"Tôi thoát ra khỏi vũng bùn ma tuý là nhờ nỗ lực không mệt mỏi của vợ tôi. Ngay cả khi biết tôi bị HIV, cô ấy cũng không từ bỏ mà còn động viên, an ủi chăm sóc tôi chu đáo. Những người đàn ông nghiện hút hoặc bị nhiễm HIV nhìn vào gia đình tôi với nỗi khát khao bỏng cháy và niềm ao ước giá như vợ họ được một phần của vợ tôi. Tôi vô cùng biết ơn, cảm phục và luôn có cảm giác “mắc nợ” vợ mình”.
Đó là những lời sâu lắng nhất mà anh Nguyễn Văn L nói về người vợ, chị Phạm Phương H (xã Nam Phong - thành phố Nam Định)...
Đó là những lời sâu lắng nhất mà anh Nguyễn Văn L nói về người vợ, chị Phạm Phương H (xã Nam Phong - thành phố Nam Định)...
18 tuổi, đang theo học Trung cấp Nông nghiệp, cô thiếu nữ khá duyên dáng với hai chiếc răng khểnh, quê ở miền biển Hải Hậu quyết định kết hôn trước sự sửng sốt của gia đình.
Vài tháng sau ngày cưới, bụng mang dạ chửa, H đau đớn phát hiện ra chồng mình nghiện ma tuý. Thất vọng, suy sụp tới mức mất ăn, mất ngủ rồi H gượng dậy đối diện với sự thật bằng suy nghĩ chín chắn, già dặn hơn rất nhiều so với lứa tuổi.
Không gằn hắt, oán trách, ruồng rẫy chồng, H tỉ tê phân tích rằng ma tuý là một tệ nạn xã hội không chỉ huỷ hoại con người về sức khoẻ, sự sống mà còn làm biến dạng nhân cách của họ, gieo rắc khổ đau cho những người ruột thịt, rằng đã trót sa chân vào nó rồi thì phải can đảm tìm cách thoát ra. H thuyết phục chồng cai nghiện để vợ chồng cùng nhau gây dựng kinh tế, vun đắp cho tổ ấm của mình.
Tình yêu và sự tận tụy hết lòng của H đã giúp chồng cô thức tỉnh nhận ra cái sai và tha thiết muốn sửa đổi. Nhưng sự cám dỗ đầy ma lực của ma tuý đâu dễ buông tha cho những con người đã dại dột dấn thân vào nó dẫu mới chỉ “thử một lần cho biết mùi”. Năm lần bảy lượt chồng H tuyên bố từ bỏ ma tuý, nhưng chỉ ít ngày sau lại tìm đến với khói thuốc bởi không vững vàng được trước lôi kéo của đám bạn nghiện.
Để tách chồng ra khỏi “môi trường sống thiếu lành mạnh”, năm 2002, H cùng gia đình xin cho chồng cô đi lao động ở nước ngoài. Bất hạnh thay kết quả xét nghiệm máu cho thấy chồng H đã bị nhiễm HIV.
Thời điểm đó cả hai vợ chồng H đều mới vừa tròn 20 tuổi. Khi đó đất trời như cuồng quay, chao đảo trước mắt H, nhưng cô không cho phép mình tuyệt vọng, buông xuôi mà tự an ủi rằng đó là số phận. Hơn nữa, cuộc hôn nhân này do chính cô lựa chọn nên dù xảy ra bất cứ chuyện gì cô cũng phải tự mình gánh chịu không làm ảnh hưởng tới người khác...
Khi biết chắc chắn mình và con trai may mắn không bị lây nhiễm HIV, H không bỏ mặc chồng để bảo đảm sự an toàn cho bản thân như lời khuyên của một số người. H giấu không cho chồng biết bệnh tình, chỉ kiên trì thuyết phục chồng cai nghiện.
Đầu năm 2004, cơ thể chồng H phát bệnh ngoài da nặng, sức khoẻ giảm sút nghiêm trọng tới mức đi lại còn khó khăn. Tình thế ấy buộc gia đình phải thông báo về bệnh tật cho anh biết.
Sự thật cay đắng vùi dập chồng H vào cùng quẫn, bế tắc, anh giam mình trong tuyệt vọng và những suy nghĩ tiêu cực rồi anh lại “nổi loạn” dữ dội hơn khi biết mình chẳng còn sống được bao lâu.
Nhẫn nại, kiên quyết mà khéo léo, tế nhị, H lựa thời điểm thích hợp khơi gợi tới tình cảm vợ chồng và sự gắn kết là đứa con thơ dại để đánh thức những khát vọng sống nơi trái tim người chồng.
Qua những lần chồng cai nghiện thất bại trước, H thấm thía rằng muốn đoạn tuyệt với ma tuý thì yếu tố quan trọng nhất là sự quyết tâm của bản thân người nghiện nên cô chỉ nhẹ nhàng tác động để chồng cô tự thân tích tụ ý chí, nghị lực và “sức đề kháng” trước cám dỗ của “nàng tiên nâu”.
Sự bao bọc của bố mẹ, tình yêu đằm thắm, mãnh liệt của người vợ trẻ đã giúp chồng H chủ động đề ra nguyện vọng cai nghiện tại nhà và đã dứt điểm thoát ra khỏi sự đeo bám nghiệt ngã gần chục năm của ma tuý.
Cai nghiện đã khó, song giữ để không bị tái nghiện còn khó hơn gấp bội lần. Ý thức rất rõ điều đó nên H luôn kề cận bên chồng để kịp thời xoa dịu những mặc cảm, tự ti bệnh tật, dập tắt những yếu đuối, bi lụy nơi anh. H làm mọi cách để tạo cho chồng tâm lý thoải mái, vui vẻ, có khát vọng vươn lên.
H tỏ ra tự tin nói với chồng rằng: “Một ngày sống tốt, có ý nghĩa còn hơn cả ngàn ngày tồn tại trong bê tha, vất vưởng và sự rẻ rúng của người đời”.
H tìm hiểu rồi động viên chồng tham gia sinh hoạt các CLB dành cho đối tượng nhiễm HIV để nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ những người cùng cảnh ngộ. Bản thân H cũng tự nguyện trở thành hội viên của những địa chỉ đó mặc dù cô không bị nhiễm HIV và nhiều lần gặp “tai nạn” như : Bị chụp ảnh đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, bị quy chụp là đồng đẳng trong nhóm người nhiễm HIV...
Từ khi có chính sách điều trị miễn phí bằng thuốc ARV cho những bệnh nhân HIV/AIDS sức khoẻ của chồng H có nhiều tiến triển tốt. H tỏ ra lạc quan khi hướng chồng tới niềm tin dù mong manh : Một ngày không xa sẽ có thuốc đặc trị căn bệnh này...
Từ khi sức khoẻ ổn định, chồng H đã chăm chỉ làm ăn. Hiện nay chồng H đang làm công nhân tại một xưởng cơ khí, còn H chăm sóc 4 sào vườn trồng cây cảnh. Thu nhập của hai vợ chồng tuy chưa ở mức khả quan, dư giả song cũng đảm bảo cho họ đời sống ổn định.
Không phụ sự hy sinh của người phụ nữ mới 25 tuổi, song đã kinh qua khá nhiều biến cố, thăng trầm, cô sinh thêm một đứa con vẫn giữ được sự an toàn cho hai mẹ con cô. Đó chính là động lực giúp chồng H vượt qua ám ảnh bệnh tật để lao động và vui sống, cùng vợ nuôi dạy hai đứa con, tạo dựng cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc...
Tuấn Nguyễn (Báo Phụ Nử VN)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét