Home » » 7 cách để xây dựng một gia đình hạnh phúc

7 cách để xây dựng một gia đình hạnh phúc

Mỗi gia đình đều rất khác nhau, là do cá tính chúng ta không ai giống ai cả, về suy nghĩ, cách giao tiếp... Tuy vậy, vẫn có một điểm tương đồng nhất định đối với các gia đình được gọi là hạnh phúc.


Sau đây mời các bạn cùng tham khảo.

1. Hãy để ý đến những gì bạn nói

 
Chúng ta thường có khuynh hướng ít để ý đến điều mình nói và cách mình thể hiện với con trẻ với lý do: “Mình là bố /mẹ của nó mà”. Thật là sai lầm khi bạn nghĩ vậy!

Trẻ con rất nhạy cảm với bất cứ điều gì tác động đến chúng, chúng sẽ trở nên hòa đồng với cuộc sống chung quanh hay lầm lì, rút vào thế giới riêng đều phụ thuộc nhiều vào cách bạn trao đổi với chúng. Bạn có thể xem hai ví dụ sau đây:

a. Dọn phòng đi thằng quỷ! Thật đốn mạt, mày chẳng thể làm gì ra hồn cả ngoại trừ việc bày bừa ra để người khác hầu!!

b. Mẹ thấy phòng con không ngăn nắp lắm. Và mẹ muốn nó sẽ trật tự hơn trước khi con đi ra ngoài chơi nhé!

Bạn có thể nhận ra khác biệt hoàn toàn trong hai cách dạy con ở trên, một đằng khiến đứa trẻ càng thêm thu người lại hoặc ngấm ngầm chống đối về sau; một khiến đứa trẻ nhận ra nó vi phạm điều gì và điều đó sẽ tác động đến nó như thế nào nếu nó không thay đổi. Tất nhiên lầm lỗi là điều vẫn cần chấp nhận, và không phải cứ vi phạm là sẽ “bỏ đi”.

2. Nên có những quy tắc chung và ổn định

 
Sẽ có những lúc trẻ hơi nổi loạn một chút, bạn có thể chấp nhận điều này nhưng cần nhớ không nên để vượt quá đáng ra ngoài những quy tắc chung của gia đình. Và cần làm sao để mọi thành viên đều thấy bằng những quy tắc ấy, các thành viên sẽ gắn bó nhau hơn, cùng sát cánh bên nhau hơn.

3. Tạo thời gian cho cả gia đình cùng quay quần bên nhau

 
Đó là dịp để mọi người cùng chia sẻ với nhau các vấn đề còn khúc mắc. Vợ chồng trao đổi với nhau về công việc, cuộc sống; con cái trao đổi với cha mẹ về trường lớp hay suy nghĩ về thế giới bên ngoài; các con trao đổi với nhau về trường lớp, bạn bè…

Chính những thời điểm như thế này khiến thắt chặt hơn mối quan tâm lẫn nhau trong gia đình : cha mẹ có thể giúp con cái về các vấn đề của chúng và ngược lại con cái cũng hiểu được phần nào cuộc sống của gia đình mình và như thế giúp chúng trân trọng hơn thay vì thái độ thờ ơ rằng “mình chẳng phải lo gì cả, tất cả đều là trách nhiệm của ba mẹ”.

4. Khuyến khích các hành động, cử chỉ thương yêu nhau trong gia đình

 
Cũng như việc dành thời gian quay quần bên nhau, chơi đùa cùng con trẻ sẽ giúp chúng thấy mình có vị trí nhất định trong gia đình chứ không phải chỉ là “ở trọ”. Chắc chắn một đứa trẻ sống trong cảnh gia đình luôn cười đùa, quan tâm đến nhau sẽ cảm thấy cuộc sống trước mắt rộng mở hơn rất nhiều.

5. Tạo một hoạt động mang tính nghi thức chung cho cả gia đình

 
Ví dụ như cùng nhau tham gia các hoạt động xã hội… Điều này giúp mọi người nhận thức rõ sự đoàn kết của gia đình trong mọi hoạt động.

6. Kiểm soát mọi thử thách trong cuộc sống

 
Vợ chồng cãi nhau là điều không thể nào tránh khỏi, thường chúng ta có khuynh hướng giấu trẻ nhưng một nghiên cứu cho thấy trẻ không phải không biết mà là… không hiểu rõ lắm điều nó biết thôi.

Do đó, nếu có thể hãy cùng trao đổi với trẻ, giúp chúng hiểu được rằng trong cuộc sống sẽ có những lúc ý kiến mình khác với người khác và có thể mình sẽ rất nóng giận, nhưng sau hết mọi việc sẽ vẫn ổn cả khi cả hai phía cùng ngồi lại và trao đổi cởi mở. Qua đó trẻ sẽ không thấy bị mất niềm tin khi ba mẹ cứ bảo là không có gì nhưng…

7. Tạo cho bạn thời gian riêng tư

 
Những phút riêng tư như vậy sẽ rất quý giá, nó giúp hai bạn có cơ hội trao đổi thẳng thắn về mọi thứ còn vướng mắc, nó cũng tạo cho trẻ ý thức rằng mọi người dù luôn quan tâm đến nhau nhưng vẫn cần khoảng thời gian riêng của họ, và người khác nên tôn trọng điều này.


Bùi Nguyễn Quý Anh (Reader’s Digest)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét