Home » » Những câu nói làm bé tổn thương

Những câu nói làm bé tổn thương

Có bao giờ bạn nghĩ rằng những lời nói của bạn gây tổn thương sâu sắc nhất đến cho con bạn không?

Những câu nói sau đây đáng để bạn suy ngẫm :


1. Con là đứa bé tệ hại

Phê phán một đứa bé bằng cách nói con tệ hại có thể khiến nó mang mặc cảm thấp bé và tự ti. Một khi đứa bé bị “thuyết phục” rằng nó bẩm sinh tệ hại (ngu dốt, xấu xí…) hầu như không còn ý chí tiến thủ nào để thay đổi.

Thay vì phê phán, bạn có thể nói: “Thái độ ấy của con là không chấp nhận được” hoặc, “Ba/Mẹ biết rằng con có thể cư xử khá hơn vừa rồi rất nhiều” được xem là ý kiến tốt hơn. Nó vừa chỉ ra một hành vi không hay của bé vừa giúp bé thấy rằng nó có khả năng lựa chọn cách xử sự tốt hơn.

2. Con không biết con đang nói gì à?

Đừng bao giờ hạ thấp suy nghĩ, tâm tư tình cảm, ý tưởng hay niềm tin của bé.

Hãy đề nghị bé giải thích thêm những gì nó đang trao đổi với bạn, nhờ vào đó bạn có thể lĩnh hội trên quan điểm của bé. “Sao con nghĩ như vậy?” hoặc, “Ba/mẹ không rõ lắm về điều đó. Đâu nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm nhé,” sẽ là những câu bạn nên nói mà không khiến bé thấy bị hạ thấp.

3. Tại sao con không thể giống chị (anh, em hay bạn) con hơn hả?

So sánh bé với nhau sẽ dấy lên thái độ phản kháng và khiến tạo nên sự thù nghịch giữa các anh chị em và bạn bè cùng lứa. Khi bạn nói với bé phải trở nên giống một ai đó hơn, bé sẽ lĩnh hội rằng nó thấp kém so với người ấy. Điều này có thể gây nên tính tự ti ở bé, và bé sẽ luôn tìm cách cho thấy nó có thể vượt lên họ.

Xin đừng lầm lẫn đây là cách hay để khuyến khích sự hăng say tiến bộ; đố kỵ luôn hàm nghĩa khác xa với ganh đua lành mạnh.

Hãy để bé là chính mình : khen thưởng những khi bé làm tốt, hướng dẫn và giúp khắc phục những điểm yếu của bé, mà không có một bên thứ ba nào khác xen vào.

4. Con là số một / con hoàn hảo lắm!

Nghe có vẻ vô hại vì từ nãy chỉ là chê bai còn ở đây là khen ngợi. Song việc khen quá mức cũng nguy hiểm như không khen thưởng đúng mức. Nó sẽ dẫn đến tính tự tôn, ai mà chẳng vênh mặt khi được coi là số 1 hay người không có khiếm khuyết nào. Nó cũng có thể khiến bé bị “đói lời khen,” bé sẽ luôn mong đợi được tán tụng tận mây xanh cho mỗi việc làm rất đỗi bình thường.

Khi lớn lên, với tính cách ấy khó mà nói rằng bé không là một người ưa xu nịnh. Ngoài ra, dù gọi là con nít nhưng bé rất nhạy cảm, những lời khen hào phóng của bạn rồi sẽ sớm được nhận ra, và chúng sẽ bắt đầu nghi ngờ tính chân thực của bạn.

Hãy biết ban phát phần thưởng tinh thần này đúng nơi, đúng lúc.

5. Con phải tự biết xấu hổ về bản thân mình!

Xấu hổ dẫn đến mặc cảm tội lỗi, và mặc cảm tội lỗi có thể khiến bé bị ám ảnh với mọi lỗi lầm nhỏ hay chọn lựa sai của chúng. Đừng bao giờ để một đứa bé phải gặm nhấm mặc cảm như vậy vì dẫu sao nó vẫn chỉ là một đứa bé và chắc chắn không làm sao tránh được lỗi lầm.

Những khi nó làm gì bạn thấy sai trái, hãy hỏi nó lý do vì sao và tìm cách giải thích cho nó hiểu hành động ấy là không được chấp nhận.

Đồng thời giúp bé hiểu rằng, đã là người, ai cũng sẽ mắc sai lầm hoặc làm một điều gì đó khiến phải hối hận. Và đây là một phần của quá trình học, và nó có đủ năng lực để làm những điều đúng, biết chọn lựa khôn ngoan hơn trong tương lai. Bạn cũng cần nói cho bé hiểu về món quà vô giá của việc tự tha lỗi cho bản thân, để mà tiếp tục tiến lên.

6. Đừng lo con yêu, chẳng có gì xảy ra cho ba / mẹ (hay ông bà…) đâu!

Đây lại là một sự bảo bọc quá thể. Với suy nghĩ tránh cho bé nỗi đau chứng kiến người thân bị bệnh, đau đớn hay chết, phần đông sẽ trấn an như thế. Sẽ không công bằng nếu chúng ta lừa dối bé rằng mọi người đều luôn khỏe mạnh và sẵn sàng cho bé gặp bất cứ thời điểm nào hay ở đâu. Bởi vì khi sự thật không may xảy ra, nỗi đau càng nhân đôi vì bé đã được bảo rằng và tin rằng không thể có chuyện gì xảy ra hết.

Thay vì cố gồng mình lên để bảo vệ bé khỏi những cái mà bạn biết chắc không thể nào như vậy, bạn hãy trao đổi với bé về những lo lắng mà bé sẽ hay có thể có. Vào những hoàn cảnh như vậy, thay vì ra sức xây dựng ảo mộng hãy thẳng thắn sẽ tốt hơn, tất nhiên là giới hạn trong tầm nhận thức của bé.

7. Đã biết ngay là con không thể làm được điều đó mà

Khi bị thất bại, bé đã đủ buồn rồi. Bạn không cần phải xát thêm muối vào vết thương ấy nữa bằng cách nói rằng bạn đã không tin tưởng vào chúng. Ngay cả khi đó là những gì bạn đã cảnh báo chúng đừng nên làm, đây không phải lúc để hả hên lên mặt: “đã bảo rồi mà…”.

Trong khi là cha mẹ chúng ta cần phải truyền đi thông điệp rằng chúng ta luôn đứng sau bé, luôn tin tưởng ở bé dù chúng có thất bại. Thất bại đồng nghĩa với học hỏi, đơn giản thế thôi, còn niềm tin và tình yêu của cha mẹ dành cho con cái là vĩnh viễn.

8. Lý do à? Bởi vì đó là lời của ba / mẹ!

Bạn muốn bé nhìn bạn như một hình mẫu uy quyền đáng kính hay đơn thuần chỉ là một nhà độc tài? Mọi quy tắc hay quyết định đều có lý do đi kèm theo.

Hãy cởi mở và truyền đi thông điệp một cách rõ ràng vì sao bạn muốn bé làm hay đừng làm điều gì đó, như thế sẽ tốt hơn là ra tối hậu thư. Vào một thời điểm nào đó, tối hậu thư sẽ chỉ khiến dấy lên… sự nổi loạn mà thôi.


Sưu tầm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét