Hiển thị các bài đăng có nhãn Chông chênh ngọn gió trở về. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Chông chênh ngọn gió trở về. Hiển thị tất cả bài đăng

P05: Chông chênh ngọn gió trở về

Đám tang chị Đàn chỉ có hai người khóc. Nhỏ Tâm, con gái duy nhất của chị, khóc mẹ đến không còn nước mắt. Tuổi mười tám của nó héo quắt queo sau mấy tháng trời nuôi mẹ trong bệnh viện. Hai mắt nó quầng sâu, cái nhìn của nó thăm thẳm buồn, thăm thẳm hoảng hốt trước sự hữu hạn của phận người.
Nhỏ Nga, em gái duy nhất của chị, khóc đến đỏ tấy cả hai mắt vì từ đây không còn người bầu bạn tâm sự, vì sự hối hận không cho chị mấy trăm ngàn đồng về quê trước khi chị trở bệnh nặng. Anh Vỹ chồng chị tỉnh queo, là nhân vật thuộc diện không được khóc, không có quyền khóc. Người cha già còm cõi của chị thuộc diện khóc không được. Chị Đàn mất đi, ông mất một người con, một bạn nhậu, một tri kỷ thơ. Trước khi mất, chị kịp biên tập và xuất bản cho ông một tập thơ với tựa đề “Tình trong gió lốc”. Ông già chơi sang, bỏ tiền túi in một trăm bản thôi nhưng giá cũng hơn ba triệu đồng, xấp xỉ tiền in một ngàn bản. Nghiên có hỏi chị sao không in luôn một ngàn bản ký gửi các hiệu sách, chị cười: “Dở òm, ai đọc!”. Trong đêm cuối cùng của đám tang chị, Nghiên thuộc diện khóc không được. Lúc hai chị em hay ngồi uống cà phê với nhau bên bờ sông, chị thường hỏi: “Chị chết, em khóc nhiều không?”. Nghiên nháy mắt: “Khóc làm gì, bà chết được rồi, một ngàn thứ hỷ nộ ái ố trên đời này có cái nào mà bà chưa kinh qua”. Chị gật gù vuốt tóc Nghiên: “Nói nghe được, chị thương”.
Nói vậy thôi chứ vừa bước chân vào nhà, thấy quan tài chị là hai mắt Nghiên nóng dần lên, gót giày như muốn tụt ra khỏi đế giày. Những ngày cuối ở bệnh viện, thấy Nghi bắt đầu sụt sùi, chị khoát tay bảo: “Nhảm, không được khóc, cứng lên để làm chỗ dựa cho bé Tâm”. “Chỗ dựa” cho bé Tâm bỗng thấy gai gai người với bức ảnh trước quan tài. Bức ảnh “sến” cực kỳ. Chị mặc áo tím nhìn nghiêng với đôi mắt lơ mơ (chứ không phải mơ màng) hướng về một hoa hồng xấu chưa từng thấy. Nếu được chọn, Nghiên sẽ chọn bức ảnh chị mặc chiếc áo khoác jean phóng một cái nhìn hư vô ra biển đang treo trong góc phòng kia. Nhỏ Tâm bảo, tại ai cũng nói tấm ảnh mẹ mặc áo tím đẹp. Nghiên hỏi, ba có nói vậy không. Tâm lắc đầu, chẳng có ý kiến gì, còn cô thì sao. Nghiên bảo, mẹ con bụi bờ, dấn thân, dám làm dám chịu, đâu có hợp với cái nhìn lơ mơ về phía một hoa hồng xấu xí thế kia. Thế là tuột dần cảm xúc, quên khóc. Bé Tâm đưa Nghiên vào phòng, bảo: “Cô chợp mắt một chút lấy sức, mai đưa mẹ ra nghĩa trang”. Nhìn lên tường, lại thấy ảnh chị Đàn đang cụng ly hân hoan với một chiến hữu nào đó, ừ, thế có nghĩa là ngàn thu vĩnh biệt. Có đến ba năm rồi, chị em chỉ gặp nhau ở quán cà phê, quán nhậu, bệnh viện. Hiếm có không khí thân tình như cách đây mười năm, chị em nằm với nhau trong căn phòng nhỏ bé này rủ rỉ, rù rì suốt đêm. Chiếc tủ mắc quần áo bị mất một cánh cửa vẫn chưa được lắp cánh cửa mới, dường như nó gật đầu: “Chào cô Nghiên!”. Mặt gương trang điểm của chị vẫn khuyết một hình tam giác do một lần Vỹ giận, ném mạnh chiếc lược ngà vào đó.
Với tay lên đầu giường, Nghiên lấy cuốn tạp chí Cửa Việt. Trang mục lục giới thiệu truyện ngắn “Ngọn gió trở về” của chị. Năm cuối của căn bệnh ung thư trầm kha, Đàn viết thật hăng. Cứ một tháng, chị lại điện khoe: “Nghiên ơi, có ý tưởng mới rồi, truyện hay lắm!”. Truyện hay tới cỡ nào không biết, chứ Nghiên cảnh cáo chị hoài ba cái chuyện bê nguyên xi đời tôi lên tác phẩm. Chị hồn nhiên bảo, có sao đâu, cuộc đời đâu có gì mà phải bí mật dữ vậy. Cứ trải lòng ra mà sống, để khi chết, được lên thiên đàng hay xuống địa ngục gì cũng được, chỉ sợ mỗi tội phải lơ lửng giữa thiên đàng và địa ngục. Chỉ mới đọc vài dòng của “Ngọn gió trở về”, Nghiên đã tưởng ra lần uống cà phê của hai chị em trước đó sáu tháng. Ngọn gió trở về quê miền Trung quậy lung tung xèng. Ngọn gió trở về miền Nam kể chuyện hân hoan. Ngọn gió cười rũ sau lưng áo Nghiên: “Bọn bạn cũ mê chị như mê một thiên thần, ngày chị lên tàu trở về, chúng nó buồn ngẩn ngơ”.
Trong chuyến về thăm quê lần cuối ấy, chị Đàn quậy anh Tịnh xác xơ. Anh Tịnh là người yêu của chị thuở học trung học, sau vì chị theo cha mẹ vào Nam nên hai người phải chia tay. Nhìn ra ánh chiều loang loáng trên mặt sông, môi chị dừng lại trên ngấn màu hổ phách của ly cà phê đá: “Tịnh trẻ hoài, đẹp trai, lại làm thầy giáo hiền hiền... nên vợ ghen hết biết”. Chuyến trở về quê bất ngờ của Đàn tập họp được thật nhiều bạn lớp 12 ngày xưa, mỗi lần tổ chức đi đâu, mọi người đều ưu tiên cho Tịnh chở Đàn. Một lần, để mọi người đi trước, Đàn bắt Tịnh chở Đàn loanh quanh ở rừng dừa ven biển. Đàn nép đầu vào lưng áo Tịnh: “Sao vẫn còn như cái mùi ngày xưa ấy nhỉ”. Tịnh xúc động: “Mùi gì?”. Mùi gió biển, mùi muối, mùi mồ hôi chua loét. Tịnh cười, Vỹ có mùi này không. Không, Vỹ mùi khác. Đàn với Vỹ có hạnh phúc không. Có, Vỹ cưng chiều Đàn hết biết. Có sợ xuống địa ngục không, Đàn. Nói chi khó hiểu vậy, Chúa có mặt mỗi nơi mỗi khác. Những phụ nữ yêu cùng lúc hai người đàn ông sẽ bị đày xuống địa ngục, bị moi móc hết tim gan, bị treo chổng ngược lên trời. Đàn bắt Tịnh dừng xe, bảo nhìn thẳng vào mắt chị, nói lại câu đó một lần nữa. Tịnh làm theo như cái máy, Đàn cười rinh rích: “Tịnh diễn không có hồn!”. Ngày về, Tịnh cho Đàn con chim vành khuyên, dặn nhớ chăm sóc cẩn thận, hôm nào có dịp vào Sài Gòn, Tịnh ghé qua kiểm tra.
“Ngọn gió trở về” kết thúc có hậu, người phụ nữ ấy mất đi được nhiều người thương tiếc, ngày đưa tang chị, mọi người rải đầy hoa, thắp đầy nến ở nơi khúc sông chị hay tắm ngày thơ ấu. Đoạn kết, câu chữ của chị vẫn tùy tiện, tự nhiên chủ nghĩa đến mức khó chịu như ngày nào nhưng làm Nghiên khóc như mưa, khóc tấm tức, khóc như chưa bao giờ được khóc. Nếu chị không mất, Nghiên sẽ cười cười bảo: “Truyện tàm tạm”. Còn đọc trong mùi nhang khói phảng phất giữa hai hàng nến rưng rưng cháy, Nghiên tưởng như trái đất này không còn oxy. Đó không phải là truyện ngắn của chị mà là lời cầu kinh cho một phận người. Chị đưa hai tay nắm níu thế gian này nhưng mọi thứ cứ phũ phàng, mọi thứ cứ tuồn tuột trôi. Đó là dự báo mùa màng thất bát của người nông dân khi chỉ mới nghe một làn gió hanh trên cánh đồng. Là dự báo đêm dài khi người ta đủ can đảm nhìn vào bóng tối. Cái chết ơi, chào mi! - có lúc chị bảo, phải xem cái chết là một phần tất yếu của cuộc sống... Người cha khóc không được của chị đứng ở cửa phòng: “Con xem qua cái này dùm bác một chút hè?”. Điếu văn. Anh Vỹ không nghĩ đến chuyện đọc điếu văn tiễn đưa chị. Thế thì ông già viết điếu văn từ biệt người con, người bạn, người tri kỷ. Ông già viết điếu văn cho con như viết điển tích. Suốt đêm chờ đưa ma con, mắt ông già lem nhem, mặt mũi ông già hom hem. Nghiên ôm mặt, khóc thành tiếng...
Nấm mồ mới đắp của chị Đàn cắm đầy hoa hồng. Hoa hồng đỏ, hoa hồng vàng và hoa hồng trắng. Nghiên thấy như chị cười sẽ sàng: “Thấy chưa, còn nhiều người thương chị, hiểu chị. Đám tang chị đừng xài hoa huệ, buồn chết được”. Mặt trời chỉ mới nhú một chút ở đằng đông, ngày mới còn rụt rè quanh nghĩa trang. Mọi người lục tục kéo nhau về, chỉ còn lại một mình Nghiên. Nhang khói cháy phần phật trong ngọn gió hanh hao cuối mùa. Một cánh chim lẻ bạn chao chát ở trên cao. Trong mắt Nghiên, dường như chị Đàn đang cười bảo: “Chờ ai nữa, về đi!”. Em chờ dùm chị. Một kỵ sĩ bay qua thời gian, trong tay cầm một hoa hồng trắng, khựng lại một chút ở cửa nghĩa trang, rồi bước chầm chậm về phía mộ chị... Chỉ cần như thế thôi, Nghiên hỉ. Thế cũng đủ cho tình yêu một đời. Chị tin là Kha sẽ làm thế, Kha yêu chị nồng nàn, em biết không. Bây giờ Kha ở đâu, người đàn ông của chị? Chắc hẳn lòng tin của chị cũng dạt dào, không lên thiên đường mà cũng chẳng xuống địa ngục, bay lơ lửng chín tầng mây, chờ Kha. Nghiên vẫn thường bảo, Kha chẳng hay ho gì, chị quên ổng đi. Mặt chị đỏ gay giữa nắng tháng năm: “Làm ơn mà, phone cho Kha dùm chị đi, một chút thôi rồi về mới yên”. Kha cho chị mười phút ở một xe nước mía ven đường. Chị háo hức với tâm trạng của người được hẹn. Kha thấp tha thấp thỏm với tâm trạng ăn vụng một miếng giữa làng, ít nhất là với Nghiên, cô bạn nhỏ đáo để của Đàn, nhìn ai nhìn thấu hết tâm cang. Hai người ngồi dưới tấm che bằng chiếc áo mưa rách, kêu hai ly nước mía, không ai hớp một giọt nào mà má chị đỏ hồng, mắt chị long lanh hạnh phúc. Hai người nói cái gì không biết mà lúc Nghiên chở chị ra bến xe, chị cười hát líu lo. Già còn nông nổi. Chị áp má vào lưng áo ướt đẫm mồ hôi của Nghiên: “Nghiên ơi, Nghiên à, chừng nào Nghiên yêu nhiều như chị rồi biết”.
Bực bội mà nói vậy thôi, chứ đêm về, nằm gác tay lên trán, Nghiên nghĩ chị Đàn cũng đâu có khùng mà đi yêu điên cuồng một con người có cũng như không. Thuở hàn vi, chưa có gì để mất, Kha cũng có nhiều nghĩa cử để Đàn lũy thừa đến một tỉ lần hạnh phúc được yêu của mình. Một chiều mưa, nổi hứng bất tử, Kha phóng xe gần trăm cây số về rủ Đàn đi uống cà phê. Hát dở mà Kha dám làm riêng một album tặng Đàn nhân sinh nhật lần thứ ba mươi bảy của nàng. Đang đêm, Đàn kêu thèm ăn nem nướng, Kha xách xe đi mười lăm cây số mua nem chính hiệu mang về cho nàng... Sau này bỗng dưng Kha bội thu, tiền tài - danh vọng - địa vị, tất cả như ở trên trời rớt xuống, thế là Kha sợ mất đủ thứ, nhất là mất vợ, bởi nếu vợ không còn là của Kha thì vợ sẽ không cho Kha còn cái gì cả. Nhiều năm sau đó, năm năm, mười năm, chị Đàn vẫn lẩn quẩn với bóng dáng tình yêu của quá khứ. Ngày chị bệnh nặng nằm viện, Kha cũng không đến thăm. Chị nhìn Nghiên cười tồi tội: “Không sao, dạo này Kha bận lắm”. Rồi nói thêm: “Chỉ cần ngày chị mất đi, Kha sẽ đứng trước mồ chị với một hoa hồng trắng trong tay”. Kha mất hút trong đám tang chị. Có bao nhiêu người đàn ông gặp Nghiên trong đám tang chị rồi vội vã thắp nhang, vội vã “chuồn”? Nhiều lắm. Họ vội vã như thế vì họ “ngán” Nghiên, họ biết Nghiên không thích đùa, mà họ lại đùa nhiều quá với chị Đàn. Những Quang, Phú, Hải, Hòa... Những thần tượng có chút ít tiền, biết làm thơ - viết văn chút chút, cứ hát trầm trầm bên tai chị: “Không có em như không có mặt trời, không có lời ký thác của tình yêu...”. Chị tưởng thật hết và hát và hôn. Một phút thăng hoa cho cuộc sống thêm phần thi vị rồi ai về nhà nấy. Chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới. Đàn triết lý như vậy rồi nói thêm vào trong máy: “Nhưng chị vẫn yêu anh Kha, Nghiên à, suốt cuộc đời đấy”. Bên kia máy, Nghiên lầm bầm như cụ bà khó tính: “Xỉn thì về ngủ, không được đi lang thang”. Rơi vào mê cung của tình yêu, trước Nghiên, chị Đàn mềm như cọng bún. Bởi chị thần tượng Kha, ngưỡng mộ Kha. Còn trước Nghiên, Kha chẳng là cái quái quỷ gì. Kha nghênh ngang bước thấp, bước cao trong thế gian này, chẳng biết mình đang đi đâu, về đâu...
Ký ức về chị ngập tràn, Nghiên chưa muốn rời nghĩa trang. Lần này... rồi không biết đến bao giờ Nghiên mới về thăm chị. Ngày chị còn khỏe mạnh, mỗi lần muốn Nghiên về chơi, chị đều phải nói dối. Hoặc một người bạn chung của hai chị em ở bên Mỹ mới về. Hoặc chị bệnh nhiều mà không có anh Vỹ ở nhà. Chị mất, không còn những lời nói dối dễ thương. Nghiên chọn một phiến đá phẳng cạnh nấm mồ mới đắp của chị để khẽ ngồi lên, sợ trọng lượng của mình sẽ làm đất dưới kia nén lại, thêm một lần làm chị đau, thêm một lần làm chị thấy trái đất này chật chội biết bao. Có lần hai chị em đi chơi núi, chị bảo, có gì đáng sợ đâu Nghiên nhỉ. Chết có nghĩa là chị sẽ được sống gần tâm trái đất hơn, gần hơn những người sống, cụ thể là em, ít nhất hai mét. Em sẽ ghen tị về chuyện chị bị lực trái đất hút nhiều hơn. Có gì đâu, như thế linh hồn chị sẽ mạnh mẽ hơn, sẽ bảo vệ em hữu hiệu hơn, tích cực hơn. Nghiên cười khanh khách. Chị bảo, chứ không phải sao, Nghiên sống với mọi người chân thành, hồn nhiên quá nên hay bị bắt nạt. Có ít nhất hai lần, chị đã làm những người phụ nữ ích kỷ, đố kỵ quanh Nghiên không dám quấy rầy Nghiên nữa. Trước những lời nanh ác độc địa của họ, Nghiên co rúm lại, ngơ ngơ ngác ngác, không biết đường chống trả. Đàn biết chuyện, tức tốc bay về với Nghiên, xăn tay áo vào việc cứng cỏi, quyết liệt... Sau những lần “cứu bồ” như thế, chị vuốt tóc Nghiên: “Tưởng gì, em tôi khôn nhà dại chợ hè!”. Máu Lương Sơn Bạc trong chị có một thời khiến nhiều người phải nể phục. Cái cửa hàng tạp hóa nho nhỏ của chị ở đầu chợ còn là “văn phòng” của những người làm từ thiện, của những người mua bán không có vây cánh cần một nơi để nương tựa, để được chở che. Chị có, ai cần chị cho, cho tất. Cứ vậy mà các tay xe ôm, ba gác, bốc vác... mê chị tắp lự. Toàn mấy tay bặm trợn, đầu bò đầu bướu nhưng một điều chị, hai điều em với chị, rảnh rang thì ghé qua cửa hàng “hối lộ” cho chị ly cà phê đá để được nghe chị đọc thơ, đọc truyện. Mỗi lần chị có truyện đăng báo, cả nhóm tổ chức ăn mừng. Một đĩa đậu phộng rang, vài trái ổi chấm muối ớt, một xị rượu đế, một ấm trà đủ vui thú râm ran. Lúc hứng lên, mấy tay giành nhau kể chuyện đời mình cho chị Đàn viết truyện. Vài nhân vật được “lên truyện chị Đàn”, nhưng có truyện gửi chẳng nơi nào đăng thế là mang đánh máy vi tính, photo ra, chuyền tay nhau đọc hả hê. Đám tang chị, mấy tay này đi đủ, có người đưa tay áo lau nước mắt. Chị tỏa sáng trong thị trấn nhà quê của mình như thế. Ngược lại, anh Vỹ chấp nhận âm thầm lu mờ bên chị, như chiếc bóng...
Đầu mộ chị nổi bật một đóa loa kèn trắng. Đóa hoa anh Vỹ run run đặt xuống trước khi quay về. Loa kèn trắng là hoa của hai người thời mới yêu nhau. Hoa đi với hai người từ thời thanh niên xung phong nếm mật nằm gai đến khi chị gật đầu cho anh kết một vòng hoa sim tím cài lên tóc, làm cô dâu giữa rừng. Đóa hoa trắng tinh khiết khiến Nghiên cũng trở nên nhẹ lòng khi nghĩ về Vỹ. Cách đây mười lăm năm, khi bé Tâm vừa tròn ba tuổi, hai người âm thầm ra tòa ly hôn. Ly hôn mà vẫn ở chung nhà, ngoài quan tòa ra chỉ một mình Nghiên biết. Hôm Nghiên không tin chuyện khó tin này, chị mang quyết định của tòa giao cho Nghiên. Sao chị lại giao cái đồ quỷ này cho em. Để em nghĩ về chị công bằng hơn, đàng hoàng hơn khi chị yêu Kha. Lời lẽ ngụy biện đó chỉ đến sau này, tức là vào lúc chị gặp được Kha. Còn trước đó, khi chưa gặp Kha, chị bảo chán Vỹ đến tận cùng, cứ ly hôn thử một lần xem sao. Hai người có chung một cái nhà, một đứa con, nếu phải chia thì chia làm sao. Thôi, ở chung cho thiên hạ đừng cười. Ngày xưa, thuở là thanh niên xung phong, gặp nhau lần đầu khi cả hai cùng bị lạc khi cắt rừng, không quen biết gì mà cũng ngủ chung với nhau trên một cái võng cho đỡ muỗi mòng, đỡ đỉa vắt, đỡ sợ ma... có sao đâu! Và nhỡ, chị cười khi đưa ra một dự đoán sáng sủa hơn, nhỡ sau này chị lại cảm thấy yêu anh Vỹ nữa thì sao, tuổi năm mươi, sáu mươi làm đám cưới lại cũng chẳng muộn màng gì, làm đám cưới lại cho sắp nhỏ nó ghen.
Nhưng dự đoán ấy không bao giờ đến khi tình yêu mười năm của chị dành cho Kha sau này nhấc bổng quãng đời gắn bó mười lăm năm của chị và anh Vỹ trước đó. Vỹ biết hết. Sau này, khi biết mình bệnh nặng, thỉnh thoảng gặp nhau chị lại bảo với Nghiên: “Dạo này anh Vỹ dễ thương lắm, hôm qua mới mua cho chị một chậu hoa quỳnh để uống cà phê”. Hoa quỳnh để uống cà phê? Chị cười: “Hoa quỳnh nở nửa đêm, chị cũng lại hay uống cà phê nửa đêm. Còn gì thú bằng chuyện vừa uống cà phê vừa ngắm hoa quỳnh nở”. Hoặc: “Dạo này anh Vỹ tâm lý lắm, tuần rồi mới cho tiền để chị kéo bạn bè đi nhậu mừng tập truyện của chị mới in”. Nghiên nhún vai, đâu chỉ chuyện hoa quỳnh, đâu chỉ chuyện cho tiền đi nhậu mừng tập sách mới ra. Hôm qua, hôm kia, năm kỉa, năm kìa... anh Vỹ vẫn đi về một mình, chị không thấy sao. Chị cũng khó lòng mà nhớ nổi sau khi ly hôn, bao đêm anh Vỹ mang đàn guitare ra đàn hát bập bùng khi chị ngồi bên trang giấy, bao lần anh làm thơ đăng báo với nhân vật “em” của một thời thanh niên xung phong không thể nào quên, bao lần anh đặt lên bàn viết những đóa loa kèn trắng muốt vào ngày sinh nhật chị và vào cái ngày chị nhớ mãi mới chợt à lên - ngày cưới của hai người... Những lúc như thế, chị còn tàn nhẫn: “Xin lỗi, hãy để ngày ấy lụi tàn”.
Nhưng em đâu hay anh Vỹ yêu bản thân mình hơn yêu vợ, yêu con. Giấc ngủ trưa của anh ấy phải hoàn toàn yên ắng. Con có lỡ dại mà khóc vào những lúc này thì vợ lại bị chì chiết mãi. Anh ấy cũng không quan tâm gì đến những sáng tác của chị. Thế sao ngày xưa chị yêu say đắm? Ngày xưa ấy là lúc chỉ thấy bề mặt mà không thấy bề trái, em biết không. Đàn im lặng một chút rồi cười hồn nhiên, ừ, ngày xưa thích thật. Sau cái lần ngủ chung với nhau trên võng giữa rừng ấy, chị đã chuyển về đầu quân ở đại đội anh Vỹ. Khi phải hành quân qua những trảng cỏ tranh cắt rát chân ràn rạt, Vỹ toàn cõng chị. Vừa cõng lại vừa hát du ca, dễ thương lắm. Khi lên núi dựng nhà giúp dân, Vỹ hái cho những cô gái trong đại đội bao nhiêu là hoa rừng, để ai hứng chí muốn làm đám cưới giả thì tha hồ mà kết hoa cho cô dâu. Anh chàng đại đội trưởng lãng tử, đẹp trai, giỏi giang là Vỹ ngày xưa ấy thật tuyệt. Nhờ màn làm đám cưới giả đấy, Nghiên biết không, sau này đại đội chị có bao nhiêu là cặp nên vợ nên chồng...
Nắng lên cao. Nghiên vươn vai đứng dậy. Vâng, Đàn ơi, em chào chị, ngàn thu vĩnh biệt. Em đợi mãi mà chàng kỵ sĩ bay qua thời gian của chị không đến. Nắng lóa mắt ngoài xa trên trảng cát mênh mông, Nghiên thấy thấp thoáng một bóng người. Kha đấy phải không, không phải. Tự kỷ ám thị thôi. Chẳng có bóng ma nào...
Nga, em gái chị Đàn, mừng rối rít khi thấy Nghiên quay lại nhà:
 - Cả nhà buồn ghê, tưởng Nghiên về luôn rồi. Anh Vỹ mong Nghiên tự nãy giờ.
 Nghiên kéo một chiếc ghế ngồi xuống:
 - Anh Vỹ đâu Nga?
 - Đang giải thích gì với các chị em của anh ấy đấy...
 - Giải thích cái gì?
 Nga thấp giọng:
 - Nghiên thấy đám tang chị Đàn có gì lạ không?
 Đến lúc này Nghiên mới nhớ ra. Đám tang chị Đàn có tiếng gõ mõ tụng niệm của các vị sư và cả lời cầu kinh của các “xơ”. Nga bảo, bà Đàn có phước, khi sống là vậy mà lúc chết vừa được lên thiên đàng, vừa được đến cõi niết bàn. Trước khi mất, chị Đàn trối trăng là muốn được làm đám tang theo nghi thức Phật giáo. Nhưng ngày chị về làm vợ anh Vỹ, hôn lễ được cử hành ở nhà thờ, theo nghi thức tôn giáo bên gia đình chồng. Vỹ chiều ý nguyện cuối cùng của vợ, nhưng còn người thân trong gia đình Vỹ ngoài quê vào. Thêm vụ rắc rối này trong đám tang, Vỹ càng hốc hác, trán như hằn thêm bao vết nhăn.
 Mãi đến khi Nghiên chào từ biệt mọi người ra về, Vỹ mới có được chút thời gian với cô:
 - Nghiên ngồi lại với anh chút nữa.
 - Có chuyện gì vậy anh?
 Vỹ móc từ túi áo ra một phong bì dày cộp:
 - Anh gửi Nghiên số tiền này.
 Nghiên tròn xoe mắt:
 - Để làm chi vậy?
 - Nghiên giúp anh xuất bản những truyện chị mới viết sau này...
 - Từ từ đã anh, để dành lo xây mộ cho chị.
 Vỹ lắc đầu kiên quyết:
 - Không, anh tự lo cho chị được. Còn đây là tiền gì Nghiên biết không? Tiền bán tập truyện vừa in của chị đấy...
 Giọng anh nghẹn lại:
 - Anh lo không đủ tiền thuốc thang cho chị nên có bàn với chị là cứ dùng tiền bán truyện để lo chữa bệnh, chị gật đầu bảo, có ngu mới không lo cho phận mình. Nhưng một thời gian dài, chị chẳng chịu thuốc thang gì mà anh đâu có biết, cứ tưởng...
 Nghiên hiểu cả rồi. Đây là tiền bán tập truyện ngắn đầu tay mới in năm rồi của chị, chị khoe đâu được hơn chục triệu đồng. Ngày ấy, nghe chị Đàn đi bán sách ai cũng nể. Hơn ngàn bản sách, chị bán hết veo trong một tuần lễ, toàn bạn bè thân thích mua ủng hộ. Có người trả triệu đồng, người trả năm trăm ngàn đồng, hai trăm ngàn đồng... dù giá bìa sách chỉ hai mươi lăm ngàn đồng. Chị hồn nhiên cười: “Tại chị bệnh ung thư sắp chết, người ta thương”. Nghiên nghe mắt mình chợt nóng lên. Tiền bán sách không dùng uống thuốc thì chị để làm gì.
 Vỹ vẫn nói như thì thầm:
 - Đêm trước lúc hôn mê lần cuối cùng, chị trao cho anh số tiền này và bảo anh dùng nó để đi học. Chị muốn anh phải dứt ra khỏi cơm – áo – gạo - tiền thường ngày để hoàn tất chương trình đại học đang dở dang. Nghiên biết không, làm việc bao nhiêu năm dù có đủ năng lực nhưng anh vẫn không được đề bạt, cất nhắc vì không có bằng đại học.
 Phía trước mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ của anh Vỹ đã loáng thoáng vài sợi bạc. Sợi nào bạc vì thời tuổi trẻ áo xanh xẻ núi băng rừng? Sợi nào bạc vì gánh nặng áo cơm? Sợi nào bạc vì hôn nhân đổ vỡ?
 Nắng lên cao dần. Những giọt nắng rơi khẽ khàng qua kẽ lá của cây sầu đông trước hiên nhà. Và gió. Gió đưa mùi khói nhang phảng phất như chị Đàn vẫn hiện diện đâu đây. Nghiên nghe Vỹ thở dài. Bất chợt có tiếng chim hót trong ngần làm vỡ vụn không gian. Mắt Vỹ chợt sáng lên:
 - Nó là con chim vành khuyên của chị Đàn đấy Nghiên!
 Theo hướng tay chỉ của Vỹ, Nghiên nhìn vào góc nhà, tiếng chim phát ra từ chiếc lồng xinh xắn treo trên cao.
 - Anh mua đấy à?
 - Không phải, chị không kể em nghe sao, con chim vành khuyên của anh Tịnh ngoài quê ấy?
 Nghiên mở to mắt nhìn chú chim đang nhảy nhót trong lồng. Vỹ bập một hơi thuốc dài:
 - Nhưng con chim của Tịnh tặng không chịu nổi chuyến đi mấy trăm cây số, đã chết ngay khi chị mang nó về đến nhà. Thấy chị cứ lặng im suốt ngày, anh đã tìm mua một con vành khuyên khác, y hệt nó...
 - Rồi sau đó thế nào, anh?
 Những nếp nhăn trên trán Vỹ giãn ra:
 - Bà ấy thích lắm, thả ngay con chim vào lồng và bảo rằng Tịnh có vào kiểm tra cũng không thể nào biết được đó là con chim khác...
 Nghiên nhớ ngày cô báo tin chị Đàn mất, Tịnh bảo bận tham gia hội giảng cấp tỉnh, chỉ gửi vòng hoa chia buồn. Nghiên cũng nhớ hoài lời chị Đàn bảo vào buổi chiều hai chị em uống cà phê bên sông ấy, miệng Tịnh cười đẹp, có duyên nhưng vẫn trông giả giả thế nào...
THU TRÂN ( TuoiTre )

P03: Chân bay lên trời

Vy ước bơi được qua dòng sông trước nhà như những đứa con trai, những đứa con gái khoẻ khoắn trong làng. Nhưng nhìn lại mình, trong giấc mơ cũng như  vào mỗi chiều ngồi buồn hiu hắt trước hiên nhà, lúc nào Vy cũng thấy hai cái chân cà quặt cà quẹo. Có đến một ngàn lần, Vy đã gào lên: “Má ơi, tìm mua cho con hai cái chân!”.
Là lúc má tất bật chạy đến: “Sao vậy con, giận má rồi phải không? Thôi giỏi, leo lên lưng má cõng vô nhà nằm, má kể chuyện cổ tích cho nghe”. Ấy là lúc Vy lên chín, lên mười. Còn bây giờ, bước vào tuổi mười sáu mười bảy, Vy không gào lên đòi má tìm mua chân cho mình nữa mà ngày nào cũng ngồi mặt khó đăm đăm trước hiên nhà. Vy thèm biết bao chuyện được tung tăng tới trường như các bạn, được một lần nghịch ngợm leo lên chiếc xuồng tròng trành của má, được té nước làm ướt người thầy Bản hay neo xuồng trước bến sông nhà. Cho thầy hết nói những lời rối rắm. Tự hành hạ mình chi cho khổ vậy, khối người tật nguyền như em nhưng họ đâu có hay gắt gỏng với má, đâu có hay cộc cằn với đám học trò của má, má muốn sinh ra em lành lặn chứ đâu phải như vầy…
Chuông đồng hồ gõ mười một tiếng, đám học trò của má lục tục ra về. Nói “đám” cho đông vui chứ chúng chỉ còn năm đứa. Các em đang học lớp ba trường làng. Chúng đến trường buổi chiều, buổi sáng đến nhà Vy học thêm môn toán. Thằng Bình chạy vụt ra khỏi nhà như một cánh chim, không kịp chào Vy một tiếng. Con Bê lấm la lấm lét nhìn Vy:
- Thưa chị Vy em về!
Không đoái hoài đến chuyện lễ nghĩa của con nhỏ, Vy gằn giọng:
- Ngày mai mày nói thằng Bình đừng đến đây học nữa nghe chưa, khi nó bước ra khỏi cửa nhà này, ít nhất là thấy tao đang ngồi đây chứ, phải chào chứ, đừng thấy tao tật nguyền rồi làm tới!
Mặt con Bê tái xanh, nó dạ lí nhí trong miệng rồi chạy biến. Mấy đứa còn lại riu ríu cúi đầu bước qua. Má đứng sau lưng Vy tự bao giờ:
- Sao vậy con, mắc gì mà phải khó khăn với bọn trẻ như vậy. Con làm riết rồi má con mình lấy gì mà sống, tiền đưa đò ngang của má không đủ đâu vào đâu…
- Chứ má thấy không, đến thằng con nít hỉ mũi chưa sạch mà còn xem thường con như vậy…
- Ấy là tại con tự kỷ quá đấy thôi! Con làm quá, bọn trẻ sợ con như sợ một bà chằng chứ đâu có nể trọng gì!
Vy bỗng thấy mình chơi vơi:
- Phải mà, tại con tật nguyền, suốt ngày ngồi một chỗ, không làm được gì cho má nên má cũng coi con không ra gì.
Má vuốt bờ vai con gái tròn trịa, mềm mại của Vy:
- Thôi được rồi, nếu má có lỡ lời, cho má xin lỗi. Bây giờ má đẩy con vô nhà ăn cơm nghe?
Vy lớn tiếng:
- Con không ăn! Má có đói thì ăn một mình đi! Con là một bà chằng đó! Con ghét má! Con hận má!
Nghe có phái đoàn khám bệnh nhân đạo nước ngoài đến khám ngoài bệnh viện huyện, má cho bọn trẻ nghỉ học một buổi rồi bươn bả ra đi từ sáng sớm. Má mong gặp một thầy thuốc nào đó biết cách chữa bệnh bại liệt bẩm sinh cho Vy. Cũng nóng lòng như má, Vy ở nhà lăn xe đi ra đi vào chờ tin má. Cứ vậy, bao nhiêu năm qua, từ ngày Vy lọt lòng đến giờ, má cứ rong ruổi đi tìm thầy thuốc cho Vy. Còn Vy thì cứ ước ao, một phép màu nhỏ nhoi giữa bao nhiêu phép màu trong những câu chuyện cổ tích má kể. Nhưng ai cũng nói bệnh của Vy là vô phương cứu chữa. Nghe nói vô phương, ba Vy sợ quá, khăn gói bỏ lên Sài Gòn lấy vợ khác. Má Vy buồn tủi nuôi con một mình bằng nghề dạy học. Họa vô đơn chí, có một ngày không mấy đẹp trời, ông hiệu trưởng trường làng gọi má Vy đến. Thế là cô giáo Thoa mất việc. Thời gian cô chăm sóc đứa con tật nguyền đã lấn át thời gian dành cho học trò ở trường - điều mà ông hiệu trưởng không bao giờ chấp nhận. Má buồn, khóc suốt một tuần. Mới đầu đưa đò ngang sống tạm, sau đó má mở lớp dạy thêm ở nhà. Bà con xóm làng thương hoàn cảnh hai mẹ con cho con em mình đến học. Ban đầu lớp được trên dưới ba mươi em, sau rơi rụng dần còn năm đứa  con nhà nghèo nhất xóm. Số nghỉ học do không có tiền đóng thì  ít mà do sợ chị Vy khó khăn, dữ dằn thì nhiều. Má buồn buồn nói với Vy: “Vậy là chốt lại rồi, năm đứa nhỏ này không bao giờ bỏ má con mình đâu”. Vy thắc mắc: “Nhà tụi nó nghèo vậy, má thu tiền mỗi đứa bao nhiêu một tháng?”. Má cười cười: “Miễn sao mình sống được thôi, con!”.
Cũng có lúc Vy thấy mình không phải với má, với mấy đứa nhỏ nhưng chỉ hối hận được một chút rồi mọi thứ lại sôi trào lên. Đã có lần Vy ném vỡ chiếc tủ kính, vật dụng đắt giá nhất trong nhà. Vy soi mình trong đó, một con bé xinh xinh dần hiện ra với gương mặt buồn buồn. Mắt nó to và đen, môi nó hồng và thắm, tóc nó dài suôn mượt với đủ kiểu má tết cho hàng ngày nhưng nó không đi được. Nhìn chúng bạn tíu tít qua sông; lên chợ huyện học hành, mua sắm… nó bực bội, sẵn ly nước đang uống trong tay, ném mạnh vào chiếc tủ kính. Con bé xinh đẹp trong gương vỡ tan tành…
Nắng trưa tròn bóng, má trở về trên chiếc xuồng của thầy Bản. Lại thầy Bản, Vy ghét người đồng nghiệp trường làng này của má. Thầy  tuổi bốn mươi, độc thân, vui tính, cười đẹp mà sao Vy vẫn ghét. Thầy vừa kéo dây neo xuồng vừa cười thật tươi với Vy:
- Chào cô công chúa ngủ trong rừng! Chờ má có lâu không?
Vy nhăn mày, nghếch mặt lên trời:
- Thầy đưa má em đi lâu quá mà còn hỏi…
Rồi Vy săm soi nhìn má từ dưới xuồng bước lên:
- Xuồng nhà mình đâu mà má phải quá giang xuồng thầy Bản?
- À, nó bị bong lớp dầu chai, má để nó lại chỗ ông Sáu Xị, nhờ ổng làm dùm. Con ăn cơm chưa?
Vy không trả lời. Cô giáo Thoa ái ngại nhìn thầy Bản:
- Sẵn bữa, mời thầy ăn cơm với má con tui cho vui?
- Thôi được rồi, tui phải về nhà chuẩn bị cho tiết hội giảng chiều nay, ông hiệu trưởng trường mình ngày càng khó tính, cô không nhớ sao. Chào Vy, thầy về nghe!
Ăn hết chén cơm thứ nhất, má không nói gì. Với vẻ mặt tươi tắn, má nhìn Vy cười cười, vậy là có điều sắp nói. Vy sẽ sàng chưa dám hỏi má. Xới chén cơm thứ hai, má hắng giọng:
- Có quyền hy vọng rồi con ạ!
Vy nghe trống ngực đập thình thình:
- Gặp thầy rồi phải không má?
- Má chưa được trực tiếp gặp thầy nhưng người ta giới thiệu thầy cho má. Má đã nói chuyện với thầy qua điện thoại. Thầy nói bệnh con phải ăn uống, tẩm bổ một thời gian cho đủ sức rồi thầy về nước mổ cho…
- Sao lại mổ, má?
- Mổ để sắp xếp xương thịt lại đó mà, thầy nói con bị teo cơ dạng gì gì đó mà má quên mất. Dạng này, ở bên Mỹ, thầy chữa được cho mấy người.
- Rồi người ta đi lại bình thường được hết hả má?
- Chứ sao, nếu không thì chữa làm gì!
- Thầy là bác sĩ Việt kiều hả má?
- Không phải bác sĩ, mà là giáo sư bác sĩ, có vậy thầy mới chữa được bệnh khó như bệnh của con chứ. Thầy cũng là một thành viên trong đoàn khám bệnh nhân đạo, lần này thầy mắc mổ cho một bệnh nhân ở Mỹ nên không về nước được.
Cuối cùng thì giáo sư bác sĩ Henry Tùng ở bên trời Tây cũng gửi cho má con Vy lá thư đầu tiên. Thư nói nhiều về căn bệnh của Vy và hướng chữa trị. Bác sĩ hứa đúng một năm sẽ theo đoàn khám bệnh nhân đạo quay về Việt Nam mổ cho Vy. Trong thời gian chờ đợi, bác sĩ cho toa mua thuốc uống, cho thực đơn tẩm bổ và lưu ý bệnh nhân phải sống yêu đời, vui vẻ. Tinh thần lạc quan, thư thái của bệnh nhân trước phẫu thuật cũng là liều thuốc hiệu nghiệm không kém so với bao nhiêu thứ thuốc phối hợp mà bác sĩ đã ghi trong toa. Đọc xong thư, Vy phấn chấn hẳn lên. Rồi bất chợt Vy lật tới lật lui lá thư tràn chữ đầy hai trang giấy lớn:
- Má ơi, thư gửi từ Mỹ mà sao không có bao thư?
- Có chứ sao không. Nhưng để cho tiện và ít tốn kém, giáo sư bác sĩ bỏ thư gửi má con mình vô chung bì thư với thư gửi một người bạn cũng là bác sĩ làm việc ở bệnh viện huyện nhà mình, ông bác sĩ này cũng quen với má.
- Ủa, vậy giáo sư bác sĩ  Tùng là người quê mình hả má?
- Ừ, chắc vậy.
- Mà ổng là con ai má biết không?
- Làm sao má biết được, giáo sư bác sĩ lớn tuổi hơn má nhiều, với lại nghe đâu ổng đi nước ngoài sống hồi lúc… hai, ba tuổi…
Nói xong, má vội vàng bước vào nhà với bọn trẻ đang làm toán. Không cáu gắt như mọi hôm với lý do tại sao má bỏ ngang câu chuyện, Vy lăn xe ra trước hiên nhà. Cô ngước nhìn trời, dường như hôm nay mây xanh hơn, bầu trời cao rộng hơn, đàn vịt lội dưới bến sông trắng lấp lóa một màu…
Vy tập cho bọn học trò của má hát để dự hội diễn văn nghệ trường làng. Bọn trẻ đã ngày càng thân thiện với Vy hơn khi thấy gần cả năm nay, cô chịu chơi với chúng, giúp má dạy chúng học thuộc bảng cửu chương. Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi, có hạt bụi nào rơi trên bục giảng, có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy…
- Thằng Lá hát kiểu gì mà cái đầu lắc lắc, hai chân nhún nhảy như chim chuyền cành vậy?
- Lên sân khấu phải làm cái này, làm cái kia mới giống ca sĩ chớ chị!
- Không được, em hát nhớ ơn thầy cô thì phải hát đàng hoàng!
- Vậy chớ sao hồi đó, em thấy chị lớn tiếng với cô giáo hoài? Cô giáo kêu làm gì, chị cũng cằn nhằn, cự nự. Chị không ngoan làm mặt cô giáo buồn muốn khóc…
Con Bê nịnh nọt:
- Mày xạo nghen Lá, chị Vy đâu có cô giáo mà lớn tiếng với nhỏ tiếng.
- Dám cá không? Không có cô giáo làm sao chỉ biết đọc biết viết?
Thằng Bình tròn mắt, há hốc miệng:
- Ừ há, cô giáo của chị Vy cũng là cô giáo Thoa giống như tụi mình.
Vy ngớ ra, ừ, má cũng là cô giáo của mình, mà sao lâu nay không nghĩ đến.
- Chị Vy ơi, con Bé Ba hát trật nhịp mà cứ hét hoài.
Con Ổi mắng vốn đúng lúc, Vy vội vàng quay sang lấp liếm:
- Ừ, vậy hả, thôi mấy đứa đừng chửi nó tội nghiệp, chiều nay tan học về, Bé Ba ghé qua, chị dạy em hát lại một mình cho chắc nghe. Bây giờ sắp tới giờ học ở trường rồi, mấy em về há!
Quên chuyện đang lao xao, bọn trẻ ngoan ngoãn:
- Dạ, tụi em về… Nhưng mà chị Vy ơi, ngày mai diễn, bông cầm tay hát lấy đâu ra?
- Để chị nhờ người hái cho mấy đứa mớ bông lục bình tím ngoài ngã ba sông.
- Thôi, tụi em chèo xuồng ra hái cũng được.
- Không được, nguy hiểm lắm, chuyện này để chị nhờ người lớn làm.
Đứng trong bếp xới nồi cơm vừa chín tới, cô giáo Thoa nghe con gái đối đáp với đám học trò nhỏ mà mừng ứa nước mắt. Cả năm nay, Vy thấp thỏm chờ một phép màu từ ông giáo sư bác sĩ bên kia nửa vòng trái đất. Còn với cô giáo Thoa, phép màu đã đến tự lâu rồi. Đến từ cái đêm mưa mà bỗng dưng con gái ôm choàng hông cô bảo, má ơi, làm hồ sơ xin cho con học lớp năm bổ túc. Con nói sao, con chịu đến trường rồi à? Không mắc cỡ vì phải đi xe lăn sao? Không, con không ngại nữa, mai mốt giáo sư bác sĩ Tùng về chữa bệnh, con sẽ lại đi được, sẽ phải học thêm lên để làm cô giáo trường làng như má. Nhưng những bài học má dạy, con còn nhớ không? Nhớ chứ, má không thấy con giúp má dạy bọn trẻ học toán sao. Con chưa đến trường ngày nào nhưng má dạy con kỹ càng lắm, làm sao con quên được. Má không thấy mọi người khen con viết chữ đẹp sao? Ừ, vậy thì má tin, má sẽ lo hồ sơ xin học cho con. Ừ, má còn phải dạy con làm nữ công gia chánh nữa. Con sẽ biết may vá quần áo và nấu ăn như má. Ơi trời, nghe con gái nói mà cô giáo Thoa tưởng như trong mơ.
Buổi chiều trời âm u. Sông oàm oạp vỗ sóng lớn. Vy ngồi tư lự trước hiên nhà. Cô nhớ là mình đang chờ Bé Ba đi học về để dạy nó hát lại nhưng sao lòng buồn như chấu cắn. Vì sao vậy? À, tại trời buồn nên cô buồn. Không phải. À, tại má đang hát Từ phu tướng trong nhà. Mà cũng không phải. Vy xòe mười ngón tay tính. Đúng rồi, đã hơn một năm, sao không thấy giáo sư bác sĩ Tùng về nước, toàn những lá thư. Thư đọc vui, chan chứa ân tình nhưng chờ đợi hoài đâm sốt ruột. Vy chỉ muốn được gặp giáo sư bác sĩ để ông gõ chiếc đũa thần lên hai cái chân què quặt đáng ghét.
- Má!
Má thôi hát, bước ra:
- Gì, con?
- Sao lâu quá không thấy bác sĩ về, hơn một năm rồi?
- À, chắc bác sĩ bận, con đọc thư biết rồi mà!
- Con không biết, má hẹn hò với ổng làm sao…
- Vy lại cáu gắt với má rồi, bác sĩ đã hứa thì sẽ về thôi mà.
- Má!
- Gì?
- Có khi nào…
Má bước đến vuốt tóc Vy:
- Không, con không được nghi ngờ.
Vy gạt tay má, cô quay lại nhìn vào mắt má:
- Má, con thấy không ổn trong chuyện hứa hẹn này, thư bác sĩ gửi con sao toàn nói chuyện chung chung...
Má nắm chặt tay Vy:
- Con đừng nói vậy…
Bỗng dưng mọi thứ trong Vy tan nhanh như bong bóng xà phòng, mắt má không dám nhìn cô đã nói hết mọi điều. Vy giật mạnh tay ra:
- Má lừa con phải không? Con ghét má! Ghét hai cái chân què!
Vy ôm mặt khóc, đôi bờ vai tròn run run, làn gió thổi thốc tháo từ dưới sông lên làm tóc Vy bay rối rắm. Má cuống quýt vỗ về Vy:
- Không, không phải, con không được nghĩ như vậy…
Có tiếng ai đó kêu cứu ngoài sông. Bờ sông vắng lạnh lùng. Cảm xúc bị cắt ngang đột ngột, cô giáo Thoa chạy băng băng ra chiếc xuồng cột ở mép sông… Dòng người bu đen bu đỏ một khúc sông khi hai đứa trẻ được đưa về. Ngồi trong hàng hiên, Vy rướn người nhìn. Ấy là con Bé Ba với thằng Bình. Chúng nó ướt bệt bạt với mớ quần áo học trò dính sát vào da thịt.
- Không sao, không sao, tụi nó còn thở mà, nhanh lên, nhanh lên!
Vy đấm thật mạnh vào hai chân mình, tại sao cứ bất động hoài vậy. Bọn trẻ đi đâu mà nên nỗi. Hai đứa tan học về, lén lấy xuồng bơi ra ngã ba sông hái bông lục bình chuẩn bị cho tiết mục hội diễn ngày mai. Người lớn xôn xao. Ủa, còn cô giáo Thoa, cô giáo Thoa đâu rồi. Ông Tám Chài nói, tội nghiệp, mặt sông vắng hoe, chỉ có mình tui, sức già không bơi giữa sóng lớn được nên đành kêu cứu rát họng, may nhờ có cô giáo chèo xuồng ra kịp. Cổ lặn hụp giữa dòng nước mấy lần mới túm được tóc hai đứa nó. Còn chiếc xuồng của tụi nó đâu. Có ai đó thắc mắc. Tụi nó chèo vô vòng nước xoáy, xuồng chìm, cứu được người là may. Ủa, còn cô giáo Thoa, cô giáo Thoa đâu rồi. Tiếng thằng Bình nói yếu ớt:
-Còn… còn… thằng Lá ngoài kia…
Lập tức vài chiếc xuồng nhắm ngã ba sông lao tới. Xuồng của thầy Bản bơi sau nhưng mà cuống quýt…
Nằm thắc thỏm trong đêm dài vô tận, Vy muốn trái đất nổ một cái bùm cho tất cả thành tro bụi. Má đâu rồi, bây giờ má với thằng Lá ở đâu. Khi chiều, thầy Bản đã đưa Vy đi gọi má suốt một quãng sông dài. Má đã ra đi với thằng Lá rồi, người làng nói vậy. Chỉ mong xác má với xác thằng Lá còn vướng víu ở khúc sông nào để vớt lên thôi. Chuyện buồn đau xảy ra quá bất ngờ với làng, mọi người cứ nhìn nhau lắc đầu, mắt đỏ hoe, sông ầm ào dậy sóng. Đêm, thầy Bản ở lại với Vy. Thầy tìm mọi lời an ủi, động viên Vy. Thôi ngồi thất thần trên giường một lúc, Vy lại nằm xuống thở dốc. Cô nghe lồng ngực mình nặng trịch. Nhắm mắt lại thì thấy trắng xóa một màu sông, thấy má với thằng Lá lóp ngóp giữa bao làn sóng dữ. Cô gọi má nhưng không mở miệng được vì ai đó đã cắm vào giữa hai bờ môi cô một bông lục bình tím ngắt… Vy, Vy, thầy Bản gọi. Em sốt cao rồi, thầy đỡ em dậy uống thuốc nghen. Vy, Vy, thầy Bản gọi, tại sao hai cái chân của em bay lên trời vậy. Ừ, cho nó bay lên trời đi, em không cần nó  nữa. Cả năm nay, không buồn bực vì nó, không nặng lòng vì nó nên em đã thấy cuộc đời dễ thương khi có má, có đám học trò ngây thơ của má mà em đâu có biết.
Vy, Vy… Không, má đang gọi Vy, không phải giọng của thầy Bản. Má. Vy hét lên rồi nhảy ra khỏi giường… Phép màu chói lòa mắt Vy. Má về! Má về thật rồi! Vy  ôm má cứng vòng tay yêu thương. Má về! Vy hét lên như trẻ thơ. Thằng Lá thất thần đứng lớ ngớ bên cạnh. Như là mơ. Má ơi, má với thằng Lá đi đâu suốt buổi chiều... Đến khi được thầy Bản bế lên xe lăn, Vy mới hết bàng hoàng. Vậy là má về thật. Hàng xóm đến hỏi thăm tíu tít ngoài hiên nhà. Má thằng Lá ôm nó vào lòng, khóc thành tiếng. Thầy Bản pha cho má một ly chanh nóng. Nghe cô giáo kể chuyện từ cõi chết trở về, mọi người lại xôn xao. Trời, hay quá hén, hên quá hén. Té ra là thằng Lá nắm được cái rễ cây bần nên cứ bấu chặt, chờ cô giáo ra cứu. Bận quay về, nước sông chảy ngược xiết quá nên cô giáo đành cho xuồng trôi xuôi dòng xuống mé kinh Tẻ, chờ nước ròng mới dám quay ngược lại. Lụi hụi vậy mà cũng quá nửa đêm. Thôi, lạy trời ăn mừng, cuối cùng, thầy trò cũng thắng được con nước lớn.
Khách khứa về hết rồi mà Vy cứ trằn trọc, không sao ngủ được. Má cũng bị sốt như Vy, nằm quấn mền, nhắm mắt bên cạnh.
- Má, sao má nhắm mắt hoài vậy?
- Má không dám nhìn con, má có lỗi với con! Xin lỗi về những bức thư mà má và thầy Bản…
Vy lăn qua, ôm chặt má:
- Không, má ơi, má đừng nói nữa… Má đừng trôi theo sông nữa nghen má!
- Má hứa, má sẽ theo đuổi đến cùng mục đích tìm thầy chữa bệnh cho con, biết đâu sẽ có lúc má con mình tìm được giáo sư bác sĩ Henry Tùng như là mơ ước.
Vy đưa tay che miệng má:
- Không, con không cần hai cái chân nữa, con chỉ cần má Thoa, chỉ cần cô giáo Thoa dạy học trò muốn trả học phí bằng gì cũng được…
Nước mắt cô giáo Thoa lăn dài trên má, vậy là cuối cùng con gái cô cũng ngộ ra. Không hẳn vì chuyện mưu sinh mà cô phải gắn với năm đứa học trò nghèo để lấy học phí bằng trái bầu, trái bí, con cá, con tôm… Cô nghiện tiếng trẻ ê a quanh mình như nghiện được làm mẹ vào ngày bác sĩ bảo rằng trong cô đã có một con người được kết thành thai…
Vy sờ trán cô giáo đang nóng hâm hấp, môi má cô giáo khô ran:
- Má, má có khó chịu lắm không, con nhờ người kêu thầy Bản nghen?
Cô giáo Thoa lắc đầu. Má không muốn thầy Bản lui tới nhà mình lúc  giữa đêm, nhà không có đàn ông, mang tiếng. Nhưng thầy là người lo lắng cho má con mình từ đầu đến cuối. Con không ghét thầy nữa sao. Vy ậm ừ trước câu hỏi bất ngờ của má. Vy ghét thầy vì tội thầy đồng lõa với má trong mọi chuyện liên quan đến đôi chân tật nguyền của Vy. Hết thương hại hỏi thăm rồi lại cho cái này cái kia. Cuối cùng còn bày trò gạt gẫm bằng chuyện giả làm ông giáo sư bác sĩ nào đó bên trời Tây để viết hàng đống thư cho Vy. Một tội phải ghét nữa là, Vy sợ nhà mình có thêm người đàn ông, ngộ nhỡ rồi người đàn ông ấy cũng sợ khó như ba. Nhưng tai ương qua rồi, Vy thấy thầy Bản thương cô giáo Thoa thiệt lòng, chắc không phải sợ khó như cái ông kia ở trên Sài Gòn…
THU TRÂN ( TuoiTre )

P04: Cây Phong non âm thầm

Phòng làm việc của chị ở tận lầu tám. Mọi thứ dưới kia, trong tầm mắt của chị, mỗi sáng mỗi chiều, dù trong sương sớm lãng đãng hay nắng chiều vội vã, đều có sức hút diệu kỳ. Đường phố, cây cối, dòng sông... hết thảy đều hóa thành những bức tranh dễ chịu.
Để cho những bức bối đời thường, những căng thẳng trong công việc quá sức với một phụ nữ như chị nhanh chóng tan biến. Tầm mắt chị vẫn luôn dừng lại lâu nhất ở bức tranh "Tĩnh vật những mái nhà". Tĩnh vật những mái nhà của chị chứa đựng đầy đủ một cuộc sống xô bồ xô bộn ở một thành phố là thị trường lao động của cả nước. Những mái nhà cao thấp không đều nhau bằng đủ thứ vật liệu xây dựng trên đời. Phía đông án ngữ ánh mặt trời vào mỗi buổi mai lên là mái nhà vuông bằng tôn giả màu tím than. Lô xô phía dưới là những mái nhà thấp bằng tôn thật đã sét gỉ màu thời gian. Gần hơn một chút về phía chị là những mái nhà bằng ngói. Ngói âm dương, ngói móc, ngói giả làm bằng nhựa dẻo đủ thứ màu. Nhưng dường như bức tranh tĩnh vật của chị còn thiếu một cái gì đó. Ví dụ như một dải khăn trắng vắt ngang bức tĩnh vật hoa mà chị thường thấy trong những art gallery chẳng hạn. Hay là một lá cỏ mong manh được vất hững hờ trong bức tĩnh vật cà rốt và khoai tây đang treo trong phòng ăn nhà chị vậy. Chị đưa mắt nhìn ra khắp lượt. Ôi, còn một mái tranh màu xám xịt nữa mà sao chị không nhận ra. Mái tranh nhỏ bé tin cậy tựa mình vào cây phong non xanh biếc giữa nền trời thành phố, một thành phố thừa khói nhà máy nhưng thiếu bóng cây xanh.
Một lần, chị nói với người bạn làm chung phòng về cây phong non xanh biếc ấy. Người bạn vươn dài cổ ra phía cửa sổ bảo: "Cây đó là cây nào?". Chị bảo: "Đấy, bóng xanh duy nhất đấy!". Người bạn nhún vai: "Phong cái gì mà phong, đó là cây dương đó bà ơi. Cây phong chỉ có ở nước Nga thôi". Lúc này, chị mới ngớ ra với chính mình, ừ, bao lâu rồi nhỉ, chị cứ gọi đó là cây phong và tự chống chế :" Thì gọi là cây phong cũng được, có sao đâu, nó cũng là một họ thuộc nhà phong ấy mà!". Từ trong tiềm thức, chị không giấu được lòng mình. Chị yêu quí và thích biết bao quyển sách "Cây phong non trùm khăn đỏ" của Quang tặng nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ hai mươi của chị. Ngày ấy, từ Quang, cái gì của nước Nga chị cũng yêu. Yêu nồng nàn và tha thiết. Yêu từ ấm trà xamôva đến món cá hun khói Alaska. Yêu từ điệu múa kachiusa đến những bản tình ca trầm trầm dành cho những người Nga thích giữ gìn, nâng niu quá khứ: "...Chiều xuống chiều dần buông, đàn lắng lời đầy vơi, gió lên sóng lăn tăn êm đềm vô bờ... Đồng chí lái máy ơi, hãy đến với chúng tôi, hát lên bài ca say đắm khi chiều rơi... Đà đá đà đà đa...". Bây giờ, Quang đã ở bên nước Nga xa tít mù. Không cần cái học vị tiến sĩ sao bao năm miệt mài sắm sửa, Quang đi làm lái buôn. Quang vẫn đi về Việt Nam như đi chợ để mang hàng sang Nga bán. Cô vợ người Nga của Quang tên Natasha, đẹp như người mẫu quốc tế. Quang vẫn còn nắm níu chị bằng những cú điện mỗi khi anh về nước. Đôi khi chị vẫn muốn cắt đứt cho vết thương lòng thôi đớn đau nhưng biết làm sao được lý lẽ của trái tim. Thời đại mở cửa, chuyện hai người yêu nhau hàng chục năm trời mà không thể ở chung với nhau trong một mái nhà vì người đòi ở nước này, người thích ở nước kia thật là vô lý và buồn cười.
Chị nhìn thật chăm chú vào cây phong non của mình. Có phải nó đang rung lên đấy không. Từng đợt, từng đợt, những chiếc lá kim dài tung tẩy. Hôm qua, đúng vào giờ này, chị đã thấy nó rung lên như vậy. Và dường như hôm kia, hôm kia nữa... cũng thế... Chị nâng gọng kính cận lên, nhìn lại bức tranh tĩnh vật của mình. Nếu có một ngày, cây phong non bị đốn đi, bức tranh của chị sẽ hỏng mất. Ấy là lúc bức tranh tĩnh vật hoa không còn dải lụa trắng vắt ngang, bức cà rốt và khoai tây không còn cọng cỏ xanh lãng mạn, ơ hờ. Và thật rồi, cây phong non của chị lại rung lên, từng đợt, từng đợt... Chị quay vào hỏi người bạn cùng phòng: "Có biết đường đi xuống mái nhà tranh có cây phong non không?". Người bạn ngẩng lên cười cười: "Xuống hết thang máy thì tới!". Chị nghiêm mặt: "Không đùa đâu!". Người bạn không cười nữa, gõ gõ móng tay lên mặt bàn: "Đường chim bay coi gần vậy nhưng mà đi xa à nghen. Mình nghe nói đó là xóm Đường Băng. Đường băng của sân bay ngày xưa ấy mà..."
Chị tìm được ngôi nhà có cây phong non ấy cũng không mấy khó khăn. Ngôi nhà trống tuềnh toàng nhưng sạch sẽ. Con bé trạc tuổi mười bốn, mười lăm có đôi mắt long lanh, ươn ướt bước đi rón rén như một chú mèo con sẽ sàng bảo chị: "Cô ngồi đây chơi một chút nghen, con đi gọi ba". Chị vội vàng ngăn lại: "Không cần đâu, cô chỉ muốn hỏi thăm con một chút thôi mà". Nó vòng tay lễ phép: "Thưa, cô muốn hỏi gì con?". Chị thoáng bối rối. Chẳng biết nói thế nào. Chẳng lẽ bảo với nó rằng, ai đã làm cây phong non phía trước nhà con rung lên vậy. Phải có một lý do nào đó thuyết phục hơn, thực tế hơn. Không đời nào con bé chấp nhận cái lý do khiến chị tìm đến nhà nó một cách buồn cười thế. Làm sao con bé có thể hiểu được những ám ảnh trong một tình yêu đã xa vời của chị. Mẹ chị cũng cực kỳ khó chịu điều ám ảnh này, bà bảo chị tâm thần hoang tưởng, giục chị đi bệnh viện tâm thần khám bệnh. Chị cười buồn, người già thường sống bằng quá khứ. Ở tuổi xấp xỉ bốn mươi, không biết chị có phải là người già không nữa. Nhưng chắc chắn một điều, cây phong non trùm khăn đỏ của ngày xưa ấy đã trở thành biểu tượng tình yêu không thể mất đi trong chị... Trước ánh mắt tròn xoe chờ đợi của con bé, chị không thể nói khác đi: "Cô tìm nhà để mua, ở trong xóm này, có ai bán nhà, con chỉ dùm cô". Mắt con bé lại tròn xoe hơn: "Mua nhà ở xóm này hả cô? Cô đừng có ý nghĩ như vậy, gần một năm nay nhiều nhà ở xóm Đường Băng này đã ra đi, họ sợ bị "ka" đó cô à!". Đến lượt chị ngạc nhiên: "Ka là cái gì?". Con bé thao thao bất tuyệt. Ka là bị bệnh ung thư đó cô. Từ ngày con biết cái vụ ka này, xóm con đã chết hết hai người. Hai người đều bị bệnh ung thư. Người ta nói xóm con nằm trên đường băng của một sân bay cũ trong chiến tranh nên ở dưới đất còn nhiều chất độc da cam lắm. Chất độc da cam theo nước uống vô trong người mình, làm cho mình bị bệnh đủ thứ, đáng sợ nhất là bệnh ung thư. Ba con cũng đang bị ung thư đó cô. Nè, cô ra đây, con chỉ cho cô xem. Con bé vô tư kéo tay chị ra sân, nó chỉ vào những vết chặt sâu hoắm trên thân cây phong non của chị: "Mỗi lần bị bệnh hành, ba con đau lắm. Để quên đi những cơn đau, ba lấy dao ra chặt vào thân cây. Vết chặt nào càng sâu, là lúc đó ba càng đau dữ dội." Chị nghe lòng mình nhói lên: "Sao con biết khi ba đau nhiều thì vết chặt càng sâu?". Con bé lại tròn mắt: "Con đoán là như vậy thôi. Cô biết không, con đọc báo, thấy người ta đã chế tạo được máy làm đau như bệnh ung thư vậy. Khi đeo máy này, người không bệnh sẽ cảm thông được với người bệnh để mà an ủi, sẻ chia... Con không có máy để đeo như vậy cho nên phải nhìn những vào những vết ba chặt ở thân cây để mà đoán". Con bé hồn nhiên, nhanh nhảu khiến chị càng thấy gần gũi và yêu nó hơn.
Thạch Thảo đang học lớp chín. Thảo bảo sức học của nó chỉ trung bình thôi, không làm sao giỏi được vì nó phải thay mẹ chăm sóc ba. Từ ngày biết ba mắc bệnh "ka", mẹ dắt thằng em trai sáu tuổi bỏ nhà ra đi biền biệt. Chị hỏi: "Ba bệnh mà đi đâu vậy?". Thảo bảo, ba chẳng đi đâu cả, chỉ ra ngoài cái chòi cất trên ao rau muống sau nhà để vẽ lung tung cho vơi đi nỗi buồn bệnh tật. Ba Thảo là thợ vẽ tài hoa, vẽ cái gì cũng giống, cũng đẹp. Từ ngày biết ba mắc bệnh "ka", không ai tìm đến đặt hàng nữa. Đó cũng là một trong những lý do khiến mẹ Thảo bỏ nhà ra đi. Thảo chép miệng nhìn xa xăm: "Mẹ nói là đi kiếm sống, gửi tiền về nuôi hai cha con nhưng con biết là mẹ sẽ không bao giờ trở về. Đêm ấy, ba với mẹ giành nhau thằng cu Nheo nhưng khi nghe mẹ nói, ông bệnh lấy cái gì nuôi nó thì ba xuôi tay... Cô hỏi gì, con có khóc không hả, khóc nhiều chứ nhưng những lúc như thế này, con phải thương ba hơn là thương mẹ. Con ở lại với ba, học hành nhờ tập vở từ thiện, mỗi tháng mẹ gửi về được hai trăm ngàn đồng cộng với tiền trợ cấp nạn nhân chất độc da cam của ba mà đắp đổi qua ngày. Cô ngạc nhiên hả, ba được công nhận là nạn nhân chất độc da cam thiệt mà. Người ta nói, chưa có điều kiện xét nghiệm mấy người bị nhiễm chất độc da cam như ba con, nghe nói muốn xét nghiệm phải gởi mẫu máu người bệnh qua tận bên Mỹ đó cô ơi, mà một lần xét nghiệm phải tốn đến cả chục ngàn "đô" lận. Cô có biết vì sao mấy người bệnh như ba con và mấy đứa trẻ dị tật trong xóm được lãnh tiền, được tặng quà không? Đã mấy lần người ta lấy nước và rau xanh trồng ở mấy nhà trong xóm con đi xét nghiệm rồi đó cô...".
Những lời kể chân tình của con bé khiến chị cảm thấy yêu quí mái nhà tranh màu xám xịt và cây phong non của mình hơn. Chị nghĩ cần phải làm một điều gì đó cho hai cha con. Con bé đưa chị ra cái chòi trên ao rau muống. Một người đàn ông vàng vọt, xanh xao ngồi tựa lưng vào cột chòi như đang thiền, thấy chị bước qua những nhịp cầu ván rung rinh, ông nhắm mắt lại. Thảo nói với cha: "Ba ơi, con mới quen được cô này hay lắm, cô muốn ra chào ba, ba mở mắt ra đi ba!". Người đàn ông vẫn nhắm mắt. Như đã quen với cách sống của một người bệnh khó tính, xem như không có chuyện gì xảy ra, Thảo quay qua chỉ hàng loạt những bức tranh xếp đứng xếp ngồi trong góc lều: "Đây là những bức tranh ba con chép lại của các danh họa thế giới đó cô. Có lần hết tiền xài, ba kêu đem bán nhưng chẳng ai mua...". Không muốn ép người đàn ông vào thế khó xử, chị xin phép ra về. Trước khi ra về, chị bảo Thảo mang cho chị xem những bức tranh chép mà nó đã định mang bán trước đó. Chị chọn lấy hai bức và trả cho con bé một số tiền phù hợp. Con bé lưu luyến tiễn chị ra tận cổng nhà, còn vẫy tay theo bảo :"Nhớ ghé lại nhà con nữa nghen cô, nhà có cây dương xanh xanh nè!".
Anh ôm đàn guitare: "Yêu người yêu cả cơn mê rụt rè, yêu bằng gió núi qua khe...". Con bé Thảo hứng khởi chưa từng thấy, nó chạy tới chạy lui chuẩn bị  bữa ăn trưa cho ba người. Chị phụ nó cuốn những cuốn chả giò bé xíu bằng ngón tay út. Chị bảo: "Con mua bánh tráng làm chi mà nhỏ vậy, cuốn bánh nhỏ xíu, mỗi lần bỏ vô miệng nhai như cọp nhai bù mắt". Thảo cười: "Ba con thích như vậy, cuốn chả nhỏ, ăn giòn tan mới ngon!". Anh nhìn hai cô cháu gật đầu mơ màng: "Cảm ơn cuộc sống của tôi". Rồi hát tiếp, hát to và trầm ấm hơn. Ngôi nhà nhỏ có cây phong non của cha con anh chưa bao giờ ấm cúng như vậy. Sau bữa ăn, chị lấy trong túi ra một lô một lốc những hợp đồng. Bà chủ tiệm đồng hồ ở đầu chợ đặt anh vẽ bức tranh to có chú mèo cột nơ để làm quà sinh nhật cho đứa cháu. Ông thầy dạy Anh văn trong xóm chị đặt bức tranh vừa vừa theo kiểu "Mùa thu vàng" của Lêvitan để trang trí cho phòng học mới. Cô chủ bán cà phê thích nhạc chuyên đề nhờ anh họa lại chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn theo cái thần của "Một cõi đi về"... Cứ vậy, đã gần nửa năm nay, anh có việc làm đều đặn, thu nhập chỉ đủ chi dùng cho hai cha con nhưng cũng đã vui lắm rồi. Anh đã thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn. Không hỏi thêm gì về những bản hợp đồng, anh mời chị ra bàn ngồi uống trà. Vẫn như mọi khi, chị nghiêng đầu nhìn anh chăm chú. Anh hỏi: "Nhìn làm chi dữ vậy?". Chị bảo: "Anh có nhớ uống thuốc đều không, độ rày em thấy anh xanh xao quá". Anh tròn mắt ra: "Tại sao tôi lại không uống thuốc cô mua cho nhỉ, cái thứ thuốc cao rắn ấy, uống vào, nóng như lửa đốt trong người nhưng được cái bớt đau nhiều, các tế bào ung thư trong dạ dày của tôi dường như đang hoạt động lại bình thường hay sao ấy". Cả hai người cùng cười sau câu nói đầy tự tin ấy. Chị lại mở túi, lấy thuốc đặt lên bàn: "Em lấy thêm phần này cho anh, kỳ này không phải uống một tuần mà là uống một tháng. Em phải đi công tác xa, anh cứ canh đi, khi nào anh uống hết mớ thuốc này thì em về. Còn đây là tiền cọc của những bức tranh mà người ta đã đặt anh vẽ, chỉ năm mươi phần trăm thôi, khi nào em về, giao hàng cho người ta xong, mình sẽ lấy hết phần tiền còn lại". Anh áy náy: "Hay là cô để bé Thảo mang hàng đến giao cho người ta cũng được, cha con tôi đã làm phiền cô nhiều quá rồi?". Chị lắc đầu: "Anh không được nghĩ như vậy, em giúp cha con anh được lúc nào hay lúc đó, sống trên đời này đã không biết nhau thì thôi...". Nói xong, chị ngập ngừng nhìn vào mắt anh: "Anh nói thật đi, thuốc cao rắn này có làm anh bớt đau không?". Anh cười, hất hàm ra trước sân: "Cô không thấy cây phong non của chúng ta không còn vết chặt mới nào sao?". Chị gật đầu: "Em tin anh và thật tình mong như thế. Phước chủ may thầy mà, biết đâu phải không anh?".
Như mọi lần đến nhà anh, chị không muốn ở lại lâu khi đã nói hết chuyện vẽ vời, chuyện bệnh hoạn của anh. Và đặc biệt là con bé Thảo đã "lỉnh" đi đâu mất, nó "tế nhị" để hai người nói chuyện tự nhiên. Chị không mong và không chờ đợi những phút giây này. Chị sợ những điều riêng tư xảy ra. Sau những đổ vỡ với Quang, chị cảm thấy mình không còn sức để gánh lấy những tai ương của cuộc đời. Thật tình, đã bao nhiêu lần chị tự nhủ mình, hãy đến với cha con bé Thảo như đến với những người thân trong gia đình. Nhưng đôi khi chị vẫn không cưỡng được mình, không thực hiện được quyết tâm hai tuần hãy đến thăm cha con bé Thảo một lần. Thế là cứ mươi ngày một lần, chị mang đến cho hai cha con đầy ắp những niềm vui và ánh sáng. Trước lúc đến và sau khi về, chị đều có cùng một trạng thái tình cảm: vui và thấy còn nhiều điều cần làm phía trước. Trước khi đi ngủ vào buổi tối sau mỗi bận đến nhà anh, chị vẫn tự trấn an mình, có gì đâu, anh ấy yêu đời và dễ thương như thế. Vẻ chán chường, khắc khổ và bất cần của anh trong ngày đầu gặp gỡ chỉ là cánh cửa khép hờ thôi. Chị đến và đã mở toang được tất cả... Tất nhiên là như vậy rồi. Những bức tranh của anh đều là những lời nói dung dị, chân thành về cuộc sống. Hoa phong lan tím biếc, nồng nàn. Khung cửa sổ với khói lam chiều quấn quýt con bé Thảo tuổi trăng tròn đầy mơ ước. Cánh diều tuổi thơ cho cu Nheo biết nói biết cười trong những đám mây ngũ sắc bềnh bồng cao... Anh nói về cuộc đời mới tươi sáng làm sao. Khi chuyện trò với chị, anh thi vị hóa cả những điều bình thường nhất trong cuộc sống như tiếng rao hàng của bà mua bán ve chai,  ánh nắng rọi xuống lung linh qua kẽ hở của mái nhà, bông hoa rau muống nở lẻ loi trong góc ao kín mặt bèo, bọn chuột nhắt đuổi nhau sột soạt trong góc nhà... Anh cười sáng bừng gương mặt. Chuông điện thoại reo. Chị nhìn đồng hồ, gần một giờ sáng. Quang gọi từ bên Nga về. Chắc chắn là như thế...
Chị đứng yên trong vòng tay Quang. Quang ghì xiết chị nồng nàn, say đắm: "Anh đi nhé, năm sau anh lại về!". Chị cười buồn, gật đầu, không dặn dò, nhắn nhủ thêm điều gì. Cứ vậy, tùy Quang thích đi và thích đến. Còn chị thì không tài nào nói được lời từ biệt với cây phong non trùm khăn đỏ và nước Nga đầy huyền thoại về tình yêu và những bất trắc về tình yêu. Lần này, chị không đưa Quang ra sân bay. Quang cũng chẳng thắc mắc. Bởi có hỏi thì chị cũng bảo: "Em cứ thấy buồn buồn thế nào". Và Quang sẽ thêm: "Ừ, thà như vậy để khỏi thấy mình tuyệt vọng". Xe đón Quang đi để lại một vệt bụi mù, chị ho khàn khàn và kéo cao cổ áo. Chị phải trở về ngay ngày hôm nay, kỳ nghỉ phép dành cho Quang đã muộn mất hai ngày. Cộng thêm một tháng đi công tác xa, đã hơn năm tuần chị xa thành phố, biết bao công việc đang chờ đợi chị ở nhà và cơ quan.
Qua cửa sổ phòng làm việc, chị thấy tim mình muốn vỡ ra hàng ngàn mảnh khi cây phong non ấy rung lên từng đợt, từng đợt, từng đợt... mãnh liệt đến liên hồi. Đưa tay ôm lấy ngực, chị quay lại tìm người bạn cùng phòng. Chị bạn hiểu chuyện nhìn chị đến se sắt, bàng hoàng: "Đến ngay đi, nó cứ rung lên như vậy cả tuần nay rồi". Chị chạy xấp ngửa xuống cầu thang. Bước vào nhà để xe, tay chân chị thừa thãi, lóng ngóng, không tìm đâu ra xe mình. Người bảo vệ nhà xe lắc đầu, bảo: "Chị đang rất không bình thường, không được lái xe. Bây giờ chị muốn đi đâu, tôi gọi tắcxi cho". Đi như bay vào con hẻm nhỏ có ngôi nhà mái tranh màu xám xịt và cây phong non, chị phải ngồi thụp xuống mấy lần để thở, chưa đến hiên nhà, chị đã gọi: "Thảo ơi...". Con bé ngồi gục đầu vào cây phong non của chị, đôi vai gầy nhỏ nhắn run lên, một tay ôm đầu, một tay nắm chặt chiếc dao bản dày và sắc. Chị ào đến ôm chặt lấy con bé: "Sao con lại làm vậy, ba đâu?". Con bé khóc òa: "Con làm rung cây cả tuần nay mà sao giờ này cô mới đến?". Chị đỡ Thảo đứng lên, bàn tay của con bé bị phồng rộp đến rướm máu. Chị quẳng chiếc dao vào gốc cây phong, nơi đó đang ứa và đọng lại  một thứ nhựa màu đỏ quạch, đỏ như màu máu...
Nước mắt tuôn đã ấm mặt nhưng không biết từ đâu như suối nguồn, nó vẫn cứ tiếp tục trào ra, chị bậm môi cố nén để đừng khóc thành tiếng. Người đàn bà mặc nguyên bộ đồ tang đứng trong góc phải bàn thờ người mới mất đã chuyển từ trạng thái cùng than khóc với chị và bé Thảo sang thái độ xét nét, khó chịu. Không cần hỏi nhưng chị vẫn biết bà ta là ai. Ở góc trái bàn thờ, thằng cu Nheo sáu tuổi khờ khạo, nghiêng đầu nhìn mãi ảnh cha. Con bé Thảo ngậm ngùi nhưng cũng cố thanh minh: "Mẹ con về tình cờ, định kêu người ta bán phần đất trên ao rau muống thì ba mất". Bao nhiêu chuyện tình cờ trong cuộc đời này đã xảy ra để mọi người phải tự vấn, hối tiếc, đớn đau? Cũng như anh tình cờ ra đi sau năm tuần không gặp được chị. Cũng như tên trộm nào đó đã tình cờ cuỗm mất chiếc điện thoại di động của chị ở sân bay để bé Thảo không thể liên lạc với chị khi cần thiết như lời chị dặn. Cũng như chị tình cờ phải dành hẳn một tuần nghỉ phép cho Quang, điều mà chị không bao giờ thích thú khi nghĩ đến nhưng vẫn cứ bị lôi kéo bởi sự huyền ảo một thời của cây phong non trùm khăn đỏ? Và chị cũng đã tình cờ quên mất cha con anh trong năm tuần lễ tất bật giữa công việc và tình yêu, dẫu chị biết rất rõ rằng, mối quan hệ họ có được không phải do ngẫu nhiên, vô tình...
Đã gần ba giờ sáng nhưng mắt chị vẫn ráo hoảnh. Chị tỉnh táo lạ thường, đáng ghét. Chọn một đĩa nhạc không lời hay nhất cho vào máy nhưng chị vẫn không nghe nỗi. Bởi cứ mỗi lần nhạc trỗi lên, nhắm mắt, chị lại thấy anh ngồi trong tiếng đàn thánh thót, nụ cười với hàm răng trắng sáng bừng gương mặt. Và bao nhiêu là ý tưởng của cuộc đời lại hiện về trong đống tranh anh vẽ, bày ngổn ngang trong phòng chị. Hơn nửa năm trời, anh đã vẽ cho chị hàng trăm bức tranh. Đúng ra là vẽ cho khách hàng. Có lần anh bảo: "Cô tìm mối hay thật đấy, dường như tất cả những người quen của cô đều rất thích hội họa". Chị cười: "Bạn em thế cả!". Chị không tin vào phép màu của thứ thuốc làm bằng cao rắn nhưng vẫn cố tin, bởi một người tha thiết yêu đời yêu người như anh thì không thể biến mất khỏi thế gian này. Chẳng có mối lái gì sất, chị tập trung tiền để mua tranh, sức anh vẽ được bao nhiêu tranh trong những ngày tháng còn lại của cuộc đời, chị mua bấy nhiêu. Cũng là mua lòng tin vào sự sống còn sót lại như nắng chiều tàn tạ trong anh. Mua cho con bé Thạch Thảo bé bỏng, tội nghiệp một nụ cười hàm tiếu trước ngưỡng cửa cuộc đời. Mua lòng tin cả cho chị về một tình yêu có thật của cây phong non trùm khăn đỏ trước đó hai mươi năm...
Chị nằm xuống, bỗng thấy ngực mình nhói đau. Lại ngồi dậy, mở tủ tìm thuốc uống. Bọc thuốc cao rắn to tướng do con bé Thảo gói trả lại cho chị khi sáng lại lù lù hiện ra. Chị nhớ lời con bé nói. Trước khi cô đến vài tháng, đã có người mách cho ba con thứ thuốc nam này. Ba uống thử nhưng cơ thể bị hành nóng và đau lắm, chịu không nổi, sau không mua uống nữa. Ba nói, thôi, người có số, tới đâu hay tới đó. Đến khi cô mua đem đến cho ba thì ba bảo với cô và con là ba thích uống và nhờ nó mà bệnh tình thuyên giảm. Trước lúc ba mất một ngày, ba nói con gửi gói thuốc này lại cho cô và cảm ơn tất cả những sự kỳ diệu mà cô đã mang đến cho cha con con. Cô có tin là sự kỳ diệu của lòng tin làm ba con bớt đớn đau không? Chỉ một phần thôi cô à. Đó là những lúc có cô đến chơi nhà. Còn lại, ba con cũng đã chịu đựng những cơn đau rất dễ sợ. Những lúc đó, ba không cầm dao ra chặt vào thân cây phong non của cô nữa. Ba cắn răng ngồi bên giá vẽ để vẽ chân dung cô, vẽ không có người mẫu nhưng vẫn giống thiệt là giống phải không cô... Anh vẽ chân dung chị trong cơn đau thật dễ sợ. Một chân dung khắc nghiệt và quả quyết. Người phụ nữ vừa mềm yếu vừa cứng cỏi trong tranh là chị chưa kịp có một làn môi nóng bỏng để đợi chờ. Thảo bảo, ba không vẽ kịp nữa, những ngày cuối cùng, ba rất đau, ngồi không nổi... Chị bám tay vào đầu tủ, nhón mười đầu ngón chân sẽ sàng ngước lên nhìn bức chân dung dở dang của mình bên cạnh ảnh anh cười tươi tắn, bình hoa huệ trắng nõn và mùi nhang thơm quấn quýt gian phòng lạnh vắng, cô đơn. Cầm lấy bức chân dung dở dang của mình xuống, ôm chặt nó vào lòng, chị ngồi như hóa đá. Bầu trời trĩu nặng mây đen và hơi nước nhưng không mưa nổi làm không khí thành phố càng về sáng càng ngột ngạt. Có tiếng chuông nhà thờ đâu đó rung lên thống thiết và da diết, lại một người vừa mới qua đời...  
THU TRÂN ( TuoiTre )

P02: MAI đi nhà trẻ

Hết tết, bà chủ lại đưa Mai đi nhà trẻ. Nói chính xác hơn là Mai được về nhà của Mai. Ngôi nhà của Mai nằm ở ngoại ô, giữa mảnh đất rộng sát bờ sông, suốt ngày lộng gió. Ngôi nhà mãi mãi bền bỉ với thời gian bởi những cánh cò cổ tích chấp chới suốt ngày trên những cánh đồng xanh ngút ngàn bên kia sông.
Bạn bè ở chung nhà với Mai, ngoài họ hàng nhà Mai, còn có nhiều giống cây quí khác. Những giống cây cũng đi nhà trẻ như Mai vì các ông chủ, bà chủ không biết cách chăm sóc. Sau khi chê giá gửi Mai vào nhà trẻ năm nay đắt hơn năm trước đến hai mươi ngàn đồng, bà chủ phủi đít quần đi một nước, không thèm ngoái lại nhìn hay chào Mai dù chỉ một tiếng. Sau khi ghi tên Mai vào danh sách trở về, công việc đầu tiên của ông Tư là đứng ngắm nghía Mai. Ông làu bàu:
- Tưởng dân chơi mà không biết cách chơi, mua cây mai làm chi cho mắc rồi rước con người ta về ăn tết mà đổ đầy rượu tây và tàn thuốc vào gốc vầy nè!
Nghe ông Tư nói đúng nỗi niềm, nước mắt Mai ứa ra. Không, chút xíu nữa là Mai nấc lên thành tiếng. “Con người ta”. Đó, thấy không, ông Tư thương và quý Mai như một con người. Cả đời, Mai chỉ có mỗi ước ao: được ở lại vườn ăn tết với cha con ông Tư nhưng không bao giờ được cả. Mai nhớ rất rõ là Nam - người con trai hiếu thảo của ông Tư, cũng có một tâm niệm tương tự. Mai nghe Nam nói với cha vào những ngày giáp tết: “Ước gì chủ của Mai đừng đón nó về, cha nhỉ?”. Không đón làm sao được, khi mà Mai sung sức và đẹp rỡ ràng thế kia. Cội Mai to bằng bắp chân người lớn, nhánh Mai vươn ra khắp nơi như những bàn tay con trẻ vẫy chào. Hoa Mai xếp hàng hàng lớp lớp quyến rũ bao đàn bướm bay chập chờn. Sắc đẹp của Mai là niềm tự hào cho cả vườn hoa nhà ông Tư. Trước khi tắm táp cho Mai, mừng Mai trở về, ông Tư đã cẩn thận tỉa tót lại cành cho Mai. Mai ngẩn người ra sung sướng, bàn tay chăm sóc của ông Tư mới êm ái làm sao! Chẳng bù cho bọn trẻ ở nhà bà chủ, chúng nó táy máy đủ trò trên người Mai. Đến nỗi có lúc Mai nghĩ rằng, giá mùa xuân này mình đừng ra hoa, để được ở lại và chứng kiến thời khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới bên bến sông này, vâng, chỉ một lần thôi...
Dù thế nào đi nữa thì Mai cũng vẫn ngẩn ngơ như một người lạ khi mới về vườn. Không khí và cuộc sống ba ngày tết ở nhà bà chủ giàu có và sang trọng quả có lúc đã quá sức chịu đựng của Mai. Mai sống khoáng đạt với trời đất, cây cỏ quen rồi. Cả cha con ông Tư cũng thế. Họ sống giản dị và thân tình làm sao. Vì thế, dù đã trở về nơi chốn cũ, Mai vẫn cứ mơ mơ màng màng. Có lúc Mai còn nghe loáng thoáng tiếng ông Tư:
- Sao vậy con, gió về kìa, lao xao lên mà reo vui đi chứ!
Cô Mai chiếu thủy bên cạnh nhìn Mai lạ lẫm:
- Con bé này như không còn sinh lực ấy!
Anh Khế tây cười ý nhị:
- Nhớ ai rồi phải không?
Không nhớ ai cả. Mai lắc đầu cười nhẹ. Như đùa với Mai, bác Gió chu môi thổi ào ào. Mai co ro người lại, sởn cả gai ốc. Kỳ lạ thật đấy, chuyện sởn gai ốc chỉ có gần đây khi Mai phải đứng làm dáng trong phòng khách nhà bà chủ. Phòng khách lúc nào cũng có chiếc máy lạnh chạy hết công suất. Cho đến khi về với bác Gió mà Mai vẫn sởn gai ốc, sao kỳ vậy. Chẳng bù cho trước kia, bão táp phong ba đến cỡ nào, Mai vẫn oằn người kiên cường chống chọi. Nếu biết điều này, Nam sẽ bảo, đó là hiện tượng kháng gió, cũng giống như là hiện tượng kháng thuốc vậy, gió không còn tác dụng làm Mai mát mẻ, yêu đời như ngày nào. Vâng, được chứng kiến bao nhiêu là hỷ-nộ-ái-ố trong nhà bà chủ ba ngày tết, Mai thấy mình đã được nâng lên tầm cảm nhận của một con người. Mai ghét bà chủ quí trọng người giàu, khinh khi người nghèo. Mai bực mình ông chủ bạc nhược không dám quyết điều gì, thương người con dâu giỏi giang, thông cảm với mối tình của anh con trai và cô gái giúp việc trong nhà...
- Anh hãy nói đi, dù thế nào thì anh vẫn yêu em chứ?
Cô gái muốn nghe một lời khẳng định lại tình yêu của anh con trai bà chủ. Sau tết cô sẽ trở về quê chăm sóc mẹ già bị bệnh, không biết đến bao giờ họ mới được gặp nhau. Họ đẹp đôi và dễ thương là thế nhưng không được phép yêu nhau chỉ vì môn đăng hộ đối.
- Mẹ nói đi, cô ấy có tội tình gì mà không được yêu con?
- Nghèo, tội nghèo, mày biết chưa?
- Nghèo không phải là cái tội!
- Nhưng với mẹ mày thì đó là cái tội, hiểu chưa?
- Con không cần hiểu!
Anh con trai bóp vỡ ly nước thủy tinh đang cầm, lòng bàn tay anh tóe máu. Bà mẹ la lên chói lói, lại chỉ vẫn là cô gái giúp việc xuất hiện. Cô nắm lấy bàn tay người yêu để gỡ bỏ những mảnh thủy tinh và băng bó cho anh. Chắc là lòng cô đau lắm, bởi đã có một, hai, ba... giọt nước mắt ấm nồng của cô rớt trên lá Mai. Cuối cùng thì những mảnh vỡ li ti của chiếc ly cũng được tống khứ vào chậu Mai. Mai nghe chân mình đau và rát để cảm nhận được đến tận cùng nỗi đau vì không được yêu toại nguyện của chàng trai. Buổi chiều ba mươi tết ấy họ đã đưa nhau đi đâu. Để đến khi quay về, không có cô gái giúp việc, mà chỉ có chàng trai say mèm. Bà chủ vừa lau mặt cho con trai vừa làu bàu: “Yêu chi mà ngang trái”. Làm sao mà ngang trái được. Mai từng nghe ông Tư nói, mọi sự ngang trái trên đời này không bắt buộc phải phụ thuộc vào sức mạnh vạn lực của đồng tiền. Vấn đề quan trọng là con người cảm nhận và giải quyết được sự ngang trái ấy như thế nào. Nhưng Mai vẫn thương nhất người em gái nghèo của ông chủ. Bà ấy đến chúc tết anh mình vào sáng ngày mồng một. Người ta đã đối xử với bà một cách thậm tệ. Thậm chí còn không thèm mời bà ngồi ghế. Khi không được mọi người quan tâm, bà đã ân cần tưới cho Mai mấy ly nước mát. Mai biết ơn bà vô cùng. Nhờ thế mà đã tống khứ được cái mùi khai nồng khó chịu toát ra từ nước tiểu của thằng nhóc ba tuổi trong nhà.
Dù được đứng ở chỗ trang trọng nhất phòng khách nhưng lòng Mai vẫn không vui. Trong ngôi nhà sang trọng này, mọi người đối xử với nhau như thế nào ấy. Người dữ quyết định mọi điều, người hiền không có quyền lên tiếng. Không ai muốn nói thật những điều mình đang nghĩ. Chàng trai bị cấm yêu sau đó không thèm nói một tiếng với bất cứ ai trong nhà. Cô gái giúp việc bỏ về quê, người con dâu chịu thương chịu khó cứ lầm lũi lau dọn nhà cửa thay cô. Cùng ngồi tiếp khách với bà chủ trong vòm ghế xôpha rộng thênh thang, ông chủ cứ loay hoay như một con cánh cam rơi vào mạng nhện. Nhất cử nhất động, mỗi lời ông nói, ông cười đều phải có sự đồng ý của bà chủ. Mai biết có những lúc bà chủ thật sự cô đơn. Vì không ai muốn gần bà ta cả. Nhưng ba ông Phước Lộc Thọ đang được treo toòng teng trong góc nhà đã cười ha hả: “Có cái ác nào mà không phải trả giá đâu, đáng đời!”.
Dù đã bước sang tuổi sáu mươi nhưng bà chủ có cả một tủ quần áo to đùng và bao nhiêu đồ trang sức đắt tiền. Mai nghe cô con dâu kháo với bạn bè, rằng trước tết, bà còn đi mỹ viện dán mắt, bơm môi... Nhưng chẳng ai thấy bà đẹp cả. Mai chắc rằng, khi được cặp kè cùng ông chủ ngoài phố, bà cũng chẳng sung sướng gì khi ở vai trò thống trị. Chỉ có thằng bé lên ba, thằng cháu nội đích tôn của bà, là dám nói dám làm mọi thứ. Nó còn hồn nhiên như là cây cỏ. Nó sẵn sàng lăn ra khóc toáng lên khi bà nội nó đuổi thằng bé bán vé số biết huýt sáo như chim ra khỏi nhà. Nó đòi tìm cô gái giúp việc về bằng được vì “mẹ kể chuyện không hay bằng cô”. Nó lấy kẹo mứt trong khay phân phát thoải mái cho những đứa trẻ nghèo trong xóm. Chỉ vừa mới sáng nay, khi bà chủ gọi xe ba gác đến đưa Mai về vườn, nó đã hét lên như còi xe hơi: “Không được đưa Mai đi nhà trẻ! Không được đưa Mai đi nhà trẻ!”. Sự đáng yêu đôi khi này đã khiến Mai cảm thấy dễ chịu hơn với mùi nước tiểu của nó còn lưu lại trong chậu suốt mấy ngày qua. Dù vậy, Mai vẫn đếm từng giờ, mong cho tết qua mau. Mai sợ lắm rồi hơi rượu, khói thuốc và tiếng nhạc xập xình đinh tai nhức óc. Mai nhớ lắm rồi mùi gió thoảng ngọt ngào đưa lên từ sông, nhớ bàn tay Nam mân mê từng cành lá của Mai, nhớ ánh mắt Nam ngời sáng khi Mai trút hết lá trên người để ra những chiếc nụ đầu tiên trong mùa...
Nhưng đến khi ông xe ba gác khom lưng, nhấn chân đạp những vòng quay đưa Mai về vườn, Mai bỗng thấy lòng không yên. Dù phải về quê để chăm sóc mẹ nhưng cô gái giúp việc phải một lần gặp lại để từ giã và hứa hẹn điều gì đó với chàng trai chứ. Lòng chàng đang héo rũ ra như một tàu lá úa. Thưa Chúa Xuân, bà phải làm sao cho cô ấy quay về để mang lại nhựa sống cho chàng trai, để cho đất trời này hòa quyện lại thành một, để cho những người yêu nhau được tha hồ yêu nhau. Mai cũng không thấy người em nghèo khổ, tội nghiệp của ông chủ quay lại để Mai cảm ơn bà một tiếng. Ngoại trừ bà ra, không ai nhớ cho Mai một giọt nước nào trong ba ngày tết. Nói như ông Tư, đó là ơn cứu sinh, phải nhớ đời đời. Kể cả thằng bé ba tuổi. Vâng, Mai cũng chỉ mong nó tốt hoài, hồn nhiên hoài như thế.
Tiếng hót của chú chim chìa vôi trên cành cao làm Mai tỉnh hẳn. Đó là những thanh âm lúc bỗng lúc trầm như một con thuyền phải trôi qua nhiều ghềnh thác. Sự chu du ấy mới kỳ diệu làm sao, nó như đeo đẳng theo Mai suốt cuộc đời. Nó thức tỉnh Mai mọi lẽ thiệt hơn trên đời. Có gì đâu, mọi thứ rồi sẽ qua đi, rồi sẽ giản đơn, giản đơn như chuyện ngàn hoa phải nở vào mùa xuân vậy. Mai sẽ lại được sống êm đềm bên bến sông này với cha con ông Tư cùng bao nhiêu là hoa thơm cỏ lạ đến ba trăm sáu mươi ngày. Còn năm ngày tết ở nhà bà chủ là phù phiếm, hư vô... Dù miên man như thế nhưng Mai vẫn nghe có tiếng bước chân thân quen đến gần, Mai khẽ nghiêng người chào đón, Nam đi học về. Chắc là anh sẽ vui lắm đây. Sẽ á à lên mà bảo: “Mai mới về đấy hả ba? Trông nó cũng không xơ xác mấy nhỉ. Nhưng không sao, con sẽ làm cho nó yêu đời, tốt tươi trở lại”. Rồi anh sẽ tưới cho Mai mấy thùng nước, nhặt dùm Mai mấy chiếc lá sâu. Khi ấy, Mai sẽ ngoan ngoãn đứng im cho anh chăm sóc, thậm chí nếu gió có ào qua, Mai cũng không thèm lả lơi, đưa đẩy... Nhưng mà không phải như thế, hôm nay Nam trở về trong tâm trạng không bình thường. Anh có vẻ đăm chiêu và buồn tư lự. Đôi lần, Mai cố tình vẫy lá cho Nam thấy sự trở về của mình nhưng anh cũng chẳng quan tâm. Mai buồn muốn khóc. Được một lúc, Mai nghe ông Tư bảo:
- Thế nào, hôm nay con đã đăng ký tham gia cuộc thi chứ?
Nam chần chừ một lúc rồi kéo ghế ngồi cạnh cha:
- Xin lỗi ba, con đã nghĩ kỹ rồi, năm nay con chỉ mới hai mươi tuổi, con đường phấn đấu còn dài, lúc nào muốn ra nước ngoài học hành, thi thố lại chẳng được...
Ông Tư gằn giọng:
- Vậy là con vẫn giữ ý định của mình...
- Năm nay ba gần bảy mươi tuổi rồi, con phải có trách nhiệm với ba. Ba đã còng lưng nuôi con ăn học bao nhiêu năm nay. Cơ hội này gác lại, rồi sẽ có cơ hội khác ba à!
- Nhưng trong đợt thi tuyển này, cả khoa sinh - hóa không ai có đủ điều kiện và triển vọng bằng con. Con từ chối tham gia cuộc thi chẳng những phụ lòng ba mà còn phụ lòng các thầy các cô trong khoa nữa, biết không? Hơn nữa, nếu được ra nước ngoài học tập, con còn có học bổng. Ba ở nhà với tiền công chăm sóc vườn cây này cũng đủ đắp đổi qua ngày...
Giọng Nam nói như muốn khóc:
- Con đi rồi, mỗi chiều... làm sao ba kham nổi việc tưới hàng trăm cây cảnh trong vườn này..., làm sao ba chăm sóc chu đáo bầy chim quý của ông chủ... để rồi lại bị quở trách, la mắng... Con muốn được ở lại để đỡ đần ba. Thôi, học trong nước cũng được ba à...
- Nhưng con ơi, đó là nguyện vọng của ba, đời ba hy sinh tất cả cũng vì con...
- Không, con không thể bỏ mặc ba với tuổi già, năm năm ở nước ngoài với con lúc này thật vô cùng khủng khiếp, ba ơi, ba phải thông cảm cho con, ba còn chứng đau thấp khớp, chứng gai cột sống, rồi những khi trái gió trở trời...
Ông Tư đập mạnh tay lên bàn:
- Không nói gì hết, con phải đăng ký tham dự cuộc thi này, đời người có những cơ hội qua đi không trở lại bao giờ. Ngày mai còn kịp đăng ký không?
- Sáng mai là hạn cuối ba à! Nhưng ba phải cho con quyền được quyết định chứ! Xin lỗi ba, con đã quyết rồi.
Người con trai dứt khoát đứng lên và bỏ đi. Người cha ngồi lại một mình với đôi vai run lên. Được một chút, ông Tư cũng lảo đảo bước ra như một người say rượu. Đêm kéo màn đen nhờ nhợ, trên bầu trời lấp lánh những ánh sao. Một làn gió thoảng qua, Mai rùng mình thấy lạnh...
Được một lúc, Nam lại quay về với cô bạn gái xinh xắn học cùng lớp. Anh kéo chiếc ghế gỗ dài đến cạnh gốc Mai:
- Ly ngồi đi, Nam lấy nước uống nhé, đã bảo tối nay không cần đến mà cũng đến làm chi cho cực vậy.
Nam bước vào nhà vội vàng, Mai vươn cành mềm mại mắc vào áo Nam, nhắc cho anh biết là Mai đã trở về. Nam bước ra tần ngần với hai ly nước trong tay, Mai giả vờ làm rơi một cánh hoa khô trên vai áo anh, nhắc cho anh điều, Mai cũng biết là anh đang buồn. Nhưng anh vẫn vô tình như cơn gió thoảng qua hàng đêm, không biết, không hay và không chịu trách nhiệm về những chiếc lá rụng trong vườn đêm qua, đêm nay và mãi mãi đêm... Bù lại, cô bạn gái của anh cũng kịp nghiêng người ngắm Mai một chút, cô đưa ngón tay hồng hào bé xíu mơn man một chiếc lá non trên cành. Nam đưa cho cô một ly nước:
- Uống xong rồi mình đi nghe nhạc nhé!
Ly lắc đầu:
- Đêm nay gặp nhau, không nhạc, không cà phê gì hết!
Nam lởi xởi cố tình:
- Vậy chứ làm gì?
- Nói đến chuyện đăng ký thi học chuyên ngành ở nước ngoài của Nam.
- Có chắc được không mà thi, sao mọi người cứ hay lạc quan dùm mình vậy?
- Không chắc thì thi làm gì. Nam nói đi, vì sao bạn không đăng ký dự thi?
- Không thích thì không thi, Ly lấy quyền gì chất vấn Nam?
- Nam nói dối. Đêm nay, Ly đến đây, chờ nghe Nam nói thật.
- Mình ngại sống ở nước ngoài một thời gian dài...
- Xạo, học chung với Nam hai năm ở trường đại học, ai mà không biết khát khao của bạn, nếu được, bạn còn sẵn sàng lên nghiên cứu sao Hỏa nữa kia!
Nam im lặng, đôi vai anh chùng xuống. Ly nắm lấy tay anh:
- Còn lý do nào, Nam nói đi!
Nam ngập ngừng:
- Nhà Nam... không đủ sức...
- Ngụy biện, nếu được chọn, sẽ có học bổng dài hạn mà!
- Ly biết không, ba Nam đã già...
-Nhưng bác cũng muốn thế...
Nam kề sát mặt vào đôi kính cận của cô bạn:
- Có cần thiết phải đặt mọi thứ vào khuôn như vậy không, Ly? Người ta nói nhiều đến sao Hỏa, đã cho robot Spirit đổ bộ lên đó tìm nước để mong xác định rằng, trước kia sao Hỏa cũng đã từng có ao hồ sông suối... với bao nhiêu là khát khao được chinh phục và sống cùng sao Hỏa. Nhưng không có sao Hỏa, người ta vẫn sống khoẻ, sống tốt và ngày càng yêu Trái đất này hơn kia mà.
Ly tròn mắt cãi lại:
- Nhưng chúng ta đang nói chuyện chỉ cần bạn đi nửa vòng Trái đất thôi mà!
Nam lãng đãng:
- Có thể, đây là đề tài hay. Nếu cần, Nam sẽ bắt đầu từ kỷ đầu tiên của Trái đất, kỷ tạo thiên lập địa và kỷ tạo ra hình hài của những sắc thái tình cảm khác nhau...
Cô gái đưa tay bụm miệng chàng trai:
- Nam buồn cười quá đấy, đừng giả vờ ngây thơ vô số tội!
Chàng trai không nói nữa mà quay sang ôm hôn bạn, cô gái vùng vằng một chút rồi cũng ân cần đáp lại. Mai rùng mình nhẹ. Nụ hôn thật đúng lúc và dễ thương. Nam của Mai bao giờ cũng tinh tế như thế, nồng nàn như thế. Sau nụ hôn, Ly đã trở nên dịu dàng hơn. Họ thầm thì với nhau thật nhiều điều. Cuối cùng vẫn là chuyện thuyết phục Nam đi học ở nước ngoài. Cô bạn cam kết: khi Nam đi học nước ngoài, cô sẽ ở nhà thay anh chăm sóc cha. Nam bảo, anh sợ mọi thứ sẽ không giữ được sau năm năm dài, sợ những món nợ ân tình không có cơ hội đền đáp. Được thể, Ly bực mình gắt lên:
- Nam chẳng quyết được cái gì cả, thế có phải là đàn ông không? Ly tình nguyện giúp Nam bởi vì Ly quí Nam, chẳng phải đền đáp gì cả. Ai cũng trước sau như nhất như bạn, chắc thế giới này đã trở thành thiên đường!
Nam ngớ ra một chút rồi bật cười thành tiếng:
- Đúng vậy, thế giới này đã trở nên ngày càng thực dụng hơn trong tất cả các mối quan hệ. Nhưng Nam cứ vẫn mơ mơ màng màng như sống trong cổ tích vậy. Ly thông cảm cho Nam nhé. Nhiều lúc nghĩ về Ly, Nam cũng giật mình. Tại sao mình nghèo nàn, xấu xí như vầy mà lại quen được một quí nương diễm kiều thế kia. Ly biết không, trừ những khi học ở trường, những khi có dịp phải đi ra ngoài, trở về khu vườn này, Nam thấy mọi thứ mới dễ chịu làm sao! Đêm đêm dạo lang thang trong vườn, Nam tưởng mình chỉ cần với nhẹ tay là chạm đến những ông sao trên trời. Muôn hoa quanh mình phả hương nhẹ nhàng như nhắc nhở rằng, cuộc đời này thật vô cùng đáng sống. Tiếng sóng của dòng sông vỗ ì oạp ngoài xa kia đấy, Ly có nghe không, nó kể cho chúng ta nghe về những điều tươi đẹp của con người...
- Mơ màng quá đấy! Có khi nào Nam sẽ thay đổi một quyết định nào đó do một điều kỳ diệu nào của khu vườn thần tiên này mang lại không?
- Nghĩa là sao?
- Ví dụ như sớm mai, Nam sẽ điện cho Ly và bảo rằng, bạn đã đăng ký đi thi học chuyên ngành ở nước ngoài, chắc chắn như thế vì hoa quỳnh trong khu vườn này đã nở vào ban ngày và hoa mười giờ đã nở vào ban đêm.
- Một ý tưởng hay, cũng nên thay đổi cho thế giới này đỡ nhàm chán hơn!
- Trả lời đi chứ!
- Chắc chắn là có, Nam sẽ điện cho Ly và bảo rằng: “Em yêu, anh sẽ lên đường thực hiện tâm nguyện của cha và em. Hoa quỳnh đã nở vào ban ngày và hoa mười giờ đã nở vào ban đêm. Trật tự thế giới đã đổi thay. Mọi thứ sẽ trở nên thích nghi hơn với cuộc sống hiện tại. Tuổi tác và sức khoẻ của con người sẽ được qui định lại. Tuổi bảy mươi của cha anh bây giờ chỉ ở độ trung niên, còn anh là Phù Đổng...”.
Người bạn gái lặng đi sau tràng thao thao bất tuyệt của chàng trai. Nép vào nhau, họ lại hôn nhau nồng nàn...
Đêm. Mai không ngủ được giữa khu vườn yên ắng. Gian nhà gỗ nhỏ bé của ông Tư cũng thinh lặng. Hai cha con ông đã ngủ từ lâu. Mai thử chợp mắt đến hàng chục lần nhưng ý tưởng ấy cứ ào ạt trở về. Một sự thay đổi thế giới lạ kỳ... Mai có thể làm được điều đó không? Cô Mai chiếu thủy trở mình hụ hợ:
- Ngủ đi, đừng nghĩ ngợi vớ vẩn!
Anh Khế tây cười khùng khục:
- Thay đổi thế giới à? Viển vông, bọn trẻ yêu nhau một cách điên khùng!
Mai cáu lên, ơ hay, tôi không hề có ý định nhờ các người sẻ chia. Rồi chợt thấy mình hớ hênh, chuyện của Nam và Ly nói với nhau khi tối có cả làng cùng nghe, chứ đâu chỉ mình Mai biết, Mai hay. Đôi khi Mai vẫn chủ quan như thế. Cứ tưởng như trong khu vườn này chỉ có mình Mai, Nam nói gì, muốn gì, chỉ có mình Mai biết, Mai hay. Không phải như thế, thậm chí, cho đến trước khi đi ngủ tối nay, Nam vẫn chưa biết Mai trở về. Thế thì, tư cách gì mà Mai nỗi cáu với những người kia? Một chú xén tóc bay soạt qua, Mai nghe chú nói lầm rầm: “Thế giới diệu kỳ khiến ta phải làm bao điều nông nổi”. Cũng chỉ là một câu nói ngẫu hứng, ngu ngơ thôi, để tâm làm gì. Mai nhất quyết không thèm để tâm nữa... Nhưng bỗng cơn gió quái ác xạc xào: “Đôi khi phải là mình trước tiên...”. Đôi khi phải là mình trước tiên? Từ đầu mùa xuân đến nay, có lúc nào Mai được là mình không nhỉ? Chưa bao giờ. Rước từ nhà bà chủ về một đống phiền muộn, Mai chưa được sẻ chia cùng ai đã gặp phải chuyện rắc rối  của cha con ông Tư. Mai loay hoay như con kiến bò trong chảo nóng, bò tới bò lui, bò lên hai vành chảo, nóng chỏng chơ càng. Hai cái càng bé xíu mà tham vọng thay đổi thế giới diệu kỳ. Lũ cỏ dại trong vườn cười ha ha. Thằng đom đóm ngu ngơ phát sáng. Vầng sáng quét qua, Mai nhắm mắt kín lại. Đừng hòng. Bà Mai chiếu thủy và ông Khế tây đừng hòng biết Mai đang nghĩ gì và muốn làm gì.
Tiếng lá khô rơi lộp độp trên mái tôn khiến Mai giật mình như nghe lại tiếng ông Tư: “Cơ hội qua đi không trở lại bao giờ”. Cơ hội của cậu học trò nghèo khó, hiếu thảo như Nam sẽ qua đi... Không, không thể như thế được. Bao nhiêu năm ở cùng cha con ông Tư, Mai đã bao nhiêu lần ước mơ cùng họ. Những khi không tiền đóng học phí, Nam ước đạp chuyến xe xích lô cuối cùng trong ngày, cậu sẽ gặp một Việt kiều tốt bụng, sẵn sàng cho cậu vay một trăm “đô”. Lúc ông Tư bệnh nằm liệt giường, Nam ước tìm ra một phương thuốc thần diệu vừa chữa được bệnh cho cha, vừa làm cha trẻ lại như ba mươi năm về trước, dẫu cậu có phải bị đóng đinh trên thập tự giá. Và đã có ít nhất một lần, Nam ước cho Mai. Năm ấy trời khô hạn, Mai ốm quặt quẹo luôn, Nam ước Mai xinh tươi trở lại như thuở nào. Lời ước của Nam đã đi với những việc làm khiến Mai cảm động đến phát khóc. Đêm đêm, Nam thức dậy hứng sương trên những vòm lá đổ hết vào thân Mai. Cả những lúc Nam chong đèn trừng trị bọn côn trùng bám vào thân Mai quậy phá. Lúc ấy, đối với Mai, từng cái vuốt ve từ bàn tay chai sần, ấm áp của Nam có hiệu lực bằng mười thang thuốc bổ. Như thế đấy! Thế thì tại sao vào những lúc Nam gặp rắc rối như thế này, Mai không làm một chút gì đó đi...
Lại trở về ý tưởng ban đầu, Mai nghĩ mình có thể làm thay đổi thế giới này theo cách nghĩ của hai người bạn trẻ. Tại sao lại không nhỉ. Hoa quỳnh nở ban ngày và hoa mười giờ nở vào ban đêm. Qua hết một mùa xuân, Mai vẫn có thể làm ngược lại qui luật bằng cách tự mình cho nở bung tất cả những bông hoa một lần nữa. Có thể lắm, khi trông thấy Mai vàng rực một màu để mang mùa xuân đến lần thứ hai trong một khoảnh khắc, Nam sẽ có những tư tưởng thăng hoa. Và cậu sẽ nghe lời cha mà đi đăng ký dự thi cái gì đấy, sẽ gọi điện cho cô bạn gái của mình: “Em yêu, anh sẽ lên đường thực hiện tâm nguyện của cha và em...”. Tưởng đến đây, Mai đã thấy mình hạnh phúc biết bao. Mai đã làm được một điều gì đó thật quan trọng đối với Nam, dẫu rằng mai này, Mai sẽ trả giá đắt, tinh lực của Mai không còn nữa, không ai dám bảo rằng, Mai còn đủ sức sống sót sau lần phát tiết cuối cùng. Nếu phải chết đi vì sự hy sinh lớn lao này, Mai chỉ những ước ao một điều: Nam sẽ cắm trên mồ Mai một hoa hồng trắng với lòng tiếc thương vô hạn, lòng tiếc thương không nói được thành lời, nó sẽ thầm kín đi theo Nam suốt cuộc đời để vừa là hạnh phúc, vừa là khổ đau... Biết được ý tưởng này, cô Mai chiếu thủy lắc đầu:
- Không được, đó là một sự hy sinh không cần thiết!
Mai cúi đầu thưa:
- Nhưng thưa cô, điều kỳ diệu từ sự hy sinh của con sẽ giúp anh Nam có một quyết định quan trọng.
- Không được, không có gì quan trọng bằng sự sống.
- Con sẽ cố gắng sống lại bằng chút tinh lực cuối cùng.
Anh Khế tây góp nhặt khẽ khàng:
- Cô đừng có dại, không ai dám bảo đảm rằng cô còn đủ sức. Mùa xuân vừa qua, cô đã bị uống quá nhiều rượu tây và hít quá nhiều khói thuốc của cái nhà giàu ấy rồi. Cô suy nghĩ thật kỹ đi!
Mai nói cảm ơn. Nhưng lòng Mai đã quyết, phải làm xong mọi thứ trước khi trời sáng. Mai tập trung tất cả tinh lực để làm rụng lá, tái tạo nụ và ra hoa. Mai làm việc trong đớn đau và khổ sở. Bầu trời, mặt đất cũng thở dài. Chỉ có bóng đêm là ủng hộ Mai: “Nhanh lên, tất cả đều không đáng kể!”. Khi cánh mai cuối cùng bung ra thì Mai đã kiệt sức đến rã rời. Hai mắt Mai nhắm nghiền lại, không còn cả bóng đêm. Cô Mai chiếu thủy vội vàng truyền chút tinh lực của mình cho người bạn hàng xóm trẻ tuổi, quả cảm (nhưng anh Khế tây bảo là liều lĩnh). Chút tinh lực này chỉ đủ cho Mai không phải cặp kè với bình thở oxy như trong những phòng cấp cứu ở bệnh viện. Mặt Mai tái xanh lên, cổ họng Mai khô rát, trước mắt Mai mọi thứ đều chổng ngược lên trời. Nước mắt Mai tuôn ra ràn rụa trong nỗi đớn đau, hạnh phúc, đợi chờ... Mặt trời lên. Mai đẹp như một bà hoàng trong màu áo vàng rực rỡ, rực rỡ lạ kỳ, rực rỡ hồi sinh. Cả khu vườn reo vui với mùa xuân trở lại. Chim chóc gọi nhau bay về kín cả không gian. Bầu trời như cao hơn, xanh hơn. Dòng sông tròng trành ngây ngất, những con thuyền chào buổi sáng và lướt nhanh trên mặt sóng bình yên, phẳng lặng. Nam thức dậy và lững thững bước ra vườn. Anh đứng sững lại bên Mai, ngỡ ngàng, sung sướng. Săm soi từng cánh hoa trên mười đầu ngón tay ấm áp, anh gọi to:
- Ba ơi, Mai đã về!
Quả thật là đến sáng nay Nam mới biết Mai trở về. Nam đón Mai hồn nhiên, không nhớ gì về chuyện hoa quỳnh nở vào ban ngày và hoa mười giờ nở vào ban đêm nữa. Chỉ còn đọng lại những nụ hôn trên môi và trên mắt anh tối hôm qua. Nam đứng mãi bên cạnh Mai, ve vuốt thân Mai ân cần, thắm thiết. Hơi thở ấm áp của anh phả vào Mai nồng nàn. Người nói về ước nguyện chinh phục sao Hỏa của loài người đang thật gần gũi với Mai. Tối hôm qua, Nam còn nói thêm gì nhỉ? Anh muốn bắt đầu lại kỷ tạo ra hình hài của những sắc thái tình cảm khác nhau. Một kỷ là bao nhiêu năm, Mai chỉ nhớ là so với một kỷ, khoảng thời gian để phải đi nửa vòng trái đất nếu có của anh thật là phôi pha. Mà phôi pha thật. Nam đang ướm làn môi hồng dưới hàng ria lún phún vào một hoa mai gần nhất. Thôi, thế là chết cũng được rồi, bằng hơi sức tàn của mình Mai nghĩ như thế...
THU TRÂN ( TuoiTre )

P01: Chông chênh ngọn gió trở về

Giới thiệu sách

Chông chênh ngọn gió trở về
Tác giả: Thu Trân
Nhà xuất bản: Tủ sách Tuổi Trẻ - NXB Trẻ
Năm xuất bản: 2008
Giá: 38.000 đồng
Giới thiệu:
Những truyện ngắn của Thu Trân (*) trong tập truyện này đều có sức nặng của tình tiết, của những mối quan hệ đan xen, phức tạp và nhiều khi thật bất ngờ. Truyện độc đáo nhất trong tập bàng bạc chút Liêu trai, có nhân vật chính chẳng phải là người nhưng dám hi sinh, trút hết tinh lực để thuyết phục người con trai mà mình yêu (Mai đi nhà trẻ). Nhìn chung đây là một tập truyện ngắn không làm người đọc thất vọng. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Lời giới thiệu - Chông chênh ngọn gió trở về
Những truyện ngắn của Thu Trân (*) trong tập truyện này đều có sức nặng của tình tiết, của những mối quan hệ đan xen, phức tạp và nhiều khi thật bất ngờ.
Bất ngờ như tình cảm cố giấu kín của Khê, cô nàng nhà báo “đàn ông”, dành cho Hảo, anh chàng lịch lãm dễ thương mà Khê mai mối cho Hân, bạn ruột của cô (Xuân thì).
Bất ngờ như những gì Vỹ đã làm cho Đàn, người vợ đã ly hôn của anh, dù đến phút cuối của cuộc đời Đàn vẫn mãi tìm người đàn ông đích thực của đời mình nhưng chỉ là ảo ảnh (Chông chênh ngọn gió trở về). Bất ngờ như khi Vĩnh, anh trưởng trạm khuyến nông, chờ cô kỹ sư Kim bên bờ sông để bày tỏ lòng mình và cũng chính anh đã tặng cho con trai Kim cái máy tính đồ chơi để thằng bé thay anh nói với Kim điều cô cần làm nhất trong đời (Đêm dài của mẹ và con). Hay bất ngờ như cái phần mộ trong nghĩa trang gia tộc được ông Nhẫn nhường cho một ông già xa lạ tứ cố vô thân (Tròng trành trăng quê)...
Những nhân vật nữ của Thu Trân cũng khiến người ta nhớ lâu: cô gái tuổi đôi mươi vượt cạn một mình, vượt qua cơn đau xé da - được kể thật sinh động, vượt qua bao đắng cay để giữ đứa con của mối tình đầu vụng dại (Vườn thúy); người đàn bà yêu sắc màu trần gian và một cây phong non cô quạnh, cứ rung lên cùng với những cơn đau dữ dội mà chỉ có chị mới xoa dịu được (Cây phong non âm thầm); bà cụ Năm gần đất xa trời, lúc tỉnh lúc mê nhưng vẫn nhớ những bài hát thời tiền chiến và kháng chiến, vẫn đau đáu đi tìm cái bao súng kỷ vật của người chồng; và cả cô cháu gái của bà tìm về quê vì tin rằng đã bị nhiễm HIV! (Hát như ngày xưa); cô bé Vy tật nguyền oán thán, ghẻ lạnh cuộc đời cuối cùng đã ngộ được cái quý nhất trên đời chẳng phải là đôi chân lành lặn, bình thường mà chính là tình mẹ, tình người (Chân bay lên trời); hay chị Đàn viết văn và những mối tình, hay cô nhà báo Khê nhậu như đàn ông mà cũng chẳng dối được lòng mình...
Truyện độc đáo nhất trong tập bàng bạc chút Liêu trai, có nhân vật chính chẳng phải là người nhưng dám hi sinh, trút hết tinh lực để thuyết phục người con trai mà mình yêu (Mai đi nhà trẻ).
Nhìn chung đây là một tập truyện ngắn không làm người đọc thất vọng. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
NXB TRẺ & TỦ SÁCH TUỔI TRẺ