Khi 15 tuổi, tôi tuyên bố trong lớp tiếng Anh rằng tôi sẽ sáng tác và minh họa cho những quyển sách riêng của mình. Gần nửa lớp cười khẩy, số còn lại thiếu điều té lăn ra khỏi ghế vì buồn cười. “Đừng có ngớ ngẩn. Chỉ những thiên tài mới trở thành nhà văn thôi”, giáo viên tiếng Anh sẵng giọng, “Mà học kỳ này em chỉ được một điểm D”.
Bị sỉ nhục, tôi òa khóc. Tối hôm đó, tôi viết một bài thơ ngắn, thật buồn vì những giấc mơ tan vỡ, rồi gửi nó tới tuần báo Capper’s Weekly. Ngạc nhiên làm sao, họ đăng nó, và gửi nhuận bút hai đôla cho tôi. Trời ơi! Tôi đã là một tác giả có bài đăng và được trả tác quyền. Tôi đem khoe giáo viên và lũ bạn trong lớp. Chúng phá ra cười.
“Chỉ là thánh nhân đãi kẻ khù khờ mà thôi!”, giáo viên nói.
Tôi đã nếm trải hương vị thành công. Tôi đã “bán” được tác phẩm đầu tay. Điều đó tuyệt hơn hẳn mọi điều bọn họ đã làm, và dù cho đó là “cú ăn may”, với tôi, vẫn cứ tuyệt như thường.
Trong hai năm kế, tôi có hàng tá thơ, thư từ, chuyện cười, và các bài viết về mẹo vặt được đăng. Khi tốt nghiệp trung học (với điểm trung bình C trừ), tôi đã có cả một cuốn vở lưu lại các tác phẩm đăng báo của chính mình. Tôi không bao giờ đề cập đến công việc viết lách của mình cho thầy cô, bạn bè, hay gia đình nghe một lần nào nữa. Bọn họ là những người giết chết những giấc mơ. Nếu phải chọn lựa giữa bạn bè và các giấc mộng, hẳn người ta sẽ luôn chọn cái thứ hai.
Nhưng đôi khi trong đời cũng có người ủng hộ những giấc mơ của bạn.
- “Viết sách là một việc dễ dàng”, người bạn mới đó bảo với tôi. “Bạn có thể làm được mà!”
- “Tôi không biết mình có đủ thông minh để làm điều dó không nữa”, tôi nói, bỗng dưng lại có cảm giác như hồi 15 tuổi, nghe văng vẳng bên tai chuỗi âm thanh cười cợt của mọi người.
- “Vớ vẩn!”, cô bạn nói, “Mọi người đều có thể viết sách nếu muốn”.
Vào thời điểm đó, tôi có bốn đứa con. Đứa lớn nhất mới lên 4. Chúng tôi sống trong một nông trại nuôi dê ở Oklahoma, cách xa người láng giềng gần nhất hàng trăm dặm. Tất cả những gì tôi phải làm mỗi ngày là chăm sóc bốn đứa con, vắt sữa dê, nấu ăn, giặt giũ và làm vườn. Cũng không có gì đáng phàn nàn.
Khi con ngủ, tôi mới hí hoáy đánh đánh, gõ gõ trên chiếc máy đánh chữ cũ kỹ của mình. Tôi viết tất cả những gì tôi cảm nhận được. Mất đến chin tháng, giống như thai nghén.
Tôi chọn hú họa một nhà xuất bản, đặt bản thảo vào hộp tã giấy Pampers, loại hộp duy nhất mà tôi có thể tìm thấy ở nhà (tôi chưa nghe nói đến những chiếc hộp đựng bản thảo). Tôi gửi kèm một lá thư : “Tôi đã một mình viết cuốn sách này, hy vọng là quý vị thích nó. Tôi cũng tự vẽ các minh họa. Tôi thích nhất là các chương 6 và 12. Xin cám ơn”.
Tôi ràng dây quanh chiếc hộp tã và gửi nó đi mà không thiết gửi kèm them một phong bì dán tem ghi địa chỉ của mình, và tôi cũng không sao lại một bản nào của cuốn sách. Một tháng sau, tôi nhận được một hợp đồng, một khoản tiền tác quyền ứng trước và một thư yêu cầu tiếp tục viết những cuốn sách khác.
"Crying Wind" ("Gió gào") trở thành cuốn sách bán chạy nhất (best seller), được dịch sang 15 thứ tiếng và chuyển cả sang dạng chữ Braille cho người mù, phát hành rộng rãi trên toàn thế giới. Tôi xuất hiện trong các chương trình truyền hình đối thoại (talk shows) phát ban ngày và thay tã cho con vào ban đêm. Tôi được những tour du lịch khuyến mãi từ New York sang California và Canada. Cuốn sách đầu tay của tôi còn trở thành tài liệu đọc bắt buộc tại nhiều trường của người Mỹ bản xứ ở Canada.
Tôi mất 6 tháng viết cuốn sách tiếp theo. Tôi gửi nó đi trong một cái hộp game Uncle Wiggley rỗng (tôi vẫn chưa nghe nói đến hộp đựng bản thảo). "My Searching Heart" ("Trái tim tìm kiếm của tôi") cũng thuộc loại sách best seller. Tôi viết cuốn tiểu thuyết kế tiếp, "When I Give My Heart" ("Khi tôi trao trái tim"), chỉ trong vòng ba tuần lễ.
Năm tệ nhất trong nghiệp viết lách của mình, tôi kiếm được hai đôla (năm tôi 15 tuổi, nhớ không?). Năm huy hoàng nhất, tôi kiếm được 36 000 đôla. Thường thì mỗi năm tôi kiếm được từ 5 000 đôla đến 10 000 đôla. Dĩ nhiên là khoản này không đủ để chi dùng, nhưng vẫn nhiều hơn hẳn so với một công việc bán thời gian nào đó. Tôi kiếm được nhiều hơn từ 5 000 đến 10 000 đôla so với nếu tôi không viết gì cả.
Người ta hỏi tôi học trường nào, đạt được những trình độ gì, có bằng cấp gì để làm nghề viết văn. Câu trả lời là không gì hết. Tôi chỉ viết, thế thôi. Tôi không phải là một thiên tài, tôi không được trời phú cho năng khiếu bẩm sinh, và tôi còn không biết cách viết câu cú cho đúng quy củ nữa. Tôi lười, không gò mình theo một khuôn khổ nào hết, giành nhiều thời gian cho con cái và bạn bè hơn là viết lách.
Tôi chẳng có một cuốn từ điển từ vựng (thesaurus) nào mãi cho đến cách đây bốn năm, và tôi chỉ dùng cuốn từ điển Webster cỡ nhỏ mua ở Kmart với giá 89 xu. Tôi xài một máy đánh chữ kiểu ổ giá 129 đôla, mua cách đây sáu năm. Tôi không dùng đến một trình xử lý văn bản nào cả. Tôi làm tất cả mọi việc nấu nướng, lau chùi, giặt giũ phục vụ cho gia đình sáu người, và tranh thủ từng chút để viết. Tôi viết một cách chậm rãi trên những thếp giấy màu vàng, khi đang ngồi trên sofa với con, khi đang ăn bánh pizza. Khi nào viết xong sách, tôi đánh máy bản thảo rồi gửi tới nhà xuất bản.
Tôi đã viết tám cuốn sách. Bốn cuốn đã được xuất bản, ba cuốn vẫn trong giai đoạn xem xét. Một cuốn viết tồi.
Với tất cả những ai có mộng viết lách, tôi muốn hét to: “Đúng, bạn có thể làm được! Đúng, bạn có thể làm được! Mặc kệ những gì người khác nói!”. Tôi không viết chuẩn, nhưng tôi biết cách khắc phục nhược điểm đó. Viết dễ lắm, vui nữa, và ai cũng có thể viết. Dĩ nhiên, một chút may mắn thì có hại gì đến ai đâu nào?
Linda Stafford
Trích từ "Những câu chuyện tuyệt vời trong cuộc sống" – Jack Canfield
0 nhận xét:
Đăng nhận xét