Những cô điếm trong đời
1. Sau nhiều ngày vạ vật, con như quả pháo sắp nổ tung muốn trốn đi đâu đó. Cảm thấy mất niềm tin ở tất cả mọi thứ, kể cả bản thân mình. Nhưng chợt nhớ lời cha dạy. Hãy quan sát kỹ khi bước và bước cho chắc. Cha ạ, con nhìn thấy mặt đất bập bùng chông gai, bước đi không lựa dễ giẫm phải. Người ta vẫn lừa lọc nhau, phồng má trợn mắt kìm hãm đè bẹp nhau để sống. Nếu không biết đường biến hoá, luồn lách, thậm chí thủ đoạn, sao sống được. Nghe lời cha, chịu khó học hành bằng cách vượt mọi khó khăn, để thoả với đời, thoát nghèo. Con đường tri thức là con đường gian khổ nhất. Từng tâm sự với cha, học cùng con, nhiều đứa không bằng nhưng nhà có “ô dù, chúng vẫn xin được việc tốt. Cha nhìn, thở dài héo hắt. Nói đời cha kém cỏi như cái cây quanh năm tắm nắng nên để cho các con chịu thiệt thòi. Thấy cha đêm đêm cặm cụi lội trong những cuốn sách dày cộp, tiếng ho khù khụ tàn nhẫn làm mặt cha nhăn nhúm mà con ứa nước mắt. Con phải tự thân vận động thôi. Con nói vậy, cha mừng vì con biết vượt khó. Học xong một trường, kiếm việc làm thêm, tự nuôi lấy mình, con học trường nữa. Mơ ước là trở thành nhà văn, người làm báo xuất sắc. Cha gật đầu. Cha chỉ có thể ở bên con động viên, tiếp thêm sức mạnh.
Con lao ra phố, học hành, thành một thằng vật lộn với chữ nghĩa. Sinh viên nghèo, nhìn thấy gì cũng thèm. Ngày qua đi buồn bã ủ dột. Tiền làm thêm được bằng viết lách chỉ đủ trang trải cho học tập và sống ở ngoài này một cách đạm bạc. Ăn ngon là xa xỉ. Cha vẫn bảo con. Đừng làm việc cố sức, thiếu, cha sẽ phụ cấp thêm. Con hiểu hoàn cảnh của gia đình mình. Nhà còn bốn em. Cố làm cho cha yên lòng. Con tự chăm lo được mình, cha yên tâm.
Số phận của cô ấy, kể ra toàn nước mắt.
Bạn thân của con, giờ được gọi là mấy nhà thơ, nhà văn trẻ. Cùng là dân sinh viên học viết văn, nhưng có người đã nhiều tuổi, người bằng cả tuổi cha. Anh em tất. Và một điều nữa là tất cả anh em nào cũng mắc bệnh chung: Hay xả chữ nghĩa và thiếu tiền. Mà bệnh đó thành kinh niên và nỗi kinh hoàng. Giấc mơ có tiền ngự trị trong đầu đêm đêm giật mình tưởng được nhà gửi. Các bạn con hay hỏi vay tiền. Con thi thoảng có đồng nhuận bút, từ chối sao được những lời hỏi han. Con ham viết báo. Hiểu rằng không ai sống được bằng nghề văn. Nên con muốn kết hợp, lấy báo nuôi văn, nuôi văn làm nghiệp. Lấy ngắn nuôi dài. Muốn viết báo thì không thể ngồi yên mà phải lao đi say gió bạt trời. Con cộng tác với một số báo mục phóng sự, nên thường phải đi thực tế. Tuổi trẻ cần sự năng động. Tạm quên đi nỗi buồn cũ kỹ học cách tự thương mình.
Có nhiều chuyện con viết thành phóng sự, ở đời chuyện trái ngang khó hiểu nhiều như trấu vãi. Chừng nào có điều kiện về quê, con tâm sự với cha. Còn những chuyện con đã và đang trải qua, con ghi vào nhật ký, đóng dấu vào lòng mình, một ngày nào đó cha sẽ đọc nó.
Một cô gái đã để lại trong con nhiều ấn tượng. Tên Lệ, mắt ướt và hay khóc. Da trắng ngọc ngà. Mái tóc cô ấy dài như tóc mẹ ngày xưa, nhìn vào mái tóc ấy con nhớ mái tóc trong bức ảnh mẹ. Số phận của cô ấy, kể ra toàn nước mắt. Ngòi bút con viết và ủng hộ những số phận đáng thương đó cứ run lên. Xin lỗi cha, con đã làm một chuyện không phải, nhưng cha cũng là đàn ông, con không ngại nói. Con đến nhà nghỉ, cũng lên phòng, cũng gọi người. Gặp Lệ trong hoàn cảnh đó. Con cần sự thật, cần biết thân phận của những cô gái điếm để thể hiện trong phóng sự. Lệ đã nói cho con về đời cô.
2. Gặp nhau trong lần anh đi chơi tại nhà nghỉ. Hai ngọn gió trướng đổ về gần nhau trên cánh đồng đọng nỗi buồn. Anh chỉ đến để tìm hiểu về cuộc đời những cô gái điếm và viết bài. Điếm thì ai cũng biết rồi. Vũng bùn đó, ai muốn lội thì lội. Lội càng sâu càng đau. Nhân viên dẫn anh lên phòng, điều tôi vào. Anh gật đầu. Tôi đổ vào người anh như đã từng đổ vào bao người khách chơi khác… Anh đẩy tôi ra:
- Làm gì mà vồ vập thế?
- Thì đàn ông các anh đến đây chỉ để mua cái vồ vập thế thôi mà. Như vừa nghe thấy một khái niệm mới. Tôi không ngại nói ra lời ấy. Anh ngồi nghiêm trang, khuôn mặt không biểu hiện một sự thèm khát nào. Chẳng giống những gã đàn ông xa, chán vợ thèm gái hay đang bị tích tụ lâu ngày. Anh hỏi tôi:
- Tại sao em lại đi làm cái nghề này?
Tôi biết đó là câu hỏi thật. Anh muốn tìm hiểu về tôi, nhưng cái cách anh hỏi chưa thực sự khôn khéo và đúng lúc. Tôi cười nhạt, khinh đời. Tự nhiên muốn nổi loạn, tát cho anh một cái thay cho sự uất ức hằng ngày tôi phải chịu bởi những gã đàn ông khoẻ như trâu bò. Chợt thấy anh còn quá trẻ, lại thôi.
- Anh vào đây chắc phải có nhu cầu kia? Tôi hỏi trong một nỗi buồn xao xác khó nói…
Lúc này anh hơi dựa vào người tôi. Tôi để anh nằm gối đầu vào gối và bắt đầu xoa người. Nhưng anh giữ tay tôi lại.
- Thú thực, anh không mấy ham cái trò này. Anh đến chỉ là muốn tìm hiểu về cuộc đời các em.
- Anh là nhà báo?
- Có thể gọi như thế cũng được.
Tôi chợt bật khóc và không thể dừng lại. Cảm như anh là người đã thân quen lâu lắm để tôi giãi bày, để tôi trút bớt đớn đau. Anh ôm lấy tôi và toàn thân tôi run rẩy. Tôi biết rằng mình đã gặp được một người khác với trăm ngàn người đã đè lên bụng tôi, đã từng trút vào đầu óc tôi sự ghê tởm nhầy nhụa. Tôi ngừng khóc. Anh lau nước mắt và tôi nằm xuống cạnh anh.
- Em khổ quá anh ơi. Sau này không biết em còn nước mắt mà thương ai nữa.
Anh nén một tiếng thở dài. Con mắt anh cũng ầng ậc. Tại vì sao, hay tôi là gió chướng u ủ, anh buồn?
Hết giờ, chúng tôi còn muốn nói chuyện mãi. Nhân viên trực phòng giục mới mở cửa. Mặc dù không làm gì nhưng anh vẫn cho tôi tiền, như tiền “boa”. Tôi không lấy, anh dúi vào tay. Tôi nhận. Chúng tôi hẹn gặp lại vào một ngày khác.
3. Phải thực tế thì mới hiểu hết cuộc đời các cô gái cha ạ. Người ta vẫn miệt thị họ, coi cái nghề của họ mạt hạ không đáng thương. Loại người bị khinh rẻ nhất là gái điếm, không ai gọi cô điếm chị điếm mà chỉ con điếm, con đĩ. Những con chó vẫn được người ta ôm ấp dù rằng họ chẳng được hưởng điều gì từ chó. Đằng này họ là con người, đàn ông chỉ tìm đến khi chán nản, khi cần cuộc chơi. Trong số đó có kẻ tốt người xấu. Người lười lao động chân tay nên tìm công việc đó, nhẹ nhàng mà tiền lùa vào đầy tay như lá rơi. Lệ là do hoàn cảnh. Cô ấy không còn lối thoát. Phía trước cô ấy không còn con đường nào. Đàn ông như chồng cô ấy, đẩy vợ đi làm gái điếm thì đâu còn là đàn ông. Cha dạy con phải ăn ở hiếu nghĩa, tự do tự tại, trung trực cho ra một người trai. Hắn có phải là đàn ông không hả cha? Nếu hắn là người chồng tử tế, hắn đã chẳng nhẫn tâm, đẩy vợ đi với khách trong một lần hắn xuống nhà nghỉ ở Hà Nội xem vợ làm ăn thế nào và lấy tiền. Con dám chắc rằng bất kể một người nào nghe thấy chuyện một tên chồng chỉ chờ vợ ngủ với người khác, mang tiền về cho hắn tiêu sài còn hắn chẳng cần quan tâm, cũng sẽ căm giận tên chồng hèn nhát đó. Sự thật ngoài đời cha ạ, một sự thật phũ phàng hạ mạt đôi khi vẫn rũ xuống đầu số người đã không ý niệm được sự tồn tại của mình. Cha vẫn dặn con, tiêu những đồng tiền chính nghĩa, những đồng tiền mình kiếm được bằng mồ hôi nước mắt mới thấy thanh thản, vui vẻ. Nhớ khi xưa cha lặn lội đêm hôm chợ búa, thồ rau đi chợ xa bán lấy tiền nuôi ước mơ bé bỏng. Con lớn ngần này còn mải mê chưa giúp được gì.
Cha mất mẹ khi em út mới được nửa năm. Từ đó cha giống một cây khô hơn một con người, và cây khô ấy còn đủ cứng cáp cho anh em con tựa nương.
Lệ vớ được con như vớ được một chỗ dựa. Ngọn bầu vớ cành rào leo. Cô ấy bảo, làm điếm trớ trêu thay. Có cô gái thấy khách nhảy cẫng lên. Khách không có, cả ngày ngồi mốc mồm mốc miệng. Với cô ấy, mỗi ông khách trong ngày là một nỗi đau day dứt.
Lệ vớ được con như vớ được một chỗ dựa. Ngọn bầu vớ cành rào leo. Cô ấy bảo, làm điếm trớ trêu thay. Có cô gái thấy khách nhảy cẫng lên. Khách không có, cả ngày ngồi mốc mồm mốc miệng. Với cô ấy, mỗi ông khách trong ngày là một nỗi đau day dứt.
4. Tôi vừa làm nhiệm cụ của cả vợ và chồng. Không quá khi nói rằng chồng tôi vô tích sự. Nhiều người bảo tôi “Lấy phải chồng như thế thà để cho đồ nó nghỉ”. Biết làm sao? Tôi phải chịu trách nhiệm chăm lo cho cuộc sống gia đình, học hành của một đứa con 5 tuổi, cộng thêm bà mẹ chồng quanh năm đau ốm. Đời con gái truân chuyên. Một duyên ba nợ. Cái nợ nào cũng muốn đè trĩu đôi vai.
Nơi quê nhà, đồng áng vất vả, ruộng nương ít, chẳng có thêm thu nhập gì. Chi tiêu trong gia đình lúc nào cũng vượt quá số tiền ít ỏi dành dụm được Chồng tôi không được như người, tranh thủ làm thêm việc gì đỡ vợ, nuôi mẹ nuôi con. Đằng này đẩy tôi đi làm thêm, đến những lò nung vôi. Đàn bà con gái, được ba ngày không chịu được tôi bỏ về. Chồng tôi đánh, chửi tôi lười, vụng về không biết kiếm tiền. Mẹ chồng không còn sức để nói, cũng không thể can thiệp được. Tôi bị đánh thâm tím mặt mày. Cơm không có thức ăn – đánh. Con ốm – đánh. Chưa kịp mua thuốc cho mẹ - đánh… Những trận đòn liên tiếp giáng xuống người, vết thương trước chưa kịp đóng vẩy vết thương sau đã chồng tiếp lên. Toàn thân ủ một màu tím thâm như xác chết lâu ngày chưa chôn. Mặc áo vào, lúc cởi ra ngỡ da thịt bóc ra theo lần áo. Quen. Đôi khi có thể biết trước được trận đòn diễn ra vào lúc nào. Vết thương đè lên vết thương. Có khi đang đánh vợ, bạn gọi thiếu chân trong chiếu bạc, chồng tôi bỏ gậy đó đi theo, không cần biết tôi muốn sống hay chết.
Nhưng còn mẹ chồng, ai sẽ lo cho bà thuốc thang?
Ngày mẹ chồng trong cơn thập tử nhất sinh, mình tôi hai tay, tay mẹ, tay con. Còn chồng tôi vục mình trong những chai rượu và canh bạc. Hắn ta cũng còn mỗi cái xác. Sau trận rượu, hắn nằm bệt. Túm áo trên người hắn, cảm tưởng có thể rũ ra được những đoạn xương. Nỗi tủi nhục tột cùng, định đem theo con bỏ xó này, đến một nơi nào đó làm việc nuôi con. Nhưng còn mẹ chồng, ai sẽ lo cho bà thuốc thang?
Cả bố mẹ nữa. Tôi chưa báo hiếu được một ngày, chẳng thể để cha mẹ gánh chịu nỗi nhục với dân làng. Sau này, không chịu được cảnh túng thiếu, cùng quẫn tôi đã nói dối. Đem cả những vết thương trên mình đi tìm việc. Người ta chỉ cho tôi công việc ít tốn sức và kiếm nhiều tiền. Tôi thử. Chẳng còn gì để mất, tôi đã vào đây. Có chút nhan sắc thời con gái còn sót lại. Vẽ thêm chút phấn son, vết thương lâu ngày được lấp đi, không lấp được thì chỗ đó lại thành chỗ có thể moi tiền khách chơi. Tôi được mọi người nể thường xuyên gọi.
Tôi thành con điếm tính toán chếnh choáng trong tiền bạc và mùi đàn ông. Từ những đau khổ và cám dỗ. Đau khổ và cám dỗ là hai con quỷ, kẻ thù của phẩm hạnh đàn bà.
Lần gặp anh sau cách lần gặp trước chừng một tháng. Tôi biết tên anh. Anh tên Nghĩa. Tôi gọi anh là chàng nghĩa hiệp. Anh cầm trong tay những cái có thể làm tôi vui và làm tôi biết mình tồn tại, biết rơi nước mắt. Anh còn ít hơn tôi hai tuổi.
Cũng như lần trước, để có cơ hội gần nhau, anh phải trả tiền phòng với giá có thêm… tôi. Dù biết anh không có nhu cầu, nhưng tôi cố tình ra vẻ khiêu gợi để xem, nếu anh muốn thì tôi dâng hiến. Còn không thì cũng chả sao. Tôi còn gì mà không thể hào phóng với anh… Tôi cởi bỏ hết quần áo ngoài, chỉ để bộ quần áo con trên người. Anh từ nhà vệ sinh ra, giật mình:
- Kìa, em mặc áo vào. Anh đâu…
- Em tưởng lần này anh khác lần trước. – tôi đùa.
- Không, em mặc quần áo vào.
Tôi đến ôm ngang người anh, gục đầu vào vai. Mùi da khen khét, chứng tỏ lâu ngày anh chưa tắm. Giục anh vào tắm. Anh tắm xong, tôi đẩy anh lên giường, bảo nếu anh cần, em chiều. Đừng ngại. Anh lắc đầu.
- Không, anh chỉ muốn nói chuyện với em.
- Được rồi, vậy thì chúng ta tâm sự.
Tôi cứ để quần áo thế, nằm nói chuyện với anh.
5. Lắm chuyện lừa gạt làm con thấy sợ. Nghi ngờ cả Lệ. Một anh chàng nhà báo đã có tuổi, gặp con, tay huơ huơ chiếc bánh mì gặm dở, nói là vừa bị một con điếm lừa. Ngay Gia Lâm thôi. Anh cay cú. Chửi. Con điếm đó hóa ra không chỉ biết nằm ngửa trên giường, cũng mưu mẹo tính toán. Mình mất con điện thoại, máy ảnh và hơn triệu bạc. Chẳng biết anh sẽ phải dừng tác nghiệp trong bao lâu.
Mấy anh bạn khuyên con đừng lân la với mấy đối tượng đó. Nhưng con vẫn phải đi. Con cần biết người ta lừa như thế nào.
Cha biết không, khi con chưa kịp đến chỗ anh bạn làm nhà báo bị lừa thì đến lượt con bị lừa. Đó là một cô gái làm gần chỗ Lệ, cô ta chơi với Lệ và hỏi được số điện thoại của con. Tự giới thiệu là Hoa. Hình như con đã nghe Lệ nhắc cái tên này một lần. Hoa nói Lệ về quê, chồng đánh, bị thương nặng lắm. Vào viện rồi, nhưng gia đình nó khó khăn. Tội nghiệp. Hoa nhỏ vài giọt nước mắt thương cảm lùa con vào bẫy. Con đã gửi Hoa toàn bộ số tiền nhuận bút của hai bài phóng sự vừa lĩnh cho Lệ, vì Hoa nói sẽ về quê thăm Lệ. Con bận không về đó được.
Hai hôm sau Lệ xuống gặp con. Trông cô không có vẻ của người ở viện về. Con ngạc nhiên hỏi, Lệ lắc đầu. Em đâu có đi viện. Anh bị con đĩ lừa rồi! Con há hốc mồm. Kinh khủng! Lệ bảo để em tìm, tính sổ với con này. Dám lừa cả bạn em. Con ngăn. Thôi, đừng làm to chuyện. Chẳng đáng là bao. Tiền mất còn kiếm được. Lệ uất ức. Mấy ngày sau Lệ báo với con. Chỗ này, con đĩ Hoa đã lừa rất nhiều người anh ạ. Nó chuyển đi làm nơi khác nên kiếm một cục đi luôn. Sẽ có người bắt được nó. Con vừa nghe vừa thấy rùng mình.
6. Nhà nghỉ bị công an ập vào. Lúc đó có mấy người khách và nhân viên đang “hoạt động” trên phòng. Cái mật hiệu “H. ơi cho anh vào với” đã bị họ tìm hiểu căn nguyên và sử dụng. Có thể có công an từng giả khách lên phòng, gọi nhân viên. Mỗi khi có khách đang nghỉ cùng nhân viên. Cánh cửa gỗ to tướng chặn phía sau được khóa trái lại, có người đứng giữ, ai ở đằng trước muốn vào phải được sự hướng dẫn của nhân viên trực. Nếu không có nghi ngờ nào, nhân viên chỉ cần nói: “H. ơi cho anh vào với”, người giữ cửa mới mở khóa.
Chia tay. Bóng anh lẫn vào nắng. Tôi hiểu tâm trạng anh.
Lúc cánh cửa mở ra người giữ liền bị cái dùi cui điện đặt lên đầu. Những nhân viên đằng trước cũng bị như vậy. Công an nhanh chóng ào lên các tầng như con hổ săn mồi. Họ mở cửa phòng vào, theo quy định, khi thực hiện chuyện quan hệ đó không được ai khóa cửa. Công an bắt quả tang ba đôi. Trong đó có tôi.
Ba vị khách kém may mắn bị đưa đi một nơi, chắc chắn sẽ bị phạt nặng. Ba đứa chúng tôi bị đưa đi trại ở Lộc Hà… Cảnh này chúng tôi chịu quen rồi. Chỉ là tạm ra khỏi ao tù đến một cái giếng đục khác. Không phải bị bắt giam lần đầu nên chẳng tỏ ra sợ sệt. Chủ nhà nghỉ sẽ cứu chúng tôi ra. Theo như được biết thì các trại phục hồi nhân phẩm không còn chỗ chứa. Không có chỗ cho chúng tôi. Có người mang cơm cho ăn. Công an dọa cảnh cáo.
- Lần sau bắt được sẽ cho đi tù mọt gông. Thả ra, phải về quê làm ăn lương thiện, không được tái phạm.
Tất cả đồng thanh hô: “Chúng em sẽ về quê làm ăn lương thiện, không ở đây nữa”. Ra khỏi cửa có đứa đã bô bô: “Về quê thì thử hỏi chúng mày còn thi thoảng có tiền uống bia không?”. Đứa khác quát đứa kia im mồm.
Ông chủ nhà nghỉ phải chi rất nhiều tiền mới đưa chúng tôi ra được sau bốn ngày giam trong trại. Mồm nhai kẹo cao su, ông nhổ toẹt.
- Mẹ nó! Thế là đi đời cả tháng này. Lần sau càng phải cẩn thận.
Ông tức giận cũng vì chiến lược “Dùng gái nhà gà cán bộ” không hiệu quả. Những cô gái đẹp của nhà nghỉ được cử đi tiếp không công cho cán bộ, điều đó chỉ giảm bớt chút ít những đồng tiền đem đi lót tay.
Tôi nói sự việc vừa xảy ra với Nghĩa. Anh rầu rĩ:
- Sau đây em sẽ làm sao? Có về quê làm ăn lương thiện không?
- Về làm sao được. Em bị đẩy đi không thể về được nữa. Chuyện vừa rồi chỉ là tình trạng bắt cóc bỏ đĩa. Công an thừa hiểu thả ra là chúng em sẽ lại đi làm, không chỗ này thì chỗ khác.
Nghĩa thở dài, mắt anh mỏi nhừ nhìn xa xăm. Trời nắng. Mùa hè rót lên tán phượng những chùm hoa rực lửa. Tiếng ve râm ran tô điểm cho hè. Ra khỏi quán nước, ngồi lên xe Nghĩa đưa tôi về. Chia tay. Bóng anh lẫn vào nắng. Tôi hiểu tâm trạng anh.
7. Thế là cậu Thành bên nhà mình đã chết rồi. Lúc cha thông báo, con thấy thương cậu ta quá. Bà Rỡ vẫn phải nuôi hai đứa con tật nguyền nửa khôn nửa dại. Mà bà đã già lắm. Chân đi run chực ngã. Tấp tểnh bước thấp bước cao cuộc đời dằng dặc vẫn chưa ngơi. Biết đến bao giờ? Con vẫn nhớ, lúc nào đó con sẽ phải viết về họ. Giàn hoa giấy nhà họ vẫn bò sang nhà ta phải không cha?
Mọi người nói nghề báo là nghề nguy hiểm. Không sai. Con vào công viên ngay trong Hà Nội. Một cô gái đến mời mọc, làm những động tác khiêu gợi hòng quyến rũ. Bảo cô ta ngồi nói chuyện. Vừa nói chuyện cô vừa ôm. Lát sau cô đòi tiền. Làm gì đâu mà đòi tiền, chỉ nói chuyện để hiểu nhau. Cô ta gắt lên. Ngồi nói chuyện cũng mất tiền, tôi thừa nước bọt để tiếp không anh à? Cô ta huýt sáo. Con gái mà biết huýt sáo! Lập tức có hai gã lênh khênh từ đâu chạy ra, tay lăm lăm con dao nhọn. Cô kia hất hàm lên hỏi, có đưa tiền hay muốn ăn dao. Bọn này thích sòng phẳng, không phải cướp. Con rút tiền, hỏi bao nhiêu. Cô gái nói trăm rưỡi. Đưa trăm rưỡi. Họ cầm tiền bỏ đi. Cạm bẫy đó cha. Chúng vẫn giăng khắp đường đi. Con học thêm được một điều. Gái cave cũng có luật. Cũng quân tử, cũng sòng phẳng nhân nghĩa.
Anh nhà báo lần trước bị lừa đã bỏ làm phóng sự về đối tượng mại dâm. Ngồi uống nước anh ta chề môi: Vào những chỗ đó ăn dao lúc nào không biết.
Được nghỉ hai ngày, định về với cha, thăm các em. Nhưng có chuyện đã xảy ra, phải đi kịp thời để phản ánh. Tòa soạn đặt viết một bài về tình trạng gia đình bố mẹ đẩy con cái đi làm chuyện dại dột. Con đã lên Z và K… Có những ông bố bà mẹ chỉ biết mỗi tiền. Trong đầu họ không có khái niệm của đạo đức và nhân phẩm, tình mẫu tử, phụ tử. Nhân phẩm chảy về phía đồng tiền và nhường chỗ cho sự ích kỷ. Con gái đi làm điếm mang tiền về bố mẹ hưởng thụ. Con chưa muốn đi bố mẹ hỏi sao không sớm đi? Cha đọc nhiều sách kim cổ đông tây, có cả sách thánh hiền. Đâu mà có sự xót xa. Trước khi về với ánh sáng, một số đã đánh rơi mất tình người.
Đó là hai nơi mà con biết, có những ngôi làng đi làm gái điếm là một phong trào. Người ta đi làm về để xây nhà, sắm sửa đồ dùng cải thiện cuộc sống. Trên đất nước này chắc còn những nơi như thế, con không biết hết.
Nguyệt ở K con quen những ngày đi làm. Cô ấy vừa tự tử xong cha ạ. Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ gom tiền dựng nhà ông bố giao cho. Cô ấy muốn về nhà lấy chồng, vĩnh biệt một thời nhầy nhụa trong đau đớn. Ông bố không nghe, muốn vắt nốt chút nhan sắc của con gái. Bảo Nguyệt đi làm vài năm nữa hãng về. Nhà có vài thứ chưa sắm sửa. Nước mắt Nguyệt chảy dài trong những vũng trăng. Tiếng kêu buốt không ai thấu, chấp chới một hình thù quái dị trong ý nghĩ. Đêm đêm giật mình ngỡ bị đè bẹp trong lạc thú tởm lợm.
Nguyệt khóc lóc mãi, ông bố đồng ý. Cô ấy yêu cầu bố trao cho một phần vốn liếng, xứng với công lao bao năm tháng rao bán đời con gái. Ông bố chỉ cắt cho một phần ít ỏi. Nguyệt không chịu. Hai bố con cãi nhau. Ông bố chửi con là đồ con đĩ ngay trước mặt chồng sắp cưới. Ông phơi bày quá khứ của con ra. Nguyệt không còn mặt mũi nào sống trên đời. Đắng đót trong hận thù tủi nhục. Anh chàng này là niềm hy vọng cuối cùng của cô đã cự tuyệt. Cô chỉ mong có được tấm chồng sống yên ổn, nhưng chính bố đẻ đã giật rơi niềm hy vọng mong manh treo trên dây. Nguyệt quyên sinh. Đau đớn quá. Chết mà không rửa được phần nào nhuốc nhơ.
Nghĩ và cười đắng đót. Con điếm cũng mơ.
Nguyệt có một lỗi nhưng con không trách. Cô ấy viết thư cho con, con nhận ra ngay tình ý. Cô ấy yêu nhưng sợ sự cách biệt. Nguyệt nói cái hố ngăn cách giữa hai đứa như lỗ huyệt. Nhưng cần bàn tay người khác đưa ra với mình. Mặc cảm về thân phận làm cô hoảng loạn. Không chê Nguyệt ở tính tình. Nhưng cũng mặc cảm về cái nghề bạc bẽo ấy. Người đời sẽ nghĩ sao khi con yêu cô gái điếm. Cô ấy thường gọi điện và viết thư. Con từ chối như tránh con bệnh. Tương lai chưa tới đâu. Nguyệt biết điểm yếu của con, hay thương người. Cô ấy dùng thủ đoạn để có được, dọa sẽ tố cáo con lên nhà trường là một sinh viên hư, thường xuyên đi lại và chơi bời với gái điếm… Cô ấy sẽ nói ra tất cả những cái có thể khiến con bị đuổi học. Nếu đồng ý cưới, cô ấy sẽ dừng lại. Phải gỡ chuyện này ra, phải làm cho cô ấy hết mê muội. Nhìn thấy con, Nguyệt chạy đến ôm chặt. Anh Nghĩa, hãy yêu em, em cần anh làm chỗ dựa. Gỡ tay cô ấy ra, giải thích để cô ấy hiểu. Nguyệt sượng sùng khóc, ri rỉ nói đang đau khổ. Vừa đau khổ vừa tuyệt vọng. Con vỗ về và hứa đưa cô ấy về nhà. Nguyệt khóc ngằn ngặt như đứa trẻ. Khóc như ngày đứa em gái con lấy chồng xa khi mới mười bảy tuổi.
Đường về quê Nguyệt đầy gió và cây. Gió và cây nơi nào cũng hào phóng. Chỉ có lòng người, hiểu được quy luật ấy thì chật hẹp. Chúng con ngồi trên đồi cây, nói nhiều chuyện. Hoàng hôn lặn sau quả đồi. Một thời gian chúng con như đôi tình nhân hạnh phúc. Nhưng không thể gieo vào lòng Nguyệt sự hy vọng để lúc nào đó nó tắt ngấm và nổ tung. Con đã phải rất khéo léo để cô ấy khỏi ủ rũ…
Trời nảy những ngày dài tháng dài, bạn bè cùng lớp thơ văn của con, những nhà văn, nhà thơ trẻ ra ngồi chuyện trò ở Trình quán. Gọi thế cho giống cái quán của văn nghệ sĩ. Vì thực ra đó chỉ là cái quán nước bình dân của ông chủ tên Trình. Mọi thứ nước nôi đều rẻ mà tha hồ nói chuyện trên trời dưới biển. Đôi khi còn cãi nhau, tranh luận gay gắt. Và đợi nhuận bút từ phía “gia đình”. Niềm vui bao giờ cũng bị gác ở trên cao, niềm vui đến muộn mằn. Con thi thoảng có ra đó ngồi. Ông Trình giống cha ở dáng vẻ khắc khổ. Ngồi đây con như được nhìn thấy cha, nhớ mẹ và Lệ.
8. Ngày tôi còn bé, sống ở quê. Quanh năm ngâm mình trong nước, sình lầy. Sờ xuống đít lúc nào cũng thum thủm mùi bùn. Chân lội khắp đồng trên bãi dưới đánh giậm mò tôm, móng vàng màu gạch cua. Năm tôi mười bốn, bị vấp ngã. Máu thấm đỏ lòm bẹn. Mẹ biết, bà hàng xóm biết. Bà hàng xóm bảo “Hỏng rồi con ơi, mày mất rồi. Đời mày khổ…”. Tôi không hiểu gì nên chẳng lo lắng sợ hãi. Ai ngờ đó là lời tiên tri…
Chồng tôi mất vì một cơn sốc thuốc. Tôi không biết hắn nghiện từ bao giờ. Hôm đưa hắn ra đồng, tôi loáng thoáng thấy Nghĩa. Sau không thấy anh đâu. Trước đây mấy ngày Nghĩa nói anh bận viết tiểu thuyết và thi.
Được hai tháng thì mẹ chồng tôi cũng mất. Tội nghiệp bà, muốn nói điều gì với tôi nhưng ba tháng cuối đời bà không nói được một câu. Tôi nhìn vào đôi mắt mẹ chồng, trong đó có lời trăn trối và sự thương cảm. Mẹ bảo tôi hãy sống và nuôi con cho tốt. Tha lỗi cho chồng. Tôi ôm lấy mẹ. Có cả những người bà con, lối xóm ở cạnh. Mẹ đặt tay lên mái tóc tôi, rồi từ từ tay trễ xuống, bất động, mắt mẹ dại đi, tắt thở…
Tôi gửi con cho mẹ đẻ khi mộ mẹ chồng và chồng đã gần xanh cỏ, xuống Hà Nội làm lại. Mẹ bảo: “Con ở nhà, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau”, mắt mẹ đẫm nước. Tôi dứt ra đi, không đi không được. Không đi biết bao giờ trả hết khoản nợ khổng lồ chồng tôi vay người ta mà tôi không hay biết. Hắn là con lão Huệch công an xã. Hắn đưa tay vuốt má tôi. Tôi bỏ chạy. Hôm sau ra đồng hái rau, hắn theo dõi từ bao giờ. Lúc tôi xắn quần lên gối để lội, hắn lao ra từ bụi cây đè ngửa tôi xuống. Tôi quằn quại, giãy giụa. Hắn không làm gì được. Thuận tay, tôi dùng hết sức đấm thọc mạnh vào hai khe đùi. Thằng khốn nạn ôm cái bọc của nó hét ầm ĩ. Trước đây còn bé, thằng này dâm dê đứa con gái nhà bà Quảng. Đứa này lớn hơn. Thằng khốn nạn bị thọc cái gậy vào chim, kêu trời kêu đất. Tôi vừa chạy vừa cười, đáng đời. Cho nó tiệt đường sinh nở.
Độ này Nghĩa gầy hơn. Anh vẫn lao đi với công việc và chữ nghĩa. Đêm vắng khách, tôi leo lên tầng ngồi nghĩ về anh. Anh thánh thiện và khờ khạo. Có phải tất cả những người viết văn đều thánh thiện và nhân hậu như anh. Tôi lo cho thân phận mình. Từ nay trở đi chỉ còn nuôi con và báo hiếu với bố mẹ. Sau này cũng phải tìm công việc khác, tôi không thể mãi buộc vào cái nghề này.
Nghĩ và cười đắng đót. Con điếm cũng mơ. Phải! Giấc mơ đôi khi là mù quáng, người bẽ bàng bấu víu vào mà sống, biết đâu rơi vào được một khúc sông nào…
Tôi đã thành vô cảm trơ lì từ lâu. Nhưng cái thân thể nhàu nát này vẫn phải bôi chát, nhào nặn để tàm tạm mà kiếm khách kiếm tiền. Cái vú to làm khe ngực to, điều ấy cũng đủ để có thêm nhiều bàn tay nhét tiền vào đó. Muốn có tiền phải tự chăm mình.
Những cuộc mưa gió tội tình đã làm cửa mình tôi ruễnh roãng, nhăn nhúm. Đôi khi không biết khách chơi đã dúi cái của họ vào hay chưa. Và đến một ngày, tôi ngồi miên man nhẩm tính, thu gom những đồng tiền nhàu nát moi từ bụng con lợn đất, thấy nước trong mình ộc ra như đánh đổ cốc nước lớn. Tôi đứng dậy và nước lại ộc tiếp, tôi tưởng nội tạng trong bụng cũng tháo ra theo. Nó đã không còn khả năng níu giữ thứ gì. Tôi không nhớ biết bao bàn tay đã mó vào nó, móc nó rồi lưỡi xệ dài lắc lẻm. Mà khách ở đâu nhiều thế?
Đã phải đặt thuốc, chữa trị. Vào ngày đông khách, thiếu nhân viên, chưa khỏi, tôi vẫn bị gượng ép đi tiếp khách. Tôi cứ mặc, khách có sung sướng hay không? Nhưng với khuôn mặt tôi, cả sự nũng nịu ngọt ngào giả dối, họ sẽ bỏ qua.
9. Cuộc đời Lệ đã rẽ sang một ngả khác. Cô ấy thoát khỏi áp bức của chồng. Còn sự ức hiếp của cuộc đời chưa thoát được. Cũng tốt có phải không cha? Chồng đã chẳng ra chồng thì thế là hơn hết, cả hai cùng đỡ khổ. Cô ấy còn tương lai của đứa con. Đứa con cô ấy sẽ ra sao khi lớn lên, mọi người nhìn mẹ nó với một con mắt khinh bỉ, còn nó cả đời sống trong tủi cực bạn bè xa lánh chê cười?
Con phải làm gì để giúp đỡ cô ấy. Cha vẫn đọc Đắc nhân tâm, Cách dùng người, Những bậc hiếu nghĩa trong thiên hạ… Cha cũng sẽ đồng ý cho con giúp đỡ người gặp khó khăn. Nâng đỡ người là nâng đỡ mình. Sinh ra đời là Đạo, còn nuôi dưỡng đời là Đức. Con người sẽ thành cái gì khi không còn đức, không còn tình người.
Gần cô ấy, con thấy tim mình đập rộn ràng, không hiểu vì sao. Càng ngày con càng thấy cô ấy đẹp ra. Những khắc khổ cuộc đời không bào mòn được vẻ đẹp cô ấy, mà như cát chà sát cho thanh kim loại ngày một sáng.
Lệ gọi con đến chơi. Chúng con đi uống bia và ăn cơm. Trăng của nhiều người nhưng có phần con và Lệ. Lệ bảo chúng ta thuê nhà nghỉ. Con từ chối. Lệ ngúng nguẩy: Hãy chiều em. Tùy! Không muốn từ chối một người đã quá đau khổ. Con theo Lệ. Phòng nghỉ sạch sẽ có điều hòa, có ti vi. Cô ấy ôm con khóc. Con biết Lệ đang ê chề cho lối về vùng sáng. Anh Nghĩa, anh khinh em phải không. Con không chịu được người đẹp, người con yêu mến khóc lóc bên mình. Con đã ôm lấy Lệ. Gọi cô ấy là chị. Lệ che miệng con lại, bảo anh đừng nói thế. Cô ấy trao thân, ước nằm cạnh người cầm giữ sự bình yên (theo cô ấy) ngủ một giấc đã đời, lần này con không làm chủ được mình. Con là đàn ông, con đã không kìm nén được bản thân mặc dù biết mình không có quyền làm như vậy.
Khuôn mặt Lệ vừa thỏa mãn vừa đau khổ. Hình như đang trông đợi ở con. Mà con đã không thể nói, đã không hứa trước điều gì. Con thấy mình hèn làm sao.
Con biết Lệ đang ê chề cho lối về vùng sáng.
10. Tôi đã chuyển đến làm ở một nhà nghỉ khác, cũng địa bàn cũ. Nghĩa quan tâm đến tôi hơn, nhưng đôi mắt anh ấy u uổn nỗi buồn. Hà Nội những ngày đẹp trời, tôi xin nghỉ và cùng anh đi dạo. Có những con đường chỉ lá rơi rơi. Anh giới thiệu tôi với bạn văn chương và nói tôi đang làm ở một công ty có triển vọng. Vừa ngượng vừa buồn cười.
Nhà nghỉ lại bị công an lùng sục. Ông chủ này không có nhiều mối quan hệ như ông chủ trước. Nhà nghỉ có nguy cơ bị đóng cửa. Bốn, năm nhân viên và khách hàng bị bắt khi đang mua bán dâm trên phòng. Tôi trong số đó. Bắt cóc bỏ đĩa. Tôi trở lại nơi gần một năm trước tôi đến và hứa bỏ nghề. Gặp những công an, những gương mặt lạnh lùng nghiêm khắc. Nghĩa nhanh chóng tìm đến sau hai ngày tôi vào trại. Anh bị đuổi ra không cho vào. Anh đưa thẻ. Càng thẻ càng không được, họ cấm báo chí hoạt động ở đây. Tôi biết, Nghĩa đang dày công viết phóng sự điều tra. Có lần anh nói với tôi để làm việc đó không phải dễ. Anh muốn phản ánh chân thực loại tệ nạn mại dâm và những hình thức biến tướng nó hoạt động. Vài tháng trước, anh đã bị một chủ khách sạn thuê mấy kẻ hành hung dọa nạt, đập máy ảnh và đánh bị thương. Nghĩa giấu tôi, nói là bị va quệt nhỏ khi tôi hỏi về vết thương trên mặt.
- Công việc của anh không hề đơn giản, nguy hiểm lắm. Em lo cho anh.
Nghĩa gạt đi để lấp một cơn lo lắng:
- Có gì đâu, đó là công việc anh ưa thích. Em yên tâm.
Bị giam hơn mười ngày thì tôi được thả. Những đứa bị bắt cùng tôi thì không. Có lẽ người ta quý tôi. Nghĩ vậy nhưng ra khỏi trại đã thấy anh đợi ở ngoài. Bác bảo vệ bảo: “Sướng nhé con, đã vậy còn có thằng cha nó cứu”.
Không biết nói gì để cảm ơn anh.
Không biết nói gì để cảm ơn anh.
Nghĩa đang tìm cách xin việc khác cho tôi làm. Anh hỏi có thích làm da giầy không. Tôi lắc đầu. Vậy còn làm hàng may mặc. Tôi nói không ham. Anh gặng lại: “Vậy em muốn làm nghề gì?”. Tôi tỏ ra bất cần: “Chỉ muốn làm ca ve kiếm nhiều tiền cho sướng”. Mặt anh nhăn lại, hai mắt dồn tụ thành dông, và chạm vào tôi, lại cụp xuống… Chợt ân hận vì mình lỡ lời động đến lòng tốt của anh. “Em xin lỗi” “Em đâu có lỗi gì”. Có điều gì như vừa vỡ trong giọng nói của Nghĩa.
Anh vừa vui vừa mừng nói với tôi đã tìm được công việc tốt, nếu thích tôi có thể đi làm ngay. Là một con gái điếm trong mắt mọi người. Giờ chỉ còn anh không chê bai, đưa bàn tay mình ra đỡ tôi, muốn tôi cố bước qua vũng bùn định mệnh đã dìm bấy giờ. Vì anh tốt, tôi không dám lấp những chuyện đã và có thể sẽ xảy ra để rồi có tội với anh. Tôi vừa đi xét nghiệm máu và người ta kết luận tôi bị nhiễm HIV, tôi chưa thực sự tin chuyện này. Nhưng tôi phải báo cho Nghĩa biết để cả hai cùng tránh. Từ nay, tôi chẳng dám đòi hỏi ở anh chuyện gì. Biết là sẽ ném thủy tinh vỡ vào anh, có thể anh sẽ gục ngã nữa. Trời ơi! Vậy thì tôi có tàn nhẫn quá không? Tôi đã hại cả đời anh rồi. Anh sẽ ra sao khi biết tôi như vậy, và có thể đã lây sang anh. Trèo qua bờ tường sợ hãi, tôi nói với anh, con tim quặn thắt không kìm.
- Anh Nghĩa, em phải nói với anh chuyện này…
- Em nói đi.
- Em bị… em bị… nhiễm…
Nghĩa giục:
- Em nói đi, có gì mà ngọng ngịu thế. Tính bướng bỉnh gan dạ ngày thường của em đâu?
- Em bị... nhiễm HIV rồi.
Cốc nước chanh cầm trên tay anh rơi xuống đất tan tành. Mặt anh dại đi. Anh nhìn tôi, lửa oán hận dâng lên, tay chém vào không khí. “Cô giết tôi rồi! Vậy tại sao cô còn níu kéo tôi? Tại sao cô còn đổ vào lòng tôi? Tại sao? Tại sao? Tại sao?” Nghĩa hét lên và lao ra ngoài.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét