Home » » Thất Nhân Tâm - Phần I - Chương 1

Thất Nhân Tâm - Phần I - Chương 1

NHỮNG CÁCH LÀM CHO NGƯỜI DỄ GHÉT

 
A. NHỮNG CÁCH DỄ GÂY THÙ CHUỐC OÁN 

1-Ham cãi lộn và cãi cho thắng bất cần phải quấy. 

Ông Constant viết về đời tư của Napôlêông nói lần nào chơi bida với Hoàng hậu Joséphine, Napôlêông cũng nhường cho Hoàng hậu thắng. Ta rút ra từ đó bài học quý báu này là trong những việc nhỏ nhặt nhiều khi muốn cho cuộc sống êm dịu ta phải nhịn thua. Năm xưa, tôi có hai người bạn cãi nhau thiếu điều đánh lộn về con số đo bề cao của đỉnh Everest. Trong vô số cuộc hội thảo, từ những phiên họp thông thường đến những hội nghị quan trọng, bạn biết thiếu gì người không lo tìm chân lý mà bắt bẻ từng tiếng nói nữa, biến thành cãi lộn hàng tôm hàng cá. Người ham cãi lộn và ngụy biện chẳng những không thuyết phục được ai hết mà còn tiêu hoang dũng khí, tư cách của mình. Tổng thống Lincoln khuyên một sĩ quan trẻ tuổi nọ: “Ai muốn luyện tâm hồn không bao giờ cãi vã. Tính tình sẽ thành khó chịu, tự chủ sẽ tiêu tan do những cuộc gây gổ đó”. 

Tranh luận đứng đắn thì không nói gì chớ gây lộn thì đừng mong có kẻ thắng người bại. Ai cũng bảo rằng mình có lý. Kết quả chỉ gây thù chuốc oán sau khi đã đem những cặn bã của thú tính ra choảng nhau một cách dã man. Cũng có thể một bên câm họng vì bên kia “cả vú lấp miệng em”. Mà như vậy có phải bên kia thắng đâu, chỉ là đàn áp thôi. Trong thâm tâm người bị cãi đến bặt hơi, chân lý chưa sáng tỏ, chỉ có uất ức, hiềm thù. Franklin nói cãi lộn làm cho người ta ngượng, ích lợi gì, vì có bao giờ cách ấy làm cho người ta đồng ý với mình.
Theo dõi những cuộc hòa đàm thí dụ ở Bàn Môn Điếm hay Ba Lê chẳng hạn, bạn có thấy tức hộc máu không? Mà ai dám bảo hai bên không là những bậc trí thức. Trí thức nói chuyện với nhau mà còn vậy huống hồ cãi vã với người thiếu hiểu biết. Ông Adoo không vô lý khi nói: “Lý luận không bao giờ thắng một người ngu”. Đó là chưa nói trong trường hợp tự ái nổi điên lên thì học hết mấy đại học cũng có thể phát khùng và tranh biện trở thành cãi lộn hay gì gì khác hồi nào không hay.

Thượng sách là bạn tránh các cuộc cãi vã và nếu cần tranh biện thì bình tĩnh bắt tình cảm qui phục trí lý. 

2) Mắng như tạt nước lạnh vào mặt rằng người ta lầm. 

Thì người ta lầm thật đấy. Tôi và bạn cũng có thể lầm như họ. Không phải chỉ Roosevelt mà cả Albert Einstein đều thú nhận trong một trăm lần xét đoán đúng chừng bảy tám chục lần thôi. Ông hoàng của triết là Socrate mà mấy ngàn năm trước cũng nói có một điều mình biết chắc chắn là mình không biết gì hết. Những bộ óc lớn của nhân loại còn thật thà tự thú như vậy huống hồ chúng ta. Nói chuyện hay tranh luận với ta, người khác không cho mình lầm đâu. Lại còn không chịu ai nói mình lầm. Tại ông “Thần tự ái” trong họ muốn như vậy. Bị mắng là lầm trong đầu óc họ phải quấy lẫn lộn. Họ chỉ còn nước chồm tới cãi sao cho thắng ta thôi. Chuyện bình thường kia mà muốn đổi ý họ đã khó khăn rồi. Ta mắng họ lầm là thêm giữa họ và ta một vách ngăn nữa. Cãi mà có quyền, có ăn “thù lao” như luật sư kia còn phải lựa lời “đắc nhân tâm” ông tòa. Bạn có thấy luật sư nào muốn đốt bạc của thân chủ mình bằng cách sửa lưng hay mắng ông tòa là lầm, là ngốc không? Còn ta, muốn kẻ khác vừa theo ý ta, vừa mến ta, tại sao ta làm họ mất mặt?

Họ có danh dự của họ. Nếu ta lầm, ta thành thật nhận mình lầm. Nhớ nhận thành thật. Không thành thật lời thú nhận trở thành nói móc và như vậy còn “khai pháo” hơn nữa. Bấy giờ chỉ có thù oán chất chồng. 

3) Lên mặt khôn vặt là trổ tài sái mùa. 

Trượng Nhân nói với Tôn Thúc Ngao rằng có ba điều gây thù chuốc oán: Tước cao, quyền lớn, lộc nhiều. Bạn nên thêm: Tài mà không biết yểm tài nếu không chết bậy cũng sự nghiệp tan tành. Đọc Tam quốc, bạn quên sao được Dương Tu trổ tài lặt vặt làm mất mặt Tào Tháo và bị tướng này trảm đầu. Trong “Sử Ký” Tư Mã Thiên chép: “Miệng Lão Tử khuyên Khổng Tử: người quân tử nhiều lúc phải sống như đứa ngu, bỏ đi kiêu khí và đa dục thân mới yên, lo bươi móc, biếm nhã chuyện thiên hạ thì vong mạng”. Vĩ nhân như Khổng Tử mà còn cần nghe những lời như vậy huống hồ người thường hả bạn? Quả thực như Nguyễn Du nói:
“Có tài mà cậy chi tài
Chữ Tài liền với chữ Tai một vần”


Người dù có tâm luyện đến đâu cũng không thoát khỏi bệnh thường tình của con người là “bệnh tự ái”. Trong thời Nam Bắc chiến tranh (ở Mỹ), chính sách của Lincoln có nhiều điểm sai lầm, Horace Greely mỉa mai, chỉ trích kịch liệt. Lincoln “mũ nỉ che tai” có thèm sửa đâu. Cũng may cho Greely vì ở Mỹ có dân chủ kha khá. Chớ phải ở xứ lạc hậu nào thì chắc có người ngồi tù rồi. Vì biết lòng người nham hiểm, nên Lưu Huyền Đức giả ngu, giả dại lúc lọt vào tay Tào Tháo. Ngày ngày Huyền Đức làm cỏ, trồng rau. Nghe Tào Tháo nói trong thiên hạ, anh hùng chỉ có Tào Tháo và mình, Huyền Đức giả bộ hoảng hồn, đũa đang cầm trong tay bỗng rơi xuống đất, viện lý là nghe sấm nổ ngoài trời mà thất kinh. Nhờ vậy, Huyền Đức khỏi nanh vuốt của Tào Tháo. Trong cuốn Chạm trán với đời, tôi nói bạn nhiều khi không làm ác với ai hết, nội một việc ta sống thiện, ta có tài hơn người cũng có thể cho ta bị hại. Bóng tối lúc nào cũng chực chờ bủa quanh ánh sáng. Có cái hơn người mà không “thủ chi dĩ ngu” lại đem khoa trương sái mùa mà rước họa.

4) Lầm lỗi mà cứ ngoan cố phản đối, giành phần phải cho mình. 

Nhờ khéo “mềm lưng” hay sao đó tôi làm lớn. Bữa nọ đậu xe chỗ cấm, bị cảnh sát phạt, tôi sừng sộ mắng lại tại sao tôi làm lớn mà cảnh sát phạt? Viên cảnh sát không ngán, cứ phạt. Bạn cùng đi xe với tôi thấy tôi vừa bị phạt vừa bị giằng co lôi thôi, trễ công việc, bước xuống xe nói phải quấy vài lời với viên cảnh sát. Ông này đổi giọng phân trần: “Nào tôi định làm khó dễ quý ông đâu. Biết quý ông có phận sự, tôi chỉ nhắc rằng ở đây không được đậu xe, quý ông nên xích lại đằng kia. Thế thôi. Tôi giận là tại ông ấy mắng tôi. Thôi được rồi. Quý ông đi đi”. Đấy! Bạn thấy không, kết quả do tôi ngoan cố, hách dịch và do bạn nhận lỗi, mềm mỏng.

Bài học lúc còn thơ trong câu ngạn ngữ pháp: “Lỗi tự thú đã được tha phân nửa”. Bài học ấy ai mà không biết, song không phải ai cũng thực hành. Thì cũng tại thấy tự ái mà người ta ai cũng ngại ngùng, khó chịu khi nhận lỗi. Ai biết thắng được khó khăn ấy, chiếm được lòng khoan dung dễ dàng. Elbert Hubbart tác giả bức Thông điệp gởi cho Garcia là một danh sĩ lỗi lạc, có lần bị một độc giả viết thư chỉ trích bằng những lời lẽ ít êm đẹp. Bạn biết ông phản ứng ra sao không? Viết thư nhận lỗi và mời độc giả lúc rảnh đến nhà ông chơi để thảo luận thêm. Đọc thư ông, độc giả ấy còn giận ông nổi không bạn? Ở nước ta mấy chục năm trước, Phan Văn Hùm làm một cử chỉ đẹp: Bị chỉ trích về một bài báo, ông làm mấy vần thơ trong đó thú nhận vốn Hán văn của ông là vốn tự học nên bị lỗi lầm. Và lời xin lỗi của ông làm cho kẻ chỉ trích ông thành bạn của ông. Không phải loài người chỉ mềm lòng khi được xin lỗi đâu bạn, từ bậc thiêng liêng đến phàm nhân đều đầu hàng trước “ma lực” của sự thú lỗi chân thành: Muốn nắm nhân tâm, tại sao bạn không dùng “mật pháp” đó? 

5) Nói như búa bổ vào mặt người ta. 

Bạn đọc giùm tôi ba lần câu này của Wilson: “Nếu bạn cung tay lên nói chuyện với tôi thì bạn yên trí rằng tôi cũng sẽ gởi lời lại bằng hai quả đấm”. Bạn có thấy chất triết lý thâm trầm về xử thế thấm lan dần trong tâm hồn bạn không? Thì vậy đó bạn. Mũi tên bắn vào tự ái thường dội ngược lại người bắn. Lửa đang cháy phải xịt nước chớ đừng chế xăng. Mấy ngàn năm trước, Lão tử nói: “Thiên hạ nhu nhược ư thủy, nhi công kiên cường giả mạc chi năng thắng”. Đức Giêsu thể hiện triết lý đó bằng hành động cao cả. Lúc bị quân thù bắt đánh, khạc nhố vào mặt, ngài làm thinh. Áp dụng nhu thuyết vào chính trị, Gandhi đề cao bất bạo động để trừ bạo động.

Ai cũng dễ nổi sóng. Nghe ai chọc tức, Phật cũng khó ngồi yên, điều đó đúng cho bọn côn đồ cũng đúng cho người trí thức chỉ có học vấn mà thiếu tâm luyện. Phải biết tự chủ lắm người ta mới biết dụng nhu trị cương. Người chí cực điềm đạm mới đủ can đảm mềm mỏng khi bị kẻ khác nói nặng. Họ biết rằng “ăn miếng trả miếng” không lợi gì cả. Vẫn biết có thứ giận thánh: Irasancta như trong trường hợp Đức Giêsu dùng roi đánh bọn con buôn không tôn kính đền thờ Giêsusalem. Vẫn biết như vậy. Song trong giao tế hằng ngày, ai không mềm mỏng, trăm việc bất thành đến gần trăm. Ai không có kinh nghiệm rằng trong thời qua, thiếu gì việc tại mình nóng bậy một chút mà hỏng. Ai không biết rằng muốn bắt ruồi phải dùng mật chớ không dùng giấm. Vậy mà người ta hay làm ngược lại. Người ta đó có tôi và bạn. Ta cứ tưởng rằng lý trí thắng lý trí nên ta thích lý luận, thay vì mềm mỏng thì lấy lý nhét vô óc người ta. Mà trong thực tế chính tim thắng óc, chính tình cảm bẻ gãy lý trí. Biết bao người làm nên nghiệp cả đều nhờ theo nhu đạo đức là bên ngoài mềm mỏng mà bên trong vận dụng ý chí mãnh liệt. Văn Vương bị vua Trụ bắt giam, xẻ thịt con Văn Vương là Bá Ấp Khảo làm mắm cho Văn Vương ăn. Văn Vương ăn vì nhẫn nại. Câu Tiễn lọt vào tay Ngô Phù Sai quỳ mọp, khúm núm. Trương Lương ba lần lượm dép, mấy lần chờ đón ông lão để lãnh ba quyển sách dạy an bang tế thế. Cả hai đều là những chí nhân thờ chữ Nhẫn. Socrate là bậc đại trí của nhân loại, lại bị “ông tơ bà nguyệt” trói cổ dưới tay một mụ vợ mất dạy, lấy sự hành khổ của vợ làm trường dạy mình thành thánh nhân. Thích Ca dạy lấy từ bi thế báo oán. Chúa Giêsu dạy hãy hiền lành và khiêm tốn trong lòng. Thưa bạn. Phải lắm! Nhu mới thắng Cương. Bạn không lầm đâu. Ôn tồn dịu ngọt sẽ thắng tất cả. Xin bạn thuộc lòng giùm tôi câu này của Napôlêông: “Chỉ có hai thế lực trên đời: Thanh gươm và tinh thần. Rút cục tinh thần đánh bại thanh gươm”. 

6) Kích bác cho người ta chống mình ngay từ lúc đầu bằng những tiếng “Không” hằn học. 

Trong cuốn “Influencing, Human Behavior”, Giáo sư Overstreet nói khi người ta đáp “không” rồi, lòng tự phụ bắt buộc người ta giữ quyết định ấy mãi và rất khó làm cho người ta đổi ý. Điều này càng đúng cho người làm lớn. Họ lỡ nói như vậy rồi. Họ tự ái, cho rằng đổi ý bị mất mặt. Biết tâm lý cố hữu ấy của con người hay không mà nhiều khi muốn dẫn dụ kẻ khác ta hớ hênh hoặc lo nói cho thỏa thích mà để họ chống đối ta ngay khi ta mới định thuyết phục họ. Ta có tự mâu thuẫn không. Ta muốn họ đồng ý với ta chớ phải ta định chứng minh cho họ thấy rằng ta học giỏi khoa lý luận đâu. Ta chọc tức kẻ khác khiến họ phản đối ta rồi thì ta đem năm bảy xe lý luận của Kant, Descartes đến đổ lên lưng họ chưa chắc phục lý ta. Ta phải thắng họ bằng con đường khác: bằng phương pháp của Socrate. Mẹ của Socrate là một bà đỡ đẻ. Trong tư tưởng Socrate bắt chước mẹ ở chỗ không “đẻ” ngay sáng kiến của mình mà giúp kẻ khác “đẻ”. Phương pháp của ông là đặt ra câu hỏi để cho đồ đệ hay đối phương đáp “Phải”, đáp “Có”. Dần dần, sau cùng họ nói ra điều Socrate muốn họ theo. Ngạn ngữ Trung Hoa nói: “Dục hành viễn, tất tự nhi”, nghĩa là đi xa phải đi từ nơi gần. Ta đừng muốn kẻ khác đồng ý trọn vẹn với ta liền. Mới quá, họ nghi ngờ. Vả lại bụng tự ái cũng cản họ làm như vậy. Biểu họ nghe mình thế này, thế nọ là tỏ ra “sứ” của họ rồi mà có ai thích ai lên mặt thầy mình bao giờ. Chỉ có cách duy nhất đế kẻ khác làm theo ý mình là mớm ý cho họ, giúp họ cưu mang sáng kiến, tự ý đề ra sáng kiến và thực hiện nó. 

7) Chặn họng không cho người ta nói. 

Bạn muốn dẫn dụ một người đang tức giận bạn phải không? Bạn làm cách nào?

Thế thường là chúng ta hành động như vầy: Ta lo phân bua, lý luận, dành phần phải về mình. Họ mới nói vài câu, ta cướp lời họ, kể lể tiếp, đem đủ thứ bằng chứng đổ lên đầu họ cho họ thấy rằng họ quấy. Trong cơn tan bành ở cái thế ăn thua đủ với ta, họ có thèm nghe ta nói phải quấy gì đâu. Bụng dạ họ đang như là nồi nước sôi đang cần xả hơi kia mà. Họ có lý của họ. Họ thèm bộc bạch tâm sự. Bạn đã nhớ chứ, đại gian đại ác như Tào Tháo mà cứ bảo mình làm nhân làm nghĩa. Học hành cao đến đâu là một chuyện, mà nô lệ tự ái của mình là một chuyện khác. Ta hãy ý thức điều đó để cho đối phương bày tỏ tâm can của mình. Có thể lầm lắm mà tại sao đối phương không thể có lý. Tìm chân lý phải có thái độ chân thành khiêm tốn.

Để đối phương nói chẳng những ta quý trọng quyền phát biểu cảm tưởng của họ mà còn học nơi họ những điều hay. Muốn nói một mình, thì mình nói mình nghe chứ ai cảm phục mình khi họ tức như nước sắp vỡ bờ. Ta tự phụ là khôn hơn người ư? Tự phụ chỉ làm thiên hạ ghét. Vả lại xét cho cùng như Dale Carnegie nói ta chỉ là phàm nhân. Giữa khôn và ngu chỉ hơn nhau tí chút iode trong hạch giáp trạng tuyến thôi. Bởi vậy những đại trí thức thường khiêm tốn là phải. Socrate bảo chỉ có một điều là mình không biết gì hết. Khổng Tử thì dạy biết nói biết. Không biết thì nói không biết. Trong những ngày tàn, đại triết gia Thomas DAquin nhìn đống tác phẩm khổng lồ của mình nói: “Đó là đồ rơm, đồ rơm!” Bạn phàm minh không lý gì tự phụ hả bạn. 

8) Cứ lên mặt dạy khôn người và cao ngạo với sáng kiến của mình. 

Lúc Wilson làm Tổng thống, có một sĩ quan ảnh hưởng mạnh nhất trên các quyết định của ông. Đó là đại tá House. Ông dùng bùa phép nào vậy? Bùa phép của ông như vầy: Khi muốn Wilson thực hiện điều gì, ông lựa cơ hội thuận tiện, nói sơ qua điều ấy. Nói sơ qua thôi, House không thuyết phục. Bạn nhớ kỹ nhé. Ông chỉ gieo giống sáng kiến nơi đầu óc Wilson. Khi Wilson đem sáng kiến bàn với ông, cho ai khác thì chắc vỗ tay reo là mình đã đề nghị như vậy. House không ngốc thế ấy, ông phớt tỉnh, chú ý nghe Wilson nói và góp thêm ý kiến để sáng kiến thành kế hoạch. Đó, “bùa phép” của House như vậy đó. Biết bao nhiêu người nằm trong cơ quan đầu não bao vây thủ lãnh mà không ảnh hưởng được thượng cấp chỉ tại không hành động như House. Không phải họ kém mưu kế mà tại họ trình bày mưu kế như bửa óc thượng cấp ra nhét túi khôn vào đó. Họ quên rằng càng làm lớn càng dễ tự cao tự đại. Đâu phải hễ ai làm lớn rồi ai cũng là một Lưu Bị thích có một Khổng Minh, một Lưu Bang thích có một Tử Phòng, một Lê Lợi thích có một Nguyễn Trãi hay một Nguyễn Huệ thích có một La Sơn Phu Tử. Mà chắc các quân sư này cũng không theo con đường nào khác hơn là con đường của House đối với Wilson. Tâm lý con người là tâm lý muôn thuở. Cái gì người ta thấy của mình thì người ta quý trọng hơn. Bạn đừng định đổi luật ấy của con người. Muốn ảnh hưởng ai đừng đốt đèn tài sáng quắc làm họ chóa mắt. Lại càng không nên coi họ như học trò, mà phải gieo giống sáng kiến cho nó trổ hoa kết quả trong lòng họ. Bạn nhớ gieo giống chứ không phải làm nghịch lại nhé. 

9) Thi ân rồi kể công để ân biến thành oán. 

Ân mà ban với lòng tốt kia còn có thể sinh thù để oán, huống hồ kể công để ân thành oán. Bạn ngạc nhiên ư? Bề trái của ân chua chát lắm mà đúng như vậy từ cổ chí kim.

Bà Phiếu Mẫu thấy Hàn Tín đói cho ăn cơm, Hàn Tín nói sau này có lúc tôi sẽ đền ơn bà. Nói như vậy Hàn Tín tự nghĩ phàm đại trượng phu mà ăn xin bát cơm thế này chỉ là một việc qua đường. Việc của đại trượng phu là việc cả. Nên nghiệp cả rồi sẽ thanh toán ân chớ không chịu mang ơn mãi. Bà Phiếu mẫu biết tâm lý mắng lại rằng tại thấy đói mà cứu khổ cho chớ có thèm được trả ơn đâu.

Lúc Huệ Tử làm tướng nước Lương, Trang Tử định đến thăm. Huệ Tử nghe ai sàm tấu nói: “Trang Tử đến để giành chức quốc tướng với ông”. Bạn thấy nghẹn ngào vì chua xót không?

Bạn chắc còn nhớ hài kịch “Chuyến du lịch của Perrichon” của Eugène Labiche chớ? Perrichon có đứa con gái đẹp, Armand và Daniel ngắm nghé bóng hồng ấy. Armand ba lần làm ơn cho Perrichon. Daniel thì được Perrichon thi ân. Thế mà oái oăm thay, Perrichon không gả con gái cho Armand mà lại gả cho Daniel thụ ân mình. Não nề không bạn, Armand thi ân mà vô tình làm Perrichon tự ái. Perrichon cưỡi ngựa té, Armand cứu là làm cho ông thấy rằng ông cưỡi ngựa dở. Ông bị kiện thưa, Armand cứu là làm cho ông thấy là ông sai lầm. Ông bị thách đánh gươm, Armand cứu là làm cho ông thấy rằng ông hèn. Kẻ làm cho mình thấy “dở”, “lầm” và “hèn” thì mình ghét. Perrichon nghĩ như vậy, và đã ghét mà còn chọn làm rể à?

Daniel giả bộ té xuống hố để Perrichon vớt lên là tạo cơ hội cho ông này tỏ ra hiệp sĩ, anh hùng. Chàng chiếm được cảm tình của Perrichon, và chàng trai nào mình thích thì gả con gái cho: Perrichon cho vậy là phải.

Viết đến đây tôi phải cứng bút lại trên tay. Tôi không còn biết nói sao với bạn. Tình đời như vậy đó. Trong Lục Vân Tiên, bạn thấy Kiều Nguyệt Nga đáp lại tiếng gọi con tim chàng họ Lục vì “Chữ ân lại buộc chữ tình lây dây”. Trong thực tế nhiều trường hợp xảy ra như vầy: Chàng A theo đuổi nàng B. Thật tình thi ân cho nàng, có thể sau cùng bị nàng trách là tạo cơ hội cho nàng xài lớn, thà để nàng túng thiếu hay hơn. Rồi trong khi chàng C cũng đeo đuổi nàng mà đểu giả. Viện lý là nghèo không lo cho nàng được gì, nàng thấy vậy thương, lấy của chàng A nuôi chàng C, trong lúc chàng C lạm dụng tình mù quáng của nàng để cầm chân nàng mà dòm ngó những giai nhân khác, giàu có, học vấn cao hơn.

Ân đẻ oán là vậy. Còn quên ân thì trong đời sao kể xiết. Đức Giêsu chữa 10 người khỏi bệnh hủi. Chỉ có một người sau khi lành bệnh trở lại cảm ơn Ngài. Chua xót nhất là người ấy không phải là người đồng hướng với Ngài. Biết bao cha mẹ “Nuôi con như biển hồ lai láng” về già kêu trời không thấu vì con trai sợ vợ, con gái theo chồng bỏ cha mẹ cô đơn, nghèo túng.

Tôi chưa nói với bạn vô số chính trị gia lúc sinh tiền ngồi trên chóp bu quyền lực làm không biết bao nhiêu công, ngã lăn ra chết có khi bị coi như một tội nhân ghê tởm.

“Ân” “nghĩa”, thưa bạn ban bố với lòng quảng đại còn như vậy huống hồ thi ân rồi kể công. Thi ân đã chạm tự ái người ta, kể công làm cho tự ái càng tan nát thêm. Ân do đó thành oán cay oán đắng.

Người xưa bảo: “Thi ân mặc niệm còn thụ ân mạc vong”. Tại vì làm ơn hãnh diện nên nhớ mà thụ ân tự ái nên quên. Biết chân lý ấy, khi làm ơn cho ai bạn làm vì đức bác ái và chuẩn bị lòng bao dung thì mới khỏi nghẹn ngào vì lòng vong ơn bội nghĩa muôn thuở của con người. 

 10) Lúc nào cũng chủ quan, bất kể quan điểm kẻ khác.


Muốn dẫn đạo người mà cứ khư khư chủ quan, bất cần đếm xỉa đến quan điểm kẻ khác là muốn việc phi lý. Tôi làm bậy, bạn có quyền mắng tôi. Song bạn đừng quên tôi có lý của tôi. Ngồi ăn trong một nhà hàng sang trọng, bạn thấy từ ngoài cửa dìu nhau vào một cặp uyên ương. Nàng đẹp lộng lẫy, còn chàng trai nhỏ con làm bạn tưởng đâu thứ người ở gốc lác gốc đưng gì mới lên. Bạn chê thầm nàng lọt tròng té nổ. Bạn có biết đâu nàng mê chàng không vì diện tướng bên ngoài mà vì chàng tài cao, ruộng đất cò bay thẳng cánh hay có khi vì lỡ kẹt “cái gì đó” mà trở thành duyên phận. Chuyện đời đa diện mà mình ngó vừa bằng cặp kính màu chủ quan vừa nhìn chỉ một phía nào thôi thì sao khỏi lầm được. Ta thường hay mắc cái tật đòi ai cũng nghĩ, cũng thích, cũng làm như mình. Tật thật kỳ cục. Ta là ta còn thiên hạ là thiên hạ. Bạn là trí thức, tôi là một gái kém học. Bạn trách tôi sao không mê bằng cấp của bạn lại đi mê kẻ giàu nhưng ít học. Bạn có thấy bạn vô lý không?

Tôi thi rớt đã oán ghét học hành rồi lại thêm mặc cảm học dở. Tôi thấy giữa bạn và tôi chênh lệch với nhau về tinh thần, tôi không thích. Bạn có giá trị tinh thần thế nào mặc kệ bạn. Còn tôi, tôi mê ai đáp đúng đòi hỏi của tôi. Bạn khinh bỉ tôi ư? Tùy bạn. Mà tôi tưởng chuyện đời vô số như vậy. Mỗi người có quan niệm sống, quan điểm lý luận riêng. Bạn đừng bắt bọ hung làm chim phượng hoàng hoặc ngược lại. Muốn chinh phục ai hay ít ra đừng tạo họ thành thù, bạn hãy dẹp cặp kính màu chủ quan đi, tập đặt mình vào địa vị kẻ khác. Xử thế như vậy bạn sẽ bớt bực tức, thấy đời đẹp hơn và có thể “đắc nhân tâm” hơn. 

11) Ai cũng thèm được thương hại và thèm thiện cảm. Cứ phớt lờ đi. 

Nhiều đứa trẻ chạy chơi đụng u đầu, tét mặt chạy về mẹ vừa khóc hu hu vừa kể lể. Nó cần được mẹ nó vuốt ve nghe nó phân bua rằng nó không làm cái gì hết, không lỗi gì ráo, tại người này, vật nọ làm đầu nó mọc sừng và mặt nó rướm máu như vậy. Bạn chỉ tưởng có con nít mới thèm khát thương hại và thiện cảm như vậy sao? Người lớn cũng y như vậy, thưa bạn. Tôi quen bà chủ một nhà hàng nọ. Cả chục lần gặp tôi bà đều cầm lại kể chuyện làm ăn của bà. Bà to con, tiếng rổn rảng nói thao thao bất tuyệt. Nhìn bà, tôi thầm cảm ơn ông tơ cho tôi khỏi cùng bà kết duyên. Ớn bà quá. Bà nói nào bà buôn bán lỗ, bà bị phạt thuế, bà bị gian lận. Bà lôi cả chuyện con dâu, thằng rể bất hiếu bất thảo ra buộc tôi nghe. Tôi lóng tai nghe thì bà cho là vạn hạnh lắm. Bà bảo rót thêm nước trà cho tôi uống để ngồi lâu nghe bà than thân trách phận. Mới đầu tôi bực, mà suy nghĩ lại thì không phải chỉ một mình bà thấy đói khát bộc bạch tâm sự. Chính Lincoln trong thời làm Tổng thống đã nhiều lần mời một ông bạn già ở một tỉnh xa đến không phải để bàn quốc sự gì hết mà để tâm sự. Người có nỗi u ẩn ưa gặp người tri kỷ để bày tỏ. Nói ra cho tâm hồn vơi đi bớt trầm luân. Còn nói chi những người bị chỉ trích, bị tố cáo. Họ làm sao ăn ngon ngủ yên. Họ chịu không nổi cảnh cô độc. Sông sầu biển thảm trong họ thúc đẩy họ tìm người biết nghe họ để họ phân trần, phân bua.

Ngay những người chỉ trích ta, mỉa mai ta nặng nề nữa, thưa bạn, cũng có kẻ hối hận thú lỗi giao hảo lại với ta nếu ta chịu khó gặp họ, xin lỗi hay chấp nhận lý phải của họ. Bạn đừng tưởng chỉ thường nhân mới cần người hiểu mình. Đọc “Phúc âm thư”, bạn không thấy chúa Giêsu tỏ ra thích cách riêng môn đồ độc thân là thánh Gioan, kẻ thường gần gũi tâm sự với ngài sao. Vậy muốn nắm lòng người, bạn phải đáp thành thực lòng thèm khát thương hại và thiện cảm của kẻ khác. 

12) Không nghĩ kẻ khác tốt mà nghi ngờ, đố kỵ họ. 

Trước hết, tôi đồng ý với bạn trong xã hội có ác nhân. Có nhiều con quái vật không tòa án khám đường nào trị nổi đâu. Cũng có những bụng dạ lai quỷ coi luân lý như sọt rác và chuyên môn bịp. Bạn phải đề phòng những hạng người đó. Không thể lạc quan với họ được đâu. Nhưng chắc tôi nói điều này bạn không cãi: Đó là nhiều tên đại ác còn chút lương tâm ít ra đối với một giới nhỏ hẹp nào đó. Gian ác đầy đầu mà còn chút tia sáng ấy thì đa số loài người ai làm cái gì cũng hay nghĩ đến được một cái gì cao cả đó. Pierpont Morgan chí lý khi nhận xét rằng con người hành động thường bởi hai nguyên do: Nguyên do “chìm” tức một ẩn ý nào đó và nguyên do “nổi” là lý tưởng chân, thiện, mỹ, v.v...

Có thể khi hành động người ta nhắm nguyên do thứ nhất. Đó là nguyên do chính. Song dù biết vậy ta không cần nghĩ đến chi mà để ý nguyên do gọi là cao cả, tốt đẹp. Ta nhấn mạnh nguyên do này để kích thích họ. Ta thường có thói quen tấn công ngay mặt mà ít khêu gợi kẻ khác làm cho một việc tốt nhờ đó việc xấu không xảy ra. Nhiều nhà giáo dục cấm con trẻ mê ăn háo uống mà ít nhà giáo dục cho trẻ thấy ăn uống chừng mực đáng khen, có lợi.

Chơi với một người bạn có nhiều tính tốt mà lọt vài tật xấu, ta hay dựa vào tật xấu ấy để nghi ngờ, đố kỵ. Xét cho kỹ thì ta cũng có thể như bạn ta. Song đối với “thằng tôi” của mình nếu ta khoan dung bao nhiêu thì đối với kẻ khác ta nghiêm khắc bấy nhiêu. Thái độ ấy thường làm cho kẻ đã xấu trở thành xấu hơn và bạn trỏ thành thù. Ta nên theo lời khuyên của Dale Carnegie mà xử đối một cách khác, xây dựng hơn, đó là gợi ở kẻ khác tình cảm cao thượng để họ nương theo đó mà hành động tốt, mà từ thù thành bạn. 

13) Làm cho người ta chán ngấy toàn bằng những lý thuyết khô khan và con số nhức óc. 

Nhìn hai thớt voi đứng sừng sựng trên mui xe hiệu Chrysler ai không tin rằng loại mui xe ấy chắc. Người bán máy lạnh muốn cho người mua tin rằng máy chạy êm, đánh một que diêm xòe lửa, trong khi máy chạy vẫn nghe diêm quẹt cháy.

Nhiều nhà buôn khỏi sạt nghiệp nhờ biết lợi dụng con chuột hoạt họa Mickey để quảng cáo hàng. Các phương pháp trên đây chính truyền thanh và truyền hình đã làm, tức là đập vào thính giác, thị giác cùng óc tưởng tượng con người. Trong nhiều trường hợp muốn dẫn dụ ai, người ta dùng toàn lý thuyết và con số sẽ khó thành công bằng vận dụng âm thanh, hình ảnh. Ngay những người rất quen về đời sống tinh thần cũng lười suy nghĩ nhất là ở thời đại có đủ thứ chuyện làm cho người ta mệt như ở thời đại chúng ta. Nếu không nghe radio mà bắt bạn mỗi ngày đọc một xấp tin tức thì tôi không tin bạn ngày nào cũng đọc siêng năng. Nếu không xem truyền hình mà bắt bạn nghe thuật lại “Phim viễn du” thì chắc bạn ngáp dài. Vậy trong thuật dẫn đạo, bạn tác động trên trí hiểu kẻ khác mà đừng quên kích thích óc tưởng tượng của họ nữa. 

14) Ỷ tiền bạc, quyền thế mà bất kể chí tiến thủ của kẻ khác. 

Trong việc điều khiển người, vẫn biết “tiền” và “quyền” là hai yếu tố huyết mạch, song trong nhiều trường hợp ngoài hai yếu tố ấy còn có một động lực khác đó là chí tiến thủ. Lãnh đạo mà biết chọc cho khí ấy tức lên thì sẽ được nhiều hiệu năng ngoài sức tưởng tượng.

Roosevelt vừa thắng quân Y Pha Nho ở Cuba về, được bầu làm Thống đốc. Có kẻ nhao nhao lên phản đối, bảo rằng ông là kẻ ngụ cư, chỉ là tay võ biền không xứng làm Thống đốc. Ông nghe vậy thối chí, định rút lui. Platt nổi giận thách ông một câu: “Anh hùng núi San Juan mà nhát như thỏ vậy à?” Roosevelt bị chọc tức khí cương quyết đấu tranh và từ cái đà đó ông tiến vô tòa Bạch ốc. Tên ông ngày nay còn là tấm bia trong bao triệu người dân Mỹ. Ai trong mình cũng có động lực ẩn tàng núp dưới hình thức danh dự hay thể thống. Chọc ngay động lực thì “người hùng” của họ xuất hiện. Harvey Firestone nói tiền bạc không đủ nắm người tâm huyết, phải tạo cơ hội để họ chứng minh giá trị của họ. Nhờ bí quyết này mà hồi làm Thống đốc Nữu ước, AI Smith thúc đẩy được Lawes làm Giám đốc khám đường Sing Sing. Lawes biết không ai ngồi ghế Giám đốc đó mà thọ hết nên từ chối. AI Smith không năn nỉ, không mua chuộc, không gây áp lực. Một người như ông hành động khác, ông nói nghiêm trang với Lawes rằng: “Tại vì ghế đó chông gai, nên tôi mới cần một người như ông”. Lawes thấy mình hăng lên, muốn “thí nghiệm” khả năng. Kết quả là Lawes làm Giám đốc khám Sing Sing lâu nhất và nổi danh về các phương pháp cải huấn tù nhân. Bạn thấy không, hiệu quả của lá bùa tức khí. 

15) Trắng nói đen, đen nói trắng làm cho chính người thân yêu nhất cũng điên đầu. 

Nếu bạn muốn ai cũng phản đối mình, thì đây là cách chót, rất thần hiệu: Lường gạt. Ngày xưa Voltaire bảo nói dóc, nói dóc mãi, sau cùng còn lại một cái gì. Tôi không biết “cái gì” của ông già Voltaire là cái gì, song tôi biết “cái gì” đó là người nói dối không còn ai tín nhiệm nữa.

Nhìn người nói dối, bạn không còn biết dựa vào đâu để nói chuyện. Họ có một cuốn “tự điển” riêng trong đó ngôn ngữ không theo nghĩa điển chế thông thường. Họ vận dụng đủ thứ mánh khóe để ngụy trang sự thật. Lưỡi búa lường gạt không tha ai, kể cả người yêu của họ. Nếu nói dối là một lỗi biệt lập nghĩa là thỉnh thoảng vì lý do nào đó mà nói dối thì còn sửa được, còn tha thứ được.

Còn nói dối do bản tính quỷ quyệt tự nhiên, nói dối từ trong đường gân ống máu thì thôi, không sao chịu nổi và không dễ bị hoán cải.

Hòa bình nhân loại bị hăm dọa đời này sang đời kia cũng tại ngôn ngữ trong các hòa ước đổi trắng thay đen. Biết bao lương tâm bị con mắt Cain, tức lòng hối hận giày vò chỉ tại phản lại đức thành thật. Đa số gia đình tan vỡ tại đâu, nếu không do giả dối. Có thể ai cũng giả dối ít nhiều song chắc chắn bất cứ ai cũng quý mến người thành thực.

Trong “thập điều” của Công giáo có điều thứ 8 cũng giống một trong ngũ giới của Phật giáo là “cấm vọng ngữ”. Sự kiện ấy chứng minh rằng đức thành thật vô cùng quý báu và tối cần cho con người.

Gandhi lúc còn thơ ấu nói dối, mẹ buồn. Để cam kết với mẹ rằng không nói dối nữa, ông cầm cục than lửa trong lòng bàn tay đến khi cục than lửa nguội, về sau, trong thời gian tranh đấu, có lần ông nói vết thương trong lòng bàn tay ông là hình ảnh của mẹ ông và nó như “thần hộ mệnh” gìn giữ ông luôn trong vòng thành thật.

Gương ấy được mệnh danh là “Lương Tâm Nhân Loại”, có làm bạn cảm động không? Khi bị tra tấn, Đức Giêsu nói với quân dữ: “Nếu tôi nói thật, sao quý ông đánh khảo tôi?” Và cả đời Người hễ mở miệng ra giảng là bắt đầu bằng mấy tiếng “Quả thực, quả thực tôi nói cùng anh chị em...”

Vua Lỗ bảo Nhạc Chính Tử đem cái đỉnh giả nộp cho nước Tề. Nhạc Chính Tử bảo sao không đem đỉnh thật, vua Lỗ nói quý đỉnh ấy quá. Nhạc Chính Tử tâu: “Nếu nhà vua quý đỉnh ấy thế nào thì tôi quý chữ Tín của tôi thế đó”.

Lúc còn nhỏ có lần Washington chặt phá cây quý của cha ông trồng. Cha biết được giận dữ, ông khoanh tay lại thành thực xin lỗi cha. Abraham Lincoln nói ta có thể gạt nhiều người một lần, gạt một người mãi mãi nhưng không thể gạt hết mọi người. Mặt nạ của giả dối tuy đa dạng song rất bở, còn lòng chân thành nhiều khi xem ra thua thiệt mà rất bền vì nó là nền tảng của giá trị con người.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét