Tế nhị là gì?

Tế nhị là gì? Vì sao ta phải tế nhị? Ðó quả là một vấn đề phức tạp và hết sức... tế nhị.

Có người lại bảo: thanh niên thì ít tế nhị. Phải chăng đức tính tế nhị chỉ dành cho những người từng trải trên trường đời. Thực ra không phải như vậy. Tế nhị thuộc về đạo đức, một nhân cách con người.



Tính e dè là một tình cảm bình thường của con người, là chất liệu tạo thành tính tế nhị.

Ðó là về mặt nội dung, còn về hình thức thì đó là tiếng nói và lý trí của lòng tốt con người.

Những con người tự cao tự đại thì không có nhiều chất tế nhị, vì ở nơi họ không có sự tương quan giữa khả năng và quyền lợi của mình với khả năng và quyền lợi của người khác.

Ðiều gì mình không muốn người khác làm cho mình thì mình đừng làm cho người được xem là tiêu chuẩn để làm thước đo tính tế nhị. Bởi vì trước khi mình định làm một việc gì đó, không những cần xem xét nó có chính đáng hay không? Có hợp đạo lý làm người hay không ? Mà còn cần phải xét xem những người chung quanh mình cảm nhận được hành động đó như thế nào?

Hãy thử đặt mình vào địa vị đối tượng hành động của mình để biết cảm giác của họ sẽ ra sao?

Người biết cách cư xử tế nhị sẽ mang lại sự hòa thuận vui vẻ với mọi người ở chung quanh.

Thí dụ như là:

• Khi xảy ra xích mích hay xung đột, bạn nên nhận lỗi về phần mình. Hãy nhớ câu ngạn ngữ : " Một bước lùi bằng mười bước tiến".

• Hãy kìm nén sự nóng giận của mình và dùng những lời lẽ thật tế nhị thuyết phục người khác nhận ra lỗi của mình.

• Trước hết, hãy tự trách bản thân mình vì bạn không phải là người hoàn hảo. Như người xưa đã dạy: "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân".

• Luôn luôn giữ thể diện cho đối phương của mình, bởi vì chỉ khi bạn tôn trọng người khác thì bạn mới được họ tôn trọng lại.

• Nên nhìn nhận một cách khách quan những phần phải của họ để tự rút ra cho mình những bài học về đối nhân xử thế.

• Cố gắng tìm cách xoa dịu sự nóng nảy của họ cũng như bản thân mình bằng nụ cười tươi như hoa hay là nói lên những câu dí dỏm hài hước để cả hai cùng biết thông cảm nhau hơn .

• Hãy bình tĩnh trước mọi tình huống. Ðừng vì một chút tự ái nông nổi của mình mà xúc phạm người khác.

• Luôn tỏ ra thật nhã nhặn. Chính thái độ ôn hoà của bạn sẽ dễ dàng thuyết phục được những người xung quanh ta.

Sự lễ độ là một trong những nét chủ yếu của văn hoá ở một con người.

Sự lễ độ cùng với cách cư xử tế nhị và những cử chỉ tao nhã sẽ tạo thành cho bạn một phong cách lịch sự khiến cho mọi người chung quanh vô cùng quý mến và nể phục bạn.

Nếu bạn nhường chỗ cho một phụ nữ hay người già trên xe bus bằng một cử chỉ lộ liễu , phô trương... thì tất nhiên trong thái độ cư xử của bạn không có tính tế nhị, và như vậy cũng chưa phải là lịch sự.

Phép lịch sự cần cả sự lặng lẽ - đó là điều cần nhớ. Tế nhị là ý thức về mức độ trong tất cả mọi lãnh vực chứ không chỉ trong cử chỉ xã giao. Thật vậy, không có gì bực mình hơn là một người nào đó mà ta không ưa lại cứ vỗ vai, vỗ lưng ta... rồi buông ra những tiếng mày, tao suồng xã mỗi lần gặp mặt.

Ngay cả giữa những người bạn thân với nhau, thì một sự "hồn nhiên" quá đáng cũng có hại nhiều hơn là có lợi.

Tế nhị không bao giờ là sự giả dối, thủ đoạn, những cái mà người ta khinh ghét nhất.

Giữa tế nhị với sự khôn vặt, giả dối có một lằn ranh nhất định. Tính tế nhị đi liền với sự chân thành và lòng tôn trọng người khác.

Người tế nhị cũng là người khiêm tốn. Không kín đáo đến mức khó hiểu, biết im lặng khi cần thiết. Không xúc phạm đến lòng tự trọng của người khác, cũng không tò mò thóc mách, không chế giễu người khác trước mặt cũng như sau lưng. Ngược lại, tế nhị cũng không phải bày tỏ lòng quan tâm quá mức cần thiết.

Có những cái vặt vãnh mà ta đừng nên xem thường, như không nên tự tiện lục túi, đọc trộm nhật ký và lưu bút, thư riêng…

Nhưng tuyệt nhiên tế nhị không đối lập với tính nguyên tắc, không đối lập với lòng can đảm đấu tranh bảo vệ chân lý, lẽ phải, đặc biệt là đối với những vấn đề lập trường, quan điểm sống, quan điểm đạo đức.

Cần phải biết phản ứng đúng lúc đối với những điều xúc phạm con người - vì đó cũng là một sự tế nhị với yêu cầu cao nhất. Chúng ta cần có sự tế nhị mang tính nguyên tắc chứ không cần sự tế nhị bao che, giản đơn.

Con người tế nhị bao giờ cũng mang vẻ đẹp của lòng nhân hậu, tinh thần cao thượng và sự hiểu biết giàu có trong đời sống. 

                                                           (Sưu tầm)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét