Kinh nghiệm sống

Có trải qua đau khổ, cay đắng con người mới hiểu ra được nhiều điều, mới nhìn nhận ra được những sự thật mà nếu như ta sống một cuộc sống êm đềm và hạnh phúc, ta không thể nhận ra. Bản tính con người là vậy, phải tự mình trả giá bằng đau khổ, cay đắng mới rút ra được những bài học cho chính mình.

Kinh nghiệm sống là điều không thể thay thế được. Trải qua thất bại và đau khổ làm cho con người trở nên chín chắn, trưởng thành hơn. Nếu như một người sinh ra trong một gia đình giàu có và cuộc đời gặp toàn suôn sẻ và may mắn thì người đó sẽ không có cơ hội để trở nên chín chắn và trưởng thành trong nhân cách. Và khi gặp khó khăn, thất bại, khi gặp những cảnh ngộ khó xử trong đời, người đó sẽ cư xử như một đứa trẻ con. Người đó sẽ tiếp tục mang trong mình tính cách của một đứa trẻ con cho dù tuổi đời của người đó có là bao nhiêu.

Càng trải qua nhiều nghịch cảnh, thất bại và đau buồn ta càng có cơ hội trở thành một con người giá trị hơn, trở thành con người cao hơn con người mình ngày hôm qua, trở thành một con người theo đúng nghĩa con người, giống như thép được tôi nhiều lần, giống ngọc được mài cho sáng.

Nghịch cảnh giúp con người tôi luyện mình.

Thất bại giúp con người nhìn lại mình, sửa mình. Thất bại cũng giúp chúng ta trở nên khiêm tốn hơn và cảm thông hơn với người khác.

Đau buồn giúp con người nâng cao tâm hồn mình. Đau khổ cũng giúp ta hiểu và cảm thông hơn với những nỗi đau của người khác.

Kinh nghiệm sống là điều không thể học được mà phải tự mình trải qua. Nếu như kinh nghiệm sống có thể học được thì một đứa trẻ lên 5 sau khi đọc quyển sách của một ông già có kinh nghiệm sống viết ra sẽ trở nên khôn ngoan như ông già đó. Nhưng đó là điều không thể!

Nhưng nói thế không có nghĩa là mình không nên học kinh nghiệm sống từ người khác. Cứ lắng nghe những lời khuyên của người khác đi, lời khuyên của những người đi trước, để rồi khi ta trải qua những thất bại, đau khổ, cay đắng trong đời, ta sẽ ngẫm lại và thấy thấm thía hơn những lời khuyên đó và rút ra những bài học bổ ích cho chính mình…

                                 (Sưu tầm)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét