Home » » P07; HIV là một căn bệnh, không phải một tệ nạn xã hội

P07; HIV là một căn bệnh, không phải một tệ nạn xã hội

Đúng là nhóm HIV dương tính đầu tiên là những anh chị em tiêm chích ma túy hay mại dâm. Nhưng ngày nay, như thường nói: “HIV không chừa một ai”, số người dương tính ngoài đối tượng này ngày càng đông: công nhân, viên chức, tân binh, các bà nội trợ hiền lành, trẻ thơ vô tội. Và có thể ngay bạn và tôi nếu rủi ro bị truyền máu dương tính !
Trong tuyên truyền thì ta luôn “kết chùm HIV với ma túy và mại dâm”. Nhiều nhà quan sát quốc tế lưu ý ta về điểm này. Khi bị kết chùm với tệ nạn xã hội thì dư luận sẽ coi họ là phạm nhân, là những kẻ xấu xa thay vì là những bệnh nhân. Còn người bệnh thì làm sao tránh khỏi buồn tủi, mặc cảm. Cho nên dù có kêu gọi cách mấy để người nhiễm HIV được xã hội chấp nhận, cách kết chùm nói lên thành kiến sâu sắc, tiềm ẩn ngay ở trong tuyên truyền giáo dục.
Thật ra, từ “tệ nạn xã hội” cũng gây nhiều băn khoăn cho các nhà khoa học trong và ngoài nước. Họ luôn luôn dè dặt tạm dịch từ này là “social evils” (với ngoặc kép). Vì các kiểu đánh giá, phê phán con người như vậy không còn trong ngôn ngữ khoa học nữa. Ta có thể không đồng tình với hành động này, hành vi kia, nhưng không thể lên án con người vì họ một phần hay toàn phần là nạn nhân. Thái độ phê phán là cấm kỵ trong tư vấn tâm lý hay công tác xã hội, vì ngay từ đầu bạn sẽ thất bại nếu không tôn trọng vô điều kiện con người đang đứng trước mặt bạn.
Từ “vấn đề xã hội” (social problems) được thông dụng với nội dung trung lập vì vấn đề xã hội là hậu quả của một quá trình, một diễn tiến xuất phát trước tiên từ khiếm khuyết trong chính sách và quản lý. Và trong quá trình này người yếu kém dễ bị tổn thương.
Trước kia tôi không hiểu nổi. Giờ đây với hoàn cảnh cụ thể của VN, tôi mới hiểu ra cách phân cấp trình độ phát triển nhận thức của một xã hội do các nhà khoa học thế giới theo ba cấp. Đó là cách nhìn của xã hội đối với nạn nhân của các vấn đề xã hội.
Cấp I - cái nhìn đạo đức: những người có vấn đề hay gặp khó khăn bị lên án như lúc đầu chúng ta gọi trẻ trong hoàn cảnh khó khăn là “trẻ em hư”, sau đó giảm nhẹ thành “chưa ngoan”.
Cấp II - cái nhìn y học: chúng ta xem họ là bệnh nhân và nỗ lực chữa trị. Giờ đây ta dùng cái từ trung lập là “trẻ trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” và lo nơi ăn chốn ở, học hành, chăm sóc, sức khỏe, dạy bảo chúng. Cũng như giờ đây trong hoạt động phòng chống AIDS ta nhấn mạnh: “Không có nhóm nguy cơ mà hành vi nguy cơ”.
Cấp III- cái nhìn giáo dục: là cái nhìn thấy được những điểm tích cực nơi bất cứ cá nhân nào và nơi họ có nhiều tiềm lực để tự vươn lên. Cái nhìn y học có đỡ hơn nhưng còn bao cấp, làm thay, làm thế và không tin tưởng ở đối tượng.
Cấp độ nhận thức hiện đại nhất là không kết tội cũng không thương hại mà một sự tôn trọng và tin tưởng tuyệt đối ở đối tượng. Thành quả của cách nhìn này dẫn tới những phương pháp can thiệp mới mà người đóng vai trò chính là những người có vấn đề. Ví dụ như gần đây có vài thể nghiệm khá thành công trong nghiên cứu trẻ do chính trẻ làm, hiệu quả của các nhóm đồng đẳng, bạn giúp bạn... Đó cũng là triết lý và phương pháp của phát triển cộng đồng.
Nếu nhìn vào cách phân cấp trên thì bạn thấy VN ta về nhận thức xã hội đang ở cấp nào ? Chắc tùy từng vấn đề một, nhưng còn phải phấn đấu nhiều. Và chỉ khi nào chữ “tệ nạn xã hội” được thay thế bằng một từ khoa học và trung lập hơn thì mới có hi vọng đạt được nhiều kết quả.
Các nhà khoa học còn nói một chuyện buồn cười là ở cấp I, khi con người hay bị lên án về đạo đức thì nếp sống hai mặt hay đạo đức giả lại rất thịnh hành! 

NGUYỄN THỊ OANH ( Tuổi Trẻ Online )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét