Home » » P02: MAI đi nhà trẻ

P02: MAI đi nhà trẻ

Hết tết, bà chủ lại đưa Mai đi nhà trẻ. Nói chính xác hơn là Mai được về nhà của Mai. Ngôi nhà của Mai nằm ở ngoại ô, giữa mảnh đất rộng sát bờ sông, suốt ngày lộng gió. Ngôi nhà mãi mãi bền bỉ với thời gian bởi những cánh cò cổ tích chấp chới suốt ngày trên những cánh đồng xanh ngút ngàn bên kia sông.
Bạn bè ở chung nhà với Mai, ngoài họ hàng nhà Mai, còn có nhiều giống cây quí khác. Những giống cây cũng đi nhà trẻ như Mai vì các ông chủ, bà chủ không biết cách chăm sóc. Sau khi chê giá gửi Mai vào nhà trẻ năm nay đắt hơn năm trước đến hai mươi ngàn đồng, bà chủ phủi đít quần đi một nước, không thèm ngoái lại nhìn hay chào Mai dù chỉ một tiếng. Sau khi ghi tên Mai vào danh sách trở về, công việc đầu tiên của ông Tư là đứng ngắm nghía Mai. Ông làu bàu:
- Tưởng dân chơi mà không biết cách chơi, mua cây mai làm chi cho mắc rồi rước con người ta về ăn tết mà đổ đầy rượu tây và tàn thuốc vào gốc vầy nè!
Nghe ông Tư nói đúng nỗi niềm, nước mắt Mai ứa ra. Không, chút xíu nữa là Mai nấc lên thành tiếng. “Con người ta”. Đó, thấy không, ông Tư thương và quý Mai như một con người. Cả đời, Mai chỉ có mỗi ước ao: được ở lại vườn ăn tết với cha con ông Tư nhưng không bao giờ được cả. Mai nhớ rất rõ là Nam - người con trai hiếu thảo của ông Tư, cũng có một tâm niệm tương tự. Mai nghe Nam nói với cha vào những ngày giáp tết: “Ước gì chủ của Mai đừng đón nó về, cha nhỉ?”. Không đón làm sao được, khi mà Mai sung sức và đẹp rỡ ràng thế kia. Cội Mai to bằng bắp chân người lớn, nhánh Mai vươn ra khắp nơi như những bàn tay con trẻ vẫy chào. Hoa Mai xếp hàng hàng lớp lớp quyến rũ bao đàn bướm bay chập chờn. Sắc đẹp của Mai là niềm tự hào cho cả vườn hoa nhà ông Tư. Trước khi tắm táp cho Mai, mừng Mai trở về, ông Tư đã cẩn thận tỉa tót lại cành cho Mai. Mai ngẩn người ra sung sướng, bàn tay chăm sóc của ông Tư mới êm ái làm sao! Chẳng bù cho bọn trẻ ở nhà bà chủ, chúng nó táy máy đủ trò trên người Mai. Đến nỗi có lúc Mai nghĩ rằng, giá mùa xuân này mình đừng ra hoa, để được ở lại và chứng kiến thời khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới bên bến sông này, vâng, chỉ một lần thôi...
Dù thế nào đi nữa thì Mai cũng vẫn ngẩn ngơ như một người lạ khi mới về vườn. Không khí và cuộc sống ba ngày tết ở nhà bà chủ giàu có và sang trọng quả có lúc đã quá sức chịu đựng của Mai. Mai sống khoáng đạt với trời đất, cây cỏ quen rồi. Cả cha con ông Tư cũng thế. Họ sống giản dị và thân tình làm sao. Vì thế, dù đã trở về nơi chốn cũ, Mai vẫn cứ mơ mơ màng màng. Có lúc Mai còn nghe loáng thoáng tiếng ông Tư:
- Sao vậy con, gió về kìa, lao xao lên mà reo vui đi chứ!
Cô Mai chiếu thủy bên cạnh nhìn Mai lạ lẫm:
- Con bé này như không còn sinh lực ấy!
Anh Khế tây cười ý nhị:
- Nhớ ai rồi phải không?
Không nhớ ai cả. Mai lắc đầu cười nhẹ. Như đùa với Mai, bác Gió chu môi thổi ào ào. Mai co ro người lại, sởn cả gai ốc. Kỳ lạ thật đấy, chuyện sởn gai ốc chỉ có gần đây khi Mai phải đứng làm dáng trong phòng khách nhà bà chủ. Phòng khách lúc nào cũng có chiếc máy lạnh chạy hết công suất. Cho đến khi về với bác Gió mà Mai vẫn sởn gai ốc, sao kỳ vậy. Chẳng bù cho trước kia, bão táp phong ba đến cỡ nào, Mai vẫn oằn người kiên cường chống chọi. Nếu biết điều này, Nam sẽ bảo, đó là hiện tượng kháng gió, cũng giống như là hiện tượng kháng thuốc vậy, gió không còn tác dụng làm Mai mát mẻ, yêu đời như ngày nào. Vâng, được chứng kiến bao nhiêu là hỷ-nộ-ái-ố trong nhà bà chủ ba ngày tết, Mai thấy mình đã được nâng lên tầm cảm nhận của một con người. Mai ghét bà chủ quí trọng người giàu, khinh khi người nghèo. Mai bực mình ông chủ bạc nhược không dám quyết điều gì, thương người con dâu giỏi giang, thông cảm với mối tình của anh con trai và cô gái giúp việc trong nhà...
- Anh hãy nói đi, dù thế nào thì anh vẫn yêu em chứ?
Cô gái muốn nghe một lời khẳng định lại tình yêu của anh con trai bà chủ. Sau tết cô sẽ trở về quê chăm sóc mẹ già bị bệnh, không biết đến bao giờ họ mới được gặp nhau. Họ đẹp đôi và dễ thương là thế nhưng không được phép yêu nhau chỉ vì môn đăng hộ đối.
- Mẹ nói đi, cô ấy có tội tình gì mà không được yêu con?
- Nghèo, tội nghèo, mày biết chưa?
- Nghèo không phải là cái tội!
- Nhưng với mẹ mày thì đó là cái tội, hiểu chưa?
- Con không cần hiểu!
Anh con trai bóp vỡ ly nước thủy tinh đang cầm, lòng bàn tay anh tóe máu. Bà mẹ la lên chói lói, lại chỉ vẫn là cô gái giúp việc xuất hiện. Cô nắm lấy bàn tay người yêu để gỡ bỏ những mảnh thủy tinh và băng bó cho anh. Chắc là lòng cô đau lắm, bởi đã có một, hai, ba... giọt nước mắt ấm nồng của cô rớt trên lá Mai. Cuối cùng thì những mảnh vỡ li ti của chiếc ly cũng được tống khứ vào chậu Mai. Mai nghe chân mình đau và rát để cảm nhận được đến tận cùng nỗi đau vì không được yêu toại nguyện của chàng trai. Buổi chiều ba mươi tết ấy họ đã đưa nhau đi đâu. Để đến khi quay về, không có cô gái giúp việc, mà chỉ có chàng trai say mèm. Bà chủ vừa lau mặt cho con trai vừa làu bàu: “Yêu chi mà ngang trái”. Làm sao mà ngang trái được. Mai từng nghe ông Tư nói, mọi sự ngang trái trên đời này không bắt buộc phải phụ thuộc vào sức mạnh vạn lực của đồng tiền. Vấn đề quan trọng là con người cảm nhận và giải quyết được sự ngang trái ấy như thế nào. Nhưng Mai vẫn thương nhất người em gái nghèo của ông chủ. Bà ấy đến chúc tết anh mình vào sáng ngày mồng một. Người ta đã đối xử với bà một cách thậm tệ. Thậm chí còn không thèm mời bà ngồi ghế. Khi không được mọi người quan tâm, bà đã ân cần tưới cho Mai mấy ly nước mát. Mai biết ơn bà vô cùng. Nhờ thế mà đã tống khứ được cái mùi khai nồng khó chịu toát ra từ nước tiểu của thằng nhóc ba tuổi trong nhà.
Dù được đứng ở chỗ trang trọng nhất phòng khách nhưng lòng Mai vẫn không vui. Trong ngôi nhà sang trọng này, mọi người đối xử với nhau như thế nào ấy. Người dữ quyết định mọi điều, người hiền không có quyền lên tiếng. Không ai muốn nói thật những điều mình đang nghĩ. Chàng trai bị cấm yêu sau đó không thèm nói một tiếng với bất cứ ai trong nhà. Cô gái giúp việc bỏ về quê, người con dâu chịu thương chịu khó cứ lầm lũi lau dọn nhà cửa thay cô. Cùng ngồi tiếp khách với bà chủ trong vòm ghế xôpha rộng thênh thang, ông chủ cứ loay hoay như một con cánh cam rơi vào mạng nhện. Nhất cử nhất động, mỗi lời ông nói, ông cười đều phải có sự đồng ý của bà chủ. Mai biết có những lúc bà chủ thật sự cô đơn. Vì không ai muốn gần bà ta cả. Nhưng ba ông Phước Lộc Thọ đang được treo toòng teng trong góc nhà đã cười ha hả: “Có cái ác nào mà không phải trả giá đâu, đáng đời!”.
Dù đã bước sang tuổi sáu mươi nhưng bà chủ có cả một tủ quần áo to đùng và bao nhiêu đồ trang sức đắt tiền. Mai nghe cô con dâu kháo với bạn bè, rằng trước tết, bà còn đi mỹ viện dán mắt, bơm môi... Nhưng chẳng ai thấy bà đẹp cả. Mai chắc rằng, khi được cặp kè cùng ông chủ ngoài phố, bà cũng chẳng sung sướng gì khi ở vai trò thống trị. Chỉ có thằng bé lên ba, thằng cháu nội đích tôn của bà, là dám nói dám làm mọi thứ. Nó còn hồn nhiên như là cây cỏ. Nó sẵn sàng lăn ra khóc toáng lên khi bà nội nó đuổi thằng bé bán vé số biết huýt sáo như chim ra khỏi nhà. Nó đòi tìm cô gái giúp việc về bằng được vì “mẹ kể chuyện không hay bằng cô”. Nó lấy kẹo mứt trong khay phân phát thoải mái cho những đứa trẻ nghèo trong xóm. Chỉ vừa mới sáng nay, khi bà chủ gọi xe ba gác đến đưa Mai về vườn, nó đã hét lên như còi xe hơi: “Không được đưa Mai đi nhà trẻ! Không được đưa Mai đi nhà trẻ!”. Sự đáng yêu đôi khi này đã khiến Mai cảm thấy dễ chịu hơn với mùi nước tiểu của nó còn lưu lại trong chậu suốt mấy ngày qua. Dù vậy, Mai vẫn đếm từng giờ, mong cho tết qua mau. Mai sợ lắm rồi hơi rượu, khói thuốc và tiếng nhạc xập xình đinh tai nhức óc. Mai nhớ lắm rồi mùi gió thoảng ngọt ngào đưa lên từ sông, nhớ bàn tay Nam mân mê từng cành lá của Mai, nhớ ánh mắt Nam ngời sáng khi Mai trút hết lá trên người để ra những chiếc nụ đầu tiên trong mùa...
Nhưng đến khi ông xe ba gác khom lưng, nhấn chân đạp những vòng quay đưa Mai về vườn, Mai bỗng thấy lòng không yên. Dù phải về quê để chăm sóc mẹ nhưng cô gái giúp việc phải một lần gặp lại để từ giã và hứa hẹn điều gì đó với chàng trai chứ. Lòng chàng đang héo rũ ra như một tàu lá úa. Thưa Chúa Xuân, bà phải làm sao cho cô ấy quay về để mang lại nhựa sống cho chàng trai, để cho đất trời này hòa quyện lại thành một, để cho những người yêu nhau được tha hồ yêu nhau. Mai cũng không thấy người em nghèo khổ, tội nghiệp của ông chủ quay lại để Mai cảm ơn bà một tiếng. Ngoại trừ bà ra, không ai nhớ cho Mai một giọt nước nào trong ba ngày tết. Nói như ông Tư, đó là ơn cứu sinh, phải nhớ đời đời. Kể cả thằng bé ba tuổi. Vâng, Mai cũng chỉ mong nó tốt hoài, hồn nhiên hoài như thế.
Tiếng hót của chú chim chìa vôi trên cành cao làm Mai tỉnh hẳn. Đó là những thanh âm lúc bỗng lúc trầm như một con thuyền phải trôi qua nhiều ghềnh thác. Sự chu du ấy mới kỳ diệu làm sao, nó như đeo đẳng theo Mai suốt cuộc đời. Nó thức tỉnh Mai mọi lẽ thiệt hơn trên đời. Có gì đâu, mọi thứ rồi sẽ qua đi, rồi sẽ giản đơn, giản đơn như chuyện ngàn hoa phải nở vào mùa xuân vậy. Mai sẽ lại được sống êm đềm bên bến sông này với cha con ông Tư cùng bao nhiêu là hoa thơm cỏ lạ đến ba trăm sáu mươi ngày. Còn năm ngày tết ở nhà bà chủ là phù phiếm, hư vô... Dù miên man như thế nhưng Mai vẫn nghe có tiếng bước chân thân quen đến gần, Mai khẽ nghiêng người chào đón, Nam đi học về. Chắc là anh sẽ vui lắm đây. Sẽ á à lên mà bảo: “Mai mới về đấy hả ba? Trông nó cũng không xơ xác mấy nhỉ. Nhưng không sao, con sẽ làm cho nó yêu đời, tốt tươi trở lại”. Rồi anh sẽ tưới cho Mai mấy thùng nước, nhặt dùm Mai mấy chiếc lá sâu. Khi ấy, Mai sẽ ngoan ngoãn đứng im cho anh chăm sóc, thậm chí nếu gió có ào qua, Mai cũng không thèm lả lơi, đưa đẩy... Nhưng mà không phải như thế, hôm nay Nam trở về trong tâm trạng không bình thường. Anh có vẻ đăm chiêu và buồn tư lự. Đôi lần, Mai cố tình vẫy lá cho Nam thấy sự trở về của mình nhưng anh cũng chẳng quan tâm. Mai buồn muốn khóc. Được một lúc, Mai nghe ông Tư bảo:
- Thế nào, hôm nay con đã đăng ký tham gia cuộc thi chứ?
Nam chần chừ một lúc rồi kéo ghế ngồi cạnh cha:
- Xin lỗi ba, con đã nghĩ kỹ rồi, năm nay con chỉ mới hai mươi tuổi, con đường phấn đấu còn dài, lúc nào muốn ra nước ngoài học hành, thi thố lại chẳng được...
Ông Tư gằn giọng:
- Vậy là con vẫn giữ ý định của mình...
- Năm nay ba gần bảy mươi tuổi rồi, con phải có trách nhiệm với ba. Ba đã còng lưng nuôi con ăn học bao nhiêu năm nay. Cơ hội này gác lại, rồi sẽ có cơ hội khác ba à!
- Nhưng trong đợt thi tuyển này, cả khoa sinh - hóa không ai có đủ điều kiện và triển vọng bằng con. Con từ chối tham gia cuộc thi chẳng những phụ lòng ba mà còn phụ lòng các thầy các cô trong khoa nữa, biết không? Hơn nữa, nếu được ra nước ngoài học tập, con còn có học bổng. Ba ở nhà với tiền công chăm sóc vườn cây này cũng đủ đắp đổi qua ngày...
Giọng Nam nói như muốn khóc:
- Con đi rồi, mỗi chiều... làm sao ba kham nổi việc tưới hàng trăm cây cảnh trong vườn này..., làm sao ba chăm sóc chu đáo bầy chim quý của ông chủ... để rồi lại bị quở trách, la mắng... Con muốn được ở lại để đỡ đần ba. Thôi, học trong nước cũng được ba à...
- Nhưng con ơi, đó là nguyện vọng của ba, đời ba hy sinh tất cả cũng vì con...
- Không, con không thể bỏ mặc ba với tuổi già, năm năm ở nước ngoài với con lúc này thật vô cùng khủng khiếp, ba ơi, ba phải thông cảm cho con, ba còn chứng đau thấp khớp, chứng gai cột sống, rồi những khi trái gió trở trời...
Ông Tư đập mạnh tay lên bàn:
- Không nói gì hết, con phải đăng ký tham dự cuộc thi này, đời người có những cơ hội qua đi không trở lại bao giờ. Ngày mai còn kịp đăng ký không?
- Sáng mai là hạn cuối ba à! Nhưng ba phải cho con quyền được quyết định chứ! Xin lỗi ba, con đã quyết rồi.
Người con trai dứt khoát đứng lên và bỏ đi. Người cha ngồi lại một mình với đôi vai run lên. Được một chút, ông Tư cũng lảo đảo bước ra như một người say rượu. Đêm kéo màn đen nhờ nhợ, trên bầu trời lấp lánh những ánh sao. Một làn gió thoảng qua, Mai rùng mình thấy lạnh...
Được một lúc, Nam lại quay về với cô bạn gái xinh xắn học cùng lớp. Anh kéo chiếc ghế gỗ dài đến cạnh gốc Mai:
- Ly ngồi đi, Nam lấy nước uống nhé, đã bảo tối nay không cần đến mà cũng đến làm chi cho cực vậy.
Nam bước vào nhà vội vàng, Mai vươn cành mềm mại mắc vào áo Nam, nhắc cho anh biết là Mai đã trở về. Nam bước ra tần ngần với hai ly nước trong tay, Mai giả vờ làm rơi một cánh hoa khô trên vai áo anh, nhắc cho anh điều, Mai cũng biết là anh đang buồn. Nhưng anh vẫn vô tình như cơn gió thoảng qua hàng đêm, không biết, không hay và không chịu trách nhiệm về những chiếc lá rụng trong vườn đêm qua, đêm nay và mãi mãi đêm... Bù lại, cô bạn gái của anh cũng kịp nghiêng người ngắm Mai một chút, cô đưa ngón tay hồng hào bé xíu mơn man một chiếc lá non trên cành. Nam đưa cho cô một ly nước:
- Uống xong rồi mình đi nghe nhạc nhé!
Ly lắc đầu:
- Đêm nay gặp nhau, không nhạc, không cà phê gì hết!
Nam lởi xởi cố tình:
- Vậy chứ làm gì?
- Nói đến chuyện đăng ký thi học chuyên ngành ở nước ngoài của Nam.
- Có chắc được không mà thi, sao mọi người cứ hay lạc quan dùm mình vậy?
- Không chắc thì thi làm gì. Nam nói đi, vì sao bạn không đăng ký dự thi?
- Không thích thì không thi, Ly lấy quyền gì chất vấn Nam?
- Nam nói dối. Đêm nay, Ly đến đây, chờ nghe Nam nói thật.
- Mình ngại sống ở nước ngoài một thời gian dài...
- Xạo, học chung với Nam hai năm ở trường đại học, ai mà không biết khát khao của bạn, nếu được, bạn còn sẵn sàng lên nghiên cứu sao Hỏa nữa kia!
Nam im lặng, đôi vai anh chùng xuống. Ly nắm lấy tay anh:
- Còn lý do nào, Nam nói đi!
Nam ngập ngừng:
- Nhà Nam... không đủ sức...
- Ngụy biện, nếu được chọn, sẽ có học bổng dài hạn mà!
- Ly biết không, ba Nam đã già...
-Nhưng bác cũng muốn thế...
Nam kề sát mặt vào đôi kính cận của cô bạn:
- Có cần thiết phải đặt mọi thứ vào khuôn như vậy không, Ly? Người ta nói nhiều đến sao Hỏa, đã cho robot Spirit đổ bộ lên đó tìm nước để mong xác định rằng, trước kia sao Hỏa cũng đã từng có ao hồ sông suối... với bao nhiêu là khát khao được chinh phục và sống cùng sao Hỏa. Nhưng không có sao Hỏa, người ta vẫn sống khoẻ, sống tốt và ngày càng yêu Trái đất này hơn kia mà.
Ly tròn mắt cãi lại:
- Nhưng chúng ta đang nói chuyện chỉ cần bạn đi nửa vòng Trái đất thôi mà!
Nam lãng đãng:
- Có thể, đây là đề tài hay. Nếu cần, Nam sẽ bắt đầu từ kỷ đầu tiên của Trái đất, kỷ tạo thiên lập địa và kỷ tạo ra hình hài của những sắc thái tình cảm khác nhau...
Cô gái đưa tay bụm miệng chàng trai:
- Nam buồn cười quá đấy, đừng giả vờ ngây thơ vô số tội!
Chàng trai không nói nữa mà quay sang ôm hôn bạn, cô gái vùng vằng một chút rồi cũng ân cần đáp lại. Mai rùng mình nhẹ. Nụ hôn thật đúng lúc và dễ thương. Nam của Mai bao giờ cũng tinh tế như thế, nồng nàn như thế. Sau nụ hôn, Ly đã trở nên dịu dàng hơn. Họ thầm thì với nhau thật nhiều điều. Cuối cùng vẫn là chuyện thuyết phục Nam đi học ở nước ngoài. Cô bạn cam kết: khi Nam đi học nước ngoài, cô sẽ ở nhà thay anh chăm sóc cha. Nam bảo, anh sợ mọi thứ sẽ không giữ được sau năm năm dài, sợ những món nợ ân tình không có cơ hội đền đáp. Được thể, Ly bực mình gắt lên:
- Nam chẳng quyết được cái gì cả, thế có phải là đàn ông không? Ly tình nguyện giúp Nam bởi vì Ly quí Nam, chẳng phải đền đáp gì cả. Ai cũng trước sau như nhất như bạn, chắc thế giới này đã trở thành thiên đường!
Nam ngớ ra một chút rồi bật cười thành tiếng:
- Đúng vậy, thế giới này đã trở nên ngày càng thực dụng hơn trong tất cả các mối quan hệ. Nhưng Nam cứ vẫn mơ mơ màng màng như sống trong cổ tích vậy. Ly thông cảm cho Nam nhé. Nhiều lúc nghĩ về Ly, Nam cũng giật mình. Tại sao mình nghèo nàn, xấu xí như vầy mà lại quen được một quí nương diễm kiều thế kia. Ly biết không, trừ những khi học ở trường, những khi có dịp phải đi ra ngoài, trở về khu vườn này, Nam thấy mọi thứ mới dễ chịu làm sao! Đêm đêm dạo lang thang trong vườn, Nam tưởng mình chỉ cần với nhẹ tay là chạm đến những ông sao trên trời. Muôn hoa quanh mình phả hương nhẹ nhàng như nhắc nhở rằng, cuộc đời này thật vô cùng đáng sống. Tiếng sóng của dòng sông vỗ ì oạp ngoài xa kia đấy, Ly có nghe không, nó kể cho chúng ta nghe về những điều tươi đẹp của con người...
- Mơ màng quá đấy! Có khi nào Nam sẽ thay đổi một quyết định nào đó do một điều kỳ diệu nào của khu vườn thần tiên này mang lại không?
- Nghĩa là sao?
- Ví dụ như sớm mai, Nam sẽ điện cho Ly và bảo rằng, bạn đã đăng ký đi thi học chuyên ngành ở nước ngoài, chắc chắn như thế vì hoa quỳnh trong khu vườn này đã nở vào ban ngày và hoa mười giờ đã nở vào ban đêm.
- Một ý tưởng hay, cũng nên thay đổi cho thế giới này đỡ nhàm chán hơn!
- Trả lời đi chứ!
- Chắc chắn là có, Nam sẽ điện cho Ly và bảo rằng: “Em yêu, anh sẽ lên đường thực hiện tâm nguyện của cha và em. Hoa quỳnh đã nở vào ban ngày và hoa mười giờ đã nở vào ban đêm. Trật tự thế giới đã đổi thay. Mọi thứ sẽ trở nên thích nghi hơn với cuộc sống hiện tại. Tuổi tác và sức khoẻ của con người sẽ được qui định lại. Tuổi bảy mươi của cha anh bây giờ chỉ ở độ trung niên, còn anh là Phù Đổng...”.
Người bạn gái lặng đi sau tràng thao thao bất tuyệt của chàng trai. Nép vào nhau, họ lại hôn nhau nồng nàn...
Đêm. Mai không ngủ được giữa khu vườn yên ắng. Gian nhà gỗ nhỏ bé của ông Tư cũng thinh lặng. Hai cha con ông đã ngủ từ lâu. Mai thử chợp mắt đến hàng chục lần nhưng ý tưởng ấy cứ ào ạt trở về. Một sự thay đổi thế giới lạ kỳ... Mai có thể làm được điều đó không? Cô Mai chiếu thủy trở mình hụ hợ:
- Ngủ đi, đừng nghĩ ngợi vớ vẩn!
Anh Khế tây cười khùng khục:
- Thay đổi thế giới à? Viển vông, bọn trẻ yêu nhau một cách điên khùng!
Mai cáu lên, ơ hay, tôi không hề có ý định nhờ các người sẻ chia. Rồi chợt thấy mình hớ hênh, chuyện của Nam và Ly nói với nhau khi tối có cả làng cùng nghe, chứ đâu chỉ mình Mai biết, Mai hay. Đôi khi Mai vẫn chủ quan như thế. Cứ tưởng như trong khu vườn này chỉ có mình Mai, Nam nói gì, muốn gì, chỉ có mình Mai biết, Mai hay. Không phải như thế, thậm chí, cho đến trước khi đi ngủ tối nay, Nam vẫn chưa biết Mai trở về. Thế thì, tư cách gì mà Mai nỗi cáu với những người kia? Một chú xén tóc bay soạt qua, Mai nghe chú nói lầm rầm: “Thế giới diệu kỳ khiến ta phải làm bao điều nông nổi”. Cũng chỉ là một câu nói ngẫu hứng, ngu ngơ thôi, để tâm làm gì. Mai nhất quyết không thèm để tâm nữa... Nhưng bỗng cơn gió quái ác xạc xào: “Đôi khi phải là mình trước tiên...”. Đôi khi phải là mình trước tiên? Từ đầu mùa xuân đến nay, có lúc nào Mai được là mình không nhỉ? Chưa bao giờ. Rước từ nhà bà chủ về một đống phiền muộn, Mai chưa được sẻ chia cùng ai đã gặp phải chuyện rắc rối  của cha con ông Tư. Mai loay hoay như con kiến bò trong chảo nóng, bò tới bò lui, bò lên hai vành chảo, nóng chỏng chơ càng. Hai cái càng bé xíu mà tham vọng thay đổi thế giới diệu kỳ. Lũ cỏ dại trong vườn cười ha ha. Thằng đom đóm ngu ngơ phát sáng. Vầng sáng quét qua, Mai nhắm mắt kín lại. Đừng hòng. Bà Mai chiếu thủy và ông Khế tây đừng hòng biết Mai đang nghĩ gì và muốn làm gì.
Tiếng lá khô rơi lộp độp trên mái tôn khiến Mai giật mình như nghe lại tiếng ông Tư: “Cơ hội qua đi không trở lại bao giờ”. Cơ hội của cậu học trò nghèo khó, hiếu thảo như Nam sẽ qua đi... Không, không thể như thế được. Bao nhiêu năm ở cùng cha con ông Tư, Mai đã bao nhiêu lần ước mơ cùng họ. Những khi không tiền đóng học phí, Nam ước đạp chuyến xe xích lô cuối cùng trong ngày, cậu sẽ gặp một Việt kiều tốt bụng, sẵn sàng cho cậu vay một trăm “đô”. Lúc ông Tư bệnh nằm liệt giường, Nam ước tìm ra một phương thuốc thần diệu vừa chữa được bệnh cho cha, vừa làm cha trẻ lại như ba mươi năm về trước, dẫu cậu có phải bị đóng đinh trên thập tự giá. Và đã có ít nhất một lần, Nam ước cho Mai. Năm ấy trời khô hạn, Mai ốm quặt quẹo luôn, Nam ước Mai xinh tươi trở lại như thuở nào. Lời ước của Nam đã đi với những việc làm khiến Mai cảm động đến phát khóc. Đêm đêm, Nam thức dậy hứng sương trên những vòm lá đổ hết vào thân Mai. Cả những lúc Nam chong đèn trừng trị bọn côn trùng bám vào thân Mai quậy phá. Lúc ấy, đối với Mai, từng cái vuốt ve từ bàn tay chai sần, ấm áp của Nam có hiệu lực bằng mười thang thuốc bổ. Như thế đấy! Thế thì tại sao vào những lúc Nam gặp rắc rối như thế này, Mai không làm một chút gì đó đi...
Lại trở về ý tưởng ban đầu, Mai nghĩ mình có thể làm thay đổi thế giới này theo cách nghĩ của hai người bạn trẻ. Tại sao lại không nhỉ. Hoa quỳnh nở ban ngày và hoa mười giờ nở vào ban đêm. Qua hết một mùa xuân, Mai vẫn có thể làm ngược lại qui luật bằng cách tự mình cho nở bung tất cả những bông hoa một lần nữa. Có thể lắm, khi trông thấy Mai vàng rực một màu để mang mùa xuân đến lần thứ hai trong một khoảnh khắc, Nam sẽ có những tư tưởng thăng hoa. Và cậu sẽ nghe lời cha mà đi đăng ký dự thi cái gì đấy, sẽ gọi điện cho cô bạn gái của mình: “Em yêu, anh sẽ lên đường thực hiện tâm nguyện của cha và em...”. Tưởng đến đây, Mai đã thấy mình hạnh phúc biết bao. Mai đã làm được một điều gì đó thật quan trọng đối với Nam, dẫu rằng mai này, Mai sẽ trả giá đắt, tinh lực của Mai không còn nữa, không ai dám bảo rằng, Mai còn đủ sức sống sót sau lần phát tiết cuối cùng. Nếu phải chết đi vì sự hy sinh lớn lao này, Mai chỉ những ước ao một điều: Nam sẽ cắm trên mồ Mai một hoa hồng trắng với lòng tiếc thương vô hạn, lòng tiếc thương không nói được thành lời, nó sẽ thầm kín đi theo Nam suốt cuộc đời để vừa là hạnh phúc, vừa là khổ đau... Biết được ý tưởng này, cô Mai chiếu thủy lắc đầu:
- Không được, đó là một sự hy sinh không cần thiết!
Mai cúi đầu thưa:
- Nhưng thưa cô, điều kỳ diệu từ sự hy sinh của con sẽ giúp anh Nam có một quyết định quan trọng.
- Không được, không có gì quan trọng bằng sự sống.
- Con sẽ cố gắng sống lại bằng chút tinh lực cuối cùng.
Anh Khế tây góp nhặt khẽ khàng:
- Cô đừng có dại, không ai dám bảo đảm rằng cô còn đủ sức. Mùa xuân vừa qua, cô đã bị uống quá nhiều rượu tây và hít quá nhiều khói thuốc của cái nhà giàu ấy rồi. Cô suy nghĩ thật kỹ đi!
Mai nói cảm ơn. Nhưng lòng Mai đã quyết, phải làm xong mọi thứ trước khi trời sáng. Mai tập trung tất cả tinh lực để làm rụng lá, tái tạo nụ và ra hoa. Mai làm việc trong đớn đau và khổ sở. Bầu trời, mặt đất cũng thở dài. Chỉ có bóng đêm là ủng hộ Mai: “Nhanh lên, tất cả đều không đáng kể!”. Khi cánh mai cuối cùng bung ra thì Mai đã kiệt sức đến rã rời. Hai mắt Mai nhắm nghiền lại, không còn cả bóng đêm. Cô Mai chiếu thủy vội vàng truyền chút tinh lực của mình cho người bạn hàng xóm trẻ tuổi, quả cảm (nhưng anh Khế tây bảo là liều lĩnh). Chút tinh lực này chỉ đủ cho Mai không phải cặp kè với bình thở oxy như trong những phòng cấp cứu ở bệnh viện. Mặt Mai tái xanh lên, cổ họng Mai khô rát, trước mắt Mai mọi thứ đều chổng ngược lên trời. Nước mắt Mai tuôn ra ràn rụa trong nỗi đớn đau, hạnh phúc, đợi chờ... Mặt trời lên. Mai đẹp như một bà hoàng trong màu áo vàng rực rỡ, rực rỡ lạ kỳ, rực rỡ hồi sinh. Cả khu vườn reo vui với mùa xuân trở lại. Chim chóc gọi nhau bay về kín cả không gian. Bầu trời như cao hơn, xanh hơn. Dòng sông tròng trành ngây ngất, những con thuyền chào buổi sáng và lướt nhanh trên mặt sóng bình yên, phẳng lặng. Nam thức dậy và lững thững bước ra vườn. Anh đứng sững lại bên Mai, ngỡ ngàng, sung sướng. Săm soi từng cánh hoa trên mười đầu ngón tay ấm áp, anh gọi to:
- Ba ơi, Mai đã về!
Quả thật là đến sáng nay Nam mới biết Mai trở về. Nam đón Mai hồn nhiên, không nhớ gì về chuyện hoa quỳnh nở vào ban ngày và hoa mười giờ nở vào ban đêm nữa. Chỉ còn đọng lại những nụ hôn trên môi và trên mắt anh tối hôm qua. Nam đứng mãi bên cạnh Mai, ve vuốt thân Mai ân cần, thắm thiết. Hơi thở ấm áp của anh phả vào Mai nồng nàn. Người nói về ước nguyện chinh phục sao Hỏa của loài người đang thật gần gũi với Mai. Tối hôm qua, Nam còn nói thêm gì nhỉ? Anh muốn bắt đầu lại kỷ tạo ra hình hài của những sắc thái tình cảm khác nhau. Một kỷ là bao nhiêu năm, Mai chỉ nhớ là so với một kỷ, khoảng thời gian để phải đi nửa vòng trái đất nếu có của anh thật là phôi pha. Mà phôi pha thật. Nam đang ướm làn môi hồng dưới hàng ria lún phún vào một hoa mai gần nhất. Thôi, thế là chết cũng được rồi, bằng hơi sức tàn của mình Mai nghĩ như thế...
THU TRÂN ( TuoiTre )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét