Chúng ta không nên coi nặng vấn đề thành bại mà hãy luôn cố gắng, cố gắng tránh thất bại và nếu vấp phải thất bại, chúng ta phải đủ can đảm nhìn nhận, tìm ở nơi đó những kinh nghiệm quý báu để tạo lấy thành công trong tương lai. Có như thế chúng ta mới thành công trên đường đời.
Can đảm là một đức tính cần phải có trong tâm tính con người. Đó là một sự thật. Một điều kiện mà con người không thể thiếu.
Tuy nhiên, can đảm là một chuyện, còn có một thứ đức tính khác cần phải đi đôi mới có thể thành công một cách dễ dàng. Đó là phải đủ bình tĩnh khi thất bại và đừng quá chán nản khi đã tạo lấy thất bại.
Thật vậy, khi chúng ta đang làm một chuyện gì cũng thế, luôn luôn có thành thì tất phải có bại. Thành và bại là hai thứ yếu tố mà lúc nào cũng đi song song với nhau. Khi chúng ta làm bất cứ chuyện gì cũng luôn luôn suy nghĩ đắn đo trước khi bắt tay vào việc. Và ai cũng hy vọng công việc ấy sẽ mang đến cho mình một sự thành công rực rỡ cho tới khi vấp phải thất bại vì một lý do ngoài ý muốn. Và theo thói thường, đại đa số coi đó là một thảm bại quan trong. Và sự thất bại ấy có một ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của đương sự bởi vì khi vấp phải thất bại, tự nhiên mọi người đều chán nản và tìm mọi cách để thóai thác công việc. Trước mắt, bao giờ cũng thấy viễn cảnh không sáng sủa, không gieo vào lòng một tia hy vọng nào mong manh, dù là tia hy vọng ấy chỉ có một tính cách tầm thường.
Vì vậy, khi vấp phải thất bại trong công việc, theo thói thường, chúng ta có khuynh hướng chùn bước trước tất cả mọi công việc mà trước kia đã từng dự tính làm. Nỗi sợ hãi thất bại ám ảnh tâm trí khiến chúng ta lùi bước trước gian nan rồi dần dần đi đến mục đích tối hậu là bỏ qua công việc đang làm. Đó là một tâm trạng chung cho tất cả mọi người, hầu hết là như thế.
Nhưng với trường hợp chùn bước, luôn luôn chịu sự khất phục trước gian nan, khó khăn, hoàn cảnh sẽ vô cùng tai hại bởi vì sự do dự, rụt rè này sẽ có một ảnh hưởng tai hại đến tương lai và thành công của chúng ta.
Theo kinh nghiệm, chúng ta biết rằng tất cả những con người thường hay chịu khuất phục, bất lực trước hoàn cảnh thường thường là những con người thiếu can đảm, không có tính kiên nhẫn, và do thiếu bình tĩnh mà ra. Và như thế mọi người có thể hiểu được phần nào câu trả lời cho tương lai công việc của họ làm, nghĩa là thất bại và luôn luôn thất bại.
Không ai có thể tự hào là mình có thể hoàn toàn thành công trên mọi phương diện được, có thành công tất nhiên phải có thất bại. Chuyện thành bại không phải là một yếu tố chính thức dùng để đo thiện chí và khả năng con người. Bởi vì đôi lúc, dẫu rằng toan tính, đắn đo rất kỷ lưỡng trước khi bắt tay vào tiến hành kế hoạch, nhưng không gặp được thời cơ, hay vì một lý do ngoài ý muốn cho nên bắt buộc đành phải chấp nhận thất bại. Có thể nói thất bại trong những trường hợp này là một sự bất đắc dĩ mà con người đành phải chấp nhận. Thật sự không ai thích gặp những chuyện không may. Đó là một điều đương nhiên.
Vì vậy, chúng ta không nên mang trong lòng những tư tưởng chủ bại, bi quan khi chính mình gặp những chuyện thất bại. Thái độ tốt nhất giúp chúng ta thành công là phải luôn luôn bình tĩnh can đảm, chấp nhận những thất bại của chính mình và coi những thất bại đó là nhửng kinh nghiệm quý báu và là lót đường cho sự thành công sau này. Chúng ta phải có đủ can đảm để đương đầu với những vấp ngã hiện tại và rút kinh nghiệm cho mai sau. Chúng ta hãy bình tỉnh tự xem xét nguyên nhân nào đã khiến cho công việc bị thất bại và khi đã tìm ra được những sai lầm, chúng ta hãy rút ra những bài học quý báu cho mai sau.
Đã sinh ra làm người, chúng ta phải chấp nhận quy luật tất yếu của cuộc sống : thành công và thất bại song hành ở trên trường đời và chúng ta luôn luôn tìm ở nơi đó những pho kinh nghiệm quý báu nhất để tạo lấy thành công.
Trích từ "Tinh hoa xử thế"
0 nhận xét:
Đăng nhận xét