Những cô điếm trong đời (11 &12)
11. Khi nghe Lệ nói, con đã mất bình tĩnh. Lời nói như một cơn bão dội vào lòng và làm cho con cảm thấy mọi thứ thế là hết. Tất cả đã tan tành. Thành một quả pháo bị kẻ khác châm trộm ngòi sắp nổ. Con đã phụ sự trông đợi của cha và ước vọng của mẹ lúc cuối đời. Con vớ lấy xe, lao như bay, như bay, mọi thứ cúi rạp dưới chân. Gió thộc vào người, con cố cầm chắc tay lái. Con nghĩ đến khuôn mặt cha khi biết tin này, thấy các em con nheo nhóc khóc lóc và sự chế nhạo của dân làng làm cha chết dần chết mòn. Ngập ngụa trong gió, ngập ngụa trong đau khổ. Con muốn lao sầm vào ô tô. Trên đời này sao lại có sự rắp tâm trừng phạt đối với người tốt? Và rồi, khi chỉ thoáng nghĩ vậy thì chiếc ô tô đã cản tầm nhìn phía trước, lao vào con. Con chỉ biết mình bị ném vào thành sắt, bị nghiến nhừ, bật trong không trung rồi bị ném ra mặt đường. Khi tỉnh dậy, có một người đàn ông đỡ lấy con. Một bên chân con lủng lẳng. Người đàn ông lắc đầu: Cái chân thế là hỏng rồi. Ông ấy lại cười. May không chết. Không biết cười thông cảm hay mỉa mai. May ư? Với con lúc này sống đâu còn ý nghĩa. Trên túi con vẫn còn cái bút, cọ vào thịt ngưa ngứa. Con lôi ra ném vèo. Như thể ném quá khứ nghiệt ngã ai đó, ném hy vọng và đam mê. Bắt đầu không chịu được nữa. Đau và con khóc. Người ta đưa đi viện. Các bạn văn con có mặt kịp thời. Cả Lệ. Có lẽ Lệ đã báo. Thời buổi điện thoại di động, nhanh thôi mà cha. Con không cho ai báo về với cha. Sợ cha lo lắng. Đây có mọi người, có bạn bè. Bạn bè văn chương túng thiếu nhưng có nhau, con không sợ.
Chỉ nghe loáng thoáng người ta bảo con vĩnh viễn mất đi một chân. Con sẽ phải cưa chân, thay vào đó có thể là chiếc chân gỗ. Cha cũng sẽ biết, ra sao?
Không muốn người ta cứu con. Con bảo bác sĩ hãy mặc, không chạy chữa gì hết. Bạn văn vừa động viên vừa an ủi. Chết không dễ mà sống mới khó. Họ nói con cần phải sống, con phải báo hiếu cha. Và con đồng ý để người ta cưa chân.
12. Bác trai gần như khuỵu xuống khi thấy con trai chỉ còn một bên chân. Nỗi đau vít ông xuống cạnh giường, khóc thảm thiết. Dường như nỗi đau đớn trông mong trong cuộc đời người cha cứng rắn cam chịu tích lại, dồn ứ, để lúc này chắt ra thành nước mắt. Tôi đến an ủi và đỡ bác dậy. Nghĩa nhìn cha, không nói được câu nào.
- Sao con ra nông nỗi này hả con?... Con ơi khổ thân con quá, tội nghiệp con quá, thế là con mất đi một chân. Người mất chân thì sao còn chạy được…
Nghĩa cựa quậy đôi tay, anh không chịu được khi nhìn cha anh đổ nước mắt. Anh không muốn ông đau khổ.
Tôi ý niệm được cuộc sống thì cũng là lúc cần phải ném bỏ quá khứ
- Cha, cha ngồi dậy nào cha. Con không sao – Nghĩa cố tỏ ra lạc quan – thân tre cứng cáp là nhờ nhiều đốt, con trai cha sẽ trưởng thành nhờ từng trải. Một chân nhưng con có hai trái tim, của mẹ và của cha. Cha đừng lo lắng nhiều mà ốm người.
Bác trai im lặng, lau nước mắt. Rồi tự dưng ông bật khóc: “Nhưng mà con ơi, con chỉ còn một chân. Hư…ư…ư!”. Nghĩa cười: “Cha yên tâm mà, con sẽ sống tốt, cha yên tâm, con vẫn còn có ích”. Tôi đã cố nín mà nước mắt tôi chảy tự bao giờ. “Anh kiên cường quá anh Nghĩa ơi. Ngay cả khi đớn đau anh vẫn an ủi được người khác”.
Ra viện, Nghĩa được các bạn văn chương chăm sóc. Anh không còn tư tưởng học hành hay sáng tác. Trông anh như người mất hồn, như cái xác khô. Tôi gặp những người bạn thân nhất của anh và nhờ họ giúp đỡ, chăm lo động viên anh.
Tôi trở lại quê cùng nỗi ám ảnh đớn đau. Thời gian sau tôi đi xét nghiệm lại và người ta nói với tôi lời xin lỗi. Tôi xao xác như cây thu gặp bão. Họ đã nhầm. Tôi không nhiễm HIV. Vậy là Nghĩa cũng sẽ không sao. Tôi phải nói chuyện này cho anh. Tôi gọi điện qua số người bạn và gặp anh. Nghĩa cười: “Tôi biết rồi, bị hay không chẳng còn quan trọng nữa. Người ta kết luận tôi không sao. Nhưng đời tôi cũng đã hết rồi”. “Anh Nghĩa, chính em đã hại anh. Anh hãy trút giận lên đầu em đi. Hãy chửi rủa em đi. Nhưng anh phải sống, sống tốt lên”. “Cô không cần quan tâm đến tôi nữa, cô hãy lo cho cuộc sống của cô đi, hãy coi như tôi chết rồi”. Anh cúp máy.
Tôi như người nóng khát bị trói nhốt dưới những tấm che, cơn mưa anh ập xuống không vào tới tôi. Sẽ không bao giờ anh chịu tha thứ cho tôi. Quãng đời tôi được gặp, và anh giúp đỡ đã là một vinh dự. Đứa con gái làm điếm trong tôi cũng sẽ chết từ đây. Tôi vì con, vì cha mẹ đẻ, cũng phải làm lại cuộc đời mình. Con tôi không thể bị xấu hổ khóc lóc, ức hiếp bởi những lời dè bỉu. Vả lại, nhan sắc của tôi còn được mấy đồng?
Sau mùa mưa tôi xuống thăm anh. Nỗi buồn làm Nghĩa xọp đi, tàn tạ. Nằm bất động như người chết, chỉ đôi mắt còn mấp máy hiền lành. Anh ngoa ngoắt khi giễu cợt với tôi. Tôi đưa cho anh cuốn sách Những anh hùng thiếu chân của Pháp và cây bút hôm bị tai nạn anh vứt đi. Anh săm soi cây bút rồi nhìn tôi như thể cố tình từ chối một kỷ niệm: “Tôi đã vứt đi, cô còn cầm về đây làm gì?”
Tôi về – con thú đói gặp mưa. Đêm đêm vẫn tơ tưởng nằm cạnh anh, tấm lưng da trần vâm vấp, mùi khét da thịt sau ngày vật lộn với đời, và ngấu nghiến hạnh phúc.
Trăng chênh chếch bên cửa sổ, màn sương giăng u ủ cho hoa để ngày mai xuân về. Tôi ý niệm được cuộc sống thì cũng là lúc cần phải ném bỏ quá khứ, đậy lại bằng tiếng cười của đứa con. Nhưng sao khó quá, cầm hòn than nóng trong tay, tôi kêu lên, càng nóng lại càng nắm chặt, không bỏ ra được. Mấy ai biết tay tôi phồng rộp thế nào!
13. Tôi đã thất bại trong mơ ước được giải thưởng cao trong cuộc thi tiểu thuyết. Tai nạn và chính là nỗi đau đớn đã dìm tôi. Định viết về Lệ, cuộc đời cô ấy sẽ nhận được sự thông cảm của độc giả. Và khi viết về Lệ, ngòi bút tôi sắc sảo hơn. Con tim tôi đã rung động trước cô ấy, dù cô đã một đời chồng và một con. Khi đó tôi mắc vào một bi kịch, sợ mình sẽ lôi Lệ khỏi vũng bùn và ấn cô ấy vào vũng khác sâu hơn. Tôi đã không muốn học hành gì nữa. Giờ đến lớp, có mặt ở lớp chỉ để các bạn văn yên tâm. Không viết lách gì. Bên chân không còn, coi như chỉ một chiếc cánh không thể nào bay.
Cha tôi viết thư, bảo “Nghĩa, con đừng là thằng hèn. Dù có thế nào cũng phải đứng dậy, con không sai…”. Có lẽ tôi đã hèn.
Con tim tôi đã rung động trước cô ấy, dù cô đã một đời chồng và một con.
Nằm vật vã những tháng ngày vô nghĩa. Tôi thấy mình ngập ngụa trong bóng tối và tự giam mình bằng ân hận xa xót đã trơ gan. Câu lạc bộ Hoa Nắng dành cho người tàn tật, một người vừa giành giải thưởng cao đến gặp, nhấc tôi ra khỏi giường. Anh bị teo cả hai chân từ nhỏ và ngồi trên xe lăn. Tôi đứng dưới đất bằng một chân và một cái gậy. Anh nói:
- Chúng ta thi nhé.
Khởi động chiếc xe lăn, anh vít ga. Chiếc xe xả khói và lao đi. Tôi ngỡ ngàng. Một vòng anh quay lại, nhìn tôi cười:
- Thế nào? Ông có đuổi được không?
- Làm sao mà đuổi được, ông ngồi trên xe đó.
- Làm sao mà đuổi được, ông ngồi trên xe đó.
Anh ta cười:
- Thì đúng rồi, không còn chân cũng có thể đua, ông hơn tôi một cái chân, chả lẽ ông thua tôi.
Tôi hiểu ra ẩn ý của người bạn tàn phế. Không có chân vẫn có thể đua được. Tàn nhưng không vô dụng. Tôi sờ lên ngực, cây bút vẫn còn, đã theo tôi mãi và thay không biết bao nhiêu ngòi mực. Tưởng không nhìn thấy nó nữa, ai ngờ Lệ đã mang về, nghiệp văn đã đeo vào tôi. Phải thi thố, Hội nhà văn đang phát động.
Lệ đưa con đi đâu đó, có người nói cô sống tàm tạm bên đứa con. Tôi thấy nhớ, leo lên đồi Đôi Bạn ở quê cô để tìm lại kỷ niệm ngày nào cho chúng tôi lên đó hát cho nhau nghe. Đàn chim én như lá được tung lên trời. Tôi biết rằng xuân đã ở bên mình.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét