Khoai mài thuộc họ dây leo, là loại khoai khi nấu canh ăn rất khoái khẩu và bổ dưỡng. Theo Đông y, khoai mài có vị ngọt, ấm, tính bình, bổ tỳ thận, ích tâm phế, mạnh khí lực…
Người dân quê tôi thường trồng khoai mài kể từ tháng năm, đến tháng mười (âm lịch) thì thu hoạch. Khoai mài thường trồng theo luống hoặc trồng trong bao lấy củ để ăn. Củ khoai mài “đúng tuổi” dài cỡ 30 - 40 cm, nặng trên 1 kg, mỗi dây có nhiều củ. Còn nhớ ngày trước, những củ khoai mài thật to ăn một lần không hết, ông bà tôi cắt một khúc ăn, khúc còn lại để dành hôm sau phải đem chấm với tro cho củ khoai lành vết thương thì mới để được lâu hơn.
Khoai mài được các mẹ, các chị nội trợ chế biến kết hợp với các loại hải sản hoặc thịt heo đều rất ngon, nhưng mọi người thích nhất là món khoai mài nấu canh với xương heo rất bổ mát. Cách nấu món canh này rất đơn giản. Vì vậy, canh khoai mài không chỉ xuất hiện trong thực đơn hằng ngày của các gia đình mà còn là món canh luôn có mặt trong mâm cơm thờ cúng ông bà tổ tiên những ngày tết.
Công đoạn chế biến canh khoai không quá cầu kỳ, chỉ cần đào khoai đem về gọt vỏ, rửa sạch. Để đất không dính vào thịt khoai, trước khi gọt vỏ nên rửa sạch củ khoai. Gọt xong đem xắt thành từng khúc vừa đủ gắp, để sẵn, chờ nấu. Xương heo mua về, chặt thành từng miếng nhỏ, rửa sạch, cho vào nồi cùng với khoai mài tao dầu vừa đủ thấm, sau đó đổ lượng nước vừa đủ khẩu phần ăn vào nồi, nêm đầy đủ gia vị.
Khi nấu phải thường xuyên thăm dò, khi nào miếng khoai vừa đủ chín thì tắt bếp, nhấc xuống. Đừng để khoai quá chín sẽ bở vụn thành từng miếng nhỏ, nồi canh mất ngon. Múc canh ra tô, rắc thêm vài cọng ngò đã thái nhỏ lên mặt tô. Thưởng thức canh khoai mài còn nóng nóng vừa húp vừa ăn thì chẳng có gì ngon bằng.
Những ngày tiết trời se lạnh, trong mâm cơm có tô canh khoai mài nấu với xương heo còn bốc hơi nóng hôi hổi, trong lòng thực khách cảm thấy ấm dần lên...
Ngô Mã Thiên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét