Con chó Han nằm trong căn nhà tí hon của nó hướng về phía tôi gừ gừ. Đây là con chó cưng của Trân, do một ông bạn già người Hàn tặng trước khi về nước. Han là họ của ông ta, được Trân gọi thành tên con chó luôn cho tiện nhớ về ông bạn già.
Con chó này nhìn rất mắc cười. Lông nó dài che kín cả mắt, thành ra khi nó đi thì như đang mò mẫm tìm đường, còn khi nó nằm thì nhìn như một triết gia dở người đang ngủ gật.
Trân lò dò bước lên, mặt còn ngái ngủ. Nó hỏi tôi ngủ có ngon không. Tôi nói từ hôm bỏ học tới giờ, hôm qua là đêm tôi được ngon giấc nhất. Nó ngồi xuống chiếc ghế cạnh tôi, chống cằm nhìn xuống ngõ, ngáp dài rồi tự động vớ lấy ly cà phê tôi đang uống, làm một hơi hết sạch. Tôi đoán ngày nào nó cũng ngủ đến trưa trờ trưa trật mới mò dậy.
‘Ê sao mày không hỏi tao có người yêu chưa?’ - Trân đá chân tôi.
‘Ừ thì mày có người yêu chưa, nếu mày muốn tao hỏi’.
‘Chưa đấy!’.
‘Mày không nghĩ đó là nỗi nhục của một cô gái hai mươi tuổi hả?’.
‘Đó là nỗi nhục cho bọn con trai quanh đời tao’.
Tôi biết nó còn vấp vướng với gã phóng viên ảnh đã có gia đình. Nhưng tôi không nhắc đến. Có lẽ, đó là chuyện Trân không thể tâm sự được với một thằng bạn trai, dù hai đứa thân thiết dường nào.
Nói tào lao một hồi, Trân bảo phải đi học. Nó hỏi hôm nay tôi sẽ làm gì. Tôi đáp muốn nằm nhà. Tự nhiên nghĩ đến chuyện ra đường lúc này, tôi thấy oải kinh khủng. Nó bảo ừ, còn rất nhiều đồ ăn trong tủ lạnh, tôi có thể ở lì trong nhà đến tuần sau mà không phải mò ra đường. Rồi bỗng nhiên Trân cười rích rích. Tôi hỏi nó có quái gì mà cười vui vậy, nó bảo nó nhớ chuyện hồi xưa.
Mẹ nó không thích chó, nhưng nó thì ao ước được nuôi chó một cách mãnh liệt. Thế là năm lớp ba, nó xin từ nhà bạn về một con cún tai cụp, nuôi giấu trong nhà kho bằng thức ăn chôm từ tủ lạnh. Ròng rã ba tuần mẹ nó mới phát hiện ra chuyện đó.
Tôi gào lên, kinh dị thật, mày tưởng mày cho tao ở nhờ vài ngày thì có thể “đồng hóa” tao với con chó tai cụp của mày à! Nó vờ nín cười, ra bộ sợ tôi giận, nói đâu có, chỉ là tao chợt nhớ lại chuyện đó nên muốn kể mày nghe thôi.
Trân đẩy xe ra khỏi nhà, vẫy tay chào tôi rồi nhảy lên rồ máy. Tôi đóng cửa, đi quanh quẩn trong nhà một hồi, cuối cùng dừng lại ngồi ngờ nghệch ở xa-lông, không biết sẽ làm gì tiếp nữa. Tôi xem liền ba phim trong bộ DVD Kim Ki Duk trên kệ đĩa. Có đến hai phim không có phụ đề tiếng Anh, nói toàn tiếng Hàn thi thoảng chen tiếng Pháp. Tôi vẫn dán mắt vào màn hình, chấp nhận chỉ xem diễn tiến trên màn ảnh mà mù tịt lời thoại.
Buổi trưa tôi ăn mì gói, uống nước táo ép trong tủ lạnh.
Giữa giờ chiều, tôi hoa mắt nằm vật ra ghế, ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Ngủ cho đến lúc Trân về.
========================
Những ngày tiếp sau đó, tôi vẫn ở lì trong nhà. Trân bận bịu suốt, có khi đi từ sáng đến khuya, học ở trường, học tiếng Anh, học đồ họa, học nhảy salsa. Nhìn nó tất bật như một-thanh-niên-hai-mươi-đích-thực, tôi nghĩ mình nên chạnh lòng về bản thân cho phải phép. Tuy nhiên, không thể chối cãi được là tôi cứ nhơn nhơn ra, như thể chúng tôi đang sống trong hai thế giới khác biệt.
Lúc nào thèm khí trời, tôi lên sân thượng ngồi tán chuyện với con chó Han. Nó vẫn gừ gừ khi tôi đến gần, nhưng thái độ đã bớt cảnh giác, thù địch. Tôi gửi email cho lão Sói xem lão đang làm gì, nhưng không có hồi âm. Tôi để lại số điện thoại của Trân trong email để lão có thể tìm tôi bất cứ lúc nào.
Xem phim, đọc sách chán, tôi đi lòng vòng trong nhà làm những thứ việc vặt. Có một chị giúp việc theo giờ thường đến vào bốn giờ chiều mỗi ngày lẻ để lau dọn, nên cũng chẳng có nhiều việc để tôi mó tay vào. Tôi lấy những thứ trong tủ lạnh, nấu một bữa tàm tạm, chờ cô bạn quý đi học về, cùng nhau ăn tối. Tôi cho quần áo vào máy giặt. Đó là loại máy giặt cửa ngang đỏng đảnh, thứ duy nhất có vẻ cũ kĩ trong ngôi nhà sang trọng này. Khi giặt một lúc ba cái quần jeans, nó giật đùng đùng. Tiếng ồn như máy nổ vọng khắp nhà. Đến khi giặt xong, chiếc máy giặt đã quay một vòng hơn 90 độ. Một chiếc máy giặt biết nhảy múa.
Sau khi cho quần áo vào, tôi ngồi ở bàn bếp đọc sách trong tiếng nhảy múa của chiếc máy giặt. Tôi đang đọc cuốn Đồ Vật của Georges Pérec, một cuốn mỏng mua được trong tiệm sách cũ lúc ở Hội An. Từ trang này sang trang khác là sự liệt kê, miêu tả tỉ mỉ những thứ đồ vật bằng bút pháp “khách quan chủ nghĩa” - đứng tên cho những ước muốn vật chất thảm hại của con người.
Rời mắt khỏi trang sách cuối, tôi nhìn quanh căn phòng bếp, thử làm nhẩm một bản thống kê, coi như bài tập sau khi đọc sách. Tủ lạnh side-by-side bóng loáng, ngập ngụa đồ hộp, mứt, nước quả, trái cây, pho-mát. Lò viba. Lò nướng. Máy nướng bánh mì có thể in hình lên lát bánh. Bộ nồi thủy tinh. Tủ chén dĩa sứ cao cấp. Bộ dao bếp chuyên dụng. Máy rửa bát. Ngăn tủ đựng nến thơm đủ mùi. Lọ thủy tinh cắm hoa lys trắng thơm ngào ngạt. Tủ rượu vang đủ loại. Tivi LCD treo tường, bộ giàn âm thanh xếp đặt khéo léo để có thể giải trí ngay cả trong nhà bếp.
Tất cả toát lên một thứ ánh sáng hào nhoáng, tự mãn. Tôi ngồi rất lâu để nghĩ xem mình có thèm muốn tất cả những thứ này không. Rốt cuộc thì tôi chẳng biết nữa. Tôi nhìn những thứ đồ vật chung quanh, không quá hờ hững, cũng không khao khát. Nhưng tôi nghĩ tôi thích có một chiếc máy giặt cửa ngang đời cũ như của nhà Trân - thứ đang khuất tầm mắt tôi, chỉ có tiếng kêu là dội ầm ầm trong ngực. Chiếc máy giặt biết nhảy múa.
Nó có vẻ là thứ duy nhất sống động trong căn nhà này, dĩ nhiên, trừ con Han. Nhưng tôi không thích chó lắm.
====================
Đến sáu giờ sáng hôm sau, hai đứa thanh toán tiền cà phê và đi bộ xuống phố kiếm tour đi thuyền thăm vịnh. Trên đường đi, có một người bán hàng rong gánh ngang qua một thứ quả rất lạ, dạng quả mọng nước như dâu tằm, tròn tròn, to bằng đầu ngón tay, màu đỏ phớt nhìn rất hấp dẫn mà chị ta gọi là quả thanh mai.
Trân mua hai kí, hai đứa vừa đi vừa ăn. Vị chua thanh vỡ òa trong miệng làm những giác quan đang lờ đờ sau một đêm thức trắng gần như bừng tỉnh. Chưa xuống tới bến tàu, chúng tôi đã chén sạch túi thanh mai đầy vun.
Chúng tôi mua tour đi thăm vịnh hai ngày một đêm giá 500 ngàn/pax - một tour bèo. Tàu cũ kĩ, nhưng nhìn khá ấn tượng với hai lá buồm đỏ thắm. Hình như buồm mới được thay mới nên màu đỏ nhức nhối của nó thật tương phản với con tàu. Tôi và Trân ngủ trong một cabin hẹp tém lót gỗ thông nhìn cũng khá sạch sẽ, xinh xắn.
Tôi cất ba-lô, ra boong tàu nằm trên ghế dài, mang kính mát, đọc sách, nhâm nhi cocktail miễn phí trong chương trình tour. Lúc đó chỉ cần thêm áo bông hoa và quần sọt cây dừa, trông tôi sẽ như một thằng công tử hạng ruồi thứ thiệt. Trân lên sau, tai đeo earphones, tay cầm một cuốn sổ tay.
Nó ngồi xuống ghế dài bên cạnh tôi, dựa ra ghế, chăm chú viết lách. Tôi đoán nó đang ghi lại nhật kí hành trình. Được một lát, nó gấp sổ để lên ghế, ra chống tay ở thành tàu nhìn biển xa xôi. Tôi nghĩ nó đang nghe tới bài gì đó trong phim Titanic. Đôi khi nó cũng hay dở hơi kiểu như thế.
Ăn trưa. Đi thăm vịnh. Bơi thuyền kayak. Ngắm hoàng hôn. Mọi thứ diễn ra đúng như trong lịch trình, không có gì bất ngờ, nhưng cũng không có gì đáng ta thán. Sau bữa ăn tối, tôi tách một mình đứng ngắm biển đêm. Trân ngồi lẫn trong nhóm du khách trẻ khác đang nói chuyện phiếm. Hình như họ đang bàn tán một vấn đề gì đó sôi nổi lắm, rồi thì chơi guitar, hát hò. Tôi mượn Ipod của Trân đeo vào để cách ly mình khỏi tiếng ồn. Đêm nay trời mù, không thấy trăng sao. Trong khung cảnh tịch mịch trước mặt, nhạc Damien Rice quả là một lựa chọn không tồi.
Tối đó, tôi vào ngủ trước. Hình như Trân uống bia với mấy người bạn mới quen đến tận nửa đêm. Tôi đoán thế nào sau chuyến đi chơi này nó cũng kiệt sức. Mắt nó đã quầng đen như mắt cú.
Sáng hôm sau tôi dậy trước nhất. Boong tàu vắng vẻ, mặt biển phủ đầy sương mờ buổi sáng. Tôi đứng hồi lâu, ráng căng mắt nhìn ra bốn phía nhưng không xác định được tàu đang ở chỗ nào. Rồi bỗng nhiên trong mù sương, tôi thấy Trân hiện ra bên cạnh, đột ngột như một bóng ma.
‘Ê, qua Noel tao đi Pháp’ - Nó nói đột ngột.
Tôi sửng sốt. Qua Noel nghĩa là còn rất gần.
‘Đi chơi?’.
‘Không, đi học. Thiết kế quảng cáo. Chắc sẽ ở Lille’.
‘Sao bây giờ mới nói?’.
‘Hôm kia tao mới biết chắc’.
Tốt nghiệp phổ thông xong, bố mẹ Trân đã hối thúc nó đi du học, nhưng nó kiên quyết từ chối, bỏ ra Hà Nội học Luật. Giờ nó đột ngột quyết định sẽ đi, tôi đoán chuyện nó và gã phóng viên ảnh đã có vấn đề. Nhưng tôi không hỏi thêm, chỉ buông một câu thờ thẫn:
‘Đến mày cũng bỏ tao đi à?’.
‘Đâu có ai ở bên cạnh ai hoài được’.
Chúng tôi bật cười. Hai câu cuối là một đoạn đối đáp tôi và nó thường hay tung hứng với nhau, bắt chước từ một bộ phim Hàn Quốc. Không ngờ có một lúc tôi phải hỏi nó như vậy, thật lòng.
Mặt trời đã mọc trên biển. Trong lớp sương dần tan, chúng tôi yên lặng quay đầu nhìn hai lá buồm đỏ thắm. Trân nói thời gian qua mau quá, thấm thoắt mà tụi mình đều đã hai mươi tuổi, sao chưa làm được gì trong đời, mà nỗi hụt hẫng, thất vọng thì đầy trong lòng vậy.
=====================
NGUYỄN THIÊN NGÂN ( TuoiTre)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét