Từ ga, cô đón chuyến xe bus số 48 thân quen chạy lên đồi Sart-Tilman, thăm trường Đại học. Sinh viên tràn lên tíu tít nói cười, vài ba cô cậu vẻ mặt tư lự sau cặp kính cận, tay khư khư đống sách dày.
Kim như thấy lại mình của ba năm về trước: vô tư, yêu đời, âu lo việc thi cử và ôm ấp nhiều mộng đẹp. Xe càng chạy lên đồi, cảnh rừng vào thu càng hiện ra thân thuộc. Ngày đó, cũng vào tiết trời này, Kim cùng Lân quyết định đi xuyên rừng khám phá con đường mới. Cả hai nhiều háo hức hơn kinh nghiệm nên cuối cùng lạc lối, chỉ còn biết khóc ròng nhìn màn đêm đang dần buông…
Kim xuống xe, vào khoa Kinh Tế. Cô chậm rãi dạo loanh quanh tìm về kỷ niệm xưa. Chỉ như mới hôm qua với bận rộn bài vở, giận dỗi bạn bè, bực tức thầy cô… Và kia, chiếc ghế đá Lân hay ngồi chờ Kim, tan học cùng nhau về ký túc xá. Kim ngắt một bông hoa dại, ngớ ngẩn cài lên tóc rồi buồn bã nhìn nơi giờ chẳng còn là của mình. Kim tìm đường sang khoa Kỹ Thuật, lối mòn này cô đã đi nhiều lần, ngỡ vết chân kia như mới hôm qua. Ba năm, không quá lâu để mọi thứ bị xóa nhòa, nhưng chẳng thể sống lại giây phút cũ. Cô hồi hộp dừng bên bồn điện thoại, nhét một đồng xu rồi bấm số.
Lân gần như hét lên trong ống nghe: "Kim chờ ở đó!". Thì chờ, anh chờ cô bao năm, giờ chờ lại vài phút có là bao. Kim nghe lòng mình thanh thản, cô lại với tay ngắt một bông hoa gắn lên đầu.
- Kim! – Lân gọi từ xa.
Kim nghĩ thể nào anh cũng lao vào ôm chầm lấy mình nhưng đột nhiên Lân sững người ngó cô lom lom rồi vụt cười điên dại. Kim nhịp nhịp giày, hất cằm hỏi thật phách:
- Sao vậy? Mừng quá hóa khùng hả?
- Kim khùng thì có!
Lân lôi Kim xềnh xệch đến bồn nước, ấn đầu cô soi xuống. Quả là một bà khùng với mớ hoa bách hợp trên tóc. Lân rứt sạch hoa cho Kim, miệng làu bàu "Sến chi sến dữ!". Lúc Kim lấy tay chải lại mái tóc dài của mình, miệng lỏn lẻn cười, anh vọt miệng đề nghị "Cho ôm một cái coi!" rồi không cần cho phép xấn đến kéo rịt Kim vào lòng. Đến lúc cả hai nghẹt thở, tự xô nhau ra, Lân lại đòi "Le lưỡi ra cho hun một cái coi!". Kim điên tiết thụi một quả vào bụng anh thét lên: "Lời đề nghị khiếm nhã!".
Lân chở Kim xuống đồi, về nhà mình trên chiếc xe hơi bóng loáng. Cô cáu kỉnh: "Ai thèm đi xe hơi, thích đi bus hơn!". Anh nhún vai không trả lời, nhìn vào kính chiếu hậu nhếch miệng cười: "Vẫn chảnh như ngày nào!". Lân giờ đẹp trai hẳn ra, người đầy đặn, má trắng môi hồng đúng dân châu Âu và trông thật lịch sự với áo vét thắt cà-vạt. Kim nhìn xuống chân anh, khen giày đánh xi cẩn thận. Cô lại đưa tay vuốt tóc Lân, chắc lưỡi: "Tóc chải cái gì mà mượt quá!". Rồi Kim khịt mũi đánh hơi: "Nước hoa hiệu gì đây? Thật là lịch lãm!". Lân chịu đựng sự soi mói của Kim một cách rộng lượng, thấy cô quả là trẻ con. Điều mà xưa kia cô vẫn hay chê anh không thương tiếc "Đồ con nít!" làm anh quay quắt hỏi "Vậy thì làm sao? Làm sao để lớn lên trong mắt Kim?". Quả thật, Lân nhỏ hơn Kim hai tuổi nhưng bề ngoài nhìn anh già hơn cô đến vài năm. Anh va chạm nhiều, cuộc sống sớm vất vả. Còn Kim mãi là tiểu thơ có khuôn mặt như trái táo căng mọng, lúc nào cũng khiêu khích người ta cắn hụt một cái. Ba năm qua, Lân già đi còn Kim vẫn ở lại độ tuổi ngoài hai mươi của mình. Dường như thời gian không chạm được vào cô nàng đỏng đảnh từng làm Lân đau khổ, có lần muốn nhảy xuống sông La Meuse chết quách cho rồi. Khi anh viết thư thú nhận điều này, Kim còn thách: "Chết đi! Vẫn còn bằng tiến sĩ chưa kịp lấy mà!". Giờ cái cô nàng quá quắt đó đang ngồi đây, trong chiếc xe hơi nhỏ hẹp chỉ cần Lân đưa tay sang là chạm đến. Thế nhưng anh có cảm giác sẽ chẳng bao giờ với nổi nàng.
- Công nhận dạo này Lân phong độ hẳn ra – Kim xoay người ngắm anh lộ liễu – Nhìn thèm dễ sợ!
- Vô duyên!
- Có "dê" được em nào chưa hay tối ngày lo học hoài? Đẹp trai lồ lộ thế này, về Việt Nam mấy em chịu sao nổi?
- Vô duyên!
- Đã cấm Lân lâu rồi, không bao giờ được nói Kim "vô duyên", nhớ chưa?
- Có duyên ghê! – Lân gật gù công nhận, vẻ mặt đểu hết chỗ nói.
Kim bật cười khanh khách, cái giọng cười giòn tan như chưa biết đến những muộn phiền. Lân lắc đầu làm bộ chán nản:
- Con gái con đứa! Đúng là có duyên ghê!
- Vậy đó! Còn hơn Lân ngoài chuyện học ra chẳng hiểu đời là gì! – Kim nổi giận, cô có vẻ "thù" con đường học vấn dài ngoằng của anh.
Tối đó, khi Kim đòi anh làm spaghetti đãi cô, món ruột dễ làm nhất trần đời của anh, đột nhiên Lân xúc động muốn trào nước mắt: "Kim vẫn còn nhớ sao?". Vậy mà lúng túng thế nào, anh luộc mì ống chưa thật chín, bị cô cằn nhằn: "Tâm hơ tâm hất! Sao có vợ được!". Ăn xong, Kim nhảy tót lên giường Lân ra lệnh "Rửa chén đi!" rồi nằm xem truyện tranh cười hích hích. Anh nhớ cảnh này quen thuộc lắm, thời đó Kim cũng "ngược đãi" anh thế này, để rồi hối hận mời sang phòng mình nấu bún riêu xin lỗi. Húp hì hục đến tô thứ tư, Lân cười hề hề cầu tài: "Chê chi Lân con nít! Kim cũng con nít vậy! Hai đứa con nít chơi với nhau! Hai đứa con nít iu nhau! Hai đứa con nít cưới nhau!". Nghe đến đây, Kim mất bình tĩnh lấy muỗng gõ lên đầu anh, không đau nhưng tức. Thế là lại giận, Lân khoác áo, quàng khăn bỏ về lúc trời đang đổ tuyết trắng xóa…
Học xong Kim về nước, nơi có gia đình và bạn bè thân thiết đang ngóng đợi. Lân bực bội nghĩ mình bị bỏ rơi, anh ở lại tiếp tục học lên Thạc sĩ rồi làm trợ giảng, đợi đến khi bảo vệ xong luận án tiến sĩ sẽ trở thành giáo sư tại chính ngôi trường Đại học này. Anh vẫn tồn tại, thậm chí phát triển nghề nghiệp rất tốt mà không cần đến tình yêu của Kim. Hai "đứa con nít" nghỉ chơi nhau, không thư từ gì nữa. Và rồi thời gian trôi. Ở Việt Nam Kim có lẽ đã yêu ai đó, đã chuẩn bị lên xe hoa. Lân nghe bạn bè thông tin mơ hồ như thế. Vậy mà đột ngột Kim xuất hiện thế này, chẳng nói lý do, cứ khui hết kỷ niệm này đến kỷ niệm khác.
- Tối nay nhường Kim ngủ trên giường nghen! – Kim cười dịu dàng đề nghị – Lân trải nệm ngủ dưới sàn đi!
Lân phì cười:
- Sao tự nhiên hiền lành đến không ngờ vậy! Ở chơi với Lân lâu không?
- Hỏi chi?
- Nếu ở ít ngày thì nhường, còn ở suốt đời thì thôi!
Kim ngơ ngác:
- Thôi là sao?
- Lân không ngủ dưới sàn, lên giường nằm chung!
Nói xong điều này Lân chờ cô phản ứng ầm ĩ nhưng lạ thay Kim lại bảo : "Còn thói quen nghe nhạc Pháp không?". Anh mở nhạc, những bản tình ca của những năm sáu mươi lãng mạn và da diết buồn. Hai người dìu nhau điệu slow. Lân nghe hơi thở ấm áp của người con gái một thời trên vai. Cô khẽ hỏi "Còn yêu Kim không?" rồi không cần câu trả lời, tiếp: "Nhiều lúc nhớ Lân muốn chết!". Anh thật sự sẽ không bao giờ hiểu nổi cô, dường như cô luôn trêu ghẹo, làm cho người ta yêu, rồi lại chọc cho bị giận, vừa mới giảng hòa, lại tiếp tục gây chiến. Bạn bè khuyên lúc thấy Lân mệt mỏi: "Kim không yêu mày đâu, chẳng qua nó thương mày!". Yêu và thương, khác nhau ra sao, người chỉ biết học hành, chẳng mấy kinh nghiệm tình trường như Lân làm sao hiểu nổi?
Kim có vẻ mệt, nằm vật ra giường: "Mở nhạc Vũ Thành An đi". Lân nghe theo, những bản "Không tên" của những cuộc tình chẳng có tương lai làm anh khổ sở. Vậy mà Kim lại cười, tươi như thể hai người là một cặp vợ chồng đi hưởng tuần trăng mật. Anh thành thật: "Nhiều lúc Lân mong Kim có ngày biết buồn. Vậy mà ba năm gặp lại vẫn tươi roi rói!". Kim lại cười, chủ động đề nghị "Hun Kim một cái coi!" Anh hôn lên đôi gò má căng tròn như trẻ thơ, thở dài bực tức: "Sao lúc nào cũng thơm như trái táo chín thế này. Ước gì Lân được nhìn thấy Kim héo úa!".
Buổi sáng lúc Lân thức dậy, Kim đã ra đi, để lại bức thư viết bằng giấy màu hồng trên gối. Dường như cô đã chuẩn bị tất cả trước khi đến Liège. Kim nói mình đang mang trong người một căn bệnh nan y, có thể sẽ chết, cũng có thể sẽ vượt qua. "Nếu còn sống, ba năm sau Kim lại tìm gặp Lân, để được nhìn Lân vẫn con nít như ngày nào. Nếu không… lẽ nào Kim đành chấp nhận kết cuộc của mình vô duyên như phim Hàn Quốc?".
Lân chạy vội ra ga cùng với dấu chấm hỏi của Kim. Anh đau đớn nhìn những chuyến tàu bỏ đi mọi ngả.
Lân không ở lại Liège dù ngày bảo vệ luận án tiến sĩ đến gần. Anh sẽ về Việt Nam làm việc. Lân nghĩ, một ngày nào đó, nếu Kim quay lại Liège tìm, cô sẽ thất vọng nhận ra rằng mình không được chờ đợi. Và cứ để cho cô tức điên lên. Sao cứ bắt anh ở trong thế bị động, anh không đợi cô nữa. Anh sẽ đi tìm cô. Và đừng bắt anh nhìn cô tươi tắn, "Hãy cho Lân được hôn lên đôi má nếu có héo úa của Kim, hãy cho Lân được nhìn Kim mệt mỏi, và, cho anh làm người yêu không vô tình của em!".
Ngày Lân về, Liège đang cuối Đông. Những cơn gió cắt da làm cỏ cây héo úa. Lân tự hỏi sao anh có thể ở lại nơi chẳng phải nhà mình trong một khoảng thời gian dài đến thế? Sao anh có thể cô đơn đi về trên những con đường hun hút không biết mệt mỏi? Sao anh có thể nghe nhạc tình trong cảnh đơn độc mà không sợ lẻ loi? "Mình sẽ quay lại nơi này – Lân bồi hồi nghĩ – chỉ khi nào có Kim đồng hành!".
Rồi mùa Xuân cũng sẽ về, khi những cội hoa hạnh đào bung cánh rực rỡ và nắng ấm tràn về phủ vàng phố…
(tháng 1-2005)
DƯƠNG THỤY ( Tuoi Tre )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét