Home » » Mùa hè khắc nghiệt - Chương 4

Mùa hè khắc nghiệt - Chương 4


Đoàn Thạch Biền
Mùa hè khắc nghiệt
Chương 4
Chiếc quạt trần ở văn phòng đã chạy hết tốc độ, những cửa sổ đã được mở toang, Thạch vẫn thấy nóng nực. Anh cố đánh cho nhanh một hợp đồng giao hàng ở chiếc máy vi tính đã quá cũ để có thể đi xuống phân xưởng đón các ngọn gió biển thổi vào. Chị Yến ngồi ở bàn thủ quỹ đối diện gọi:
- Thạch qua đây ký sổ lãnh lương.
Thạch ngẩng đầu ngạc nhiên:
- Hết một tháng rồi sao chị?
Chị Yến cười:
- Hết một tháng rồi. Bộ Thạch thấy thời gian ở đây qua mau lắm sao?
Thạch gật đầu:
- Có lẽ tại công việc ở đây mới lạ đã cuốn hút em, khiến em quên đi ngày tháng.
- Vậy em có thể “mọc rễ” ở đây được rồi. Ngay tháng đầu, giám đốc đã trả lương cho em tám trăm ngàn đồng, chứng tỏ ổng biết em thích hợp với công việc của hãng.
Thạch bước đến bàn chị Yến, ký vào sổ lương, lãnh tiền.
- Cảm ơn chị. Công việc ở đây, em có thể thích hợp được nhưng thời tiết quá nóng, không biết em có chịu nổi không.
- Thời tiết nóng thì tắm biển cho mát, còn vẫn nóng thì nhờ con nhỏ Trân quạt cho mát.
- Nhỏ Trân nào chị?
Chị Yến bật cười:
- Đừng giấu chị. Xứ này nhỏ lắm, có chuyện gì người ta biết ngay. Con gái xứ biển trưởng thành sớm. Con nhỏ Trân đã mười tám tuổi, em cưới nó rồi “mọc rễ” luôn ở đây cũng được. Có điều con nhỏ đó “lanh” lắm, không biết em trị nổi nó không. Thôi, chị xuống phân xưởng phát lương cho công nhân.
Buổi sáng chủ nhật, trời đứng gió. Mặt biển phẳng lặng và những cây dương ở xóm chài cũng đứng im, không phát ra những tiếng kêu vi vu. Trong nhà chú Sáu, Thạch và Trân ngồi ở chiếc bàn kê sát của sổ. Trên bàn có mấy cuốn sách, vở. Trân nhìn Thạch hỏi:
- Bây giờ ông muốn em gọi là ông, là anh Hai hay là thầy?
Thạch bật cười:
- Em thích gọi tôi là gì cũng được.
- Ông không thể tự quyết định được à?
- Tôi tự quyết định được chứ. Bây giờ tôi quyết định làm theo quyết định của em.
Trân cười:
- Ông khôn ghê! Vậy em quyết định: Khi ông dạy học, em gọi ông là thầy. Ở ngoài đường, em gọi ông là anh Hai. Ở nhà lều, em gọi ông là ông vì ở đó chúng ta giao dịch với nhau qua việc mua bán cá như những người xa lạ. Ông đồng ý không?
Thạch lắc đầu:
- Rắc rối quá! Thôi chúng ta bắt đầu học. Em thấy em học yếu nhất môn nào để tôi dạy kèm cho em?
Trân nhíu mày suy nghĩ rồi trả lời:
- Môn văn.
- Trời đất, đấy là môn tôi yếu nhất. Tôi chỉ có thể dạy kèm cho em các môn toán, lý, hoá và Anh văn.
- Vậy thầy dạy Anh văn cho em.
- Sao em chọn học Anh văn trước?
- Vì tiếng Anh nói I, You không ”rắc rối” như khi nói tiếng Việt.
Thạch mở cuốn sách Tiếng Anh lớp 11, chỉ bài học đầu tiên cho Trân tập đọc. Nghe em phát âm sai những chữ This, That… Thạch lắc đầu. Anh để đầu lưỡi giữa hai hàm răng phát âm This, That. Trân bắt chước, lè lưỡi ra và cắn vào lưỡi khiến em bịt miệng xuýt xoa. Thạch bật cười, rót cho em một ly nước và nói:
- Thôi hôm nay tạm ngưng học Anh văn, để cho cái lưỡi của em lành lặn. Tôi sẽ dạy em môn toán.
Hai người đang cắm cúi giải một bài toán. Đồng hồ treo tường gõ mười hai tiếng. Trân reo lên:
- Hết giờ học rồi. Thầy đợi em dọn cơm mời thầy ăn luôn.
Thạch xua tay:
- Thôi khỏi. Tôi mới lãnh lương hôm qua. Tôi sẽ đãi em đi ăn bánh xèo, bánh căng.
Trân vỗ tay:
- Hoan hô thầy!
Hai người bước ra khỏi nhà. Nắng lỗ chỗ trên mặt cát vì vướng những tàng dương xanh trên cao. Buổi trưa, xóm chài im vắng vì những người đi đánh cá chưa về bến. Một vài ông già, bà già mắc võng giữa hai gốc dương tìm giấc ngủ trưa.
Trân dẫn Thạch đi ra đầu xóm rồi ghé vào một quán lợp lá dừa sơ sài. Một người đàn bà đang ngồi khuấy nồi bột trắng, bên cạnh là hai lò lửa có đặt hai khuôn đổ bánh căng. Trân nói:
- Dì Bảy cho con một đĩa bánh căng.
Người đàn bà múc bột đổ vào hai khuôn rồi đậy nắp khuôn lại chờ bánh chín. Bánh căng là món ăn bình dân ở nơi đây, người ta có thể ăn bất cứ lúc nào trong ngày. Dì Bảy múc hai chén nước chấm đưa Trân. Em lấy đũa giằm nát những con cá nhỏ trong chén, gắp xương cá quăng đi rồi đưa chén nước chấm cho Thạch. Dì Bảy đặt đĩa bánh căng nóng hổi xuống chiếc bàn thấp. Trân gắp một cặp bánh căng bỏ vào chén nước chấm của Thạch.
- Anh Hai ăn đi.
Thạch thích thú ăn luôn một hơi ba cặp bánh căng rồi buông đũa.
- Anh Hai ăn thêm đi.
Thạch xoa bụng:
- Tôi no căng bụng rồi.
Trân gắp thêm một cặp bánh căng vào chén của Thạch:
- Anh Hai ăn bánh căng mà căng bụng thì đúng là bánh căng thật. Không phải bánh dỏm như mấy nơi khác bán. Anh Hai ăn nữa đi!
Thạch cầm chén lên, cố ăn. Dì bảy chăm chú nhìn Thạch rồi quay qua hỏi Trân:
- Nè con, dì biết anh Hai của con mà. Đâu phải là cậu này.
Trân vừa ăn vừa trả lời:
- Anh đó thành anh Ba rồi vì ảnh sanh sau anh này hai ngày.
- Con nói chi lạ, dì không hiểu?
- Con cũng đâu có hiểu tại sao anh Hai này lại sanh trước anh Ba con hai ngày?
Thạch ôm bụng cười và Trân cũng cười theo. Dì Bảy ngơ ngác nhìn họ…
Bên trong một ngôi nhà thờ cổ, cha Tâm đang đàn cây đàn Organ cũ kỹ, tập cho ca đoàn của nhà thờ hát một bản thánh ca, chuẩn bị cho ngày lễ thánh. Trân mặc áo dài trắng, cổ đeo sợi dây chuyền có cây thánh giá. Em đứng ở hàng đầu của ca đoàn, cùng các bạn cất cao giọng hát theo tiếng đàn của cha Tâm.
- Nào chúng ta hát lại một lần nữa trước khi ra về.
Cha Tâm dạo đàn. Tiếng hát bay cao lên vòm nhà thờ rồi lan ra ngòai những khung cửa mở.
Thạch đang đi dạo bên ngoài nhà thờ. Tiếng đàn, tiếng hát đã lôi cuốn anh bước vào nhà thờ. Anh ngồi xuống một chiếc ghế trống, lắng nghe bài thánh ca một cách say mê rồi anh cúi đầu xuống thành ghế trước. Thạch nhớ lại đêm Noel ở một làng chài miền Trung mà anh đã dự. Nơi đó người dân còn nghèo khổ. Nhà thờ được lợp tôn, gác chuông dựng trên những thân tre cao. Các con chiên phải quỳ gối đọc kinh ngoài sân trên cát ướt. Tiếng kinh cầu lẫn trong tiếng gió, tiếng sóng và sương lạnh, đã khiến Thạch thầm hiểu tại sao người ta cần phải có đức tin để sống và vươn lên. Vậy mà anh…
Một cái vỗ vai làm Thạch giật mình, ngẩng đầu lên. Cha Tâm đứng trước anh mỉm cười:
- Con đang cầu nguyện?
Thạch lúng túng:
- Dạ không. Con xin lỗi cha.
- Con không phải là người dân ở đây?
- Dạ phải. Con mới ở Sài Gòn ra đây làm việc.
- Con cũng không phải là tín đồ Thiên chúa giáo?
- Dạ phải.
- Vậy con vào đây có ý nguyện gì?
- Con đi ngang qua nhà thờ. Chính bài thánh ca đã lôi cuốn con vào đây. Âm nhạc rất thanh thoát khiến con muốn tin tưởng vào một điều gì đó.
- Con đang thiếu đức tin?
- Dạ phải.
- Vậy con muốn bắt đầu bằng âm nhạc?
- Thời sinh viên con cũng chơi đàn Organ cho ban nhạc trường Đại học Kinh tế.
- Con hãy bắt đầu bằng âm nhạc ca ngợi Thiên chúa rồi con sẽ được gần Chúa. Cha cũng bận nhiều việc. Nếu có thể, mỗi chiều chủ nhật, con đến đây phụ cha đàn Organ cho các em trong ca đoàn tập hát.
- Con chưa đàn thánh ca bao giờ.
- Con cứ đàn thử đi. Có lòng tin sẽ làm được mọi chuyện.
- Con xin cảm ơn cha.
Thạch bước đến cây đàn Organ. Anh bắt đầu đàn bản ”Đêm thánh vô cùng”. Cha Tâm lắng nghe rồi mỉm cười…
Bước ra khỏi nhà thờ, Thạch đi thẳng xuống bãi biển. Vượt qua hàng cây xương rồng đang nở những bông hoa đỏ ối, Thạch thấy biển xanh thẳm đến tận chân trời. Anh ngồi xuống bãi cát, suy nghĩ lời cha Tâm nói: “Có lòng tin thì sẽ làm được mọi chuyện”. Nhưng anh biết tin vào cái gì bây giờ?
Trân đã về nhà thay áo dài, mặc áo bà ba màu tím than để đi xuống bến cá. Tình cờ thấy Thạch ngồi một mình trên bãi biển, em đến đứng sau lưng Thạch:
- Hù!
Thạch giật mình đứng dậy.
- Em làm tôi sợ mất hồn!
- Anh Hai nhát gan quá vậy?
Thạch cười bào chữa:
- Tại tôi bị đau gan.
- Hồi nãy anh Hai đàn ở trong nhà thờ phải không?
- Sao em biết?
- Tiếng đàn của cha Tâm em nghe đã quá quen vì em ở trong ca đoàn mà. Còn tiếng đàn của anh Hai nghe lạ lắm!
- Lạ ở chỗ nào?
Trân nhíu mày suy nghĩ rồi nói:
- Tiếng đàn của anh Hai không thanh thoát, trôi chảy như tiếng đàn của cha Tâm. Nó cứ ngập ngừng sao sao ấy.
- Em nhận xét đúng. Tiếng đàn của tôi còn ngập ngừng vì thiếu đức tin.
- Anh Hai không tin vào Chúa?
Thạch cúi xuống lượm một vỏ ốc trên cát rồi ném mạnh vào một con sóng lớn đang ùa vào bờ. Ào, con sóng rút đi mất hút…
Thạch nói:
- Em thấy con sóng to lớn đó chứ? Nó gầm gào dữ dội ùa vào bờ rồi im lặng mất hút. Tôi nhớ đến câu “Sinh tử thị ba”. Sống chết như một đợt sóng. Nó khiến tôi không tin điều gì có thật trên đời này. Tất cả chỉ là ảo!
- Vậy anh Hai cũng không có thật ở đời này?
- Đúng vậy.
- Vậy ai đang đứng bên em?
- Một người tạm là tôi.
- Vậy ai đứng bên anh Hai?
- Một người tạm là Trân.
- Cái gì cũng tạm, vậy cái ”tạm là” phải có thật chứ?
- Đúng vậy. Nó có thật một cách ”tạm là”.
Trân lắc đầu, gió thổi mái tóc em bay phủ kín khuôn mặt. Em vuốt mái tóc ra sau và nói:
- Anh Hai nói khó hiểu quá.
Thạch cười:
- Chính em đã làm cho những câu trả lời của tôi trở thành khó hiểu.
Trân trợn mắt:
- Lỗi tại em?
- Tại tôi nữa, vì tôi đã cố gắng giải thích một cách vô ích những điều không có thật.
- Dù sao, em vẫn tin phải có một điều gì đó có thật trên đời này.
- Theo em, điều đó là gì?
Trân cúi đầu, di di đôi dép quai vàng rực trên cát.
- Điều đó là điều… sau này anh Hai sẽ hiểu.
Nhìn đôi dép quai vàng rực của Trâm ánh lên trong buổi chiều tà, tự nhiên Thạch thấy bụng đau nhói và miệng ứa ra chất nước đắng. Bệnh đau gan của Thạch vẫn thường xảy ra bất chợt như vậy. Mặc dù anh đã đi bệnh viện chữa trị nhưng vì không bỏ được rượu bia, cà phê, thuốc lá nên cơn bệnh vẫn âm ỉ. Về đây anh lại ăn toàn đồ biển nên cơn bệnh dễ bộc phát.
Thạch cúi xuống giật đôi dép ở chân Trân ném ra biển rồi anh ngã gục xuống cát. Trân hốt hoảng lay vai Thạch và la lên:
- Anh Hai, anh Hai sao vậy?
Cơn đau chợt đến rồi chợt đi khiến Thạch tỉnh dần. Anh nghe loáng thoáng tiếng khóc thút thít của Trân nên cố chống tay ngồi dậy trên cát.
- Anh Hai có mệt không, để em nhờ người ta dìu anh Hai về?
Thạch xua tay rồi lấy một điếu thuốc châm lửa hút.
- Tôi khoẻ rồi.
- Anh Hai bị trúng gió hả?
- Không, tôi bị bệnh đau gan hành.
- Vậy “đồng bệnh tương lân” rồi!
- Đừng nói xạo. Trái tim tôi rất tốt, nó đâu bị trục trặc như trái tim em.
- Nhưng anh Hai có lá gan bị trục trặc. Tất cả những người có bệnh đều “tương lân”, bất kể bệnh gì.
Thạch phì cười vì lý luận của Trân. Anh đứng dậy nói:
- Trời sắp tối rồi, chúng ta đi về chợ, tôi sẽ mua đôi dép khác đền cho em.
- Tại sao anh Hai quăng đôi dép của em xuống biển vậy?
- Khi cơn đau nổi lên, tôi rất dị ứng với màu vàng. Càng nhìn màu đó tôi càng thấy đau thêm.
Về đến chợ, Thạch ghé vào một quán bán hàng tạp hóa. Có một đống dép ở góc nhà và anh dễ dàng tìm thấy một đôi dép có quai màu vàng rực giống như đôi dép trước của Trân. Thạch đưa đôi dép cho Trân đi thử có vừa không, em nói:
- Sao anh Hai chọn đôi dép quai màu vàng?
- Đấy không phải là màu em ưa thích sao?
- Trước kia cơ, còn bây giờ em thích đôi dép quai màu nâu giống anh Hai.
- Đừng bắt trước người khác, xấu lắm.
Mặc cho Thạch chê, Trân vẫn lựa đôi dép quai màu nâu rồi mang vào chân, bước đi…

0 nhận xét:

Đăng nhận xét