Sói là lão bạn già tôi quen những ngày lê la cà phê một mình ở cái hẻm này. Sau này tôi mới biết thêm tôi và hắn cùng quê Daklak. Đó là một tay rất hay. Tóc hắn để dài rũ xuống mặt, áo quần tuềnh toàng, dép lê mòn gót. Mới nhìn tôi thấy ghét, nghĩ lại một thằng cha nghệ sĩ rởm đời nào đây.
Hóa ra hắn không phải là nghệ sĩ, chỉ là một tay lập trình viên tóc dài, ở dơ làm việc gần đó, ngày lên công ty chưa đến hai tiếng đồng hồ, còn lại ra quán cà phê ngồi “tu”. Giữa nhiều gã tự nghĩ mình là nghệ sĩ ba hoa láo phét ngồi nhan nhản trong hẻm, hắn im như chưa từng được má hắn dạy nói bao giờ, đủng đỉnh, lơ ngơ, lơ ngơ, đủng đỉnh.
Hắn khuấy cà phê, bỏ thìa xuống, uống, nhìn vào khoảng không trước mặt say sưa như thể ở đó có dán ảnh người mẫu khỏa thân, rồi lại uống, rồi lại nhìn trông phát sốt cả ruột. Nhưng cũng cái tâm thái nhàn nhã ung dung đó khiến người ta ghen tị. Vậy là tôi thích hắn, càng thích kinh khủng hơn sau khi bắt chuyện vài lần. Tôi trở thành một thằng “đệ” của hắn. Một thằng “đệ” kiến văn hạn hẹp chỉ đáng để hắn cười khẩy xoa đầu.
‘Lỏi tì, tao tưởng giờ này mày đang làm sinh viên gương mẫu ở trường!’.
‘Tui nghỉ học rồi, nghỉ luôn. Chấm dứt!’.
Lão hấp háy mắt nhìn tôi.
‘Rồi tính làm gì?’.
‘Tui chưa biết’.
‘Đi không?’.
‘Đi đâu?’.
‘Lang thang. Tao mới mua chiếc xe tải nhỏ’.
‘Nghỉ làm hả?’.
‘Ừ, nghỉ luôn. Chấm dứt!’.
‘Ừ, đi!’.
================
Tôi không ghé về nhà. Sói nói đúng rồi, đừng ghé về, phụ mẫu thê nhi quyến luyến, rách việc lắm. Hai thằng theo quốc lộ hăm sáu đi thẳng xuống Nha Trang. Xe chạy ngang qua nhà tôi.
Tôi chỉ cho Sói. Ngôi nhà nằm ngay mặt đường quốc lộ, tài sản lớn nhất của ba mẹ tôi sau hơn nửa đời người. Mà chắc cũng chỉ có vậy. Ba tôi tính sau khi tôi ra trường, sẽ bán nhà này mua một miếng đất nhỏ hơn, hai ông bà già xây nhà sống tuổi già. Tiền còn lại chia đều cho hai anh em làm vốn. À quên, tôi có một đứa em gái nhỏ. Năm nay nó học lớp mười một. Chắc số vốn đó sẽ hoàn toàn thuộc về nó.
Đã nói là ba mẹ tôi không đời nào chi một cắc cho thằng con bỏ học giữa chừng mà. Nhà tôi chưa có ai tốt nghiệp đại học. Bước ra khỏi cổng trường ngày hôm đó, tôi đã giết ước mơ của ba mẹ tôi một cách thản nhiên, trắng trợn.
Lúc xe đi ngang nhà, ba tôi đang cởi trần đứng hút thuốc trước thềm, còn mẹ tôi chắc đang lúi húi quét tước trong nhà. Em gái tôi giờ này đã ngồi trong lớp học rồi.
Lão Sói nói nhìn cái thị trấn của tôi buồn thấy mẹ. Tôi ừ.
Hồi tôi còn nhỏ, điều làm tôi vui thích nhất có lẽ là những khi có một đoàn đua xe đạp đi ngang thị trấn. Cái thị trấn của tôi bé tẹo và buồn tẻ không thua gì một cái ao bèo, nằm đìu hiu bên đường quốc lộ. Và chuyện đoàn đua xe đạp đi qua chẳng khác gì một viên đá từ đâu rơi tõm xuống, khuấy động cái ao bèo buồn tênh. Sự khuấy động ấy để lại những vòng sóng loang miên man vô tận trong tâm trí tôi, giúp tôi nuôi dưỡng niềm hi vọng để chờ đến ngày một đoàn xe khác đi qua.
Tôi vẫn nhớ hình ảnh của mình ngày đó, một thằng nhỏ loi choi đen nhẻm đứng bên vệ đường nhìn đoàn đua xe ngang qua, không ngừng gào thét đầy kích động: “Nhanh lên, nhanh lên chứ!” Những vận động viên thấm mệt gò lưng đạp qua con dốc một cách nhẫn nại không làm vừa lòng tôi. Tôi muốn họ phải lướt như bay qua trước mắt tôi, bởi người ta gọi đó là một cuộc “đua” cơ mà.
Những ngày sau đó rất lâu, tôi vẫn còn ngồi chống cằm tưởng tượng nơi đoàn xe sẽ đến. Nơi đó hẳn sẽ rất vui, có nhiều trò chơi, và ban đêm đèn thắp rực rỡ. Cứ thế, bằng niềm say sưa mù quáng đó, mãi đến năm mười tuổi tôi vẫn chả hiểu làm sao người ta lại cho xe đạp đua cùng với xe mô tô. Giờ thì tôi biết rồi. Đoàn mô tô là để mở đường.
Tôi đã đi qua bao nhiêu cái thị trấn nằm bên quốc lộ. Những chuyến tàu, chuyến xe dừng lại ở một thị trấn xa lạ nào đó, dù sáng trưa chiều tối, quang cảnh lúc nào cũng đìu hiu buồn bã như một cái ao bèo. Lúc đó tôi nghĩ, lạy trời, nếu bắt mình sống luôn ở chỗ này chắc mình chết mất. Vậy mà khi trở về cái thị trấn nhỏ bé của tôi, tôi không chết. Tôi ngồi trước nhà, lặng lẽ nhìn những chuyến xe đêm đi qua.
===============
Ngang qua đèo Phượng Hoàng, tôi bắt đầu ngồi kể chuyện bâng quơ cho Sói nghe. Hồi nhỏ, mỗi mùa hè tôi được ba mẹ cho xuống Nha Trang tắm biển một ngày, sáng đi chiều về. Lúc nào xe đò đi ngang qua đèo Phượng Hoàng, tôi cũng được mẹ chỉ cho coi những đồi cỏ tranh, cỏ ba cạnh xanh nhiều sắc độ dập dờn trong gió như sóng lượn.
Mẹ tôi gọi đó là “sóng cỏ” – cách dùng từ còn mang vết dấu những tiểu thuyết hoa niên mẹ đọc thời con gái. Mẹ tôi còn kể chuyện những con chim dệt áo cỏ cho nàng tiên út gì đó, nhưng tôi quên mất rồi. Chỉ nhớ mỗi cảnh sóng cỏ ở đó, bao giờ cũng đẹp nguyên như thế.
Sói nói khi về già, có thể lão sẽ tậu một cái nông trại ở trên này, làm cao bồi thôn chính hiệu. Mô hình làm kinh tế kết hợp với việc tận hưởng thú điền viên như vậy đang là xu hướng của nhiều đại gia. Tôi hình dung cảnh chiều chiều lão cưỡi một con ngựa lùn đi lùa đàn bò, mồm ngậm điếu thuốc, hát ư ử bài ca cố hữu của Lucky Luke, thấy mắc cười vô cùng. Tướng tá bèo nhèo như lão chẳng thể nào cưỡi một con đẹp mã cỡ Jolly Jumper được, như thế là xúc phạm người nhìn.
Đến ngã ba Ninh Hòa, tôi ngỡ Sói sẽ bẻ lái về hướng Nha Trang, nhưng ai ngờ lão lại rẽ về Phú Yên. Hai thằng quyết định sẽ ghé vào Vũng Rô. Tôi muốn ghé thăm một thằng bạn cũ. Sói cũng chưa xuống Vũng Rô bao giờ.
Đường từ trên đèo Cả xuống Bãi Ngà đẹp như đồ họa trong game đua xe tôi hay chơi, một bên là vách núi, một bên là vực biển sóng vỗ ầm ầm, rìa đường nở đầy hoa dại màu tim tím. Tụi tôi gửi xe lại Bãi Ngà rồi đi kiếm đồ ăn. Sau khi ăn hai tô mì gói hải sản ngọt lự, Sói ngồi nhàn nhã hút thuốc, uống cà phê còn tôi đi ra cầu cảng tìm thằng bạn cũ.
Thằng Phú chơi với tôi từ hồi tôi học lớp tám. Nó hơn tôi hai tuổi.
Kể về mối dây mơ rễ má này cũng khá kì công. Ông nội tôi lượm được ba nó ở chợ Nam Định trong nạn đói năm bốn lăm, đem về nhà nuôi giúp việc. Sau này nhà ông nội tôi di cư vào Nam, ba nó xin đi làm ăn, lưu lạc đến Vũng Rô rồi ở lại cắm dùi, lấy một cô người xứ nẫu. Nó là con út trong cái gia đình mười bốn anh chị em đó.
Một mùa hè, ba tôi dẫn cả nhà xuống Vũng Rô thăm gia đình nó, cũng là đưa tụi tôi đi nghỉ hè không tốn tiền. Hai thằng xáp vô nhau thành cặp bài trùng suốt thời gian tôi ở đó. Tôi rất thích chơi với nó, một thằng khá xốc vác, hay bày trò và nói được cả giọng Bắc lẫn giọng xứ Nẫu. Sau này tôi có xuống thăm nó thêm hai lần nữa. Nhưng tôi bặt tin nó kể từ khi vào đại học.
Thằng Phú đang mua thức ăn cho tôm ở bãi. Tôi đứng nhìn nó hồi lâu rồi mới gọi. Nó đen nhẻm, người gầy gò nhưng cứng cáp như mọi thằng dân biển. Mới mấy năm mà mặt nó già chát như đã băm mấy bốn chục tuổi. Nó trao đổi mua bán bằng tiếng Nẫu cục cằn, khệ nệ ôm thúng cá quăng xuống lòng ghe.
Nó nghe tôi gọi, đứng sựng lại nhìn hồi lâu mới nhận ra. Mặt nó toét nụ cười khắc khổ.
‘Thằng kia, đi đâu ra đây?’.
‘Thăm mày!’.
‘Láo!’.
Tôi dắt nó lên uống cà phê, giới thiệu với lão Sói. Nó học xong lớp chín thì nghỉ học đi biển ít lâu, giờ đang nuôi tôm phụ ông anh vợ ở ngoài bãi. Ba thằng đi mua thêm ít đồ ăn rồi xuống ghe ra bãi. Chiếc ghe rẽ nước lạch xạch tiến ra dải cát dài trước mặt. Tôi nhận ra nước biển trong vịnh xanh màu lá cây.
Nếp nhà tranh của thằng Phú nhỏ xinh nằm nép trên bãi, xung quanh là vườn đu đủ và chuối xanh rười rượi. Trước nhà, cạnh mấy cái lồng tôm bện bằng dây nhựa, có một đứa nhỏ khoảng hai tuổi đang bốc đất cát cho vào miệng. Thằng Phú chạy lại xốc đứa nhỏ lên phủi túi bụi, miệng chửi thề liên tục. Hông nhà, một phụ nữ trẻ đang rửa chén cạnh cái lu sành, lưng đeo một đứa nhỏ chừng vài tháng khóc ngặt nghẹo.
‘Vợ con tao đó!’ - Thằng Phú giới thiệu gọn lỏn.
Chiều hôm đó chúng tôi kéo một mẻ lưới sát bờ. Cũng được vài con ghẹ nhi đồng cho bữa nhậu và ít cá con để băm cho tôm ăn. Thằng Phú giải thích biển ở đó không giàu như ngày xưa, bây giờ tụi nó (tức là một tụi nào đó) dùng ghe cào, cá lớn cá bé gì cào lên tuốt luốt, lấy gì mà còn. Nó bơi thúng ra chiếc ghe neo xa mua về một con mực đại tướng, kêu vợ nấu cháo đãi khách. Cô vợ trẻ con sợ thằng Phú phép một, rón rén đi rửa xoong, nấu cháo, thỉnh thoảng liếc trộm hai ông bạn chồng. Tôi nhìn thấy thương thương. Chắc nó chỉ hơn em gái tôi một hai tuổi.
Bàn nhậu dọn ra trên cái phản tre trước nhà. Thằng Phú tiếp rượu lão Sói, tôi ngồi chăm chỉ phá mồi. Sói nhậu vào cao hứng đọc thơ, thằng Phú nghe không hiểu nhưng vẫn ngồi hầu rượu rất tận tụy. Chớp mắt, đêm đã buông. Những chiếc ghe câu mực lên đèn. Tôi nhìn đăm đắm vào dải sáng nơi đất liền trước mặt. Thỉnh thoảng có một đoàn tàu hỏa chạy qua đèo Cả, tiếng sầm sập âm vang ra tận ngoài này lẫn vào tiếng sóng biển dường như ở rất gần, nhưng trong bóng đêm tôi không thấy sóng. Trong nhà, vợ con thằng Phú ngồi coi tivi điện bình dưới bóng đèn tuýp tù mù. Hai đứa nhỏ đã bắt đầu gà gật.
Để mặc hai thằng bạn tiếp tục ngồi uống, tôi vớ lấy cây đèn pin và cái thùng nhôm đi xuống bãi cát. Ngày xưa tôi và thằng Phú hay đi bắt ốc mượn hồn như vầy. Ban đêm, ốc mượn hồn bò lổn ngổn trên bãi biển không biết cơ man nào mà kể. Hồi đó trước cổng trường tôi có một ông đi xe cub chở đầy một lồng ốc mượn hồn đem bán cho bọn học sinh, ngàn rưởi một con. Tôi cũng nằm trong cái bọn hay dấm dúi chơi ốc mượn hồn trong giờ học.
Hễ nó rúc vô vỏ, tôi lại hà hơi nóng cho nó bò ra. Chơi được một hai ngày thì ốc chết, lại đi mua con khác. Cứ ngày này qua ngày khác như vậy, lên trường cũng không học được bao nhiêu, nhưng giết khá nhiều con ốc. Tôi từng xúi thằng Phú đem ốc lên chỗ tôi bán, chắc sẽ giàu to. Nó cười, chửi tôi ngu. Tiền xe đò đi lên đi xuống còn gấp mấy lần tiền bán ốc.
Tôi bắt một thùng ốc đầy để ở chân chõng tre. Nhưng đến sáng mới thấy chúng đã lật thùng bò đi hết cả.
Tôi và lão Sói ăn bám thằng Phú khoảng tám chín ngày ở đó.
Sớm sớm dậy nghe chim kêu vượn hót sau núi, đi tắm biển rồi nằm ghếch chân đọc sách. Chiều chiều đi kéo mẻ lưới hay bắt cua đá, cá cóc về nhậu chơi. Đêm đêm trèo lên lồng tôm rỗng nằm ngắm sao trời, nghêu ngao hát. Khi nào quặn bụng, cứ việc cầm theo một cái cuốc, đi ra sau vườn đu đủ.
Có lúc tôi và lão Sói buồn buồn đi sâu vào cánh rừng phía sau, thăm thú những khe nước ngọt trong leo lẻo, cá bơi thơ thới. Tụi tôi hái đầy một gùi khóm dại, ổi rừng, đu đủ hườm hườm về ăn chơi. Buổi chiều nọ lũ bạn nuôi tôm của thằng Phú ở dọc bãi còn rủ ba thằng qua nhậu thịt heo rừng. Một con heo rừng dính bẫy ở ngay ruộng sắn gần cái giếng công cộng của bãi nuôi tôm này.
Tôi và Sói phụ vợ thằng Phú xách nước về nhà đổ đầy những chum vại. Hai thằng làm một chút đã mệt dừ, còn cô em xứ biển cứ gánh hai đầu hai cái can quét hắc ín đầy tràn nước, bước lơn tơn trên cát.
Thằng Phú đi đi về về giữa bãi nuôi tôm với đất liền như con thoi, buôn buôn bán bán. Buổi chiều nó ngồi băm cá con cho tôm ăn, bàn tay nhầy nhụa nhớt máu. Nó hỏi tôi giờ mua bộ truyện Tam Quốc ở đâu ra, tôi nói nhiều lắm, tái bản bán đầy ngoài phố. Nó kêu tao làm sao ra đó được. Tôi hứa sẽ gửi cho nó một bộ, qua địa chỉ ông anh của nó làm ở chi bộ xã.
Sói ngồi ngất ngưởng trên tảng đá cao, phân tích cái thâm của Khổng Minh trong chuyện tiến cử Bàng Thống làm thằng Phú nghe sướng quá, dừng tay băm cá, vỗ đùi đen đét. Như mọi ngày, có lẽ tôi sẽ nói đía lão Sói về chuyện đem “chiêu thức” ra làm mờ mắt thằng bạn chất phác của mình, nhưng nhận thấy niềm vui thích của nó, tự nhiên tôi cứ ngồi yên cười phụ họa.
Một buổi sáng dậy, lão Sói khều tôi:
‘Ê mày, tao nhớ nàng Francessca rồi!’.
Trưa hôm đó tụi tôi từ biệt vợ con thằng Phú và đám bạn nuôi tôm của nó, leo lên ghe trở lại bãi Ngà.
Thằng Phú tiễn tụi tôi lên tận trên đèo.
Chạy thêm khoảng ba chục cây số nữa thì tới Tuy Hòa, lão Sói lùng sục trong phố mua một bộ Tam Quốc, kêu tôi chạy vô bưu điện gửi về liền cho thằng Phú.
===============
NGUYỄN THIÊN NGÂN ( TuoiTre)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét