Home » » Đồng vợ đồng chồng... trong chi tiêu

Đồng vợ đồng chồng... trong chi tiêu

Chàng và nàng tâm đầu ý hợp trong mọi việc, ngoại trừ việc tiêu xài. Nàng tiêu tiền chi li, tiết kiệm từng đồng trong khi chàng lại chi xài rộng rãi, chỉ ước chừng tiền còn bao nhiêu mà thôi.


Quan niệm chi tiêu khác nhau khiến hai vợ chồng thường xuyên cãi cọ, bất hòa và hạnh phúc hôn nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, không hẳn là không có lối thoát. Con đường hòa giải cũng dễ dàng thôi nếu chúng ta áp dụng những lời khuyên sau:

1. Đặt tình nghĩa lên trên hết

Một số cặp vợ chồng thường cãi nhau kịch liệt về vấn đề tiền bạc. Khi đấu khẩu, họ cảm giác như mình đã chọn sai người bạn đời và điều này khiến cuộc tranh cãi càng thêm căng thẳng.

Thật ra chẳng có vợ chồng nào đồng ý với nhau hoàn toàn trong mọi chi tiêu. Bà Olivia Mellan, có 3 con, sống ở Washington DC, tác giả quyển Hòa hợp về vấn đề tiền nong, cho biết: “Chuyện này chẳng có gì lạ. Ngay cả khi hai vợ chồng cùng đi làm, cùng đem tiền về và cùng tiêu xài cũng khó tránh khỏi bất đồng trong việc chi tiêu vì một trong hai người sẽ có những lúc chi xài nhiều hơn và người kia phải tiết kiệm hơn để cân đối chi tiêu trong gia đình. Tuy nhiên, tranh cãi về tiền bạc không có nghĩa là hôn nhân của bạn đang gặp trục trặc”.

Hiểu rõ điều này, bạn sẽ không quá bực dọc khi hai vợ chồng chi tiêu khác nhau và bình tĩnh bàn bạc để tìm được sự đồng thuận trong vấn đề tiền nong.

2. Thông cảm với hoàn cảnh xuất thân của người bạn đời

Cách cha mẹ chi tiêu thường ảnh hưởng phần lớn đến cách chi tiêu của con cái sau này.

Bà Sarah Young Fisher, có 2 con, ở bang Pennsylvania, tâm sự: “Khi hiểu rõ lý do nào khiến người bạn đời có khuynh hướng chi tiêu như thế, bạn sẽ thông cảm với chồng/vợ mình hơn”.

Bà Vicki Brown, có hai con, ở Atlanta, chia sẻ: “Khi biết ông xã đã trải qua thời niên thiếu trong cảnh khó khăn, tôi không còn cảm thấy bực bội khi ông ấy chi xài rộng rãi cho con, mà còn cảm giác thương thương thế nào đấy!”.

3. Đừng quá khắt khe

Dù không quen với cách chi tiêu của người bạn đời, nhưng đôi lúc hãy tìm lời khen anh ấy/cô ấy một chút. Lời khen thể hiện thiện ý trong đời sống vợ chồng và hơn thế, nếu được khéo léo phát huy, lời khen sẽ khiến người kia nhìn lại thói quen chi tiêu của mình.

Bà Mellan nêu ra một minh chứng. Bà gần như muốn nín thở khi dọ giá chiếc cần câu đắt tiền chồng mình đã mua. Tuy nhiên bà cố gắng kiềm chế và khen ông ấy mua hàng không bị hớ giá. Ông xã bà đã thở phào nhẹ nhõm và vui vẻ khen bà là một “nội tướng” tuyệt vời, biết thu vén chi tiêu cho gia đình cũng như đảm bảo học phí cho con cái. “Thật ra tôi rất keo kiệt và hay nhặng xị về tiền bạc”, bà cười.

4. Lập kế hoạch chi tiêu

Hai vợ chồng nên lập ra kế hoạch chi tiêu, phải có con số cụ thể số tiền mình thu vào và chi ra. Cả hai cần tuân thủ nghiêm túc kế hoạch chi tiêu này.

Lên kế hoạch chi tiêu sẽ giúp hai vợ chồng nắm rõ mình có bao nhiêu tiền, có thể tiêu bao nhiêu và sẽ tiết kiệm được bao nhiêu. 

Bà Lisa Druxman, có 2 con, ở San Diego, công nhận: "Chồng tôi tiêu tiền rất kỹ, tôi thì trái lại vung tay thoải mái nên thời gian đầu chúng tôi không tránh khỏi xung khắc. Để dung hòa, chúng tôi thỏa thuận lên kế hoạch chi tiêu để biết hai vợ chồng làm được bao nhiêu, sẽ chi xài bao nhiêu, còn lại được bao nhiêu. Ngoài ra, việc cùng lên kế hoạch sẽ nhắc nhở hai vợ chồng rằng họ đang cùng hướng về một mục đích trong cuộc sống”.

5. Cần “hội thảo” đều đặn

Theo bà Mellan, hai vợ chồng nên ấn định một thời điểm cố định để ngồi lại với nhau, bàn bạc và lên kế hoạch chi tiêu. Như thế sẽ tránh được stress và tạo điều kiện cho cả hai chuẩn bị cẩn thận. Thêm vào đó, hai vợ chồng cũng nên có ý niệm khái quát về ngân quỹ của gia đình tại các thời điểm cần chi tiêu. Sắp tới sẽ cần chi vào các khoản nào? Nợ nào cần phải thanh toán tháng này? Tài khoản tiết kiệm còn được bao nhiêu?

Ngồi lại cùng nhau một hoặc hai lần mỗi tháng sẽ giúp người giữ trách nhiệm thanh toán khỏi nhức đầu khi cân đối chi tiêu trong gia đình, đồng thời người còn lại khỏi phải nghi vấn tiền đã tiêu vào đâu và mất thời gian kiểm đi kiểm lại.

6. Mỗi người cần có một khoản tiền riêng

Bà Fisher xác nhận: "Khi còn đứng chung một tài khoản, hai vợ chồng tôi khổ sở vì phải tranh luận về mỗi một món đồ bỏ tiền ra mua, ví dụ như khi tôi mua một cái áo mới hay chồng tôi tậu một cặp loa nghe nhạc chẳng hạn. Sau khi quyết định mỗi người sẽ sở hữu một số tiền riêng, chúng tôi cảm giác thoải mái vì có thể mua món gì mình thích trong giới hạn đó”.

Khi đã có kế hoạch chi tiêu và thỏa thuận số tiền riêng mà mỗi người có thể sử dụng, trong trường hợp một trong hai người không đi làm, ở nhà lo việc nội trợ, người đó cũng không phải mặc cảm khi chi xài.

Tóm lại, thông thường nên chia thành 3 khoản: một quỹ chung cho gia đình, một quỹ riêng cho vợ và một quỹ riêng cho chồng. Trích một tỉ lệ phần trăm từ thu nhập và lợi tức của hai vợ chồng (không cần phải bằng nhau) để vào ngân quỹ chung để chi tiêu cho gia đình. Số tiền còn lại sẽ chia vào hai quỹ riêng dành cho mỗi người.

Phân chia rạch ròi như thế chắc chắn sẽ giúp cuộc sống vợ chồng bớt căng thẳng đồng thời cân đối được chi tiêu.

                Thảo Vy (Theo CNN)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét