Home » » P05: Về Thương Cảng xưa

P05: Về Thương Cảng xưa

Từ sáng sớm, tôi đã có mặt tại cảng Cái Rồng đón tàu  chợ để đi đảo Quan Lạn (huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh). Gọi là tàu chợ thật đúng nghĩa bởi nó chuyên chở tất tần tật từ hành khách, hàng gia dụng, điện máy, bia két, nước đá, mì gói, rau củ… cho đến hàng chục lồng heo, gà chất san sát.
Nhưng được cái là tàu khởi hành đúng giờ, xắp xếp đâu vào đấy và khách không bị hành, nhồi nhét, chặt đẹp như xe đò trên đất liền.Vả lại, nghe đâu là chuyến duy nhất khởi hành trong ngày nên tôi cũng chẳng ngần ngại trước khi bước lên thuyền, bắt đầu một cuộc “đi bụi”  đầy lý thú.
Biển êm như ru
Thủy triều đang xuống, thuyền len lỏi giữa  quần đảo Vân Hải. Những đảo đá dường như từ từ vươn cao, lộ dạng vô số hang chân sóng hình thù kỳ dị. Không gian  chung quanh tĩnh lặng, mặt biển không chút gợn sóng. Cảnh sắc thiên nhiên hùng vỹ gợi  nhớ đến thương cảng Vân Đồn vang bóng một thời.
Chọn nơi này làm thương cảng, hẳn các bậc tiền nhân đã tiên liệu rất kỹ lưỡng, vừa gần biển đông lại nằm giữa vùng kín gió với nhiều đảo đá, đảo đất đang xen. Hơn nữa, thương cảng khá xa đất liền nhằm ngăn chặn người nước ngoài dò xét tình hình chính sự, chưa kể cảng Vân Đồn xưa kia không có bến cảng giống như thương cảng Hội An ở Đàng Trong và Phố Hiến ở Đàng Ngoài sau này, mà dàn  trải  nhiều bến thuyền trên biển, suốt chiều dài hàng chục cây số từ đảo Quan Lạn đến tận đảo Ngọc Vừng.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Kỷ Tỵ, năm thứ 10 (1149). Mùa xuân, tháng hai thuyền buồm ba nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào cảng Hải Đông xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn để mua hàng hóa quý, dâng tiến sản vật địa phương”. Sau này, thương thuyền của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Trung Cận Đông cũng tìm đường đến giao thương rất nhộn nhịp.
Nếu xem trên bản đồ, hình dáng đảo Quan Lạn chẳng khác bức  trường thành vững chãi, một mặt hướng về đại dương che chắn sóng gió, còn mặt kia là bãi biển Quan Lạn, Sơn Hào, Minh Châu nối nhau xa tít tắp. Trên bản đồ là vậy nhưng khi được đứng tại bãi tắm, trông ra khơi, đón  mặt trời với sắc màu hồng cam rực rỡ đang dần dần ló dạng  sau  dãy núi đá, mới cảm nhận thiên nhiên kỳ vỹ đến dường nào.
Sản vật của đảo
Nhiều năm qua, Quan Lạn không chỉ thu hút khách du lịch bằng những bãi tắm đẹp tuyệt  mà còn nổi tiếng bởi có nhiều đặc sản như: sá sùng, hải sâm, bào ngư. Tuy nhiên hải sâm, bào ngư hầu như ngày càng khó khai thác vì hiếm, riêng sá sùng (sa trùng) hay còn gọi là sâu cát phơi khô, chế biến thành món ăn bổ dưỡng hiện vẫn còn song giá cả có lúc  lên tới  hơn 1 triệu/ kg dạng khô. Ngoài ra, rượu ngán cũng là đặc sản tăng lực độc đáo. Thoạt nhìn ngán giống con nghêu nhưng hai vỏ màu đen, hay ẩn mình dưới đầm sú vẹt hoặc đước. Thông thường sau khi bắt về, phải tách vỏ lấy gan và tiết hòa cùng rượu nếp, rồi đưa cay với món sá sùng chiên vàng ruộm thì rất ư là bắt "mồi".
Không thể không nhắc tới quần thể đình, miếu, chùa Quan Lạn nằm liền kề giữa trung tâm xã đảo. Tương truyền đình Quan Lạn được xây dựng vào thời Hậu Lê, mặt tiền hướng ra phía Tây, xa xa có ba hòn đảo đá giống như bình phong che chắn theo thế phong thủy. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật quy mô đồ sộ nhất vùng hải đảo Đông Bắc, thờ Thành hoàng Trần Khánh Dư - vị tướng lừng danh chỉ huy trận đánh Vân Đồn, Cửa Lục năm 1288 khiến quân Mông Cổ phải thua tơi tả.
Ngọc Vừng tức ngọc phát sáng, cái tên đầy ấn tượng của một hòn đảo nhỏ nằm cách đảo Quan Lạn khoảng 6 hài lý, cách cảng Cái Rồng hơn 20 hải lý và được xem là đảo xa nhất của huyện Vân Đồn. Theo bác Phạm Văn Nghi, 90 tuổi, sống lâu năm tại Ngọc Vừng, quần đảo Ngọc Vừng gồm 42 đảo lớn nhỏ và đảo Ngọc Vừng có diện tích lớn nhất. Địa hình trên đảo được bao bọc, chia cắt bởi nhiều ngọn núi cao, trong đó núi Ngọc ở ngay giữa đảo. Xưa kia nơi đây vốn  nổi tiếng nhiều ngọc trai thậm chí vào ban đêm, ánh sáng lấp lánh phát ra từ ngọc trai làm sáng rực cả một vùng.
Đảo Ngọc Vừng ít người biết đến có lẽ do xa xôi cách trở, nhờ thế mà bãi biển với bờ cát thoai thoải, rặng phi lao cổ thụ xanh mướt, những dãy núi chập chùng ôm ấp... vẫn còn hoang dã lạ thường. Bởi đảo chưa hề bị những bàn tay của người đi du lịch và làm du lịch xâm phạm.

TRẦN THẾ DŨNG ( TuoiTre )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét