Home » » Phần 03: Như cánh chuồn chuồn

Phần 03: Như cánh chuồn chuồn

Cuộc chiến bắt đầu khi ông Thoại Ký cất nhà trước thêm một từng, dành riêng phòng rộng màn che trướng rũ cho Thục Linh. Bà Thoại Ký nói với chòm xóm:
- Mình ở trên cao gió mát, ngó quanh thấy mấy cái nhà lợp ngói đóng rong xanh (ám chỉ nhà tôi thấp) khó coi quá.
Ân tình đã cạn, ông thân tôi cất thêm từng lầu trước, bà Thoại Ký rêu rao:
- Ối, bắt chước!
Tiệm Thoại Ký cất thêm nhà sau, đào thêm giếng nước trong nhà, khoe khoang:
- Khỏi mướn người gánh nước.
Ông thân tôi điên tiết cũng cất nhà sau. Cẩn thận hơn, ông để dành sẵn mấy cột thép để nếu cần cất thêm. Trưa ngồi tiệm cà phê, ông cười thỏa mãn:
- Tới đâu thì tới, tôi chừa sẵn mấy cột sắt đó, lên từng nữa cho mát.
Từ đó hai ông uống cà phê trái giờ, người tới sớm người tới trễ. Mỗi ngày một câu chuyện mỉa mai:
- Ối, có cái vỏ bề ngoài, tiệm tôi bán không hở tay!
Ông thân tôi ngược ngạo:
- Phú! Bán tạ gạo lời không bằng cây cưa, tạ than thua hộp bản lề tui.
Muốn qua mặt ông Thoại Ký, ông thân tôi mua cái máy điện để kéo bà con gần đó về phía mình, có thể xem vô tuyến cải lương tới vãng tuồng, vì điện quận tắt lúc 10 giờ đêm.
Ông Thoại Ký chưởi đổng:
- Máy kêu ầm ầm, tiếng An Nam không rành mà đòi coi cải lương.
Cuộc chạy đua ráo riết, ông Thoại Ký lót gạch hàng ba, cười nói:
- Gạch bông sạch hơn xi măng.
Ông thân tôi xây luôn hàng ba liền với trước nhà, trả lời:
- Đồ đạc để sẵn, tôi già rồi, dọn ra vô không nổi!
Ông Thoại Ký tìm rước ông thầy Tàu nổi danh viết bảng hiệu lại để yểm tiệm đối diện. Ông thân tôi lật đật tìm rước tay hay chữ khác viết bảng hiệu:
- Để coi ai phát. Có đứa con gái, mai mốt thằng rễ hưởng chớ ai!
Cuộc đua tranh hơn thiệt khó ảnh hưởng tôi. Ngồi lì mãi nhà trường, thi rớt mãi cũng có ngày đậu.
Ông Thoại Ký không nhắc nhở, ông thân tôi lo về quê muốn làm xuôi với người bà con, ruộng đất hai bên nhập lại ăn mấy đời không hết, sợ người ngoài lọt vô ăn của. Lần này ông cũng ê mặt vì tôi cãi bướng. Chỉ thương Thục Linh, mặt buồn, đẹp như tranh tố nữ, bị tai tiếng khó lấy chồng, hồng nhan đa truân, cao duyên, nhưng vô duyên đối diện bất tương phùng.
Ông Thoại Ký ngày càng khó chịu, có lúc tôi tưởng mình là Don Rodrige thách ông đấu kiếm, đâm ông một kiếm rồi tìm Chimène Thục Linh ném kiếm tạ tội.
Việc thương mại càng phồn thịnh, tiệm Thoại Ký càng ngày càng chật chội. Ngày ngày Thục Linh vui vẻ, nhanh nhẹn đi len qua những bao đậu xanh, gạo, đường, cá khô chất cao gần đụng trần nhà. Chưa kể những hủ rượu công xi, tương tàu, nhang đèn, hủ ky, bún tàu. Dáng dấp Thục Linh mảnh mai, xinh xắn, làm sinh động khung cảnh tiệm chạp phô chồng chất hàng hoá ngổn ngang. Vắng Thục Linh, chắc tiệm Thoại Ký sẽ buồn tẻ, dù có hai cái cười hể hả cầu tài của ông bà chủ tiệm.
Lâu lâu, ông Thoại Ký ngồi tiệm cà phê, một chân chống trên ghế, tay vuốt cái quần lảnh đen mướt rồi hạ ly cà phê xuống nói vói qua bàn bên kia, cho người cười hùn:
- Tiệm tôi bảo đảm không thiếu món gì. Ai sắm đồ đám cưới, đám hỏi, tôi chỉ thiếu đôi bông. Còn ai mua đồ làm đám ma, chỉ thiếu cái hòm.
Tiệm Phong Hưng cũng thay đổi nhiều, mỗi lần về quê, tôi bực bội vì chật chội. Tôi tự hỏi, không biết ai tiêu thụ cho hết thực phẩm tiệm Thoại Ký và những khoanh dây chì, những chồng tôn lạnh, bành lưới cá, bù lon, cưa, bào, đục của tiệm Phong Hưng.
Hai bên tuy không cạnh tranh vì hai loại hàng hóa khác nhau, lại luôn luôn tìm cách hạ uy tín nhau.
Cuối năm đó, cuộc hoả hoạn thiêu rụi gần mười căn nhà ngoài kinh. Ông Thoại Ký được dịp khoe khoang lòng hào hiệp. Ông kêu nạn nhân đến cho mỗi gia đình một thùng gạo, một tỉn nước mắm và vài ký cá khô. Khi mọi người lo xúc gạo đổ vô thùng mang về, họ cám ơn nức nở. Ông bô bô cái miệng, lớn tiếng cốt cho nhà tôi nghe:
- Bà con gặp lửa củi, ơn nghĩa gì. Cứ xúc gạo về nấu. Người ăn thì còn, con ăn thì hết.
Ông mỉa mai, vì cách đó mấy tháng, ông thân tôi giao cho tôi bó tiền lên Sài Gòn trả cho ông Chành, tôi lại mang tiền sửa mũi cho người bạn gái, rồi về rầu rĩ nói bị mất. Ông thân tôi bị vố khá đau, bao nhiêu hy vọng về tôi như muối bỏ biển. Ông thân tôi giấu nhẹm, mà không hiểu vì sao ông Thoại Ký lại biết? Ông Thoại Ký lừng lẫy tiếng tăm là người phước đức, nhân từ. Dân ngoài kinh nghe tiếng rủ nhau ghé tiệm ông mua ngày càng đông.
Ông thân tôi bị chê là tị khi đồn đãi: “Đó! Người ta thả con tép, bắt con tôm, thả con cá rô, cá sặt, bắt cá bông cá lóc. Thí mấy bao gạo mốc, bán lời cả chục bao gạo tốt. Khôn quá là khôn”.
Trận chiến vẫn tiếp tục. Cũng năm đó, vào dịp tháng bảy cúng cô hồn, cúng chùa ông Bổn, dân bổn phố góp tiền để cúng kiến. Người thủ bổn tới từng nhà ghi danh sách phần đóng của các tiệm, mỗi phần trả bằng tiền, tùy theo giá sinh hoạt. Tiệm nhỏ đóng một phần, tiệm lớn đóng từ hai tới bốn phần, cũng có tiệm cúng nguyên con heo trắng. Sau khi cúng kiến xong, người đóng sẽ được chia thịt theo số phần mình đóng. Ai đóng nhiều sẽ có tiếng đã đành, lại được ông Bổn phù hộ làm ăn phát tài. Năm đó, ông Thoại Ký đóng năm phần, ông thân tôi nghĩ ra cách chơi gác, đóng mười phần, dặn ông thủ Bổn giữ kín.
Sau khi thí vàng, ban tổ chức chia thịt. Ông Thoại Ký biểu Thục Linh xách hui ná (16) đi lãnh thịt. Bên này, ông thân tôi cũng giao cho tôi đem hai cái hui ná đi lãnh. Tôi nói “Một cái đủ rồi”. Ông thân tôi cười hóm hỉnh: “Ừ! Thì xách hai cái, một cái đựng thịt, một cái đựng bánh trái riêng cho khỏi dơ”. 
Vừa ra khỏi tiệm, tôi gặp Thục Linh hai tay xách hui ná trước cửa, vừa nhăn mặt, tay lau mồ hồi than nặng quá.
Ông Thoại Ký la lớn: “Chèng ơi! Tội nghiệp ái nữ của tôi xách mỏi tay quá, năm phần mà!”.
Tiếng ông Thoại Ký nghe ngứa tai. Ông thân tôi giục: “Mầy đi lảnh mau rồi về”.
Lãnh xong hai hui ná đầy thịt và bánh trái, tôi nghỉ dọc đường hai lần mới về tới nhà, ngạc nhiên thấy ông thân tôi làm mặt giận trách lớn: “Mầy đi lâu quá vậy?”.
- Nặng thấy mồ tổ.
Tôi hơi quạu trả lời. Ông thân tôi hướng về phía ông Thoại Ký nói lớn:
- Nặng quá hả? Có mười phần mà than nặng! (Ông nhấn mạnh chữ mười phần). Phải rồi, mầy là học trò, học cao không quen làm nặng (Ông lại kéo dài chữ học cao).
Tôi hơi hiểu ý. Hình như Thục Linh cũng đoán ra phần nào, nàng dựa bao gạo, mắt buồn man mác, yên phận không dám trách cha, tự xoa, bóp hai cánh tay. Tôi bực tức đá cái hui ná rồi bỏ vào nhà kho ngả mình trên chồng tôl lạnh.
Bà mẫu nhìn hai giỏ thịt, lắc đầu: “Ông giỏi hơn thua thì ráng ăn cho hết a!”.
Bên kia bà Thoại Ký nói: “Ăn không hết mà làm tài khôn”.
Ông thân tôi khoái trá đội nón ra tiệm cà phê để kể chuyện. Ông Thoại Ký cũng đội nón hầm hầm ra tiệm cà phê ngược hướng.
Tôi nằm lăn lộn, vai ê ẩm, càng bóp càng đau, thấy thương thương Thục Linh. Hai đứa đều là nạn nhân. Nàng là thế nữ, tôi là quân chạy hiệu của hai ông vua chơi ác.
Năm nào cũng có chuyện gây hấn, khi có cơ hội, hoặc bên này bên kia.
Nguyên trước chợ tôi có con kinh cắt ruộng lúa làm hai. Từ bờ kinh bên này sang bên kia phải đi vòng ngỏ chợ, rất mất thì giờ cho dân lam lũ nhọc nhằn, gánh gồng, dù họ chưa than phiền. Những buổi trưa gay gắt nắng, họ múc từng ngụm nước trong lu nước trước nhà tôi để uống, trước nhà tôi có để cái lu nước đãi khách qua đường. Đó là đề tài cho ông Thoại Ký: “Uống nước rồi phải mua đồ của chủ lu nước à nghen! Móc con nhái nhắp con cá lóc, lợi hại lắm à!”.
Trong buổi tiệc cưới dâu con ông chủ tiệm bánh, ông Năm Lụa trong Ban Hội tề tình cờ được xếp ngồi bên mấy ông chủ có máu mặt. Ông Năm ước mơ bắt cầu ngang kinnh cho dân gánh lúa qua, đỡ phải đi vòng qua chợ (trong đó có nhiều bà con ông). Ban Hội tề không có quyền, công nho (17) thiếu hụt. Rượu ngà ngà, ông than thở: “Tội nghiệp! Trưa nắng mà họ gánh lúa đi vòng qua chợ, thấy thương hết sức. Trời mưa họ lội bùn lõm bõm, đá nhọn đứt chưn, thiệt là khổ à!”.
May mắn làm sao! Ông chủ trại cưa, đầu lắc lư, quá chén, vỗ bàn:
- Cây ván để tui, tui bao. Tui nói một tiếng như đinh đóng cột (Ông dư thừa một kho gỗ vụn).
Ông chủ nhà máy xay lúa, ngất ngưỡng, đôi mắt lim dim gật gù:
- Ờ! Ờ! Ban Hội Tề… Ờ! Ờ! Làm cái đi. Tiền công thợ tui chịu (Ông này đem nhân công nhà máy ra làm cầu).
Ông Năm Lụa không bỏ lở cơ hội, đứng dậy vỗ bàn lớn tiếng:
- Bà con chú ý! Chú ý! Ông chủ trại cưa hứa cung cấp cầu bắc ngang qua kinh. Ông chủ nhà máy xay lúa bao tiền nhân công. Hoan hô hai ông chủ này!
Khách cười vỗ tay ầm ĩ, dù cây cầu đâu có dính dáng gì tới họ.
Ông thân tôi cử rượu, không bị ma men hành, đang tím mật bầm gan thấy bàn kế bên, ông Thoại Ký lắc đầu khiêm nhường, không giấu được sự kiêu hãnh trước lời khen về số gạo ông tiếp tế cho nạn nhân bị hỏa hoạn. Nghe vậy, ông nổi hứng, cương bất ngờ:
 - Còn tui, tui chịu đồ sắt, bù lon, dây chì.
Ông ngồi xuống, nháy mắt nhìn ông Thoại Ký, trong tiếng hoan hô, vỗ tay của Ban Hội tề.
Chiều đó, khi nghe người thuật chuyện lại, bà mẫu tôi hỏi, ông thân tôi nhăn nhó:
- Làm phước mà! Lỡ hứa gồi á!
Ông bét bét đi ra. Bà mẫu tôi nghe vậy, ngồi xuống ghế ôm bụng nhăn như đau đớn lắm, sau đó mới biết bả cười, bà không nói lý do.
Dòng đời trôi, tôi vất vả ngược xuôi ở Sài Gòn, lặn ngụp trong ao tù ảo vọng hư danh.
Năm đó, tôi nhận được giấy gọi nhập ngũ, tình cờ ghé vào quán ăn trước rạp hát Hảo Huê ăn trưa. Chợt có tên bạn quen, cũng gốc trường xưa, dẫn theo một thiếu nữ, sà đến bàn tôi, tay bắt mặt mừng. Lâu ngày gặp bạn cũ, hàn huyên tâm sự, giới thiệu: “Hôn thê tao đây”. Đang nhắc nhở những chiều trốn học tắm sông, hắn bỗng hơ hải đi ra, hẹn trở lại vài phút sau. Tôi nghĩ chắc chắn có việc cấp bách, nên vừa ăn vừa có ý nán chờ. Tôi nể tình bạn cũ, ngồi lơ phơ trước mặt cô “vợ sắp cưới” phấn son đầy mặt, hở hang ưỡn ẹo trêu chọc.
Tôi ngồi thơ thẩn, nhấp ly cà phê đá. Một thiếu nữ thắt bín quen quen đi qua, mím miệng nhìn. “Thục Linh tiểu thư!”. Tôi chết lặng nhìn theo. Cô “hôn thê” của tên bạn vỗ vai sỗ sàng:
- Ơ kìa! Nhìn người đẹp như thế không sợ người đẹp ngượng sao?
Tôi suýt tát vô mặt cô ta vì câu nói rẻ tiền, nhất là nhìn đôi mi xanh đen như người mất ngủ. (Sau mới biết là bà hai của ông bạn quý, hắn ta tránh mặt người bà con bên vợ).
Tôi đứng dậy vội vàng ra cửa, nhìn tứ phía mong thấy Thục Linh để phân trần.
Sau đó tôi nhận được thư đầu tiên, hết sức ngạc nhiên vui sướng như tìm lại được viên ngọc quý đánh mất. Bức thư ngắn ngủi, lời thư nghiêm túc và trang trọng. Thư bắt dầu với từ ngữ xa cách, “Lưu nhân huynh nhã giám!”. Kể chuyện quê nhà, xưng là tiểu muội. “Lưu huynh có nhớ Linh? Linh bộ Ngọc hay bộ Kim? “Lưu” là cái xẻng đào đất hay “Lưu” là giết?”.
Suốt bức thư, Thục Linh dùng lối chiết tự, hai cây “đao” trong họ Lưu tôi sắc bén cắt nát lòng tôi.
Cuối thư Thục Linh chép hai câu thơ của Đỗ Mục:
Thập niên nhất giác Dương Châu mộng
Doanh đắc thanh lâu bạc hãnh danh
(Mười năm tỉnh giấc Dương Châu
Ngả nghiêng tai tiếng thanh lâu bạc tình)
Bức thư đầu tiên và cuối cùng! Ông bà Thoại Ký đã gả Thục Linh cho con  trai một tiệm trà ở tỉnh khác, họ Triệu.
Hai hiệu tiệm Phong Hưng - Thoại Ký còn đó nghênh ngang. Chuyện xưa bị lãng quên dần, chỉ có em gái tôi và em gái Thục Linh qua lại, người lớn thờ ơ.
Bầm dập cuộc đời nên thấm thía câu “vô duyên đối diện bất tương phùng”, gặp nhau chỉ trong hoàn cảnh trái ngang, hiểu lầm rồi cay đắng. Bận tâm làm gì Thái tiểu thư, tiểu huynh đâu phải tên bạc hãnh

LƯU NHƠN NGHĨA ( Tuoi Tre Online )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét