Home » , , , » Trở thành người “không thể thay thế” để tránh bị sa thải

Trở thành người “không thể thay thế” để tránh bị sa thải

Hiện nay, tình hình kinh tế ngày càng khó khăn khiến nhiều công ty rơi vào thế khủng hoảng tài chính. Do đó, để cải thiện tình hình tài chính của mình, dù muốn dù không thì khi không còn cách nào khác, lãnh đạo của các công ty ấy buộc phải cắt giảm bớt nhân sự để giảm chi phí. 


Vậy nếu chẳng may công ty bạn đang làm việc bị rơi vào tình thế đó thì sao? Khủng hoảng kinh tế không chừa bất kỳ ai, vậy thì cách tốt nhất là hãy nghĩ đến tương lai của bạn ngay từ bây giờ bằng cách xây dựng một nền tảng thật tốt, thật vững vàng tại công ty, để dù có chuyện gì xảy ra, bạn cũng không bị nằm trong “danh sách đen” những người bị sa thải.

Nói cách khác, để tránh bị sa thải, bạn phải là một người “không thể thay thế” trong công ty. Câu hỏi đặt ra lúc này là, phải làm thế nào để được như vậy? Sau đây là một vài gợi ý có ích trong trường hợp bạn đang băn khoăn với vấn đề này.

Cần cù và chăm chỉ
Siêng năng và mẫn cán chính là yếu tố đầu tiên để bạn được đánh giá tốt, vì nhờ nó mà năng suất làm việc của bạn luôn ở mức cao. Tuy thế, nói như vậy không phải rằng bạn chỉ cần cù và chăm chỉ đối với những công việc được giao không thôi là đủ mà phải tự tìm kiếm cơ hội để được thể hiện năng lực của mình và cố gắng hoàn thành khối lượng công việc ấy tốt hết mức có thể. Sẽ không một công ty nào muốn nhân viên của mình lười biếng làm việc và chắc chắn rằng những người mắc phải tật xấu này sẽ là đối tượng bị sa thải đầu tiên khi đến lúc cần thiết.

Sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp
Trong một lúc nào đó, có thể việc giúp đỡ đồng nghiệp đối với bạn là vừa phiền phức vừa tốn thời gian và bạn nghĩ rằng không việc gì phải giúp họ, vì đó không phải nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, hãy tin rằng “không có một hành động nào trong cuộc đời là vô ích cả”. Việc sẵn sàng giúp đỡ người khác sẽ chứng tỏ bạn có chỉ số EQ cao (EQ = chỉ số cảm xúc hay sự thông minh của tâm hồn). Vì thế, nếu được đề nghị giúp đỡ, chỉ cần cảm thấy bảo đảm rằng việc giúp đỡ cô ấy/anh ấy không gây trở ngại gì cho mình thì bạn đừng ngại, thậm chí tự mình chủ động đề nghị càng tốt. Thế là bạn đã chiếm được cảm tình của một đồng nghiệp rồi. Sau này biết đâu việc sa thải lại được tiến hành bằng cách bỏ phiếu, đến lúc đó hãy yên tâm rằng 99% anh ấy/cô ấy sẽ bỏ phiếu để giữ bạn lại.

Ngày mai phải tiến bộ hơn hôm nay
Một trong những đặc điểm khiến mọi người không đánh giá bạn cao là bởi vì bạn không tiến bộ so với lúc ban đầu dù đã được trui rèn trong môi trường làm việc. Lúc mới ở “vạch xuất phát” thì có thể ai cũng như ai, nhưng sau một thời gian dài khoảng vài tháng hoặc một năm, nếu bạn vẫn không khác gì với giai đoạn đầu tiên vào làm thì 80% bạn sẽ bị sa thải khi công ty gặp khó khăn. Cho nên bên cạnh hoàn thành tốt công việc hiện tại, bạn cũng hãy lưu tâm đến sự phát triển nghiệp vụ của bản thân bằng cách luôn tìm tòi, học hỏi và phát hiện ra cái mới trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình.

Luôn có chính kiến riêng
Một nhân viên luôn luôn a dua theo ý kiến của số đông sẽ không bao giờ nhận được nhiều sự tin tưởng và kỳ vọng của sếp. Trong những cuộc họp hay tranh luận, bạn hãy thể hiện góc nhìn khác biệt và cho sếp thấy rằng đối với cùng một vấn đề, bạn hoàn toàn có khả năng giải quyết nó không hề giống với những đồng nghiệp khác. Sự độc đáo và khác biệt luôn luôn có giá trị cao hơn nhiều so với những người quen đi theo tâm lý đám đông. Ý kiến và cách làm của bạn có thể không phải lúc nào cũng hay hơn mọi người nhưng nó thể hiện được “bạn là ai?”, nói cách khác đó chính là cái “tôi” của bạn mang một gam màu riêng, không hề giống với bất cứ ai.

Thường xuyên góp ý chân thành với sếp
Những người lãnh đạo cấp trên sống trong một môi trường hoàn toàn khác với bạn nên có đôi khi sẽ không nắm bắt được toàn cảnh tình hình công việc bằng chúng ta. Vì vậy, khi phát hiện ra vấn đề gì đó dù nhỏ nhưng có nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu hoặc chất lượng sản phẩm của công ty, thay vì bàn ra tán vào với bạn bè đồng nghiệp, bạn hãy góp ý chân thành với sếp. Tuy không nói ra nhưng đối với những người đứng ở vị trí lãnh đạo, những sự chia sẻ tận tình đó đều vô cùng đáng quý và thể hiện được sự hết lòng hết dạ của bạn đối với công ty mà mình đang làm việc.

Hồng Châu - CareerLink.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét