ, dù bề bộn công việc đến đâu họ cũng phải tận tình, dành thời gian giới thiệu, chỉ đường cho khách đến các công trình văn hóa, tín ngưỡng, công cộng... Họ nhiệt tình cởi mở nhưng cũng không quên nhắc nhở du khách tôn trọng và thực hiện những qui định bảo vệ di sản, thắng cảnh, môi trường sinh thái, sinh hoạt nếp sống văn minh theo luật du lịch. Với khách vi phạm luật lệ, tùy mức độ có thể cảnh sát du lịch sẽ nhắc nhở, cảnh cáo, phạt tiền hay truy tố khách ra tòa, thậm chí trục xuất khỏi nước sở tại khi sự việc xảy ra quá trầm trọng.
Hôm viếng thăm quần thể Angkor Wat, tôi tách đoàn tranh thủ mua vài món quà lưu niệm. Mải mê chọn hàng, khi đi vào đền, tôi hoàn toàn bị lạc giữa những đoàn khách xa lạ. Đang lúc lúng túng, bỗng nhiên xuất hiện một viên cảnh sát và chỉ sau vài câu trao đổi ông đã giúp tôi tìm ra bạn cùng đoàn ở trên ngôi tháp chính chỉ trong chốc lát. Khi hỏi bằng cách nào mà ông có thể nhanh chóng biết được đoàn khách của chúng tôi đang ở đâu, tôi mới biết ông chính là cảnh sát du lịch nên về nghiệp vụ phải lưu ý đặc điểm, quốc tịch những đoàn khách tham quan di tích hầu giúp đỡ ngay khi du khách gặp bất trắc.
Lần đầu tiên chân ướt chân ráo đến Bangkok, chúng tôi lỡ sa đà trong cảnh sầm uất, náo nhiệt của chợ đêm Patpong. Khi trở về đã quá nửa đêm. Mắt nhắm mắt mở nên đi nhằm xe taxi không có đồng hồ tính tiền. Đến nơi, tài xế yêu cầu phải trả 30 USD. Tiếc tiền bị lừa cộng với thái độ bất nhã của tài xế, buộc lòng chúng tôi nhờ khách sạn báo cho cơ quan an ninh. Mười phút sau, cảnh sát đã có mặt, thêm mười phút nắm diễn biến sự việc, cuối cùng kết luận: “Các bạn chỉ cần trả 1/ 5 số tiền”, còn gã tài xế phải lên xe về “bót” xử lý tiếp.
Lần khác ở đảo San hô, thành phố biển Pattaya. Canô chở đoàn khách Singapore vừa cập bờ, cảnh sát du lịch có mặt ở đó phát hiện hướng dẫn viên không đeo thẻ hành nghề nên yêu cầu được xem giấy tờ. Khi nắm chắc hướng dẫn viên không thể chứng minh hoạt động hợp pháp của minh, họ cương quyết lập biên bản, phạt tiền vi phạm qui chế hướng dẫn và tiếp tục yêu cầu phải chi thêm phí thuê hướng dẫn viên tại đảo nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng.
Tại khu vực chùa Vàng và Đại cung hoàng gia vốn rất thiêng liêng trong đời sồng sống tinh thần người Thái Lan, theo qui định tất cả du khách viếng thăm hai di tích này phải trang phục chỉnh tề, thái độ đúng đắn. Những ai mặc quần soọc, áo sát nách, mang dép đều bị chặn lại với lời đề nghị nhẹ nhàng “Hoặc trở về khách sạn thay đổi trang phục, hoặc đến cửa hàng dịch vụ gần cổng thuê quần áo, giày da thay thế cho đúng qui định”. Dù tốn thêm chi phí, song trăm người như một gặp cảnh này đều tỏ lòng thán phục cách xử lý có tình có lý, giúp cho khách giải quyết khó khăn nhanh chóng bằng dịch vụ tại chỗ.
Ngành du lịch nước ta sau nhiều năm nỗ lực đã đạt nhiều thành tích đáng kể nhưng vẫn tồn tại nhiều tệ nạn làm kềm hãm bước phát triển bền vững. Bên cạnh những hiện tượng kinh doanh chụp giât, không giấy phép, trốn thuế, phá rối thị trường giá cả, những việc làm cẩu thả vô trách nhiệm của một số hướng dẫn viên hoạt động “chui” đã tác động xấu đến chất lượng sản phẩm du lịch, nay lại thêm các hãng lữ hành và hướng dẫn viên nước ngoài ngang nhiên hoạt động tại các tuyến điểm du lịch khiến tình hình ngày càng trầm trọng hơn. Hằng ngày, nạn trộm cướp, ăn xin, o ép du khách xảy ra nhan nhản.
Những năm gần đây, Sở Du lịch TP.HCM cùng với các đơn vị có trách nhiệm đã thành lập lực lượng bảo vệ du khách nhằm giúp đỡ, hỗ trợ du khách trong và ngoài nước, thường xuyên tuần tra phát hiện, bắt giữ kẻ xấu có hành vi côn đồ, cướp giật, móc túi... đồng thời ngăn chận những người ăn xin, bán hàng rong đeo bám, làm phiền du khách. Tuy nhiên chức năng của lực lượng này chủ yếu là phối hợp liên ngành để bảo vệ du khách chứ chưa được mở rộng quyền hạn, cho phép xử lý những hiện tượng tiêu cực ngay trong hoạt động kinh doanh du lịch như một số trường hợp đã đề cập ở trên, chưa kể trình độ ngoại ngữ, kiến thức về du lịch của các thành viên còn giới hạn
Để bảo vệ giá trị bền vững của ngành du lịch, đã đến lúc chúng ta cần có lực lượng cảnh sát du lịch chuyên nghiệp như ở nhiều nước bạn đã làm.
===========================
Tinh tú trên hồ
Nằm trong vùng bán sơn địa Nam Châu cách thành phố Bắc Hải, tỉnh Quảng Tây 48 km về hướng tây, Tinh Đảo hồ có được diện mạo tuyệt đẹp như ngày nay trước tiên nhờ ngành du lịch đầu tư xây dựng trong năm năm - bắt đầu từ năm 1959 - để biến một khu đầm lầy thành hồ nước ngọt với dung lượng 700 triệu m3 và có độ sâu từ 28 - 35 m.
Chen chúc trên diện tích mặt nước khoảng 70 km2 là 1.026 đảo lớn nhỏ, được phủ kín bởi những cánh rừng thông bốn mùa xanh tươi. Hàng ngày, dưới ánh nắng dịu dàng của buổi ban mai, các hòn đảo lấp lánh tựa hàng ngàn tinh tú trên mặt hồ nên thắng cảnh này được mệnh danh Tinh Đảo hồ (hồ có các đảo như tinh tú trên mặt nước).
Bước phát triển kế tiếp của Tinh Đảo hồ diễn ra khá lâu sau đó: năm 1993, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc thực hiện bộ phim truyền hình dài 43 tập tái hiện pho tiểu thuyết kinh điển Thủy hử. Nhằm tìm kiếm nơi dựng ngoại cảnh thích hợp cho bộ phim, đích thân đạo diễn Trương Thiệu Lâm, tổng giám đốc Nhậm Đại Huệ và chủ nhiệm sản xuất Trương Kỷ Trung đi khắp đất nước Trung Quốc khảo sát. Khi dừng chân tại Tinh Đảo Hồ, đoàn làm phim phải thốt lên rằng: Đây đúng là nơi lý tưởng để dựng Thủy trại, giang sơn của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc.
Với mục đích tái tạo sống động những kiến trúc mang dấu ấn thời đại Bắc Tống hơn 700 năm về trước, đoàn làm phim phải cất công tìm đến thành phố Tây An mời thiết kế sư Tiền Viễn Tuyễn, chuyên gia hàng đầu về thiết kế công trình kiến trúc cổ làm cố vấn, đồng thời đầu tư hàng chục triệu nhân dân tệ xây dựng phim trường Thủy hử thành.
Thủy trại Lương Sơn
Nằm chếch về hướng đông Tinh Đảo hồ, đúng y như trong tiểu thuyết, địa thế của Thủy trại Lương Sơn dựa vào sông rạch chằng chịt, đồi núi lô nhô, rừng già rậm rạp… Tuy nhiên vị trí xung yếu là những cửa ải trên luồng rạch, càng vào sâu đường thủy càng bị hẹp dần, hai bên bờ dày đặc loài thông cổ thụ kết thành chiến lũy vững chắc, thỉnh thoảng sau mỗi khúc rẽ lại xuất hiện tháp canh, vọng gác, cờ trận phấp phới, thể hiện khí thế dũng mãnh của hào kiệt Lương Sơn thuở nào.
Lướt qua ba cửa ải, du thuyền đưa chúng tôi đến cửa Thủy trại, đây chính là ngoại cảnh dàn dựng đoạn phim Báo tử đầu Lâm Xung lỡ vận lên Lương Sơn và chủ trại Tống Giang tiễn đưa Túc thái úy.
Vượt nhiều bậc thang đá, chúng tôi bắt đầu vào con đường độc đạo dẫn lên đỉnh núi. Từ đây phóng tầm mắt nhìn bốn hướng, toàn cảnh Tinh Đảo hồ hiện ra đẹp đến mê hoặc khiến bao nỗi mệt nhọc vì dốc cao đường xa trong phút chốc bỗng biến đi. Rồi thật bất ngờ: chắn ngang tầm mắt chúng tôi là bước tường thành đồ sộ trên bề mặt với hai cánh cửa kiên cố được đóng 108 cây đinh lớn bằng đồng. Bước qua cửa thành, không gian mở ra một khoảng sân rộng dùng làm giáo trường luyện võ, chung quanh trưng bày những binh khí từng được các các tài tử nhập vai anh hùng Lương Sơn sử dụng trong phim. Giữa sân, sừng sững cột cờ cao vút, với lá cờ vàng khổ lớn, đề dòng chữ “Thế thiên hành đạo”.
Chiếm vị trí trung tâm trong thành Tụ Nghĩa là tòa Trung Nghĩa đường bề thế, nơi là bối cảnh của những thước phim thể hiện sự hội tụ, kết nghĩa huynh đệ, thương nghị giữa các hảo hớn và cũng là nơi diễn ra quá trình từ khi các nghĩa sĩ bắt đầu dựng nghiệp cho đến lúc Lương Sơn Bạc suy tàn, thể hiện qua hình ảnh quân sư Ngô Dụng treo cổ tuẫn tiết. Không lâu sau khi bộ phim được phát sóng, ở Trung Nghĩa Đường đã hình thành một khu lưu niệm trưng bày 108 tượng hảo hán trong đủ các tư thế: cưỡi ngựa, bay nhảy, đi quyền, múa binh khí… Mỗi tượng đều có lai lịch, sự tích, chiến công như những tượng đài anh hùng có thật trong lịch sử.
Rời khỏi sơn trại, thông thường khách du lịch hay men theo đường núi ngoạn cảnh Dung Kim môn - ngôi thành chắn ngang con rạch lớn về phía tây, hoặc nếu muốn chiêm ngưỡng trọn vẹn sự hùng vĩ của công trình, có thể dong thuyền ngược ra giữa hồ rồi tiến dần vào cửa thành. So sánh với nhiều thành quách được dàn dựng trên Tinh Đảo hồ, thì quy mô, tầm vóc Dung Kim môn có phần khiêm tốn hơn nhưng đây là đại cảnh hoành tráng nhất của phim Thủy hử. Người từng xem Thủy hử chắc không thể nào quên cái chết bi thảm ngay trên cửa thành của đầu lĩnh Trương Thuận vì đường tên mũi đạn, dẫn đến trận công thành bằng chiến thuật “tiền pháo, hậu xung” của anh em Lương Sơn nhằm tiêu diệt lực lượng phản loạn do Phương Mạo cầm đầu.
Khi đã đặt chân tới đây, chẳng mấy ai để lỡ cơ hội đi dạo trên mặt thành, vừa tìm hiểu tận mắt cảnh trí phim trường vừa tưởng tượng lại những biến cố bi hùng đã từng xảy ra trong tác phẩm. Thấp thoáng phía sau Dung Kim môn là dòng sông xanh biếc với phố xá san sát bên bờ, đó là Tô Hàng thủy lộ với bến thuyền, tửu lầu, trang viện, nha môn... Xa hơn nữa, nổi bật trên bầu trời xanh là ngôi tháp cao vời vợi nằm kề bên những tòa ngang dãy dọc của đền, miếu, chùa chiền. Nơi đây là cảnh quay hai trường đoạn lớn của bộ phim.
Theo ông Vũ Văn Bình, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ: “Ngao du thăm thú Thủy hử thành trong Tinh Đảo hồ chỉ một ngày quả là “cưỡi ngựa xem hoa”, đó là chưa nói nếu du khách chưa từng đọc Thủy hử e rằng khó lòng cảm nhận được hết vẻ hoành tráng cũng như những cảm xúc mà thắng cảnh Tinh Đảo hồ mang lại”. Tinh Đảo hồ đóng góp rất nhiều ngoại cảnh tuyệt vời cho phim Thủy hử - ngược lại, nhờ vào bộ phim lừng danh này, Tinh Đảo hồ trở thành khu du lịch nổi tiếng không chỉ của tỉnh Quảng Tây mà cả với đất nước Trung Quốc
TRẦN THẾ DŨNG ( TuoiTre )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét