Hiển thị các bài đăng có nhãn Hành trình đến cùng trời cuối đất. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hành trình đến cùng trời cuối đất. Hiển thị tất cả bài đăng

P05: Về Thương Cảng xưa

Từ sáng sớm, tôi đã có mặt tại cảng Cái Rồng đón tàu  chợ để đi đảo Quan Lạn (huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh). Gọi là tàu chợ thật đúng nghĩa bởi nó chuyên chở tất tần tật từ hành khách, hàng gia dụng, điện máy, bia két, nước đá, mì gói, rau củ… cho đến hàng chục lồng heo, gà chất san sát.
Nhưng được cái là tàu khởi hành đúng giờ, xắp xếp đâu vào đấy và khách không bị hành, nhồi nhét, chặt đẹp như xe đò trên đất liền.Vả lại, nghe đâu là chuyến duy nhất khởi hành trong ngày nên tôi cũng chẳng ngần ngại trước khi bước lên thuyền, bắt đầu một cuộc “đi bụi”  đầy lý thú.
Biển êm như ru
Thủy triều đang xuống, thuyền len lỏi giữa  quần đảo Vân Hải. Những đảo đá dường như từ từ vươn cao, lộ dạng vô số hang chân sóng hình thù kỳ dị. Không gian  chung quanh tĩnh lặng, mặt biển không chút gợn sóng. Cảnh sắc thiên nhiên hùng vỹ gợi  nhớ đến thương cảng Vân Đồn vang bóng một thời.
Chọn nơi này làm thương cảng, hẳn các bậc tiền nhân đã tiên liệu rất kỹ lưỡng, vừa gần biển đông lại nằm giữa vùng kín gió với nhiều đảo đá, đảo đất đang xen. Hơn nữa, thương cảng khá xa đất liền nhằm ngăn chặn người nước ngoài dò xét tình hình chính sự, chưa kể cảng Vân Đồn xưa kia không có bến cảng giống như thương cảng Hội An ở Đàng Trong và Phố Hiến ở Đàng Ngoài sau này, mà dàn  trải  nhiều bến thuyền trên biển, suốt chiều dài hàng chục cây số từ đảo Quan Lạn đến tận đảo Ngọc Vừng.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Kỷ Tỵ, năm thứ 10 (1149). Mùa xuân, tháng hai thuyền buồm ba nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào cảng Hải Đông xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn để mua hàng hóa quý, dâng tiến sản vật địa phương”. Sau này, thương thuyền của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Trung Cận Đông cũng tìm đường đến giao thương rất nhộn nhịp.
Nếu xem trên bản đồ, hình dáng đảo Quan Lạn chẳng khác bức  trường thành vững chãi, một mặt hướng về đại dương che chắn sóng gió, còn mặt kia là bãi biển Quan Lạn, Sơn Hào, Minh Châu nối nhau xa tít tắp. Trên bản đồ là vậy nhưng khi được đứng tại bãi tắm, trông ra khơi, đón  mặt trời với sắc màu hồng cam rực rỡ đang dần dần ló dạng  sau  dãy núi đá, mới cảm nhận thiên nhiên kỳ vỹ đến dường nào.
Sản vật của đảo
Nhiều năm qua, Quan Lạn không chỉ thu hút khách du lịch bằng những bãi tắm đẹp tuyệt  mà còn nổi tiếng bởi có nhiều đặc sản như: sá sùng, hải sâm, bào ngư. Tuy nhiên hải sâm, bào ngư hầu như ngày càng khó khai thác vì hiếm, riêng sá sùng (sa trùng) hay còn gọi là sâu cát phơi khô, chế biến thành món ăn bổ dưỡng hiện vẫn còn song giá cả có lúc  lên tới  hơn 1 triệu/ kg dạng khô. Ngoài ra, rượu ngán cũng là đặc sản tăng lực độc đáo. Thoạt nhìn ngán giống con nghêu nhưng hai vỏ màu đen, hay ẩn mình dưới đầm sú vẹt hoặc đước. Thông thường sau khi bắt về, phải tách vỏ lấy gan và tiết hòa cùng rượu nếp, rồi đưa cay với món sá sùng chiên vàng ruộm thì rất ư là bắt "mồi".
Không thể không nhắc tới quần thể đình, miếu, chùa Quan Lạn nằm liền kề giữa trung tâm xã đảo. Tương truyền đình Quan Lạn được xây dựng vào thời Hậu Lê, mặt tiền hướng ra phía Tây, xa xa có ba hòn đảo đá giống như bình phong che chắn theo thế phong thủy. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật quy mô đồ sộ nhất vùng hải đảo Đông Bắc, thờ Thành hoàng Trần Khánh Dư - vị tướng lừng danh chỉ huy trận đánh Vân Đồn, Cửa Lục năm 1288 khiến quân Mông Cổ phải thua tơi tả.
Ngọc Vừng tức ngọc phát sáng, cái tên đầy ấn tượng của một hòn đảo nhỏ nằm cách đảo Quan Lạn khoảng 6 hài lý, cách cảng Cái Rồng hơn 20 hải lý và được xem là đảo xa nhất của huyện Vân Đồn. Theo bác Phạm Văn Nghi, 90 tuổi, sống lâu năm tại Ngọc Vừng, quần đảo Ngọc Vừng gồm 42 đảo lớn nhỏ và đảo Ngọc Vừng có diện tích lớn nhất. Địa hình trên đảo được bao bọc, chia cắt bởi nhiều ngọn núi cao, trong đó núi Ngọc ở ngay giữa đảo. Xưa kia nơi đây vốn  nổi tiếng nhiều ngọc trai thậm chí vào ban đêm, ánh sáng lấp lánh phát ra từ ngọc trai làm sáng rực cả một vùng.
Đảo Ngọc Vừng ít người biết đến có lẽ do xa xôi cách trở, nhờ thế mà bãi biển với bờ cát thoai thoải, rặng phi lao cổ thụ xanh mướt, những dãy núi chập chùng ôm ấp... vẫn còn hoang dã lạ thường. Bởi đảo chưa hề bị những bàn tay của người đi du lịch và làm du lịch xâm phạm.

TRẦN THẾ DŨNG ( TuoiTre )

P04: Hành trình đến cùng trời cuối đất

Cực Nam - Đất mũi Cà Mau

Vài năm gần đây, vì công việc tôi thường xuyên có dịp trở lại mũi Cà Mau nên dễ dàng nhận ra cảnh vật chẳng thay đổi bao nhiêu.
Cũng ngôi chợ Năm Căn tấp nập trên bến dưới thuyền, cũng dòng sông Cái mà mỗi lần đi qua chúng tôi lo ngay ngáy vì sóng gió, cũng những cánh rừng tràm, mắm, đước mọc san sát hai bên bờ kênh xanh mướt xum xuê, cũng khu vực bãi bồi vươn mãi ra biển khơi để rồi đẩy cột mốc tọa độ quốc gia, công trình biểu tượng đất mũi và đài quan sát lùi thêm về phía đất liền. Nhưng quả thật tôi khó tìm lại được cảm xúc dạt dào như lần đầu tiên đặt chân lên đất mũi. 
Hồi ấy muốn đến đất mũi, cách thị xã (nay là thành phố) Cà Mau hơn 100 km, người ta phải đi nối hai, ba chặng đường bằng phương tiện duy nhất là tàu chợ; nếu gặp hôm tàu cặp bến trễ, khách đành nghỉ vật vờ qua đêm ở thị trấn Năm Căn. Kẻ sẵn tiền thì thuê võ lãi gắn máy Toyota chạy vun vút từ thị xã Cà Mau ra đây cũng mất 4 tiếng đồng hồ. Riêng đường bộ chỉ tồn tại trên  lý thuyết bởi  không một loại xe nào dám đi qua kể cả xe công nông, xe bò.
Đó là mùa hè năm 1995, chúng tôi gồm 16 đứa, phần đông là hướng dẫn viên du lịch mới ra trường, đã ngồi trân mình trên võ lãi chạy suốt buổi dưới cơn mưa giông ào ạt, quyết tâm đến cho được đất mũi. Và niềm vui như vỡ òa khi mảnh đất tận cùng xứ sở, vốn là một bãi bùn mênh mông,  trống trải đang lộ ra dần phía trước mặt. Có người mượn ngay lá cờ Tổ quốc trên chiếc vỏ lãi phất qua phất lại chẳng khác nhà thám hiểm chinh phục núi Everest! Có người cứ bấm máy ảnh liên tu bất tận như  lo sợ cảnh vật trong phút chốc sẽ biến đi; thậm chí có người hào hứng tới mức nhảy ùm xuống sông rồi hối thúc mọi người đổ bộ lên bãi bồi, chụp ảnh. Cách biểu lộ cảm xúc mỗi người một kiểu song tất cả đều phát xuất từ đáy lòng.
Cực Đông - Nơi đón ánh bình minh đầu tiên ở đất Việt
Đường thiên lý Nam Bắc đoạn qua đèo Cả, tỉnh Phú Yên, theo nhiều người nhận xét là cung đường thơ mộng nhất khu vực miền Trung bởi biển trời rộng mở, núi non trùng điệp đến tận mũi Đại Lãnh, hay còn gọi mũi Điện, hòn Kê Gà, Cap Varella - vị trí cực đông, nơi đón ánh bình minh đầu tiên ở Việt Nam. Thật ra, sáu năm về trước chẳng mấy ai đặt chân tới vùng này, nhất là mũi Đại Lãnh, do vị trí khuất nẻo, gần như biệt lập. Tôi còn nhớ năm 2002, trong chuyến đi tiền trạm  khu vực đèo Cả nhằm thiết kế  chương trình cho báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi “Đi cùng nhịp sống trẻ”, ban đầu công việc tiến triển khá thuận lợi, khả thi, trong đó chương trình leo núi Thạch Bi Sơn, tham quan tàu không số ở vịnh Vũng Rô được ngành du lịch địa phương tận tình hổ trợ. Nhưng khi xuống cảng chuẩn bị thuê thuyền máy vòng sang cửa vịnh để ra mũi Điện thì gặp lúc thời tiết xấu, biển động nên hầu hết chủ thuyền đều lắc đầu thoái thác. Phút chót, chúng tôi đành chọn phương án lội bộ hơn ba giờ đồng hồ xuyên rừng Bãi Lớn, qua những thung lũng hoang vắng giữa bốn bề là núi non hiểm trở trước khi  thấy ngọn hải đăng sừng sững trên dãy núi đá vươn mình ra biển.    
Còn bây giờ, khách lữ hành có thể ngủ qua đêm dưới  tháp hải đăng mũi Điện để lắng nghe   tiếng sóng rì rào, hoặc lai rai vài chung rượu bên đĩa cá chình biển nướng lúc trăng lên rồi buổi  sáng sớm đắm mình thỏa thích trong vụng bãi Môn, ngắm mặt trời dần dần ló dạng trên đại dương bao la. Có được những điều ấy là nhờ vào con đường tráng nhựa nối từ đèo Cả rẽ xuống làng chài Vũng Rô rồi vòng quanh triền núi hòn Lớn, chạy tiếp đến Tuy Hòa. Nó còn mở ra triển vọng đưa   ngành công nghiệp không khói địa phương ngày càng phát triển bền vững.
Cực Bắc - Nóc nhà của Việt nam
Xa tít tận điểm cực bắc nước ta là ngọn núi Rồng thuộc xã Lũng Cú, cao nguyên Đồng Văn. Núi không cao, chỉ 283 bậc đá, vừa đủ để khách phương xa lúc nhoài người bước lên có cảm giác thế nào là "cúi mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời". Và trên chóp núi là cột mốc được định vị bằng lá   cờ đỏ sao vàng rộng 54 m2, tượng trưng cho 54 dân tộc, đang bay phất phới trong một buổi chiều lộng gió, khiến cho khách đến đây ai nấy đều  rất đỗi  tự hào.    
Đó là phần thưởng khích lệ cho bất cứ ai can đảm vượt qua cung đường dài hơn 20 km, tính từ thị trấn Đồng Văn vào Lũng Cú, mà quá nửa là đường đèo, gần như chỉ dành riêng xe Uoát công vụ. Một bên thì vách núi dựng đứng, bên kia là vực sâu thăm thẳm xa ngút tầm mắt và con lộ phía trước tưởng chừng hút thẳng trời cao. Đôi lúc gặp phải cua tay áo, khách nín thở, căng thẳng theo từng tiếng máy xe gầm rú vì ép số để vòng bánh chậm chạp vượt dốc đi lên. 
Lũng Cú đẹp vì cảnh quan thiên nhiên, hùng vĩ nhưng sẽ là bức tranh thiếu sinh động nếu không có hình ảnh những bản làng người Hmông nằm cheo leo rẻo núi, những ruộng bậc thang ngoằn ngoèo đều đặn tựa sóng hoa văn, những rẫy bắp, khoai, đậu tương xanh mướt vươn lên từ lòng đá tai mèo khô cứng ví như  bản tính người vùng cao luôn cần cù, chịu cực vượt qua cái nghèo khó, thiếu thốn bấy lâu nay.
Nằm yên bình giữa thung lũng Lũng Cú, bên cạnh đường vào xã là dãy nhà của người Hmông Lô Lô Chảy trông rất lạ mắt. Đó là những ngôi nhà gỗ đồ sộ liền kề, được thiết kế với vẻ ngoài mô phỏng theo kiểu gia trang của giới trung lưu Trung Quốc thời cổ, với những vì kèo, đầu đao, bao lơn, cửa sổ được chạm khắc khá tinh xảo song bên trong lại sử dụng hoàn toàn chất liệu đá, từ nền nhà, bậc thang, góc bếp, cột nhà... đến chuồng bò, chuồng ngựa, thậm chí tường rào bao quanh cũng xếp bằng đá. Tất cả được giữ nguyên chẳng khác trăm năm về trước.
Đến Lũng Cú vào mùa xuân không gì bằng được đứng trên núi Rồng ngắm đám mây đang trôi bềnh bồng dưới thung sâu và xa xa, nổi bật bên mái hiên dãy nhà cổ xám xịt, rêu phong, là sắc hồng, trắng của hoa lê, mận, đào phai nở rộ…, cảnh đẹp như trong truyện thần tiên.
Cực Tây - Gà gáy ba nước đều nghe
Trong bốn cực, cột mốc hướng tây - nằm giữa ranh giới ba nước Việt Nam, Lào và Trung Quốc, thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên - thật khó chinh phục, khám phá bởi đường xá xa xôi, hiểm trở và dễ gặp nhiều bất trắc.
Đầu năm 2007, tôi và Vĩnh Nguyên, phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, khởi hành từ thị xã Mường Lay xuôi theo quốc lộ 12, đến ngã ba Mường Chà rồi rẽ sang hướng tây, vượt thêm 160 km đèo núi, khi đặt chân tới thị trấn Mường Nhé thì trời đã quá nửa chiều. Có thể dễ dàng nhận ra huyện lỵ mới được thành lập nên cơ sở hạ tầng còn đang thi công dang dở, chưa hề có chợ búa, quán ăn, nhà nghỉ. Và để có chổ nghỉ qua đêm, chúng tôi đành nhờ vả ủy ban để được trọ trong căn hộ tập thể của nhân viên phòng kế hoạch huyện. 
Sáng sớm hôm sau, ngoài trời lạnh như cắt da, chúng tôi rời Mường Nhé trên chiếc xe máy thuê được của người bản địa. Bản Đoàn Kết, xã Chung Chãi, đồn biên phòng Lengsuxìn lần lượt lùi dần phía sau. Để đến được bản Tá Miếu nằm gần kề biên giới chỉ còn hơn 50 km, nhưng lại là cung đường tệ hại nhất - nói đúng nghĩa thì không thể gọi hơn 50 km ấy là đường vì nhiều đoạn chưa định dạng rõ nét, nhất là khi nó xuyên qua cánh rừng già Mơ Phơ cây đổ chắn ngang hàng  cây số với những suối sâu ngập tràn nước lũ và dưới đáy là vô số đá cuội, đá tảng chồng chất gập gềnh. Không gian hoang vắng, u tịch, không một mái nhà, không một bóng người lai vãng... Chợt nhớ đêm qua, ngoài thị trấn cánh xe ôm kể rằng: hiện nay dù số lượng thú dữ ở khu vực rừng già Tà Cù Tí, Mơ Phơ giảm khá nhiều do bị săn lùng ráo riết, song ít ai dám đi lẻ loi một mình qua lại vùng biên giới vì thỉnh thỏang hổ, gấu, heo rừng vẫn hay ra lối mòn rình rập, vồ người. Để trấn áp nỗi sợ hãi vu vơ càng lúc càng dâng trào, đôi lúc chúng tôi vừa chạy xe vừa hú lên thật to với hi vọng biết đâu tiếng hú ấy sẽ được người đi đường hoặc kiểm lâm đáp lại cho lòng bớt lo lắng.     
Cuối cùng rồi Tá Miếu, bản làng heo hút của người dân tộc Hà Nhì với hơn 20 căn nhà vách đất mái tôn nghèo nàn, đã lộ diện. Theo truyền thuyết, địa danh Tá Miếu được đọc trại từ Đại Miếu, một công trình tín ngưỡng mà ngày trước nhân dân ba nước dự định hợp sức xây dựng để thờ phúc thần phù trợ vùng ngã ba biên giới luôn an lạc thái bình. Tiếc thay dự định ấy vào giờ cuối phải bỏ dở nhưng địa danh Đại Miễu (Tá Miếu) vẫn được lưu giữ như một kỷ niệm và ước vọng đáng nhớ.
Nhiều người  ở miền xuôi vẫn nghĩ: đặt chân tới Tá Miếu đồng nghĩa với đến được ngã ba biên giới, nơi “con gà cất tiếng gáy dân ba nước đều nghe” song đến được Tá Miếu cũng chỉ mới chạm tay vào cột mốc số 3 trên đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc ở phía tây bắc. Còn muốn lên cột mốc số 0 giữa ba nước Việt – Trung – Lào, chúng tôi phải  tiếp tục đi theo hướng tây, vượt qua dãy núi có đỉnh cao 1800 m so với mặt biển.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi và hai sĩ quan bộ đội biên phòng cùng hai chú chó Mi Lu và Gấu trực chỉ đi về hướng tây của bản Tá Miếu. Chúng tôi được nhắc nhở lúc di chuyển không được hút thuốc, nói chuyện và cố gắng bám sát nhau. Thoạt tiên phải vượt qua hàng loạt quả đồi gối lên  nhau theo dạng bậc thang rồi tiếp nối là chân dãy núi chắn ngang sừng sững. Từ đây lên sườn núi  toàn là những cánh đồng tranh cháy đen vẫn đang  bốc khói. Mặt trời dâng cao, tỏa ánh nắng chói chang, oi bức cộng với mùi khói khét lẹt khiến chúng tôi luôn bị ngạt thở, kiệt sức đồng thời gây hiệu ứng buồn ngủ suốt chặng đường. Qua hết đồng cỏ cháy là dốc 700 m cao vời vợi, chúng tôi phải vừa bước vừa bám như  trườn trên đất, mỗi lần dừng chân nghỉ lấy sức bắt buộc phải ngồi xuống hoặc đứng chênh vênh chân thấp chân cao đề phòng trượt chân lăn xuống chân núi. Ngay hai chú  chó biên phòng khi sáng tỏ vẻ nhanh nhảu, lùng sục bất kể bụi rậm nào gặp trên đường bây giờ cũng đã giảm sức thấy rõ. 
Dùng tạm lương khô ngay đỉnh cao 1400 m, mọi người tiếp tục vượt chặng đường thứ hai  mà hầu hết là rừng rậm nằm dọc theo biên giới Trung Quốc. Thi thoảng, rừng cây rậm rạp, khuất tầm nhìn ở phía trước chợt lay động, mọi người phải ngồi thụp xuống sau dấu hiệu phất tay của anh Long, anh Nghi để nghe ngóng động tĩnh khiến chúng tôi căng thẳng tột cùng. Thú thật, không ít lần tôi định gợi ý quay về vì không biết còn gặp bao điều bí hiểm khôn lường khác trong rừng già...
Chúng tôi chạm cột mốc số 0, khắc ba thứ tiếng Việt Nam – Lào – Trung Quốc, trên cao đỉnh 1800 m lúc mặt trời đã chếch về đằng tây. Nhìn xuống là những cánh rừng già ẩn hiện dưới những đám mây trôi lững lờ. Thật khó kềm được xúc động khi chứng kiến hai sĩ quan biên phòng tiến hành nghi thức chào cột mốc trong tư thế nghiêm trang, đầy hùng khí. Chắc chắn nếu bây giờ tôi hét to lên tức khắc cả ba nước sẽ cùng nghe…

 TRẦN THẾ DŨNG ( TuoiTre )

P03: Ông Hai Đức: từ ẩm thực đến du lịch

Cách đây hơn 25 năm, ông Hai Đức đã mượn vốn gia đình, bè bạn đầu tư mở nhà hàng. Để có mặt bằng, ông thuê đổ 600 chuyến xe đất, san bằng một khu vực đầm lầy có diện tích 3.000 m2 nằm gần quốc lộ 1, ven biển Cam Ranh. Chẳng bao lâu sau, một nhà hàng xinh xắn với kiểu dáng nhà sàn mọc lên.
Ông sưu tập cây kiểng, xây chuồng nuôi dưỡng cheo, hươu, nai, vượn, kèm một vài lồng chim hót giúp du khách thư giãn, quên đi những mệt mỏi trên đường thiên lý trước khi ngồi vào bàn. Ông vẫn bảo lưu thương hiệu Ngọc Sương và biểu tượng cối xay gió, vốn là tên - hiệu nhà hàng do bà mẹ vợ đặt ra từ năm 1959 tại vùng bán đảo này.
Cánh hướng dẫn chúng tôi rất thích đưa khách đến đây, không chỉ vì tiện đường, lại thêm cảnh trí, không gian, gió biển, mà còn do món ăn được chế biến khéo léo, hợp khẩu vị ba miền. Ông Hai Đức mua hải sản tươi ngon ngay tại thuyền đánh cá, đưa về bể nuôi tại nhà, dùng kỹ thuật sao cho chúng không bị sút cân hoặc chết non. Ông tuyệt nhiên không sử dụng bột ngọt hoặc đường khi chế biến thức ăn vì sợ làm mất mùi hải sản, và chọn nước mắm Cam Ranh đúng độ đạm để nêm nếm. Một yếu tố mang tính nguyên tắc của Ngọc Sương là thức ăn phải thật nóng sốt trước khi dọn ra bàn.
Tính cẩn thận đôi khi cầu kỳ này có lúc khiến các đoàn khách du lịch phật lòng vì mất nhiều thời gian chờ đợi. Biết vậy, ông đành khéo léo từ chối tiếp đoàn đông người vì sợ mang tiếng thiếu tôn trọng khách hàng.
Khách quen của Ngọc Sương thường chọn món gỏi cá đặc trưng miền biển. Loại cá nguyên liệu làm gỏi có tên là sọ dừa, sinh sản nhiều ở biển Cam Ranh, ít xương, thịt trắng, giòn và không tanh. Cá tươi sau khi làm sạch, lóc bỏ xương, da còn lại phần thịt tiếp tục được thái mỏng và trộn đều với dấm, hành tây. Lúc dọn ra bàn, dĩa gỏi cá được rắc lớp đậu phộng rang, điểm thêm dăm lát ớt, vài sợi gừng xắt nhỏ. Gỏi cá phải được cuốn bánh tráng sống kèm chuối chát, khế rau thơm…, chấm với nước chấm được pha chế rất đặc biệt.
Năm 1990, Ngọc Sương tiến vào Sài Gòn mở chi nhánh trên đường Lê Văn Sĩ. Thị trường ẩm thực Sài Gòn vốn mang nhiều phong cách, hương sắc là một thử thách trong cuộc cạnh tranh đầy cam go khiến ông phải trả giá bằng 14 tháng vắng khách, dẫn đến lỗ vốn trầm trọng. Nhắc chuyện cũ, ông bùi ngùi: “Gần như tôi dồn hết tài sản và tâm trí cho việc đầu tư này: đi lại giữa Cam Ranh và Sài Gòn, vừa cung ứng hải sản với giá gốc vừa quán xuyến kinh doanh một lúc hai nhà hàng. Thế mà lỗ, do thực khách thành phố Hồ Chí Minh chưa quen món ăn mang phong vị Cam Ranh”.
Nhưng ông kịp chấn chỉnh lại Ngọc Sương ở Sài Gòn, từ thay đổi giá cả đến nghiên cứu khẩu vị khách hàng rồi bổ xung thêm món ăn bên cạnh thực đơn đặc thù của nhà hàng. Từ đó thực khách bắt đầu quen dần nhưng tô cháo hàu, ghẹ hoặc mì tôm cua cho buổi điểm tâm. Buổi trưa, chiều dùng cơm với tôm kho tộ, mực chiên giòn, hàu đút lò, canh chua hải sản. Buổi tối có thể lai rai với món gỏi cá, hàu sữa mù tạc, nghêu nấu sữa, tôm nhúng nước dừa… đậm đà hương vị biển cả.
Ông tên thật là Trần Hữu Đức, xây dựng gia đình với bà Trần Thị Thu Vân và sau năm 1975 gia đình chuyển hẳn về Cam Ranh bắt đầu sự nghiệp kinh doanh ngành ẩm thực. Bà Vân thừa kế tài nấu bếp từ người cha tài hoa. Các món ăn khi qua bàn tay khéo léo của bà đều ngon hơn.
Được cha mẹ vợ đùm bọc, cưu mang từ thuở còn khó khăn nên ông có những tình cảm sâu đậm, gắn bó với vùng đất Cam Ranh quê vợ. Ước nguyện góp sức giải quyết phần nào công ăn việc làm cho người lao động địa phương của cha mẹ vợ được ông biến thành hiện thực. Trong số 250 người giúp việc thường xuyên trong hệ thống nhà hàng Ngọc Sương của gia đình ông trước đây phần lớn là người gốc Cam Ranh. Ông tuyển chọn con em gia đình nghèo để đào tạo thành đầu bếp, phụ bếp, cung cấp cho hệ thống bảy nhà hàng hiện nay ở Nha Trang, Cam Ranh, Sài Gòn do các con ông đầu tư khai thác.
Đầu năm 2007, tôi tình cờ gặp ông tại Cam Ranh. Ông đang tham gia cổ phần  xây dựng khu resort Cù Lao Nhỏ trên bán đảo Cam Ranh. Đây là khu vực bãi tắm được xem là đẹp nhất vịnh mà ông đã dốc sức, đeo đuổi đầu tư từ năm 2000. Ông bảo: “Đến tuổi này tôi còn thiết gì làm giàu nhưng nhìn một kỳ quan thiên nhiên như bán đảo Cam Ranh chưa được khai thác du lịch lòng tôi chưa thấy yên ổn”.
=======================================================
Lên nóc nhà Đông Dương

Phan Xi Păng (hay Fansipan), còn được gọi Hủa Xi Pan theo tiếng dân tộc bản địa, nghĩa là phiến đá khổng lồ chênh vênh trên đỉnh núi cao nhất ba nước Đông Dương, nằm phía tây nam cao nguyên Sa Pa, trong dãy Hoàng Liên án ngữ cả vùng trời tây bắc, đã từng được nhiều người biết đến như một danh sơn khó chinh phục bởi độ cao 3.143 m, địa hình hiểm trở.
Ngay cả người H’mông, Dao Đỏ, Nhắng... sống lâu đời tại các bản làng Tả Van, Cát Cát, Xín Chải chẳng mấy ai phát hoang, làm nương rẫy vượt quá độ cao 2.200m so với mặt biển. Cho đến lúc này Phan Xi Păng vẫn là đích đến của những ai có ý chí, niềm đam mê chinh phục, khám phá.
Hiện nay, chưa có tài liệu nào công bố ai là  người đầu tiên đặt chân đến đỉnh Phan Xi Păng. Tuy nhiên vào năm 1924, trên những ấn phẩm quảng bá chương trình du lịch Sa Pa, có giới thiệu tour leo núi Phan Xi Păng. Đến năm 1960, một đoàn chuyên gia Ba Lan, sau chuyến khảo sát địa chất, đã xây dựng trên đỉnh trụ hình kim tự tháp làm cột mốc. Đất nước thống nhất, ngành du lịch bắt đầu mở mang và thời điểm  năm 1984 được xem là sự kiện đáng nhớ đối với  người làm du lịch tại cao nguyên Sa Pa khi đón đoàn vận động viên hỗn hợp Nga - Đức tổ chức cuộc thi chinh phục Phan Xi Păng. Nhằm kỷ niệm chuyến đi, người ta không quên để lại hộp hình chóp nhọn bằng kim loại, thay thế trụ bêtông bị hủy hoại theo thời gian, mưa nắng. Sự kiện ấy đã khởi đầu, làm tiền đề cho các tour khám phá, chinh phục Phan Xi Păng sau này.  
Nhiều ngã lên trời
Nếu xuất phát từ  huyện lỵ Sa Pa ở độ cao 1.600 m so với mặt biển, có ba con đường lên đỉnh Phan Xi Păng. Thứ nhất là theo quốc lộ 4 D đến đèo núi Xẻ (Ô Quy Hồ) cao 1.920 m, rồi vòng ngược lại về phía đông trên chặng đường dài gần 10 km (bình quân cứ hơn cây số đường dài, cao độ sẽ tăng thêm 100 m). Hướng này có thể đi và về trong thời gian hơn một ngày do đường đi hầu hết đã được xây lancan bêtông bảo hiểm. Hướng thứ hai qua bản Xín Chải và phải  cật lực vượt nhiều dốc đứng, vực thẳm trong thời gian bốn ngày mới hy vọng lên tới “nóc nhà Đông Dương”. Tuy nhiên hướng này  không hấp dẫn bằng ngã đi qua thác Cát Cát là hướng thứ ba vì địa hình đa dạng, thảm thực vật lạ mắt,  tầm nhìn rộng lớn khắp bốn bề.
Tôi đã chọn hướng làng Cát Cát nhưng khi xuống núi sẽ đi qua đèo núi Xẻ với tham vọng sẽ vượt qua sống lưng dãy núi Hòang Liên Sơn, khám phá địa hình của cả hai phía: sườn đông và sườn tây đỉnh Phan Xi Păng, mặc dù trước đó không ít người, cả những người bạn làm điều hành, hướng dẫn du lịch tại Sa Pa, một mực khuyên nhủ nên chọn phương án đi và về tại Ô Quy Hồ do an toàn và vừa đỡ phải băng rừng vượt dốc.
Buổi chiều trước ngày đăng sơn, đứng trên núi Hàm Rồng, ngước mặt sang phía tây, đỉnh Phan Xi Păng lúc ẩn lúc hiện sau đám mây bồng bềnh như ngạo nghễ, thách thức, nhìn xuống  thung  lũng Mường Hoa, dốc núi sáng rực trong sắc vàng ươm của nắng chiều. Trời trong, mây tạnh lại rơi vào tháng hai - mùa lý tưởng để chinh phục Phan Xi Păng, chắc hẳn cuộc du hành ngày mai sẽ vô cùng thuận lợi, tôi thầm nghĩ thế. Ngờ đâu buổi tối, đài VTV1 thông báo áp thấp nhiệt đới đang chuyển chậm về phía tây bắc trên diện rộng. Từ lúc ấy đến  quá nửa đêm, tôi cứ mãi trằn trọc với một điều lo lắng duy nhất: “Những người bạn mà tôi thuê để hướng dẫn lên núi liệu có  tiếp tục thực hiẹn chuyến đi hay không khi tối nay nghe tin thời tiết xấu?”. 
Gần sáng, trời bắt đầu đổ mưa, mọi lo lắng đêm qua rồi cũng được xóa tan khi mọi người đã có mặt tại điểm hẹn. Đồng hành cùng tôi, ngoài anh Dì Văn Hòa là hướng dẫn viên chuyên leo núi Fansipan, còn thêm Mã A Lứ, chàng trai người H’mông 24 tuổi từng trải qua ba năm khuân vác hành lý cho các đoàn khách đi điền dã. Thú thật, ngay từ đầu tôi không mấy  yên tâm với vẻ bề ngoài của A Lứ vì ngay cả những lúc ăn uống, nghỉ ngơi qua đêm, A Lứ cũng chỉ mặc phong phanh chiếc áo H’mong màu chàm xẻ ngực và bên hông kè kè bên sườn lưỡi đao sắc lạnh. Tuy nhiên càng về sau, tôi càng cảm phục, quý mến anh. Mang tiếng là người khuân vác hành lý, lương thực, nhưng thực tế A Lứ kèm thêm nhiều công việc: từ tiền trạm, mở đường tìm địa điểm dựng lán cho đến chuẩn bị bữa ăn trước khi chúng tôi đặt chân tới, hết thảy đều một tay anh quán xuyến. “Đông người thì chẳng việc gì phải sợ, chứ một thân, một mình giữa núi rừng sâu thẳm, nguy hiểm khôn lường, con dao là vật hộ mạng, để cắt rừng mở lối,  chống chọi thú dữ hoặc lâm tặc xin đểu” - A Lứ tâm sự.
Những chặng đường gian khổ
Chúng tôi vượt dốc đứng đầu tiên, ngay làng Cát Cát nằm trên độ cao 1.200 m, mất đúng 35 phút. Mệt toát mồ hôi nhưng mọi người  đều phì cười khi nghe Hoà ví von “dốc này chỉ dành riêng cho   việc khởi động giãn gân cốt”. Mưa vẫn dai dẳng, gió giật liên hồi, đường phía trước lầy lội, trơn trượt, khiến bước chân của chúng tôi thêm trĩu nặng vì bùn đất bám đầy.  Gần đến  khe núi thì được tin lối mòn hàng ngày vắt ngang con suối cạn đã bị  nước lũ đầu nguồn đổ về tràn  ngập. May thay nhờ người bản địa sống ở nương rẫy đã giăng dây hai bờ, nên chúng tôi có chỗ bám víu và ngâm mình dưới dòng nước buốt lạnh để lần mò từng buớc trên những gộp đá, thoát sang bìa rừng. Quần áo ướt đẫm không biết do mồ hôi hay nước mưa thấm vào nhưng không ai dám nghỉ chân bởi hơi lạnh từ những lớp áo sẽ làm cơ thể tê cứng, đau nhức như kim châm, ngoài ra còn gây ra vọp bẻ cơ bắp bất cứ lúc nào. 
Đường thu hẹp dần, đến lúc nó chỉ còn là lối nhỏ đủ tầm cho  một người qua lại khi men  theo triền núi. Hoà nhắc nhở: “Qua miệng vực chông chênh, đừng nghĩ ngợi vu vơ, cứ nhìn thẳng mà đi”. Chẳng hiểu sao tôi vẫn đưa mắt nhìn xuống dưới, cảm giác rợn rợn sau sống lưng cũng đồng thời xuất hiện: tận cùng vực sâu thăm thẳm,  dòng lũ màu đỏ quạch đang cuồn cuộn kéo phăng tất cả cây cối, đất đá xuôi về hướng thác ghềnh. Một vài khu vực bên ngọn đồi đối diện, đất bắt đầu sạt lở và nhanh chóng hòa tan trong cơn cuồng nộ của thủy thần.
Quá buổi trưa, chúng tôi dừng chân ăn nhẹ bên vạt rừng già nằm phía bắc dãy Fansipan. Lúc này chúng tôi đang ở độ cao 1.700 m, nơi người dân tộc thiểu số chuyên trồng loại cây thảo quả.  Được ví là “vàng nâu của đại ngàn Hoàng Liên ”, cây thảo quả có dáng như cây riềng, và sau mỗi vụ mùa, cây tiếp tục nẩy mầm thành từng bụi. Vào độ tháng tư, tiết trời ấm áp, hoa thảo quả nở rộ, toả hương ngào ngạt. Qua tháng tám, tháng chín quả chín đỏ, người ta thu hoạch sấy khô để làm hương, dược liệu. Đặc biệt là thảo quả chỉ phát triển tốt trong điều kiện khí hậu ẩm thấp, ít ánh nắng, ven khe đá hoặc sườn núi thoai thoải dưới tán lá xum xuê. Vài năm gần đây, đời sống kinh tế bản làng được cải thiện, sung túc hơn một phần nhờ nương thảo quả. Chả thế mà ngày càng nhiều chàng trai Dao đỏ, H’mong lái xe Trung Quốc mới tinh, phóng vun vút trên phố núi những dịp chợ phiên đã thật sự thay thế  hình ảnh con ngựa tải, phương tiện vận chuyển truyền thống lâu nay.
Lối mòn xuyên qua hàng loạt nương thảo quả như kéo dài bất tận giữa những cánh rừng pơmu rậm rạp ngày nào, nay bị tàn phá chỉ còn lại gốc cây mốc meo, xù xì khiến cảnh vật thêm im ắng, xác xơ . Ra khỏi rừng già, đường bây giờ chủ yếu men theo triền núi  rất  khó đi, hiểm trở,  nhiều đoạn ẩm ướt bám đầy rêu xanh trơn trượt, mọi người phải níu rễ cây chằng chịt trên mặt đá để bước lên từng chút một. Ai cũng đã thấm mệt, tay chân như rã rời, hoạt động gần như vô thức, thiếu tự chủ. Đến gần chiều, chúng tôi mới đến dưới chân “dốc 400” thẳng đứng, có chiều cao khoảng 400 m, vốn là ngọn thác cạn với cơ man đá tảng, đá hòn chồng chất. Đây còn được xem là “dốc thử thách” cho khách leo núi tự đánh giá sức lực mình trước khi quyết định nên hay không tiếp tục cuộc hành trình, vì theo cánh   hướng dẫn ở Sa Pa: “Nếu khách vượt qua được con dốc, đồng nghĩa đủ sức lên tới đỉnh, còn thất bại thì hãy từ bỏ ý định chinh phục Fansipan hoặc quay về Sa Pa chuyển hướng sang Ô Quy Hồ”.
Bao năm rong ruổi đi khảo sát đã giúp tôi có chút kinh nghiệm về leo núi cùng niềm tin tưởng rằng “dốc 400” chẳng quá khó vượt qua, nếu đi theo đường zích zắc trên mặt phiến đá sắp lớp, theo dạng bậc thang. Chưa hết, mắt phải luôn nhìn chếch lên phía trước dò xét địa hình rồi mới bước tới, cần tránh nhìn xuống vực bởi dễ gây tâm lý hoang mang. Những lúc nghỉ lấy sức, phải tìm khe đá, dễ  bám víu làm chỗ tựa lưng. Nhưng thế nào đi nữa, tôi cũng không tài nào leo kịp với các bạn đồng hành, nhất là Á Lứ cứ thoăn thoắt đi lên mặc dù trên lưng còn gùi túi hàng to tướng, lỉnh kỉnh những là lương thực, rau quả, nồi niêu, túi ngủ, lều bạt…
Vị trí hạ trại qua đêm đầu tiên của chúng tôi là bãi đất trống tương đối bằng phẳng trên độ cao 2.200m và nằm gần kề bên con suối. Trong khi Hòa đang dùng dao vạt cành lá cây trúc rừng lót dưới tấm bạt, làm nệm chuẩn bị dựng lều trại thì A Lứ đã đốt xong bếp lửa, sửa sọan nấu cơm chiều, còn tôi đi tìm củi. Không lâu sau đó những món ăn, nồi cơm nóng sốt, cả chai rượu San Lùng, trái cây được dọn ra. Theo dõi hai người làm việc từ sáng tới giờ, tôi thật sự kinh ngạc trước sự chịu đựng dẻo dai và kỹ năng làm việc của họ: vừa cần mẫn, khéo léo lại luôn tự giác, kỷ luật, như trong một kịch bản đã định sẵn.
Sáng sớm, trời còn mù sương Hòa đã “khua” chúng tôi thức dậy và báo tin: “Tối qua, tôi có điện thoại vô tuyến về trung tâm, đuợc tin sáng nay áp thấp nhiệt đới sẽ đổ vào khu vực Sa Pa nên mọi người nên đi sớm và cố gắng nhanh chân để bất cứ giá nào buổi chiều phải có mặt tại điểm hạ trại sau cao đỉnh 2.900 m. Riêng A Lứ sẽ đi tiền trạm, sẵn sàng cơm nước trước khi mọi người gặp nhau tại đỉnh dốc 300”. Mưa bắt đầu rơi nặng hạt, sương mù giăng kín cả núi rừng. Chúng tôi mải miết đi, hết lên rồi xuống dốc cứ thế lập đi lập lại đến mức tôi ngộ ra một điều: “Lên Fansipan, mỗi lần xuống dốc dù là đỡ mất sức, song hãy khoan mừng vui vì cái dốc sắp sửa leo tiếp chắc chắn sẽ cao hơn gấp đôi, thậm chí gấp ba lần”.
Đường đi ngày càng cao, cho đến lúc vừa vòng qua phiến đá lô nhô ở eo núi,  chúng tôi gặp ngay cánh rừng tùng la hán với kiểu dáng rất cổ quái. Mỗi cây mỗi dáng và toàn thân đều phủ dày  rêu phong như một minh chứng sống động về sự tồn tại của nó hàng trăm năm qua. Đi vào sâu, rừng tùng càng đẹp, nhất là những cây oằn mình ra khỏi bờ vực, trông chẳng khác bức tranh bồng lai của Trung Quốc. Tôi thèm được bấm vài tấm ảnh, nhưng tay lóng ngóng, tê dại không cách gì lấy được chiếc máy ảnh từ  balô trên vai trong  khi mưa và gió cứ thốc lên từng cơn. 
Qua khỏi rừng tùng là nối tiếp rừng trúc xanh um phủ kín cả một vùng đồi núi rộng lớn. Thỉnh thoảng, hai bên lối đi, nhiều bụi cây bị vết chém còn tươi nguyên gốc rễ, dấu hiệu trước đó A Lứ đã cắt rừng hoặc  ra sức mở rộng đường cho thông thoáng. Có nơi  con đường bỗng nhiên tối xầm vì  khuất dưới những vòm cây dài hun hút. Nghĩ cũng lạ: ở Phan Xi Păng, mỗi tầng cao chỉ quần tụ một loại  cây, cây khác tuyệt nhiên không thể sinh sôi phát triển, điển hình như rừng tùng, rừng trúc chúng tôi mới đi qua.
Sau gần 1 giờ đu mình trên những tảng đá dốc 300, chúng tôi gặp A Lứ tại đỉnh dốc. Phần việc giao cho A Lứ vào buổi sáng không được thuận lợi như ý muốn bởi anh ta không thể nhóm bếp khi mưa gió liên tu bất tận, củi lửa hoàn toàn ẩm ướt. Chúng tôi đành nhai mì gói và uống nước khe suối cho xong bữa .
Cao đỉnh 2.900 m, cửa ải thứ ba đầy cam go sau hai con dốc 400 và 300 vốn là chóp núi nằm bên phải đỉnh Phan Xi Păng, nếu đứng từ Sa Pa nhìn lên. Dân hướng dẫn địa phương hay nhắc tới nó vì nhiều lý do: địa hình núi đá, xương xẩu, hiểm trở, nơi được xem là “túi gió” hứng chịu những nguồn gió từ nhiều phía thổi qua dãy núi Fansipan, cùng những đám sương mù dày đặc. Mặt khác, ở  độ cao này chỉ duy nhất tồn tại loại cây trúc lùn hay trúc dầu, trúc phất trần, cao khoảng 40 cm, thân trơ trụi, trên đầu ngọn có chút lá phất phơ.
Chúng tôi bắt đầu vượt đỉnh 2900 m lúc chừng 4 g chiều nhưng trời đã xẫm tối. Mây mù đến mức cách vài ba mét rất khó nhận dạng, đồng thời mưa rào, gió lạnh càng lúc càng thổi mạnh. Thỉnh thoảng Hòa dừng chân nhắc nhở: “Gần tới đỉnh, cây trúc dầu mọc tràn lan hay che lấp lối mòn nên  cố gắng bám sát người trước mà đi”. Quả thật, chẳng bao lâu con đường lên núi  đã mất dấu, thay thế vào đó là những bụi  trúc mọc lúp xúp bên sườn dốc. Tình thế bắt buộc chúng tôi phải  đạp bừa lên chúng,  tuy nhiên đi theo cách này rất khó lại mau mất sức vì thân trúc luôn trơn ướt nên bước chân hay trượt ra phía sau. Muốn đi được, chúng tôi phải gập người, dùng hai tay nắm chặt từng chùm cây làm điểm tựa, trườn lên. Mưa như trút nước, gió rít lên liên hồi cùng sấm sét tạo thành âm thanh cuồng nộ, cơ thể của tôi như muốn bốc khỏi mặt đất. Theo phản xạ, tôi nằm rạp xuống đất, hai tay bám víu vào bất cứ cái gì có thể.
Vậy là tôi đang ở giữa khu vực “túi gió” ngay lúc áp thấp nhiệt đới đổ về. Đáng sợ hơn là chung quanh, giờ đây chỉ thấy một màu xám xịt bao bọc, linh cảm báo tôi biết mình đang bị lạc đã khiến tôi lấy sức hú lên nhiều lần, hy vọng Hòa và A Lứ gần đó sẽ đáp lại. Nhưng vô ích bởi tiếng gọi của tôi lạc lõng đến thảm hại. Nếu lạc đường trong hoàn cảnh khác chắc chắn tôi sẽ chờ mọi người quay lại tìm kiếm, song trong trường hợp này muôn phần nguy hiểm vì mưa bão, sấm sét ầm ầm, có lẽ tốt nhất cứ phải tự cứu mình, giống như bản năng chợt trỗi dậy khi  người ta gặp nguy hiểm tận cùng. Tôi dần dần bình tĩnh lại, lần theo những bụi trúc bị gãy vỡ, dấu vết hai người vừa đi qua mà trườn mình tiến tới.  Thật lâu,  đường núi bỗng xuống thấp và trong  tiếng gió rít hú khủng khiếp,  văng vẳng đâu đây tiếng tre nứa kẽo kẹt vọng về. Tôi thử gọi vài tiếng, rất may lần này được Hòa đáp lại. Cuối cùng, tôi cũng tìm đến cánh rừng toàn tre xanh, nơi Hòa và A Lứ đang vất vả với công  việc căng bạt, che chắn chung quanh khu hạ trại. Trước đó một cơn gió đã xé nát tấm bạt lớn mà đêm qua chúng tôi sử dụng làm nệm ngủ. Còn lều, túi ngủ tuy ướt sũng nhưng nhờ trời vẫn còn nguyên vẹn.   
Nằm trong lều, lắng nghe ngoài kia cây lá xào xạc cùng tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái tôi vẫn chưa hết sợ khi nhớ lại giây phút lạc đường trong mưa bão vừa qua. Theo anh Hòa: “Từ tháng 9 đến tháng 3 là thời điểm lý tưởng nhất để thực hiện chuyến leo núi, chưa kể tháng 2 và tháng 3 là mùa hoa nở khắp núi rừng. Ngoài ra từ tháng 4  kéo dài đến tháng 8 hay gặp mưa rào và cháy rừng, nên phần đông hướng dẫn bản địa thường cương quyết từ chối  tham gia.  Đặc biệt ở cao đỉnh 2.900 m, bất luận thời điểm nào, chẳng may gặp cháy rừng sẽ không có lối thoát vì  rừng trúc lùn dễ bùng cháy lây lan nhanh,  còn gặp mưa rào, gió lớn thì đành chịu trận, phó mặc cho trời đất. Trong quá khứ đã từng xảy ra trường hợp một nữ du khách người châu Âu xẩy chân rơi xuống vực, địa phương  phải huy động trai tráng bản làng, cắt rừng, xuống vực tìm kiếm suốt ba ngày mới lấy được xác. Riêng chuyến đi này, nó diễn ra giống như là một định mệnh vì tất cả đã vào thế chẳng đặng đừng, muốn hoãn cũng không xong mà có đi thì vô cùng phiêu lưu mạo hiểm”.  
Lên "Nóc nhà Đông Dương"
Sáng ngày thứ ba, chúng tôi xuống độ cao 2.600m rồi leo ngược lên  đỉnh núi cao hơn. So với hai ngày trước, sức khỏe của chúng tôi sa sút thấy rõ, tốc độ leo núi cũng chậm dần, càng lên cao lượng không khí càng loãng, cứ leo được năm ba mét đã phải ngửa cổ  thở gấp gáp để thu được nhiều oxy hơn, chưa kể đường đi hôm nay phủ đầy bùn đất, có nơi ngập hơn mắt cá. Lần lượt vượt qua nhiều cánh rừng toàn trúc xanh ngút ngàn, thêm vài dốc dứng và những con suối vắt ngang, bất ngờ phía trước mặt đã xuất hiện vách đá sừng sững. Rẽ sang bên phải là con đường nhỏ ven vách núi đang chìm đắm giữa đám mây mù. Bỗng nhiên Hòa và A Lứ dừng lại có ý nhường đường để tôi lên  trước, một chút phân vân trong giây lát song tôi vẫn quyết định tiếp tục tiến bước bởi cảm nhận được hai người đồng hành muốn dành cho tôi một điều bất ngờ gì đó. Sau nhiều đoạn dừng chân lấy sức, tôi đặt chân đến đỉnh núi là khối đá khổng lồ, trần trụi nằm kề vực thẳm, trên mặt đá là lá cờ đỏ sao vàng đang bay phần phật cùng một hộp hình chóp nhọn bằng inox. Nhìn xuống chân khối đá ở nơi khuất gió là ảnh Bác Hồ và bức tượng bán thân cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Ôi, đích thực đây là đỉnh Phan Xi Păng, nóc nhà của Đông Dương, nơi tôi từng  ấp ủ, ước mong chinh phục sau nhiều năm chờ đợi. Ai đó đã  nói “đi rồi cũng sẽ đến” thật đúng mặc dù cái giá mà tôi trả chẳng rẻ chút  nào. Bây giờ là lúc tôi muốn ngồi một mình trên đỉnh, với chiếc điện thoại di động trong tay và truyền dòng tin: “Tôi đã có mặt tại Phan Xi Păng lúc 13 g 07” gửi đến người thân, bè bạn, gia đình. Chỉ giây lát thôi, tôi đã nhận được hàng loạt tin hồi đáp chúc mừng, số ít trách cứ sao không rủ đi chung cho có bè có bạn và hai tin nhắn vỏn vẹn ba từ: “Ông điên thật”.    
Hạ Sơn
Những tưởng chặng đường về qua núi Xẻ, với chiều dài khoảng hơn 9km mà phần nhiều là xuống dốc, nếu đi nhanh đến đêm chắc chúng tôi sẽ có mặt tại Sa Pa để thoát khỏi nỗi bức bối vì ba ngày liên tục sinh hoạt bất thường, ăn uống kham khổ  và cứ phải mặc mãi những bộ quần áo luôn ướt sũng. Nhưng chúng tôi đã lầm! Bởi dù đi như chạy, chúng tôi cũng chỉ đạt được nửa chặng đường mà trời đã gần tối, muốn đi tiếp phải tìm cách làm đuốc soi đường,  trong khi số đèn pin mang theo dự phòng đều cháy bóng hoặc chập điện. Đành  phải dừng chân ngủ nhờ qua đêm trong lán trại của công nhân đang thi công đường xá phục vụ du lịch.
Hóa ra ngủ thêm một đêm ngoài ý muốn lại gặt hái bao điều bổ ích. Trước tiên là đi ngang hàng loạt con suối nước lấp xấp, lạnh buốt; kế tiếp là cánh rừng già bạt ngàn với vô số cây cổ thụ mà hầu hết là gõ đỏ, hồi lá mỏng xen lẫn cây đỗ quyên đang vào mùa nở hoa, đủ sắc màu đỏ, hồng, vàng và tỏa hương thơm khắp núi rừng. Nhiều người cho rằng hoa đỗ quyên là đặc sản của núi Hoàng Liên quả không sai, bằng chứng là vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn nhiều lần  mang cây trồng thử ở Sa Pa nhưng chưa một lần thành công. Thời tiết, địa hình nơi đây cũng thật thú vị, trong khi bên sườn đông rừng già rậm rạp sũng nước mưa to, giá lạnh thì bên đây rừng thưa, gió nhẹ, nhiệt độ xấp xỉ 18 oC.
11 g 30 chúng tôi có mặt ở  cổng vườn quốc gia Hoàng Liên trước sự ngỡ ngàng của mọi người  công tác tại đây, điều này thật dễ hiểu vì họ không thể tin nổi chúng tôi dám bạo gan lên  núi trong cơn  áp thấp nhiệt đới, một việc mà theo họ là tối kỵ. Chỉ đến lúc kiểm tra vé tham quan cùng phí bảo hiểm của chúng tôi mua tại vườn họ mới chắc chắn là sự thật. Uống vội cốc nước chè đậm đặc, chúng tôi tiếp tục theo đường đèo Trạm Tôn lội bộ trở về Sa Pa,  ngoài kia mưa bắt đầu nặng hạt.
Cuộc hành trình lên nóc nhà Đông Dương đã kết thúc, tôi thật kém may mắn khi không được ngồi trên đỉnh Phan Xi Păng ngắm nhìn mặt trời rực hồng bên những  đám mây trắng tinh như bông như tuyết đang trải rộng dưới bầu trời xanh ngắt hay lang thang giữa những chùm mây lúc là đà, lúc cuồn cuộn để có cảm giác mình đang đằng vân giá vũ và còn nhiều điều tuyệt diệu nữa như nhiều người từng chinh phục Phan Xi Păng hay kể. Thế nhưng tôi vẫn tự an ủi rằng: gian khổ, bất trắc trên dãy núi thiêng liêng của Tổ quốc đã giúp tôi thể hiện  được một điều mà bình thường khó có thể làm được, đó là vượt hơn chính mình. 

TRẦN THẾ DŨNG ( TuoiTre )
 

P02: Cảnh sát du lịch

Giữa khung cảnh ồn ào náo nhiệt trước cổng đền Bà Chúa Kho (làng Cổ Mễ, thi xã Bắc Ninh), một phụ nữ gần như phát khóc mà vẫn cố chứng minh rằng: bà đã vét đến đồng bạc cuối cùng cũng chỉ còn đúng 350.000 đồng, đào đâu ra để trả số tiền 900.000 đồng cho một mâm lễ gồm giấy vàng mã, hài, bánh xu xê mà bọn côn đồ lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của khách đặt hàng nhưng chưa kịp hỏi giá trước.
Một trường hợp khác được báo Tuổi Trẻ nêu: vợ chồng ông Muller, quốc tịch Đức, trong lúc săn ảnh tại hồ Gươm ngay trung tâm Hà Nội chẳng may bị kẻ xấu trộm máy móc, dụng cụ chụp ảnh và thẻ nhớ lưu toàn bộ hình ảnh mà hai ông bà đã chụp được suốt hành trình du lịch Việt Nam. Tuy không hy vọng sẽ lấy lại được số tài sản đã mất nhưng ông Muller và hướng dẫn viên du lịch cũng tìm đến công an phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm khai báo vụ việc xảy ra. Tiếc thay, cơ quan này né tránh trách nhiệm, đùn đẩy sang công an phường Hàng Trống, kế tiếp là phường Hàng Bạc; chỉ đến khi có sự can thiệp, chỉ đạo của công an quận Hoàn Kiếm, cán bộ phường Tràng Tiền mới tiếp nhận  xử lý. Vừa mất của, vừa mất quá nhiều thời giờ để tìm nơi khai báo, khổ chủ vô cùng ngao ngán, thất vọng. Giá như trong lúc dầu sôi lửa bỏng ấy có mặt người cảnh sát du lịch…
Từ lâu rồi, hình ảnh người cảnh sát du lịch đã trở thành quen thuộc với du khách Việt Nam có dịp tham quan các nước Malaysia, Campuchia, Thái Lan… Họ là lực lượng an ninh du lịch, nắm vững luật quốc tế, luật quốc gia về “ngành công nghiệp không khói”, am hiểu tổng quát về văn hóa, tôn giáo, phong tục tập quán các nước, có trình độ ngoại ngữ đủ để giao tiếp và luôn biểu lộ đức tính hòa nhã, hiếu khách.
Cảnh sát du lịch cơ động hoặc đóng chốt tùy thuộc vào quy mô tuyến điểm, mật độ du khách đi lại. Họ được quyền giám sát và kiểm tra những biểu hiện sai phạm nơi các hãng lữ hành, nhà hàng, khách sạn, di tích, thắng cảnh, điểm vui chơi giải trí... Với du khách, họ được xem là cứu tinh, đặc biệt là với du khách nước ngoài gặp tình huống bất trắc ở đất lạ quê người lại bất đồng ngôn ngữ. Lúc khách có yêu cầu giúp đỡ, dù bề bộn công việc đến đâu họ cũng phải tận tình, dành thời gian giới thiệu, chỉ đường cho khách đến các công trình văn hóa, tín ngưỡng, công cộng... Họ nhiệt tình cởi mở nhưng cũng không quên nhắc nhở du khách tôn trọng và thực hiện những qui định bảo vệ di sản, thắng cảnh, môi trường sinh thái, sinh hoạt nếp sống văn minh theo luật du lịch. Với khách vi phạm luật lệ, tùy mức độ có thể cảnh sát du lịch sẽ nhắc nhở, cảnh cáo, phạt tiền hay truy tố khách ra tòa, thậm chí trục xuất khỏi nước sở tại khi sự việc xảy ra quá trầm trọng.
Hôm viếng thăm quần thể Angkor Wat, tôi tách đoàn tranh thủ mua vài món quà lưu niệm. Mải mê chọn hàng, khi đi vào đền, tôi hoàn toàn bị lạc giữa những đoàn khách xa lạ. Đang lúc lúng túng, bỗng nhiên xuất hiện một viên cảnh sát và chỉ sau vài câu trao đổi ông đã giúp tôi tìm ra bạn cùng đoàn ở trên ngôi tháp chính chỉ trong chốc lát. Khi hỏi bằng cách nào mà ông có thể nhanh chóng biết được đoàn khách của chúng tôi đang ở đâu, tôi mới biết ông chính là cảnh sát du lịch nên về nghiệp vụ phải lưu ý đặc điểm, quốc tịch những đoàn khách tham quan di tích hầu giúp đỡ ngay khi du khách gặp bất trắc.
Lần đầu tiên chân ướt chân ráo đến Bangkok, chúng tôi lỡ sa đà trong cảnh sầm uất, náo nhiệt của chợ đêm Patpong. Khi trở về đã quá nửa đêm. Mắt nhắm mắt mở nên đi nhằm xe taxi không có đồng hồ tính tiền. Đến nơi, tài xế yêu cầu phải trả 30 USD. Tiếc tiền bị lừa cộng với thái độ bất nhã của tài xế, buộc lòng chúng tôi nhờ khách sạn báo cho cơ quan an ninh. Mười phút sau, cảnh sát đã có mặt, thêm mười phút nắm diễn biến sự việc, cuối cùng kết luận: “Các bạn chỉ cần trả 1/ 5 số tiền”, còn gã tài xế phải lên xe về “bót” xử lý tiếp.
Lần khác ở đảo San hô, thành phố biển Pattaya. Canô chở đoàn khách Singapore vừa cập bờ, cảnh sát du lịch có mặt ở đó phát hiện hướng dẫn viên không đeo thẻ hành nghề nên yêu cầu được xem giấy tờ. Khi nắm chắc hướng dẫn viên không thể chứng minh hoạt động hợp pháp của minh, họ cương quyết lập biên bản, phạt tiền vi phạm qui chế hướng dẫn và tiếp tục yêu cầu phải  chi thêm phí thuê hướng dẫn viên tại đảo nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng.
Tại khu vực chùa Vàng và Đại cung hoàng gia vốn rất thiêng liêng trong đời sồng sống tinh thần người Thái Lan, theo qui định tất cả du khách viếng thăm hai di tích này phải trang phục chỉnh tề, thái độ đúng đắn. Những ai mặc quần soọc, áo sát nách, mang dép đều bị chặn lại với lời đề nghị nhẹ nhàng “Hoặc trở về khách sạn thay đổi trang phục, hoặc đến cửa hàng dịch vụ gần cổng thuê quần áo, giày da thay thế cho đúng qui định”. Dù tốn thêm chi phí, song trăm người như một gặp cảnh này đều tỏ lòng thán phục cách xử lý có tình có lý, giúp cho khách giải quyết khó khăn nhanh chóng bằng dịch vụ tại chỗ.
Ngành du lịch nước ta sau nhiều năm nỗ lực đã đạt nhiều thành tích đáng kể nhưng vẫn tồn tại nhiều tệ nạn làm kềm hãm bước phát triển bền vững. Bên cạnh những hiện tượng kinh doanh chụp giât, không giấy phép, trốn thuế, phá rối thị trường giá cả, những việc làm cẩu thả vô trách nhiệm của một số hướng dẫn viên hoạt động “chui” đã tác động xấu đến chất lượng sản phẩm du lịch, nay lại thêm các hãng lữ hành và hướng dẫn viên nước ngoài ngang nhiên hoạt động tại các tuyến điểm du lịch khiến tình hình ngày càng trầm trọng hơn. Hằng ngày, nạn trộm cướp, ăn xin, o ép du khách xảy ra nhan nhản. 
Những năm gần  đây, Sở Du lịch TP.HCM cùng với các đơn vị có trách nhiệm đã thành lập lực lượng bảo vệ du khách nhằm giúp đỡ, hỗ trợ du khách trong và ngoài nước, thường xuyên tuần tra phát hiện, bắt giữ kẻ xấu có hành vi côn đồ, cướp giật, móc túi... đồng thời ngăn chận những người ăn xin, bán hàng rong đeo bám, làm phiền du khách. Tuy nhiên chức năng của lực lượng này chủ yếu là phối hợp liên ngành để bảo vệ du khách chứ chưa được mở rộng quyền hạn, cho phép xử lý những hiện tượng tiêu cực ngay trong hoạt động kinh doanh du lịch như một số trường hợp đã đề cập ở trên, chưa kể trình độ ngoại ngữ, kiến thức về du lịch của các thành viên còn giới hạn
Để bảo vệ giá trị bền vững của ngành du lịch, đã đến lúc chúng ta cần có lực lượng cảnh sát du lịch chuyên nghiệp như ở nhiều nước bạn đã làm.  
===========================
Tinh tú trên hồ 
Nằm trong vùng bán sơn địa Nam Châu cách thành phố Bắc Hải, tỉnh Quảng Tây 48 km về hướng tây, Tinh Đảo hồ có được diện mạo tuyệt đẹp như ngày nay trước tiên nhờ ngành du lịch đầu tư xây dựng trong năm năm - bắt đầu từ năm 1959 - để biến một khu đầm lầy thành hồ nước ngọt với dung lượng 700 triệu m3 và có độ sâu từ 28 - 35 m.
Chen chúc trên diện tích mặt nước khoảng 70 km2 là 1.026 đảo lớn nhỏ, được phủ kín bởi những cánh rừng thông bốn mùa xanh tươi. Hàng ngày, dưới ánh nắng dịu dàng của buổi ban mai, các hòn đảo lấp lánh tựa hàng ngàn tinh tú trên mặt hồ nên thắng cảnh này được mệnh danh Tinh Đảo hồ (hồ có các đảo như tinh tú trên mặt nước).
 Bước phát triển kế tiếp của Tinh Đảo hồ diễn ra khá lâu sau đó: năm 1993, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc thực hiện bộ phim truyền hình dài 43 tập tái hiện pho tiểu thuyết kinh điển Thủy hử. Nhằm tìm kiếm nơi dựng ngoại cảnh thích hợp cho bộ phim, đích thân đạo diễn Trương Thiệu Lâm, tổng giám đốc Nhậm Đại Huệ và chủ nhiệm sản xuất Trương Kỷ Trung đi khắp đất nước Trung Quốc khảo sát. Khi dừng chân tại Tinh Đảo Hồ, đoàn làm phim phải thốt lên rằng: Đây đúng là nơi lý tưởng để dựng Thủy trại, giang sơn của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc.
 Với mục đích tái tạo sống động những kiến trúc mang dấu ấn thời đại Bắc Tống hơn 700 năm về trước, đoàn làm phim phải cất công tìm đến thành phố Tây An mời thiết kế sư Tiền Viễn Tuyễn, chuyên gia hàng đầu về thiết kế công trình kiến trúc cổ làm cố vấn, đồng thời đầu tư hàng chục triệu nhân dân tệ xây dựng phim trường Thủy hử thành.
Thủy trại Lương Sơn 
Nằm chếch về hướng đông Tinh Đảo hồ, đúng y như trong tiểu thuyết, địa thế của Thủy trại Lương Sơn dựa vào sông rạch chằng chịt, đồi núi lô nhô, rừng già rậm rạp… Tuy nhiên vị trí xung yếu là những cửa ải trên luồng rạch, càng vào sâu đường thủy càng bị hẹp dần, hai bên bờ dày đặc loài thông cổ thụ kết thành chiến lũy vững chắc, thỉnh thoảng sau mỗi khúc rẽ lại xuất hiện tháp canh, vọng gác, cờ trận phấp phới, thể hiện khí thế dũng mãnh của hào kiệt Lương Sơn thuở nào.
Lướt qua ba cửa ải, du thuyền đưa chúng tôi đến cửa Thủy trại, đây chính là ngoại cảnh dàn dựng đoạn phim Báo tử đầu Lâm Xung lỡ vận lên Lương Sơn và chủ trại Tống Giang tiễn đưa Túc thái úy.
Vượt nhiều bậc thang đá, chúng tôi bắt đầu vào con đường độc đạo dẫn lên đỉnh núi. Từ đây phóng tầm mắt nhìn bốn hướng, toàn cảnh Tinh Đảo hồ hiện ra đẹp đến mê hoặc khiến bao nỗi mệt nhọc vì dốc cao đường xa trong phút chốc bỗng biến đi. Rồi thật bất ngờ: chắn ngang tầm mắt chúng tôi là bước tường thành đồ sộ trên bề mặt với hai cánh cửa kiên cố được đóng 108 cây đinh lớn bằng đồng. Bước qua cửa thành, không gian mở ra một khoảng sân rộng dùng làm giáo trường luyện võ, chung quanh trưng bày những binh khí từng được các các tài tử nhập vai anh hùng Lương Sơn sử dụng trong phim. Giữa sân, sừng sững cột cờ cao vút, với lá cờ vàng khổ lớn, đề dòng chữ “Thế thiên hành đạo”.
Chiếm vị trí trung tâm trong thành Tụ Nghĩa là tòa Trung Nghĩa đường bề thế, nơi là bối cảnh của những thước phim thể hiện sự hội tụ, kết nghĩa huynh đệ, thương nghị giữa các hảo hớn và cũng là nơi diễn ra quá trình từ khi các nghĩa sĩ bắt đầu dựng nghiệp cho đến lúc Lương Sơn Bạc suy tàn, thể hiện qua hình ảnh quân sư Ngô Dụng treo cổ tuẫn tiết. Không lâu sau khi bộ phim được phát sóng, ở Trung Nghĩa Đường đã hình thành một khu lưu niệm trưng bày 108 tượng hảo hán trong đủ các tư thế: cưỡi ngựa, bay nhảy, đi quyền, múa binh khí… Mỗi tượng đều có lai lịch, sự tích, chiến công như những tượng đài anh hùng có thật trong lịch sử.
Rời khỏi sơn trại, thông thường khách du lịch hay men theo đường núi ngoạn cảnh Dung Kim môn - ngôi thành chắn ngang con rạch lớn về phía tây, hoặc nếu muốn chiêm ngưỡng trọn vẹn sự hùng vĩ của công trình, có thể dong thuyền ngược ra giữa hồ rồi tiến dần vào cửa thành. So sánh với nhiều thành quách được dàn dựng trên Tinh Đảo hồ, thì quy mô, tầm vóc Dung Kim môn có phần khiêm tốn hơn nhưng đây là đại cảnh hoành tráng nhất của phim Thủy hử. Người từng xem Thủy hử chắc không thể nào quên cái chết bi thảm ngay trên cửa thành của đầu lĩnh Trương Thuận vì đường tên mũi đạn, dẫn đến trận công thành bằng chiến thuật “tiền pháo, hậu xung” của anh em Lương Sơn nhằm tiêu diệt lực lượng phản loạn do Phương Mạo cầm đầu.
Khi đã đặt chân tới đây, chẳng mấy ai để lỡ cơ hội đi dạo trên mặt thành, vừa tìm hiểu tận mắt cảnh trí phim trường vừa tưởng tượng lại những biến cố bi hùng đã từng xảy ra trong tác phẩm. Thấp thoáng phía sau Dung Kim môn là dòng sông xanh biếc với phố xá san sát bên bờ, đó là Tô Hàng thủy lộ với bến thuyền, tửu lầu, trang viện, nha môn... Xa hơn nữa, nổi bật trên bầu trời xanh là ngôi tháp cao vời vợi nằm kề bên những tòa ngang dãy dọc của đền, miếu, chùa chiền. Nơi đây là cảnh quay hai trường đoạn lớn của bộ phim.
Theo ông Vũ Văn Bình, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ: “Ngao du thăm thú Thủy hử thành trong Tinh Đảo hồ chỉ một ngày quả là “cưỡi ngựa xem hoa”, đó là chưa nói nếu du khách chưa từng đọc Thủy hử  e rằng khó lòng cảm nhận được hết vẻ hoành tráng cũng như những cảm xúc mà thắng cảnh Tinh Đảo hồ mang lại”. Tinh Đảo hồ đóng góp rất nhiều ngoại cảnh tuyệt vời cho phim Thủy hử - ngược lại, nhờ vào bộ phim lừng danh này, Tinh Đảo hồ trở thành khu du lịch nổi tiếng không chỉ của tỉnh Quảng Tây mà cả với đất nước Trung Quốc  

TRẦN THẾ DŨNG ( TuoiTre )

P01: Lời giới thiệu - Hành trình đến cùng trời cuối đất

Tôi biết Trần Thế Dũng từ lâu bởi anh là người có tên tuổi và dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực lữ hành và hướng dẫn du lịch. Nhưng đến khi cầm tập bản thảo Hành trình đến cùng trời cuối đất của anh tôi mới ngỡ ngàng như nhìn thấy một Trần Thế Dũng mới, Trần Thế Dũng - nhà báo - nhà văn.
Tập bản thảo là tập hợp các bài viết về các chuyến đi khảo sát, thám hiểm, các ghi chép và tâm sự của anh về nghề nghiệp, về đất nước và con người Việt Nam. Tôi đã đọc một mạch bản thảo, không thể dứt ra được vì bị lôi cuốn bởi những khát vọng khám phá cháy bỏng và những vùng đất và con người mới, bởi tình yêu tha thiết với ngành du lịch, với nghề hướng dẫn của anh.
Là người phụ trách công tác lữ hành và hướng dẫn du lịch, tôi cũng đã đặt chân đến tất cả các tỉnh của cả nước, đã cùng các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đi khảo sát hàng trăm điểm du lịch trong và ngoài nước; nhưng khi đọc Hành trình đến cùng trời cuối đất tôi mới ngộ ra là còn nhiều vùng đất mình chưa đặt chân tới, còn nhiều cái hay, cái đẹp của nhiều dân tộc anh em mà mình chưa được chiêm ngưỡng và thưởng thức, và có lẽ cả những cảm xúc về những thiên nhiên bao la, hùng vĩ của đất nước còn chưa đủ độ sâu để tuôn trào trên ngòi bút như Trần Thế Dũng.
Tôi thật sự xúc động và cảm phục khi đọc đoạn leo núi Phanxipăng trong cơn giông bão của anh, hay một đêm thức trắng để cảm thông với nỗi đau và hạnh phúc của bà mẹ rùa khi sinh ra tới 102 quả trứng. Làm nghề lữ hành là phải đi, phải khám phá để xây dựng các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn cho du khách. Nhưng đi nhiều như Dũng, khảo sát kỹ như Dũng và hòa mình với thiên nhiên và con người như Dũng thì chắc chắn không nhiều. Đọc tác phẩm của anh, tôi không chỉ trân trọng thành quả lao động của anh mà còn nhận thấy anh đã vươn tới đỉnh cao của sự đam mê nghề nghiệp, đạt tới độ hài hòa của kiến thức và kinh nghiệm hành nghề.
Với một giọng văn bình dị, chân thực, Trần Thế Dũng đã lôi cuốn người đọc đi tới cùng trời cuối đất với anh, nghe anh kể chuyện, tâm sự về ngành du lịch, về nghề lữ hành và hướng dẫn. Đọc sách của anh, chắc chắn mọi người sẽ hiểu hơn, sẽ cảm thông và chia sẻ nhiều hơn với những người hoạt động trong ngành du lịch. Mong sao trong ngành du lịch có nhiều người tâm huyết như anh, không chỉ giỏi trong nghề nghiệp mà còn có khả năng truyền cảm cho người khác bằng các bài viết, cuốn sách về du lịch.
Tôi tin tưởng rằng cuốn sách Hành trình đến cùng trời cuối đất của Trần Thế Dũng sẽ không chỉ thu hút anh em trong ngành du lịch mà còn hấp dẫn những ai say mê khám phá và yêu du lịch.
VŨ THẾ BÌNH
(Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch)
=======================================================
Đến cầu sông KWAI

 Năm 12 tuổi, tôi thường la cà các rạp chiếu bóng thường trực ở Sài Gòn, chọn xem những phim chiến tranh, đấm đá để thỏa mãn tính hiếu động của trẻ con hơn là chú ý đến nội dung, chủ đề của phim.
Trường hợp phim Cầu sông Kwai có phần ngoại lệ, vì khi rời khỏi rạp trong lòng đứa trẻ là tôi nặng trĩu nỗi buồn khi nhớ đến viên chỉ huy tù binh đã xả thân nhằm ngăn chận cảm tử quân đánh mìn phá hủy công trình cầu sông Kwai, kết quả lao động gian khổ của hàng chục nghìn tù binh Đồng minh đang chịu sự giam cầm của quân phát xít Nhật.
Cái ấn  tượng đó đã đọng lại trong ký ức của chúng tôi suốt 40  năm, để ngày hôm nay khi có cơ hội thì cuộc hành trình đến với chiếc cầu huyền thoại đó đã được thực hiện.
Thực ra, chuyến đi nằm ngoài dự kiến, bởi tôi hoàn toàn không ngờ cầu sông Kwai nằm rất gần  thủ đô Bangkok của Thái Lan, giao thông đường bộ lại khá thuận lợi. Và điều kỳ diệu ấy đã xảy ra  khi tôi ngẫu nhiên mua được một cuốn guide book tại phố du lịch balô  Khao Sang.  
 Khởi hành từ bến xe miền nam Bangkok, xe vượt qua chặng đường dài 128 km đến tỉnh Kanchanaburi, sau đó tôi tiếp tục đi honda ôm vào cầu sông Kwai cách trung tâm tỉnh 3km. Thay cho hình ảnh cánh rừng già hoang dã như đã thấy trong phim, bây giờ ở khu vực chiếc cầu nổi tiếng là các văn phòng du lịch, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng đá quí ồn ào. Tuy nhiên nỗi thất vọng ấy chỉ thoáng qua: ngay sau đó, đập vào mắt tôi là hai chiếc đầu xe lửa thời Thế chiến II được trưng bày ngoài trời tại khu vực trung tâm; và kia rồi - chiếc cầu bằng sắt đen mốc, lồ lộ dưới ánh nắng gay gắt. Ngoài ra, người ta còn xếp đặt thêm ở đầu cầu hai trái bom rỗng ruột, cắm đầu xuống đất như muốn nhắc lại di tích này từng bị bom đạn hủy diệt. 
Cầu sông Kwai hay còn được gọi là “cầu đường ray tử thần”, hoàn toàn bình thường như những chiếc cầu cổ kính khác, cũng kết cấu nhịp vòng cung, cũng hành lang bảo vệ nằm trên những ụ ximăng kiên cố. Giữa cầu, hai đường ray xe lửa chạy suốt chiều dài nối liền hai bờ đông - tây sông Khwae (cách viết khác của Kwai), một nhánh của sông lớn Maeklong. Khác với nét bình yên, lãng mạn cố hữu của dòng sông, chiếc cầu lại có số phận đáng kinh ngạc đối với người quan tâm đến lịch sử chiến tranh.
Đầu tiên, tháng 5 -1943, quân đội xâm lược Nhật trong lúc chiếm đóng Thái Lan đã hoàn thành chiếc cầu bằng gỗ để vận chuyển khí tài qua sông Khwae. Cầu chưa được sử dụng bao lâu đã bị đánh mìn sụp đổ. Sau đó một chiếc cầu thứ hai được gấp rút thi công, lần này chất liệu chính là sắt thép mang từ Java sang, biện pháp bảo vệ cẩn mật cũng được tăng cường. Mặc dù kế hoạch bảo vệ rất nghiêm ngặt, cuối cùng cầu vẫn bị máy bay Đồng minh đánh bom vào năm 1945 sau 20 tháng đưa vào hoạt động. Năm đó, chiếc cầu thứ ba được xây dựng và duy trì cho đến ngày nay.
Chiến lược xâm lăng Myanmar và một số nước châu Á của quân Nhật một phần được thể hiện qua hệ thống đường xe lửa dài 415 km nối Thái Lan với Myanmar, trong đó có đến 2/3 tuyến đường này xuyên qua đất Thái Lan. Tuy cầu sông Kwai chỉ là một phần nhỏ nhưng lại là mắt xích cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn của chiến lược này. Theo dự tính ban đầu, để hoàn thành cầu phải mất 5 năm. Để thực hiện tham vọng bành trướng, quân Nhật đã sử dụng tù binh chiến tranh và lao động bản địa tiến hành xây dựng tuyến đường sắt trong 16 tháng, bắt đầu từ ngày 16-9-1942. Làm việc trong điều kiện khắc nghiệt cộng với địa thế khó khăn, lúc luồn sâu vào lòng núi, lúc phải vượt qua sườn núi tử thần đã khiến bao người phải phơi xương nơi núi non heo hút. Chưa có một tư liệu nào công bố chính xác số tù binh đã chết vì công trình này, dù vậy người ta cũng ước tính có đến 90.000 - 100.000 tù binh lao công đã chết trong các trại tập trung ở Thái Lan và các nước Myanmar, Malaysia, Indonesia.
Nói đến cái chết không thể không nhắc đến nghĩa trang Đồng minh, nơi an táng những tù binh đã chết trong khi bị phát xít Nhật giam cầm hồi Thế chiến II. Có hai nghĩa trang còn tồn tại đến ngày nay, một ở phía bắc của cầu và một ở phía tây hạ nguồn dòng sông Khwae. Cả hai nghĩa trang đều được chăm sóc cẩn thận, với những thảm cỏ xanh và vườn hoa tươi tốt quanh những ngôi mộ mà bia ghi rõ tên tuổi, huy chương của những người lính Hà Lan, Anh, Pháp, Úc…
Hàng năm, vào tuần đầu tiên tháng 12, tất cả còi tàu lửa hợp cùng với các âm thanh bom rơi, đạn nổ được phát lên và những ánh đèn đêm, những ngọn lửa lớn được đốt lên để tưởng nhớ những người lính quân đội Đồng minh đã hi sinh trong cuộc tấn công vào đường ray tử thần năm 1945. Trong khung cảnh hoành tráng của ánh sáng và âm thanh ấy, có cả những tiếng khóc nức nở của các ông già, bà lão từng là chứng nhân lịch sử của cây cầu.
Hơn 60 năm trôi qua, toàn bộ di tích chiến tranh xưa kia nay chỉ còn sót lại một phần nhỏ gồm nhà ga, hai đầu xe lửa, chiếc cầu sông Kwai và đoạn đường ray dài 37km đến Nam Tok, nhưng nó vẫn đủ sức lôi cuốn những dòng người đến từ mọi nơi để chiêm ngưỡng, mặc niệm. Các dịch vụ xe lửa, canô trên sông đủ sức tạo ra giây phút lãng mạn cho ai đó muốn tận hưởng hết vẻ đẹp của dòng sông Kwai Yai hoặc trải nghiệm cảm giác trở về quá khứ khi đi trên những đoạn đường ray cheo leo rẻo núi. Cầu sông Kwai vẫn là chứng tích của một cuộc chiến tranh phi nghĩa suýt đưa nhân loại đến con đường hủy diệt.

TRẦN THẾ DŨNG ( TuoiTre )