Posted by +84987002345
Posted on 18:19
with No comments
Khi nhìn lại quãng đời của mình, tôi chợt mỉm cười khi nhận ra rằng mình cuộc sống thật nhiều khoảnh khắc đáng nhớ nhưng những gì tôi trải qua năm lên tám mới thực sự không thể nào quên. Ngày ấy, bác sĩ chẩn đoán tôi bị sốt bại liệt, thế là tôi phải ở trong phòng cách ly cùng với ba mươi lăm bệnh nhân khác, ai cũng thở phổi nhân tạo. Tôi khóc rất nhiều vì không ai, kể cả bố mẹ, được tới thăm tôi. Có lúc, tôi nằm ói mửa cả đêm, người không hề động đậy gì được.
Sáng hôm sau, một vị bác sĩ tới khám. Ông dìu tôi ra khỏi máy chạy phổi rồi ôm tôi vào lòng và rơi nước mắt khi biết rõ tình trạng thảm hại của tôi. Thế là tôi cũng khóc theo. Với một đứa bé luôn hoảng sợ như tôi, đó là một trong những khoảnh khắc tuyệt vời ít ỏi mà tôi có được.
Tôi xuất viện về nhà với bố mẹ vài ngày thì được thông báo rằng kết quả xét nghiệm cho thấy tôi đã nhiễm lao. Tôi có thể điều trị tại nhà, nhưng lại phải sống tách biệt với bạn bè và người thân. Mỗi tối trước khi đi ngủ, bố đều đến bên cửa phòng và nói với tôi: “Daisy, bố yêu con”. Tôi hiểu được rằng, dù không được kề cận bên tôi, nhưng lúc nào những người thân của tôi cũng lo lắng, yêu thương và cầu nguyện cho tôi mau khỏi bệnh. Tất cả những điều đó đã giúp tôi có thêm dũng cảm để chiến đấu với bệnh tật.
Vài năm sau, tôi đi học trở lại, dù phải học lại tiểu học. Ngày đầu tiên đến lớp, thầy giáo bảo tôi, “Daisy, em lên ngồi ở bàn trước.” Người tôi quá to so với chiếc bàn nhỏ bé dành cho học sinh lớp một, tôi xấu hổ co người lại trốn tránh ánh mắt của những học sinh khác đang dồn cả vào mình. Rồi thầy nói, “Giờ để tôi kiểm tra xem em còn nhớ được gì hay không”. Thầy bảo tôi lên bảng viết từ “con mèo” nhưng tôi sợ hãi đến mức còn không đánh vần được tên mình. Tôi cố nói cho thầy hiểu, nhưng thầy một mực không nghe. Thầy lại thét lên giận dữ: “Em giả vờ với tôi đấy à?”.
Từ hôm ấy, tôi không dám đến trường nữa. Nhiều năm sau, mù chữ khiến tôi phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Tình cờ, một người bạn đọc cho tôi nghe quyển hồi ký Bí mật của một triệu phú được viết bởi một nhà triệu phú, người đã từng bị mù chữ. Thế là tôi bắt đầu tham gia lớp học bổ túc văn hóa với mong muốn tìm lại cái chữ.
Sau đó, tôi quyết định dành trọn cuộc đời mình để giúp đỡ những người lớn mù chữ, đi học. Tôi kể cho họ nghe nhiều chuyện minh chứng không ít người đã đổi đời ra sao khi họ biết đọc, biết viết.
Tám mươi phần trăm tù nhân ở nước Mỹ không biết chữ. Và tôi cũng đã đến với họ.
Tại một buổi lễ tốt nghiệp phổ thông của một nhà tù, học viên tốt nghiệp hôm ấy là những tội phạm thụ án chung thân. Tất cả họ đều bị cùm tay. Lính canh đứng ở khắp nơi. Người cai tù nói nhỏ với tôi: “Cô nhớ không được đưa micro cho tù nhân hay đứng gần bất cứ ai trong bọn họ nhé. Chỉ cần họ tước được micro nối với hệ thống phát thanh công cộng của nhà tù thì sẽ xảy ra một cuộc bạo loạn ngay”.
Tôi chúc mừng các học viên của tôi rồi trao bằng chứng nhận và phần thưởng cho họ. Những người này không bao giờ được ra tù, nhưng rõ ràng họ đã mơ ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ đọc được những trang sách viết về những miền đất lành mà có thể họ không bao giờ đặt chân đến được nữa.
Một thanh niên với vẻ mặt rất hung dữ bất chợt xin phép được bước lên sân khấu. Tôi khẽ liếc nhìn, người cai tù lắc đầu ra hiệu. Tôi nhìn anh thanh niên, đôi mắt anh rưng rưng, “Nhưng, thưa cô Harken, tôi chỉ xin được nói vài lời với người ông đã quá cố của tôi thôi” – anh nói như van lơn.
Tôi lại nhìn người cai tù, lại thấy ông lắc đầu. Quay lại nhìn người tù và chạm phải ánh mắt cầu xin của anh, tôi không thể nào ngăn được mình: “Được rồi, anh cứ lên đây”.
Vẻ mặt hớn hở như trẻ con của anh lấp lánh niềm vui, lòng biết ơn, sự thành thật và cả nỗi sợ hãi. Tôi không mảy may nghĩ rằng anh sẽ có một hành động quá khích nào. Tay anh run rẩy khi chạm vào micro, anh lau nước mắt và bắt đầu nói:
“Tôi muốn tất cả mọi người ở đây biết ông tôi, một người ông đáng kính… Tôi chắc rằng ông đang nhớ lại những lúc tôi chế nhạo bộ quần áo công nhân bạc màu xoàng xĩnh trên người ông…
…Ông ơi, cháu sẽ chẳng bao giờ được ra khỏi nơi đây vì cháu đã không làm theo lời ông khuyên bảo” – anh nghẹn ngào – “Cháu đã cố gắng thật nhiều để nhận tấm bằng tốt nghiệp hôm nay là vì cháu muốn để ông thấy cháu cũng có thể làm điều hay điều tốt. Ông ơi, cháu rất yêu ông…” – anh nghẹn lời một lát rồi tiếp – “Cháu xin lỗi vì đã không nghe lời ông”.
Người tù dứt lời trong lặng lẽ. Tôi nhận lại micro, nhìn người cai tù rồi nhìn những người lính gác. Mắt ai cũng nhòa lệ.
Thêm một khoảnh khắc thiêng liêng khác! Một khoảnh khắc sẽ sống mãi trong tôi.
“Niềm Tin là một sức mạnh có thể biến điều không thể thành có thể.”
0 nhận xét:
Đăng nhận xét