Home » » Bỏ đại học, đi làm có là... điên rồ?

Bỏ đại học, đi làm có là... điên rồ?

Tôi đang học Đại học Kinh tế năm 3, rất ngán ngm chuyện học. Hè vừa rồi tôi thử đi làm marketing tại công ty của người anh họ, thấy công việc rất thú vị, có tiền lại còn được khen có khiếu với công việc này.


Tôi định... bỏ học, đi làm luôn vì sẵn có trớn, lại có nơi đang cần người như tôi, vào là nhận liền, không cần bằng cấp, lương khởi đầu 4 triệu đồng/tháng. Xin hỏi, liệu quyết định của tôi có ổn không?

                                                    Đức Kiệt
*********************************
- Trả lời tư vấn của Paul Hưng Nguyễn, Tổng giám đốc Vietnam Online Network :

Một bước ngoặt lớn lao đến với tôi ở tuổi 19 khi quyết định rời trường đại học với chuyên ngành kỹ sư phần mềm máy tính để trở thành chuyên viên marketing cho Toyota tại California (Mỹ). Khi đang học, nhận tháng lương làm thêm đầu tiên ở Toyota về khoe với gia đình, anh tôi (lúc đó đang làm kỹ sư máy tính) nói với tôi: “Anh đã học xong đại học mà lương chỉ bằng một phần ba tháng lương làm thêm của em, vậy em học để làm gì? Anh thấy em có khiếu về marketing hơn”.

Câu nói đó ám ảnh tôi cả tuần lễ. Và rồi, tôi quyết định làm một việc mà lúc đó cũng không biết mình đúng hay sai, chỉ cảm thấy đó là việc nên làm: bỏ ngang trường đại học để gia nhập Toyota. May mắn là tôi đã có được một công việc tốt. Một cuộc sống mới mở ra, tôi tập trung học ngành marketing từ thực tế lẫn tham gia những khóa học ngắn hạn để bổ sung và hoàn thiện kiến thức của mình trong công việc mới. Tôi cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc với công việc này.

Ở tuổi 18-20, bạn trẻ sẽ khó lòng ra một quyết định chính xác cho cuộc đời mình. Chính vì thế, việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải tìm cho mình một (hoặc những) cố vấn đáng tin cậy. Đầu tiên là cha mẹ, anh chị. Nếu họ không hiểu mình, áp đặt mình thì phải tìm đến thầy cô, các chuyên gia tư vấn, đọc trên sách, báo. Lắng nghe người xung quanh là quan trọng nhưng lắng nghe chính bản thân còn quan trọng hơn.

Tôi không khuyên các bạn trẻ nên bỏ ngang trường đại học như tôi, vì điều đó không thể áp dụng cho mọi hoàn cảnh. Nhưng nếu bạn đang cảm thấy chán ngán, mệt mỏi với việc học, ngành học mà mình không hứng thú, không học giỏi được mà chỉ học để đối phó thì bạn nên tham khảo ý kiến tư vấn và mạnh dạn ra quyết định.

Có một điều tôi phải nhấn mạnh rằng rời trường đại học không có nghĩa là ta ngừng học. Việc bổ sung kiến thức hằng ngày là điều cần thiết nếu bạn muốn thành công và trở thành người hiểu biết. Đó là giá trị của thực học, thực học sẽ mang đến thực tài và có thực tài thì thành công sẽ đến với bạn. Khi tập trung vào thực học, tâm lý sính bằng cấp sẽ không còn nữa.


***********************************
Đây là cơ hội - nhưng cũng có nhiều thách thức

Bạn rất thông minh khi đưa ra vấn đề này để mọi người cùng thảo luận, đóng góp ý kiến tư vấn cho mình. Đối với tôi thì đây có thể là một cơ hội và cơ hội đó cũng có nhiều thách thức.

Nhưng tôi vẫn khuyên bạn hãy tiếp tục học để hoàn thiện một cái gì đó cho bản thân. Vì nếu bây giờ bạn không làm chỗ công ty anh họ thì với sở thích của bạn, bạn hãy nuôi hy vọng sau khi ra trường mình sẽ tìm cho mình nhiều cơ hội khác. Còn bây giờ bạn định bỏ ngang việc học liệu rồi sau này bạn có còn cơ hội làm một sinh viên không ? Bởi cuộc sống có nhiều đổi thay theo năm tháng.

Chúc bạn thành công !

                                        MỘT BẠN ĐỌC

*************************************

Hãy suy nghĩ kỹ!

Không phải ai cũng có khả năng xuất chúng. Bạn đã học đến năm thứ 3 rồi, bây giờ bạn có việc làm nhưng không có nghĩa là bạn không cần tấm bằng. Bạn có thế vừa học vừa làm cũng được mà. Khi đi thi bạn chỉ cần xin nghỉ 1 vài buổi là được. Mọi chuyện đâu có khó khăn lắm đâu.

Tôi cũng như bạn, tôi cũng đi làm khi còn đi học, nhưng tôi không nghĩ rằng mình có thể là Bill Gates thứ 2 nên tôi vừa học vừa làm và tôi cũng đã lấy được bằng Đại học đúng năm và tôi có 3 năm kinh nghiệm thực tế khi ra trường. Giờ đây mặc dù tấm bằng tôi vẫn để ở nhà, cũng không làm gì cả. Nhưng cái đó là cơ sở nếu tôi muốn xin làm ở chỗ khác. Bằng cấp để "đối phó" với những nơi người ta cần, những nơi dựa vào bằng cấp để đánh giá trình độ. Bạn hãy suy nghĩ kỹ và đưa ra quyết định đúng nhất.

                                          DANH PC


                                       (Tuổi Trẻ Online)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét