Hiển thị các bài đăng có nhãn Cáo già Gái già và Tiểu thuyết diễm tình. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Cáo già Gái già và Tiểu thuyết diễm tình. Hiển thị tất cả bài đăng

P03: Liège của những người yêu nhau

Kim quay lại Liège vào đầu thu, khi những đợt gió lạnh tràn về làm lá vàng rơi, phủ đầy những con đường vắng lặng.
Từ ga, cô đón chuyến xe bus số 48 thân quen chạy lên đồi Sart-Tilman, thăm trường Đại học. Sinh viên tràn lên tíu tít nói cười, vài ba cô cậu vẻ mặt tư lự sau cặp kính cận, tay khư khư đống sách dày.
Kim như thấy lại mình của ba năm về trước: vô tư, yêu đời, âu lo việc thi cử và ôm ấp nhiều mộng đẹp. Xe càng chạy lên đồi, cảnh rừng vào thu càng hiện ra thân thuộc. Ngày đó, cũng vào tiết trời này, Kim cùng Lân quyết định đi xuyên rừng khám phá con đường mới. Cả hai nhiều háo hức hơn kinh nghiệm nên cuối cùng lạc lối, chỉ còn biết khóc ròng nhìn màn đêm đang dần buông…
Kim xuống xe, vào khoa Kinh Tế. Cô chậm rãi dạo loanh quanh tìm về kỷ niệm xưa. Chỉ như mới hôm qua với bận rộn bài vở, giận dỗi bạn bè, bực tức thầy cô… Và kia, chiếc ghế đá Lân hay ngồi chờ Kim, tan học cùng nhau về ký túc xá. Kim ngắt một bông hoa dại, ngớ ngẩn cài lên tóc rồi buồn bã nhìn nơi giờ chẳng còn là của mình. Kim tìm đường sang khoa Kỹ Thuật, lối mòn này cô đã đi nhiều lần, ngỡ vết chân kia như mới hôm qua. Ba năm, không quá lâu để mọi thứ bị xóa nhòa, nhưng chẳng thể sống lại giây phút cũ. Cô hồi hộp dừng bên bồn điện thoại, nhét một đồng xu rồi bấm số.
Lân gần như hét lên trong ống nghe: "Kim chờ ở đó!". Thì chờ, anh chờ cô bao năm, giờ chờ lại vài phút có là bao. Kim nghe lòng mình thanh thản, cô lại với tay ngắt một bông hoa gắn lên đầu.
- Kim! – Lân gọi từ xa.
Kim nghĩ thể nào anh cũng lao vào ôm chầm lấy mình nhưng đột nhiên Lân sững người ngó cô lom lom rồi vụt cười điên dại. Kim nhịp nhịp giày, hất cằm hỏi thật phách:
- Sao vậy? Mừng quá hóa khùng hả?
- Kim khùng thì có!
Lân lôi Kim xềnh xệch đến bồn nước, ấn đầu cô soi xuống. Quả là một bà khùng với mớ hoa bách hợp trên tóc. Lân rứt sạch hoa cho Kim, miệng làu bàu "Sến chi sến dữ!". Lúc Kim lấy tay chải lại mái tóc dài của mình, miệng lỏn lẻn cười, anh vọt miệng đề nghị "Cho ôm một cái coi!" rồi không cần cho phép xấn đến kéo rịt Kim vào lòng. Đến lúc cả hai nghẹt thở, tự xô nhau ra, Lân lại đòi "Le lưỡi ra cho hun một cái coi!". Kim điên tiết thụi một quả vào bụng anh thét lên: "Lời đề nghị khiếm nhã!".
Lân chở Kim xuống đồi, về nhà mình trên chiếc xe hơi bóng loáng. Cô cáu kỉnh: "Ai thèm đi xe hơi, thích đi bus hơn!". Anh nhún vai không trả lời, nhìn vào kính chiếu hậu nhếch miệng cười: "Vẫn chảnh như ngày nào!". Lân giờ đẹp trai hẳn ra, người đầy đặn, má trắng môi hồng đúng dân châu Âu và trông thật lịch sự với áo vét thắt cà-vạt. Kim nhìn xuống chân anh, khen giày đánh xi cẩn thận. Cô lại đưa tay vuốt tóc Lân, chắc lưỡi: "Tóc chải cái gì mà mượt quá!". Rồi Kim khịt mũi đánh hơi: "Nước hoa hiệu gì đây? Thật là lịch lãm!". Lân chịu đựng sự soi mói của Kim một cách rộng lượng, thấy cô quả là trẻ con. Điều mà xưa kia cô vẫn hay chê anh không thương tiếc "Đồ con nít!" làm anh quay quắt hỏi "Vậy thì làm sao? Làm sao để lớn lên trong mắt Kim?". Quả thật, Lân nhỏ hơn Kim hai tuổi nhưng bề ngoài nhìn anh già hơn cô đến vài năm. Anh va chạm nhiều, cuộc sống sớm vất vả. Còn Kim mãi là tiểu thơ có khuôn mặt như trái táo căng mọng, lúc nào cũng khiêu khích người ta cắn hụt một cái. Ba năm qua, Lân già đi còn Kim vẫn ở lại độ tuổi ngoài hai mươi của mình. Dường như thời gian không chạm được vào cô nàng đỏng đảnh từng làm Lân đau khổ, có lần muốn nhảy xuống sông La Meuse chết quách cho rồi. Khi anh viết thư thú nhận điều này, Kim còn thách: "Chết đi! Vẫn còn bằng tiến sĩ chưa kịp lấy mà!". Giờ cái cô nàng quá quắt đó đang ngồi đây, trong chiếc xe hơi nhỏ hẹp chỉ cần Lân đưa tay sang là chạm đến. Thế nhưng anh có cảm giác sẽ chẳng bao giờ với nổi nàng.
- Công nhận dạo này Lân phong độ hẳn ra – Kim xoay người ngắm anh lộ liễu – Nhìn thèm dễ sợ!
- Vô duyên!
- Có "dê" được em nào chưa hay tối ngày lo học hoài? Đẹp trai lồ lộ thế này, về Việt Nam mấy em chịu sao nổi?
- Vô duyên!
- Đã cấm Lân lâu rồi, không bao giờ được nói Kim "vô duyên", nhớ chưa?
- Có duyên ghê! – Lân gật gù công nhận, vẻ mặt đểu hết chỗ nói.
Kim bật cười khanh khách, cái giọng cười giòn tan như chưa biết đến những muộn phiền. Lân lắc đầu làm bộ chán nản:
- Con gái con đứa! Đúng là có duyên ghê!
- Vậy đó! Còn hơn Lân ngoài chuyện học ra chẳng hiểu đời là gì! – Kim nổi giận, cô có vẻ "thù" con đường học vấn dài ngoằng của anh.
Tối đó, khi Kim đòi anh làm spaghetti đãi cô, món ruột dễ làm nhất trần đời của anh, đột nhiên Lân xúc động muốn trào nước mắt: "Kim vẫn còn nhớ sao?". Vậy mà lúng túng thế nào, anh luộc mì ống chưa thật chín, bị cô cằn nhằn: "Tâm hơ tâm hất! Sao có vợ được!". Ăn xong, Kim nhảy tót lên giường Lân ra lệnh "Rửa chén đi!" rồi nằm xem truyện tranh cười hích hích. Anh nhớ cảnh này quen thuộc lắm, thời đó Kim cũng "ngược đãi" anh thế này, để rồi hối hận mời sang phòng mình nấu bún riêu xin lỗi. Húp hì hục đến tô thứ tư, Lân cười hề hề cầu tài: "Chê chi Lân con nít! Kim cũng con nít vậy! Hai đứa con nít chơi với nhau! Hai đứa con nít iu nhau! Hai đứa con nít cưới nhau!". Nghe đến đây, Kim mất bình tĩnh lấy muỗng gõ lên đầu anh, không đau nhưng tức. Thế là lại giận, Lân khoác áo, quàng khăn bỏ về lúc trời đang đổ tuyết trắng xóa…
Học xong Kim về nước, nơi có gia đình và bạn bè thân thiết đang ngóng đợi. Lân bực bội nghĩ mình bị bỏ rơi, anh ở lại tiếp tục học lên Thạc sĩ rồi làm trợ giảng, đợi đến khi bảo vệ xong luận án tiến sĩ sẽ trở thành giáo sư tại chính ngôi trường Đại học này. Anh vẫn tồn tại, thậm chí phát triển nghề nghiệp rất tốt mà không cần đến tình yêu của Kim. Hai "đứa con nít" nghỉ chơi nhau, không thư từ gì nữa. Và rồi thời gian trôi. Ở Việt Nam Kim có lẽ đã yêu ai đó, đã chuẩn bị lên xe hoa. Lân nghe bạn bè thông tin mơ hồ như thế. Vậy mà đột ngột Kim xuất hiện thế này, chẳng nói lý do, cứ khui hết kỷ niệm này đến kỷ niệm khác.
- Tối nay nhường Kim ngủ trên giường nghen! – Kim cười dịu dàng đề nghị – Lân trải nệm ngủ dưới sàn đi!
Lân phì cười:
- Sao tự nhiên hiền lành đến không ngờ vậy! Ở chơi với Lân lâu không?
- Hỏi chi?
- Nếu ở ít ngày thì nhường, còn ở suốt đời thì thôi!
Kim ngơ ngác:
- Thôi là sao?
- Lân không ngủ dưới sàn, lên giường nằm chung!
Nói xong điều này Lân chờ cô phản ứng ầm ĩ nhưng lạ thay Kim lại bảo : "Còn thói quen nghe nhạc Pháp không?". Anh mở nhạc, những bản tình ca của những năm sáu mươi lãng mạn và da diết buồn. Hai người dìu nhau điệu slow. Lân nghe hơi thở ấm áp của người con gái một thời trên vai. Cô khẽ hỏi "Còn yêu Kim không?" rồi không cần câu trả lời, tiếp: "Nhiều lúc nhớ Lân muốn chết!". Anh thật sự sẽ không bao giờ hiểu nổi cô, dường như cô luôn trêu ghẹo, làm cho người ta yêu, rồi lại chọc cho bị giận, vừa mới giảng hòa, lại tiếp tục gây chiến. Bạn bè khuyên lúc thấy Lân mệt mỏi: "Kim không yêu mày đâu, chẳng qua nó thương mày!". Yêu và thương, khác nhau ra sao, người chỉ biết học hành, chẳng mấy kinh nghiệm tình trường như Lân làm sao hiểu nổi?
Kim có vẻ mệt, nằm vật ra giường: "Mở nhạc Vũ Thành An đi". Lân nghe theo, những bản "Không tên" của những cuộc tình chẳng có tương lai làm anh khổ sở. Vậy mà Kim lại cười, tươi như thể hai người là một cặp vợ chồng đi hưởng tuần trăng mật. Anh thành thật: "Nhiều lúc Lân mong Kim có ngày biết buồn. Vậy mà ba năm gặp lại vẫn tươi roi rói!". Kim lại cười, chủ động đề nghị "Hun Kim một cái coi!" Anh hôn lên đôi gò má căng tròn như trẻ thơ, thở dài bực tức: "Sao lúc nào cũng thơm như trái táo chín thế này. Ước gì Lân được nhìn thấy Kim héo úa!".
Buổi sáng lúc Lân thức dậy, Kim đã ra đi, để lại bức thư viết bằng giấy màu hồng trên gối. Dường như cô đã chuẩn bị tất cả trước khi đến Liège. Kim nói mình đang mang trong người một căn bệnh nan y, có thể sẽ chết, cũng có thể sẽ vượt qua. "Nếu còn sống, ba năm sau Kim lại tìm gặp Lân, để được nhìn Lân vẫn con nít như ngày nào. Nếu không… lẽ nào Kim đành chấp nhận kết cuộc của mình vô duyên như phim Hàn Quốc?".
Lân chạy vội ra ga cùng với dấu chấm hỏi của Kim. Anh đau đớn nhìn những chuyến tàu bỏ đi mọi ngả.
Lân không ở lại Liège dù ngày bảo vệ luận án tiến sĩ đến gần. Anh sẽ về Việt Nam làm việc. Lân nghĩ, một ngày nào đó, nếu Kim quay lại Liège tìm, cô sẽ thất vọng nhận ra rằng mình không được chờ đợi. Và cứ để cho cô tức điên lên. Sao cứ bắt anh ở trong thế bị động, anh không đợi cô nữa. Anh sẽ đi tìm cô. Và đừng bắt anh nhìn cô tươi tắn, "Hãy cho Lân được hôn lên đôi má nếu có héo úa của Kim, hãy cho Lân được nhìn Kim mệt mỏi, và, cho anh làm người yêu không vô tình của em!".
Ngày Lân về, Liège đang cuối Đông. Những cơn gió cắt da làm cỏ cây héo úa. Lân tự hỏi sao anh có thể ở lại nơi chẳng phải nhà mình trong một khoảng thời gian dài đến thế? Sao anh có thể cô đơn đi về trên những con đường hun hút không biết mệt mỏi? Sao anh có thể nghe nhạc tình trong cảnh đơn độc mà không sợ lẻ loi? "Mình sẽ quay lại nơi này – Lân bồi hồi nghĩ – chỉ khi nào có Kim đồng hành!".
Rồi mùa Xuân cũng sẽ về, khi những cội hoa hạnh đào bung cánh rực rỡ và nắng ấm tràn về phủ vàng phố…
(tháng 1-2005)
DƯƠNG THỤY ( Tuoi Tre )

P04: Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình

Tố Uyên lặng lẽ một mình khóa cửa phòng. Đám bảo vệ quen với việc về trễ của chị cũng phải thốt lên: “Về khuya dữ chị!”. Ông Toàn tài xế mừng rỡ mở cửa xe sau cả buổi đói meo ngồi chờ.
Tố Uyên vốn không ưa ông này, chị thù vụ ông bị vợ cắm sừng rồi đổ thừa: “Tại chị bắt tui làm việc về trễ quá con vợ tui nó ngứa ngáy “nhảy dù” với thằng sửa ống nước”. Mấy lần chị tính vận dụng những thủ thuật của một giám đốc nhân sự đuổi phứt ông Toàn nhưng chủ tịch công đoàn là anh ruột ông ta.
- Nè, công ty sắp có tổng giám đốc mới – Tố Uyên hào hứng – Đẹp trai lắm! Tui coi hình rồi. Nghe đâu li dị vợ.
- Vậy là chị có hy vọng... – ông tài xế có tính xã giao làm vui lòng sếp chợt buột miệng.
- Ý anh là sao?
Tố Uyên điên tiết. Thằng cha vô duyên thấy sợ! Để rồi coi, tổng giám đốc mới mà quyết đoán một chút chị sẽ “dùi” cách đuổi cổ chủ tịch công đoàn, hay ít ra cũng làm hắn “cụt tay cụt chân”. Khi đó ông Toàn đừng hòng xớ rớ trong xe chị. Đã nhiều lần ông vụng về đề cập đến việc chị đã gần bốn mươi mà chưa chồng. Mấy tài xế công ty rảnh rỗi tha hồ “tám” chuyện, đã thế ông Toàn còn thật thà học lại nguyên văn tưởng làm sếp hài lòng: “Tố Uyên tuy gái già nhưng nhìn còn ngon cơm!”.
Sếp mới về không làm thất vọng mấy trăm nhân viên, trước mắt là ngoại hình. Ông người Anh, gốc Ý, vóc người năng thể thao, làn da rám nắng, khuôn mặt nam tính chinh phục người đối diện dễ dàng. Berlotti phong độ tuyệt đỉnh ở tuổi bốn lăm. Tố Uyên biết chỉ cần sếp ra lệnh, chị sẵn sàng đem cả mền chiếu vào công ty làm việc. Kinh nghiệm cho thấy ông Tổng nào mới về cũng cần nhân sự hỗ trợ để tống bớt đám tay chân của đời trước, rước người mới vào dễ bề quản lý. Tố Uyên và sếp thường ở lại bàn bạc công việc đến tận mười giờ đêm. Đám bảo vệ giả bộ đi tuần ngang qua phòng tổng giám đốc liếc thấy hai người thân mật cười nói rổn rảng. Ông Berlotti vỗ vai Tố Uyên thùm thụp: “Chúa ơi! Chúa ơi!”, chị nàng bưng mặt mắc cỡ kêu lên the thé: “Berlotti! Ồ Berlotti! Không!”. Bà con đồn ùm lên hai người “chịu đèn” nhau rồi. Dạo này giám đốc nhân sự không mặc những bộ váy công sở nghiêm nghị nữa. Chị đổi style diện toàn bằng chất liệu mềm mại, kiểu dáng nhẹ nhàng, đơn giản mà trẻ trung. Ai cũng công nhận cái tính từ “ngon cơm” đám tài xế dành cho chị là chính xác. Tố Uyên cao một mét sáu lăm, lưng thẳng, eo thon, bụng nhỏ. Chị không có nhan sắc mỹ miều nhưng mặt mũi ưa nhìn, biết trang điểm tinh tế, và nếu đừng làm ra vẻ ta đây mà chịu cười tủm tỉm, chị quả là mỹ nhân U40. Mỗi lần nhân viên công ty thấy Tố Uyên cùng ông tổng sánh đôi lên xe đi ra ngoài công tác hoặc cùng đàm đạo thân mật trong sân, người ta thật lòng mong chị có bồ phứt cho rồi. Chức cao, tài năng, xinh đẹp mà làm gái già thật tâm sinh lý phức tạp không tài nào đoán nổi. Dĩ nhiên người trong cuộc biết công ty bàn tán gì. Mặc, anh đã li dị, ả chưa có chồng. Hồi sau sẽ rõ.
Hồi một trôi qua, hồi hai rồi hồi ba cũng kết thúc. Sau một năm từ ngày ông Berlotti về nhận nhiệm vụ tổng giám đốc, mọi người ai cũng công nhận tài lãnh đạo của ông. Cái tính quyết đoán, dám ra lệnh dám nhận trách nhiệm làm nhiều người nể phục. Berlotti khéo ăn khéo nói, khéo cả cách cư xử vừa cương vừa nhu, đấm người ta một cái thì tức thời phải xoa ngay một cái. Bước chân vào công ty ông tổng bắt tay từng bảo vệ, vỗ vai từng lao công, đi chào từng nhân viên các phòng ban mỗi sáng. Ông nhớ tên hết mọi người và thích hỏi những câu liên quan đến đời tư: “Con anh hết bệnh chưa?”, “Chừng nào em cô thi đại học?”, “Vợ cậu đi công tác thế nào?”… Ông chủ tịch công đoàn hay phá bỉnh những đời tổng giám đốc trước giờ tươi như hoa suốt ngày ngồi ca tụng “ông Berlotti số một”. Mọi người lao vào làm việc như điên không thèm vòi tiền “overtime” dù ai cũng ra khỏi công ty lúc tám giờ tối. Doanh thu tăng đột biến, thành công ngoài dự kiến, tập đoàn từ Anh gởi bằng khen về tới tấp. Nhưng cuối năm lương thưởng chỉ dành cho những giám đốc trụ cột của công ty, số nhân viên còn lại không được bao nhiêu. Tiền trượt giá vì lạm phát cũng không được tính. Dĩ nhiên sếp tổng lập công lớn với tập đoàn vì tối đa hóa doanh thu và tối thiểu hóa chi phí. Lãi ròng chuyển về tập đoàn tăng đáng kể.
Phòng nhân sự bị bêu rếu, bà con hài tên Tố Uyên ra: “Việt gian”, “me Tây”, “tai sai bọn đế quốc”… Nhiều trưởng phòng ban khi vào phòng nhân sự kiện cáo đòi tăng lương cho nhân viên chứng kiến cảnh chị bưng mặt khóc thê thảm: “Trăm dâu đổ đầu tằm! Có ai chịu hiểu cho tui không? Chính mấy người mới bị cai trị một cách dịu êm! Trời ơi, ngu ơi là ngu!”. Mọi người bấm tay nhau lui ra: “Câu cuối là bả nói chính bả. Một năm nay bả cũng đâu được xơ múi gì. Uổng công trang điểm má hồng bấy lâu”. Thế rồi dần dần người ta vỡ lẽ, ông Berlotti là một con cáo già chỉ còn chờ ngày để thành tinh. Ông có tài biết kết hợp những ngôi sao trong một bầu trời lại với nhau, biết khiển người ta tự nguyện cống hiến hết mình, biết dùng những đầu tàu như Tố Uyên o ép số nhân viên dưới quyền còn lại, biết cả thuật “nam nhân kế” tán tỉnh phụ nữ từ người trong công ty đến khách hàng và đối tác bên ngoài. Nhưng ông tỉnh táo, biết dính vào “gái già” trong công ty là hết đường gỡ, nên Tố Uyên dù có “ngon cơm” cỡ nào cũng không bao giờ Berlotti thèm ăn thử một miếng. Tố Uyên đau khổ nhìn Berlotti mỗi cuối tuần đều vào hộp đêm chơi bời. Trong cộng đồng dân nước ngoài làm việc tại Sài Gòn, chị quen biết khá nhiều. Tin tức gì của sếp chị cũng gióng tai lên. Càng biết thì càng đau. Sếp không quan tâm đối tượng trí thức, nghe nói vợ cũ của ông là tiến sĩ. Ông chỉ thích hẹn hò với đám gái hạ đẳng, với bọn chân dài - đầu bé - vú to. Chơi qua đường cũng có mà coi bộ “true love” cũng có. Nghe nói Berlotti mua nhà cho một con bé “chân bước lên thềm ngực gõ cửa”, những ngày nghỉ hiếm hoi toàn dẫn đi resort rồi vỗ đồm độp vào cái mông nở kinh hồn như ngựa đua của nó mà cười thỏa mãn. Tố Uyên không hiểu một người trí thức tài giỏi như Berlotti lại có thể yêu đương bọn gái toàn “tàu hủ” trong đầu như thế. Co gì thú vị, đáng lôi cuốn để cùng chia sẻ chứ!
Từ ngày nhận đơn xin thôi việc của giám đốc nhân sự vì lý do sức khỏe, sếp Berlotti giật mình quay lại o bế một “khai quốc công thần” của mình. Lần này ông không để đương sự và người ngoài hiểu lầm nữa. Ông chủ động để mọi người biết giữa Tố Uyên và mình là một tình đồng nghiệp sâu sắc, một tình bạn hiếm hoi, một tình cảm trong sáng nhưng sâu nặng hơn cả nghĩa vợ chồng. Phần chưa tìm ra công ty mới vừa ý, phần cũng chỉ muốn “làm mình làm mẩy”, Tố Uyên mở lòng ra đón nhận những cử chỉ chăm sóc của sếp. Thật sự Berlotti không phải người xấu, ông cũng chẳng lợi dụng ai nếu người đó không tự nguyện. Muốn thành đạt trên thương trường bắt buộc ông phải “cáo”, muốn quản lý giỏi đành lòng ông phải dùng thủ thuật, muốn tối đa hóa thành công ông còn cách nào khác hơn là chấp nhận trả giá.
- Sự nghiệp không song hành cùng hạnh phúc gia đình – Berlotti ngồi trên bàn Tố Uyên lúc cả công ty đã ra về mà tâm sự – Vợ tôi chịu không nổi cảnh tôi đi công tác biền biệt, con tôi không tha thứ việc tôi vắng mặt cả ngày trời. Làm một người đàn ông li dị thê thảm lắm!
- Thật sao? – Tố Uyên cảnh giác với những lời than thân trách phận xưa rích của bọn đàn ông.
Làm ngơ trước giọng điệu châm chọc, Berlotti thảm thiết:
- Tôi không có một mái ấm gia đình. Không tin cô hỏi thằng Tâm tài xế tôi đi, có những tối sau một ngày làm việc mửa mật, nó phải chở tôi về nhà cùng dùng cơm với vợ chồng con cái của nó. Hưởng chút không khí gia đình hạnh phúc của người ta rồi về lại căn biệt thự rộng tênh lạnh lẽo công ty thuê cho.
- Tôi đồng ý với ông, sự nghiệp không song hành cùng hạnh phúc cá nhân – Tố Uyên lại châm chọc – Như tôi đây, chồng nào chịu lấy! Có lần một nhân viên nữ xin nghỉ vì con ốm mà tôi không cho, nó dám thét vào mặt tôi: “Chị không làm mẹ không hiểu con cái là tất cả. Chị làm việc trung thành và cống hiến tận lực cho công ty rồi cũng chết già trong cô đơn mà thôi!”.
- Nè, cho phép tôi hỏi – Berlotti kê sát vào tai Tố Uyên thì thầm – Cô còn trinh đó chứ?
Đã quá quen với cách nói năng “du côn” kiểu Ý và hiểu con người Berlotti thích sự thẳng thắn, Tố Uyên ưỡn ngực tự hào: “Nguyên xi!”. Berlotti vỗ đùi rõ kêu: “Phí quá! Tôi biết đàn ông Việt Nam gia trưởng và ích kỷ, lấy vợ tài năng như cô họ e ngại, nhưng việc gì phải ép xác như vậy? Hãy trải nghiệm đi! Đọc ba cuốn sách loại này còn ức chế thêm!”. Berlotti với tay trên kệ của Tố Uyên lấy mấy tiểu thuyết diễm tình của Danielle Steel và Quỳnh Dao. Hình bìa toàn cảnh hai người ôm nhau âu yếm trong khung cảnh hữu tình. Cáo già Berlotti lắc đầu trề môi. Tố Uyên phì cười: “Tôi cũng biết là phí, nhưng tìm người xứng đáng để “cho” không gặp”. Berlotti ôm lấy vai chị chân thành:  “Đừng nghĩ là “cho”, sex là từ hai phía. Tôi chưa bao giờ trả tiền cho bất kỳ ai tôi có quan hệ. Điều đó thật bất công và giết chết cảm xúc”. Tố Uyên bĩu môi: “Thế còn những lần ông chơi bời với gái vũ trường? Ông không trả một xu nhỏ à?”. Berlotti cười ngất “Cô biết tính mạnh mẽ nhưng dịu dàng của tôi trong công việc, trên giường tôi còn “nghệ thuật” hơn. Lẽ ra bọn họ phải trả tiền cho tôi. Nhưng thôi, như tôi đã nói, điều đó giết chết cảm xúc”.
Sau lần tâm sự quá sức thân mật đó, hai người tiếp tục kiểu trò chuyện “huỵch tẹt”, thẳng thắn và có phần dung tục sau một ngày làm việc căng thẳng. Tố Uyên thấy chị “bà tám” với sếp như hai con mẹ hàng tôm nhiều chuyện. Berlotti tỉnh bơ thú nhận đôi khi quên rằng Tố Uyên là một phụ nữ, lại là một phụ nữ Việt Nam còn “nguyên xi”. Hai người xả stress bằng đủ thứ chuyện bậy bạ mà chân thành. Tình cảm của họ thật khó tả, cả hai như đã hiểu nhau thật nhiều nhưng cũng giữ kẽ ở chừng mực nào đó giữa sếp và cấp dưới. Berlotti mỗi khi đi công tác châu Âu hay tìm mua tặng cô giám đốc nhân sự của mình những cuốn sách về tình dục học: “Sao, người đẹp? Mấy cuốn sách này đả thông tư tưởng cô chưa?”. Và cuối năm đó, khi Tố Uyên đang bù đầu làm kế hoạch lương thưởng cho kịp trước tết, Berlotti đi Anh nghỉ Giáng Sinh về tặng cô một hộp giấy rồi nháy mắt gian ơi là gian. Ông đóng cửa phòng lại vẻ bí mật dù xung quanh chẳng còn ma nào làm việc đến giờ này. Tố Uyên hồi hộp mở quà ra. Những dụng cụ bằng cao su mềm, hình dáng đủ loại từ có gai, có mùi hương, đến rung mạnh và nhiệt độ ấm nóng như thật. Tố Uyên cầm những bộ phận sinh dục phái nam “đồ chơi” lên, ngước nhìn vẻ thất vọng của Berlotti vì sự thờ ơ của mình, đều giọng: “Tưởng gì ghê gớm! Ba cái đồ này tôi đã… tự trang bị trong lần đi công tác Hà Lan cách đây vài năm!”. Berlotti há hốc miệng. Lần đầu tiên chị thấy một người luôn làm chủ tình thế như sếp biết kinh ngạc.
Đột ngột, Berlotti được thăng chức sang Hồng Kông làm giám đốc vùng châu Á. Ông ra đi trước nhiệm kỳ gần một năm. Trước khi đi ông kịp tăng lương và tăng chức cho một loạt người, ký quyết định cho những nhân viên triển vọng theo học MBI tại Anh và đưa vào qui định hằng năm cho mọi người mười bốn tháng lương. Cáo già nháy mắt: “Cho tổng giám đốc đời sau hứng hết mọi phí tổn”. Thành phần tạp vụ, tài xế, bảo vệ cũng được ông quan tâm cho hết đồ đạc cao cấp trong nhà như ti-vi, tủ lạnh, xe honda... Ông chủ tịch công đoàn lại ca điệp khúc: “Ông Berlotti số một!”.
Thời gian bàn giao trước khi đi của sếp quá gấp, Tố Uyên lại bù đầu với công việc nên cả hai không còn lúc nào để “tám”. Berlotti hẳn cũng chẳng có thời giờ để chia tay đám nhân tình nhân ngãi nên ngày ông ra phi trường sang Hồng Kông, ngoài những giám đốc các phòng ban trong công ty đeo kính trí thức và nhóm tạp vụ ăn mặc tuềnh toàng ra, còn lố nhố một đám các em mông ngực nở nang. Đoàn người hổ lốn làm mất an ninh trật tự với những tiếng í ới, những nụ hôn vội vã, những cái bắt tay chớp nhoáng. Khi chủ tịch công đoàn dẫn đại diện các công nhân từ nhà máy ầm ầm kéo tới đột ngột giương cao biểu ngữ “Mr.Berlotti is number one”, dân tình xung quanh ngơ ngác: “Có diễn viên nước ngoài nào hả?”.
Sếp mới về, công ty lại lao vào một guồng quay mới. Thảng hoặc tìm tài liệu trong đáy tủ, Tố Uyên lại nhìn thấy cái thùng giấy đựng mớ dụng cụ bằng cao su mềm có gai. “Phải thủ tiêu thôi, rủi có nhân viên nào phát hiện thì chết toi – chị lầm bầm đỏ mặt – Cũng chẳng thể đem về nhà, phụ huynh hơn tám mươi của mình phát giác chắc đứt gân máu!”. Chị muốn viết email cho sếp cũ, phân bua mình khao khát tình cảm, còn ba cái vụ sex siếc mà phải “tự xử” bằng mớ dụng cụ vô hồn này thật không ham. Nhưng thôi, người như ông Berlotti không bao giờ tin vào tiểu thuyết diễm tình.
Ba năm sau, khi đã xấp xỉ tuổi bốn mươi lăm, Tố Uyên lập gia đình. Chồng chị là một kỹ sư người Đức, trông có vẻ khô khan nhưng đôi mắt thấu hiểu. Chị lên chức tổng giám đốc, thế cho người sếp nước ngoài hết nhiệm kỳ. Đám bảo vệ thì thầm với tài xế: “Chức cao hơn nhưng không về trễ nữa, làm vợ thì phải biết nấu bữa cơm ngon cho chồng!”. Ông Toàn gật gù: “Các sách diễm tình đều nói vậy...”.
(14-3-2007)
DƯƠNG THỤY ( Tuoi Tre )

P02: Nụ hôn ngược chiều thời gian

Mùa hè năm đó nắng vàng ươm, trời trong xanh và hoa nở khắp nơi thật rực rỡ. Nhân chuyến tu nghiệp ngắn hạn ở Paris, Lê về miền Nam, đến sống cùng gia đình Julien một tuần lễ.
Từ nhà ga thành phố Saint Étienne đông đúc, Julien lái xe đưa Lê về nhà. Ngôi làng Saint Joseph nằm trên lưng chừng một ngọn núi, xe phải chạy qua những khúc quanh thật gắt làm Lê say xe rên lên đau khổ. Đến trước căn nhà bằng đá, cửa sổ chạm trổ cầu kỳ, những giỏ hoa lộng lẫy treo lơ lững, Julien dừng lại. Anh xuống xe dìu Lê mặt tái mét đứng không còn vững vào nhà. Cô ngã vào vòng tay mẹ Julien đưa ra rồi cho phép mình ngất đi trong tiếng la thất thanh của mọi người.
Lê biết Julien khi anh hãy còn thanh niên mơ mộng tìm đến Việt Nam chỉ vì thất tình. Julien kể anh thầm yêu một cô gái gốc Việt tên “Làn Nước Mùa Thu” mà Lê đoán là Thu Thủy. Sau khi nhận được tin Thủy đính hôn, Julien một mình lên đường đến Việt Nam với con tim tan nát. Năm đó anh mới hai mươi ba tuổi còn Lê là sinh viên năm nhất trường Dược. Trong một lần đi nhà sách, Lê bắt gặp một anh chàng gầy nhom, mặc áo thun sẫm màu giản dị đang lật những trang sách tiếng Pháp đọc say sưa. Không rào trước đón sau, Lê hỏi thẳng:
- Chào anh! Anh là người Pháp phải không? Tôi đang học Pháp văn. Tôi muốn thực tập với anh.
- Xin chào! – anh chàng gầy nhom không nhiệt tình lắm – Tôi không thích phải nói tiếng Pháp. Tôi muốn thực tập tiếng Việt với cô.
- Cũng được, thì chúng ta cùng dạy cho nhau – Lê háo hức – Anh còn ở Sài Gòn lâu không?
Vẫn trả lời bằng một giọng thờ ơ, chàng người Pháp khiêu khích công khai:
- Cũng còn tùy cô có sức thu hút không!
Lê ngỡ ngàng nhìn người nước ngoài. Thấy bị xúc phạm, cô quay ngoắc người bỏ đi. Ra đến ngoài cửa, Lê được níu lại “Tôi đùa thôi mà! Tôi còn ở Sài Gòn lâu lắm, chừng nào hết tiền mới về lại Pháp! Tôi tên Julien. Còn cô?”.
Chiều hôm đó ông nội ngơ ngác thấy Lê dẫn về một “thằng Tây con”, hỏi ông có thể cho anh ta ở chung trong nhà không. Nhìn cặp mắt háo hức của Lê và lý do chính đáng muốn học giỏi Pháp văn, ông vui lòng chấp nhận nhưng thực tế hơn: “Cậu phải trả cho chúng tôi tiền ăn và tiền giặt giũ!”. Cái giá đưa ra quá “bèo” cho một căn phòng sạch sẽ. Julien hẳn đã “mở cờ trong bụng” nhưng anh còn làm bộ đi đi lại lại trong căn nhà ngăn nắp vẻ suy nghĩ. Ông già bỏ ra ngoài sân tưới cây, để mặc cô cháu gái đang hồi hộp chờ một tiếng “đồng ý” của thằng Tây mới nhặt về. Cuối cùng Julien nhìn hóng ra con hẻm cụt, chép miệng: “Nhà cô thích thật, ngay trung tâm mà có được một nơi yên tĩnh như vậy. Tiện cho tôi làm việc”. Tưởng vài ngày nữa Julien mới dọn đến, nào ngờ chỉ hai tiếng đồng hồ sau ông nội há hốc mồm nhìn thằng nhỏ gầy còm chở chiếc va-li trên yên xe đạp lao đến bấm chuông. Lê nén cười nhìn Julien tháo dây thun ràng va-li ra. “Chào mừng anh đến ngôi nhà nhỏ của chúng tôi – Lê nghiêng đầu duyên dáng nói – Ông nội và tôi vui lòng xem anh như một thành viên của gia đình”. Julien cười tươi rạng rỡ, anh cố nén không dám khen Lê nói tiếng Tây “văn chương thấy mà ớn”, còn cần gì thực tập thêm. Khệ nệ rinh va-li lên phòng, Julien tưởng mình nằm mơ giữa ban ngày.
Nhưng chỉ vài ngày sau, Julien biết cái gì cũng có giá của nó. Lê dựng đầu anh dậy lúc sớm, bảo tập thể dục và tưới cây cùng, như thế mới có thêm từ vựng về thể thao và cây cối. Đang lúc hè không phải đến trường, Lê tha hồ dắt anh đi khắp nơi. Mỗi người một chiếc xe đạp, ra Sài Gòn, vô Chợ Lớn, đến Bà Chiểu. Đi mệt về nhà đã có ông nội nấu cơm chờ sẵn, trong lúc ăn Julien cũng bị Lê “tra tấn” không ngừng. Có lần Lê lăn đùng ra ốm, Julien vui mừng hớn hở. Nhưng vừa thoát cô cháu, anh rơi vào người ông “ghê gớm”. Ông già thuộc “dân chương trình Tây”, nói tiếng Pháp chia động từ cẩn thận làm Julien khiếp đảm. Ông bàn từ chuyện văn chương thời Racine, chuyện chính trị, kể cả chuyện kỹ thuật vận hành máy bay Concorde cũng được ông đề cập đến một cách tường tận. Julien thắc mắc một ông một cháu như thế sao không cùng nhau “thực tập tiếng Pháp”, việc gì phải “dụ dỗ” anh về nhà này. Gần gũi bên nhau được vài tháng, Lê chịu dạy tiếng Việt cho Julien và không ngừng thắc mắc sao anh thích Việt Nam đến mức “ăn dầm nằm dề” không mục đích cụ thể.
- Vì kiếp trước tôi người Việt – Julien cho “đáp án” – Tôi muốn dành thời giờ ở Việt Nam để làm việc...
Lê ngơ ngác:
- Việc gì? Tôi có thấy anh làm gì đâu?
Julien ấm ức:
- Em đi theo “ám” tôi từ sáng đến tối! Còn thời giờ yên tĩnh đâu nữa mà làm việc?
- Nhưng mà việc gì – Lê dậm chân mất kiên nhẫn – Việc gì mới được chứ?
- Viết văn! – Julien thốt ra thú nhận.
Lê há hốc nhìn Julien. Anh bật cười, cúi đầu mắc cỡ, tự biết mình không có dáng vẻ của một nhà văn. Sau một hồi chọc ghẹo chàng “văn sĩ” đến mức anh nổi điên rượt cô chạy khắp nhà, Lê xin hứa sẽ tạo điều kiện tối đa cho anh sáng tác. “Nhưng anh phải cho tôi làm nguyên mẫu của nhân vật nữ chính!”. Julien làm bộ mếu máo: “Vậy ai còn thèm đọc truyện của tôi? Nhân vật nữ là một con ếch cái tối ngày kêu ồm ộp, tra tấn người ta điếc cả tai. Với một con ếch xấu xí có vòng mông mập ú như thế thì chỉ tên “trái lê” mới hợp. Làm sao đặt là “làn nước mùa thu” được?”. Lê phát khóc nhưng ráng trả miếng: “Như thế mới xứng với nhân vật nam là một con thằn lằn ốm tong teo!”. Sáu tháng trời bên nhau trong căn nhà vắng người nhưng ầm ĩ vì những cuộc đấu khẩu không phân thắng bại, khi Julien bị phụ huynh triệu về Pháp, anh kịp thổ lộ mình yêu Lê mất rồi. Cô đã cười gập người trước lời tỏ tình của anh chàng nhà văn chưa có một tác phẩm nào được in và cuối tháng hay nợ tiền cơm ông nội. Khi đó Lê hãy còn quá trẻ, và Julien cũng thế…
Mặt trời hẳn đã lên cao, Lê nhỏm dậy, thấy một dải nắng ngọt ngào luồn vào khe cửa hẹp. Cô mở cửa sổ nhìn ra vườn. Charles đang tưới những luống cà chua, con mèo ú Titi cọ mình vào chân anh nũng nịu.
- Chào em! – Anh trai của Julien vui vẻ cất tiếng – Ngủ ngon chứ? Xem những trái cà anh trồng đẹp chưa nè?
- Xin chào! – Lê lúng túng đưa tay vuốt mái tóc chưa kịp chải của mình – Chờ em thay đồ rồi ra vườn hái cà với anh nhe!
Charles hào hứng:
- Mau lên! Nếu không con mèo Titi tham ăn sẽ “xực” hết đám cà ngon lành này đó!
Lê vội vã vào phòng tắm. Khi cô bước ra, mẹ Julien đưa Lê ly sữa tươi thoảng hương đồng nội vừa được bà vắt từ con bò Lucien sáng nay. Charles lại réo gọi tên Lê, cô nhảy thốc ra vườn cười giòn giã. Lúc hai người đang ngồi nhấm nháp vị ngọt dịu dàng của mớ cà xinh xắn trong một bụi cây kín đáo, Julien xộc đến bất ngờ. Anh xốc tay Lê đứng lên, nói với Charles hôm nay theo kế hoạch sẽ đưa Lê lên ngọn đồi Thánh Mẫu. Charles không phản đối, anh nháy mắt chúc Lê đi chơi vui vẻ rồi đứng lên cầm cuốc tiếp tục chăm sóc những luống cà của mình.
Lê đi theo Julien, bước trên lối mòn xanh rợp bóng cây, càng lúc càng lên đồi cao. Thời gian quả diệu kỳ, gặp lại Julien sau mười năm xa cách, Lê nhận ra anh đã thay đổi hoàn toàn. Thời gian đầu lúc Julien tạm biệt ông cháu cô và ngôi nhà trống vắng ở Sài Gòn, họ hay viết cho nhau. Julien than nhớ Việt Nam quá, còn Lê rên vắng anh ngồi nhà càng thêm rộng. Nhưng rồi ai cũng phải thích nghi, những lá thư thưa dần, thảng hoặc họ mới liên lạc nhau vào những dịp đặc biệt như Giáng sinh hay lễ tết. Một tấm thiệp, vài dòng tin ngắn ngủi. Julien đã nhiều lần định trở sang Việt Nam tìm việc làm. Nhưng rồi Julien có bạn gái và cô ta không muốn sang một nước xa xôi. Năm ngoái, khi Lê báo tin ông nội đã mất, Julien gọi về chia buồn và cho hay giờ đã trở thành phi công của một hãng hàng không nổi tiếng, anh thường đảm trách những chuyến bay giữa các nước châu Âu. Julien thú nhận vẫn không ngừng nhớ đến Việt Nam và hy vọng một ngày nào đó được lái đoạn đường dài từ Paris sang tận Sài Gòn.
Julien dừng lại đề nghị:
- Lê! Em có cần nghỉ mệt một chút không? Còn chừng một cây số nữa mới lên đến đỉnh đồi có tượng Thánh Mẫu.
- Đồng ý! – Lê chỉ chờ có thế, cô đến ngồi dựa vào gốc cây bên đường – Cảnh đẹp quá! Thật yên tĩnh, khác xa Sài Gòn náo nhiệt!
Julien đến ngồi bên Lê. Hai người lắng nghe tiếng chim hót ríu rít và hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành. Từ lúc Julien đưa Lê về nhà, anh cũng ít trao đổi với cô và xem cô như một người bạn của cả gia đình chứ không phải của riêng mình. Lê biết Julien từ mấy năm nay đã thuê một căn hộ ở cùng bạn gái tại Lyon nhộn nhịp. Anh không tiện mời cô đến nhà riêng nên dẫn về nhà cha mẹ. Anh xin nghỉ phép để có thời giờ dành cho Lê nhưng thật ra chiều nào cũng chạy xe về Lyon thăm bạn gái. Thật kỳ lạ, Lê không giận vì bị bỏ quên mà ngược lại thấy cái vẻ quan tâm đến bạn gái của Julien thật đáng yêu. Hẳn được làm bạn gái anh rất dễ chịu. Và Lê cũng bất ngờ nhận ra Julien rất tình cảm với cha mẹ và anh trai, khác với bọn thanh niên Tây ích kỷ bên này.
- Giờ em sống một mình trong căn nhà rộng sao? – Julien cất tiếng – Anh vẫn thường mong ước trở lại căn phòng trông ra vườn cây kiểng của ông nội. Ở đó anh đã viết những truyện ngắn đầu tiên...
- Anh bỏ mộng thành văn sĩ rồi sao? – Lê quay sang nhìn Julien chăm chú – Nhưng em thích anh như thế này hơn, phi công, oai thật!
Julien bật cười, anh chịu đựng ánh mắt lộ liễu của Lê xộc vào từng ngóc ngách trên cơ thể mình. Mười năm trước Lê chẳng thể nào hình dung nổi anh chàng gầy còm chở sau yên xe đạp chiếc va-li nhỏ chứa đầy sách giờ đã thay đổi kinh khủng đến như vậy. Julien trông thật tự tin với ánh mắt cương nghị, bộ ngực nở nang căng phồng sau làn áo sơ-mi và đôi cánh tay rắn rỏi. Lê chăm chú ngắm mái tóc mềm nâu sẫm, vầng tráng thông minh, đôi mắt màu hạt dẻ rất sáng, cái miệng nhỏ hơi nghiêm và chiếc cằm bạnh ra chững chạc. Julien của mười năm sau trông phong độ đến mức Lê cảm nhận rõ rệt sức hấp dẫn từ vẻ bề ngoài đàn ông của anh đang làm mình chao đảo. 
- Sao anh không trở về? – Lê thì thầm – Ông nội và em đã nhắc nhiều đến anh. Giá như dạo vừa tốt nghiệp anh về Sài Gòn tìm việc gì đó...
- Nhưng em sẽ không cho vào nhà nếu dẫn theo bạn gái – Julien lắc đầu cười – Trong suốt mười năm qua, không cô bồ nào chia sẻ với anh tình yêu đối với Việt Nam cả. Lý ra anh nên có bạn gái người Việt Nam...
Lê thở dài:
- Em không sống một mình nổi sau khi ông nội mất. Em ngăn nhà ra làm đôi và cho người nước ngoài thuê. Khu đó giờ sang trọng lắm...
- Hẳn khi xưa em chê anh vất vưởng không có tương lai, hàng tháng trông chờ gia đình gởi tiền qua và gầy còm xơ xác lắm? – Julien cố cười lớn nhưng giọng anh có vẻ chua chát – Anh đã yêu em biết bao nhiêu...
- Vậy hả? – Lê cười, cô chưa bao giờ tin Julien yêu mình thật sự – Ngày đó em chưa biết tình yêu là gì. Em nghĩ anh lãng mạn nên dễ yêu vậy thôi...
Julien cười vu vơ. Lê của ngày nay biết nói chuyện nhỏ nhẹ, chững chạc và duyên dáng hơn hẳn cô gái đanh đá mà Julien từng biết. Hai mươi tám tuổi, sở hữu một căn nhà trong khu vực gần trung tâm thành phố, đảm nhận vị trí cao trong một công ty nước ngoài…. Julien chắc Lê có rất nhiều những ánh mắt ngưỡng mộ. Nhưng cô nhìn anh tư lự: “Làm sao tìm được người yêu mình không phải qua những giá trị vật chất?”
Julien đứng lên kéo tay Lê, bảo mình nên tiếp tục lên đỉnh đồi có tượng Thánh Mẫu. Hai người song hành bên nhau, Lê để tay mình trong tay Julien. Càng lên cao đường càng khó đi nên anh phải giúp cô giữ thăng bằng. Cuối cùng hai người cũng lên được đến nơi. Julien chậm rãi hái những bông hoa dại mùa hè rồi lấy dây cỏ buộc lại thành một bó rực rỡ trao cho Lê. Từ đỉnh đồi họ nhìn xuống thành phố Saint Étienne nhỏ bé cùng những triền hoa nhấp nhô trong gió. Julien đột ngột dò hỏi:
- Em hẳn thích loại đàn ông trụ cột gia đình? Như ba anh vậy đó? Kỹ sư, làm việc cả đời trong một nhà máy, về hưu chỉ thích làm bạn với cỏ cây. Yêu vợ, thương con, hiền lành và đáng tin cậy?
- Hồi bé em đã thích vậy – Lê thành thật – Nhưng sống không có người thân đã lâu, em trở nên quá mạnh mẽ. Em chỉ cần một người đàn ông dễ thương, biết làm cho em cười, một người tình hấp dẫn về mặt hình thức!
- Hình như em đang tả Charles, anh trai anh phải không? – Julien cười to trêu – Charles là kiến trúc sư, lãng mạn và nghệ sĩ...
Lê chậm rãi lắc đầu:
- Không phải Charles. Em muốn nói người đó là... anh!
Julien có vẻ bất ngờ, hai người đang ngồi rất sát và môi họ đang gần kề bên nhau. Lê để mình bị Julien hút lấy làn môi hé mở chờ đợi. Cô hôn anh bằng tất cả đam mê của một phụ nữ trẻ trước người đàn ông quyến rũ. Nhưng Julien đang hôn Lê một cách dịu dàng như khi cô hãy còn mười tám tuổi và anh là một “văn sĩ” mộng mơ. Julien như muốn tìm về quá khứ khi họ còn quá hồn nhiên trong căn nhà rộng lớn ở Sài Gòn. Cái thời anh chẳng có chút hấp dẫn về mặt hình thức cũng không có gì đảm bảo cho cuộc sống tương lai. Thời Lê tuy đanh đá nhưng trong sáng và ngây thơ vô cùng…
Cả nhà Julien đưa Lê ra ga đi Paris để hôm sau cô về lại Việt Nam. Cha anh cầm tay lái, mẹ anh ngồi kế bên, con mèo Titi trên đùi. Charles và Lê dính chặt vào nhau khi xe qua những khúc quanh chóng mặt từ ngôi làng Saint Josphep trườn dần xuống núi. Tối hôm qua Julien về Lyon với lý do bạn gái đang bệnh, hứa sáng nay sẽ đến thẳng nhà ga Saint Étienne tiễn Lê. Cô nghĩ đó chỉ là lời hứa lịch sự, anh đang muốn tránh mặt sau nụ hôn đột ngột trên đồi. Quả như Lê dự đoán, đến giờ tàu chạy Julien vẫn không xuất hiện mặc cho cha mẹ anh đang cố gắng gọi di động một cách vô vọng. Charles giúp Lê đem chiếc va-li nhỏ lên tàu. Anh thì thầm “Khi nào anh sang Việt Nam thăm em, nhớ cho anh ở trong phòng cũ ngày trước của Julien nhé?”. Lê lắc đầu, cô ghé vào tai anh đáp “Không, em sẽ cho anh vào phòng... của em!” rồi đẩy anh xuống trong tiếng cười nghịch ngợm. Tàu đã chuyển bánh, Lê nhìn qua cửa sổ thấy Charles mỉm cười gởi cho cô một nụ hôn gió. Lê ngồi xuống chỗ của mình, tiếc không được gặp lại Julien để nói cô vẫn để dành căn phòng đó, chỉ cho anh mà thôi.
Lê trở lại Paris, cô không trách Julien chẳng ra ga tiễn nhưng nhớ anh da diết.  Hôm sau cô ra phi trường Charles De Gaules, chuẩn bị về Việt Nam, về với công việc bận rộn, về với phần nhà được ngăn đôi mà vẫn còn quá rộng cho một người cô đơn. Trước lúc vào phòng cách ly, đột ngột Lê thấy Julien đang nháo nhác đi tìm ai đó. “Anh tìm em phải không? – Lê đến bên anh hỏi – Anh từ Lyon lái xe lên tận Paris để tiễn em về Việt Nam sao?”. Julien ôm lấy Lê mừng rỡ. Anh không nói gì, hai người đứng bên nhau, tay trong tay mãi đến lúc Lê là hành khách cuối cùng phải lên máy bay. Cô hôn lên má tạm biệt Julien, nói sẽ rất mừng nếu một ngày nào đó anh lái máy bay đến Sài Gòn. “Và... nếu anh đến cùng bạn gái của mình – Lê thì thầm – Em cũng sẽ cho anh vào nhà!”. Julien nhìn sâu vào mắt cô, mỉm cười: “Cảm ơn em!”. Khi Lê bước vào bên trong, anh đột ngột nói với theo: “Hồi đó ở Sài Gòn, anh thật sự đã yêu em!”. Lê gật đầu mỉm cười “Và lúc ở trên đồi Thánh Mẫu, em cũng...” rồi vội vã quay lưng đi.
Lúc máy bay cất cánh lao vào bầu trời xanh, Lê ước gì mình có thể thổ lộ trọn vẹn hơn. Nhưng cô biết, điều đó chẳng có ý nghĩa gì, cô và Julien đã không yêu nhau vào cùng một thời điểm. Mười năm nữa, nụ hôn của một phi công thật nam tính, trên ngọn đồi lộng gió đầy hoa và nắng có còn làm cô nghẹn lòng mỗi khi nhớ lại? Giá người ta có thể đi ngược chiều thời gian...
(tháng 5-2006)
DƯƠNG THỤY ( Tuoi Tre )

P01: Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình

Giới thiệu sách

Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình
Tác giả: Dương Thụy
Nhà xuất bản: Tủ sách Tuổi Trẻ - NXB Trẻ
Năm xuất bản: 2008
Giá: Đang cập nhật
Giới thiệu:
Tập truyện mới Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình là 12 truyện ngắn tiếp nối mạch văn và các đề tài Dương Thụy từng theo đuổi. Theo lẽ đương nhiên, với thời gian và kinh nghiệm sống ngày một dày dặn, thì những truyện ngắn Dương Thụy đang được mở rộng cả về không gian, đông đúc thêm diện mạo nhân vật, khắc họa rõ hơn, tìm cách lý giải và đưa ra góc nhìn sắc bén hơn về tính cách con người.

Một thế giới dưới nắng mặt trời
Nếu xem xét một truyện ngắn dưới góc độ một bộ phim, thì con người viết văn Dương Thụy đã đảm nhận vai trò biên kịch, đạo diễn và quay phim khá trọn vẹn. Nhưng đáng kể nhất, cô sẽ kiêm luôn vai trò diễn viên nữ chính.
Bằng sự thông minh, vẻ tự nhiên và óc khôi hài hiếm thấy, cô luôn khiến bộ phim sinh động, cuốn hút cho đến giây phút cuối cùng. Đọc văn Dương Thuỵ hơn mười năm qua, chưa bao giờ tôi lạc mất cảm giác ngạc nhiên và niềm hứng thú đặc biệt ấy.
Sau một số tập sách gây ấn tượng đẹp xuất bản các năm trước như Bồ câu chung mái vòm, Hành trình của những người trẻ, Oxford thương yêu…, tập truyện mới Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình là 12 truyện ngắn tiếp nối mạch văn và các đề tài Dương Thụy từng theo đuổi. Theo lẽ đương nhiên, với thời gian và kinh nghiệm sống ngày một dày dặn, thì những truyện ngắn Dương Thụy đang được mở rộng cả về không gian, đông đúc thêm diện mạo nhân vật, khắc họa rõ hơn, tìm cách lý giải và đưa ra góc nhìn sắc bén hơn về tính cách con người. Điều này khiến những ai đọc Dương Thụy lâu nay tránh được cảm giác bị vây chụp bởi mảnh lưới dệt bằng thói quen của người viết. Còn những ai lần đầu đến với sách Dương Thụy, sẽ hứng thú muốn tìm kiếm tác phẩm của cô lần hai, lần ba…
Đọc Dương Thụy, không thể phủ nhận thế mạnh nổi bật của cô là xây dựng cốt truyện. Vẫn hay chọn “tình yêu và cảm xúc” làm xương sống, nhưng diễn biến trong các câu chuyện luôn rẽ ngoặt theo các sự biến đầy bất ngờ. Đi nhiều nơi trên thế giới, tinh thần rộng mở và khoáng đạt, thế nên các barie văn hóa được Dương Thụy nhấc lên thật thoải mái và nhẹ nhõm. Dù đầu mối mở ra ở một xứ sở châu Âu hay là đời sống sở Tây trên đất Việt, thì khi kết lại cuối câu chuyện, con người với các quốc tịch khác nhau đều hiện ra trên tác phẩm của Dương Thụy trong diện mạo gần gũi, tính cách sinh động, và quan trọng nhất, đó là những con người có thể thấu hiểu.
Không dừng ở việc miêu tả lớp vỏ “ngoại quốc” hay khai thác “khác biệt văn hóa” - điều rất hay gặp nếu đọc mảng đề tài nước ngoài của một số cây bút trẻ - Dương Thụy giữ một thái độ khá sáng suốt, soi chiếu nhân vật một cách công bằng và chẳng ngại ngần gì mà không nói thẳng tận cùng bản chất. Từ một anh sếp Tây biết làm việc, biết hưởng thụ, thậm chí biết cách “tranh thủ tình cảm” các nhân viên Việt một cách láu lỉnh cho đến cô gái trẻ  lãng mạn, xao lòng nhưng luôn gắng “bóp thắng” đúng lúc đều hiện ra rất chân thật… Ngay trong vấn đề chừng như khá nhạy cảm là sex, Dương Thụy cũng có cách đề cập độc đáo: hài hước, không che đậy úp mở và không tránh né. Đọc những truyện như thế, không những chẳng thấy gợn bởi sự dung tục, người đọc còn được chia sẻ với Dương Thụy đôi mắt nhìn tươi tắn và trong trẻo.
Bước giữa thế giới nhân vật do Dương Thụy tạo dựng trong tập Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình, người đọc thường xuyên “đụng đầu” câu hỏi đặt ra cho chính mình: phải chăng, trong thế giới người trẻ, khác biệt văn hóa ngày càng thu hẹp? Người ta đang trở nên giống nhau trong ứng xử, giống nhau khi lựa chọn hướng đi trong cuộc sống, và nhất là sự tương đồng trong các cung bậc xúc cảm? Thấu hiểu và sẵn lòng chia sẻ nên người ta đến với nhau dễ dàng hơn. Tình yêu tâm hồn và cả thể xác không còn là thứ xa vời cấm kỵ. Nhưng chính vì thế, mỗi cá nhân lại bớt phần bí mật, ít đi quyến luyến nên chia tay nhau cũng thấy chóng vánh và nhẹ nhàng hơn. Cảm giác mênh mang nuối tiếc hay buồn rầu vương vít mà Dương Thụy để lại trong lòng độc giả sau mỗi câu chuyện ngỡ như tươi vui, đầy ắp chi tiết sống động phải chăng là vì thế?
Từng là một người làm báo năng động và giàu kinh nghiệm, rồi chuyển sang lĩnh vực quan hệ công chúng, Dương Thụy biết đặt để vào tác phẩm của mình một trữ lượng thông tin đáng kể. Cuộc sống du học xứ người hay môi trường làm việc sở Tây được “nội soi” chính xác và sống động hiếm thấy trong tập truyện ngắn này. Lướt qua  chi tiết bề mặt, người đọc sẽ ghi nhận trong các truyện ngắn của Dương Thụy, đang hiện ra dạng nhân vật mới, với kiểu tâm trạng chưa từng hiện diện trước đây: Những người trẻ hiện đại dám chấp nhận áp lực cuộc sống và công việc, dám sống và nghĩ theo cách riêng, biết cách hóa giải thử thách để bước lên nấc thang thành đạt. Nhưng ở một ngóc ngách sâu kín, những người trẻ ấy vẫn để lộ ra chút gì yếu ớt, thiết tha được coi sóc và thương yêu.
Dương Thụy không bận tâm nhiều bởi kỹ thuật hay thủ pháp văn chương. Cô có sự tự nhiên của người sở hữu các câu chuyện hay cùng sự tự tin của một người biết rộng và lịch lãm. Chính vì không cố ý, nên Dương Thụy có một giọng văn hồn hậu riêng biệt, một phong cách không thể trộn lẫn. Và cô dẫn dắt người đọc theo mình đến cùng. Càng đọc Dương Thụy, tôi càng tin rằng cô là người kể chuyện giỏi: Hài hước, tinh quái, giọng điệu có lúc thản nhiên tưng tửng rặt chất Sài Gòn, nhưng ngẫm kỹ, lại thấy buồn buồn, có khi đượm chua xót. Quyến rũ độc giả bởi trang văn chân thành, giản dị, những người như Dương Thụy đang ngày một hiếm hoi trên văn đàn trẻ.
Đọc tập truyện mới của Dương Thụy, giống như tôi đang xem một bộ phim tràn ngập ánh nắng. Ngay cả khi bản thảo đã gấp lại rồi, thì ánh nắng ấy vẫn tỏa sáng ấm áp quanh tôi. Làm việc liên tục, ham mê viết nhiệt thành, Dương Thụy đã vượt lên danh xưng cây bút trẻ để trở thành một nhà văn ở đúng nghĩa đẹp nhất của danh từ này.
PHAN HỒN NHIÊN ( Tuoi Tre Online )