“Kế hoạch cuộc đời”. Nói nghe thật to lớn nhưng thật ra ai cũng có ước mơ cho tương lai hay một mục đích để vươn tới. Kế hoạch chính là công cụ để đạt tới ước mơ đó. Thường người ta bắt đầu ước mơ từ lúc nào?
Ngay từ nhỏ ta ước mơ theo đuổi một công việc nào đó như muốn trở thành bác sĩ, kỹ sư, và ngày nay ta còn muốn trở thành nhà khoa học hay nhà phi hành vũ trụ... Có người muốn trở thành một chính trị gia, một nhà hoạt động xã hội phục vụ người nghèo... Người ta nghĩ đến những nghề nghiệp cụ thể hay có những ước mơ bay bổng. Dù còn “mơ mơ màng màng”, ước mơ là sức hút làm cho cá nhân vươn tới, là lực đẩy để ta tiến xa.
Không ít bạn trẻ có những ước mơ cao đẹp như cải tạo xã hội, phục vụ nhân loại, sống lý tưởng... Ước mơ hay lý tưởng ấy nếu được gia đình và xã hội góp phần hun đúc sẽ như chiếc la bàn để định hướng cá nhân trong cơn sóng gió của cuộc đời. Chiếc thuyền có thể trôi giạt trên sóng biển nhưng chiếc la bàn sẽ luôn giúp ta hướng về lý tưởng ban đầu. Để hướng tới ước mơ, cá nhân phải định cho mình một mục đích cụ thể. Ví dụ : muốn giúp người, ta phải trở thành một bác sĩ, một nhà tham vấn tâm lý, một chính trị gia...
Nhưng mục đích này phải được chia ra thành những mục tiêu nhỏ hơn nữa và được thực hiện theo từng giai đoạn trong thời gian. Kế hoạch chính là tấm bản đồ vẽ ra những đoạn đường đi cụ thể để đạt tới đích. Có người đi tới đích bằng xa lộ thẳng tắp. Ví dụ như được cha mẹ có đủ điều kiện cho ta ăn học đến nơi đến chốn. Nhưng đa số chúng ta phải chọn những con đường ngoằn ngoèo, ví dụ như phải vừa học vừa làm, phải nghỉ vài năm giữa hai thời kỳ học để tích lũy tiền đóng học phí. Những đoạn đường nhỏ này cũng phải được vẽ trên bản đồ để ta có thể dự trù, tính toán hầu không bị động trong kế hoạch. Và các nhà khoa học nói có kế hoạch là đã đi được 2/3 đoạn đường. Nếu không có sẵn bản đồ ta sẽ mất nhiều công sức và thời gian để mò mẫm.
Nhưng không có cuộc đời nào mà không gặp những khúc quanh bất ngờ. Những con người gặp trên đường đời, những biến cố bất ngờ xảy ra là những cơ hội dù xấu hay tốt. Chính ta biến đổi nó thành một cơ hội, một vận may mới.
Trên đường đi tới, ta có thể gặp cơ hội tốt như xin được một học bổng du học, gặp những người thầy giỏi giúp chúng ta tiến bộ. Nhưng ta cũng không tránh được các biến cố rủi ro. Như anh Trần Bá Thiện trở nên mù lòa do một tai nạn đã trở thành “hiệp sĩ tin học” vì đã khắc phục trở ngại tưởng như không thắng nổi để học vi tính rồi tìm cách làm các phần mềm đặc biệt cho người mù. Các biến cố trong cuộc đời có thể làm cho ta đi theo một khúc quanh, thay đổi đoạn đường, nhưng nếu xuất phát từ ước mơ, ta sẽ về tới đích.
Làm kế hoạch cụ thể như thế nào?
Trước tiên là chia con đường tới đích thành những giai đoạn ngắn khả thi.
Ví dụ tôi muốn trở thành một nhà ngoại giao để giúp bạn bè năm châu hiểu về đất nước và con người VN. Ít nhất tôi phải có thạc sĩ trong một ngành bang giao quốc tế, biết tối thiểu hai ngoại ngữ, có kiến thức về các nước trên thế giới và giỏi giao tiếp.
Nhưng tôi mới học lớp 11. Giai đoạn ngắn trước mắt là tôi phải tốt nghiệp lớp 12. Giai đoạn kế tiếp là đậu vào đại học và bốn năm học cử nhân. Rồi hai năm thạc sĩ. Và chưa chắc gì mọi sự sẽ diễn ra suôn sẻ. Gia đình tôi chỉ trung bình về kinh tế, tôi sẽ đi làm việc vào các kỳ hè để lo một phần chi phí. Tôi sẽ cố gắng tìm những công việc tạo cho tôi điều kiện thực hành tiếng Anh, giao tiếp với người nước ngoài... Tôi phải dự trù hai khả năng, một là đậu vào một ngành bang giao quốc tế, hai là rớt. Nếu rớt tôi sẽ đi làm và tập trung học ngoại ngữ hay học một ngành khác, và tại sao? Ở từng giai đoạn tôi sẽ phải điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với điều kiện và khả năng thực tế.
Kế hoạch của tôi phải khả thi. Tôi sẽ không với quá cao để rồi nếu không đạt được sẽ thất vọng và chán nản bỏ cuộc. Tôi phải tự biết mình, năng khiếu và mặt mạnh, mặt yếu của mình. Tôi nên bàn bạc với cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Như trong các lĩnh vực hoạt động khác tôi phải tự trả lời cho mình các câu hỏi (4 W và l H) sau đây :
WHAT : Cái gì? Tôi định làm gì, trở thành ai, theo đuổi mục đích nào?
WHY : Vì sao? Vì sao tôi theo đuổi ngành này? Vì cha mẹ thúc ép, vì bạn bè rủ rê? Vì nó đang là thời thượng? Hay vì tôi yêu thích, vì nó thật sự có ý nghĩa cho cuộc đời tôi?
WHO : Ai? Ai có liên quan? Trước tiên là tôi? Liệu tôi có đủ năng lực và kiên nhẫn để đeo đuổi mục đích cho đến cùng? Tôi có dễ chán nản và hay bỏ cuộc không? Sức khỏe của tôi có tốt, đủ để theo đuổi ngành học không?...
Những người có liên quan nghĩ sao? Ai là người hỗ trợ đắc lực trong những người thân (cha mẹ, thầy cô, bạn bè...)?
Đâu là trở lực? Nếu bố không đồng ý, làm sao thuyết phục? Nhờ mẹ hay anh chị lớn, hoặc cô chú nói giúp?
WHEN : Lúc nào? Vào thời điểm nào tôi sẽ khởi đầu và kết thúc giai đoạn nào của kế hoạch?
HOW : Bằng cách nào? Tôi sẽ cố gắng tích lũy học phí như thế nào? Tìm học bổng ra sao? Chọn trường nào để học ngoại ngữ tốt nhất? Trình bày ước muốn của mình với cha mẹ ra sao để thành công?
Tôi không chỉ làm một kế hoạch lớn, tổng quát mà chia nó ra thành nhiều kế hoạch nhỏ theo từng năm, từng sáu tháng, từng tháng và thậm chí từng tuần với công việc và giờ giấc cụ thể.
Muốn thực hiện tốt kế hoạch lớn phải hoàn thành kế hoạch nhỏ. Muốn làm chủ cuộc đời mình thì phải làm chủ bản thân trong việc nhỏ. Sống kỷ luật, làm ra làm, chơi ra chơi, giải phóng chúng ta. Chúng ta không bị stress, bị lương tâm cắn rứt vì đã phí phạm thời gian...
TS Xã hội học Nguyễn Thị Oanh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét