Nhỏ Nga, em gái duy nhất của chị, khóc đến đỏ tấy cả hai mắt vì từ đây không còn người bầu bạn tâm sự, vì sự hối hận không cho chị mấy trăm ngàn đồng về quê trước khi chị trở bệnh nặng. Anh Vỹ chồng chị tỉnh queo, là nhân vật thuộc diện không được khóc, không có quyền khóc. Người cha già còm cõi của chị thuộc diện khóc không được. Chị Đàn mất đi, ông mất một người con, một bạn nhậu, một tri kỷ thơ. Trước khi mất, chị kịp biên tập và xuất bản cho ông một tập thơ với tựa đề “Tình trong gió lốc”. Ông già chơi sang, bỏ tiền túi in một trăm bản thôi nhưng giá cũng hơn ba triệu đồng, xấp xỉ tiền in một ngàn bản. Nghiên có hỏi chị sao không in luôn một ngàn bản ký gửi các hiệu sách, chị cười: “Dở òm, ai đọc!”. Trong đêm cuối cùng của đám tang chị, Nghiên thuộc diện khóc không được. Lúc hai chị em hay ngồi uống cà phê với nhau bên bờ sông, chị thường hỏi: “Chị chết, em khóc nhiều không?”. Nghiên nháy mắt: “Khóc làm gì, bà chết được rồi, một ngàn thứ hỷ nộ ái ố trên đời này có cái nào mà bà chưa kinh qua”. Chị gật gù vuốt tóc Nghiên: “Nói nghe được, chị thương”.
Nói vậy thôi chứ vừa bước chân vào nhà, thấy quan tài chị là hai mắt Nghiên nóng dần lên, gót giày như muốn tụt ra khỏi đế giày. Những ngày cuối ở bệnh viện, thấy Nghi bắt đầu sụt sùi, chị khoát tay bảo: “Nhảm, không được khóc, cứng lên để làm chỗ dựa cho bé Tâm”. “Chỗ dựa” cho bé Tâm bỗng thấy gai gai người với bức ảnh trước quan tài. Bức ảnh “sến” cực kỳ. Chị mặc áo tím nhìn nghiêng với đôi mắt lơ mơ (chứ không phải mơ màng) hướng về một hoa hồng xấu chưa từng thấy. Nếu được chọn, Nghiên sẽ chọn bức ảnh chị mặc chiếc áo khoác jean phóng một cái nhìn hư vô ra biển đang treo trong góc phòng kia. Nhỏ Tâm bảo, tại ai cũng nói tấm ảnh mẹ mặc áo tím đẹp. Nghiên hỏi, ba có nói vậy không. Tâm lắc đầu, chẳng có ý kiến gì, còn cô thì sao. Nghiên bảo, mẹ con bụi bờ, dấn thân, dám làm dám chịu, đâu có hợp với cái nhìn lơ mơ về phía một hoa hồng xấu xí thế kia. Thế là tuột dần cảm xúc, quên khóc. Bé Tâm đưa Nghiên vào phòng, bảo: “Cô chợp mắt một chút lấy sức, mai đưa mẹ ra nghĩa trang”. Nhìn lên tường, lại thấy ảnh chị Đàn đang cụng ly hân hoan với một chiến hữu nào đó, ừ, thế có nghĩa là ngàn thu vĩnh biệt. Có đến ba năm rồi, chị em chỉ gặp nhau ở quán cà phê, quán nhậu, bệnh viện. Hiếm có không khí thân tình như cách đây mười năm, chị em nằm với nhau trong căn phòng nhỏ bé này rủ rỉ, rù rì suốt đêm. Chiếc tủ mắc quần áo bị mất một cánh cửa vẫn chưa được lắp cánh cửa mới, dường như nó gật đầu: “Chào cô Nghiên!”. Mặt gương trang điểm của chị vẫn khuyết một hình tam giác do một lần Vỹ giận, ném mạnh chiếc lược ngà vào đó.
Với tay lên đầu giường, Nghiên lấy cuốn tạp chí Cửa Việt. Trang mục lục giới thiệu truyện ngắn “Ngọn gió trở về” của chị. Năm cuối của căn bệnh ung thư trầm kha, Đàn viết thật hăng. Cứ một tháng, chị lại điện khoe: “Nghiên ơi, có ý tưởng mới rồi, truyện hay lắm!”. Truyện hay tới cỡ nào không biết, chứ Nghiên cảnh cáo chị hoài ba cái chuyện bê nguyên xi đời tôi lên tác phẩm. Chị hồn nhiên bảo, có sao đâu, cuộc đời đâu có gì mà phải bí mật dữ vậy. Cứ trải lòng ra mà sống, để khi chết, được lên thiên đàng hay xuống địa ngục gì cũng được, chỉ sợ mỗi tội phải lơ lửng giữa thiên đàng và địa ngục. Chỉ mới đọc vài dòng của “Ngọn gió trở về”, Nghiên đã tưởng ra lần uống cà phê của hai chị em trước đó sáu tháng. Ngọn gió trở về quê miền Trung quậy lung tung xèng. Ngọn gió trở về miền Nam kể chuyện hân hoan. Ngọn gió cười rũ sau lưng áo Nghiên: “Bọn bạn cũ mê chị như mê một thiên thần, ngày chị lên tàu trở về, chúng nó buồn ngẩn ngơ”.
Trong chuyến về thăm quê lần cuối ấy, chị Đàn quậy anh Tịnh xác xơ. Anh Tịnh là người yêu của chị thuở học trung học, sau vì chị theo cha mẹ vào Nam nên hai người phải chia tay. Nhìn ra ánh chiều loang loáng trên mặt sông, môi chị dừng lại trên ngấn màu hổ phách của ly cà phê đá: “Tịnh trẻ hoài, đẹp trai, lại làm thầy giáo hiền hiền... nên vợ ghen hết biết”. Chuyến trở về quê bất ngờ của Đàn tập họp được thật nhiều bạn lớp 12 ngày xưa, mỗi lần tổ chức đi đâu, mọi người đều ưu tiên cho Tịnh chở Đàn. Một lần, để mọi người đi trước, Đàn bắt Tịnh chở Đàn loanh quanh ở rừng dừa ven biển. Đàn nép đầu vào lưng áo Tịnh: “Sao vẫn còn như cái mùi ngày xưa ấy nhỉ”. Tịnh xúc động: “Mùi gì?”. Mùi gió biển, mùi muối, mùi mồ hôi chua loét. Tịnh cười, Vỹ có mùi này không. Không, Vỹ mùi khác. Đàn với Vỹ có hạnh phúc không. Có, Vỹ cưng chiều Đàn hết biết. Có sợ xuống địa ngục không, Đàn. Nói chi khó hiểu vậy, Chúa có mặt mỗi nơi mỗi khác. Những phụ nữ yêu cùng lúc hai người đàn ông sẽ bị đày xuống địa ngục, bị moi móc hết tim gan, bị treo chổng ngược lên trời. Đàn bắt Tịnh dừng xe, bảo nhìn thẳng vào mắt chị, nói lại câu đó một lần nữa. Tịnh làm theo như cái máy, Đàn cười rinh rích: “Tịnh diễn không có hồn!”. Ngày về, Tịnh cho Đàn con chim vành khuyên, dặn nhớ chăm sóc cẩn thận, hôm nào có dịp vào Sài Gòn, Tịnh ghé qua kiểm tra.
“Ngọn gió trở về” kết thúc có hậu, người phụ nữ ấy mất đi được nhiều người thương tiếc, ngày đưa tang chị, mọi người rải đầy hoa, thắp đầy nến ở nơi khúc sông chị hay tắm ngày thơ ấu. Đoạn kết, câu chữ của chị vẫn tùy tiện, tự nhiên chủ nghĩa đến mức khó chịu như ngày nào nhưng làm Nghiên khóc như mưa, khóc tấm tức, khóc như chưa bao giờ được khóc. Nếu chị không mất, Nghiên sẽ cười cười bảo: “Truyện tàm tạm”. Còn đọc trong mùi nhang khói phảng phất giữa hai hàng nến rưng rưng cháy, Nghiên tưởng như trái đất này không còn oxy. Đó không phải là truyện ngắn của chị mà là lời cầu kinh cho một phận người. Chị đưa hai tay nắm níu thế gian này nhưng mọi thứ cứ phũ phàng, mọi thứ cứ tuồn tuột trôi. Đó là dự báo mùa màng thất bát của người nông dân khi chỉ mới nghe một làn gió hanh trên cánh đồng. Là dự báo đêm dài khi người ta đủ can đảm nhìn vào bóng tối. Cái chết ơi, chào mi! - có lúc chị bảo, phải xem cái chết là một phần tất yếu của cuộc sống... Người cha khóc không được của chị đứng ở cửa phòng: “Con xem qua cái này dùm bác một chút hè?”. Điếu văn. Anh Vỹ không nghĩ đến chuyện đọc điếu văn tiễn đưa chị. Thế thì ông già viết điếu văn từ biệt người con, người bạn, người tri kỷ. Ông già viết điếu văn cho con như viết điển tích. Suốt đêm chờ đưa ma con, mắt ông già lem nhem, mặt mũi ông già hom hem. Nghiên ôm mặt, khóc thành tiếng...
Nấm mồ mới đắp của chị Đàn cắm đầy hoa hồng. Hoa hồng đỏ, hoa hồng vàng và hoa hồng trắng. Nghiên thấy như chị cười sẽ sàng: “Thấy chưa, còn nhiều người thương chị, hiểu chị. Đám tang chị đừng xài hoa huệ, buồn chết được”. Mặt trời chỉ mới nhú một chút ở đằng đông, ngày mới còn rụt rè quanh nghĩa trang. Mọi người lục tục kéo nhau về, chỉ còn lại một mình Nghiên. Nhang khói cháy phần phật trong ngọn gió hanh hao cuối mùa. Một cánh chim lẻ bạn chao chát ở trên cao. Trong mắt Nghiên, dường như chị Đàn đang cười bảo: “Chờ ai nữa, về đi!”. Em chờ dùm chị. Một kỵ sĩ bay qua thời gian, trong tay cầm một hoa hồng trắng, khựng lại một chút ở cửa nghĩa trang, rồi bước chầm chậm về phía mộ chị... Chỉ cần như thế thôi, Nghiên hỉ. Thế cũng đủ cho tình yêu một đời. Chị tin là Kha sẽ làm thế, Kha yêu chị nồng nàn, em biết không. Bây giờ Kha ở đâu, người đàn ông của chị? Chắc hẳn lòng tin của chị cũng dạt dào, không lên thiên đường mà cũng chẳng xuống địa ngục, bay lơ lửng chín tầng mây, chờ Kha. Nghiên vẫn thường bảo, Kha chẳng hay ho gì, chị quên ổng đi. Mặt chị đỏ gay giữa nắng tháng năm: “Làm ơn mà, phone cho Kha dùm chị đi, một chút thôi rồi về mới yên”. Kha cho chị mười phút ở một xe nước mía ven đường. Chị háo hức với tâm trạng của người được hẹn. Kha thấp tha thấp thỏm với tâm trạng ăn vụng một miếng giữa làng, ít nhất là với Nghiên, cô bạn nhỏ đáo để của Đàn, nhìn ai nhìn thấu hết tâm cang. Hai người ngồi dưới tấm che bằng chiếc áo mưa rách, kêu hai ly nước mía, không ai hớp một giọt nào mà má chị đỏ hồng, mắt chị long lanh hạnh phúc. Hai người nói cái gì không biết mà lúc Nghiên chở chị ra bến xe, chị cười hát líu lo. Già còn nông nổi. Chị áp má vào lưng áo ướt đẫm mồ hôi của Nghiên: “Nghiên ơi, Nghiên à, chừng nào Nghiên yêu nhiều như chị rồi biết”.
Bực bội mà nói vậy thôi, chứ đêm về, nằm gác tay lên trán, Nghiên nghĩ chị Đàn cũng đâu có khùng mà đi yêu điên cuồng một con người có cũng như không. Thuở hàn vi, chưa có gì để mất, Kha cũng có nhiều nghĩa cử để Đàn lũy thừa đến một tỉ lần hạnh phúc được yêu của mình. Một chiều mưa, nổi hứng bất tử, Kha phóng xe gần trăm cây số về rủ Đàn đi uống cà phê. Hát dở mà Kha dám làm riêng một album tặng Đàn nhân sinh nhật lần thứ ba mươi bảy của nàng. Đang đêm, Đàn kêu thèm ăn nem nướng, Kha xách xe đi mười lăm cây số mua nem chính hiệu mang về cho nàng... Sau này bỗng dưng Kha bội thu, tiền tài - danh vọng - địa vị, tất cả như ở trên trời rớt xuống, thế là Kha sợ mất đủ thứ, nhất là mất vợ, bởi nếu vợ không còn là của Kha thì vợ sẽ không cho Kha còn cái gì cả. Nhiều năm sau đó, năm năm, mười năm, chị Đàn vẫn lẩn quẩn với bóng dáng tình yêu của quá khứ. Ngày chị bệnh nặng nằm viện, Kha cũng không đến thăm. Chị nhìn Nghiên cười tồi tội: “Không sao, dạo này Kha bận lắm”. Rồi nói thêm: “Chỉ cần ngày chị mất đi, Kha sẽ đứng trước mồ chị với một hoa hồng trắng trong tay”. Kha mất hút trong đám tang chị. Có bao nhiêu người đàn ông gặp Nghiên trong đám tang chị rồi vội vã thắp nhang, vội vã “chuồn”? Nhiều lắm. Họ vội vã như thế vì họ “ngán” Nghiên, họ biết Nghiên không thích đùa, mà họ lại đùa nhiều quá với chị Đàn. Những Quang, Phú, Hải, Hòa... Những thần tượng có chút ít tiền, biết làm thơ - viết văn chút chút, cứ hát trầm trầm bên tai chị: “Không có em như không có mặt trời, không có lời ký thác của tình yêu...”. Chị tưởng thật hết và hát và hôn. Một phút thăng hoa cho cuộc sống thêm phần thi vị rồi ai về nhà nấy. Chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới. Đàn triết lý như vậy rồi nói thêm vào trong máy: “Nhưng chị vẫn yêu anh Kha, Nghiên à, suốt cuộc đời đấy”. Bên kia máy, Nghiên lầm bầm như cụ bà khó tính: “Xỉn thì về ngủ, không được đi lang thang”. Rơi vào mê cung của tình yêu, trước Nghiên, chị Đàn mềm như cọng bún. Bởi chị thần tượng Kha, ngưỡng mộ Kha. Còn trước Nghiên, Kha chẳng là cái quái quỷ gì. Kha nghênh ngang bước thấp, bước cao trong thế gian này, chẳng biết mình đang đi đâu, về đâu...
Ký ức về chị ngập tràn, Nghiên chưa muốn rời nghĩa trang. Lần này... rồi không biết đến bao giờ Nghiên mới về thăm chị. Ngày chị còn khỏe mạnh, mỗi lần muốn Nghiên về chơi, chị đều phải nói dối. Hoặc một người bạn chung của hai chị em ở bên Mỹ mới về. Hoặc chị bệnh nhiều mà không có anh Vỹ ở nhà. Chị mất, không còn những lời nói dối dễ thương. Nghiên chọn một phiến đá phẳng cạnh nấm mồ mới đắp của chị để khẽ ngồi lên, sợ trọng lượng của mình sẽ làm đất dưới kia nén lại, thêm một lần làm chị đau, thêm một lần làm chị thấy trái đất này chật chội biết bao. Có lần hai chị em đi chơi núi, chị bảo, có gì đáng sợ đâu Nghiên nhỉ. Chết có nghĩa là chị sẽ được sống gần tâm trái đất hơn, gần hơn những người sống, cụ thể là em, ít nhất hai mét. Em sẽ ghen tị về chuyện chị bị lực trái đất hút nhiều hơn. Có gì đâu, như thế linh hồn chị sẽ mạnh mẽ hơn, sẽ bảo vệ em hữu hiệu hơn, tích cực hơn. Nghiên cười khanh khách. Chị bảo, chứ không phải sao, Nghiên sống với mọi người chân thành, hồn nhiên quá nên hay bị bắt nạt. Có ít nhất hai lần, chị đã làm những người phụ nữ ích kỷ, đố kỵ quanh Nghiên không dám quấy rầy Nghiên nữa. Trước những lời nanh ác độc địa của họ, Nghiên co rúm lại, ngơ ngơ ngác ngác, không biết đường chống trả. Đàn biết chuyện, tức tốc bay về với Nghiên, xăn tay áo vào việc cứng cỏi, quyết liệt... Sau những lần “cứu bồ” như thế, chị vuốt tóc Nghiên: “Tưởng gì, em tôi khôn nhà dại chợ hè!”. Máu Lương Sơn Bạc trong chị có một thời khiến nhiều người phải nể phục. Cái cửa hàng tạp hóa nho nhỏ của chị ở đầu chợ còn là “văn phòng” của những người làm từ thiện, của những người mua bán không có vây cánh cần một nơi để nương tựa, để được chở che. Chị có, ai cần chị cho, cho tất. Cứ vậy mà các tay xe ôm, ba gác, bốc vác... mê chị tắp lự. Toàn mấy tay bặm trợn, đầu bò đầu bướu nhưng một điều chị, hai điều em với chị, rảnh rang thì ghé qua cửa hàng “hối lộ” cho chị ly cà phê đá để được nghe chị đọc thơ, đọc truyện. Mỗi lần chị có truyện đăng báo, cả nhóm tổ chức ăn mừng. Một đĩa đậu phộng rang, vài trái ổi chấm muối ớt, một xị rượu đế, một ấm trà đủ vui thú râm ran. Lúc hứng lên, mấy tay giành nhau kể chuyện đời mình cho chị Đàn viết truyện. Vài nhân vật được “lên truyện chị Đàn”, nhưng có truyện gửi chẳng nơi nào đăng thế là mang đánh máy vi tính, photo ra, chuyền tay nhau đọc hả hê. Đám tang chị, mấy tay này đi đủ, có người đưa tay áo lau nước mắt. Chị tỏa sáng trong thị trấn nhà quê của mình như thế. Ngược lại, anh Vỹ chấp nhận âm thầm lu mờ bên chị, như chiếc bóng...
Đầu mộ chị nổi bật một đóa loa kèn trắng. Đóa hoa anh Vỹ run run đặt xuống trước khi quay về. Loa kèn trắng là hoa của hai người thời mới yêu nhau. Hoa đi với hai người từ thời thanh niên xung phong nếm mật nằm gai đến khi chị gật đầu cho anh kết một vòng hoa sim tím cài lên tóc, làm cô dâu giữa rừng. Đóa hoa trắng tinh khiết khiến Nghiên cũng trở nên nhẹ lòng khi nghĩ về Vỹ. Cách đây mười lăm năm, khi bé Tâm vừa tròn ba tuổi, hai người âm thầm ra tòa ly hôn. Ly hôn mà vẫn ở chung nhà, ngoài quan tòa ra chỉ một mình Nghiên biết. Hôm Nghiên không tin chuyện khó tin này, chị mang quyết định của tòa giao cho Nghiên. Sao chị lại giao cái đồ quỷ này cho em. Để em nghĩ về chị công bằng hơn, đàng hoàng hơn khi chị yêu Kha. Lời lẽ ngụy biện đó chỉ đến sau này, tức là vào lúc chị gặp được Kha. Còn trước đó, khi chưa gặp Kha, chị bảo chán Vỹ đến tận cùng, cứ ly hôn thử một lần xem sao. Hai người có chung một cái nhà, một đứa con, nếu phải chia thì chia làm sao. Thôi, ở chung cho thiên hạ đừng cười. Ngày xưa, thuở là thanh niên xung phong, gặp nhau lần đầu khi cả hai cùng bị lạc khi cắt rừng, không quen biết gì mà cũng ngủ chung với nhau trên một cái võng cho đỡ muỗi mòng, đỡ đỉa vắt, đỡ sợ ma... có sao đâu! Và nhỡ, chị cười khi đưa ra một dự đoán sáng sủa hơn, nhỡ sau này chị lại cảm thấy yêu anh Vỹ nữa thì sao, tuổi năm mươi, sáu mươi làm đám cưới lại cũng chẳng muộn màng gì, làm đám cưới lại cho sắp nhỏ nó ghen.
Nhưng dự đoán ấy không bao giờ đến khi tình yêu mười năm của chị dành cho Kha sau này nhấc bổng quãng đời gắn bó mười lăm năm của chị và anh Vỹ trước đó. Vỹ biết hết. Sau này, khi biết mình bệnh nặng, thỉnh thoảng gặp nhau chị lại bảo với Nghiên: “Dạo này anh Vỹ dễ thương lắm, hôm qua mới mua cho chị một chậu hoa quỳnh để uống cà phê”. Hoa quỳnh để uống cà phê? Chị cười: “Hoa quỳnh nở nửa đêm, chị cũng lại hay uống cà phê nửa đêm. Còn gì thú bằng chuyện vừa uống cà phê vừa ngắm hoa quỳnh nở”. Hoặc: “Dạo này anh Vỹ tâm lý lắm, tuần rồi mới cho tiền để chị kéo bạn bè đi nhậu mừng tập truyện của chị mới in”. Nghiên nhún vai, đâu chỉ chuyện hoa quỳnh, đâu chỉ chuyện cho tiền đi nhậu mừng tập sách mới ra. Hôm qua, hôm kia, năm kỉa, năm kìa... anh Vỹ vẫn đi về một mình, chị không thấy sao. Chị cũng khó lòng mà nhớ nổi sau khi ly hôn, bao đêm anh Vỹ mang đàn guitare ra đàn hát bập bùng khi chị ngồi bên trang giấy, bao lần anh làm thơ đăng báo với nhân vật “em” của một thời thanh niên xung phong không thể nào quên, bao lần anh đặt lên bàn viết những đóa loa kèn trắng muốt vào ngày sinh nhật chị và vào cái ngày chị nhớ mãi mới chợt à lên - ngày cưới của hai người... Những lúc như thế, chị còn tàn nhẫn: “Xin lỗi, hãy để ngày ấy lụi tàn”.
Nhưng em đâu hay anh Vỹ yêu bản thân mình hơn yêu vợ, yêu con. Giấc ngủ trưa của anh ấy phải hoàn toàn yên ắng. Con có lỡ dại mà khóc vào những lúc này thì vợ lại bị chì chiết mãi. Anh ấy cũng không quan tâm gì đến những sáng tác của chị. Thế sao ngày xưa chị yêu say đắm? Ngày xưa ấy là lúc chỉ thấy bề mặt mà không thấy bề trái, em biết không. Đàn im lặng một chút rồi cười hồn nhiên, ừ, ngày xưa thích thật. Sau cái lần ngủ chung với nhau trên võng giữa rừng ấy, chị đã chuyển về đầu quân ở đại đội anh Vỹ. Khi phải hành quân qua những trảng cỏ tranh cắt rát chân ràn rạt, Vỹ toàn cõng chị. Vừa cõng lại vừa hát du ca, dễ thương lắm. Khi lên núi dựng nhà giúp dân, Vỹ hái cho những cô gái trong đại đội bao nhiêu là hoa rừng, để ai hứng chí muốn làm đám cưới giả thì tha hồ mà kết hoa cho cô dâu. Anh chàng đại đội trưởng lãng tử, đẹp trai, giỏi giang là Vỹ ngày xưa ấy thật tuyệt. Nhờ màn làm đám cưới giả đấy, Nghiên biết không, sau này đại đội chị có bao nhiêu là cặp nên vợ nên chồng...
Nắng lên cao. Nghiên vươn vai đứng dậy. Vâng, Đàn ơi, em chào chị, ngàn thu vĩnh biệt. Em đợi mãi mà chàng kỵ sĩ bay qua thời gian của chị không đến. Nắng lóa mắt ngoài xa trên trảng cát mênh mông, Nghiên thấy thấp thoáng một bóng người. Kha đấy phải không, không phải. Tự kỷ ám thị thôi. Chẳng có bóng ma nào...
Nga, em gái chị Đàn, mừng rối rít khi thấy Nghiên quay lại nhà:
- Cả nhà buồn ghê, tưởng Nghiên về luôn rồi. Anh Vỹ mong Nghiên tự nãy giờ.
Nghiên kéo một chiếc ghế ngồi xuống:
- Anh Vỹ đâu Nga?
- Đang giải thích gì với các chị em của anh ấy đấy...
- Giải thích cái gì?
Nga thấp giọng:
- Nghiên thấy đám tang chị Đàn có gì lạ không?
Đến lúc này Nghiên mới nhớ ra. Đám tang chị Đàn có tiếng gõ mõ tụng niệm của các vị sư và cả lời cầu kinh của các “xơ”. Nga bảo, bà Đàn có phước, khi sống là vậy mà lúc chết vừa được lên thiên đàng, vừa được đến cõi niết bàn. Trước khi mất, chị Đàn trối trăng là muốn được làm đám tang theo nghi thức Phật giáo. Nhưng ngày chị về làm vợ anh Vỹ, hôn lễ được cử hành ở nhà thờ, theo nghi thức tôn giáo bên gia đình chồng. Vỹ chiều ý nguyện cuối cùng của vợ, nhưng còn người thân trong gia đình Vỹ ngoài quê vào. Thêm vụ rắc rối này trong đám tang, Vỹ càng hốc hác, trán như hằn thêm bao vết nhăn.
Mãi đến khi Nghiên chào từ biệt mọi người ra về, Vỹ mới có được chút thời gian với cô:
- Nghiên ngồi lại với anh chút nữa.
- Có chuyện gì vậy anh?
Vỹ móc từ túi áo ra một phong bì dày cộp:
- Anh gửi Nghiên số tiền này.
Nghiên tròn xoe mắt:
- Để làm chi vậy?
- Nghiên giúp anh xuất bản những truyện chị mới viết sau này...
- Từ từ đã anh, để dành lo xây mộ cho chị.
Vỹ lắc đầu kiên quyết:
- Không, anh tự lo cho chị được. Còn đây là tiền gì Nghiên biết không? Tiền bán tập truyện vừa in của chị đấy...
Giọng anh nghẹn lại:
- Anh lo không đủ tiền thuốc thang cho chị nên có bàn với chị là cứ dùng tiền bán truyện để lo chữa bệnh, chị gật đầu bảo, có ngu mới không lo cho phận mình. Nhưng một thời gian dài, chị chẳng chịu thuốc thang gì mà anh đâu có biết, cứ tưởng...
Nghiên hiểu cả rồi. Đây là tiền bán tập truyện ngắn đầu tay mới in năm rồi của chị, chị khoe đâu được hơn chục triệu đồng. Ngày ấy, nghe chị Đàn đi bán sách ai cũng nể. Hơn ngàn bản sách, chị bán hết veo trong một tuần lễ, toàn bạn bè thân thích mua ủng hộ. Có người trả triệu đồng, người trả năm trăm ngàn đồng, hai trăm ngàn đồng... dù giá bìa sách chỉ hai mươi lăm ngàn đồng. Chị hồn nhiên cười: “Tại chị bệnh ung thư sắp chết, người ta thương”. Nghiên nghe mắt mình chợt nóng lên. Tiền bán sách không dùng uống thuốc thì chị để làm gì.
Vỹ vẫn nói như thì thầm:
- Đêm trước lúc hôn mê lần cuối cùng, chị trao cho anh số tiền này và bảo anh dùng nó để đi học. Chị muốn anh phải dứt ra khỏi cơm – áo – gạo - tiền thường ngày để hoàn tất chương trình đại học đang dở dang. Nghiên biết không, làm việc bao nhiêu năm dù có đủ năng lực nhưng anh vẫn không được đề bạt, cất nhắc vì không có bằng đại học.
Phía trước mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ của anh Vỹ đã loáng thoáng vài sợi bạc. Sợi nào bạc vì thời tuổi trẻ áo xanh xẻ núi băng rừng? Sợi nào bạc vì gánh nặng áo cơm? Sợi nào bạc vì hôn nhân đổ vỡ?
Nắng lên cao dần. Những giọt nắng rơi khẽ khàng qua kẽ lá của cây sầu đông trước hiên nhà. Và gió. Gió đưa mùi khói nhang phảng phất như chị Đàn vẫn hiện diện đâu đây. Nghiên nghe Vỹ thở dài. Bất chợt có tiếng chim hót trong ngần làm vỡ vụn không gian. Mắt Vỹ chợt sáng lên:
- Nó là con chim vành khuyên của chị Đàn đấy Nghiên!
Theo hướng tay chỉ của Vỹ, Nghiên nhìn vào góc nhà, tiếng chim phát ra từ chiếc lồng xinh xắn treo trên cao.
- Anh mua đấy à?
- Không phải, chị không kể em nghe sao, con chim vành khuyên của anh Tịnh ngoài quê ấy?
Nghiên mở to mắt nhìn chú chim đang nhảy nhót trong lồng. Vỹ bập một hơi thuốc dài:
- Nhưng con chim của Tịnh tặng không chịu nổi chuyến đi mấy trăm cây số, đã chết ngay khi chị mang nó về đến nhà. Thấy chị cứ lặng im suốt ngày, anh đã tìm mua một con vành khuyên khác, y hệt nó...
- Rồi sau đó thế nào, anh?
Những nếp nhăn trên trán Vỹ giãn ra:
- Bà ấy thích lắm, thả ngay con chim vào lồng và bảo rằng Tịnh có vào kiểm tra cũng không thể nào biết được đó là con chim khác...
Nghiên nhớ ngày cô báo tin chị Đàn mất, Tịnh bảo bận tham gia hội giảng cấp tỉnh, chỉ gửi vòng hoa chia buồn. Nghiên cũng nhớ hoài lời chị Đàn bảo vào buổi chiều hai chị em uống cà phê bên sông ấy, miệng Tịnh cười đẹp, có duyên nhưng vẫn trông giả giả thế nào...
THU TRÂN ( TuoiTre )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét