Home » » Phận bướm đêm (Phần 1)

Phận bướm đêm (Phần 1)

Ngày hôm qua
Đó là một buổi sáng đáng nhớ, khi mới hơn 4h, người mẹ già đã cuống quýt trở dậy, thập thõm lê đôi chân mệt ngoài vì bệnh thấp khớp đến cạnh giường của anh. Bà vén ngược tấm màn loang lổ vết rỗ và gọi con bằng giọng ngọt ngào nhất có thể của một người mẹ.
“Dậy thôi nào con! Dậy còn đi lấy vợ nữa chứ!”
Nửa sau của lời nhắc nhở khiến anh tỉnh táo hơn. Thông thường giấc ngủ của anh kéo dài đến 8h sáng vì anh phải đi làm về rất khuya. Hôm qua, dù đã xin nghỉ việc – nhưng để dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị cho một ngày trọng đại khiến anh bải hoải.
“Dậy đi con”
Người mẹ kiên trì gọi thêm một lần nữa và nhẫn nại nhìn vào đôi mắt nhắm nghiền của đứa con trai bắt đầu giãn nở, để thực sự tin rằng anh sắp thức giấc. Đoạn, bà kỳ cạch bật sáng các ngọn đèn và hối hả mở toang các cánh cửa sổ gỗ cũ kỹ. Gió lạnh xộc vào khiến cho các bóng điện chao đảo như làm xiếc trên những sợi dây đen đúa vắt ngang qua xà nhà. Trời nhờ nhờ sáng.
Phải đến lần giục giã tiếp theo, anh con trai mới chập chờn bò dậy, gấp chăn màn ngay ngắn giống như thói quen về sự nền nếp. Bếp củi được nhóm vội vã. Tiếng vục nước òng ọc, tiếng xoong nồi lanh canh giúp cho ngôi nhà bớt lạnh.
Đúng 7h sáng, tốp người nghiêm trang gồm: Con trai và dăm ba người họ hàng hối hả phóng đi trên những chiếc Cup 70 mượn tạm của bạn bè để đến nhà nàng dâu. Cái tang bất chợt của bố mẹ cùng cậu em trai bên nhà gái và những phần tài sản của nhà trai đổ vào vụ tranh kiện đất đai khiến cho mọi việc trở nên kém hào hứng.
“Không cần tiệc tùng, khách khứa gì sất! Ra uỷ ban làm đăng ký rồi đưa nhau về ra mắt tổ tiên, họ hàng. Lấy vợ cho anh chứ có phải lấy vợ cho thiên hạ đâu mà cần đèn hoa linh đình!”.
Đó là lời phán quyết chắc như đinh đóng cột của ông trưởng họ bảy mươi tám tuổi Và mọi việc cứ thế mà làm! Cậu em trai “lái” gỗ bên Lào cũng chẳng cần phải gọi về làm gì. Mất công, mất việc!
***
Thay cho việc đến nhà cô dâu, họ phải lao đến bệnh viện để nhận về một con người bị bầm dập, hai mắt sưng vù.
“Tụi côn đồ túm lại chỗ con bé. Lúc mọi người đến cứu thì đã muộn quá mất rồi!”
“Chắc bọn này điên mất rồi! Không dưng mà bắt nạt đàn bà con gái thân cô thế cô!”
“Ôi dào, chắc gì đã phải như thế!”
“Thôi xong rồi thì mang về nhà mà chăm sóc”
Tốp người đưa rước trở nên buồn thảm giữa đám đông nhốn nháo lời bình phẩm và dư thừa trí tưởng tượng.
“Đưa nó về nhà luôn đi, đằng nào cũng thế!”
Ông trưởng họ lầm nhầm ra lệnh. Cô gái tội nghiệp trở nên dúm dó trước vô số tia nhìn dò xét và thương hại.
“Cháu không sao cả, thật đấy. Bác sĩ bôi thuốc cho cháu rồi. Còn đưa cả thuốc viên mang về nữa đây này. Tụi nó tưởng cháu có tiền nên xúm lại”.
Đoàn người – xe ì ạch rẽ đám đông, bươn bả chạy ra con đường lớn phía trước đang quầng lên những dải bụi vàng khè.
Mọi việc rồi cũng ổn sau một tuần, đủ cho các vết sây sát liền da và những lời bàn kể nguội lạnh. Người mẹ già không còn phải loẹt quẹt từ đầu giờ sáng cho các công việc: đổ đầy nước vào thùng phi, khua khoắng cổng ngõ sau một đêm rậm rợp xác lá, dắng hàng rau tươi và lo thức ăn cho cả ngày. Mỗi ngày, bà càng thấy rõ sức lực đang rút dần khỏi cơ thể rệu rã, sự gắng gượng cũng chỉ trong ngày một ngày hai. Bà chỉ đủ sức đi dò dẫm quanh cái ghế tràng kỉ và thở dốc nhìn cô con dâu hăng hái vào ra. Ngôi nhà ẩm thấp, tanh tanh mùi nước cống thải gọn ghẽ hơn rất nhiều dưới bàn tay xếp đặt khéo léo của nàng dâu mới…
Rộn rã hơn cả vẫn là âm thanh của buổi tối. Cô con dâu sau khi dọn hàng quần áo ngoài chợ sida, tất bật trở về nhà, lúc thì lạng giò lụa, thịt lợn quay, khi thì nem tai, thịt chó… Bếp núc lanh canh. Vòi nước chảy xoà xoã. Dây quần áo đánh võng trước sân. Mâm cơm hối hả với những bát, những đũa. Anh chồng trở về nhà từ xưởng in, đầu óc váng vất. Rũ bỏ xong bộ đồ hăng hăng mùi dầu máy là ngồi ngay vào mâm, yên ả với bữa cơm, hỏi han mẹ dăm ba câu - giống hệt mọi ngày - để rồi chưa đến 10h tối đã đáp xuống chiếc giường cao lênh khênh với những hạt gỗ tròn xâu chuỗi ở đầu giường, giống hệt một cái bàn tính cổ lỗ không còn ai dùng đến. Điện vùng vằng tắt. Mọi cử động trở nên gượng nhẹ trong tiếng rên rẩm khó ngủ của người mẹ già và tiếng mọt gỗ xiết kèn kẹt. Đôi khi họ thì thầm vào tai nhau như hai đứa trẻ đang chơi trò ú tim và bất chợt cười lục khục không thành tiếng…
Phận bướm đêm (Phần 1), Bạn trẻ - Cuộc sống, Chuyen ay, chuyen tinh yeu, ban tre, 9x, 8x, les, gay
Sự im lặng đáng sợ của cậu em chồng khiến cô luôn trong trạng thái căng thẳng.
“Em làm gì mà để ngã đến nông nỗi này? Bao giờ anh phải xem lại sạp hàng của em xem có chắc chắn không, chứ ai lại để ngã thâm tím như bọn trẻ con thế này”
Tuy nhiên sự bận rộn khiến người ta trở thành những kẻ vô tâm. Cô vợ vẫn tiếp tục bị ngã còn anh chồng có thói quen đi ngủ sớm hơn. Vì vậy những chuyện nhỏ nhặt thường bị bỏ qua. Đặc biệt từ khi cô vợ phát hiện ra một điều quan trọng hơn rất nhiều: đó là cái thai đang ngày một lớn lên.
Bỗng một ngày, cậu em từ Lào trở về. Hai hốc mắt sâu trũng và đen kịt vì mệt mỏi.
“Em bị chúng nó lừa, chút nữa thì bỏ mạng. May còn giắt được chút ít lưng vốn để phòng thân. Còn chị này là…?”
“Cha bố nhà cậu! Chị dâu của cậu chứ còn ai nữa!”
Bà mẹ sung sướng lẫn xót xa cho đứa con trai ngơ ngác trở về sau bảy tám năm biệt tăm. Bà hối hả giục con dâu đi pha nước ấm để tự tay rửa mặt mũi cho “thằng cu Tèo nhà mình”. Anh con trai vẫn chưa hết ngỡ ngàng, nhìn chị dâu.
“Sao trông chị quen quen nhỉ, thật đấy, rất quen”
Ông anh xăng xái dọn mâm giúp vợ, vừa trách em:
“Đấy là cách cậu làm quen với chị dâu đấy à?”
Bà mẹ “hấc hấc” liên hồi trong những cơn cười khoan khoái. Bữa cơm ngày gặp mặt trở nên rắc rối với các thủ tục giới thiệu, hỏi han và mời mọc. Thành thử giờ ngủ bị trì hoãn khá muộn. Vợ nhìn chồng, chồng nhìn vợ - cùng căn nhà mười tám mét vuông lỉnh kỉnh đồ đạc với hai chiếc giường đôi nằm chềnh ềnh. Vợ tặc lưỡi bảo chồng:
“Thôi em sang nằm với mẹ cho hai anh em dễ tâm sự”.
Thoả thuận vậy là xong. Cậu em trút được đôi giày vải khét mùi và bộ quần áo nhàu nát, liền đổ ập xuống giường hạnh phúc của anh chị, nắc nỏm:
“Rõ là em gặp chị ở đâu rồi. Thôi chết!”
“Sao cơ?”
Ông anh hất chân em sang một bên, hỏi như chẳng buồn để ý. Nhưng cậu em cũng đã lệch cổ, xã tay, ngáy pho pho.
*
          *     *
Những vết xây xước vì ngã của chị vợ đã chuyển cả lên mặt. Anh chồng sửng sốt nhận ra điều ấy trong một bữa cơm muộn.
“Em không cẩn thận được hơn sao?”
Cô vợ len lén nhìn mẹ chồng và cậu em, đoạn giật áo chồng:
“Thôi đi anh, em chỉ bị ngã thôi mà”
Người mẹ già ngày càng yếu hơn bởi những đợt gió mùa bất trắc, thở dài nhìn con dâu:
“Đừng làm quá sức con nhé. Phải giữ cho đứa trẻ trong bụng nữa chứ!”
Cậu em im lìm với bát cơm lõng bõng nước canh.
“Thứ bảy này được nghỉ làm, anh sẽ đến sửa cái sạp hàng cho em”
Anh chồng ăn năn tuyên bố, đoạn ngúc ngắc cái đầu vì chợt nhớ ra một điều gì đó.
“Không được mất rồi, thứ bảy, chủ nhật anh phải giúp thằng bạn thân làm đám cưới. Hay để tuần sau vậy?”
Người mẹ già uể oải buông bát:
“Thằng Tèo có rảnh rỗi thì qua chỗ chị dâu xem thế nào. Những hai thằng con trai mà để cho nó bị ngã lên ngã xuống thế à?”
Cô con dâu cuống quít xua tay:
“Thôi, chú không phải đến đâu. Để chị gọi thợ đến sửa mấy cái giá treo là xong ấy mà. Chỉ tại con không cẩn thận mà mẹ”
Cậu em vẫn im lặng và nốt miếng cơm cuối cùng rồi quay sang anh:
“Tối nay anh có bận gì không? Anh đi với em có việc này quan trọng lắm…”
Người vợ nín thở, chờ đợi…
“Để hôm khác đi, hôm nay anh mệt quá”.
“Thì cứ đi một tí. Chuyện quan trọng, để muộn thì hỏng bét. Em nói nghiêm túc đấy!”
“Thôi được rồi, chú cứ để anh nghỉ ngơi thư thả chút đã”.
Cô con dâu chật vật dìu mẹ chồng về giường nằm nghỉ, thấp thỏm dò thái độ khang khác của cậu em chồng.
Ơn trời, gió chuyển mùa bới tung đám bụi đường, vặn vẹo dây quần áo và mưa sầm sập trút xuống đầy hào phóng.
Cô vợ se sẽ trút hơi thở dài trong khi chuẩn bị giường chiếu cho chồng. Cậu em vẫn chống tay hút thuốc lá cạnh ô cửa sổ nhễ nhại nước.
“Tôi xin cậu - người chị dâu thốt lên không thành tiếng - cậu vào ngủ kẻo mệt”.
Người mẹ húng hắng ho rồi sột soạt lôi lọ dầu cao, bắt đầu công việc chà xát các khớp xương mỏi nhừ.
Cũng chẳng tránh mãi được. Cậu em chồng lững thững giữa những sạp quần áo nhàu nhĩ, lần hỏi đường tới “thăm” chị dâu. Đám đông nhốn nháo cuối chợ có vẻ như là điểm cần tìm.
Cô chị dâu đầu tóc xoã tung, khuôn mặt tròn, ngắn, nhoè nhoẹt nước.
“Cứ tháng hai lần, tụi Toàn sẹo lại đến hỏi thăm cô nàng. Chẳng biết nàng “sổng” ra từ “ổ” nào, vơ vét có nhiều không mà chúng hành ghê thế”.
“Ôi dào, dạng gái giang hồ này cũng khiếp lắm!”
“Buôn bán thế này thì lời lãi chó gì nữa!”
“Con ranh cũng gan. Sao bảo có chồng mà chẳng thấy mặt mũi bao giờ?”
“Chắc cũng dạng mèo mả gà đồng, hay sợ không cho chồng biết cũng nên”.
“Chứ gì! Nó biết nó bỏ đi từ đầu nước. Thiên hạ thiếu gì con gái tử tế, vô phúc mới rước cái hạng này về”
Cậu em chồng lừ lừ xuyên qua đám đông, xốc nách chị dâu, gằn giọng:
“Chị đi theo tôi. Các người trơ mắt ếch ra đứng đó hả?”
Cô chị dâu mềm oặt trong tay cậu em, nước mắt rin rít chảy qua từ hai khoé mắt xơ xác.
“Cậu tha cho tôi! Cậu tha cho tôi! Tôi sẽ đi, không làm phiền ai nữa!”
Một chiếc xích lô phanh “kít” lại trước quầy hàng bị bới lên tơi tả.
“Chị lên xe đi, đừng có lôi thôi nữa, vất mẹ nó hàng đi!”
Người phụ nữ mệt nhoài bị bốc thẳng lên xe. Hai chiếc bánh xe to càng khọt khẹt lách giữa quầng người thao láo.
***
Sự im lặng đáng sợ của cậu em chồng khiến cô luôn trong trạng thái căng thẳng. Cho tới một ngày, nhu cầu bỏ đi trở nên bức bách hơn bao giờ hết. Cô âm thầm gói ghém đồ đạc, sắm cho chồng một bình rượu rắn, cắt thêm thuốc thấp khớp cho người mẹ già…
Dùi dắng mãi rồi cũng gọi được xe đứng đợi ở phố bên cạnh.
“Con ra chợ, mẹ ạ”
Người mẹ già khò khè trên chiếc ghế dài đặt cạnh cửa ra vào.
“Thuốc còn nhiều, con đừng lấy thêm làm gì cho tốn tiền”.
Cô con dâu cúi gập đầu, đi như ma đuổi ra khỏi cổng. Chiếc xích lô đợi quá lâu đã bỏ đi mất. Cô tần ngần đứng tựa lưng vào một hốc cây thô nháp.
“Đi xe không em?”
Vài ba chiếc xe ôm lượn lờ như chuồn chuồn trước mặt cô. Người phụ nữ chán chường ngồi phịch xuống cạnh bọc quần áo. Đứa bé bắt đầu khuẫy đạp khiến cô thấy khó thở.
“Cho tôi đến bác sĩ với!”
Cô hối hả kêu lên. Ráo riết như sợ người khác không nghe thấy tiếng mình.
… Đứa trẻ bị đẻ non khiến cô phải nằm viện lâu hơn dự định. Chẳng hiểu sao thông tin cũng đến được với anh chồng và người mẹ già rời rã những những khớp xương đã bắt đầu chệch choạc.
“Sao lại khổ thế này hả con?”
Cô thấy ngực mình thắt lại, miệng đắng nghét. Người chồng âm thầm lau nước mắt cho vợ bằng những ngón tay thô nháp và hăng hăng mùi dầu máy.
“Qua hết rồi, qua hết rồi… Em đừng tự làm khổ mình nữa…”
Cô thấy chập chờn hiện về cái tuổi mười bảy, mười tám cơ cực, lòng chưa hết bàng hoàng và đau đớn…
“Em đến đón chị về” - cậu em đột ngột bật cửa, lao vào – “Ngày hôm qua em đã…”
“Suỵt!” – anh chồng thảng thốt – “Để cho chị ngủ”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét