Căng thẳng thần kinh Sự căng thẳng do bị áp lực trong cuộc sống nếu không được giải tỏa có thể trở thành stress mạn tính, dẫn tới nhiều bệnh tật như nhức đầu, suy nhược thần kinh, mất ngủ, cao huyết áp, các bệnh tim mạch, viêm loét dạ dày...
Việc massage và thư giãn có thể giúp giảm bớt stress. Sau đây là một số động tác đơn giản vừa giúp thư giãn vừa giảm đau đầu rất hiệu quả, có thể tiến hành mọi lúc mọi nơi:
Động tác 1: nằm ngửa, duỗi thẳng chân tay, ngồi trên ghế tựa hoặc đứng thẳng. Thả lỏng cơ bắp toàn thân, mắt nhắm hờ, tập trung ý nghĩ về vùng đan điền (vùng hạ vị), loại bỏ mọi ý nghĩ khác. Thở chậm, sâu, đều. Mỗi nhịp thở gồm các thì: hít vào từ từ hết sức, bụng phình ra, thở ra từ từ hết sức, bụng thót lại. Tốc độ hợp lý là 6 - 8 nhịp thở trong một phút. Mỗi lần tập từ 5 đến 10 phút.
Tác dụng: thư giãn, xoa bóp nội tạng trong cơ thể.
Động tác 2: đan hai bàn tay vào nhau, vòng ra sau đầu, áp vào vùng gáy, xát lên xuống khoảng 20 lần.
Tác dụng: làm nóng vùng gáy, giãn cơ và tăng tuần hoàn tại chỗ, tăng cường lưu thông máu lên não.
Động tác 3: duỗi thẳng các ngón tay, khép lại. Áp hai lòng bàn tay vào nhau, xát cho nóng lên. Sau đó, áp các ngón tay vào mắt (hai mắt nhắm) vuốt từ trong ra ngoài 10 - 15 lần. Dùng ngón cái và ngón trỏ véo da vùng gờ trên ổ mắt (dọc cung lông mày) từ trong ra ngoài 5 - 10 lần, làm hai bên cùng lúc.
Tác dụng: thư giãn vùng mắt, chống mỏi mắt, giảm căng thẳng.
Động tác 4: dùng mu đầu ngón tay miết từ đầu trong gờ trên ổ mắt vòng lên trán, theo hình vòng cung ra đến thái dương rồi vòng lên trên ra sau tai, làm khoảng 15 đến 20 lần.
Tác dụng: giảm căng thẳng, đau đầu.
Động tác 5: co các ngón tay lại như chiếc lược, chải tóc từ trước ra sau khoảng 20 - 30 lần, đầu các ngón tay miết mạnh xuống da đầu để thông kinh mạch vùng đầu.
Động tác 6: đặt hai lòng bàn tay ở hai bên đầu đối xứng nhau, vỗ nhẹ vòng tròn xung quanh đầu theo chiều kim đồng hồ, hết tầm xoay của tay thì vỗ ngược lại. Khi vỗ, hai điểm tác động luôn phải đối xứng nhau. Làm khoảng 3 - 5 lần.
Khép bàn tay, dùng phần gang bốn ngón tay (trừ ngón cái) vỗ nhẹ trên toàn bộ da đầu theo hướng từ đỉnh đầu ra trước, sang hai bên, ra sau xuống vùng gáy. Làm khoảng 3 - 5 lần.
Mất ngủ
Đông y cho rằng để phòng trị mất ngủ, cần phải bồi bổ âm huyết, điều dưỡng cho ba tạng tâm, can và tỳ. Việc tác động vào một số huyệt như bách hội, tam âm giao, nội quan... có thể giúp ngủ ngon hơn.
Lý luận của y học cổ truyền cho rằng mất ngủ có gốc ở âm huyết. Mọi nguyên nhân dẫn đến âm huyết hao tổn, âm tinh không đủ để nuôi dưỡng lên tâm não đều có thể gây mất ngủ hoặc gây rối loạn giấc ngủ. Hải Thượng Lãn Ông cho rằng mất ngủ là do âm huyết thiếu, ba tạng tâm, can, tỳ đều bị tổn thương.
Cách bấm huyệt chữa mất ngủ
Huyệt tam âm giao: ở lồi cao mắt cá trong đo lên 3 thốn (khoảng 4 cm), sát bờ sau xương chày, tác dụng là bổ âm, điều huyết.
Huyệt nội quan: chính giữa lằn chỉ cổ tay phía trong đo lên 2 thốn (khoảng 3 cm); có tác dụng định tâm thần…
Huyệt bách hội: ở đỉnh đầu, chỗ lõm đường giữa đầu.
Ấn đường: ở trung điểm đầu trong cung lông mày, có tác dụng định thần trí, thanh nhiệt, an thần, chữa mất ngủ.
Có thể tự day ấn thường xuyên các huyệt trên mỗi ngày 1 đến 2 lần để phòng trị mất ngủ. Cách này hiệu quả cao mà không gây hại. Ngoài ra cần dùng thuốc bổ dưỡng âm huyết, hạn chế thức ăn mặn, khô, nóng không có lợi cho âm huyết, kiêng chất kích thích như cà phê, trà đậm, thuốc lá, rượu bia… Nên ăn thức ăn thanh đạm, không ăn no và đi bộ vận động nhẹ nhàng, để cho đầu óc thảnh thơi trước khi đi ngủ.
Dũng tuyền: nằm ở 1/3 lòng bàn chân tính từ ngón giữa, day và bấm huyệt này từ 20 - 40 lần.
Khí công
Tốt nhất là trước khi đi ngủ nên ngồi xếp bằng thở bụng khí công từ 15 - 30 phút. Áp dụng thở thuận sổ tức, hít vào bằng mũi phình bụng, thở ra thóp bụng cũng bằng mũi và nhíu nhẹ hậu môn, hai kỳ thở bằng nhau, lưỡi đặt trên vòm họng sát chân răng.
Theo lý luận khí công thì cách thở này điều hòa được âm dương, giáng khí xuống dưới làm não bộ được nghỉ ngơi, an định thân tâm, không bị vọng động, theo tây y thì cân bằng hệ thần kinh thực vật làm cho dễ ngủ.
(Sưu tầm)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét