Những sai lầm dễ mắc phải trên hành trình tìm việc

Bạn đang tìm kiếm một công việc, nhưng gần như chưa bao giờ nhận được một cuộc gọi nào hoặc một cơ hội nào như ý muốn? Có thể là do bạn đã mắc phải một trong những sai lầm sau đây trên hành trình tìm việc:

1. Tìm kiếm không mục đích

Nếu bạn gửi đơn xin việc đến quá nhiều công ty mà ngay cả đến bản thân bạn cũng không nhớ nổi tên hoặc lĩnh vực của những công ty đó, điều này có nghĩa là bạn đang lãng phí thời gian quý báu của mình. Ít nhất, bạn cũng phải xác định được một công việc, một vị trí lý tưởng. Vì vậy, hãy ngừng ngay hành trình tìm kiếm không mục đích đó lại. Thật chậm rãi, ngồi xuống suy nghĩ kĩ lưỡng và chắc chắn về loại công việc mà bạn thật sự mong muốn để có thể tìm kiếm một cách tập trung hơn và điều chỉnh CV theo một định hướng phù hợp nhất.

2. Mắc phải những thói quen xấu khi phỏng vấn

Những thói quen xấu khi phỏng vấn như: dáng ngồi thõng vai, ngọ nguậy không yên trên ghế, cắn móng tay, hất tóc liên tục, mắt không dám nhìn thẳng vào người đối diện… chính là những dấu hiệu để nhà tuyển dụng xác định nhận ra bạn đang rất thiếu tự tin. Vì vậy, hãy tìm hiểu một cách kĩ lưỡng về ngôn ngữ cơ thể trước khi bước vào một buổi phỏng vấn để tránh những hành động thừa thãi và chứng minh với nhà tuyển dụng rằng, bạn chính là ứng cử viên tốt nhất cho vị trí công việc mà họ đang cần.

3. Trang phục không chuyên nghiệp

Gặp gỡ với nhà tuyển dụng - đại diện của công ty mà bạn đang muốn xin việc -không giống như một buổi gặp gỡ bạn bè. Chính vì vậy, đừng xem nhẹ việc trang phục. Mặc trang phục quá gợi cảm hoặc quá xuề xòa, giản dị đều khiến bạn dễ bị “mất điểm”. Chỉ cần chọn một bộ trang phục sạch sẽ và nghiêm túc, nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy được sự tôn trọng mà bạn dành cho họ cũng như cuộc gặp gỡ đó.

4. Nói xấu về sếp cũ

Một câu hỏi rất thông dụng mà nhà tuyển dụng thường đề cập là “Tại sao bạn không làm việc ở công ty cũ nữa?”. Rất nhiều người tìm việc gặp sai lầm khi trả lời câu hỏi này. Họ xem như đây là một cơ hội để nói xấu về nơi làm việc cũ hoặc sếp cũ. Hầu hết nhà tuyển dụng đều không cảm thấy yên tâm khi tuyển một nhân viên có khả năng sau này cũng nói những điều tiêu cực như vậy về công ty của họ. Khi được hỏi câu hỏi này, tốt nhất bạn hãy trả lời rằng, mình đang có mong muốn tìm kiếm những cơ hội mới để mở rộng khả năng, và vị trí mà công ty đang tuyển dụng chính là sự lựa chọn phù hợp nhất.

5. Quên “theo dõi” nhà tuyển dụng sau khi phỏng vấn

Một sai lầm dễ mắc phải đó là bỏ qua giai đoạn “theo dõi” nhà tuyển dụng sau buổi phỏng vấn. 1 ngày, 2 ngày không nhận được cuộc gọi phản hồi của họ, bạn đã bỏ cuộc và bắt đầu một hành trình mới? Đừng vội vàng như vậy. Để chắc chắn rằng CV của mình đã không bị chìm vào quên lãng, hãy gửi email dài khoảng 3 hoặc 4 đoạn văn cho những nhà tuyển dụng để tóm tắt lại một cách súc tích các kĩ năng, nhắc lại sự mong chờ của bạn và cảm ơn toàn thể cán bộ nhân viên của công ty đã dành thời gian cho mình.

6. Gửi một CV quá dài

Có thể bạn đã từng làm qua rất nhiều công việc, vị trí khác nhau và bạn tự tin rằng mình rất dày dặn kinh nghiệm. Nhưng thật ra, đừng nên ôm đồm tất cả những kinh nghiệm và kĩ năng đó vào trong CV xin việc. Một bản CV dài dòng lê thê sẽ khiến nhà tuyển dụng ngán ngẩm khi đọc. Hãy ưu tiên và tập trung vào những kĩ năng và kinh nghiệm có liên quan mật thiết đến vị trí công việc mà bạn đang ứng tuyển.

7. Quá xem trọng bản thân
Có thể do không để ý mà nhiều người dần bị hình thành một thói quen xấu, đó là quá xem trọng và đề cao bản thân mà không quan tâm gì đến công ty mình xin việc. Đừng chỉ chăm chăm đề nghị và đề nghị: “tôi muốn một công việc như thế này”, “tôi nghĩ mình phù hợp với lĩnh vực như thế kia”, “tôi đã có nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động từ công ty cũ”… Mà hãy suy nghĩ nhiều hơn về những điều sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng: “hiện tại công ty này đang cần bổ sung điều gì?”, “mình có thể làm được gì để giúp đỡ họ?”, “mình có thể đề xuất hướng phát triển khả quan hơn như thế nào trong tương lai?”… Sự khiêm tốn nhã nhặn và quan tâm vừa đủ của bạn sẽ lay động được những nhà tuyển dụng “sắt đá” nhất.

Ai cũng có thể mắc sai lầm, nhưng điều cần thiết là cần phải nhận ra và nhanh chóng khắc phục nó, tốt nhất là ngay sau lần thất bại đầu tiên. Đừng để những sai sót không đáng có như lỗi ứng xử với nhà tuyển dụng, lỗi trang phục, lỗi xử lý tình huống… cản trở con đường thành công của chúng ta. Hành trình tìm việc cũng là một chặng đường rất quan trọng để thông qua đó, chúng ta sẽ dần dần hình thành cho mình một tác phong ngày càng chuyên nghiệp hơn.

                               Hồng Châu 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét