Hãy nhận thức rõ điều này vì một cuộc sống thanh thản và hạnh phúc. Chúng ta thường có xu hướng tưởng tượng, hình dung trước những gì sẽ xảy ra trong tương lai: cuộc sống sẽ tuyệt vời thế nào trong điều kiện này hoặc ngược lại, sẽ chán trường, mệt mỏi ra sao ở điều kiện kia.
Ý nghĩ điển hình theo kiểu này là: “Mình không thể chờ cho đến khi được thăng chức. Như thế, mình sẽ cảm thấy bất lực”, “Giá mình kiếm được người trợ lý, mọi việc sẽ đơn giản hơn”, “Công việc này mình đang làm chỉ là bước đệm để mình vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn mà thôi”, “Mấy năm tới chắc sẽ là mấy năm vất vả, nhưng sau đó mình sẽ được thảnh thơi” v.v… Các ý nghĩ sẽ cuốn bạn ra khỏi cuộc sống hiện thực, làm ảnh hưởng đến khả năng hưởng thụ và hiệu quả cuộc sống của bạn.
Bên cạnh đó còn tồn tại những ý nghĩ tưởng tượng trong tương lai gần hơn: “Mấy ngày tới chắc sẽ mệt lắm đây!”, “Cuộc họp sắp tới là cả một thảm họa”, “Mình biết lần tới gặp nhau, thế nào mình và sếp cũng có cãi vã, mâu thuẫn”, “Mình phát sợ khi nghĩ đến khóa huấn luyện nhân viên sắp tới” v.v… Chi tiết có thể khác nhau nhưng có một điều không thay đổi: đó là sự căng thẳng!
Janet, một quản lý nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô nọ tâm sự với tôi: “Tôi vốn là người hay lo xa cho những chuyện chưa xảy đến. Cuối cùng tôi quyết định từ bỏ thói quen này. Tính hay lo đã ăn mòn, vắt kiệt sức của tôi dù trong suốt 15 năm qua, chỉ một lần tôi gặp phải chuyện không hay. Vậy lo lắng để được điều gì? Khi những chuyện tôi lo chẳng mấy khi xảy ra và kể cả khi xảy ra, lo lắng cũng không giúp ích gì được cho tôi”.
Một người quản lý khách sạn khác tên Gary tự đặt cho mình biệt hiệu “Kẻ lo xa đẳng cấp quốc tế”. Cứ mỗi tối trước khi ngủ, anh ta lại ngồi hình dung ra những chuyện gì tồi tệ nhất có thể xảy ra: nhà hàng vắng khách, thức ăn ôi thiu, khách hàng khó tính… Nhiều lúc anh ta còn tự cho mình là khôn ngoan vì lầm tưởng tiên đoán trước sẽ giúp anh ta tránh được những chuyện xảy ra. Thế nhưng nhiều năm trôi qua, những gì anh ta rút ra là hoàn toàn trái ngược: Sự lo lắng đôi khi tạo ra vấn đề. Theo lời anh kể, do luôn hình dung trước những sai lầm mọi người có thể gây ra, anh ta trở nên khó tha thứ cho bất cứ chuyện gì dù nhỏ nhất. “Người hầu bàn phục vụ thực đơn không đúng thứ tự cũng bị tôi khiển trách nghiêm khắc đến nỗi cô ta vô cùng thất vọng, tự hỏi liệu mình đã mắc phải lỗi lầm gì trầm trọng đến vậy. Nhìn lại mới thấy, tất cả là lỗi của tôi”.
Đương nhiên, có những lúc kế hoạch, tính toán, tiên lượng trước là yếu tố vô cùng quan trọng dẫn đến thành công. Chúng ta phải biết mình muốn gì để chọn con đường cho phù hợp. Thế nhưng chúng ta thường mắc sai lầm khi quá dựa vào những dự đoán này. Ta dùng những giây phút của hiện tại để đánh đổi lấy những giây phút trong trí tưởng tượng. Một sự tưởng tượng có thể có mà cũng có thể không bao giờ xảy ra. Thỉnh thoảng có người hỏi liệu tôi có mệt mỏi với cuộc sống triền miên trong các chuyến công tác – hết từ thành phố này đến thành phố khác. Tôi công nhận cũng có những lúc mình mệt mỏi và phàn nàn về nó, dù trên thực tế, đây là một cuộc sống rất thú vị với mỗi chuyến đi là một câu chuyện. Thế nhưng nếu tôi luôn bỏ thời gian và năng lượng để tưởng tượng trước về một loạt các cuộc phỏng vấn ngày mai, về 10 buổi trò chuyện trước công chúng sắp tới, về chuyến bay dài đêm nay, tôi chắc chắn phải kiệt quệ vì quá tải. Thay vì đơn giản thực hiện những gì cần làm, nếu ta để ý nghĩ chú trọng vào những gì ta sẽ làm, ta sẽ phải đón nhận sự căng thẳng.
Giải pháp chỉ có một cho tất cả chúng ta. Hãy quan sát và tóm lấy những ý nghĩ kiểu này. Đồng thời kiềm chế chúng và đưa chúng trở lại đúng với vị trí hiện tại. Rồi bạn sẽ thấy mình kiểm soát được cuộc sống chỉ với mức độ căng thẳng vừa phải.
Trích từ "Thăng tiến trong sự nghiệp" - Richard Carlson
0 nhận xét:
Đăng nhận xét