Nhiều phụ huynh cho rằng : còn quá sớm để dạy cho con sắp trưởng thành giá trị của cuộc sống. Đó là một nhận thức sai lầm tại vì có những tính cách sẽ giúp cho trẻ có khả năng đương đầu với khó khăn, cảm nhận tình yêu thương và sống hạnh phúc hơn.
1. Tính chân thật
Bạn hãy giúp con nói thật bằng cách chính mình luôn là một người chân thật. Con bạn sẽ học cách nói thật khi chúng được nghe những lời chân thành từ chính người thân trong nhà. Nếu bạn nghe thấy con nói dối, hãy khuyến khích trẻ nói thật. Sau đó, cho trẻ vài phút suy nghĩ và hứa không quát mắng, kiên nhẫn lắng nghe lời “thú nhận” của trẻ và khuyên răn để chuyện không tái diễn.
Bé Nam, con trai chị Hoa thích chơi với bé Quyền hàng xóm. Mẹ Quyền hẹn chủ nhật cho hai đứa sang chơi xếp hình. Nhưng đợi mãi không thấy Nam, mẹ Quyền sang hỏi thì chị Hoa nói: “Nam bị ốm, không chơi được”.
Thực ra, chị Hoa không cho con sang chơi nhà Quyền vì Nam hay gây gổ với bạn. Lẽ ra chị Hoa nên nói thật với mẹ Quyền: “Hai cháu hay cãi nhau nên tôi muốn tách chúng ra một chút”.
2. Tính công bằng
Anh Hải đang sửa bếp thì nghe tiếng la hét. Tới nơi, thấy cháu họ mếu máo: “Chị ấy phá lâu đài của cháu”, anh bắt con xin lỗi em rồi gọi con vào phòng hỏi: “Sao con phá lâu đài của em?”. Thảo phụng phịu: “Vì lâu đài của nó cao hơn của con”. Anh Hải nghiêm khắc: “Như thế là xấu, con hãy ra xếp trả em”.
Tính ghen tỵ đã khiến bé Thảo hành động cực đoan. Sự nghiêm khắc, sáng suốt của anh Hải dạy con gái bài học về sự công bằng. Anh biết khuyến khích con nhận, sửa lỗi và hiểu vì sao con gái làm vậy. Điều này rất quan trọng vì nó giúp phụ huynh hiểu tính trẻ để khắc phục.
3. Đối mặt với thử thách
Chị Liên mới mua cho con hộp viết chì màu. Bé hăm hở vẽ và mang khoe mẹ bức đầu tiên: “Mẹ ơi, con vẽ bức tranh này đẹp không?” - “Đẹp lắm con ạ”, chị Liên khen. Nhưng khi đứa bé mang bức tiếp theo, chị ngần ngừ: “Màu sắc không đẹp bằng bức đầu con ạ” thì bé buồn, cất tranh.
Quyết tâm là tính cách quan trọng bạn nên phát huy ở trẻ ngay từ lúc chúng còn nhỏ bằng cách động viên, háo hức mỗi khi bé khoe thành tích đạt được. Không nên đưa ra lời khen hay chê quá đáng.
Một cách nữa là nên động viên bé làm việc không dễ so với lứa tuổi và khen sáng kiến của bé. Nếu là chị Liên, bạn nên nói: “Hình như bức tranh này con vẽ không cẩn thận lắm! Con đã cố hết sức chưa?”.
Nếu con bạn nhát, nên khuyến khích con chơi cùng các bạn ở sân bóng. Nếu bé có tính quá mạnh và nóng, hãy dạy chúng kiềm chế cơn giận bằng hít thở sâu.
Khen ngợi bé mỗi khi bé khắc phục khó khăn để làm việc gì đó, chẳng hạn, “khó thế mà con cũng làm được. Con giỏi lắm”.
4. Quan tâm tới thái độ của người khác
Chị Mai bực mình mỗi khi cho 2 con gái đi siêu thị, chúng không ngớt cãi nhau về món đồ. Chị tâm sự, không còn cách nào khác, chị bảo chúng, "Mẹ sẽ không cho đứa nào đi cùng vì hai đứa làm phiền mẹ và những người mua hàng khác”. Cô chị liền nói với mẹ: “Con sẽ mang snack từ nhà để ăn và không cãi nhau xem mua loại nào nữa”. Cô em thỏ thẻ: “Mẹ ơi, con sẽ hát một mình cho vui nhé”. Từ đó, chuyến đi tốt đẹp.
Cách giải quyết này là bài tập cho trẻ về sự quan tâm đến thái độ, cảm xúc của người khác. Bản thân trẻ cũng nhận thấy những lời nói, hành động không hay của mình sẽ ảnh hưởng tới người xung quanh. Nếu chúng dễ thương với ai, người đó sẽ dịu dàng lại với chúng.
5. Bày tỏ tình cảm tự nhiên
Các bậc cha mẹ cho rằng, trẻ con thường yêu ghét rất tự nhiên. Điều này đúng nhưng cũng cần có sự nuôi dưỡng, đáp lại từ phía người lớn.
Hãy để con thấy bạn tỏ ra quan tâm, yêu thương tới mọi người xung quanh. Bạn nên nói với bé về suy nghĩ, tình cảm của bạn dành cho những người ruột thịt như bố mẹ, cô dì chú bác, anh chị em, và cả với bé.
Hãy ôm và nựng yêu bé mỗi ngày để bé cảm nhận tình yêu ấy và chia sẻ với mọi người.
Sưu tầm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét