Home » , , , » Nghệ thuật quản lý của người xưa nhìn từ “Tam Quốc Diễn Nghĩa”

Nghệ thuật quản lý của người xưa nhìn từ “Tam Quốc Diễn Nghĩa”

“Tam quốc diễn nghĩa” là một tác phẩm văn học đặc sắc của Trung Hoa cổ đại. Đọc tác phẩm nổi tiếng này, chúng ta không chỉ thán phục tài cầm quân và diệu kế của Gia Cát Lượng, Chu Du hay Tào Tháo mà còn có dịp hiểu thêm về nghệ thuật quản lý của người xưa. 


Phải biết học “nghe”

Có lẽ ít ai ngờ rằng, sở dĩ Tào Tháo đạt nhiều thành công chính là nhờ biết “nghe”. Ông luôn nghe ý kiến của cấp dưới và nghe theo những lời khuyên có lợi cho mình.

Còn nhớ, trong trận Quan Độ, Tào Tháo quân ít nên có ý định trở về Hứa Xương nhưng chưa vội vã rút quân mà viết thư mời Tuân Húc cùng bàn việc rút quân. Tuân Húc kiên quyết phản đối việc rút quân, cho rằng rút quân trong tình thế đó chẳng khác gì thua trận, và kiến nghị Tào Tháo giữ vững trận địa, chờ đợi thời cơ để đánh địch. Tào Tháo nhận thấy Tuân Húc nói có lý và nghe theo, sau đó lại theo mưu kế của Hứa Du đốt sạch quân lương của Viên Thiệu, đánh bại quân địch.

Sau chiến thắng Quan Độ, quân Viên Thiệu đã thua, song Tào Tháo cũng cạn lương thực, cho rằng không dễ gì đánh chiếm Hà Bắc và chuẩn bị chuyển sang hướng Nam chinh phạt Lưu Biểu. Tuân Húc lại cản ngăn, thuyết trình cho Tào Tháo nghe cái được, cái mất. Thế là Tào Tháo hăng hái chỉ huy quân Bắc tiến, bình định quê hương của Viên Thiệu và 3 châu khác là Dực, U, Thanh.
Chính nhờ nghe lời cấp dưới mà Tào Tháo đã biến nguy cơ thất bại thành chiến thắng huy hoàng.

Kiến An năm thứ 11, Tào Tháo ban bố “lệnh cầu ngôn” nổi tiếng, trong đó nhấn mạnh: “Trị vì nhà nước, thiết lập trăm quan, phải thật sự phòng người xu nịnh". Kinh Thi nói: “Người biết dùng người và nghe ý kiến người khác thì không bao giờ phải hối hận”.

Trái ngược với Tào Tháo là trường hợp Viên Thiệu, vì không biết “nghe” mà chuốc lấy thất bại.

Đời Kiến An năm thứ 4, Viên Thiệu sau khi đánh bại Công Tôn Toản, dẫn hàng ngàn quân tiến về phía Nam công kích Hứa Xương. Nhận thấy 4 châu mà Thiệu chiếm đóng tuy đất đai phì nhiêu, lương thực sung túc nhưng trải qua nhiều năm chinh chiến liên miên, của cải hao phí quá lớn, mưu sĩ Điền Phong bèn hiến kế Viên Thiệu: “Nhiều năm chiến trận, dân chúng khốn cùng, kho tàng không còn nhiều dự trữ, không nên huy động quân đội bây giờ. Nên cho quân đến trú ở Lê Dương, đóng thêm thuyền bè, mua sắm vũ khí, tuyển chọn quân đội tinh nhuệ, trấn giữ biên ải. Trong 3 năm như thế, đại sự sẽ thành công”. Đấy là một chiến lược sáng suốt, chậm mà chắc. Thế nhưng nó lại không trúng với ý đồ của Viên Thiệu là muốn nhanh chóng hạ Tào Tháo. Viên Thiệu không chịu nghe lời trung thần, vẫn quyết chí đánh Tào Tháo.

Lần khác, khi quân Tào Tháo ác chiến với quân Lưu Bị, mưu sĩ Điền Phong lại khuyên: “Nay Tào Tháo đánh Lưu Bị, Hứa Xương bỏ ngỏ, nếu thừa cơ đánh chiếm chắc chắn sẽ thắng. Đó thật là một cơ hội hiếm có. Mong minh công xem xét”. Song, Viên Thiệu lại từ chối kiến nghị này. Đến khi Tào Tháo đánh bại Lưu Bị trở về Quan Độ, Viên Thiệu mới nghĩ đến việc tập kích Hứa Xương. Cho rằng dịp may đã lỡ, Điền Phong kiến nghị: “Hãy ngồi chờ thời cơ!” Viên Thiệu không nghe lại còn tống giam người can gián vì tội “nói nhiều”. Trong ngục, Điền Phong vẫn viết sớ khuyên ngăn Thiệu nhưng không ăn thua gì. Rốt cuộc, trong trận Quan Độ Viên Thiệu thua xiểng liểng.

Biết sử dụng người tài nhưng có “tật”

Người tài thường có “tật”. Vấn đề là phải nắm được đặc điểm của người tài để vừa khai thác tài năng, sở trường, vừa tránh bỏ những khuyết tật của họ. Về mặt này, Gia Cát Lượng là một bậc kỳ tài, khi ông dùng cả Nguỵ Diên và Dương Nghi.

Nguỵ Diên là viên tướng dũng mãnh hơn người, có hiểu chút ít mưu lược song tính tự phụ và không hoà nhập với mọi người. Hơn nữa, có tin đồn rằng Nguỵ Diên “có tướng phản nghịch, tâm địa mập mờ”. Gia Cát Lượng không hề nao lòng bởi những lời đồn đại đó, con mắt tinh đời của ông nhận ra đây là một nhân tài và mạnh dạn trọng dụng, lần lượt đề bạt lên tới chức Nam Trịnh Hầu. Nguỵ Diên không phụ lòng Gia Cát Lượng, lập rất nhiều chiến công, trở thành viên tướng tài của nước Thục sau này.

Còn Dương Nghi là người chuẩn bị quân lương, phân phối quân nhu mỗi khi Gia Cát Lượng xuất quân. Tuy hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, song Dương Nghi tính tình hẹp hòi, không biết khoan dung, thường gây mâu thuẫn với Nguỵ Diên. Gia Cát Lượng không vì thế mà bỏ Nghi. Ông tiếc tài Nghi và sự dũng mãnh của Diên, chỉ ghét mỗi hai người bất hoà nên thường xuyên khuyên bảo hai người phải biết thương yêu nhau.

Tào Tháo cũng là một điển hình về sự khoan hồng độ lượng và sử dụng người tài đã từng phản mình.

Kiến An năm thứ 2, Tào Tháo dẫn 150 ngàn quân tấn công quân Trương Tú. Tú biết rằng không thể địch nổi Tào Tháo bèn dẫn quân đầu hàng. Rồi Tú hối hận, muốn tấn công quân Tào, bèn hỏi Giả Hủ nên làm thế nào? Hủ bày kế hãy mời thủ lĩnh quân bảo vệ của Tào Tháo là Điển Vi uống rượu say rồi cho người bang đêm lẻn vào doanh trại lấy cắp vũ khí, phóng hoả đốt trại và thừa cơ dấy binh tấn công. Trong trận ấy, Vi chết trận, Tào Tháo vội vàng thoát thân từ cửa hậu. Đứa cháu yêu là Tào An Dân chết trận. Con trưởng Tào Ngang cũng bị tên lạc bắn chết. Hai năm sau đó, Viên Thiệu cho người đến liên kết với Trương Tú. Tú thấy anh em Viên Thiệu, Viên Thuật không dung thứ nổi nhau huống chi kẻ khác bèn xé thư, đuổi sứ giả về. Song, lại sợ Viên Thiệu tấn công nên hỏi Giả Hủ bày cách đối phó. Hủ nói: “Chi bằng qui hàng Tào Tháo” Tú nói: “Ta với Tào Tháo có thù với nhau, ông ta làm sao tha thứ cho ta được?” Hủ khuyên: “Tào công có chí bá vương, tất sẽ bỏ qua hiềm khích để thể hiện đức độ của mình cho thiên hạ biết. Tướng quân đừng có lo ngại”. Trương Tú nghe theo, cùng Giả Hủ đến Hứa Xương đầu hàng. Tú thấy Tào Tháo liền quỳ dưới thềm. Tào Tháo vội vàng kéo Tú dậy, nói: “Những sai lầm nhỏ, đừng canh cánh bên lòng”, rồi sai mở yến tiệc linh đình đón Tú, Hủ quy thuận. Lại phong Trương Tú làm Dương Võ tướng quân, Gia Hủ làm Chấp Kim Ngô sứ.

Tôn trọng và quan tâm cấp dưới

Đây là một trong những nghệ thuật quản lý mà chúng ta có thể học hỏi ở Tào Tháo. Hồi thứ 18 của Tam Quốc diễn nghĩa kể rằng: Kiến An năm thứ 3, Tào Tháo chỉ huy quân đội tiến công Trương Tú. Khi đi qua Dục Thuỷ, ông ta bất chợt oà khóc nức nở, mọi người hốt hoảng hỏi nguyên nhân. Tào Tháo nói: “Ta nhớ đến năm ngoái ở đây ta mất viên đại tướng Điển Vi, không nén nổi cảm xúc mà khóc!”. Rồi ra lệnh ngừng hành quân, tổ chức tiệc giỗ linh đình, kỷ niệm Điển Vi. Tào Tháo tự tay thắp hương bái lạy, khóc hoài. Tướng sĩ ba quân không ai không cảm động. Làm lễ tưởng niệm Điển Vi xong, Tào Tháo mới làm lễ giỗ cháu Tào An Dân, con trai trưởng Tào Ngang, giỗ các tướng sĩ tử trận. Tào Tháo giỗ cả con ngựa của mình bị cung tên bắn chết hồi đó.

Khi mưu sĩ Quách Gia chết, Tào Tháo cũng vô cùng đau buồn, viết thư cho Tuân Húc để bày tỏ lòng thương xót của mình, trong thư viết: “Quách Phụng Hiếu chưa tròn tứ tuần, cùng ta làm việc 11 năm, bao nhiêu gian truân vất vả đều cùng nhau nếm trải. Với sự thông minh nhanh nhạy, tiên sinh làm việc gì cũng chưa bao giờ trễ nãi, đang định sau này giao cho việc lớn thì bỗng nhiên tiên sinh mất rồi, làm cho ta đau đớn vô cùng! Nay ta ban cho con tiên sinh hàng ngàn hộ, song có ích gì với người đã khuất! Nghĩ lại tình cảm của ta và tiên sinh thì tiên sinh là người rất hiểu ta, trên đời này tri kỷ hiếm lắm, vì thế càng thấy đau xót, nhưng biết làm sao được!

“Ôn cố tri ân”, ngày nay bài học “đối nhân xử thế” của Tào Tháo thiết nghĩ vẫn chưa hề mất đi tác dụng. Bởi, trong một cơ quan hay xí nghiệp, ngoài quan hệ công việc, thủ trưởng nếu biết tôn trọng và quan tâm cấp dưới thì chắc chắn tạo cho họ sự phấn khởi, làm việc hăng hái và có trách nhiệm. Kinh nghiệm ấy tưởng chừng rất đơn giản nhưng không phải ai cũng nhớ và làm được!


                                         Vân Trình (Kiến Thức Ngày Nay)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét