Sau các cuộc cãi cọ bao giờ cũng là giai đoạn giận dỗi, tiếp đó là làm lành. Đây chính là thời điểm khó khăn nhất với các cặp vợ chồng bởi không ai muốn mình là kẻ tiên phong trong công cuộc "tái thiết hòa bình".
Nhà văn Mỹ Ambrose từng nói: "Hôn nhân là cuộc nói chuyện dài, thỉnh thoảng giải lao bằng một chút cãi nhau". Tuy nhiên mọi tranh cãi đều có thể được hóa giải nếu biết cách làm lành, hay cao hơn, đạt đến nghệ thuật làm lành.
Trong thực tế, sau khi nội chiến xảy ra, người ta thường phản ứng theo một trong 3 cách sau:
- Thứ nhất: hy sinh cái mà mình thích và làm theo cái người kia thích. Đây là thái độ nhượng bộ, nó có tác dụng làm cho đối phương hài lòng nhưng chính bạn lại ấm ức.
- Thứ hai: không cần biết đối phương nghĩ gì, cứ làm theo cách mà mình thích. Bạn sẽ dương dương tự đắc nhưng gây khó khăn cho đối phương.
- Thứ ba: Phớt lờ coi như không có chuyện gì xảy ra.
Trong thực tế, cả ba cách đó đều không xua tan được bầu không khí bất hòa, có khi còn đẩy mâu thuẫn đến chỗ gay gắt hơn. Cho nên tốt nhất là nói chuyện thẳng thắn với nhau. Nhưng nghệ thuật làm lành là ở chỗ nói chuyện như thế nào. Xin giới thiệu quy tắc vàng của nhà tâm lý nổi tiếng người Mỹ, Daniel Johnson :
Quy tắc thứ nhất: Thương lượng vui vẻ và an toàn
Không ít người coi việc thương lượng để làm lành nặng nề như đi vào phòng tra tấn. Bởi vì những cố gắng của họ thường không đi đến đâu sau khi trở ra với "thương tích đầy mình". Cho nên trước khi đàm phán, bạn phải nắm chắc quy tắc cơ bản là cả hai cùng vui vẻ. Hãy cất ngay bộ mặt khó đăm đăm của bạn đi và hãy nở nụ cười. Muốn được như thế cần tuân thủ 3 điều cơ bản dưới đây:
- Duy trì không khí vui vẻ trong suốt quá trình đàm phán. Bạn hãy thoải mái nêu vấn đề với tâm trạng vui vẻ. Nếu thấy tình hình không sáng sủa, bầu không khí không sẵn sàng thì dừng lại ngay.
- Xác định an toàn là trên hết. Mục đích của làm lành là để cứu vãn hôn nhân, bởi thế phải bình tĩnh ngay cả khi đối phương tỏ ra nóng nảy. Khi thấy mình bị xúc phạm, bản năng tự vệ trong bạn bắt đầu thức dậy. Lúc này tâm lý thông thường là bạn muốn trả đũa nhưng nên nhớ rằng cuộc đấu khẩu sẽ không đi đến đâu.
- Nếu bạn thấy cuộc thương lượng bế tắc thì cách hay nhất là rút lui. Bạn không thể giải quyết vấn đề tại một thời điểm bất lợi như thế. Điều đó không có nghĩa rằng bạn sẽ không tìm thấy một cơ hội khác trong tương lai. Rút lui không chỉ có nghĩa là bỏ đi mà là chuyển đề tài và đợi thời cơ khác. Không được cứng nhắc theo kiểu đã định hôm nay nói là phải thanh toán hết, muốn ra sao thì ra. Đó là cách phá hủy hôn nhân chứ không phải cứu vãn nó.
Quy tắc thứ hai: Tìm ra điều mà đối phương quan tâm
Nhiều người hoàn toàn không hiểu nguyên nhân chính của sự xung đột và cũng không biết đối phương quan tâm tới cái gì. Có khi chính họ cũng không biết thật ra mình muốn gì? Đến khi những vấn đề riêng tư của mỗi người sáng tỏ, họ sửng sốt nhận ra: "Tưởng gì, hóa ra có thế mà cũng cãi nhau". Và khi đó họ mới hiểu mâu thuẫn không nghiêm trọng như họ tưởng. Sẽ dễ dàng hơn nhiều khi ta điều đình với ai mà biết rõ họ muốn gì. Còn không, ta sẽ gạt phăng yêu cầu của họ khiến họ cảm thấy bị coi thường và thế là bùng nổ giận dữ.
Quy tắc thứ ba: Tháo gỡ mâu thuẫn một cách sáng tạo
Không nhất thiết hai người phải ngồi lại nói chuyện. Có thể khi cả hai đang cùng đi dạo hay bạn giả vờ nhờ đối phương giúp một việc gì đó rồi vừa làm vừa trao đổi. Biết đâu chính lúc đó, cuộc hòa giải được giải quyết một cách hoàn hảo. Thử nhớ lại quá trình yêu nhau trước khi cưới, chắc hẳn các bạn cũng có những phen lục đục nhưng hồi ấy sao bạn lắm sáng kiến thế. Còn bây giờ bạn chỉ nghĩ đến một cuộc nói chuyện tay đôi như ngồi họp hoặc như cảnh sát lấy khẩu cung. Nếu bạn có thiện chí, chắc chắn bạn sẽ nghĩ ra những cách làm mà cả hai đều hài lòng.
Quy tắc thứ tư: Khoanh vùng phạm vi mâu thuẫn
Không ít trường hợp sau khi cãi nhau kịch liệt người ta không nhớ nổi cuộc cãi vã đã bắt đầu từ cái gì. Có thể nguyên nhân cãi nhau lúc đầu chỉ bằng con kiến nhưng khi kết thúc lại to bằng con voi. Rồi có khi, cả hai còn lôi cả những chuyện xưa từ đời nào ra để nói cho bõ ghét khiến cho mâu thuẫn không những không được giải quyết mà càng thêm trầm trọng. Cho nên khi làm lành không nên nhằm vào cái đuôi của mâu thuẫn mà cố nhớ lại lúc đầu cãi nhau vì cái gì rồi chỉ rút kinh nghiệm về cái đó. Không nên để ngọn lửa chiến tranh lan rộng.
Sưu tầm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét