Home » » Nếu bạn thi rớt thì sao?

Nếu bạn thi rớt thì sao?

Nếu bạn có khả năng đậu đại học hay cao đẳng, trung cấp để theo đuổi niềm đam mê của mình thì đó là một điều tốt. Nhưng có một câu hỏi rất thực tế tôi muốn hỏi bạn: Nếu bạn thi rớt thì sao?

Như thông thường, có thể bạn sẽ rơi vào một trong những trường hợp điển hình sau đây:

Thứ nhất: Tự tử như một số bạn vẫn làm. Bạn nghĩ rằng cuộc đời của bạn xem như chấm dứt ở đây, bởi bạn tin rằng con đường duy nhất để bạn có thể thành công và đổi đời là đậu đại học. Thứ hai: Bạn vượt qua nỗi buồn và cố gắng thi lại ở năm sau. Thứ ba: Kiếm đại một ngành nào đó vừa điểm với mình, miễn là đi học được rồi và “chuyện gì tới sẽ tới!”. Thứ tư: Bạn chấp nhận dừng sự nghiệp học tập của mình. 

Bạn cũng tin rằng con đường thành công xem như không dành cho bạn và “chuyện gì tới sẽ tới!”.

Chuyện “Linh ổn áp”

Tôi chỉ chia sẻ với bạn sự thật. Sự thật mà bạn sẽ không cần dựa dẫm vào lời an ủi, vì tôi tin bạn biết rất rõ bạn nên làm gì tốt nhất trong trường hợp đó. Bằng chứng nói lên tất cả! 

Tôi muốn chia sẻ với bạn về câu chuyện cuộc đời Nguyễn Chí Linh, anh chủ trẻ của Công ty TNHH Nhật Linh LiOA. Anh trở thành “người lập dị” và trở thành công nhân khi cả nhà đều là những người học cao, trí thức. Bố anh từng là tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo Dục, còn mẹ là giảng viên Đại học Y Hà Nội, chú là học giả nổi tiếng Nguyễn Khắc Viện.

Cảm giác đầu tiên khi anh biết kết quả thi đại học là buồn bã, xấu hổ, như anh kể lại: “Bố mẹ đều là giảng viên đại học nên khoảng thời gian đó mình gần như không ra khỏi nhà, cứ ngồi suy nghĩ về việc này”. Nhưng sau đó anh nghĩ trong cuộc sống có nhiều con đường để lập nghiệp. Nghĩ là làm, đi ngược hẳn với truyền thống công chức của gia đình, anh xin vào làm công nhân cho Nhà máy cơ khí Ngô Gia Tự.
Ngoài làm công nhân, anh còn làm thêm nhiều nghề khác để tự lập. Như anh thừa nhận, nhờ thời gian lăn lộn trong gần mười năm trời khi còn là công nhân ấy đã dạy anh rất nhiều bài học quý giá. Từ nghề nấu rượu đi bỏ mối, đến làm săm cho xích lô và xe thồ rồi làm pin. Sau những lần thất bại anh dường như muốn bỏ cuộc, anh chuyển sang nghề phụ trách cho bộ phận âm thanh tại Nhà hát kịch Việt Nam. An phận với nghề này được hai năm, anh cũng bỏ luôn vì thấy không phù hợp.

Với niềm đam mê từ nhỏ, có lẽ nghề liên quan với máy móc, điện tử vẫn hấp dẫn anh hơn, anh chuyển sang công việc buôn đồ điện tử và kiêm luôn bảo hành, sửa chữa khi hư hỏng. Cuối cùng “mỏ vàng” cũng bắt đầu xuất hiện khi anh phát hiện máy móc, đồ điện hư hỏng phần lớn là do dòng điện bấp bênh, không ổn định và người dân không biết sử dụng các thiết bị để điều chỉnh nguồn điện do các sản phẩm nhập khẩu từ Nhật lúc bấy giờ đều sử dụng nguồn điện 110V.

Anh bắt đầu tìm tòi và nghiên cứu về một loại máy ổn áp có thể giải quyết các vấn đề trên. Những ngày đầu, anh cùng với một vài người bạn của mình sử dụng máy ổn áp cũ của Liên Xô và nghiên cứu, cải tiến lại. Công sức cuối cùng cũng được đền đáp, hàng bán tới đâu chạy tới đó. Thế nhưng khi càng mở rộng thì anh nhận thấy máy phải nhập từ nước ngoài vừa khan hiếm vừa đắt đỏ, nên anh bắt đầu nghiên cứu chế biến ra một chiếc máy ổn áp của riêng mình. Cuối cùng anh thành công, biệt danh “Linh ổn áp” từ đó cũng ra đời và những chiếc máy ổn áp mang tên LiOA nhanh chóng được người tiêu dùng Việt Nam biết đến.

Không dừng lại ở đó, ngày nay, không chỉ là thương hiệu nổi tiếng nhất ngành hàng điện - điện tử tại thị trường Việt Nam do AC Nielsen & VCCI phối hợp tổ chức bình chọn, LiOA đang tiếp tục khẳng định sự hiện diện của mình tại thị trường quốc tế. Sản phẩm của LiOA đã được xuất sang nhiều nước như: Myanmar, Lào, Campuchia, CHDCND Triều Tiên, Malaysia, Đức, Đan Mạch, Angola và Nam Phi...

Không chỉ đại học mới thực hiện được ước mơ

Một lần nữa tôi muốn hỏi bạn: “Liệu đại học có phải là con đường duy nhất để chúng ta thành công không? Câu trả lời chắc cả bạn và tôi đều không thể phủ nhận: Trong mỗi chúng ta ai cũng có ước mơ, niềm đam mê thật sự - có thể hiện tại chúng ta chưa nhận ra, và vào đại học chỉ là bước đệm để bạn thực hiện ước mơ của mình mà thôi.

Thông thường thì nhiều bạn sẽ cho rằng nếu trượt đại học thì cánh cửa thành công của chúng ta đã bị đóng sầm lại. Bản thân tôi cũng đã từng nghĩ sai lầm như thế, tôi nghĩ rằng muốn thành công, muốn đổi đời thì phải đậu đại học. Thế nhưng con đường đến thành công đâu chỉ phải học đại học. Thậm chí ngoài xã hội chúng ta vẫn thấy người thi đậu đại học với bằng này, bằng kia chưa chắc sẽ thành công. Thực tế cũng cho chúng ta thấy không chỉ có bước vào cánh cổng trường đại học bạn mới đến được với ước mơ, hoài bão.

Thật ngây thơ khi đặt ra ước mơ là “phải thi đậu đại học, chỉ có như thế mới thành công được”, và càng nông cạn hơn nếu xem nó như một điều “duy nhất” phải đạt được. Các trường đại học đâu thể đáp ứng hết được nguyện vọng của tất cả thí sinh. Nếu bạn không được trường học lựa chọn thì vì sao trường đời không phải là nơi tung cao chí hướng?


Chúng ta cần nhận ra rằng không ai không học mà thành công cả. Tôi nhấn mạnh từ “học” ở đây, bạn không nhất thiết phải học đại học hay ở một ngôi trường nào đó mới gọi là học. Một đứa trẻ tập đi bởi nó học từ bố mẹ đấy thôi, và dĩ nhiên đó không phải là trường lớp nhưng cũng chính là học. Một người thành công học từ những lần khó khăn, thất bại, bươn chải ngoài đời cũng là học. Điều sai lầm ở đây, chúng ta cứ nghĩ rằng phải ở trong một trường hay một lớp nào đó mới là học. Như Mark Twain - một diễn giả, tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ - từng nói: “Đừng để trường lớp cản trở con đường giáo dục của bạn”.


Tóm lại, đại học không phải là con đường duy nhất để bạn đến thành công. Dù ở đâu, trường học hay trường đời, nơi nào cũng đáng để bạn học hỏi. Dù có thể người thân yêu nhất cũng sẽ phản đối quyết định của bạn, nhưng điều quan trọng hãy dũng cảm theo đuổi con đường riêng của chính mình. Một lần tỉ phú Bill Gates được một phóng viên hỏi về việc bỏ học đại học, ông đã trả lời: “Tôi bỏ đại học nhưng không bỏ học!”.

                                            ĐINH TUẤN ÂN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét