Home » » GNTCS - HGTH - Hành Trình Không Đơn Độc

GNTCS - HGTH - Hành Trình Không Đơn Độc

17 tuổi, tôi là hành khách  lớn tuổi nhất trên chuyến tàu ngày 15 tháng 3 năm 1939. Chuyến tàu khởi hành từ Vienne, mang những đứa trẻ tị nạn đến Hà Lan và Anh quốc chạy trốn khỏi kế hoạch tàn sát người Do Thái của Hitler, một kế hoạch kinh hoàng đã cướp đi mạng sống ông ngoại và ba người dì nữa của tôi.

Hành lý của tôi là một chiếc vali đã ngả màu và cuốn sách mà tôi thích nhất. Mẹ nhét vào túi tôi một mảnh giấy nhỏ có một cái tên và vài dòng địa chỉ xa lạ.

Tất cả bọn trẻ chúng tôi ra đi trong niềm đau lẫn hy vọng của người thân. Mẹ tôi cố chen vào đám đông chật cứng, nhoài người ra mà lấy tay huơ huơ trước cổ. Mẹ nhắc tôi nhớ quàng chiếc khăn cổ mà mẹ đã đưa cho tôi ngày hôm qua. Nước mắt đầm đìa trên gương mặt mẹ. Tôi thẫn thờ như người vô hồn, tim tôi đau nhói. Liệu tôi có còn được nhìn thấy mẹ lần nữa? Đâu đó dưới đám đông kia là Paul, em trai của tôi. Liệu có bao giờ chúng tôi được nằm cạnh nhau trên giường, đọc những câu chuyện phiêu lưu thú vị về miền viễn Tây Hoa Kỳ?

Tôi là đứa đầu tiên trong gia đình ra đi, đến nước Anh, nơi một người họ hàng xa của bố bảo rằng có thể tìm cho tôi một việc làm. Vào thời điểm đó, mọi gia đình Do Thái đều bị chia cắt. Sống sót là mục tiêu hàng đầu mà chúng tôi có thể nghĩ tới.

Đoàn tàu rùng mình chuẩn bị rời ga, tôi hốt hoảng nhìn đăm đăm ra ngoài, cố tìm kiếm gương mặt của bố, của mẹ, của em trai trong rừng người nhốn nháo. Đoàn tàu đang đưa tôi đến một tương lai không biết trước. Những đứa trẻ trên tàu bắt đầu khóc, mắt dán ra ngoài cửa. Những người mẹ, người bố chạy theo đoàn tàu, vẫy những chiếc khăn tay thấm đẫm nước mắt. Ánh nắng nhợt nhạt phủ lên sân ga, sầu thảm và đau đớn vô cùng.

Tiếng máy chạy đều đều chẳng mấy chốc đã ru những đứa trẻ vào giấc ngủ, nước mắt vẫn còn đọng trên mi. Một số khác bắt đầu lục túi tìm cái ăn. Ngồi đối diện tôi là một cô bé chừng 7 tuổi, gầy nhom, đeo bảng tên Liesel. Cô bé lấy chiếc khăn tay thêu hoa của mình lau nước mắt. Suốt quãng đường đến Hà Lan, Liesel vẫn không ngừng khóc. Nỗi đau này quá lớn với nó.

Mọi đứa trẻ đều đeo bảng tên trên ngực áo, để những người thân có thể nhận ra chúng ở sân ga. Tôi không có bảng tên, nghĩa là không có ai đón tôi. Chờ đón tôi chỉ là một công việc mơ hồ ở một đất nước xa lạ mà đến ngôn ngữ của nó, tôi chỉ mới biết bập bõm vài từ được mẹ dạy. Mẹ có gói theo cho tôi bữa trưa, nhưng tôi đã ăn cách đó mấy tiếng đồng hồ. Tôi đọc sách rồi chợp mắt một lát để quên đi cái đói.

Đến Hà Lan, vài đứa trẻ rời tàu, có cả Liesel. Tôi nhìn ra ngoài cửa để xem cô bé có được ai đón không. Một người phụ nữ đứng tuổi tươi cười chạy đến nắm tay Liesel. Đó sẽ là người mẹ mới của em. Tôi thở phào, thầm mong Liesel sẽ có một cuộc sống an bình và tốt đẹp hơn. Những người khác tay cầm bức hình, đón lấy những đứa trẻ mới đến.

Cuối cùng, đoàn tàu cũng về đến ga Victoria. Tôi lặng lẽ mang hành lý bước xuống. Luân Đôn trải dài trước mắt tôi, xám xịt, lạnh lẽo và lạ lẫm. Tôi lẳng lặng bước đi, không ngoảnh lại để nén giọt nước mắt chực rơi. Cảnh vật hoàn toàn khác với quê hương tôi. Người dân ở đây trông rất to cao, nước da thì trắng hồng – như những gì tôi đã được nhìn thấy qua phim ảnh. Họ có vẻ lạnh nhạt quá.

Người tôi lấm đầy bụi. Tôi ước ao được tắm. Tôi cần có ai đó chỉ cho mình địa chỉ ghi trong tờ giấy nọ và cũng cần có một bữa ăn.

Tôi theo dòng người bước vào một quán ăn đông đúc. Mọi người nhìn tôi – hơi tò mò, nhưng rồi ai nấy tiếp tục công việc của họ. Đường phố Luân Đôn hoa lệ vốn đã quen với hình ảnh những đứa trẻ tị nạn lang thang, rách rưới và bẩn thỉu. Tôi ngồi xuống một chiếc bàn còn trống trong góc phòng. Một người phục vụ cao, gầy nhưng có vẻ mệt mỏi đem cho tôi thực đơn. Tôi mở ra, nhưng trả lại ngay và ra dấu rằng không hiểu. Anh ta nhìn tôi thông cảm, rồi kín đáo chỉ vào các món ăn mà những người khác đang dùng. Mọi thứ thật xa lạ, trừ món xúc xích với nước sốt – trông tương tự món Knockwurs của mẹ. Tôi chọn. Người phục vụ gật đầu rồi hí hoáy ghi vào sổ. Lát sau, anh quay lại với đĩa thức ăn nóng sốt.

Xúc xích không giống như Knockwurs, khoai tây nghiền cũng không giống với món khoai tây của mẹ. Nhưng tôi ăn ngấu nghiến vì quá đói. Đó là bữa ăn đầu tiên của tôi ở nước Anh. Nhưng kéo theo đó là một tình huống khiến tôi khó xử vô cùng. Cầm trên tay hóa đơn tính tiền, tôi mới hoảng hồn nhớ ra mình chỉ có một đồng tiền Áo, ngoài ra, không một xu tiền Anh. Tôi đưa cho anh ta đồng bạc duy nhất của mình, chờ đợi. Tôi không phải là người đi ăn quỵt của kẻ khác. Bối rối, tôi lộn cả hai túi quần trống không của mình ra để cho anh ta thấy tôi không còn đồng nào. Biết đâu anh sẽ thông cảm cho tôi…. Trong đời, tôi chưa bao giờ phải xấu hổ như thế. Nước mắt lại rơm rớm trên khóe mắt khi tôi nhìn anh, vẻ van nài.

Nhưng chợt anh nắm lấy tay tôi, đặt lại đồng bạc Áo mà tôi đưa rồi nói một câu mà tôi có thể hiểu được: “Em cầm lấy đi!”. Cũng khuôn mặt mệt mỏi và nhợt nhạt ấy nhưng lần này lại sáng lên với nụ cười ấm áp – nụ cười mà suốt cuộc đời này tôi không thể nào quên.

“Có những khoảnh khắc tuyệt vời xảy đến với cuộc đời chúng ta. Khi bạn làm hết sức mình để người khác có được những giây phút tuyệt vời ấy, thì chính bạn cũng sẽ được tận hưởng khoảng khắc tuyệt vời cho chính mình.”

0 nhận xét:

Đăng nhận xét