Hiển thị các bài đăng có nhãn Hạnh Phúc - Phải Lựa Chọn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hạnh Phúc - Phải Lựa Chọn. Hiển thị tất cả bài đăng

P07; HIV là một căn bệnh, không phải một tệ nạn xã hội

Đúng là nhóm HIV dương tính đầu tiên là những anh chị em tiêm chích ma túy hay mại dâm. Nhưng ngày nay, như thường nói: “HIV không chừa một ai”, số người dương tính ngoài đối tượng này ngày càng đông: công nhân, viên chức, tân binh, các bà nội trợ hiền lành, trẻ thơ vô tội. Và có thể ngay bạn và tôi nếu rủi ro bị truyền máu dương tính !
Trong tuyên truyền thì ta luôn “kết chùm HIV với ma túy và mại dâm”. Nhiều nhà quan sát quốc tế lưu ý ta về điểm này. Khi bị kết chùm với tệ nạn xã hội thì dư luận sẽ coi họ là phạm nhân, là những kẻ xấu xa thay vì là những bệnh nhân. Còn người bệnh thì làm sao tránh khỏi buồn tủi, mặc cảm. Cho nên dù có kêu gọi cách mấy để người nhiễm HIV được xã hội chấp nhận, cách kết chùm nói lên thành kiến sâu sắc, tiềm ẩn ngay ở trong tuyên truyền giáo dục.
Thật ra, từ “tệ nạn xã hội” cũng gây nhiều băn khoăn cho các nhà khoa học trong và ngoài nước. Họ luôn luôn dè dặt tạm dịch từ này là “social evils” (với ngoặc kép). Vì các kiểu đánh giá, phê phán con người như vậy không còn trong ngôn ngữ khoa học nữa. Ta có thể không đồng tình với hành động này, hành vi kia, nhưng không thể lên án con người vì họ một phần hay toàn phần là nạn nhân. Thái độ phê phán là cấm kỵ trong tư vấn tâm lý hay công tác xã hội, vì ngay từ đầu bạn sẽ thất bại nếu không tôn trọng vô điều kiện con người đang đứng trước mặt bạn.
Từ “vấn đề xã hội” (social problems) được thông dụng với nội dung trung lập vì vấn đề xã hội là hậu quả của một quá trình, một diễn tiến xuất phát trước tiên từ khiếm khuyết trong chính sách và quản lý. Và trong quá trình này người yếu kém dễ bị tổn thương.
Trước kia tôi không hiểu nổi. Giờ đây với hoàn cảnh cụ thể của VN, tôi mới hiểu ra cách phân cấp trình độ phát triển nhận thức của một xã hội do các nhà khoa học thế giới theo ba cấp. Đó là cách nhìn của xã hội đối với nạn nhân của các vấn đề xã hội.
Cấp I - cái nhìn đạo đức: những người có vấn đề hay gặp khó khăn bị lên án như lúc đầu chúng ta gọi trẻ trong hoàn cảnh khó khăn là “trẻ em hư”, sau đó giảm nhẹ thành “chưa ngoan”.
Cấp II - cái nhìn y học: chúng ta xem họ là bệnh nhân và nỗ lực chữa trị. Giờ đây ta dùng cái từ trung lập là “trẻ trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” và lo nơi ăn chốn ở, học hành, chăm sóc, sức khỏe, dạy bảo chúng. Cũng như giờ đây trong hoạt động phòng chống AIDS ta nhấn mạnh: “Không có nhóm nguy cơ mà hành vi nguy cơ”.
Cấp III- cái nhìn giáo dục: là cái nhìn thấy được những điểm tích cực nơi bất cứ cá nhân nào và nơi họ có nhiều tiềm lực để tự vươn lên. Cái nhìn y học có đỡ hơn nhưng còn bao cấp, làm thay, làm thế và không tin tưởng ở đối tượng.
Cấp độ nhận thức hiện đại nhất là không kết tội cũng không thương hại mà một sự tôn trọng và tin tưởng tuyệt đối ở đối tượng. Thành quả của cách nhìn này dẫn tới những phương pháp can thiệp mới mà người đóng vai trò chính là những người có vấn đề. Ví dụ như gần đây có vài thể nghiệm khá thành công trong nghiên cứu trẻ do chính trẻ làm, hiệu quả của các nhóm đồng đẳng, bạn giúp bạn... Đó cũng là triết lý và phương pháp của phát triển cộng đồng.
Nếu nhìn vào cách phân cấp trên thì bạn thấy VN ta về nhận thức xã hội đang ở cấp nào ? Chắc tùy từng vấn đề một, nhưng còn phải phấn đấu nhiều. Và chỉ khi nào chữ “tệ nạn xã hội” được thay thế bằng một từ khoa học và trung lập hơn thì mới có hi vọng đạt được nhiều kết quả.
Các nhà khoa học còn nói một chuyện buồn cười là ở cấp I, khi con người hay bị lên án về đạo đức thì nếp sống hai mặt hay đạo đức giả lại rất thịnh hành! 

NGUYỄN THỊ OANH ( Tuổi Trẻ Online )

P05: Hạnh phúc - phải lựa chọn

Hạnh phúc đến hay không đến, sao lại chọn? Hạnh phúc thật sự không từ trên trời rơi xuống mà phụ thuộc vào những giá trị sống mà ta chọn. Ta phải chọn vì trong xã hội ta hiện nay có quá nhiều thứ bị nhầm lẫn là hạnh phúc hay nguồn hạnh phúc. Đó là tiền bạc, của cải, quyền lực… mà thiên hạ đổ xô đi tìm kiếm.
Nhưng sự ham mê vật chất không bao giờ có điểm dừng và hậu quả tất yếu là căng thẳng, stress, các bệnh tim mạch… Đó là chưa nói đến tội ác, sự tuyệt vọng của con người; dẫn đến tự tử, những cuộc giết chóc lẫn nhau. Sau nhiều thập niên quay cuồng theo hướng này phương Tây quay về với nếp sống phương Đông để tập thiền, yoga, tĩnh tâm, chiêm niệm…
Xã hội VN mới bước vào kinh tế thị trường mà các biểu hiện tâm lý xã hội tiêu cực của nó đã bắt đầu tác động mạnh mẽ đến cuộc sống hằng ngày. Giới trẻ ngoài tác động của các phương tiện truyền thông, quảng cáo, nếp sống ăn chơi đua đòi, còn phải chịu một áp lực từ phía gia đình buộc phải chọn những nghề hái ra tiền và một sự thành đạt dựa trên những giá trị vật chất.
Điều đáng lưu ý và đáng tiếc là thành đạt bị nhầm lẫn với hạnh phúc, bởi lẽ lắm kẻ giàu có, quyền thế, nhà cao cửa rộng mà không hạnh phúc; lắm gia đình thành đạt về nghề nghiệp, vị trí xã hội mà rạn nứt.
Do đó cần xác định lại hạnh phúc là gì? Đó là làm được điều ta ước mơ, ưa thích, nhất là phù hợp với bản tính, năng khiếu. Có người làm bác sĩ, kỹ sư nhưng cũng có người yêu nghệ thuật. Cũng có người thích làm y tá, giáo viên, bảo mẫu, công nhân… Thế giới cần đủ loại người để tạo hạnh phúc cho các thành viên của nó. Đem lại hạnh phúc cho tha nhân cũng là tạo hạnh phúc riêng cho mình.
Tiền là rất cần, thời trang rất đẹp, nhưng chết vì nó thì quá uổng. Hạnh phúc là những niềm vui nho nhỏ đến với ta ngày hôm nay, vào giờ phút này, như một cảnh đẹp, một bản nhạc hay, một người bạn mới và trên hết là một việc làm có ích cho người khác. Cao nhất là đạt tới mục đích sống đẹp mà ta đề ra.
Hạnh phúc đòi hỏi phải dám nói “không” với những gì không phù hợp, kể cả công việc khi nó khiến ta quay cuồng, căng thẳng, mất sáng suốt, bệnh hoạn. Phải dừng lại, nhìn vào bản thân, để có một ý thức cao nhất về mình, để làm chủ những cảm xúc và tư tưởng của mình. Mà đó chính là những điều kiện để đạt đến ý thức về giá trị bản thân.
Hạnh phúc là một sự lựa chọn, mà đó là điều không dễ. Hạnh phúc và sự quí trọng bản thân là hai mặt của một vấn đề. Chúng gắn liền với nhau và tương tác lẫn nhau.
Chúc bạn sáng suốt để tìm được hạnh phúc thật!               
===================================
Cô gái đi ngược dòng chảy 
Giữa thập niên 80, Bangkok là một thành phố tiêu xài, các cô gái ăn diện rất đúng mốt, có khi đi làm mà giống như đi dạ hội.
Giữa thập niên 90, các cô có đơn giản hơn, nhưng lần này tôi về tỉnh Chiang Mai và đi thăm làng mạc. Hơn thế nữa đây là một Thái Lan đang trải qua cơn khủng hoảng kinh tế và đại dịch AIDS. Tôi đã phát hiện một Thái Lan khác, ít nhất là đối với tôi.
Trung tuần tháng sáu vừa qua, tôi tham gia một đoàn các nhà nghiên cứu và hoạt động về HIV/AIDS để đi thăm một số dự án cộng đồng. Một trong số dự án đó là nhóm thanh niên phòng chống AIDS ở quận San Kampaeng thuộc tỉnh Chiang Mai, cách thành phố Chiang Mai chừng một tiếng rưỡi xe hơi.
Năm 1994, một cô gái địa phương sau nửa đời người sống và lao động ở Bangkok đã quyết định trở về quê để làm cái gì đó cho xã hội, nhất là cho và thông qua giới trẻ. Cô gái tập hợp 20 người tình nguyện và đề nghị họ nêu ra những vấn đề bức bách nhất của cộng đồng, tìm những giải pháp trong tầm tay. Các bạn đưa ra nào là thiếu sân chơi, nào là nạn ma túy và HIV/AIDS... Ở quận này nhiều thanh niên di dân đi làm xây dựng và một số nghề khác ở các thành phố lớn. Họ bị nhiễm HIV, lây qua cho vợ và khi hết làm việc được thì trở về gia đình chờ chết. Giờ đây họ đã chết gần hết, để lại những người vợ trẻ ở độ tuổi 30-40 cũng bị nhiễm và những đứa con có đứa bị nhiễm có đứa không.
Từ 20 người ban đầu nay nhóm đã có 30 người tình nguyện nòng cốt, qui tụ được 300 thanh niên từ bản làng gồm độ 6.000 dân. Họ tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, làm vệ sinh môi trường, giúp người già, các hội thảo về ma túy, HIV/AIDS, kỹ năng sống. Qua câu chuyện, người nữ thủ lĩnh cứ nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Chúng tôi không thuyết giảng theo kiểu từ trên xuống hay cho những lời khuyên đạo đức mà để thanh niên tự thảo luận một cách thoải mái, tự do. Chỉ đưa ra một điều kiện là khi tới trụ sở (một phòng họp đơn sơ bằng nhà tiền chế) không hút ma túy”.
Hoạt động của nhóm nhấn mạnh đến ba kỹ năng sống: rèn luyện sự tự tin, phân tích xã hội và sự tự trọng. Các kỹ năng này giúp thanh niên biết tự chọn lựa và tự quyết định trước cái xấu.
Họ nhấn mạnh đến cái gọi là “phê bình văn hóa” - nghĩa là nhìn thẳng vào các giá trị văn hóa tiêu cực của xã hội để tự điều chỉnh. Chẳng hạn như tệ trọng nam khinh nữ trong lĩnh vực HIV. Khi người đàn ông ngã bệnh, cả gia đình gồm cha mẹ và vợ con họ dồn hết tiền của, sức lực để chăm sóc họ.
Khi người vợ ngã bệnh thì nguồn lực gia đình đã cạn kiệt. Tệ hại hơn khi người vợ (do chồng lây qua) đau trước thì người chồng trốn mất.
Hoạt động của nhóm thanh niên đã từng bước tác động tới cộng đồng. Phụ huynh lúc đầu e ngại khi nghe rằng con em họ tham gia các lớp giáo dục giới tính...
Được thăm viếng thường xuyên và giải thích rõ, giờ đây họ không những yên tâm mà còn ủng hộ triệt để. Chính quyền địa phương ban đầu cũng không tin là nhóm thanh niên sẽ thành công, nay đã tích cực tạo mọi điều kiện và còn hỗ trợ kinh phí.
Quận có một lớp mẫu giáo. Có vài em thuộc gia đình nhiễm HIV. Cha mẹ các em khác không cho con mình đi học nữa. Thường thì nhà trường cho các nạn nhân nghỉ học và giảm học sinh là không đủ kinh phí hoạt động. Nhưng nhóm thanh niên đã làm ngược lại. Họ chạy vạy tìm nguồn tài trợ để lớp học tiếp tục với sĩ số học sinh thấp. Sau cùng được giải thích kỹ, cha mẹ các trẻ bình thường  đã cho con mình đi học lại.
Ở Thái Lan hiện nay, các đối tượng được giáo dục HIV gồm cả các em nhỏ. Khía cạnh lây lan được trình bày một cách nhẹ nhàng và khía cạnh không cô lập mà yêu thương, đùm bọc trẻ có cha mẹ bị lây nhiễm được nhấn mạnh.
Điều làm tôi thắc mắc là người nữ thủ lĩnh này là ai mà rành rẽ về các vấn đề phát triển xã hội và giáo dục thanh niên? Cô ta là ai mà trở về làng làm việc khi nói tiếng Anh lưu loát và trả lời các câu hỏi của đoàn tham quan (gồm các nhà khoa học và nhà hoạt động đầy kinh nghiệm) một cách thuyết phục và tự tin? Tôi tự hỏi hay đây là một chuyên gia “giả dạng thường dân”?
Đáng lưu ý nhất là trang phục của cô. Chiếc áo rộng lùng thùng, chiếc quần nông dân bằng vải ú rộng thênh thang (một thứ chỉ còn thấy ở vùng sâu, vùng xa). Thêm vào đó là chiếc khăn rằn quấn cổ. Tôi biết ở một quận thuộc Chiang Mai, thành phố thứ hai của Thái Lan, đây là một chuyện không bình thường mà là có chủ đích. Mà thật vậy, cô nữ thủ lĩnh cứ thường nhấn mạnh đến bản sắc dân tộc, tiềm năng văn hóa bản xứ trong giải quyết các vấn đề xã hội ngày nay.
Sau buổi họp, tôi nói đùa: “Cô giống như một du kích quân cách mạng!”. Cô cười: “Hiện nay chúng tôi đang tổ chức nhiều khóa tập huấn cho thanh niên Thái và tôi mong sẽ có ngày họp mặt với thanh niên các nước châu Á khác. Niềm tin lớn nhất của tôi là sức mạnh của tuổi trẻ để đổi mới xã hội”.
Được biết nữ thủ lĩnh này của tôi 33 tuổi, chỉ tốt nghiệp cấp III rồi đi làm ở Bangkok. Cô nói: “Dù mình có năng lực, xin việc ở đâu họ cũng đòi bằng cử nhân. Tôi về quê giúp thanh niên và theo học truyền thông đại chúng với Đại học Mở trong chương trình giáo dục từ xa”.
Trong đó có người hỏi: “Thường thì người ta rời nông thôn ra thành phố, còn cô sao làm ngược lại?”. Cô cho biết tình thương yêu gắn bó với xóm giếng đồng ruộng hiện nay là sức mạnh thúc đẩy cô hoạt động. Tìm về dân tộc phải xuất phát từ xác tín của từng cá nhân, nếu không những nỗ lực hình thức rùm beng không có hiệu quả.
Mừng cho đất nước Thái Lan có được sức mạnh mới từ trong nhân dân, từ người trẻ. 

NGUYỄN THỊ OANH ( Tuổi Trẻ Online )

P06: Phòng chống chiều sâu và từ xa

Tất cả các bài viết trên báo chí đều nêu lên những nguyên nhân to lớn và phức tạp: khủng hoảng niềm tin, rạn nứt gia đình, khiếm khuyết trong giáo dục gia đình, thất vọng và bế tắc trong cuộc sống, tâm lý lứa tuổi và sự tấn công ồ ạt từ bên ngoài.
Vậy mà khi lên kế hoạch công tác ở địa phương thì chủ yếu là rầm rộ ra quân phát tờ bướm và tờ cam kết; vận động tự nguyện ra cai nghiện; khám sức khỏe chữa bệnh. Còn cán bộ cơ sở khi làm việc thực tế thì nêu lên sự thiếu đồng bộ: dân báo mà công an không hành động kịp thời; cấp trên chưa quan tâm chỉ đạo, giao việc cho "lính không súng đạn" (không tiền, không chuyên môn); cai rồi lại tái phạm, vì nạn nhân phải đối mặt với chính các nguyên nhân đã đẩy họ vào ma túy: thất nghiệp, sự đón nhận lơ là hay đầy thành kiến của thân nhân và cộng đồng, bế tắc gia đình, tâm lý...
Câu chuyện về bốn cô gái mới cắt cơn nghiện ở Bình Triệu (Đỗ Ngọc, báo Phụ Nữ) cho thấy các cô rất ghê ma túy, rất muốn vĩnh viễn từ bỏ nó nhưng họ rất sợ khi trở về phải đối đầu với chuyện cũ. Có cô còn dự đoán trước là sẽ tái phạm vì thấy mình quá yếu đuối và đã vô ra trung tâm nhiều lần. Họ cô đơn và bất lực làm sao! Đó là vì chính những nhân tố có thể hỗ trợ họ để chống chọi không với tới họ một cách nhanh chóng và dễ dàng: tham vấn tâm lý và dịch vụ xã hội (theo đúng nghĩa chuyên môn của từ này).
Phòng chống ma túy phải theo chiều sâu (Đỗ Hùng, "Phòng chống ma túy từ góc độ tâm lý", Công An 10-9-1998) và từ xa (Trương Thị Hòa, Tuổi Trẻ 29-9-1998). Đó là tấn công vào chính các nguyên nhân đã dẫn tới ma túy và giúp nạn nhân trị tận gốc những yếu tố cụ thể đã làm họ sa ngã. Việc này không thể làm ào ào, xem họ như cá mè một lứa bởi vì quá trình đưa nạn nhân tới ma túy mang tính cá biệt, độc đáo.
Nạn hồng thủy ma túy gay go hơn nhiều so với lũ lụt, vì khi "lũ" ma túy tới gần ta không hay biết, nạn nhân của nó không chết liền tại chỗ. Vì con người còn khó hiểu hơn nước nên ta nhìn vấn đề một cách giản đơn. Một bác cán bộ hưu trí làm công tác phòng chống ma túy rất tốt ở quận nọ yêu cầu ta làm theo chiều sâu chứ đừng "khua chiêng gõ mõ nữa". Tôi rất tâm đắc hình ảnh này nhưng cũng hiểu tâm lý làm rầm rộ. Đó là vì quyết tâm rất lớn mà chưa tìm ra biện pháp chiều sâu. Hiện nay xã hội có kêu gọi đến ngành y, cũng là một khoa học. Tuy nhiên y khoa kỹ thuật chỉ xử lý được khúc giữa, nghĩa là cắt cơn nghiện và bồi bổ sức khỏe. Còn đầu vào (nguyên nhân đưa đến nghiện ngập) và đầu ra (hòa nhập cộng đồng) thì cũng như với AIDS, y khoa kỹ thuật bó tay. Có chăng là ngành tâm thần học nhưng nó chỉ phụ trách một phần của khúc đuôi là tâm lý trị liệu, còn phòng (từ góc độ tâm lý xã hội) thì cần tới chị em của nó là tâm lý học, xã hội học, công tác xã hội...
Tôi có vài đề nghị cụ thể:
- Cần hiểu rõ nguyên tắc của tâm lý vận động: Hành động rầm rộ, kêu gọi từ trên xuống xuất phát từ ý nghĩ rằng biết là làm. Thực chất giữa biết và làm có khoảng cách rất lớn. Nhiều người biết thuốc lá có hại nhưng không bỏ được. Nhiều bạn trẻ nghe về HIV hiểu nguy cơ của nó nhưng cứ cho chuyện đó không xảy ra với mình nên xả láng! Các cuộc nghiên cứu khoa học từ nửa thế kỷ nay cho biết giữa các thông tin từ trên dội xuống (kể cả phim ảnh, truyền hình) chỉ làm cho người ta biết, còn muốn thay đổi hành vi cần có sự hỗ trợ tâm lý của nhà tham vấn hay nhóm đồng đẳng, nghĩa là qua tương tác. Quyết định thay đổi hành vi không chỉ xuất phát từ nhận thức mà quan trọng hơn là thái độ, cảm xúc của cá nhân. Cũng do sức mạnh cảm hóa và hỗ trợ tâm lý trong nhóm nhỏ (phải là số ít mới có tác dụng) rất hiệu quả nên nhóm đồng đẳng (bạn giúp bạn) được đưa lên hàng đầu trong phòng chống HIV trên thế giới.
Do đó tuyên truyền ồ ạt chỉ tạo ra thông tin ban đầu, và còn phải đi sâu vào các biện pháp tâm lý xã hội đòi hiểu phương pháp và kỹ năng.
Hãy xem cách nhân dân và Nhà nước chống lũ lụt để tính chuyện đối phó với nạn hồng thủy ma túy của chúng ta. Lụt ào tới, hành động đầu tiên là cấp cứu, với sự tham gia của toàn dân: quyên góp cứu trợ tiền của, quần áo, thuốc men. Nhưng lũ năm nào cũng tới, gây tác hại to lớn cho người và của cải. Phải phòng từ xa như đắp đê, đào kênh thoát lũ, xây nhà "sống với lũ". Nhưng với việc này thì không thể ào ào và ai cũng làm được. Cần các kỹ sư thủy lợi vì làm không đúng thành "thủy hại" cho dân. Nhà sống với lũ mới lắm, cần nghiên cứu kỹ, tham khảo nền khoa học tiên tiến thế giới trước khi làm. Dĩ nhiên rất cần kinh nghiệm "sống với lũ" của dân, nhưng cần có một thiết kế tổng thể chung rồi mọi người bắt tay vào làm theo đúng qui định của khoa học và việc nào người ấy.
Với nạn ma túy đã đến lúc phải sử dụng khoa học và phòng từ xa.
- Tham vấn tâm lý: Từ này đang rất "mốt" nhưng thực chất "tham vấn tâm lý" theo đúng nghĩa rất khó. Đây không phải là mệnh lệnh hay lời khuyên chung chung mà sự hiểu biết sâu sắc về con người, thái độ tôn trọng vô điều kiện và lắng nghe tích cực để giúp đối tác lắng đọng và thấy rõ tâm trạng của mình. Từng bước hỗ trợ đối tác có những hành động tích cực, ví dụ như một bệnh nhân HIV quyết định cho vợ biết về kết quả xét nghiệm, một người mẹ kiên nhẫn, trầm tĩnh để bớt la lối với con mình là cả một cố gắng. Rồi từ từ tiến lên những hành động khó hơn. Trong quá trình, họ tăng thêm sức mạnh và trở nên tự lực. Và anh bệnh nhân HIV có thể trở thành một chiến sĩ "xuất đầu lộ diện", giúp bạn phòng chống HIV. Cô gái đã cai ma túy sắp lên cơn thèm thuốc có thể điện thoại đến nhà tham vấn qua đường dây nóng và có quyết tâm cao hơn nhờ sự hỗ trợ của người này và sự cam kết của cô ta. Trên đây mới là phác họa rất sơ nét, nhưng để nói rằng tham vấn rất cần và muốn làm phải có chuyên môn hay qua tập huấn và thái độ đúng.
- Nhóm đồng đẳng: Ở tuổi mới lớn, thanh thiếu niên muốn độc lập với gia đình nhưng họ chới với khi ra khỏi tổ ấm gia đình; họ bèn tìm một tổ ấm khác để chia sẻ, để được sự hỗ trợ tâm lý và sự an toàn. Cho nên nhóm bạn ở lứa tuổi này rất quan trọng. Ảnh hưởng của nhóm bạn (đồng lứa, đồng hoàn cảnh) mạnh mẽ như ảnh hưởng gia đình vì nó gần gũi thiết thân. Vì thế khoa học gọi hai loại nhóm nhỏ này là nhóm đệ nhất đẳng hay sơ đẳng. Cũng vì thế mà trong tệ nạn ma túy áp lực của bạn mới mạnh mẽ dữ vậy. Nắm nguyên tắc này người ta "lấy độc trị độc": bảo vệ, trị liệu các nạn nhân bằng những nhóm tốt. Khi thân thiện người ta sẽ cam kết với nhau để sống tốt. Cam kết giữa người thân có hiệu lực mạnh mẽ so với cam kết trên giấy làm một cách máy móc.
Đồng đẳng có nghĩa là đồng cảnh, đồng nhu cầu cho nên không chỉ dành cho người nghiện hay người nhiễm HIV... mà có thể lập ra cho những cha mẹ có con có nguy cơ, những người buôn bán nhỏ trong xóm... Nhóm nhỏ giúp họ chia sẻ kinh nghiệm, tăng sức mạnh để sửa đổi cách nuôi dạy con, hay để chống việc buôn bán ma túy. Thực tế cho thấy bà con còn sợ không dám tố cáo kẻ xấu, một số đoàn viên non trẻ tất yếu phải sợ tiếp cận với nạn nhân ma túy (xin phép không dùng chữ "con nghiện" gây mặc cảm cho đối tượng). "Sân chơi tâm lý" cho trẻ rất cần, nghĩa là những nhóm bạn tốt chơi và hỗ trợ nhau. Chúng có thể cùng nhau tổ chức đá banh, du ngoạn bằng xe đạp chứ không cần đến phương tiện to lớn và tốn tiền. Có điều sinh hoạt nhóm cũng cần sự xúc tác của người chuyên môn có tay nghề, nếu bỏ mặc nhóm có thể biến thành băng đảng...
- Củng cố chức năng của gia đình: Dường như xã hội ta đang trải qua loại khủng hoảng gọi là khoảng cách thế hệ. Cha mẹ và con cái không tài nào hiểu nhau nổi nữa. Không phải là cha mẹ không quan tâm nhưng làm không đúng cách như bà mẹ trẻ nọ lục lọi nhật ký của con gái để kiểm soát; còn bà mẹ thứ hai thì hễ thằng con trai choai choai mới ra khỏi cửa là nhảy lên xe đạp theo sau. Khi cuộc khủng hoảng mới xảy ra ở phương Tây ta thấy mọc lên đủ thứ trường lớp cho cha mẹ, và cho đến ngày nay thì các bậc phụ huynh phương Tây hiểu biết và đối xử với con cái khéo léo hơn. Ở ta cũng mới bắt đầu có những cuộc nói chuyện, tham vấn cho cha mẹ mà chưa thấm vào đâu. Người hướng dẫn có khả năng còn rất thiếu.
- Phòng chống và phục hồi tại cộng đồng: Như nói ở trên, nạn nhân cai nghiện về gặp bà xã mặt mày ủ rũ, khóc lóc, hàng xóm tránh né, ông tổ trưởng tới kiểm tra theo kiểu hành chính thì sẽ mất tinh thần ngay. Họ cần được đón nhận trong sự thông cảm và tình thương. Bạn còn nhớ Charlie (trong Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên) đã ôm đứa con trai vào lòng và khóc, và hai vợ chồng hết lòng chăm sóc con. Thay đổi cái nhìn của cộng đồng trước rồi mới có thể phục hồi tại cộng đồng. Làm việc này cũng cần những phương pháp tác động mới. Giảng dạy thao thao từ trên xuống theo kiểu cũ hiệu quả sẽ rất chậm.
- Dịch vụ xã hội ngay tại cộng đồng phường, xã: Đúng là đoàn thể có chân rết tận cơ sở nhưng không phải tất cả đều làm việc có hiệu quả vì công việc này rất khó. Như việc đào kênh thoát lũ, các vấn đề xã hội, các đối tượng có nhu cầu cần tiếp cận được ngay với người đáng tin cậy về chuyên môn có mặt thường xuyên.
Hiện nay một số ban ngành đã gửi người đi học công tác xã hội một cách tự phát. Cơ quan hữu trách cần xem xét để sử dụng nguồn nhân lực chuyên môn này một cách có hiệu quả.
- Cán bộ Đoàn sẽ là người bạn thật sự của thanh niên nếu tự trang bị thêm hiểu biết và kỹ năng tâm lý xã hội, họ sẽ là nòng cốt, là xúc tác viên âm thầm của các nhóm đồng đẳng. Chắc chắn thanh niên sẽ tìm tới họ nếu họ làm việc với chiều sâu và phong cách mới.
- Ban chỉ đạo nên đồng bộ và thật sâu sát thực tế cũng như cởi mở với những khoa học mới.
Khi đối diện với các dịch bệnh mới, ngành y luôn luôn tìm hiểu nó bằng khoa học để đối phó. HIV, ma túy là đối tượng của nhiều ngành, trong đó các khoa học xã hội mới là nòng cốt. Nếu hành mà không học sẽ có nguy cơ rơi vào bệnh duy ý chí.
Hiện nay đoàn thể làm công tác xã hội theo phong trào, chức năng nhiệm vụ của họ không được định chế hóa. Tình nguyện viên làm theo thiện chí. Nơi nào không có phong trào hay tình nguyện viên tích cực thì bị bỏ trống. Cần định chế hóa công tác xã hội, thiết lập các trung tâm xã hội ở cộng đồng với nhân sự chuyên môn không chỉ để giải quyết nạn ma túy mà còn HIV, trẻ lang thang, gia đình có vấn đề, người khuyết tật... Người đó không làm tất cả mà đóng vai trò nòng cốt để hướng dẫn tình nguyện viên. 

NGUYỄN THỊ OANH ( Tuổi Trẻ Online )

P04: Khoảng cách thế hệ - có chăng?

Đó là một điều có thật trong xã hội ta hiện nay nhưng tính chất và mức độ của vấn đề trên thế giới ngày nay tùy thuộc vào trường hợp cụ thể, thời điểm và nhất là bối cảnh xã hội.
Khoảng cách này hoàn toàn có thể rút ngắn hay thậm chí xóa bỏ khi người ta đối xử với nhau với sự hiểu biết. Nhưng không phải lên lớp kêu gọi sự hi sinh của các bên mà thực hiện điều đó được.
Đọc qua một số tham luận tại diễn đàn liên quan đến vấn đề do Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức, tôi thấy có những cách suy nghĩ không giúp ta giải quyết vấn đề. Đầu tiên là lẫn lộn hiện tượng và bản chất. Có người đo khoảng cách bằng số tuổi. Có người nghĩ rằng ba, bốn thế hệ ở chung một nhà là rút ngắn khoảng cách và thề quyết sẽ đem cha mẹ về nuôi khi lập gia đình riêng. Đó thường là ước muốn đầy thiện chí (nhưng có thực tế không?) của các bạn gái. Còn có bạn trai thì bức xúc với chuyện mỗi thành viên trong gia đình lại thích một chương trình tivi khác nhau. Rồi cũng có bậc đàn anh quơ đũa cả nắm rằng thế hệ trẻ chạy theo lối sống thực dụng của kinh tế thị trường (tội nghiệp, cứ trăm dâu đổ đầu tằm), còn đàn anh thì giữ đạo đức cách mạng. Và điều này tạo ra khoảng cách (thật ra nếu sống thực dụng thì người trẻ đâu có tham gia diễn đàn).
Nên nhớ khoảng cách đây là khoảng cách tâm lý và khi sự bất đồng trở thành một vấn đề nan giải, chứ sự khác biệt về tư tưởng giữa các cá nhân, nhóm hay thế hệ là bình thường. Chỉ khi nào một tầng lớp bên trên như cha anh cậy quyền lực của mình để ép buộc, áp đặt ý kiến của mình, đặc biệt với suy nghĩ rằng chỉ có mình là đúng và sẽ phản ứng mạnh khi người khác không nghe mình. Và cấp dưới chịu hết nổi phản ứng lại mạnh mẽ hoặc tránh xa. Đây là biểu hiện của sự ít hiểu biết và thiếu cơ hội tiếp xúc với điều mới lạ.
Cách đây 12 năm, nhân dịp sang Mỹ tôi có thăm một gia đình bà con. Đây là một gia đình ghép theo kiểu VN. Chủ hộ là cặp vợ chồng độ tuổi 40 với một con trai 12-13, một gái 7 tuổi, cộng thêm bà nội các cháu lúc ấy vừa ngoài 70 và bác trai các cháu là một người đàn ông độc thân. Cú sốc đầu tiên của tôi là sáu chiếc tivi cho năm người: bà nội một chiếc, vợ chồng chủ hộ một là dĩ nhiên rồi, nhưng hai đứa nhỏ cũng mỗi đứa một chiếc vì ở phòng riêng. Bé gái thì mê truyện cổ tích và bị anh chê là quá con nít. Cậu ta thì chơi game và thích chương trình của tuổi choai choai. Thật ra khoảng cách tâm lý giữa hai cháu được anh chàng choai choai này xem là không nhỏ. Nhớ tới cảnh gia đình sum họp dưới ánh đèn trong Quốc văn giáo khoa thư (với câu đầu mà tôi nhớ mãi: Cơm nước xong trời vừa tối...) tôi tự nhủ "thế này còn đâu là gia đình VN?". Thật ra gia đình này rất hạnh phúc. Bà chị bà con tôi hồi ở VN rất khó tính. Các con chị thường than phiền về điều này, nhưng nay thì hiểu biết hơn, họ chỉ cười và cả nàng dâu cũng chăm sóc chị rất tốt. Bé gái thì nũng nịu với bà nội bằng một ngôn ngữ lai căng. Anh chàng choai choai thì mới bước vào tuổi khủng hoảng, vào bàn ăn lầm lầm lì lì không nói chuyện, ăn thật nhanh rồi rút về phòng riêng. Nhưng có sao đâu, mọi người mỉm cười thông cảm. Cháu rất thương nội mà không nói ra. Giờ đây đang học đại học ở xa, tuần nào cháu cũng điện về thăm bà nội bằng thứ tiếng Việt lưu loát. Đáng để ý nhất là sự thay đổi của bà chị già trong môi trường mà người ta biết tương đối hóa ý kiến riêng của mình và nhất là đối xử với nhau bằng sự hiểu biết. Đó là chấp nhận người khác là khác với mình.
Riêng tôi cũng ngộ ra rằng đoàn kết thương yêu nhau không phải lúc nào cũng sống chùm nhum với nhau, và xem tivi chung không nhất thiết biểu hiện sự đoàn kết. Giờ đây chiếc tivi giống như một đồ dùng riêng như chiếc đồng hồ chẳng hạn.
Đối xử với nhau với sự hiểu biết, là biết cái gì đây?
Đó là biết tâm lý con người nói chung và đặc điểm tâm lý và nhu cầu của từng lứa tuổi nói riêng. Trẻ thích sôi nổi ồn ào, già thì cần sự trầm tĩnh. Thôi thì ta tạo cho nhau điều kiện để thỏa mãn nhu cầu. Ta thông cảm lắng nghe ông bà kể chuyện xưa. Tuy nhiên, có hai xu hướng tự nhiên khiến cho khoảng cách có thể nới rộng. Đó là người trẻ thì luôn dễ tìm đến cái mới, còn người già thì bảo vệ cái hiện có và đã qua nhiều hơn. Với hai môi trường sống khác nhau, sự tiếp nhận thông tin khác nhau với tốc độ chuyển biến cực nhanh của xã hội, nhịp sống của đôi bên càng cách biệt. Ở đây người già phải cố gắng luôn ý thức về xu hướng bảo thủ của mình, luôn học hỏi để thích nghi với một xã hội không ngừng đổi mới. Mà thật vậy, trong một xã hội "học mãi học hoài", nhất là trong những ngành khoa học để làm việc với con người, người ta phải luôn ý thức về bản thân để cư xử đúng mức. Các phương pháp giúp đỡ rất nhiều. Biết rằng người lớn hay áp đặt ý kiến của mình mà quên rằng trẻ em thì khác ta, trong các khóa học người ta bắt mình sắm vai trẻ em thì nhớ xu hướng chủ quan của mình ngay. "Thấu cảm" nghĩa là khả năng đặt mình vào vị trí của người khác, là một kỹ năng sống quan trọng mà người lớn cũng phải học chứ không riêng gì trẻ em. Phương Tây có câu: "Phải biết đặt chân mình vào đôi giày của người khác".
Tâm lý và nhu cầu của người già cũng được nghiên cứu nhiều hơn nếu họ được giúp đỡ để sống vui, sống tích cực, nhờ đó cũng bớt "trở tính" hơn. Có bạn nói phương Tây không có tinh thần gia đình và đem bỏ cha mẹ ở viện dưỡng lão. Bạn nên tìm hiểu sâu hơn để tránh những khẳng định hồ đồ. Người già phương Tây ngày nay, với các chính sách xã hội hỗ trợ, còn hoạt động, thích sống riêng, độc lập. Ở VN cũng có những người già như vậy rồi. Thăm hỏi, luôn sẵn sàng có nhau cũng là cách biểu hiện tình gia đình của một số người. Người già có khi thích sống với bạn bè hơn.
Để kết luận, với sự hiểu biết ngày nay, khoảng cách thế hệ không là một vấn đề nếu như một bạn đã kêu gọi ở diễn đàn: mọi người đều phải học. Đúng vậy, hồi ở trường tôi gặp nhiều người lớn bỏ tiền để học các khóa về truyền thông giao tiếp, hôn nhân gia đình... Nhờ vậy có người lớn tuổi mà rất "trẻ", có người ít tuổi mà đã già.
Ở phương Tây, nơi mà khái niệm "khoảng cách thế hệ" ra đời, cuộc cách mạng giới trẻ 1968 đã xóa bỏ khoảng cách. Mà ngày nay đề cao giá trị của tuổi trẻ mới là "sành điệu" cơ mà! Được biết không ít lãnh tụ quốc gia tiến bộ của họ ngày nay trưởng thành từ giới trẻ này. Xã hội dân chủ, không phong kiến góp phần rút ngắn khoảng cách. 

NGUYỄN THỊ OANH ( Tuổi Trẻ Online )

P03: Tính trung thực - Hướng nghiệp từ phía các bạn trẻ

Tính trung thực
Tôi chọn ở lại đất nước phục vụ dân tộc vì trân trọng và đặt nhiều kỳ vọng ở một số giá trị của chủ nghĩa xã hội như: công bằng xã hội, sự quan tâm đến người lao động, người nghèo, phụ nữ, trẻ em… Hồi mới giải phóng, có lần tôi không cầm được nước mắt khi chứng kiến sự đổi đời của những người cùng khổ.
Tuy nhiên cũng ngay từ đâu, tôi có những điều ray rứt vì cái giá trị đạo đức căn bản nhất, cái trục của mọi nguyên tắc không được coi trọng. Đó là sự trung thực. Đây là sự tích lũy cô đọng nhất của sự khôn ngoan loài người từ đời này qua đời nọ để giữ cho xã hội không náo loạn. Cái khung đạo đức chỉ có mấy điều cơ bản không rườm rà, nghi thức.
Vài năm đầu, tôi tham gia tổ thường trực một ngành khoa học nhân văn trong tập thể trí thức, và hằng tuần phải phản ánh tâm tư, nguyện vọng và những gì anh em nêu lên từ cuộc sống. Vào cuối thập kỷ 70, tham nhũng cơ sở đã được phản ánh. Đầy “nhiệt tình cách mạng”, tôi phản ánh lại một cách trung thực, tưởng như vậy là đóng góp xây dựng và trung thành với chế độ. Nào ngờ tôi nghe loáng thoáng bị đánh giá là “thiếu quan điểm”. Từ đó, tôi tập chui vào cái vỏ ốc, tuy không bao giờ nói dối nhưng cũng không nói sự thật, để mua lấy sự an toàn.
Trong công tác khoa học, tôi có dịp sinh hoạt nhiều tháng tại một xí nghiệp “điển hình tiên tiến” và thấy cán bộ công đoàn ngồi lại đánh giá công nhân trên những phát biểu của họ ở các buổi học tập chính trị. Còn công nhân thì thổ lộ: “Người ta không cần biết chúng tôi sản xuất như thế nào, đối xử với anh em ra sao, gìn giữ tài sản chung đến mức nào… mà chỉ coi trọng lời nói. Tôi thì rất ngượng ngùng phải nói những điều không xuất phát từ đáy lòng”. Đó là vào giữa thập kỷ 80.
Còn ngày nay, trở lại sự trung thực thì ta thấy trong cuộc sống: mắt, mũi, môi gỉ, hàng giả, bằng lái giả, bằng cấp giả, hôn nhân giả! Người ta giả vờ với nhau một cách tỉnh bơ. Đáng sợ hãi cho tương lai là chuyện gian dối ở chỗ mà lẽ ra sự trung thực là nguyên tắc hàng đầu. Đó là ở phòng thi: thầy làm lộ đề, trò quay cóp.
Con người lấy gì làm cơ sở để quan hệ với nhau khi cái trục chính của chiếc cầu đã gãy? Cái túi nước silicon rò rỉ đã biến những con người muốn làm đẹp thành xấu xí đến tai hại. Thực phẩm giả, bằng lái giả gây chết người. Còn bằng cấp giả? Xin trích đoạn dưới đây từ báo Phụ Nữ ngày 29-7-1997: “N.M. – sinh viên khoa ngữ văn – báo chí – ĐH KHXH&NV, một cô gái tài hoa có lối sống khá bạt mạng – mệt mỏi tâm sự: “Ở gia đình, bố mẹ luôn dạy tôi cách sống tốt, chân thật, nhưng tôi biết rõ ràng rằng đó chỉ là lời nói. Thực tế còn cả một khoảng cách”. Cái khoảng cách ấy đã được M. nhận rõ khi người ta phát hiện hai cái học vị phó tiến sĩ của bố và mẹ M. đều là của giả. M. bộc lộ: “Tôi không quan tâm lắm đến danh dự của gia đình, nhưng bố mẹ - những thần tượng của tôi – đã hoàn toàn sụp đổ”. Để trốn chạy thực tế, M. thường đóng kín cửa phòng đắm mình trong âm thanh của Spice Girls, hoặc phóng xe hết tốc lực ngoài đường”.
Thế đấy, cái giả tưởng chừng như vô thưởng vô phạt đang giết chết một thế hệ về mặt tinh thần. Và ngày nay không cần thiết phải chứng minh tính chính trị của đạo đức nữa. Cái khó là tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa và những cơ chế vận hành nào đã đưa tới tình trạng báo động này.
Tôi không dám múa rìu qua mắt thợ, nhưng chỉ xin chia sẻ những điều tôi trăn trở. Không nói sự thật có khi là cần thiết như luật gia, nhà tâm lý phải giữ kín câu chuyện của thân chủ mình. Có khi bác sĩ, thân nhân không cho bệnh nhân biết về bệnh tình của họ để tránh sự sụp đổ tinh thần. Tuy nhiên không nói sự thật không luôn luôn có nghĩa là phải nói dối, và nói dối phải được giới hạn triệt để trong trường hợp bất khả kháng.
Ngoài nguyên nhân sâu xa trên, có thể còn các nguyên nhân cơ chế. Một nền giáo dục từ thế hệ này qua thế hệ khác không nhấn mạnh đủ đến đạo đức con người nói chung mà tính trung thực là cái trục. “Chúng tôi đấu tranh chống những khuynh hướng sai lầm trong giáo dục, đào tạo. Đó là khuynh hướng duy ý chí, muốn nôn nóng đưa giáo dục chính trị vào ngay cả từ lớp vỡ lòng. Rốt cuộc, chính trị không đạt yêu cầu mà nhân cách cũng không xây dựng được” (Mai Chí Thọ, chủ tịch Hội Khuyến học TP.HCM, Công An ngày 27-9-1997).
Do một thời gian dài chỉ đánh giá con người trên lời nói của họ nên ta quên để ý đến con người của họ. Có khi những người nói ngược ấy lại muốn cứu vãn tình hình, họ dám nói ngược nhưng họ toàn tâm toàn sức vì dân.
Ta đánh giá cao những báo cáo tô hồng, những trường có tỉ lệ “lên lớp”, “thi đậu” cao, những người nói đúng bài bản nên cấp dưới tập phản xạ nói dối, phản xạ này ăn sâu trong tâm tư họ đến nỗi có người không còn biết nhận ra và phân biệt thật giả, đúng sai.
Phải tập lại từ đầu, không phải bằng hô hào mà bằng hành động. Khó có thể kêu gọi tuổi trẻ bằng những khẩu hiệu chung chung, nhưng họ sẽ hưởng ứng ngay với cách làm mới.
Đó là tinh thần và phương pháp khoa học giúp nhận thức sự thật khách quan. Có bệnh mà không nhận là mình bệnh thì không chữa khỏi được. Xã hội luôn luôn có vấn đề, cho nên phải đánh giá cao những cấp dưới phát hiện được vấn đề, thay vì những kẻ không thấy hay che lấp vấn đề. Tập cho người dám gọi sự việc bằng tên thật của nó.
Khen thưởng những ai lật tẩy sự dối trá. Phạt nặng sự dối trá trong sản xuất. Chỉnh đốn triệt để ngành giáo dục vì bao giờ còn gian lận trong ngành này thì không thể gọi nó là giáo dục.
Văn học nghệ thuật phải đem sự dối trá ra làm trò cười cho đến nơi đến chốn.
Nhưng sống trung thực đòi hỏi sự dũng cảm, và chỉ có thể trung thực trên cơ sở tự tin do năng lực và đạo đức của bản thân.
Do yếu kém nên ta sợ nghe sự thật, còn nếu thoái hóa, tham nhũng thì lại càng ghét nó! Chỉ còn tìm cách đặt lại tính trung thực đúng vị trí của nó nếu muốn chấn hưng đạo đức, vì như sách nói: Sự thật giải phóng chúng ta. Tuy nhiên đây là một quá trình đau đớn. Chỉ cần nghĩ đến các phụ nữ Trung Hoa, nạn nhân của tục lệ bó chân. Mở trói ra họ rất mừng, nhưng đi không được. Phải tập tành lại trong nhiều gian khổ.
 ======================
Hướng nghiệp từ phía các bạn trẻ
 Một quyển sách tâm lý kể về chuyện của John, một doanh nhân, cuối đời rơi vào bệnh trầm uất. Cha anh là một nhà doanh nghiệp lỗi lạc muốn anh kế tục sự nghiệp của ông để quản lý tài sản gia đình. Nhưng anh lại rất ghét cái nghề kinh doanh. Để khích anh, ông nói bóng nói gió: “Mày mà làm được cái trò trống gì cho gia đình này...”.
Tức khí, anh đi học và tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh rồi đứng ra quản lý doanh nghiệp của gia đình. Sau một thời gian, anh đâm ra trầm uất và đi tìm một nhà tâm lý. Cuộc trao đổi cho thấy nguyên nhân là anh đang thực hiện nguyện vọng của cha anh thay vì của chính mình. Do vậy, như các nhà tâm lý nói: “Không ai hạnh phúc khi thực hiện một mục đích mà người khác vạch ra cho mình”. Anh đã quyết định bỏ việc kinh doanh và theo đuổi công việc mà anh yêu thích. Có lẽ nhiều bạn trẻ trong chúng ta khi chọn một công việc ít nghĩ xa như vậy.
Vì sao chọn một công việc mà mình thích?
“Hãy theo đuổi một việc gì đó mà bạn thích làm!”. Đó là lời khuyên của Bill Gates, một trong những người giàu nhất nước Mỹ mà không có bằng cấp. Có lẽ bên cạnh tình yêu, điều có thể làm cho con người hạnh phúc là công việc mà mình ưa thích, đó là phát huy được tối đa tiềm năng của mình. Nhiều cuộc nghiên cứu nhằm tìm hiểu điều gì làm cho nhân viên gắn bó với cơ quan, xí nghiệp và kết quả cho thấy không có một yếu tố duy nhất mà là một chùm yếu tố, trong đó nổi bật nhất là được làm việc mà họ yêu thích. Thật vậy, việc gì mình thích thì mình làm tốt và luôn muốn hoàn thiện. Nó không chỉ đem lại sự thỏa mãn về tinh thần mà còn uy tín, sự khen thưởng và thăng tiến nghề nghiệp. Có người mà tay nghề đã trở thành cái tên thứ hai. Ví dụ anh nông dân làm ra máy cắt, ông “thần đèn”, ông giáo X…Với những người này tiền không còn là yếu tố hàng đầu.
Kinh tế ổn định, nhu cầu cao hơn
Khi kinh tế khó khăn hay khi cá nhân thiếu thốn, họ chấp nhận bất cứ việc gì miễn là có tiền để sống. Khi công việc ổn định họ mong sự an toàn. Các nhu cầu này thỏa mãn, họ lại muốn tự khẳng định qua công việc. Ở đỉnh cao hơn nữa, lao động sáng tạo là niềm vui, đóng góp cho xã hội là hạnh phúc (Maslow). Làm giàu không phải là mục đích của những người này.
Những yếu tố tác động
Ngoài những yếu tố khách quan như tình hình kinh tế chưa ổn định, hệ thống giáo dục khiến bạn trẻ lắm khi khó mà nhận được một tấm bằng đúng ngay trong ngành mình mong muốn, có những yếu tố chủ quan từ phía bạn trẻ khiến việc định hướng nghề nghiệp gặp nhiều hạn chế.
- Không riêng gì trong chọn nghề mà trong cuộc sống nói chung, do giáo dục gia đình và nhà trường bạn trẻ thường thụ động tuân thủ, không dám có ý kiến riêng, ít dám nghĩ đến nơi đến chốn xem mình thật sự muốn gì.
- Lối giáo dục trên cũng ít tạo cơ hội cho bạn trẻ phát hiện và phát huy năng khiếu để từ đó muốn hoàn thiện thêm. Ở trường thì bị nhồi nhét, không được vui trong cái học như các nơi. Ngay cả những trò chơi trên tivi cũng thử thách trí nhớ, sự tích lũy thông tin hơn là óc sáng tạo.
- Nặng nề hơn hết là sự o ép của cha mẹ. Phần đông cha mẹ giáo dục con em bằng cách áp đặt ước mơ của mình thay vì khơi dậy những ước mơ và tiềm năng của chính chúng. Do đó các bạn trẻ làm theo ý cha mẹ mà vẫn tưởng đó là ý của mình. Vì tuổi trẻ VN trưởng thành và tự khẳng định trễ nên họ khám phá tính không phù hợp của công việc đã lựa chọn trễ.
- Bao trùm là hệ thống giá trị xã hội coi trọng đồng tiền hơn là cuộc sống có ý nghĩa, coi trọng thầy hơn thợ, kỹ thuật hơn xã hội, mà cha mẹ là trung gian áp đặt nó cho tuổi trẻ. Vừa qua tôi gặp một cặp vợ chồng bác sĩ tâm thần người Bỉ. Qua câu chuyện tôi cảm thấy họ là những trí thức đúng nghĩa nhất. Họ bàn từ vấn đề toàn cầu hóa, phát triển kinh tế xã hội, tới gia đình và trẻ em… một cách rất thuyết phục... Điều làm tôi ngạc nhiên là người con trai duy nhất của họ lại học trung cấp điện tử. Ông bà nói: “Nó thích như vậy và chúng tôi tôn trọng sở thích của nó. Và bây giờ, sau ba năm làm việc nó muốn học lên, chúng tôi khuyến khích nó”. Tôi nghĩ cậu thanh niên này dù là thợ nhưng sống với cha mẹ như vậy anh ta là một người thợ trí thức. Chắc chắn đời sống tinh thần của anh ta không kém phần phong phú. Và tôi đã gặp những người trẻ phương Tây như vậy. Họ không hề có mặc cảm.
Hai yếu tố gia đình và xã hội có thê xêp vào phần “chủ quan” của bạn trẻ, vì chấp nhận nó hay không thuộc về cách suy nghĩ và lựa chọn của bạn trẻ. Điều này đòi hỏi bạn trẻ phải tự khẳng định nhiều hơn.
Làm gì?
Ngoài việc hoàn thiện hệ thống hướng nghiệp, có hai việc có thể làm:
- Hoạt động đoàn thể và ngành giáo dục nên giúp bạn trẻ tự khẳng định mình nhiều hơn.
- Trong tư vấn hướng nghiệp không chỉ chú trọng việc giúp bạn trẻ phát hiện năng khiếu, thông tin về nhu cầu lao động mà còn cần giúp củng cố nhân cách của bạn trẻ, giúp họ xác định mình là ai, muốn gì và phát huy nội lực để tự quyết định. Nội dung này đòi hỏi tay nghề về tâm lý.
Có lẽ quan điểm của tôi có thể gây lo âu cho một số người nhưng một xã hội phát triển đòi hỏi những công dân trưởng thành biết chọn hướng đi của mình để sống hạnh phúc và đóng góp cho một xã hội với nhu cầu ngày càng đa dạng. Vả lại, nếu nghĩ cho kỹ thì điều cha mẹ muốn cho con mình không phải là điều gì khác hơn là hạnh phúc của chính nó.

NGUYỄN THỊ OANH ( Tuổi Trẻ Online )

P02: Học làm người qua sinh hoạt ngoại khóa

Học làm người qua sinh hoạt ngoại khóa 
Cách đây 50 năm tôi bạo gan tự xin đi du học ở Mỹ. Không ngờ tôi được chọn không vì học lực mà vì tính tự lập. Cách ghép hai danh sách các trường cấp học bổng cho SV du học hoàn toàn hú họa: nhiều bạn tôi rơi vào các đại học nổi tiếng, có bạn được vào các trường dành cho nữ “quí tộc”.
Riêng tôi rơi vào một trường nhỏ xíu nằm ở một thành phố khỉ ho cò gáy (La Crosse) ở bang Wisconsin đầy tuyết. Đầu tiên đây là một trường sư phạm nhỏ đào tạo giáo viên phổ thông. Đến năm 1949-1950, trường được mở rộng cho mọi thành phần và thêm nhiều phân khoa như khoa học tự nhiên, xã hội học, sử học, nghệ thuật...
Khi tôi đến trường chỉ có vài trăm sinh viên, nhưng đến nay đây là một đại học có tiếng trong vùng, được đánh giá cao bởi các ngành giáo dục học, nghệ thuật, điều dưỡng...
Tôi đến vào đầu hè để theo khóa hè nhằm rút ngắn thời gian. Ngày đầu tiên tôi gặp tiến sĩ  Mary C. phụ trách SV. Sau đó tôi mới biết bà là trưởng khoa xã hội học và là một trong các giáo sư lỗi lạc nhất của trường. Bà làm tư vấn học tập cho tôi vì mỗi giảng viên được chỉ định theo dõi, tư vấn cho từ 5-10 SV. Bà nói với tôi: “Em được học bổng toàn phần nhưng chủ trương của nhà trường là tất cả phải làm việc để hưởng tiền túi của mình”. Chúng tôi được chỉ định làm việc bán thời gian ở thư viện, bệnh viện hay các cơ sở khác của trường. Bà đã nói về một hệ giáo dục toàn diện mà sau này tôi nghe cả trăm lần trên lớp học và nhấn mạnh trường rất quan tâm giáo dục chúng tôi qua các sinh hoạt ngoại khóa. Và tôi là người từ xa, đến từ một nước đang phát triển cần nhân tài nên phải tích cực tham gia. Nói vậy tôi nghe vậy chứ chưa hiểu lắm. Mãi về sau này tôi mới thấy các sinh hoạt ngoại khóa ở một đại học Mỹ quan trọng như thế nào.
Một SV Mỹ và tôi được chỉ định về làm ở phòng bông băng tại bệnh viện. Hồi đó người ta chưa bỏ đi các băng, gạc đã sử dụng mà giặt lại rồi hấp để tiệt trùng. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm phẳng và xếp các miếng vải gạc đã giặt, cột thành gói nhỏ cho vào nồi hấp. Sau một thời gian, để được tăng lương tôi được đổi lên lầu hai phục vụ cho người bệnh ăn. Không ngờ mỗi ngày đút ăn cho 10 cụ bà sắp chết tôi bị xuống tinh thần, ăn ngủ không được. Do đó năm sau với vốn tiếng Anh khá hơn, tôi chuyển qua thư viện. Mấy tuần lễ đầu tiên là lau bụi cả trăm quyển sách và các kệ sách (hồi đó chưa có máy hút bụi nhỏ). Bước tiếp theo là xếp lại trên kệ đúng số thứ tự các sách bạn đọc trả. Rồi phụ trách quầy cho mượn sách, làm phiếu, phân loại... Dĩ nhiên, tôi phải học đánh máy đúng qui cách. Hồi đó, ở VN đánh máy được 10 ngón cũng “le” lắm. Nhưng không ngờ nhờ đó tôi đã thành lập hàng chục thư viện lớn nhỏ trong quá trình hoạt động của tôi sau này. Giờ đây thư viện đã được vi tính hóa, sách thường được phân loại sẵn. Nhưng công việc này đã để lại cho tôi cái thú vui với sách, kỹ năng đọc và tổng hợp nhanh, điều mà chỉ học ở lớp không thể nào có được.
Vào năm học, bà Mary khuyên thế nào cũng phải học các môn tự chọn: “Em nên học các môn như thủ công mỹ nghệ, âm nhạc và tổ chức đời sống gia đình cho vui và để mở mang” (giáo dục toàn diện mà!). Tôi vào ban hợp xướng của trường và để chuẩn bị đêm hội quốc tế, thầy nhạc đã đệm violon cho tôi solo bài Đêm đông sau 6-7 lần tập dượt. Giờ đây tôi hát không ra hơi nhưng ít ra đã biết đọc nốt nhạc và hát đúng nhịp. Đi trình diễn đây đó cũng tạo cho tôi thói quen dạn dĩ. Còn từ lớp thủ công tôi làm được một chân đèn bằng men, vài món nữ trang bằng đồng rất vụng về nhưng từ đó tôi học được cách phối màu, trang trí nội thất. Vui nhất là môn kinh tế gia đình: không chỉ dạy vệ sinh, cắt may, nấu nướng mà còn cả cách tiếp đãi khách. Bài thực tập là một buổi dạ tiệc khá long trọng. Bà giáo nói: “Oanh nó ở xa, cần học hỏi nhiều, cô cho nó làm bà chủ nhà”. Các bạn khác kẻ đi chợ, người nấu ăn, kẻ dọn dẹp trang trí. Chúng tôi phải ngồi lại lên kế hoạch từ số khách mời là ai, làm món gì cho phù hợp, dọn bàn và trang trí đúng cách, đặt khách ngồi đúng chỗ, tiếp khách khi mới đến... Giờ đây, tôi không mặn mà với nữ công gia chánh chút nào nhưng học được phép giao tiếp của phương Tây, rất có ích cho công việc của tôi hôm nay.
Lên giữa năm thứ hai tôi đã chọn ngành xã hội học mà người phụ trách là giáo sư Mary C., người đã tạo một dấu ấn to lớn trên con người khoa học của tôi. Nhưng kỷ niệm vui nhất của tôi là tiến sĩ Celestrine H.- trưởng khoa Anh văn. Chúng tôi gắn bó với nhau ở lớp và các môn văn chương Anh... Bà còn phụ trách tạp chí của trường tên Touchstone (là một thứ đá để thử vàng bạc). Các bạn sinh viên quốc tế khác học tiếng Anh hơi khó nên bà chọn tôi để “thêm màu sắc” cho tạp chí và hướng dẫn tôi viết bài về châu Á, VN, người phụ nữ phương Đông... Thực tế công tôi một, công bà ba vì phải sửa chữa hiệu đính từng chữ, từng câu cho ra một bài báo của đại học. Tôi học viết báo từ đó. Một năm báo được giải thưởng nhờ một bài của tôi với sự gọt giũa của bà. Mừng quá bà thừa thắng xông lên. Bà cho tôi đi nói chuyện ở các hội đoàn. Một hôm, đột nhiên tôi bị hoảng trước một cử tọa toàn quí bà sang trọng của thành phố. Bỗng nhiên giữa các bà tôi thấy bà giáo của tôi nét mặt lo lắng, môi đang chép chép những lời mà tôi đã quên vì bà đã dượt cho tôi nhiều lần. Buồn cười quá tôi hết sợ và tiếp tục. Năm thứ hai có một môn bắt buộc là speech (nói chuyện trước công chúng). Ở môn này không những chúng tôi học triển khai nội dung, sắp xếp bố cục mà phải biết trình bày sao cho hấp dẫn và xuất hiện thế nào cho ấn tượng. Người dạy chúng tôi là một phụ nữ đẹp duyên dáng, ăn mặc đúng mốt và tự tin. Tôi còn nhớ mấy chữ bà nhắc đi nhắc lại “một tư thế tự tin và duyên dáng”. Không ngờ sau năm 1975, NVH Thanh niên nhờ tôi dạy về thuật hùng biện. Dù không tin ở sự độc thoại nhưng tôi đã “rút tuồng bụng” từ mấy chục năm trước để mở mấy lớp về lý thuyết và thực hành nói chuyện trước công chúng.
Nhưng bấy nhiêu chưa “toàn diện” đến đâu. Trường rất quan tâm đến rèn luyện kỹ năng giao tiếp với người khác phái. Cuối năm trường lại tổ chức ba đến bốn kỳ dạ hội khiêu vũ với các trường nam trong vùng. Lần đó các bạn của tôi rất thích thú hồi hộp vì là một cuộc “blind date”. Đó là cuộc “hẹn hò mù”, nghĩa là bạn sẽ rút thăm để gặp một chàng trai không hề quen biết mà suốt buổi phải trò chuyện, uống rượu, khiêu vũ với anh ta. Giờ đây chuyện ấy đối với cả thiếu nữ VN không có gì mà ầm ĩ. Nhưng cách đây nửa thế kỷ không phải chuyện nhỏ. Môn giáo dục thể chất có dạy kỹ các vũ điệu cổ điển như valse, tango... nhưng có lẽ vì bị vướng mắc lời dặn “không được nhảy đầm!” của cha tôi nên tôi học hoài không được. Cho nên trước biến cố này tôi sợ khiếp vía. Có vài bạn Mỹ ở nông thôn ra nên cũng sợ lắm. Chúng tôi bàn nhau sẽ trốn. Nhưng trước đêm dạ hội bà Mary lên tận phòng tôi, cười mím chi nói: “Không chết đâu mà sợ, cái gì cũng phải tập cho quen. Cô cũng sẽ có mặt mà”. Các bạn nội trú tối thứ bảy hay đi nhảy ở các night club. Họ kéo tôi đi vài lần nhưng tôi rất sợ cái bầu không khí mù mịt khói, hơi bia và xoay qua xoay lại là đụng nhau. Bà giáo thường nói “lâu lâu cũng nên đi cho biết”.
Tôi học rất nhiều ở lớp học nhưng các ấn tượng ngoài lớp học đã theo tôi mãi mãi. Và giờ đây tôi hiểu ra thế nào là giáo dục toàn diện và ý nghĩa của sinh hoạt ngoại khóa trong giáo dục đại học. Có bạn trẻ hỏi: “Sao cái gì chị cũng biết hết vậy?”, đó là do tôi may mắn cái gì cũng được học.
Tháng 4-1999, tôi trở về thăm trường. Bà thầy ruột tổ xã hội học đã đi nơi khác hay chết rồi cũng không chừng vì nhiều thầy cô tôi đã qua đời. Nhưng bà thầy Anh văn còn. Bà 94 tuổi, mới bị gãy chân nên chống gậy đến đón tôi. Bà khóc và nói: “Mấy chục năm không có tin em, cô nói với các cô thầy chắc là Oanh nó chết trong bom đạn rồi”. Ngày hôm sau trường mời tôi đi nói chuyện với các khoa công tác xã hội, quốc tế, sử học. Bà đang ho sù sụ mà vẫn theo nghe tôi. Bà theo dõi từng lời như hồi tôi còn nhỏ nhưng giờ đây chắc bà đã yên tâm hơn với người học trò già của mình.
Quên sao được công ơn của những người cùng với cha mẹ mình góp phần vào sự hoàn thiện nhân cách của mình. Không chỉ tôn sư trọng đạo mà tình thầy trò là cái gì đó theo ta suốt đời. Còn cha tôi chưa kịp xem cái văn bằng nhưng đã nhận ra sự thay đổi nơi tôi ngay ở cái bàn ăn vì tôi đã biết dọn dẹp, kỹ lưỡng, đối xử với mọi người khác đi. Khi tôi đi thì chỉ biết ăn rồi chơi, quét nhà, giặt quần áo cũng không biết. Cha tôi khá hài lòng với tấm bằng tốt nghiệp ở trường đời.  
========================
Lương tâm 
Cách đây vài năm, ông Ladinsky - nhà xã hội học luật pháp Mỹ - có tới thăm và thuyết trình tại TP.HCM.
Ông nói: "Luôn hoàn chỉnh luật và thi hành pháp luật là điều cần thiết, nhưng nên nhớ rằng luật là bệ chắn cuối cùng. Điều cơ bản hơn là giáo dục công dân sao cho họ có một tâm thế sẵn sàng tuân thủ luật. Làm sao để trừng phạt, chế tài chỉ dành cho một thiểu số bất trị".
Điều giúp cho cá nhân biết tôn trọng lợi ích chung, biết thể hiện sự tự do của mình mà không vi phạm sự tự do của người khác là lương tâm. Thấp hơn lương tâm là sự biết điều, sự tự trọng.
Sự rối loạn giao thông cho thấy một điều đáng buồn là ở thành phố ta có một số người mà hai điều tối thiểu cuối cùng trên họ cũng không có... Nhường nhịn một chút để chờ (tôn trọng lợi ích chung), để chính mình đỡ mất giờ hơn (để tìm lợi ích riêng) mà họ cũng không làm được. Đây không phải chuyện lớn nhưng sự thiếu tư cách và thậm chí "rừng rú" của một số cá nhân là một câu hỏi đặt ra cho hiệu quả quản lý và giáo dục.
Nhưng quan trọng và cơ bản hơn nữa là tìm hiểu nguyên nhân của sự nhiễu loạn xã hội ngày nay với tệ nạn ma túy, mại dâm, hiếp dâm, lạm dụng tình dục trẻ em và các tội phạm hình sự xảy ra. Những kẽ hở trong quản lý, sự thiếu trách nhiệm, hay làm ngơ hoặc trầm trọng hơn là bảo kê cho cái xấu không còn là một điều giấu giếm nữa. Bằng giả, buôn lậu, bán đề thi, mua bằng cấp... cũng thuộc cùng một phạm trù. Và bất cứ một người dân yêu nước nào cũng phải góp phần giải quyết vấn đề dầu sôi lửa bỏng này của đất nước. Ở đây ông tiến sĩ đã làm lộ đề hay anh công an khu vực làm ngơ cho tội phạm vì lợi ích riêng cũng chịu trách nhiệm như nhau. Và có khi phải đặt vấn đề ở cấp cao hơn là vì sao lương tâm đã bị đánh mất? Lương tâm là cái mà chỉ loài người mới có, cái giúp từng cá nhân phân biệt phải trái và tự mình biết kiềm chế lấy mình.
Có người nói đùa là họ bị "đứt dây thần kinh mắc cỡ". Tôi xin ví nó như cái thắng của chiếc xe. Nếu thắng đã hư hay đứt thì hàng ngàn cái bệ chắn là luật pháp cũng không ngăn chặn nổi.
Xu thế chung là khi có sự vi phạm thì cho là vì người dân không hiểu luật và cố nhồi nhét giáo dục pháp luật. Đó là bọc cho họ cái vỏ bên ngoài, nhưng khi lương tâm không còn thì cái vỏ ấy bị phá vỡ như chơi. Muốn chống sự bạo hành và lạm dụng tình dục trẻ em, nhiều cuộc hội thảo được tổ chức xung quanh chủ đề luật pháp đã giả thiết rằng người ta xâm hại trẻ em vì người ta không hiểu luật. Theo tôi, nguyên nhân chính là người ta đã mất tính người vì từ nhỏ người ta không được giáo dục để trân trọng, yêu quí con người và nhân phẩm, nhất là trẻ em. Vì thế mà tập huấn về quyền trẻ em rất nhiều mà trẻ vẫn là nạn nhân của bạo lực.
Muốn ngăn chặn thanh thiếu niên sa vào ma túy thì lại giáo dục pháp luật. Tốt chứ, nhưng có đủ không? Thật ra muốn cho các em tránh ma túy thì cơ bản hơn là tạo cho các em một cuộc sống gia đình hạnh phúc, an toàn. Làm sao cho các em được thỏa mãn các nhu cầu về tình thương, tình cảm, một đời sống văn hóa tinh thần phong phú, một nghị lực để nói "không" với cái xấu, những đam mê lành mạnh như nghệ thuật, thể thao... Tạo cho các em những tập thể đồng lứa sống lành mạnh mà các em thương yêu, gắn bó.
Cái nhìn nông cạn, máy móc về bản chất con người khiến các biện pháp tìm đến thường mang tính ép buộc từ bên ngoài: cấm đoán, cách ly, nhốt, tập trung thay vì phát huy và củng cố cái thiện sẵn có từ bên trong mỗi người. Tạo môi trường lành mạnh để trẻ lớn lên lành mạnh.
Phải chăng vì các nhà khoa học xã hội cơ bản như đạo đức học, tâm lý học, xã hội học, giáo dục học... đã "nghỉ giải lao" một thời gian hơi dài? Và câu hỏi nóng sốt nhất chưa được trả lời: "Vì đâu lương tâm bị đánh mất để xã hội bị nhiễu loạn đến mức này?".
Chữa cháy rất cần, nhưng ngay từ giờ phút này phải bắt tay xây dựng những ngôi nhà kiên cố. 

NGUYỄN THỊ OANH ( Tuổi Trẻ Online )

P01: Hạnh phúc - phải lựa chọn

Giới thiệu sách

Hạnh phúc - phải lựa chọn
Tác giả: Nguyễn Thị Oanh
Nhà xuất bản: Tủ sách Tuổi Trẻ - NXB Trẻ
Năm xuất bản: 2008
Giá: 42.000 đồng
Giới thiệu:
Quyển sách Hạnh phúc - phải lựa chọn của Thạc sĩ phát triển cộng đồng Nguyễn Thị Oanh là tuyển tập các bài viết về tâm lý giáo dục, đặc biệt dành cho quí phụ huynh và các thầy cô giáo.

Lời giới thiệu - Hạnh phúc phải lựa chọn
Làm công việc chuyên trách cộng tác viên chuyên viên của Tuổi Trẻ, lâu lâu tôi lại nhận được mail hoặc một cuộc điện thoại của chị Oanh: “Em ơi, ở Hội thảo X/Y/Z giáo dục, có ông tiến sĩ… đọc bài tham luận hay quá, em xem có thể khai thác cho Tuổi Trẻ được không?”.
Hoặc “Chị gởi em xem bài này của… Ông viết hơi khó đọc nhưng nội dung khá hay. Nghĩa là tụi mình xới lên vấn đề triết lý giáo dục là đúng, có điều phương pháp của mình chưa đủ để thấy tính bức bách của vấn đề…” .
Khi thấy đề tài chị gợi ý chưa xuất hiện, chị điện thoại nhắc. Việc đặt bài của Tuổi Trẻ cho các chuyên gia giáo dục, xã hội nếu gặp khó khăn, chị chỉ dẫn, giúp đỡ tận tình. Có lần tôi buột miệng nói: “Chị lo cho Tuổi Trẻ có khi còn hơn người của Tuổi Trẻ nữa”, chị nói ngay: “Không phải chị  lo cho Tuổi Trẻ đâu, mà là chị  lo cho nền giáo dục của nước nhà”.
Tất cả những bài viết của chị về giáo dục cho thấy một nỗi lo đau đáu, mà đâu chỉ chuyện giáo dục, còn có chuyện gia đình, chuyện giá trị sống, nhân cách sống, các vấn đề của giới trẻ…  Chị không chỉ là nhà giáo dục, mà còn là nhà hoạt động xã hội, nhà quan sát, lại là người viết báo hay. Cho nên, chị có khả năng vừa nhìn thấu được những chuyện ở tầm cao, và cũng soi được ngóc ngách vấn đề đến  tận cùng. 
Xin được trân trọng giới thiệu với bạn đọc quyển sách Hạnh phúc - phải lựa chọn của Thạc sĩ phát triển cộng đồng Nguyễn Thị Oanh. Đây chỉ là một phần  trong kho bài viết đồ sộ của chị từ trước đến nay. Những tác phẩm rất đáng đọc và nghiền ngẫm.

Nhà báo Thủy Cúc ( Tuổi trẻ )