Home » » Không bằng lòng sếp, có nên ra đi?

Không bằng lòng sếp, có nên ra đi?

Tôi đã và đang làm việc tại vị trí tiền lương và phúc lợi, cấp bậc officer. Tôi tự tin về khả năng nắm bắt công việc nhanh, tính toán chính xác... và sếp tôi cũng xác nhận như vậy. Vấn đề của tôi ở chỗ tôi là người luôn muốn làm mọi thứ đều theo quy định công ty đã đặt ra, trưởng phòng nhân sự của tôi ra luật nhưng lại không nghiêm.



Nói nôm na là nếu theo quy định thì tôi nói "không" với công nhân viên, nhưng khi nhân viên "khóc lóc năn nỉ" thì trưởng phòng tôi lại nói "được". Những lúc đó tôi phải làm theo lời sếp nhưng có cảm giác mọi người ghét và xem thường mình, trong khi sếp thì được biết ơn và kính trọng. Và chuyện cứ lặp đi lặp lại.

Ngoài ra tôi là nhân viên phụ trách lương và phúc lợi nhưng lại không được giao tính toán thuế thu nhập cá nhân mà tự sếp làm. Tôi nghĩ điều này khiến nghề nghiệp của tôi phát triển không đầy đủ.

Tôi yêu thích công việc này, đồng nghiệp của tôi cũng hòa đồng nhưng tôi rất buồn, không biết mình có nên tìm việc khác không hay phải chịu đựng. Cũng xin hỏi là mức lương bình quân của một nhân viên nhân sự phụ trách lương phúc lợi với 4 năm kinh nghiệm khoảng bao nhiêu?

Xin cảm ơn nhiều.

(Tran hoa)
**************************************


- Trả lời tư vấn của VietnamWorks.com :

Chào bạn,

Bạn đang sở hữu những phẩm chất rất tốt: làm việc nguyên tắc và có tính kỷ luật cao. Điều này rất hữu ích cho quá trình thăng tiến nghề nghiệp sau này của bạn.

Tuy nhiên, cách nghĩ "luôn muốn làm mọi thứ đều theo quy định công ty đã đặt ra" là điều bạn cần suy ngẫm thêm. Cuộc sống - công việc vốn rất đa dạng, bạn nên điều chỉnh suy nghĩ theo hướng rộng, thoáng và tích cực hơn để xử lý tình huống linh hoạt, hợp tình, hợp lý hơn.

Để tránh lặp lại trường hợp tương tự (bạn nói “không”, nhưng sau đó sếp lại nói “được”), với những vấn đề tiếp theo, bạn nên trao đổi, bàn bạc trước với sếp hướng giải quyết, sau đó đi đến thống nhất quyết định. Mặt khác, bạn cũng nên dành ít thời gian chia sẻ lý do đi đến quyết định này với nhân viên phạm sai lầm, ý kiến và hướng khắc phục; và lưu ý rằng để đạt hiệu quả cao nhất, tất cả suy nghĩ và hành động của bạn phải dựa trên tinh thần xây dựng, góp ý, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Bạn là nhân viên nhân sự phụ trách lương phúc lợi nhưng không được giao tính toán thuế thu nhập cá nhân, bạn cần tế nhị tìm hiểu lý do tại sao (có thể do sếp chưa thật tin tưởng/hài lòng về bạn, hay đây vốn là công việc của sếp...). Từ đó bạn tìm hướng giải quyết, bày tỏ nhẹ nhàng nguyện vọng, sự quan tâm của bạn đến những công việc yêu thích với sếp và kiên trì thuyết phục sếp bằng thái độ làm việc mà sếp mong đợi ở bạn.

Điều quan trọng là với tình trạng đang gặp phải, bạn không nên giữ trong lòng suy nghĩ chịu đựng, mà cần thay đổi cách nhìn nhận vấn đề, giảm bớt cái tôi của mình, chấp nhận và thích nghi với những thứ vượt khỏi tầm kiểm soát của bạn. Điều này có thể bước đầu khá khó khăn, nhưng một khi bạn điều chỉnh được bản thân, bạn sẽ cảm thấy tâm lý thoải mái hơn, công việc từ đó hẳn sẽ trôi chảy và hiệu quả hơn.

Sau một thời gian cải thiện, nếu bạn cảm thấy vẫn không hiệu quả và thật sự khó khăn, bạn có thể tìm cho mình một hướng đi mới.

Theo sự mô tả vị trí của bạn, mức lương bình quân trên thị trường có thể dao động quanh 5-7 triệu đồng hoặc nhiều hơn tùy thuộc khả năng của bạn. Những yếu tố về loại hình và quy mô của công ty, chính sách lương bổng của phòng nhân sự... cũng ảnh hưởng đến mức lương của bạn.

Chúc bạn sớm tìm lại niềm vui trong công việc!


Sưu tầm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét