Từ Xà Tón ra Châu Đốc, 42 cây số xe đi mất khoảng ba tiếng đồng hồ. Nước kinh cầu Cây Me đục ngầu, chợ Cây Me xơ xác, vườn chuối trên núi Nam Vi xanh lạnh ngắt, thung lũng cầu Tà Đét khe nước sâu thăm thẳm. Xe chậm chạp, thỉnh thoảng ngừng rước khách, qua những rặng núi Dài, núi Bà Đội Om, núi Cấm, núi Két, đường nghiêng, bỏ lại sau cái thế giới bình yên đầm ấm ra ngoài đô thị bon chen. Đúng tâm trạng trong bài học thuộc lòng:
Thương con thân gái đi xa
Mới lần thứ nhứt con ra thị thành
Còn bở ngở chưa lanh chưa thuộc
Lại ngây thơ, đường bước chưa quen
Đêm xa nhà đầu tiên, cô đơn trên ghế bố lạ chỗ lạ người. Cùng ở trọ với tôi có cậu Xén cùng quê lúc đang học Đệ Tứ và thằng Cường con Sal con chủ nhà.
Sáng hôm sau đang lúi húi rửa mặt, thấy bác Hai Khá chủ nhà nhìn tôi không nói một lời, ông người mập trắng.
Sáng đó bác Hai Khá đưa tôi lên Sở Giáo huấn tại trường nữ, ghi tên vào lớp thầy Dương Văn Mậu, lớp nhì B, học chung với Cường, học nhằm buổi chiều từ 2 giờ đến 6 giờ, buổi sáng nghỉ. Học được hai ngày, ngày thứ tư tôi định cuốn gói về quê, bị cô ba Tên (bà chủ nhà) la, tôi xép re, mang đồ trở vô. Đêm đêm, quả là nước mắt ướt đầm ghế bố.
Lâu lắm, cả năm sau mới quen dần nếp sống thị thành, đèn điện, nước máy, cầu tiêu thùng sau nhà, không cần ra đầu bờ kinh sợ sệt đám phú-lít biên phạt.
Cứ mỗi thứ năm, ông già tôi mặc quần lãnh đen, áo trắng ba túi, nút thắt, xách giỏ thịt hay con gà và trưa đó dẫn tôi đi ăn tiệm ngoài chợ. Ổng sợ tôi thiếu ăn, đền bù bằng những buổi cơm gà, cơm tôm, bún bì và uống nước đá chanh ở tiệm cà-phê ở tiệm Thái Bình, nghe mấy người phổ-ky kêu đồ ăn như hát.
Tiền cơm mỗi tháng là hai trăm đồng bạc, tiền túi ba bữa mười đồng. Sức đang lớn ăn sao đủ no. Cứ vài tuần về quê, thế nào tôi cũng mang theo vài chục tiền túi. Lên mâm cơm, ăn coi nồi, ngồi coi hướng, thức ăn có giới hạn, dọn trên dĩa tô kiểu trắng (nhà tôi ăn tô chén sành mà thức ăn dư thừa) một dĩa rau càng cua, một trứng vịt luộc xắt lát trải trên mặt, chấm nước mắm chanh, tô canh cá, dĩa đồ mặn, lay hoay đã hết, ăn xong chừng một giờ sau thấy đói. Còn nhớ loáng thoáng, gói hủ tiếu hấp có bì chan nước mắm chanh giá hai đồng bạc, bản nhạc năm đồng, bằng giá hủ tiếu.
Bác Hai Khá, ngạch giáo viên, một vợ hai con lương hơn năm ngàn (tương đương một ngàn tô hủ tiếu thời 1952). Giáo viên cao nhứt thời đó, tốt nghiệp École normal hay Diplôme, Brevet (tương đương lớp 10 ngày nay) sống rất thoải mái. Nhiều công chức có hai vợ, hai dòng con, có người làm, có phố. Ông Một (thiếu uý) duy nhứt, ở cái villa. Ngạch thấp nhất như thầy Chón ở quê tôi, sang tiệm sách đi dạy (nhờ có bằng Certificat d’Étude Primaire) lương nuôi một vợ ba con, đứa lớn lên Nam Vang học, vợ không động móng tay, áo quần trắng trơn. Chiều chiều các thầy mặc pyjama sạch sẽ thảnh thơi đi uống cà-phê, tiệc tùng ăn trên ngồi trước, con cái học giỏi dang nề nếp.
Trở lại lớp nhì B Châu Đốc, lớp gồm chừng 50 học sinh, số đăng bộ của tôi là 486/52. Ngày nay nhớ tên chừng 25 đứa. Lúc học lớp Ba ở quê, chỉ có ám đọc mới phải học thuộc lòng, trả bài. Trường tỉnh học sinh phải học thuộc lòng tất cả các môn, lại thêm môn chính tả không “đánh phép” được. Tôi chưa chuẩn bị tinh thần để học bài đêm.
Ngán nhứt là những bài récitation (ám đọc bằng tiếng Pháp). Thầy Mậu đánh đúng năm roi đứa nào không thuộc bài. Thầy đang giảng bài hứng thú trôi chảy, lâu lâu tôi làm thầy mất hứng. Có lần thầy giảng bài “Le corps humian” (Thân thể người ta). Thầy say sưa giảng “les cinq doigts de la main sont..” (năm ngón tay của bàn tay là…) rồi chỉ tôi. Tôi ấm ớ đang ngủ gục nên bị năm roi. Lần khác, những bội số của mètre là…, thầy lại chỉ tôi, tôi lãnh năm roi gọn hơ.
Tuổi tác học sinh cùng lớp không đồng đều như ngày nay, học trường công lớn nhỏ gì cũng bắt đầu bằng lớp năm. Trong lớp có trò Sự, trưởng lớp. Khoảng gần nửa niên khóa, bọn tôi đang ngồi trong lớp chợt có một bác nông dân bước vào, trịnh trọng đặt nải chuối cau lên bàn, tháo khăn quấn đầu, chào thầy xin cho trò Sự nghỉ học. Thầy ngạc nhiên hỏi lý do.
- Dạ, vú nó biểu về cưới vợ mần ăn.
Mười mấy năm sau, đi đò trên kinh Tri Tôn, tình cờ gặp hắn ngồi trên thành cầu số 5 vẫy tay chào, cười hiền khô.
Cuối năm, thằng Lý Hoàn Khải lãnh thưởng hạng nhứt (sau là cán sự Bưu điện), Trương Thành To hạng nhì (sau là Tổng Giám thị Trung học Đức Thành – Sa Đéc), Nguyễn Trung Cường hạng Ba (Giảng sư Cao đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn). Tôi hạng hai mươi, được lên lớp Nhứt khỏi thi, mừng húm, về quê khoe cái tiếng “học lớp Nhứt”.
Cám ơn thầy Dương Văn Mậu, gốc Núi Sam, nhờ thầy huấn luyện cho con quen với nề nếp học đường mới. Thầy nghiêm nghị, ít cười, nhưng không nghiêm khắc, giơ cao đánh khẽ, thầy sống rất mẫu mực, tư cách hoàn toàn nhà giáo, không chê thầy được điểm nào trong trường cũng như ngoài xã hội. Thầy mất khoảng năm 1986.
Mùa hè năm đó, tôi học thêm khoá hè với thầy Nguyễn Văn Ưa, tiền trường 200 đồng, hết nhớ nhà và không thích về quê. Học cho có học, khó thâu thập được gì, đêm đêm tùng tam tụ ngũ chờ xe hàng xuống củ sắn, hè nhau ôm củ lớn chạy đem trình đàn anh trong xóm để nhập bọn xin làm đàn em.
Đầu năm học 1953-54, bác Hai Khá lại viết bức thư giới thiệu gởi con bác là Cường và tôi vào lớp thầy Châu Văn Tính, lớp nhứt E. Cấp lớp nhứt lúc đó có 7 lớp. Lớp A thầy Hỷ, lớp D thầy Phương, lớp G thầy Mô.
Thầy Tính và thầy Phương dạy hay nổi tiếng Châu Đốc. Lớp nhứt học hai buổi, sau giờ học chiều, hai thầy ở lại dạy thêm cho học trò mình, nên năm nào học trò hai thầy đậu nhiều vào Đệ Thất. Thầy Tính hiền lành, ít khi đánh, quá lắm như thằng Huỳnh Bửu Lý thầy cũng đánh vài roi nhẹ cho có lệ. Thầy hay rầy tôi: “Đã dặn ngáp thì che miệng lại, mà nó cứ hả miệng hoài. Bộ ban đêm mày đi ăn trộm không ngủ sao?”
Mùa hè năm 1954, hoa phượng nở đỏ núi Sam, bị ảnh hưởng văn chương về hoa phượng, lòng thấy man mác, lo âu, bồi hồi ngày chia tay, ai cũng thuộc bài ám đọc:
Mùa hoa phượng là mùa thi cử
Chúc các em hai chữ khoa danh
Bãi trường, Nguyễn Văn Huynh hạng nhứt, Võ Văn Hiền hạng nhì, Lê Văn Khải hạng ba, Huỳnh Văn Khuê hạng tư, Nguyễn Trung Cường hạng năm.
Bọn học sinh lớp Nhứt và lớp Tiếp Liên lo học ôn bài vở Cách trí, Sử ký, có những địa danh mãi đến nay chưa đến lần nào “Cái Bần, Cát Bàn, Uông Bí, Phủ Nho Quan, Nông Sơn…”, các cửa sông như “cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Ba Lai, Cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên, cửa Cung Hầu…”. Học như két mà nay còn nhớ.
Bọn tôi làm đơn xin thi Tiểu Học, đơn thi viết tay trên mẫu giấy lớn. Vài ngày trước khi thi, rủ nhau đi xem phòng và chỗ mình sẽ ngồi thi để hôm vào thi đỡ bỡ ngỡ. Số ký danh tôi, vần N. là 707, số gánh, số hên.
Phụ huynh và học sinh từ các quận lớn như Tân Châu, Cái Dầu đổ về tỉnh dự thi khoảng trên một ngàn thí sinh.
Hôm đầu thi Toán, cô giáo Nho (ở cách nhà bác Hai Khá một căn) và cô giáo vợ thầy Phương gác phòng tôi. Bác Hai Khá đi qua, nhìn tôi, rồi đưa miếng giấy nhỏ cho cô Nho, cô xem xong xé bỏ, bây giờ hiểu là số báo danh tôi.
Hai bài toán chép trên bảng đen, tôi đọc và hiểu, chưa biết bắt đầu, còn lúng túng, thì ông đốc Thân bước vào chỉ câu hỏi và nói “Đây là cái bẫy nghe!”. Hai cô giáo không hiểu, làm sao bọn học sinh hiểu? Bài toán đố về đào đất đắp nền nhà. Câu hỏi sau khi đắp nền, nền cao hơn mặt đất bao nhiêu? Câu trả lời là 0m70, cách mặt đất từ lúc chưa đào, nếu đào rồi sẽ cộng thêm 0,05m. Cô Nho làm bài toán, rồi mang cho tôi chép. Cô sợ quá, tôi chưa bắt kịp ý cô, cô nhắc “chép lẹ đi mầy”. Tôi luống cuống vì không biết nên chép vào giấy nháp hay ngay vào giấy thi. Mặt cô Nho căng thẳng. Có tiếng la từ ngoài vòng rào “bảy tấc nghe!”, chắc có chùi đề thi ra ngoài.
Phụ huynh bên ngoài ồn ào. Ông Thanh tra Huỳnh Sanh mặt đỏ gay, ra cảnh cáo phụ huynh, giọng nói rất gay gắt: “Mấy người mà! Muốn tôi cho tụi nó thi lại hết hôn?”. Không khí lắng dịu hơn. Tôi làm được thêm nửa bài toán sau. Kế là bài Dictée Francaise và Analyse và Grammaticale, nếu đậu sẽ có thêm bằng Tiểu học Pháp.
Cô Nho nhắc lại tôi, có lúc cô mất kiên nhẫn, cú đầu tôi “quỷ chùa”.
Cám ơn cô Nho, nếu không có cô giúp, chưa chắc con đậu, lại phải thi kỳ 2. Lúc này mới thấy cảm thông và thương cô. Việc đổ bể, cô sẽ bị khiển trách và ảnh hưởng đến việc thăng thưởng ngạch trật của cô. Tinh thần cô lúc đó căng thẳng đến độ nào, bây giờ tôi mới biết.
Hôm sau cô Trạnh và cô Sáu Vẹn gác giờ Luận văn và Chánh tả. Cô Sáu Vẹn hiền lành, gọi học trò là “con” dịu ngọt, con cô Sáu Vẹn chị Mỹ Hạnh, hoa hậu An Giang (gồm Long Xuyên, Châu Đốc). Chị Mỹ Hạnh sau là vợ của thầy Nguyễn Thùy, hiện giờ ở Pháp. Cô Trạnh, trẻ, cao, mảnh mai, đẹp thanh thoát cao sang, giọng đọc rõ ràng thảnh thót: “Tuổi thanh niên là tuổi hoa xuân mới nở, là vừng đông mới mọc, là ngọn suối mới sa, đẹp đẽ biết chừng nào…”. Cô Trạnh đọc trước, cô Sáu Vẹn đọc lại, cố sửa giọng đọc chính xác cho thí sinh viết. Thỉnh thoảng cô Trạnh ngừng lại, viết chữ “d” trên bảng rồi bôi đi để nhắc chữ “dằng dặc”. Cô Trạnh thật là “hoa xuân mới nở, là vừng đông mới mọc…”. Rồi thi các câu hỏi về các môn khác. Cuối cùng là “Oral” (hạch miệng, vấn đáp). Học sinh học bài thuộc lòng hoặc hát một bài đã được chép sẵn trong vở mang vào trình cho giám khảo trước khi đọc.
Độ mười ngày sau, Châu Đốc rộn lên, quán ăn đắt khách lần nữa nhờ học sinh và phụ huynh các quận phụ cận tề tựu về nghe kết quả. Ông Huỳnh Sanh, Thanh tra, mở đầu: “Hôm nay là ngày, tuyên, bố, kết, quả, kỳ, thi, Tiểu, học”, ông nói từng tiếng một. Tôi ngồi chồm hổm trong đám đông, giám khảo thay nhau đọc danh sách trúng tuyển. Tiếng reo mừng kế tiếp nhau, mặt cha mẹ hể hả, hay gầm gừ: “Tao đã dặn rồi, dấu chấm khác dấu phết…”. Thầy Phương đọc số ký danh 707 và tên tôi.
Qua ải đầu, hoa phượng nở đỏ đê mê, về quê tha hồ vênh váo với bạn bè cũ, rửa sạch cái tên “N, hối lộ”.
Đậu xong Tiểu học lại lo làm đơn thi tuyển vào Đệ Thất (lớp 6 ngày nay). Lần này tương đối ít thí sinh hơn vì một số đã rớt, nhưng thêm thí sinh gốc lớp Tiếp Liên (đã đậu Tiểu Học nhưng rớt vào Đệ Thất).
Tôi làm đúng hai bài toán, ông bà độ, câu trả lời là 25 phút và 70m. Bài toán về nước chảy vô hồ, nước chảy ra gì đó, khi nào đầy. Hôm cuối cùng, ông Hiệu trưởng Tài, người Bắc, vào lớp dặn: “Các “chò”, thứ tư tuần sau, đến nghe tuyên bố kết quả”.
Về quê, trở ra nghe kết quả, bác Hai Khá tiết lộ, “Mầy có đường đậu à!”. Bác Hai rất ít lời, chỉ nói một vài tiếng. Có lần tôi trốn học, ổng nói “Thằng quỷ, hôm qua mầy trốn nghe, chết tổ mầy ạ!”, vậy thôi.
Trung học Châu Đốc tuyển 150 học, ba lớp Đệ Thất, sau lấy thêm 50 học sinh dự khuyết. Số học sinh dự thi khoảng một ngàn, số ký danh tôi là 565, cũng số gánh.
Hôm nghe kết quả, gần đứng bóng, tôi cũng ngồi chồm hổm trên sân trường mới đang cất dở dang, nghe tên mình hạng 97, tôi bật dậy chạy về. Hạng nhứt là chị Trần Thị Sáu (nay giáo viên hồi hưu ở Long Xuyên), hạng nhì chị Trác Thị Lý (cũng giáo viên hồi hưu), hạng 3 chị Lài, hạng 4 Nguyễn Văn Quyền lớp tôi, hạng 12 Võ Văn Hiền, hạng 16 Hồ Văn Vinh.
Về quê, nhiều người khen giỏi, ông già sợ tôi kiêu ngạo, nhăn mặt trừng trừng: “Mầy không giỏi đâu, giỏi là tao giỏi nè!”. Sau đó bà già tôi nó thiệt:”Một ngàn đồng nghe!”. Năm tháng tiền cơm chứ ít ỏi gì, chiếc xe đạp năm 1955 là 550 đồng, món xa xỉ phẩm như đồng hồ Wyler 820 đồng. Nhờ lo tiền mới đậu, mắc cỡ quá, tôi mất tự tin luôn.
Niên khoá 1954-55, Trung học có bốn lớp Đệ Thất, ba lớp đệ Lục, hai lớp Đệ Ngũ và một lớp Đệ Tứ. Lớp 7A (Thất A) gồm toàn nữ sinh, lớp 7B nam sinh giỏi, 7C trung bình, 7D đậu vớt.
Ngày khai trường (học sinh 7C và 7D còn mượn cơ sở trường Nam tiểu học). Kéo qua trường trung học mới cất dở, sắp hàng chào cờ, không khí thật nghiêm trang, im phăng phắc. Tân hiệu trưởng là ông Ngô Văn Dư, Tổng giám thị là ông Thái Văn Thân.
Đầu tiên Trường Trung học tỉnh Châu Đốc có tên “Collège de Châu Đốc” năm thành lập là 1948 hoặc trước đó, vì năm 1952-1953 đã có lớp Đệ tứ (lớp 9)
Năm 1950 đổi tên thành Trung học Châu Đốc.
Năm 1954 đổi tên thành Trung học Thủ Khoa Nghĩa, đến nay vẫn còn tên này.
Để khỏi lẫn lộn, tôi xin ghi tên cấp lớp tương đương ngày nay.
Tên cấp lớp theo thời gian:
Trước 1950 Sau 1950 Sau 1971
Tiểu học:
- Cours Enfantin Lớp Năm Lớp 1
- Cours Préparatoire Lớp Tư Lớp 2
- Cours Élémentaire Lớp Ba Lớp 3
- Cours Moyen un Lớp Nhì Lớp 4
- Cours Moyen deux
- Cours Supérieur Lớp Nhứt Lớp 5
Trung học:
- Premiere Année Đệ Thất Lớp 6
- Deuxième Année Đệ Lục Lớp 7
- Troisième Année Đệ Ngũ Lớp 8
- Quatrieme Année Đệ Tứ Lớp 9
- Seconde Đệ Tam Lớp 10
- Premiere Đệ Nhị Lớp 11
- Terminale Đệ Nhứt Lớp 12
Năm 1952, việc đổi tên cấp lớp đã gây luống cuống. Lớp Premier Année đổi thành Đệ Thất hay 7ème. Trước đếm từ lớp Năm đến lớp Nhứt, sau đếm ngược từ lớp 7 (Đệ Thất). Rồi sau 1970, lại đổi theo hệ thống Mỹ, lớp Năm (năm đầu Tiểu học) thành lớp 5 (năm cuối Tiểu học). Lộn xộn quá!
Châu Đốc là một trong những tỉnh có Trung học sau cùng, so với các tỉnh kỳ cựu như Mỹ Tho, Cần Thơ, Vĩnh Long.
Hiệu trưởng đầu tiên là ông Phạm Ngọc Đa, nhà ở xóm đường Hàng Sáo, tu theo phái Thông Thiên Học qua Ấn Độ với nhóm nhà thuốc Võ Văn Vân, thỉnh được cây Bồ Đề con của cây Bồ Đề chỗ Đức Phật thành đạo. Lúc mang về, Nam Kỳ có 21 tỉnh, tỉnh nào cũng giành trồng, nên bốc thăm, rốt cuộc cây Bồ Đề về tỉnh Châu Đốc, lúc đó khoảng 1949. Cây Bồ Đề được trồng ở Bồ Đề Đạo Tràng, địa điểm gần bến xe ngày nay. Ban đêm, có kẻ chặt lén đứt cây, nên phải đổ sữa săn sóc và rào cây lại. Cây bị chặt sát gốc, mọc lên năm nhánh, ngày nay là cây cổ thụ năm gốc, lá xanh che mát cả khu. Ngôi chùa nhỏ đủ vài người đứng lễ Phật. Thỉnh thoảng ông Đốc Châu Văn Đồng thuyết pháp, một vài nhân sĩ trong tỉnh ngâm thơ đạo vang cả tỉnh. Bồ Đề Đạo Tràng là nơi công viên hóng mát, trẻ con chơi đùa.
Sau ông Đốc Đa là ông Tài, gốc Bắc, tóc hớt court, người gầy. Thời đó là năm cuối trước khi phân chia Nam Bắc. Đường Châu Đốc - Long Xuyên thuộc quân đội cậu Hai Ngón (tướng Lâm Thành Nguyên). Dinh cậu ở huyện Cái Dầu, xe chạy ngang rất cẩn thận, sợ đụng, dù là con chó cũng gây khó khăn. Xe đò phải dừng ở các trạm Phước Thiện để “đóng Phước Thiện”. Tướng Năm Lửa (Trần Văn Soái) dùng thủy phi thoàn xuống Châu Đốc duyệt binh. Bà vợ ông cũng có một đoàn nữ binh và một nữ binh xách giỏ trầu cho bà đi diễu hành trước Nhà Lớn, gần bên Nhà Thương.
Từ niên học 1954 về sau, Trường Trung học Châu Đốc đổi tên thành Trường Trung học Thủ Khoa Nghĩa, tên một vị quan Nam triều cuối cùng, tác giả Kim Thạch Kỳ Duyên, vở tuồng hát bội nổi tiếng thời đó. Cuộc đời hoạn lộ Ngài Thủ Khoa gian truân, hoàn cảnh gia đình bi đát không kém. Quê cụ Bùi Hữu Nghĩa ở Cần Thơ, làm Tri huyện Trà Vang (Trà Vinh), vì bênh vực dân nghèo không kiêng nể tham quan ô lại Trương Văn Uyển nên bị khép tội tử hình. Vợ là bà Nguyễn Thị Tôn, kiên tâm đáp ghe bầu ra Huế đánh trống kêu oan tại tòa Tam Pháp. Ông được tha tội tử hình, nhưng bị đày đi tiền quân hiệu lực đóng ở Vĩnh Thông, Châu Đốc. Mải lo việc quân, khi nghe tin bà vợ mất trên đường về, không về chôn cất được, có cảnh nào nát lòng hơn? Ông gởi hai câu phúng điếu vợ:
Ngã bần, khanh năng trợ ngã oan khanh năng minh
Triều quận giai xưng khanh thị phụ
Khanh bịnh, ngã bất dược, khanh tử, ngã bất táng
Giang sơn ứng tiếu ngã phi phu
Dịch:
Ta nghèo khanh giúp đỡ, ta bị oan khanh có thề giải oan
Trong triều ngoài quận đều khen khanh đúng là người vợ
Khanh bịnh ta không thang thuốc, khanh mất ta không chôn cất
Núi sông cười ta không đáng mặt làm chồng
Hay quá, đọc xong muốn khóc thét lên cho nỗi oan ức. Khanh đã tròn vẹn đạo làm vợ, tầm thường nhưng chính danh. Ta được tiếng là mãi mê gánh vác giang sơn, giang sơn cười ta là không tròn đạo làm chồng. Hoàn cảnh thật nghiệt ngã.
Suốt bốn năm học, giáo sư Sử - Địa chưa lần nào nhắc gốc tích cụ Thủ Khoa Nghĩa, về sau đọc sách mới biết. Mỗi sáng chủ nhật đạp xe đạp trên đường Bảo Hộ Thoại vô Núi Sam, chạy nhảy trên những bực đá Lăng Ông mà không biết đó là nơi yên nghỉ của cụ Thoại Ngọc Hầu, người khai kinh Vĩnh Tế. Dưới chân núi, có ngôi Chùa Phật thầy Tây An, dựa lưng vào núi nhìn về núi Hậu Giang.
Tiền Hữu Tam Giang Long Hý Thủy
Hậu Đầu Thất Lĩnh Phụng Triều Vân
Dịch:
Trước mặt ba sông rồng giỡn sóng
Sau lưng bảy núi phụng chầu mây
Ngài đã dẫn dân mở trại ruộng, khu Láng Linh phì nhiêu gập lúa nuôi dân. Đi ngang đình Châu Đốc mấy ai biết vị thần là Chưởng Binh Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, từng xuôi ngược bình định vùng đất mới. Kẻ hậu sinh ăn chút bã Âu học vội quên ơn các vị tiên nhân này sao? (Xa đề!).
Ông Ngô Văn Dư bắt đầu làm Hiệu trưởng năm 1954 thay thế ông Tài, ngay vào năm trường có tên mới. Ông trắng trẻo, dáng thư sinh, luôn luôn mặc bộ veston trắng, tính nghiêm khắc và gay gắt như gương mặt ông. Ông có khả năng ăn nói trước công chúng, không cần viết sẵn trên giấy (điều này hiếm có thời đó) rất được giới nhân sĩ trong tỉnh nể trọng.
Cổng trường vừa mở, học sinh sắp hàng hai, trai gái đứng riêng, ông đứng trong cổng quan sát, quên chào là bị bắt ra đứng bên, sau đó lên phòng Tổng giám thị, tôi chưa bị lên nên không biết chuyện gì xảy ra. Hàng tháng, phát Tableaux d’Honneur (bảng danh dự).
Giám học là ông Đốc Châu Văn Đồng, thường mặc veston xám, ít nói, lúc nói chậm rãi thâm trầm của người có từ tâm, chưa lần nào la hét giận dữ. Tôi nhớ ông dạy Đức dục bài Tình bằng hữu, ông châm rãi, cẩn thận viết chữ “copain” trên bảng, rồi giảng “co” là cùng nhau, pain là “bánh mì”. Ông lên bổng xuống trầm “cùng nhau… bánh mì”. Trong một bài học, ông giảng, mỗi vật đều có phận sự riêng, cây cỏ làm mát mắt người. “Con gà để làm gì?”. Thằng Lê Hoàng Vân xăng xái trả lời: “Gà để rô-ti ăn”. Ngô Vĩnh Lâm trả lời: “Gà để gáy sáng”. Ông bước vụt xuống bục, đi vòng, cười sướng thoả, khen Lâm. Ông Đốc Đồng là nhân sĩ uy tín trong tỉnh.
Surveillant Général, Tổng Giám Thị là ông Đốc Thái Văn Thân, da sạm, tóc hớt court, giọng nói trầm trầm. Lớp bọn tôi la hét phá phách, ông xuống lớp nói nhẹ nhàng, “la hét có khi không giống tiếng người ta”. Học sinh thời đó trưởng thành hơn thời nay, giữ kỷ luật nên ít gây khó khăn cho trường và giáo sư, nhứt là trường công, học sinh tỉnh hãnh diện với trường mình.
================
Người gần học sinh nhứt, ông giám thị kiêm giáo sư Thể dục là ông Nguyễn Văn Giỏi, có tên là ông Non. Ông Non tính rất hiền, tận tụy và tròn thiên chức. Mỗi sáng ông dạy thể thao ở sân vận động. Ông chống nạnh, nghiêng trái, nghiêng phải trước, sau đếm vang trên sân, 1,2,3,4 -2,2,3,4 - 3,2,3,4…
Người ông nở nang, một cầu thủ túc cầu. Sau giờ thể dục, học sinh tập đi đều, nghiêm trang hát bản Nhạc tuổi xanh vang rền, lời nguyên thủy: “Một mùa Thu năm xưa cách mạng tiến ra đất Việt”. Ông đóng góp cuộc đời cho môn thể thao Trung học nhiều thế hệ. Khi ông về hưu, tiếng đếm trên sân cỏ sáng tinh sương, trời vừa mờ tối, văng vẳng đâu đây.
Trường có thêm ba, bốn giám thị khác: Ông Vận, ông Giỏi, ông Sải. Ông Sải lớn người, da đen, dễ nóng, sẵn sàng nạt nộ như người thù thù ghét học sinh từ đời nào.
Tôi chỉ nhớ tên các giáo sư dạy tôi từ Đệ Thất đến Đệ Tứ (1954-58):
Thầy Nguyễn Cửu Phú dạy Anh Văn tôi đầu tiên, thầy nói rổn rảng, nhai trầu, hiền lành, không nặng lời với học sinh. Sau đó là thầy Trịnh Minh Lang, gốc Hoa, giảng bài ưa pha tiếng Pháp. Bắt đầu Đệ Thất, quyển sách Anh Văn duy nhất là quyển L’Anglais Vivant, sixième bleue, nhà xuất bản Hachette, học hai năm. Lớp Đệ Ngũ, Đệ Tứ học cuốn Cinquième, bài về Christmas, ông ngồi trên bàn nói, tôi nghe thoang thoáng, “Ông già Noel ăn puđing tráng miệng”. Lên Đệ Ngũ thầy Lưu Đức Dần, người Bắc, dạy. Ông có vẻ mệt mỏi, ít nói, nghiêm trang, giảng văn phạm pha tiếng Pháp, “to be, to have” là “verbes auxiliaires”. Lúc đi thi Trung học Đệ nhứt cấp, hai bài thi dịch không dính dáng gì đến hai cuốn sách trên.
Cô Giêng dạy Pháp văn, tính cô hiền nhưng nghiêm nghị. Vào lớp, cô đứng chờ học sinh đứng lên, nhã nhặn: “Cám ơn các em, ngồi!”. Giờ Pháp văn thật khó thở, toàn văn phạm vô bổ, participle present, analyse logique, gramaticle khô khan. Sau đó lên lớp trên bọn tôi với thầy Nguyễn Thế Trung và Trần Cao Luận, gốc Bắc. Đệ Tứ bắt đầu học thơ văn Pháp, luận văn và dịch.
Thầy Lê Hữu Thời dạy Việt Văn, thầy sống nghệ sĩ, vui tánh, năm 1954 mà dám đọc bài bức thư của “Hoàng Hoa Thám gởi cho Cha” (của Tố Hữu) kể ra rất cang cường. Thầy sống rất mẫu mực, tôi ở nhà bác Hai Khá sát bên nhà thầy, cuối tuần thứ bảy chứa bài từ sắc suốt đêm, thầy bưng tô nước trà qua ngồi góp vui câu chuyện nhưng không bao giờ đụng tới cây bài. Thầy nuôi tám người con, năm người cháu đều thành đạt. Gặp thầy ở Caen năm 87, thầy tặng tôi một bài thơ nay còn giữ. Thầy mãn năm 1989.
Thầy Trần Sung, gốc kỹ sư, dạy đại số hình học. Thầy người cao lớn, hình như một trong những giáo sư cao niên nhứt, còn ảnh hưởng Pháp sâu đậm, mở miệng là “bon”.
Thầy Phan Cao Nhựt, dạy môn gì tôi quên mất, da ngâm ngâm, mặc áo trắng bốn túi, vô cùng gay gắt. Thầy đánh dữ quá, bậm môi, nắm đầu học sinh dộng vô bảng. Mỗi lần thầy bước vào lớp, lớp lạnh tanh, run đùi vì sợ cũng là lý do no đòn.
Thầy Trần Văn Hai, trẻ, mới ra trường, gốc Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho, dạy Toán rất hay, lớp tư đông học sinh, có điều thầy hay chửi và khó khăn quá. Thầy có ác cảm với tôi, lý do không rõ, tuy tôi rất trọng thầy, có lẽ vì hai chất hóa học trong người thầy và tôi chống nhau. Tôi sợ thầy như cọp, rất lễ phép, mong thầy nương tay. Tôi học kém, có khi hỏi, bị thầy nạt nên nín khe, thầy không trả lời mà hỏi lại, làm tôi nghẹn luôn. Sau năm 1956, thôi học với thầy tới giờ, những điều thầy dạy không còn lưu lại dấu vết hay ảnh hưởng chút nào sau này. Em xin phép quên ơn thầy, nhứt là câu kết luận sau mỗi bài giảng: “Đứa nào không hiểu ăn ruột chó cùn”.
Ông Đốc Phúc dạy Việt văn, chấm câu bằng tiếng “hả”, dạy Việt văn lớp Thất A. Thầy Hiệu già mặc complet trắng, đội nón cối trắng. Khi về hưu, hết luôn môn Hán văn “huyết hồi tâm, máu về tim”.
Thầy Ngô Vĩnh Nghĩa, tú tài toán, dạy toán từ Đệ Lục đến Đệ Tứ. Tôi học chậm, các từ ngữ kề bù, đồng dạng... mất căn bản và sợ toán tới giờ. Thầy dạy hay gặp tôi học trò dở tệ, cái số tôi ít bị kêu lên bảng nên yên thân được bốn năm. Ngày nay tôi dở toán và khoa học, lại dính tới hai môn này, quả là nghiệp dĩ. Một số các giáo sư tôi còn nhớ, thầy Lê Hoàng Tánh (Việt văn), thầy Ánh (Sử- Địa), thầy Thuận, thầy Trần Thiện Hiếu (Việt văn), thầy Vũ Hữu Diện (Lý hoá đệ ngũ), cô Đặng Thị Ngọc (Pháp văn), thầy Thi dạy Nhạc, thầy Trần Mạnh Cẩm có tài nhớ nét chữ học trò, vẽ bằng hai tay.
Suốt năm Đệ Thất, tôi lơ mơ chưa tỉnh, học chậm, trong sổ điểm hàng tháng, có khi tôi hạng 51 trong 52 đứa, lay hoay copier bọn nó rồi cũng đủ điểm lên lớp, tôi không mong bảng danh dự, dĩ nhiên “không cần” lãnh thưởng làm gì. Miễn có tiếng là học sinh Trung Học đủ rồi. Năm đó có bốn lớp Đệ Thất, ba lớp Đệ Lục, hai lớp Đệ Ngũ và một lớp Đệ Tứ.
Năm 1954, tôi quan sát, lúc đó Đệ Tứ khoảng chừng 15 học sinh. Tất cả đều chững chạc, nghiêm trang có tư cách và chăm học. Khi họ nói chuyện hoặc ra sắp hàng chào cờ đều xứng đáng bậc đàn anh, chưa hút thuốc, uống rượu, dĩ nhiên có anh chưa biết uống cà-phê. Hôm lãnh thưởng, anh Chung lãnh nhiều, cầm không hết, phải nhờ chú Xuân lao công bưng dùm cái đồng hồ lớn treo tường. Phần thưởng lớp Đệ Ngũ, Lý Hoàn Minh lãnh cái Radio, chị Lan lãnh cái máy may. Đó là những món rất đắt tiền thời đó, học sinh cả tỉnh ao ước. Mãi đến năm 1957, bác Hai Khá mới mua lại cái Radio cũ cho bọn tôi nghe cải lương và ban kịch Dân Nam.
Thời điểm năm 1954 chỉ có bốn dãy lớp, chừng 16 phòng học, tổng số học sinh chừng trên năm trăm. Tôi nhớ gần hết tên bạn học lớp Đệ Thất C, vì học chung nhau 4 năm, chỉ có vài thay đổi nhỏ. Năm đầu Lâm Ngọc Châu làm Major (Trưởng lớp), Tân làm phó, mỗi lần tới phiên lớp chào cờ, Tân ra đánh nhịp. Năm 1961 gặp lại Lâm Ngọc Châu ở Rạch Giá, hắn đang bán vé xe đò, tôi ăn tô bún xào và uống ly nước ngọt, họ nhất định không chịu lấy tiền, vì tôi là bạn Châu. Oai dữ vậy ta!
Nửa năm đầu chưa có đồng phục, cần mặc áo sơ-mi trắng, mặc quần dài, bỏ áo ra ngoài, mang guốc, đó là tối thiểu. Nửa năm sau, áo trắng, quần tây dài, bỏ áo vô trong, mang giày hay sandale hoặc mặc bà ba trắng, mang sandale hay guốc vông. Tấm hình chụp Đệ Ngũ (1957) không còn thấy đứa nào mặc áo bà ba.
Nữ sinh mặc áo bà ba trắng, mang guốc đen, mang guốc vông, guốc cao gót chưa thịnh hành. Nữ sinh còn kẹp tóc dài, nhưng độ vài năm sau, ít thấy ai để tóc dài. Những mái tóc xoắn thay thế mái tóc dài tha thướt, mộc mạc với gương mặt thật, không điểm phấn tô son.
Buổi sáng dọc theo đường Hàng Sáo, tiếng guốc rộn rã, học sinh tới sớm ăn sáng trước trường, xe bánh mì pâté, cháo đậu, xôi, bên xe nước đá chú Bảy Được.
Insigne (phù hiệu) màu xanh dương, giữa là mặt trời trắng có nhiều tia. Thằng Tòng mang insigne Trung Học, xách ly đi mua cà-phê đá tại Bar Nam Hiệp, lúc trả tiền cho cô Nhung, nó lắc lắc túi trên móc tiền cốt ý cho cái insigne “chớp chớp”, “ta là học sinh Trung Học đây”. Không biết cô Nhung có nể nang gì nó không.
Giáo sư giai đoạn đầu, hầu hết gốc giáo viên Tiểu học lên dạy Trung học. Các vị Đốc học (Hiệu trưởng) thường xuất thân từ trường École Normale (gần Sở Thú ngày nay), cũng có vị có Diplôme hay Brevet (tương đương 9 năm học, nhưng thời đó trình độ cao và thi cử khó khăn hơn ngày nay nhiều). Học École Normale được trả học bổng nội trú, không tốn kém cho cha mẹ:
“Dưa leo chấm với cá kèo
Cha mẹ tôi nghèo, tôi học Normal”
Trình độ Pháp văn đáng bậc học Tú Tài sau này, không hiểu sao bọn tôi được dạy: “Je mange du riz, je bois du l’eau” (Tôi ăn cơm, tôi uống nước), loại tiếng Pháp “bầy tôi” (bồi Tây).
Sau hiệp định Genève năm 1954, cuối năm có một số giáo sư gốc Bắc đổi vào. Các vị này đều có Tú Tài nên dạy các môn chánh như Toán, Lý Hoá, Pháp Văn, không khí học tập thêm hứng khởi. Chiến tranh vừa chấm dứt, phụ huynh nức lòng cho con đi học, trường sở mở rộng thêm, các lớp đêm đông học sinh, tôi cũng đi học, dở toán mà trốn học toán.
Không khí chánh trị thay đổi đâu ở Sàigòn ảnh hưởng đến nếp sống thường nhựt khá nhiều. Trận đánh cuối cùng ở Cái Dầu làm đường Châu Đốc – Long Xuyên gián đoạn mấy ngày. Quân đội cậu Hai Ngoái tan rã, cậu Hai và cậu Ba (Ba Bô) thôi lái xe Cadillac là kỳ quan cho bọn tôi như chiếc xe Xi-gà của tướng cướp Hiệp Liệt trong chuyện Châu Về Hợp Phố đăng trên nhựt báo Thần Chung. Suốt mấy năm liền, mỗi tuần có những cuốn tiểu thuyết mỏng loại định kỳ, giá một đồng một cuốn, trọn bộ dường như hai chục cuốn. Tiểu thuyết in trên giấy thường như Đảng Đầu Lâu Máu, Kinh Thiên Đại Khách, Hiệp Sĩ Què, Đảng Huỳnh Long… Mỗi tuần mua để dành, sau thành bộ, đọc đi đọc lại. Tôi để dành được tám bộ, mang về quê cất, ông già tôi lại xé từng tờ để gói đinh bán ráo. Tờ nhựt báo mỗi tờ một đồng, giao tận nhà như Tiếng Chuông, Thần Chung…
Ngoài việc học, chúng tôi giải trí tại hai rạp Lạc Thanh và Tân Việt. Rạp Tân Việt cất năm 1956 bên bờ hồ (sau này hồ bị lấp) trên đường Bảo Hộ Thoại. Rạp Lạc Thanh ở đầu chợ, phía trái nếu nhìn từ bờ sông Hậu Giang, chủ người Chà, thường chiếu phim Ấn Độ. Trong Xuôi dòng Cửu Long (tác giả Phạm Thăng) có nhắc tới rạp Tân Kiểng bên hông chợ Châu Đốc (Gạo Chợ, Nước Sông, trang 116). Tôi hỏi tứ tung mà không ai biết, Châu Đốc đâu có rạp Tân Kiểng. Gặp người bạn Vĩnh Long mới biết rạp đó ở Vĩnh Long. Phạm Thăng nhân huynh thương Vĩnh Long hơn Châu Đốc, nên đến Châu Đốc mà lòng còn vương vấn quê mình!
Năm tôi học Đệ Lục cũng có tổ chức cuộc thi ca nhạc toàn tỉnh, tại Nhà Việc. Chị Xinh hạng nhứt, chị người Bắc (không biết tên) hạng nhì, chị Phạm Thị Hiếu hạng ba. Chị Hiếu nổi tiếng văn nghệ của trường, chị là cháu thầy Thời bên cạnh nhà tôi trọ, mỗi buổi trưa nghe chị đưa võng hát ru em, “Kìa ào ào, chiến xa Việt Nam tiến thẳng lên đường”. Dịp này có ba phần thưởng cho học sinh toàn trường. Phần thưởng Trí Dục (học giỏi) về chị Lài, 100 đồng. Phần thưởng Đức Dục (hạnh kiểm) thằng Chung Kinh lớp tôi, 150 đồng. Phần thưởng Thể Dục và Anh Giàu, 200 đồng (tương đương 40 tô hủ tiếu hoặc 240 dollars Úc thời giá bây giờ).
Vừa lãnh phần thưởng Đức Dục xong, lớp thầy Đào Công Kỹ cũng vào giờ Đức Dục, thằng Châu mang cuốn Sept nuits merveilleuses (Bảy đêm khoái lạc) vô lớp, chuyền tay khoe, lúi húi bị thầy Kỹ bắt đem lên xem. Chung Kinh khai sách của Châu với Tổng Giám Thị, ra Hội Đồng Kỷ Luật, Châu lãnh zéro conduite, bị đuổi. Chung Kinh hết lãnh Tableaux d’Honneur (Bảng Danh Dự), từ đó về sau Châu buồn và bỏ học luôn
Năm 1954, học sinh Châu Đốc, Long Xuyên phải xuống Cần Thơ thi Trung học Đệ nhứt cấp. Năm đó tỷ số đậu khá cao, vào trường chuyên môn như Quốc gia Sư phạm, Thương Mại… ra trường là tột đỉnh, lương bổng mỗi tháng mua trên hai lượng vàng. Nhớ chị Ba trọ nhà thầy Rớt, học sau tôi một năm, vừa đậu Tiểu Học (1955) mừng quýnh, về quê sắm áo dài, xin được chân Giảng tập viên, lương khoảng 1.800 đồng, ăn cơm nhà đi dạy khá thảnh thơi. Cá mắm rẻ rề, chưa kể cha mẹ học trò biếu xén mùa nào thức nấy phủ phê, thời đó chưa có nhiều nhu cầu.
Cũng năm tôi học Đệ Lục, trường đã có Đệ Tam (lớp 10) từ 1955, đáng lẽ nên học thêm Toán, Lý Hóa, tôi sợ hai môn này, chạy trời không khỏi nắng, vì đi thi đó là hai môn chánh. Tôi mải mê mơ mộng viễn vông, mỗi lần giải Toán trong lớp, đầu óc tôi u tối, bây giờ mới biết đó là loại bịnh tâm lý ADS (Attention Deficit Syndrom) không thể tập trung tư tưởng lâu, nói theo đạo là “tâm viên ý mã”. Bị bạn học bỏ xa, tôi buông xuôi tới đâu thì tới, muốn lấy lại căn bản cũng không được, chỉ bám lấy cái hy vọng, nhờ piston của ông già nay, “xải chí” (xài tiền) như kỳ thi vào Đệ Thất. Mãi đến ngày nay vẫn chưa biết giải phương trình bậc 2 và định luật Ohm, điện trở. Mà biết làm gì ba cái đồ ma đó, kêu thợ điện tới là nó ráp cho đầy đủ.
Cuối niên khóa 1958, bốn lớp Đệ tứ A, B, C, D khăn gói xuống An Giang thi Trung học Đệ nhứt cấp. Trung tâm thi đặt ở trường Thoại Ngọc Hầu, cho các trường Châu Đốc, Rạch Giá và Long Xuyên. Xe đò đầy ắp, tiền xe lên giá ngang xương.
Tôi chưa tự tin, chắc sẽ rớt, nhưng còn chút hy vọng hão huyền, nhứt là trông cậy ông già tôi, lần này không phải rẻ như kỳ thi Đệ Thất, mà là mười ngàn, sau đó tăng lên mười lăm ngàn (viết ra sao không biết mắc cỡ?). Bác Hai Khá (lúc đó đã đổi xuống Long Xuyên, vì nhập tỉnh) dặn tôi làm dấu trong các bài thi để giám khảo dễ nhận ra. Ông già tôi quyết đánh trận để đời, ổng tưởng Trung học Đệ nhứt cấp giống như Brevet hay Diplôme ngày trước, làm thầy ký, Cò-mi rồi leo dần lên ngồi quận.
Ngày đầu thi Việt Văn, bình luận bài thơ Vịnh Côn Sơn của cụ Phan Châu Trinh, bài đó tôi chưa học. Toán được nửa bài, Lý Hóa được vài câu. Anh Văn lấy bài trong Cổ Học Tinh Hoa ra dịch và một bài dịch Anh Việt. Pháp Văn còn là sinh ngữ một, bài dịch Pháp Việt (L’heure de repos = Giờ nghỉ ngơi) và bài Rédaction (Luận văn), đề tài viết về một dự định du ngoạn khi nghỉ hè. Đó là dự định thôi, tôi lại tả cuộc nghỉ hè, hors de sujet (lạc đề). Ngặt quá, Pháp văn đâu có học chân truyền, modes và temps chưa vững, làm sao conjuguer verbes ở conditionel passé ? Chế độ thi nghiêm ngặt, Giám thị lớp rất sợ cấp trên, im lặng và căng thẳng. Thầy giáo Khải có hai người con gái thi, đúng ngay phòng ông gác, cũng đành làm ngơ, và ông chưa đủ trình độ nhắc toán Trung học. Qua cửa sổ, thỉnh thoảng thấy ông Phạm Văn Lược, Chánh chủ khảo, đi chầm chậm nhìn vào, đôi mắt nghiêm khắc và cảnh cáo. Thí sinh ít ai dám “đánh phép” như thời nhiễu nhương sau này. Trường hợp thằng Bỉ, nổi tiếng trong Ban Văn nghệ trường vào dịp phát thưởng, thần tượng của các nữ sinh. Bỉ giỏi văn nghệ, có số đào hoa, suốt năm ôm đờn hát những bản nhạc thịnh hành thời đó: “Chiều nay bên làng cũ, cô thôn nữ yêu kiều…”. Tôi nhớ nó ôm đờn, đầu gật gật, lim dim như bị xì-ke hành: “Chim ơi cho ta nhắn đôi lời, một lời mà thôi, về phía xa xôi, thăm người chiến sĩ giùm tôi”. Nó lẫn lộn âm nhạc và toán đại số hình học. Vào giờ thi toán, nó chép bài nhạc Kiếp nghèo (nhạc và lời của Lam Phương), bị cấm thi kỳ hai (lại lạc đề!).
Ngày có kết quả, thí sinh mấy tỉnh, thêm phụ huynh, ngồi âu lo chờ kết quả, rất nhiều phụ huynh gốc nông dân, còn mặc bà ba đen, quấn khăn, đứng bên con cháu mặc âu phục tân thời. Lúc kêu kết quả, có tiếng hét reo mừng, có cô cậu tiu nghỉu đứng dậy ra về, phụ huynh mặc áo xốc xếch theo sau, thằng Múi cùng quê tôi, tên vần M kêu trước. Chết tôi rồi, nó đậu “vớt” vô đệ thất, học lớp D. Cứ đinh ninh tôi giỏi hơn nó, nó đậu rồi, còn tôi thì chưa biết, hồi hộp chờ đợi. Tới vần N, thằng cha Giám khảo đọc sót tên tôi, đi đời. Xách túi áo quần theo ông già đi ra, xe đò đậu dài dài chờ kẻ bần đệ, tụi lơ xe kêu nghe phát ghét: “Lên xe này đi ông bác, cậu hai”. Xe đò ngày đó ưa bỏ tài, chỉ cần rước học sinh thi rớt là đủ xe. Lần đầu nếm mùi thi rớt, còn nữa!
Tôi lủi thủi lên xe. Thi rớt buồn đã đành, trước sau gì tin thằng Múi đậu sẽ tới tai ông già tôi, khốn khổ hơn. Ông sẽ so sánh, chê khen. (Múi hiền lành, đẹp trai, chăm học mà tôi ganh ghét nó mấy năm. Múi vào Quốc gia Sư phạm, đổi về Sa Đéc, có vợ con sống cuộc đời bình thản hạnh phúc, hết bị bầm dập thi cử như tôi).
Thi kỳ hai, tôi bay luôn. Tệ hơn, lúc đầu làm đơn xin vô lớp Đệ Tam, điểm trung bình tôi quá thấp, “dưới moyen”. Chờ đợi từ tuần này sang tuần khác, ông già tôi nổi quạu, thêm ông cậu tôi buôn bán ở Sài Gòn thôi thúc, tôi phải miễn cưỡng rời trường Thủ Khoa Nghĩa, nhớ bạn bè, nhớ trưa tắm Cầu Quan, nhớ sân vận động.
Qua bao nhiêu nhục nhằn, đầu tư tất cả cho cấp bằng công danh của con để nhẹ bớt áp lực của chính quyền, ông già tôi xất bất xang bang vì sự thất bại ê chề của tôi. Cuộc khủng hoảng triền miên đè nặng gia đình đã đành, tin con cháu người khác đỗ đạt càng làm làn sóng khủng hoảng nổi lên cuồn cuộn. Suốt mùa thi, việc buôn bán chỉ có bà già tôi lo, ngưng trệ nhiều. Chú thằng Múi, rít điếu thuốc bao xanh hôi rình, mặt nghiêm trọng: “Thằng Múi cái mặt nó thiệt là buồn à (ý nói mặt không sáng sủa), vậy mà thi một keo được liền”. Mặt chú thằng Múi càng thích thú, mặt ông già tôi càng dài và xám thêm. Ông đi sai sải về nhà đổ thêm dầu lên đống than đang âm ỉ cháy. Ông Kiếm mập, được dịp tỏ ra sành về chuyện thi cử, đem khoe người em gái vợ, “toán nó hay lắm à! Đậu viết kỳ hai”. Khoe ai không khoe, cứ chiều chiều lê lết nhà tôi, mụ vợ đứng bên kia cười te toét. May quá, cô em vợ ông thi rớt oral kỳ hai, cũng như không. Cám ơn! Cám ơn!
Đêm đêm nằm nghe ông già rên rỉ, kiệt sức buông xuôi sau khi tôi rớt kỳ thi Trung học Đệ nhứt cấp cuối cùng năm 61, “Phải nó đậu Trung Học, vô được Sư Phạm như thầy Định, thầy Chói, tao chết cũng vừa lòng”. Ông già tôi mệt mỏi lắm rồi. Bà già tôi gan góc hơn: “Năm tới đậu à, tao cho đậu”, nói như mê sảng. Năm sau đã dẹp Trung học, đậu nỗi gì. Giấc mơ ông già tầm thường quá, đi dạy học, “cưới con chủ tiệm vải, mở tiệm vải mần ăn”. Tôi trốn trong giấc mơ cao sang hơn (cưới Công chúa Mãn Châu hay làm Phò mã Nhựt). Tôi “tìm bạn bốn phương” với cô gái Nhựt, Mai Mộc Hòa (Kazuko Umeki), liên lạc đến năm 1978, ngày nay nhìn mấy mươi tấm ảnh cô từ nhỏ tới có gia đình mau quá. (lạc đề xa quá!).
Đậu xong Trung học Đệ nhứt cấp, năm đó có nhiều trường Quốc gia Sư phạm mở thêm khóa cấp tốc một năm để đáp ứng nhu cầu gia tăng sĩ số học sinh Tiểu học các quận. Lương tháng 4.200 đồng, cơm tháng chừng năm trăm đồng, chiếc xe Mobylette chừng chưa tới sáu ngàn đồng. Một loạt học sinh học giỏi yên phận, thi vô Quốc gia Sư phạm tỉnh và về quận dạy an nhàn đến năm 1965.
Song song với trường Trung học Châu Đốc, Thủ Khoa Nghĩa, khoảng năm 1953 có trường Nguyễn Đình. Năm 1955, Châu Đốc thêm trường Bán công Nguyễn Hữu Cảnh, kế bên trường Thủ Khoa Nghĩa, học phí nhẹ và lớp Tiếp liên không còn.
Xa trường cũ, bơ vơ giữa đám học sinh đồng học xa lạ Sài Gòn, tôi nhớ ray rứt trường chừng vài tháng, rồi cũng quên.
Năm 1959, có Đại hội Thể thao Học sinh tại sân Tao Đàn. Học sinh Thủ Khoa Nghĩa năm đó đoạt rất nhiều giải điền kinh. Hôm cuối có trận bóng đá chung kết giữa Quốc gia Sư phạm và Trung học Thủ Khoa Nghĩa. Bốn cánh khán đài gồm mấy trường Trung học lớn ở Sài Gòn chiếm cứ (Pétrus Ký, Gia Long, Chu Văn An, Trưng Vương). Tôi may mắn chen vào, ngồi khép nép giữa học sinh Pétrus Ký. Dĩ nhiên học sinh Sài Gòn ủng hộ Quốc gia Sư phạm. Đội Thủ Khoa Nghĩa nhỏ tuổi hơn bị dẫn 0-2 hiệp đầu, tôi thấy tổn thương. Tên thủ môn Quốc gia Sư phạm lớn con, giữ hay quá, anh cũng gốc Thủ Khoa Nghĩa, trên tôi hai lớp. Hiệp sau Thủ Khoa Nghĩa gỡ 2-2. Thằng học sinh Pétrus Ký ngồi bên tôi la ỏm tỏi, nó la như “huấn luyện viên thượng thặng”: “Tao chỉ jeux cho đá… Tụi Thủ Khoa Nghĩa uống nước mạch chạy mau lắm”. Thủ Khoa Nghĩa thắng điểm đoạt giải Túc cầu Học sinh Toàn quốc năm 1959. Dân Sài Gòn uống nước ống rỉ sét chớ sang trọng gì đó. Từ đó tôi ác cảm với dân gốc Pétrus Ký, mỗi lần gác thi, không nhắc thì chớ, tôi tìm cách đì bọn nó. Xin lỗi! Tôi lớn mà quá tiểu tâm, thù vặt. Vô lý.
Năm 1958, tôi rời trường, hay bị đuổi kỹ thuật, ông Hiệu trưởng Ngô Văn Dư cũng đổi về Sàigòn. Gặp ông ở chợ Bến Thành, vẫn bộ veston trắng, đội nón nỉ trắng, nắng Sai Gòn ông đi mà chịu nóng. Mấy vị Hiệu trưởng kế tiếp, hình như ông Lịnh, Trịnh Văn Mười Hai, Nguyễn Văn Hộ. Sau 1962, thành trường Trung học Đệ nhứt cấp. Tôi mất liên lạc từ năm rời trường. Mỗi lần về quê ăn Tết, qua khỏi Long Xuyên, tôi đi ngả Lộ Tẻ nên ít có dịp qua Châu Đốc. Trường đã xô tôi ra, suy lại thấy may nhiều hơn rủi. Nếu tôi được nhận, lại vào học Ban A (Khoa Học) làm sao tôi theo nổi môn Lý Hoá, Vạn Vật? Lại ù lì vô ích thêm vài năm nữa, chắc gia đình tôi điên mất. Năm ra trường, danh sách không có nhiệm sở Châu Đốc. Tôi lang bang ở Sài Gòn, rồi năm 1974 xin về Quốc gia Sư phạm An Giang cho gần, Bộ Giáo dục lại cho tôi về Sư phạm Ba Xuyên.
Năm 1971, Hội Cựu học sinh tổ chức họp mặt tại trường vào sáng mồng hai Tết. Tôi từ Tri Tôn ra trễ, được đón tiếp đưa đến chỗ ngồi, thế hệ cấp lớp tôi không có ai, lớp theo đơn vị quân đội, lớp như bèo trôi giạt bờ bến nào?
Lớp trẻ, sau tôi độ năm, sáu năm, chuẩn bị dàn âm thanh đàn hát giúp vui ngày họp mặt. Bơ vơ không gặp một người đồng lứa mình chia sẻ, tôi ngồi ngơ ngác cả buổi. Trường Thủ Khoa Nghĩa không muốn dung chứa, tôi ngồi lơ đãng, Ban Tiếp tân quên cho tôi ly nước, khát nước mà không dám xin, muốn lấy miếng bánh trên dĩa mà còn ngại ngùng, lạc lõng.
Năm xưa chim hót vang rừng
Ăn chung trái ngọt, uống chung suối ngàn
Năm nao chim đã vỡ đàn
Lặng im tiếng hót, ngỡ ngàng cuộc vui.
LƯU NHƠN NGHĨA ( Tuoi Tre Online )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét