Trên chiến trường, chẳng có một vị tướng nào luôn thắng trận. Thế nhưng những nhà quân sự giỏi lại thường biết tìm ra từ trong thất bại những thời cơ mới giành thắng lợi. Trên thương trường cũng chẳng thiếu gì những kẻ huênh hoang đắc thắng bị người thất bại đánh thua. Chủ tập đoàn Sanyo, Nhật Bản, người được giới doanh nhân Nhật Bản gọi là “thánh kinh doanh”, từng nói rằng: “Người có võ nghệ cao cường, động tác rút mũi thương về thường nhanh hơn lúc phóng ra. Trong kinh doanh cũng vậy, doanh nhân giỏi là người biết rút lui mà không mất thời cơ”.
Thương trường luôn khắc nghiệt, nhà doanh nghiệp cho dù có năng lực và tài năng kinh doanh đến đâu vẫn có thể có lần thất bại. Do vậy, các nhà doanh nghiệp cần phải căn cứ vào tình thế lợi hay hại có thể xảy ra và có sự chuẩn bị chu đáo, có kế hoạch để thấy tiến khi thời cơ đến, thấy lùi khi cần thiết để tránh cạnh tranh không hiệu quả mà tốn công vô ích.
Trong kinh doanh, chủ doanh nghiệp đứng trước một sai lầm hay nguy cơ nào đó cần có tinh thần khẳng khái, nhìn thấy những mặt có lợi của thất bại, cố sức biến bị động thành chủ động để vươn tới những thành công mới. Trên thương trường, không phải thất bại nào cũng dẫn tới được thành công, nhưng từ những sai lầm vẫn có thể chuyện bại thành thắng.
Với doanh nghiệp mà nói, việc nghiên cứu thành công một sản phẩm mới, sự đổi mới công nghệ thường đi kèm theo vô số những thất bại. Điều quan trọng là nhà doanh nghiệp cần rút ra bài học từ trong những thất bại đó để đi đến thành công. Chỉ trong 2 tháng của năm 1994, một giám đốc chi nhánh Ngân hàng Fuji của Nhật Bản tại NewYork, Mỹ, do hoạt động đầu cơ ngoại hối không thuận lợi thua lỗ ngày một lớn đến con số khổng lồ 11,5 tỷ yên. Nhưng thua lỗ về tiền bạc của vị chủ ngân hàng này không lớn bằng việc ông ta không tự nhận biết được thất bại của mình. Nếu như sau vài lần thua lỗ, ông ta biết nhận ra và chuyển sang hướng kinh doanh khác thì có lẽ đã không thất bại đến như vậy mà có khi còn thu được lợi nhuận khác.
“Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”
Những nhà doanh nghiệp tinh khôn khi thất bại thường tỉnh ngộ ra và tự thấy mình sai ở đâu để từ đó đi đến những thắng lợi mới. Đứng trước thất bại người sáng suốt biết tự phân tích, suy nghĩ lại và cuối cùng tìm ra nguyên nhân để tìm ra cơ hội mới.
Chủ tịch Hội đồng quản trị một công ty Mỹ lúc đầu lập nghiệp đã lần lượt nghiên cứu chế tạo ra những sản phẩm dùng cho xe hơi. Về chất lượng mà nói, sản phẩm của ông lúc ấy không ai có thể phê bình vào đâu được nhưng sản phẩm vẫn không có người mua. Đứng trước thất bại này, vị chủ tịch đã tự phân tích, suy nghĩ lại và cuối cùng tìm ra nguyên nhân : Một là sản phẩm đã có người phát minh và, hai là, giá cả không hấp dẫn lắm. Sau đó, từ chỗ giao nhau giữa thị trường và kỹ thuật, ông đã phát minh ra sản phẩm mới là máy ảnh chụp ảnh lấy ngay sau một phút nổi tiếng trên toàn thế giới khiến công ty của ông nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và đi đến thành công.
Trong quá trình quản lý doanh nghiệp cũng như nghiên cứu sản phẩm mới, có nhiều trường hợp từ thất bại đã dẫn đến thành công. Và sản phẩm máy quạt gió không có tiếng ồn là một ví dụ như vậy. Công ty điện cơ Fukoma của Nhật chuyên sản xuất máy quạt gió nóng và máy nén khí loại nhỏ. Do nhu cầu bảo vệ môi trường ngày càng bức xúc lại thêm dư luận lúc đó phản đối vấn đề độc hại, thế là ngay trong nhà máy của hãng cũng có những đòi hỏi về thiết bị có lợi cho môi trường, giảm tiếng ồn, trong đó có quạt gió không tiếng ồn. Fukoma đã nghiên cứu và thử nghiệm nhiều lần, nhưng đều đi đến thất bại. Trong một lần thử nghiệm, một công nhân do vô ý nên đã thao tác sai, lắp ngược hoàn toàn cánh quạt của máy quạt gió, thế nhưng sự việc lại đưa đến một thay đổi không ai ngờ tới. Máy quạt gió lắp ngược cánh quạt, tiếng ồn lại giảm đi rõ rệt. Một thành viên trong Hội đồng quản trị vốn trải qua thời gian dài làm kỹ thuật tham gia cuộc thử nghiệm thấy vậy bèn cho thử nghiệm tiếp, kết quả là máy quạt gió không tiếng ồn đã ngẫu nhiên, hay nói cách khác - do sai lầm - mà ra đời. Sau đó, các đơn đặt hàng đã liên tục đến với công ty, sản phẩm này bỗng trở thành mặt hàng chủ lực của công ty, thị phần ngày càng được mở rộng, mở đường cho công ty Fukoma trở thành “đại gia” ngành cơ khí của Nhật Bản.
Có thể nói, thất bại là chuyện thường tình trong kinh doanh. Nhưng từ trong thất bại nhìn ra những nhân tố thành công mới để tăng được lòng tin, động viên được khí thế và lấy đó làm điểm tựa đi đến thành công mới là điều mà mỗi nhà doanh nghiệp nên hướng tới để chuyển bại thành thắng.
Bất cứ ông chủ nào, bất cứ công ty nào cũng nỗ lực hết mình để có được thành công và tránh xa những thất bại, nhưng rất hiếm khi bạn nghe nói đến những công ty chỉ thành công mà không thất bại, và những công ty thành công thường là những công ty biết tìm ra nguyên nhân thất bại để rồi từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá.
Đứng trước những thất bại trong kinh doanh, không ít người chỉ biết vịn vào 2 cái cớ là nền kinh tế đang trong thời kỳ suy thoái và do công ty mình thiếu nguồn vốn. Thực tế đôi khi không hẳn là như vậy, mà phía sau mỗi thất bại kinh doanh đều ẩn chứa một nguyên nhân chủ quan nào đó. Có nhiều trường hợp những sai lầm đáng tiếc xảy ra đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng gây thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp. Dù bạn có tin hay không, thì điều đó cũng là những kinh nghiệm đáng để học hỏi. Biết đâu chừng một lúc nào đó bạn sẽ gặp phải trường hợp tương tự, bạn sẽ không quá bỡ ngỡ hay giẫm lên “vết xe đổ” của những người đi trước.
Tìm cơ hội mới từ thất bại
Một doanh nhân người Mỹ trước khi nộp đơn phá sản cho công ty mình đã nói:“Chấp nhận thất bại thì dễ thôi, nhưng hiểu chính xác tại sao mình thất bại mới là khó”. Lời tâm sự của chủ doanh nghiệp lúc công ty buộc phải đóng cửa này xem ra không phải không có lý. Rất nhiều công ty đã phải hứng chịu thất bại chỉ vì những lý do rất nhỏ nhặt để rồi sau đó phải hối hận thốt lên câu:“Giá như…” Bất cứ thất bại nào dù nhỏ nhất cũng đều có những nguyên nhân sâu xa của nó.
- Lập kế hoạch không phù hợp : Không ai ngạc nhiên vì đây là một trong những nguyên nhân khá phổ biến, bên cạnh nguyên nhân thiếu vốn kinh doanh hay hoạt động lưu chuyển tiền mặt yếu kém. Sẽ rất quan trọng nếu bạn vạch ra một kế hoạch kinh doanh càng toàn diện và chi tiết bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Việc này có thể mất nhiều thời gian và khi một kế hoạch được chuẩn bị xong thì có thể cần thêm thời gian nhiều tuần hoặc nhiều tháng để hoàn thành. Tuy nhiên, khoảng thời gian đó không bị bỏ phí, mà chính là thời gian để có được những thành công chắc chắn hơn. Ngược lại, nếu bạn không có kế hoạch mà vẫn tiến lên phía trước theo kiểu “nhắm mắt làm bừa”, thì có nhiều khả năng bạn sẽ phải kết thúc kế hoạch đó bằng cơn đau tim và hàng chục nghìn USD tan thành mây khói.
- Thiếu năng lực và kinh nghiệm quản trị : Nhiều hoạt động kinh doanh được bắt đầu từ một người có rất ít kinh nghiệm về quản trị hoặc chưa qua đào tạo về quản trị, bởi vì tiền thân của hầu hết các nhà kinh doanh là những người tự lập. Một số người nghĩ rằng lĩnh vực quản trị chỉ là ý thức chung (common sense). Nhưng nếu các nhà quản trị không biết đưa ra những quyết định kinh doanh thích hợp, thì họ sẽ không thể đạt được thành công trong tương lai.
- Rủi ro kinh doanh, thâm hụt tài chính : Quản lý tài chính là công việc nhận định các rủi ro và chế ngự rủi ro đó. Những sai sót sẽ xảy ra khi những rủi ro trên không được phòng ngừa đầy đủ. Thông thường, sai sót bắt nguồn từ một điểm yếu kém nào đó trong kinh doanh và khi không ai chú ý đến hoặc không ai nói ra, nó sẽ nhanh chóng biến thành một vụ bê bối tài chính, chẳng hạn như một vị CFO không kịp báo trước cho các nhà đầu tư lúc tình hình xấu diễn ra, để rồi hậu quả là CEO của ông ta không thể đạt được mục tiêu của mình.
Hạnh Phạm (Doanhnhan360)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét