Paracetamol là một thuốc giảm đau, hạ sốt được sử dụng rộng rãi nhất và có hàng trăm sản phẩm thuốc khác nhau có chứa paracetamol. Đây là một thuốc tương đối an toàn nếu sử dụng đúng, nhưng nó cũng rất độc nếu sử dụng bừa bãi.
Vì sao thuốc “lành” mà lại gây độc?
Với liều điều trị, sau uống khoảng 1 giờ, thuốc được hấp thu hoàn toàn. Khi dùng quá liều, thuốc được hấp thu hết sau 4 giờ, ngoại trừ khi bệnh nhân uống đồng thời các thuốc làm chậm quá trình rỗng dạ dày và khi thuốc ở dạng giải phóng chậm thì thời gian hấp thu lâu hơn.
Với liều điều trị, sau uống khoảng 1 giờ, thuốc được hấp thu hoàn toàn. Khi dùng quá liều, thuốc được hấp thu hết sau 4 giờ, ngoại trừ khi bệnh nhân uống đồng thời các thuốc làm chậm quá trình rỗng dạ dày và khi thuốc ở dạng giải phóng chậm thì thời gian hấp thu lâu hơn.
Có rất nhiều chế phẩm thuốc chứa paracetamol.
90% thuốc được chuyển hóa theo con đường sunphat hóa và glucuronit hóa, phần còn lại được hệ enzym cytochrome P-450 chuyển hóa nốt (hệ này chủ yếu ở gan). Hoạt động chuyển hóa phụ thuộc theo tuổi, ở tuổi càng nhỏ thì chuyển hóa theo con đường sunphat càng nhiều, đến 12 tuổi thì chuyển hóa paracetamol ở trẻ em giống người lớn. Một chất chuyển hóa do hệ enzym cytochrome P-450 giải phóng là N-acetyl-p-benzoquinoneimine (NAPQI) gắn với màng tế bào gan và nếu không bị trung hòa bởi các chất chống ôxy hóa thì sẽ gây tổn thương lớp màng lipid kép của tế bào. Glutathione của gan là chất chống ôxy hóa chủ yếu, chất này gắn và trung hòa NAPQI. Khi quá liều paracetamol thì kho dự trữ glutathione bị cạn kiệt dần và nếu thiếu hụt mất trên 70% số lượng bình thường thì NAPQI không bị trung hòa và sẽ gây tổn thương cho tế bào gan.
Về mặt lý thuyết, tất cả các chất ảnh hưởng hệ enzym này đều ảnh hưởng đến lượng NAPQI tạo ra. Các chất có thể gây cảm ứng với hệ enzym này bao gồm ethanol, INH, rifampin, phenytoin, carbamazepine, khói thuốc lá và thực phẩm hun bằng than củi. Những người dùng thuốc chống động kinh kéo dài, nghiện rượu, dùng thuốc chống lao kéo dài có diễn biến của ngộ độc paracetamol nặng nề hơn đối tượng khác. Trẻ em dưới 5 tuổi tỏ ra có khả năng đề kháng với các tác dụng độc của paracetamol, nguyên nhân người ta chưa rõ.
Cảnh báo cho những trường hợp đặc biệt
Với những đặc điểm chuyển hóa như trên, cần hết sức thận trọng khi sử dụng paracetamol, nhất là trong những trường hợp đặc biệt.
Phụ nữ có thai: Paracetamol là thuốc hạ sốt giảm đau không có chống chỉ định ở phụ nữ có thai, người ta chưa thấy có tác dụng gây quái thai của thuốc này. Tuy nhiên, khi quá liều paracetamol có thể gây độc với thai vì thuốc này dễ dàng qua được nhau thai và ở thời điểm 14 tuần, bào thai đã có khả năng chuyển hóa paracetamol và tạo ra NAPQI. Việc chậm trễ điều trị có thể dẫn đến tử vong của bào thai.
Người nghiện rượu: Những người nghiện rượu khi dùng quá liều paracetamol có nguy cơ ngộ độc cao hơn và một số nghiên cứu cũng thấy tỷ lệ tử vong cao hơn người bình thường. Tính dễ bị ngộ độc paracetamol ở đây có lẽ do dự trữ glutathione bị giảm khi nghiện rượu và lượng NAPQI tạo ra nhiều hơn do hiện tượng entanol gây cảm ứng hệ enzym cytocrom P450.
Quá liều paracetamol kéo dài: Liều paracetamol dùng hàng ngày được khuyến cáo là không quá 60 – 80mg/kg/ ngày và không được quá 4g/ngày với người lớn, không quá 80mg/kg với trẻ em. Khi dùng với liều cao hơn kéo dài có thể gây ngộ độc.
Quá liều mạn tính paracetamol thường do sai lầm về điều trị trong các hoàn cảnh sau: Bệnh nhân tăng dần liều hàng ngày do tin rằng thuốc an toàn, sử dụng thêm các biệt dược khác cũng có chứa paracetamol hoặc bệnh nhân là trẻ em nhưng lại dùng các biệt dược chứa paracetamol của người lớn.
Ai dễ bị ngộ độc?
Những bệnh nhân nhịn đói: do chuyển hóa paracetamol theo con đường glucuronit hóa bị giảm và tăng chuyển hóa qua hệ cytocrom P450 dẫn tới việc tạo ra nhiều NAPQI hơn.
Uống rượu trong vòng 5 ngày trước đó hoặc nghiện rượu: do ethanol gây cảm ứng hệ enzym cytocrom P450 và lượng glutathione bị cạn kiệt do dùng rượu liên tục. Hơn nữa, ngộ độc paracetamol ở người nghiện rượu có thể dễ bị bỏ qua do hiện tượng tăng transaminase được nghĩ là do nghiện rượu.
Tóm lại, dù paracetamol được coi là một thuốc khá an toàn và được bán rộng rãi trên thị trường với rất nhiều tên biệt dược khác nhau thì chúng ta cũng không nên tự ý dùng thuốc, nhất là trong những trường hợp đặc biệt như phụ nữ có thai hay người nghiện rượu, trước khi sử dụng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc nhân viên y tế.
Nguồn: Sức khỏe đời sống
0 nhận xét:
Đăng nhận xét